Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.230.276
 
"Gia đình bé mọn"
Trần Thiện Đạo

Trong vòng vài ba năm trở lại đây, nền văn chương Việt Nam bỗng dưng sôi nổi, ồn ào. Giới quan sát và phê bình và cả độc giả bỗng nghe thấy có nhiều giọng nói khác lạ, về mặt nội dung cũng như hình thức.

 

Tiêu biểu cho các giọng nói khác lạ này là bốn nhà văn nữ. Ba thuộc thế hệ đàn em là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, Thuận với Paris 11 tháng 8, Đỗ Hoàng Diệu với tập truyện đầu tay Bóng đè và một thuộc thế hệ đàn chị là Dạ Ngân, tác giả cuốn tiểu thuyết Gia đình bé mọn.

 

Trong khi cánh đàn em, mỗi nhà một thể cách độc đáo riêng biệt, thì đàn chị về tuổi tác cũng như sự nghiệp của họ là Dạ Ngân, trái lại, không gây sốc, không làm mới câu cú và cũng không mời gọi độc giả moi tìm ý nghĩa ẩn náu giữa những dòng chữ, hay đằng sau các trang sách.

 

Vậy mà chính thuật kể chuyện truyền thống, không hoa hoè, không kiểu cách, không cầu kỳ, có thể bảo là cổ điển đó mới là thành tố bất phân với nội dung, nghịch lý thay, đã tự dưng biến thiên truyện Gia đình bé mọn của Dạ Ngân thành một tác phẩm độc đạo - độc đạo chớ không phải độc đáo.

 

Một hình một bóng, trên con đường quen thuộc hơn một phần tư thế kỷ cầm viết trong Nam ngoài Bắc, tác giả đã nhè nhẹ nắm tay người đọc, rù quến, lôi cuốn, dẫn họ cùng rảo bước với mình từ trang đầu cho tới hết trang chót. Chính cách kể chuyện đơn giản và dung dị này là bệ phóng nhấc cuốn tiểu thuyết trồi lên, nổi bật.

 

Tác giả Gia đình bé mọn không ấp ủ cao vọng cách tân, đổi mới hình thức hay ẩn chứa ý tưởng cao xa và cũng không đảo lộn trình tự diễn biến sự việc tường thuật - có chăng thì cũng chỉ là để làm rõ sự việc đang tường thuật, cho nên thiên truyện hoá ra dễ đọc, dễ hiểu, tình tiết cũng dễ theo dõi.

 

Nhờ vậy mà tâm tình - tâm tình chớ không phải thông điệp, tác giả gởi gắm qua các nhân vật chánh và phụ, qua thực trạng xã hội phác hoạ, qua ký ức và hồi tưởng của mình, thảy đều được người đọc, có học hay thất học, tiếp nhận một cách dễ dàng, thấu triệt, trọn vẹn.

 

Và thích thú - thiên truyện đã chẳng được nối bản mấy lần chỉ sau một thời gian ngắn, và chắc còn in tiếp thêm nữa, đã chẳng được Hội Nhà văn Hà Nội chấm giải 2005 và phần nào đã thuyết phục hội đồng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam để tặng thưởng 2006 đó sao?

 

Chuyện kể rằng có cô gái Mỹ Tiệp trải nghiệm cuộc đời thanh xuân của mình ở một nơi không xa lắm, nhưng ngụp đầy xáo trộn - vào một thời kỳ không xa lắm, nhưng biến động tràn trề - trong một xã hội không ngừng chuyển mình từng giây từng phút, dầu vậy vẫn cứ khư khư phòng giữ nền nếp hủ lậu cổ truyền.

 

Vậy mà cô gái gầy gò yếu ớt ấy - ba mươi tám cân - đã đủ phẫn nộ, đủ tánh khí, đủ bản lãnh, đủ can đảm để dám vùng vằng và vùng vẫy, khi cương, khi nhu, kiên trì lần hồi bẻ gãy trọn mớ xiềng xích bủa vây mình, tự mình cởi trói cho mình, để cuối cùng toại nguyện sau bao nhiêu năm trời thử thách, thất bại và dằn vặt lẫn lộn, thể xác băm vằm và tinh thần bầm vập.

 

Trên bối cảnh đó không ngừng diễn tấu một số nhân vật đậm nét khó quên: Mỹ Tiệp, cô Tư Ràng, Hai Tuyên, Hai Khâm... nổi bật giữa một xã hội với bao hệ lụy của tình trạng bao cấp. Họ vừa là chứng nhân trực tiếp, đã thật sự trải nghiệm thời kỳ này trong máu huyết của mình, mà cũng có người là kẻ mê say tiếp tay để hành tội người khác.

 

Thiên truyện kể Gia đình bé mọn, như ghi chú ngoài bìa, là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng tiểu thuyết nào mà không gói ghém ít nhiều chất liệu rút ra từ trải nghiệm, từ cuộc đời của tác giả? Khác nhau chăng là ở chỗ chất liệu này thể hiện rõ nét trên trang sách, hay đã hoá trang biến dạng chẳng ít thì nhiều.

 

Tóm lại, qua Gia đình bé mọn, chúng tôi thấy quan niệm của tác giả về cuộc đời, về ý nghĩa và mục đích cuộc sống không xuất phát từ một đạo lý, hay một triết thuyết cao xa - Dạ Ngân khiêm nhường, biết rõ rằng mình không thể có thứ cao vọng đó, mà bắt nguồn từ kinh nghiệm chính mình đã trải qua.

 

Từ mấy thập niên qua, ở Pháp có một trào lưu gọi là autofiction, hay tự sự hư cấu, mà văn giới Hoa Kỳ nhại theo, nhưng chuyển thành surfiction, một từ đồng nghĩa. Nôm na mà nói thì tự sự hư cấu là những trang viết trong đó tác giả xào nấu, hư cấu những sự việc, những sự cố kín đáo riêng tư có thật, hay bịa đặt là có thật, đã xảy ra trong cuộc đời mình.

 

Cuốn truyện L'Amant (Người tình - giải Goncourt 1984) của Marguerite Duras (1914-1996) là một thí dụ điển hình cho thể autofiction trong nền văn chương Pháp đương đại. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở đây chúng tôi nhắc tới tác phẩm này của nhà văn Pháp: Đọc 295 trang tự thú Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, tôi luôn nghĩ tới cuốn Người tình.

 

Dẫu rằng đem ra so sánh, thì tác phẩm của Dạ Ngân có một bề dày lịch sử và một chiều sâu tâm lý khiến cho nó nghiễm nhiên trở thành chứng từ khắc hoạ một thời kỳ gian khó, qua những lời tự thú chân thật và chân thành về nhiều mặt (chớ không chỉ ở khía cạnh khát khao tình dục).

 

Paris, 25.10.2006

Lao Động Cuối tuần số 14 Ngày 12/11/2006
Trần Thiện Đạo
Số lần đọc: 2696
Ngày đăng: 13.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Hữu Dũng : Phớt tỉnh đi qua phố - Vũ Trọng Quang
Đọc ba tiểu thuyết mới : Những hành trình qua trống rỗng ,bài một - Nguyễn Chí Hoan
Mỏng manh thơ tìm yêu : Nhân đọc tập thơ RƠI NGƯỢC của Ngô Thị Hạnh ,NXB Thanh Niên 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Tự truyện – Loại hình tự thán hay tự tô ? - Ngọc Thiên Hoa
Lê Vân –Yêu và sống - Một hiện tượng văn học ? - Lê Xuân Quang
Bế tắc trong sáng tạo - Inrasara
Trần Hoài Dương và tuyển tập vừa xuất bản - Triệu Xuân
Tự truyện ‘Lê Vân - Yêu và sống’ - sám hối hay… - Nguyễn Tý
Hình như có người “cởi áo” trước hư không - Đặng Thân
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 1) - Ngọc Thiên Hoa