Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.225.131
 
Gặp lại Huyền Trân
Bùi Anh Tấn

Tặng nhà thơ Inrasara

 

            Thi tốt nghiệp đại học xong, chờ lấy bằng và cũng chờ kết qủa đợt thi xin học bổng vừa rồi. Nếu được học bổng sẽ du học 3 năm tại Đức, còn không thì xin việc làm mà việc ấy ba mẹ đã lo, Nguyên chẳng phải lo gì.

Hay con ra thăm chú Bình ít ngày nghe má.

 

Má phì cười, hết chỗ chơi rồi hay sao mà lại đến cái trại điên ấy để làm gì. Ba cau mày, bà chỉ được cái nói bậy bạ, không phải sao, ông thì lúc nào cũng binh chú ấy không hà. Mà tôi nói thiệt, mấy người làm trong trại điên thì hình như ai cũng điên điên hay sao ấy. Bà thiệt là, ba lắc đầu. Ay là ba má đang tranh cãi về chú Bình, em trai của má hiện đang làm giám đốc một bênh viện tâm thần tại Nha Trang. Má thương chú Bình và vì vậy mà chẳng bao giờ tha thứ  chuyện chú đang công tác ở thành phố lại chuyển ra bám riết cái “bệnh viện điên” ở tận Nhà Trang, năm thì mười hoạ đi công tác mới chịu vào thành phố thăm anh chị và các cháu một lần. Nói vậy thôi, khi Nguyên đi thì má sửa soạn cơ man nào đồ, chất đầy chiếc valy của Nguyên, mặc cho cậu la oai oái. Thôi ráng đi con, chú mày nó có một mình ngoải, vợ con thì vậy đó nên ráng mang chút đồ của má cho chú để tẩm bổ. Hai vợ chồng chú ly dị khá lâu rồi, cũng vì chuyện chú đang ở thành phố rồi bỏ ra Nhà Trang mà nên vậy, nay chú ở một mình, làm và gửi tiền cho vợ nuôi con.

 

Bệnh viện tâm thần là một toà nhà cao hai tầng, xây từ thời Pháp nên nhìn khá cũ kỹ. Người ra vô tấp nập, đời sống hiện đại nên xem ra người ta điên nhiều hơn, chú Bình nhận xét vậy. Nhìn chú, Nguyên chẳng biết chú nói thiệt hay nói chơi. Dẫn thằng cháu trai đi lòng vòng thăm bệnh viện, đến khu bệnh nhân, chú dặn, đừng có lân la vô đó làm gì, đứng xa xem được rồi, còn không nên có bác sỹ y tá hoặc hộ lý đi cùng, lỡ có chuyện gì thì phiền. Chuyện gì hả chú, thì bị cắn đó, chú nheo mắt nói, thiệt chẳng biết chú nói thiệt hay nói giả. Ngang qua một khu nhà thoáng mát, sạch đẹp mà Nguyên được biết đây là khu bệnh cao cấp giành cho người có tiền trả thêm mới đưa được người bệnh vào đây. Bệnh thì bệnh cả, nhưng có tiền vẫn hơn, chú nhún vai trả lời khi nghe Nguyên hỏi. Thốt nhiên Nguyên nhớ lời má nói, ai làm ở bệnh viện điên cũng hơi điên điên mà rùng mình.

- Chàng ơi chàng hỡi có hiểu cho chăng lòng thiếp đây…

 

Có một giọng ca ngọt ngào vang lên từ khu nhà bệnh sang trọng ấy làm Nguyên ngạc nhiên ngoái cổ nhìn, thế rồi một tiếng gọi vang lên bất ngờ làm cậu giật bắn người. Khắc Chung…Khắc Chung…chàng đó sao…Một gương mặt đẹp với đôi mắt sáng rực vẻ man rợ của một cô gái đang bám lấy song sắt cửa, cánh tay ngoắc ngoắc lia lịa về phía Nguyên, miệng gào ầm ĩ làm Nguyên cóng cả giò. Chú Bình lắc đầu lẩm bẩm gì đó và lôi Nguyên đi sềnh sệch, không trả lời câu hỏi của cậu, ai đó.

 

Được đi những năm đảo hòn Tằm, hòn Tre, hòn Mun…trong một tua du lịch do chú Kha bạn của chú Bình làm giám đốc công ty nên Nguyên còn được đặc cách lên đảo đi chơi đây đó mà không bị bó chân bó tay, cấm đoán du khách như quy định của công ty, Nguyên khoái quá. Đúng không đi thì không biết, đi rồi mới thấy đất trời bao la, đẹp làm sao.

 

Mai mốt chú Kha hứa với cháu sẽ thu xếp cho theo tàu ra mấy hòn đảo nằm ngoài tua du lịch, chưa ai đến, hoang sơ đẹp lắm. Nguyên khoe, vậy ah…chú Bình cười rồi nói. Nguyên nè, chú có chuyện tính nhờ cháu một chút. Chuyện gì hả chú, cháu có sợ người điên không? Uh…cháu cũng không biết. Đừng có nghe chị Hai tuyên truyền lung tung nghe, bả thì lúc nào cũng vậy. Nguyên phì cười khi nghe chú nhăn nhó nói về má, mà chuyên gì vậy hả chú. Thì chuyện cô gái hôm trước mà chú dẫn cháu đi thăm bệnh gặp đó. Nhìn đôi mắt tò mò của Nguyên, chú Bình giải thích. Là vầy nè. Bệnh tâm thần là do não bộ bị rối loạn mà gây nên những biến đổi bất thường trong cảm xúc, hành vi, tác phong … chưa kể là bị những thương tổn về hệ thần kinh như bị va đập chẳng hạn. Trong xã hội hiện đại càng phát triển thì càng có nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng cho sức khoẻ con người, nhất là về tinh thần, khi bị stress nặng cũng có thể gọi là một dạng bệnh tâm thần với nhiều trạng thái khác nhau. Nguyên ngơ ngác khi nghe chú nói thôi một hồi mà chẳng hiểu gì cả. Để rồi chú cho biết, cô gái hôm trước Nguyên gặp là sinh viên trường cao đẳng nghệ thuật khu vực miền Trung. Lo thi cử nên nhập tâm một nhân vật để diễn, do thần kinh lẫn sức khoẻ yếu, kết qủa bị stress nặng dẫn đến tâm thần. Gia đình buộc phải đưa vào đây chữa chạy, nhưng đến nay bệnh vẫn không thuyên giảm, đã thế sức khoẻ lại yếu, không ăn uống gì nên phải truyền đạm và nước biển liên tục. Không hiểu sao hôm rồi tình cơ gặp Nguyên, cô ấy một hai khẳng định chàng trai là Trần Khắc Chung và nhất định đòi gặp bằng được. Nguyên bối rối, Trần Khắc Chung nào, cháu có quen ai là Chung đâu. Không..không…chú Bình xua tay lia lịa. Đây là quan Nhập nội hành kiểm Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, một võ tướng đời nhà Trần ở thế kỷ 13. Thế cô ấy là ai. Là Huyền Trân công chúa, con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông và là vợ của vua Chế Mân của vương quốc Champa. Trời…Nguyên muốn té xỉu.

000

 

Chàng thấy bộ xiêm y này của em đẹp không?

Đẹp…à không…à đẹp đẹp lắm.

Nguyên bối rối nói cà lăm trước Huyền khi nàng uyển chuyển quay vòng tròn trước mặt chàng trai trên đôi chân nhỏ xinh xinh đứng mũi và hai bàn tay búp măng cong vút, thật đẹp, thế nhưng Nguyên chẳng còn bụng dạ nào mà ngắm nghía nữa, chỉ cố nhập tâm làm tròn vở diễn của mình.  Theo chú Bình vì Huyền quá nhập tâm nhân vật Huyền Trân công chúa mà thần kinh căng thẳng dẫn đến bị  stress nặng và có triệu chứng tâm thần nhẹ. Cô cứ đinh ninh mình đang là công chúa

Huyền Trân và mang nặng những tâm tư của nhân vật trong vở kịch không giải toả nổi, càng làm cho bệnh nặng thêm. Lý do nào Huyền nhận ra Nguyên là võ tướng Trần Khắc Chung thì chú Bình không biết, nhưng theo chú, ít nhất thì cô đã chịu trò chuyện với Nguyên qua nhân vật tưởng tượng Trần Khắc Chung. Vì vậy chú nhờ Nguyên giúp đỡ, đóng vai trò Trần Khắc Chung để trò chuyện, giải tỏa những khúc mắc trong lòng Huyền Trân công chúa cũng tức là Huyền. Chú tin rằng với sự trợ lực của thuốc men và một khi tâm lý được giải toả thì Huyền sẽ khỏi bệnh. Thú thật, Nguyên chẳng thích thú chút nào với nhiệm vụ bất đắc dĩ này, nhưng nể chú Bình, nhất là nhìn người con gái đẹp như Huyền mà bị điên loạn thì thấy thương quá và chàng trai nhận lời.

 

Hu…hu…Huyền ah, sao vậy em. Nguyên hoảng hốt cầm tay nàng hỏi và nhìn ánh mắt ngạc nhiên của Huyền, Nguyên chợt nhớ nhiệm vụ, ngượng nghịu nói. Kìa…Huyền Trân ,

 sao nàng lại khóc. Đây là lời thoại trong vở kịch được Nguyên nhắc lại nguyên xi.

Chàng có nhớ lần đầu chàng đến gặp vua cha tại Hành cung và nghe thiếp đọc bài “Hoàng hôn ở Thượng uyển” không?

 

Nguyên bối rối, hình như đoạn này không có trong vở kịch.

Thế rồi khi chàng theo thiếp lên chùa Võ Lâm, thăm Thượng hoàng ẩn tu ở đây thì chàng đã ngỏ lời cùng thiếp, chàng có nhớ không? Lời tình yêu ngày đó là thật lòng của chàng chứ. Trước những lời hỏi dồn dập của Huyền tức Huyền Trân công chúa, Nguyên ú ớ vì kịch bản mà chàng đọc chẳng có đoạn nào như thế này cả. May quá, y tá vừa kịp tiêm cho nàng liều thuốc an thần khi thấy Huyền có vẻ căng thẳng quá.

 

Cầm tập kịch bản đã học thuộc lòng, Nguyên buồn rầu rời khỏi bệnh viện.

Huyền Trân công chúa của Huyền mà Nguyên trò chuyện cả tuần nay luôn khắc khoải với Nguyên-Trần Khắc Chung những câu hỏi: chàng có thật lòng yêu nàng không? Những lời hứa ngày ấy nay chàng còn nhớ không? Sau cuộc phiêu lưu tình ái đầy hạnh phúc trên biển gần một năm, khi về triều thì trước cuộc công kích của triều thần tại sao chàng đã không dũng cảm đứng ra bảo vệ nàng. Để đến nỗi vì tránh lời dị nghị của thiên hạ, dù thương em gái nhưng Hoàng huynh Trần Anh Tông cũng đành phải nhốt nàng vào trong lãnh cung sống những tháng ngày cô đơn lạnh lẽo, chàng có biết?

 

Đứng trước ngôi tháp Chàm cổ kính và đầy những vết sứt sẹo của thời gian bám vào thành những vết thương loang lổ. Để giữ gìn hồn của người xưa nên quá trình tôn tạo lại, người ta đã cố gắng không dùng bất kỳ một thứ vôi vữa xi măng hiện đại nào để sửa chữa và vẫn chưa tìm ra được là người xưa đã dùng thứ keo kết dính gì để gắn kết những viên gạch lại được thành những ngôi tháp cao, chắc chắn đi qua năm tháng thời gian như thế này. Nguyên đi vòng quanh ngôi tháp Chàm cổ trong chiều nắng đang xuống chậm chạp, khung cảnh buồn thảm nhìn thật hoang liêu. Cũng chẳng biết do ma lực nào xui kiến mà Nguyên đã đón xe từ Nha Trang đi ngược ra Phan Rang để thăm mấy ngôi tháp cổ ngoài này. Không đến những ngôi tháp lớn đang phục vụ du lịch và Nguyên bỏ mấy chục ngàn theo một ông già chạy xe ôm chở chàng trai vô tuốt cái tháp nhỏ này mà theo người chạy xe ôm, còn giữ được phần hồn của tháp Chàm, còn ngoài kia, ông lắc đầu, lai tạp nhiều rồi.

 

Dậm chân lên mô đất, người chạy xe nói.

Nơi này khi xưa người ta lấy đất để xây dựng tháp Po Klaun Garay trên đồi Chek Hala tức đồi Cây Trầu ngày nay. Sau đó để kỷ niệm vua Chế Mân, người dựng tháp Po Klaun Garay mà người ta xây ngọn tháp nhỏ này.

 

Nguyên giật mình khi nghe đến tên vua Chế Mân.

Đến bây giờ thiếp cũng không biết việc làm của mình ngày ấy là đúng hay sai sau khi trốn theo Khắc Chung xuống thuyền về nước. Những tháng ngày nằm trong lãnh cung cô đơn lạnh lẽo, nghĩ đến những ân tình khi xưa Ngài giành cho, nhiều lúc thiếp ân hận lắm. Ngài đã phải dâng hai châu Ô, châu Lý cho cha và anh thiếp làm sính lễ. Lấy thiếp về, chịu bao nhiêu sự chê bai của quần thân, nhưng Ngài chấp nhận tất cả. Thế mà…phải chăng thiếp là người vô ơn? Câu hỏi khắc khoải của Huyền Trân công chúa hôm nào vang lên trong đầu Nguyên mà chàng trai vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

 

Nghe cậu hỏi, người lái xe già liền ngồi xuống bệ đá, nói.

Cuối thế kỷ 13, tuổi già sức yếu nên vua Indravarman V thoái vị nhường ngôi cho con là Jaya Sinhavarman II. Người Việt hay gọi chữ “Chế” phiên âm từ Phạn-Cri tức là (vua), còn Sinhavarman là phiên âm sau cùng gọi “Mân”, nên gọi hoàng tử Jaya Sinhavarman II tức là vua Chế Mân sau này. Đây là một vị vua khôn ngoan, hùng mạnh và làm được nhiều điều cho dân tộc ông, chỉ có một điều duy nhất mà đến bây giờ sử sách Chăm vẫn còn chê trách, đó chính là cuộc hôn nhân giữa ông và Huyền Trân công chúa thời nhà Trần, để mất hai châu quan trọng bậc nhất của vương quốc Champa là châu Ô và châu Lý.

Thế còn Huyền Trân , bà ấy liên quan gì đến chuyện này?

Huyền Trân – Người chạy xe ôm mỉm cười – Suy cho cung bà ấy chỉ là một người đàn bà đáng thương thôi, cậu hiểu không?

000

 

 

Dưới ánh đèn màu mờ ảo mà khán giả là một số y bác sỹ bệnh viện, không có được vũ điệu của một diễn viên chuyên nghiệp, người cứ cứng đơ theo từng bước chân thoăn thoắt của Huyền, mặc dù trước đó Nguyên cũng đã được hướng dẫn tập sơ sơ.

 

Huyền Trân  công chúa gục đầu khóc sụt sùi trên vai vua Chế Mân. Nhè nhẹ vuốt mái tóc thơm mềm mại của nàng, Chế Mân thì thầm.

Nàng đừng khóc nữa, ta hiểu lòng nàng và không trách nàng đâu.

Thiếp đã không xứng đáng với ngài. Để hậu thế đời sau mãi còn cười chê.

Hậu thế ư – Chế Mân trầm ngâm – Sau khi lên ngôi, việc đầu tiên mà ta lo lắng đó chính là bang giao như thế nào với nước Đại Việt hùng mạnh. Trước đó, vương quốc Champa đã bị Đại Việt chiếm rất nhiều đất và nay có nguy cơ mất nữa. Vì vậy, nhân chuyến đi thăm của hai vua Trần đến Champa thì ta đã nảy ra ý định kết thân với nhà Trần qua việc xin cưới nàng về làm vợ và Thượng hoàng Trần Nhân Tông đồng ý. Như vậy cuộc hôn nhân ta với nàng đều nằm trong sự tính toán của hai bên, nhà Trần được thêm hai châu Ô, Lý mà không mất một mũi tên hòn đạn. Còn ta được một mỹ nữ kiều diễm, nhưng quan trọng hơn là tạm giữ yên được bờ cõi trước nước Đại Việt hùng mạnh lúc nào cũng lăm le thôn tính nước Champa. Rất tiếc quần thần và thần dân của ta đều không hiểu điều đó mà sục sôi lên án, gây sức ép với ta. Họ nghĩ sao khi biết rằng thà mất hai châu Ô, Lý để giữ yên nền hoà bình cho đất nước hay là mất tất cả và sau này sự thật đã chứng minh điều đó.

Hôn nhẹ lên bờ vai tròn lẳng của Huyền Trân , Chế Mân thở dài. Ta thương cho nàng, một công chúa cành vàng lá ngọc sống quen phong thổ phương Bắc nay phải xa gia đình vào phương Nam sống với chồng trong một bầu không khí đầy thù địch, nghi kỵ. Ngoài ta ra, có  ai hiểu được tấm lòng và  sự hy sinh lớn lao của nàng khi về với ta.

Sau khi ngài qua đời…

 

Phải rồi, Chế Mân gật đầu. Ta còn rất nhiều kế hoạch lo toan cho đất nước phát triển lâu dài và cho cả nàng, cành liễu mềm mại của ta. Rất tiếc trời đã bắt ta đi nửa chừng để nàng lại bơ vơ. Lợi dụng sự không hiểu biết của triều Trần rằng, khi vua Chăm qua đời thì chỉ có hoàng hậu vợ cả tức hoàng hậu Tapasi mới phải hoả thiêu theo chồng mà nàng là hoàng hậu thứ ba thì làm gì có chuyện đó. Quần thần của ta liền tung tin với triều Trần rằng sẽ hoả thiêu hoàng hậu theo nhà vua để buộc hoàng huynh của nàng phải cấp tốc cử người vào rước nàng ra và nhân dịp đó họ sẽ đòi lại hai châu Ô, Lý. Những suy nghĩ thiển cận nông cạn. Tình thân thông gia giữa hai nước mất hẳn sau chuyến trở về của nàng và cuối cùng quân Đại Việt đã tấn công chiếm kinh thành Vijaya (Bình Định). Oi, đời ta chịu nhiều điều tiếng, ta không tiếc mà chỉ tiếc cho cơ đồ đất nước Champa của ta không còn nữa bởi những suy tính quá thiển cận của nhiều người. Bài học này có ai có hiểu thấu chăng?

Ngài không trách thần thiếp sao?

Không…có trách thì trách ta đây này. Đã không bảo vệ được nàng, yêu chiều nàng như đã hứa.

 

Nguyên diễn thật xuất thần khiến y bác sỹ ngồi bên dưới vỗ tay rào rào làm chú Bình cũng ngẩn người. Sau chuyến đi Phan Rang về, một hai chàng trai đòi chú Bình thiết kế một vở diễn nhỏ qua những đoạn thoại giữa Huyền Trân công chúa với vua Chăm Chế Mân và với võ tướng Trần Khắc Chung. Theo cậu thì vì quá nhập tâm vào nhân vật nên dẫn đến trạng thái tâm thần nhẹ của Huyền và nàng luôn sống trong nhân vật của mình với những trăn trở khúc mắc với hai con người kia. Thông qua vai trò hai nhân vật này, Nguyên sẽ giải tỏa khúc mắc của Huyền thì chắc là nàng sẽ tỉnh. Nửa tin nửa ngờ cuối cùng chú Bình cũng đồng ý, vì dù sao thì vụ này cũng do chú là người mở đầu.

Khắc Chung, bây giờ chàng ở đâu.

Ta ở đây và mãi mãi ở đây bên cạnh nàng.

Tại sao ngày ấy chàng lại nỡ nhẫn tâm bỏ thiếp.

Ta chưa bao giờ bỏ nàng cả. Tình yêu của chúng ta thật ra cuối cùng cũng chỉ là món trò chơi trong những mưu đồ quyền lực chính trị. Khi biết ta và nàng yêu nhau, các vua Trần ra sức ngăn cấm, tuy không ra mặt. Ta đã xả thân đánh quân Nguyên Mông vì nhà Trần nên công lao ấy được vua Trần ban quốc tính là Trần Khắc Chung, dù là thế nhưng nhà Trần vẫn không đồng ý chấp nhận tình yêu giữa ta và nàng bởi theo họ ta vẫn là ngoại tộc, mà nhà Trần vốn kỵ chuyện gả con cháu cho người ngoại tộc vì sợ mất ngai vàng. Thế xảy ra chuyện gả nàng cho vua Chăm Chế Mân, ta đau lòng biết chừng nào bởi hiểu rằng nàng đã trở thành vật trao đổi cho vua cha và anh mình. Thôi cũng đành an ủi, sự hy sinh của nàng cũng vì giang sơn xa tắc. Ta cố hết sức cứu vãn tình yêu của mình bằng mọi cách tác động, bàn ra và vì thế mà việc cưới xin giữa nàng với Chế Mân kéo dài đến gần năm năm (từ 1301 đến 1306) dù hai châu Ô, Lý đã về tay nước Đại Việt. Tiễn nàng về phương trời xa xăm mà lòng ta đau đớn khôn nguôi. Rồi xảy ra chuyện Chế Mân chết và triều đình Chăm đòi hỏa thiêu nàng, ta hốt hoảng báo với hoàng thượng Anh Tông và tình nguyện vào kinh thành Vijaya tìm cách đón nàng ra. Trước sự lưỡng lự của triều thần, ta đã lấy cái chết để bảo đảm. Chúng ta đã có những tháng ngày thần tiên hạnh phúc lênh đênh trên biển. Nhưng vì nàng luôn mang mặc cảm tội lỗi nên cứ đòi phải về triều trong khi ta chỉ muốn được giong buồm cùng nàng đi đến cùng trời cuối đất tìm hạnh phúc cho riêng đôi mình. Sau đó cả triều đình xúm vào chê bai tiết hạnh của nàng, gây sức ép buộc hoàng thượng phải nhốt nàng vào trong lãnh cung lạnh lẽo sống mòn  mỏi hết đến hết đời. Ta đau đớn biết chừng nào và căm giận những kẻ lúc nào cũng vỗ ngục tự xưng là chính nhân quân tử, bụng chứa đầy kinh sách, hiểu biết đạo lý của Thánh hiền mà lại ngu xuẩn cố tình bịt mắt mình, luôn mượn lý lẽ đạo lý để lên án nàng. Có ai hiểu những hy sinh lớn lao của nàng khi thân gái dặm trường ra đi vì mối bang giao giữa hai dân tộc. Cũng nhờ nàng mà nước Đại Việt mở mang thêm bờ cõi với hai châu Ô, Lý, bớt đi biết bao xương máu quân lính phải đổ trên xa trường. Bọn họ, những gã đàn ông sức dài vai rộng mồm miệng leo lẻo chê bai nàng mà không biết nhục với chính mình. Còn ta, Khắc Chung thở dài, từ lâu nhánh con cháu của Thượng quốc công Trần Quốc Tuấn vốn không ưa, nhất là sau khi Quốc công qua đời thì luôn đưa lời dèm pha với hoàng thượng những chuyện này kia của ta với ý thêu dệt có một nói mười. Chuyện tình yêu giữa ta và nàng càng làm cho bọn họ thêm căm thù bởi theo bọn họ đáng nàng sẽ lấy một trong anh em họ để bảo đảm giữ giòng giống như di huấn của tổ tiên. Sau chuyến trở về của nàng và việc nàng bị đưa vào lãnh cung thì họ càng tìm cách trút mọi tội lỗi đổ lên đầu ta. Thậm chí có lần Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng còn rút gươm định giết ta nhưng không được. Từ đó ta bị triều đình ghẻ lạnh, thân thế cô biết làm gì hơn và đành rút lui xa lánh mọi chuyện. Đêm đêm ta luôn nằm mộng nhớ tiếng sóng biển dập dềnh hạnh phúc ngày nào khi hai ta còn bên nhau. Đến tận cuối cuộc đời mình, ta vẫn mãi mãi gọi tên nàng trên môi, Huyền Trân ơi. Anh yêu em.

 

Trong một lúc không tự chủ được, Nguyên-võ tướng Trần Khắc Chung đã cúi xuống đặt một nụ hôn thắm thiết lên đôi môi hồng mượt như nhung của Huyền. Cả căn phòng như lặng đi và vài người đưa tay lên dụi mắt. 

Không…Chợt Huyền ngẩng đầu lên, nhìn Nguyên căm giận, gào lên – Anh là thằng hèn, anh đã lừa dối tôi.

Trước khi Nguyên kịp hiểu ra điều gì thì bốp…và tất cả tối sầm.

 

000

 

- Đã tỉnh dậy chưa…

Có tiếng hỏi lao xao. Nguyên từ từ mở mắt mà đầu đau ê ẩm. Gương mặt đầu tiên mà chàng trai nhìn thấy là chú Bình. Nhìn chàng trai, chú Bình toét cười sung sướng, suốt nãy giờ ông chết điếng vì lo lắng.

Cháu không sao chứ…

Không…

Nguyên nhăn mặt lắc đầu, chỉ ê một tý thôi. Chàng trai phải nói vậy vì thấy chú lo lắng quá và mọi người đều vui mừng khi thấy Nguyên tỉnh. Theo yêu cầu của cậu, Nguyên được đỡ ngồi dựa vào tường cho bớt chóng mặt. Cũng may vết đập sượt qua đầu và yếu tay nên không gây thương tích gì đáng kể.

Kẹt…cánh cửa mở ra và Huyền run run đi vào vẻ mặt còn đầy lo sợ. Nhìn nàng, Nguyên nhoẻn cười trấn an.

Huyền…Huyền Trân công chúa.

Hãy gọi em là Huyền được rồi. Em xin lỗi anh.

Giọng nói của Huyền rất nhẹ nhàng đầy tỉnh táo. Nguyên bối rối, liệu cơn bệnh của nàng lại tái phát chăng, nhưng chú Bình đã lên tiếng.

Cháu cứ nói chuyện với Huyền bình thường đi. Chú nghĩ Huyền tỉnh rồi.

Nắm bàn tay Nguyên, siết nhẹ, Huyền nói.

 

Em là sinh viên năm cuối của trường cao đẳng nghệ thuật khu vực miền Trung. Em rất thích vở ca kịch “Tâm sự Huyền Trân công chúa” nên đã chọn một đoạn trích trong vở kịch để thi tốt nghiệp. Trong quá trình tập thì em nhận thấy nhiều đoạn khúc mắc trong tâm sự của công chúa Huyền Trân không được tác giả kịch bản giải đáp thoả đáng. Tuy nhiên thắc mắc thì các thầy nói là cứ tập theo kịch bản, đừng thắc mắc làm gì. Huyền cúi đầu, nước mắt chợt lăn nhanh trên má nàng. Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được chú thím ruột nuôi dưỡng, chú của em là Giám đốc một công ty lớn của tỉnh và đang có tham vọng sẽ còn lên nữa. Tuy nhiên sau này trong công tác quản lý ông đã có nhiều sai phạm nên bị thanh tra. Hồi còn đi học, em có một người bạn trai thân, quen nhau nhiều năm nhưng sau này không hợp tính vì em thấy anh ta ham chơi hơn ham học. Dù em đã từ chối nhưng anh ta vẫn đeo đuổi em. Khi xảy ra chuyện thì chú  cầu cứu em giúp vì cha của bạn trai em là phó chủ tịch tỉnh phụ trách trực tiếp đơn vị của chú em, nếu ông ta có ý kiến thì chú sẽ thoát nạn. Em từ chối, nhưng rồi chú thím đều năn nỉ em, gia đình nội ngoại xúm vào nói vô. Cuối cùng coi như trả chữ hiếu mà em đành chấp nhận nối lại mối quan hệ kia. Chuyện gì đến rồi cũng đến, em đã thất thân với anh ta vì lời hứa rằng anh ta sẽ nói với cha của mình giúp cho nếu như em và anh ta là vợ chồng. Kết quả cuối cùng thì chú của em bị công an bắt, nhà bị niêm phong, còn gã bạn trai kia trốn biệt tăm và em mang một cái thai vô thừa nhận ba tháng. Đau khổ, xảy thai và uất ức bị dồn nén, tự nhiên em cảm thấy mình như Huyền Trân công chúa, cũng chỉ là một vật bị người ta mang ra mua bán đổi chác mà còn chịu nhiều tiếng oan ở đời.

 

Chú Bình thở dài. Khi đem Huyền đến bệnh viện thì gia đình giấu biệt chuyện ấy, chỉ nói rằng vì học nhiều quá nên bị stress nặng, cần chữa trị.

 

Xin lỗi, nhưng nhìn thì anh rất giống gã bạn trai phản bội kia, nên lần vô tình gặp trong bệnh viện em chỉ mong gặp lại anh. Anh đã giúp em giải toả những khúc mắc trong tâm sự của Huyền Trân công chúa, giúp em tỉnh trí nhưng chính lúc ấy em lại nghĩ rằng anh là kẻ đã phản bội em trước kia nên đã không bình tĩnh được. Cho em xin lỗi anh. Nàng cúi xuống và những giọt nước mắt lăn nhẹ trên gò má xinh đẹp mịn như cánh lụa hồng trước xuân sang làm cho Nguyên nao lòng. Cuộc sống và số phận, tại sao cứ dày vò những ngươi đàn bà đẹp, phải chăng vì ông trời quen thói đánh đánh ghen với má hồng?

 

Nguyên thở dài, đột nhiên cậu nhớ đến những lời nói của người lái xe già ở Phan Rang hôm chia tay. Đã hơn 700 năm qua đi nhưng đến bây giờ nhiều người vẫn còn tranh luận về câu chuyện tình giữa Chế Mân và Huyền Trân công chúa lẫn Trần Khắc Chung. Nhưng để làm gì hả cậu, lịch sử đã sang trang lâu rồi. Nay hai dân tộc Việt-Chăm đã là một, ví dụ như tôi đây-ông chỉ tay vào ngực mình-là kết tinh của giòng máu Việt-Chăm đấy và các con của tôi nay cũng vậy. Nhắc lại quá khứ hoài niệm có chăng là nhớ đến thân phận bi thảm của Huyền Trân công chúa, bà ấy đáng được thông cảm và trân trọng hiểu biết nhiều hơn nữa mới phải.

“Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười

Vốn đã không mất lại thêm lời

Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm

Một gái Huyền Trần của mấy mươi

Lòng đỏ khen ai lo việc nước

Môi son phải giống mãi trên đời…”

(Thái Xuyên-vịnh Huyền Trân công chúa)
Bùi Anh Tấn
Số lần đọc: 2564
Ngày đăng: 16.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Báo và Cọp - Văn Chấn Ngọc
Bến bờ xa lạ - Nguyễn Bính Hồng Cầu
Thúng quà quê - Nguyễn Một *
Những nốt nhạc xa xanh - Đổ Tiến Thụy
Nhân Cách Thơ - Nguyễn Nguyên An
Người xa lạ - Lương Minh Vũ
Giọt mưa lòng trong đêm của mẹ - Ngọc Thiên Hoa
Bóng Tôi ... (Phần 1) - Hồ Chí Bửu
Bóng Tôi ... (Phần 2) - Hồ Chí Bửu
Chuyện ba mươi năm sau - Đặng Hoàng Thái
Cùng một tác giả
Gặp lại Huyền Trân (truyện ngắn)