Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.264
 
Ngôn ngữ văn hoá Nam bộ trong bài ca vọng cổ của soạn giả VIỄN CHÂU
Tăng Tấn Lộc

Nói đến Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Tuân, Anh Đức, Nguyễn Đình Chiểu… ai cũng thừa nhận rằng các tác giả đã vận dụng một cách khéo léo và thành công từ địa phương trong các sáng tác của mình. Tuy nhiên, không những giới văn đàn mới làm được điều đó mà ngay cả các tác giả sáng tác nhạc tuồng cải lương, bài ca vọng cổ - nghệ sĩ ưu tú, soạn giả Viễn Châu - cũng rất thành công ở lĩnh vực này.

           

Có thể nói, đặc trưng ngôn ngữ văn hoá - từ địa phương - trong những bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu đã tạo nên một giai điệu mượt mà, sâu lắng nhuần nhuyễn, nhịp nhàng. Qua đó đã phản ánh lên một bức tranh quê đằm thắm, yên bình, nghĩa tình sâu nặng giữa người với người, một triết lý nhân sinh giản đơn mà sâu sắc, hay đó chỉ là một nét tính cách thôn dã, mộc mạc của người dân Nam Bộ. Những câu hát lời ca ấy không đượm chút hoa mỹ, bóng bẩy mà giàu tính bình dân, gần gũi với lối sống hằng ngày với mọi người. Chẳng hạn trong cách xưng hô của người Nam Bộ, ta cảm nhận một điều gì đó rất gần gũi, mật thiết đầy tình nghĩa :

 

"Tao thấy mầy về tao nhớ nhiều thêm." (Giây phút ngậm ngùi)

 

Khi nói về vợ hay chồng mình với người khác, người Nam Bộ cũng thường sử dụng nhiều cách gọi thân mật như : ông xã, má sắp nhỏ, ba thằng X …

 

Trong bài "Tôi đi hớt tóc" do Văn Hường ca có đoạn :

"Mỗi khi nghe má thằng Nhái cằn nhằn cửi nhửi

Nó nói đời bây giờ mà còn để củ tỏi Hạ Châu

Tía nó ôi, nghe lời tôi đi hớt tóc, gội đầu

Cho được gọn ghẽ bảnh bao cùng thiên hạ"

 

Tình cảm của người Nam Bộ đối với phía bên mẹ thường nặng hơn nên tương tự cách gọi "ngoại Năm", "ngoại Chín", trong nhiều gia đình các cháu cũng thường hay gọi dì của mình (chị hoặc em của mẹ) bằng má kèm theo thứ : má Hai, má Sáu,…  Cũng với ý muốn làm tăng tình cảm thân mật và giảm bớt tính cách trịnh trọng, người Nam bộ thường gọi ông chú, bác, cô, dì của mình theo thứ vị đó : ông Năm, bà Bảy, bác Hai …"Bác Sáu giăng câu cho xuồng cập bến ngước mắt nhìn tôi thay tiếng hỏi câu chào" (Bông ô môi)

         

Trường hợp người lớn tuổi nói với người nhỏ tuổi, nếu thân mật thì gọi bằng con, ít thân mật thì gọi bằng cháu, cũng có thể gọi bằng "thằng + thứ" hay "con +thứ". Chẳng hạn : " Cháu ở xa xôi về tự hồi nào, cháu ơi con Tư nó đã lấy chồng từ năm về trước nhưng số phần bạc phước vô duyên" (Bông ô môi)

 

Nhìn chung, các từ xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú và đa dạng. Những khác biệt nhỏ trong cách xưng hô làm nên sắc thái riêng của các phương ngữ. Chẳng hạn, khuynh hướng dùng tên riêng kèm ngôi thứ, trong quan hệ xóm giềng người ta thường gọi theo thứ trong gia đình : bác Sáu, cậu Ba,… cách xưng gọi của người dân Nam bộ mang tính bình dân, không theo tôn ty, trật tự bắt buộc. Có thể khẳng định rằng, soạn giả Viễn Châu là một trong số các tác giả sử dụng rất điêu luyện và thành công vốn từ địa phương Nam bộ trong các sáng tác của mình.

 

Nam bộ là vùng sông nước với nhiều kênh rạch chằng chịt, là mạch giao thông chủ yếu không những của đời sống kinh tế, xã hội mà cả đời sống văn hoá, tinh thần của người dân miền đất này. Chính vì điều kiện tự nhiên như thế cho nên cuộc sống của người dân bản xứ luôn gắn với sông nước. Do đó, số từ ngữ chỉ sự vật, hiện tượng có liên quan đến lĩnh vực này cũng rất phong phú- nhất là trong phương ngữ Nam bộ. Cũng do xuất thân từ miền quê sông nước Nam bộ nên các tác phẩm của soạn giả Viễn Châu cũng phản ánh một số nét đặc thù của vùng sông nước Nam bộ – nhất là trong các bài ca vọng cổ.

 

 "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào …"

 "Nhớ năm ngoái khi ghe vừa tới vàm sông ngã Bảy"  (Tình anh bán chiếu)

" Trên con thuyền cũ kỷ ai muốn sang bến sông này lão đưa rước dùm cho" (Ông lão chèo đò )

 

Với hệ thống kênh rạch như thế, phương tiện vận chuyển chủ yếu của người dân địa phương vẫn là các loại ghe, xuồng. Ở đây, anh bán chiếu đã sử dụng phương tiện đặc trưng của vùng đất Nam bộ để sinh sống hằng ngày, đó là chiếc ghe. Khi vận chuyển hành khách cũng như hàng hoá qua sông, người Nam bộ thường dùng đò hay thuyền để đưa rước khách. Nhưng đối với họ, phương tiện di chuyển tiện dụng hơn cả là chiếc xuồng. Xuồng ở nơi này được xem như xe làm chân của người dân thành phố. Có nhiều nơi học sinh đi học cũng bằng xuồng, đưa rước nhau cũng bằng xuồng :

"Em bơi xuồng ba lá tiễn đưa tôi đến tận đầu làng"

" Trên chiếc xuồng có một ông lão quen quen" (Bông ô môi )

 

Gắn liền với các phương tiện vận chuyển nêu trên người Nam bộ cũng đã có những từ ngữ chỉ sự vận động của họ trên vùng sông nước. Chẳng hạn như từ "chèo":

"Mặc dù tuổi đã già nua, vẫn còn chèo nổi con đò sang sông" (Ông lão chèo đò )

 

Thông thường, ghe phải có mái chèo dài khoảng 3m - 3,5m. Ghe tam bản cũng dùng mái chèo dài từ 2m - 2,5m. Một đặc điểm nữa của vùng sông nước Nam bộ đó là sự lên xuống của dòng nước (diễn biến theo chu kỳ)

" Khuya đêm nay ngồi chờ nước lớn nỗi buồn đau cứ canh cánh bên lòng" (Tình anh bán chiếu )

 

Nước lớn hay còn gọi là nước lên con nước chuyển từ mực thấp sang cao. Để chỉ nước lên người dân nơi đây nói là nước lớn. Còn có một từ rất đặc biệt là : "rong" (rông) chỉ con nước cao vượt mức bình thường. Trong một tháng hai lần (tháng 9, tháng 10 âm lịch), trước sau ngày rằm và ngày sóc thì nước lớn tối đa.

 

Ngoài ra, người dân Nam bộ cũng thường vận động trên các phương tiện với nét đặc thù của sông nước : cắm, nhổ,…  cũng như các hoạt động đặc trưng tiêu biểu ở Nam bộ : vác, gánh, quảy,…

" Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi" "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã Bảy"  

"Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không hồn". ( Tình anh bán chiếu )

"Trầu nặng gánh hay nặng tình em thương nhớ"  (Lá trầu xanh)

 

Khi muốn bộc lộ tâm tư  tình cảm hay bày tỏ với ai đó một điều gì, người dân địa phương Nam bộ thường sử dụng những từ ngữ hết sức mộc mạc, giản dị và chân thành mang đậm tính cách của người bản xứ.

 

"Địch Lang ôi! Khá dừng cương để thiếp đây tỏ bày hơn thiệt” ( Thoại Ba công chúa )

" Mỗi khi nghe má thằng Nhái cằn nhằn, cửi nhửi" (Tôi đi hớt tóc )

"Nhìn cánh thiệp hồng nằm trơ trên gác vắng nghe tâm tư chết lặng mối thương sầu" ( Được tin em lấy chồng )

"Võ Lang, Võ Lang, trời ơi, thiếp đã gào lên mấy lượt sao chàng vẫn im lìm trong cổ áo quan" ( Bạch Thu Hà )

" Em bỗng bâng khuâng đôi má hồng chín ửng" ( Cô gái bán sầu riêng )

 

Có thể nói, soạn giả Viễn Châu đã khắc hoạ một cách chân thật và đa dạng những cảm xúc tình cảm của con người Nam bộ : "sự tỏ bày hơn thiệt", "cằn nhằn, cửi nhửi", "gào lên"… mà chúng ta ít gặp trong phương ngữ Bắc Bộ. Qua đó, ta lại càng hiểu thêm về tình cảm, tính cách rất đổi chơn chất, thật thà của người Nam bộ.

 

Một trong những nét đặc trưng ngôn ngữ văn hoá Nam bộ trong bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu đó là ngữ khí từ, hư từ có liên quan mật thiết đến lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân miền sông nước. Cách nói dân dã và mộc mạc đó đã góp phần làm phong phú hơn vốn từ vựng tiếng Việt của chúng ta. Tiêu biểu có các từ : ôi, sao, ơi, mà,…

"Ôi sương trắng phủ màu tang trên nấm mộ"

" Hỡi ơi chiếc lá vàng bay vật vờ trong gió lạnh"  ( Lắng tiếng chuông ngân )

"Chớ cô bác nghĩ coi từ làng trên xóm dưới ai ai lại chẳng biết tên thầy Tư làm pháp sư đã bốn năm trời"

                                                                           (Pháp sư giải nghệ )

" Trời ơi! Ta làm vua mà không nghe lời can gián thì bảo sao đám thần dân không hận oán căm thù …”

                                                              (Trụ Vương thiêu mình )

            Nhìn chung, ngữ khí từ và hư từ trong tiếng Việt đã được soạn giả Viễn Châu sử dụng một cách nhuần nhuyễn và rất phong phú. Qua đó, giúp ta phát triển thêm vốn từ vựng mà chúng ta sử dụng hằng ngày trong cuộc sống.

           

Tóm lại, Ca cổ cải lương vốn là âm nhạc cổ truyền của dân tộc, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ca cổ là môn nghệ thuật chính yếu của dân tộc : có những bài ca rất trữ tình, sâu lắng, ca ngợi quê hương, đất nước; ca ngợi nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người làng quê sông nước Nam bộ cùng tình yêu đôi lứa son sắt, thuỷ chung. Qua đó, giúp ta cảm nhận một cách đầy đủ và sâu sắc miền quê sông nước Nam Bộ, gần gũi và gắn bó mật thiết hơn trong sự niềm nở tiếp đón của người dân bản xứ. Tính cách và tấm lòng chơn chất, thật thà ấy của họ sẽ mãi mãi được ghi khắc không chỉ trong lời ca điệu hát của soạn giả - Nghệ sĩ ưu tú Viễn Châu mà sẽ khắc sâu trong trái tim của mỗi con người - nhất là người dân Nam bộ.

Tăng Tấn Lộc
Số lần đọc: 5764
Ngày đăng: 13.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phật Giáo Việt Nam : Cuối Khúc Quanh Dài (?) - Trần Kiêm Ðoàn
Khánh Hoà - xứ trầm hương - Nguyễn Man Nhiên
Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực - Vũ Ngọc Tiến
"Lời tỏ tình" trong ca dao - Tăng Tấn Lộc
Nhân đợt kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam : Đông đàn liệu có nên mừng - Tô Đức Chiêu
Đi tìm thể lục bát Việt Nam - Tăng Tấn Lộc
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa :Hướng tiếp cận nhân cách học trong nghiên cứu - Nguyễn Văn Ninh
Vài kỷ niệm về anh Cung Đình Thanh - Nguyễn Đức Hiệp
Ba Giai Tú Xuất đã có tác giả ? - Nguyễn Tý
Liệu có cần bàn đến danh xưng “ Nhà Văn” - Nguyễn Đức Thiện