Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.151
123.226.519
 
Quê chồng
Đặng Huỳnh Lộc

1

Tình yêu của chị tôi và anh Nhân thật đầy bất trắc, có dịp tôi sẽ kể. Anh Nhân đến quê tôi đóng quân. Chị tôi và anh Nhân thương nhau. Một tình thương vượt qua khỏi tình thương quân dân. Trong một trận công đồn ven lộ Vòng cung thì anh Nhân hy sinh. Tin nầy đã làm cho chị tôi vật vã đến độ xanh xao, vàng võ. Làng xóm nói chị tôi và anh Nhân thương nhau nên anh Nhân hy sinh, chị tôi buồn. Nhưng sau đó làng xóm lại lời ra tiếng vào nói chị tôi mang thai. Ba tôi thì gặng hỏi còn má tôi thì trì triết. Nhưng chị tôi cứ khóc, không nói. Chị tôi đã toan tự tử nhưng tụi tôi kịp ngăn lại. Cuối cùng thì  thằng Lễ đã ra đời trong sự ruồng rẫy của gia đình tôi và trong sự cảm thông của làng xóm.

 

Sau khi anh Nhân hy sinh, ước muốn dẫn con về thăm quê chồng như đốt cháy ruột gan chị tôi. Suốt ngày chị cứ đứng ngồi không yên, miệng lẫm bẩm: “Để cho thằng Lễ nó biết quê nội”.

Đôi lần chị đã thử mạo hiểm, nhưng không thành. Chị xuống đến Cà Mau Nam thì quay lại. Trong những năm 1970 làm sao chị tôi có thể vượt qua được “bãi lửa" Thạnh Phú để xuống “túi bom” Đầm Thị Tường mà về Giáp Nước.Trở về nhà, chị không nói, không rằng. Suốt ngày chị cứ lầm lì. Chị làm cho cả nhà ái ngại. Ngay cả tôi là em trai út trong nhà cũng không dám mở lời, chia xẻ nổi niềm mơ ước không thành của chị. Cuối cùng chị tôi đã tự an ủi: “Ráng chờ ngày độc lập”.

Rồi ngày độc lập cũng đến. Cuộc đời đã không phụ lòng một ngời phụ nữ có tình yêu đầy bất trắc như chị tôi. Tiếng súng vừa ngưng, mìn pháo còn giăng đầy. Chị tôi đã bồng bế thằng Lễ về Giáp Nước.

 

Giáp Nước đẹp hơn anh Nhân kể. Con sông khúc khuỷu nằm như mơ màng ngủ giữa hai triền dừa nước xanh sẩm màu dịp lục. Từ ngã tư Giáp Nước, con sông lặng lờ chảy về hai phía, một phía về với mênh mông Đầm Thị Tường, một phía ra Vàm Đình hòa vào các nhánh sông, đến với điệp điệp trùng khơi sóng nước biển Tây.

 

Quanh ngã tư Giáp Nước, những thân dừa cụt đọt đứng chĩa lên trời dày như một bàn chông. Những thân dừa đen sạm trong nắng chiều hanh heo chẳng khác gì những ngôi mộ trong một nghĩa địa hoang tàn. Nhưng bên cạnh sự chết chóc đó là làng xóm trù phú với những mái nhà nhỏ ẩn mình trong những vườn cây xanh um. Bên cạnh sự hoang tàn như còn âm vọng vang tiếng súng là làng xóm trầm lặng. Sự tương phản đó chẳng khác gì sự bình yên sau một trận bom. Cuộc chiến tranh khốc liệt suốt hơn ba mươi năm vẫn không xóa đi được dấu vết trù phú của làng quê này. Qua khỏi ngã tư Giáp Nước đâu đâu cũng bắt gặp những thân dừa đầy vết đạn nhưng vẫn mang trĩu nặng những buồng trái oằn say.

 

Giáp Nước đẹp lạ kỳ. Sự tranh giành giữa đất đai và biển cả đã  để lại Giáp Nước những đầm trảng nằm giữa một vùng lao sậy và những bụi rậm um tùm của loài cây họ quyết, như một vùng rừng sát ngập nước hoang sơ. Nhưng Giáp Nước không hoang sơ. Đình thần ở Vàm Đình có cả sắc thần của Vua Tự Đức phong tặng như là một chiếu chỉ cho phép lập làng, Đình Thành Hoàng ở Rạch Láng đã được lập ra hơn trăm nay.

 

Người ta nói từ Đầm Thị Tường vô Vàm Khâu Bè đi luôn theo sông Giáp Nước về phía Vàm Đình, tới đập Chín Quy thì tới nhà anh Nhân gần hơn. Nhưng chỗ Đập Chín Quy có “bãi lửa”, không đi được.

 

Đến  ngã tư Giáp Nước, chị tôi rẽ phải vô vàm Rạch Láng để tìm nhà anh Nhân theo lời dặn của người chỉ đường. Chị ghé lại ngôi nhà đầu tiên - cũng theo người chỉ đường đã dặn. Ngôi nhà khá khang trang,  mái lá còn mới chứng tỏ vừa mới cất. Ngôi nằm cạnh bên Đình Thành Hoàng, quay mặt về phía một trảng rộng với um tùm sậy, ráng nhưng trông rất thoáng đãng. Cái trảng rộng nằm nối với con sông nhỏ uốn khúc, mới nhìn tựa hồ như ráng, sậy và triền lá dừa nước chắn ngang con sông không có lối đi.

 

Chị kéo vai thằng Lễ dừng lại trước ngôi nhà, khi nhìn thấy ngay cửa ra vào có gắn bức hoành bằng gỗ khắc ba chữ nho. Hồi nhỏ, chị có được ông Nội tôi dạy một ít để giúp ông viết liểng Tết. Nhưng chị học rất lười. Dù vậy chị vẫn có thể đọc được ba chữ nho khắc trên tấm hoành kia là “Trần Gia Trang”.              

Chị tôi nép vào cánh cửa gọi:

- Chủ nhà ơi cho hỏi thăm!

Bước ra là một người đàn ông điềm đạm chưa tới lục tuần:

- Cô hỏi chi?

- Dạ, cháu hỏi nhà bác Hai Chánh!

- Hai Chánh? - Người đàn ông lên tiếng như hỏi lại chị tôi, vừa như tự hỏi - Ở đây có Út Chánh? Nhưng mà cô bà con sao với Hai Chánh?

Chị tôi chỉ thằng Lễ, ngần ngại nói:

- Dạ, thằng nhỏ này là cháu Nội bác Hai Chánh.

- Trời ơi! - Người chủ nhà thảng thốt. Con thằng Nhân sao? Còn cháu?

Chị tôi lại ngần ngại:

- Cháu là mẹ nó! Chị nói rồi nhìn xuống đất.

- Trời ơi! Người chủ nhà lại thảng thốt một lần nữa. Vô. Vô nhà đi cháu! Ông nói trong hơi thở gắp.

 

Rồi ông gọi với ra nhà sau:

- Bà ơi, vợ thằng Nhân.

- Cái gì mà vợ thằng Nhân? Người đàn bà hỏi vọng ra.

Chị tôi sống trong ngập tràn hạnh phúc của làng xóm quê chồng. Má tôi bắt đầu cuống lên khi gần sáu tháng trời mà chị tôi chưa trở về. Bà bắt đầu nghĩ quẩn làm ba tôi cũng sốt ruột lây. Sau Tết 75, dường như Ba tôi đã hết  chịu nổi. Vừa ra giêng, ông quyết định: “Thằng Út chuẩn bị ngày mai đi Cà Mau kiếm con Chuyền”. Má tôi nghi ngờ: “Cái gì? Thằng đi Cà Mau? Rủi...”. Má tôi chưa nói hết câu thì Ba tôi ngăn lại: “Bà cứ nói...”. Ba tôi cũng không nói hết câu.

 

Tôi ra cầu Phụng Hiệp, đứng đợi hết buổi sáng mới leo được lên chiếc xe đò chật như nêm cối để đi Cà Mau. Cà Mau heo hút thiệt. Trong cái gió Tết thoảng lạnh, trời thì mờ mây, mặt sông nước dâng tràn giáp mí chợ trông vừa buồn vừa lạ, gợi tôi có cảm giác nôn nao vừa như nhớ nhà mà vừa như nhớ một điều gì đó mà tôi cũng không rõ. Hình như là tôi nhớ chị tôi. Tội nghiệp. Tôi có năm anh em, chỉ có chị tôi là con gái, nên má tôi cưng như trứng mỏng. Sau khi ba anh của tôi hy sinh, chị tôi muốn gì má tôi cũng chiều. Bởi vậy...

 

Từ Cà Mau tôi đi hai ngày đường mới tới được Giáp Nước để tới nhà anh Nhân. Chị tôi cứ cuống lên như sợ ở nhà có chuyện gì. Nhà chồng của chị tôi cũng cuống lên vì mừng. Còn tôi thì sốt ruột định gặp được chị tôi thì về ngay sợ ở nhà trông. Nhưng tôi đã phải mắc kẹt lại Giáp Nước cả chục ngày mới từ giã được sau đám cúng cơm anh Nhân.

Những ngày đó tôi như quên mất tên. Mọi người cứ gọi tôi là “em vợ thằng Nhân” rồi thay phiên nhau kéo tôi đi giáp xóm hết nhà này đến nhà khác mà tôi không tìm được lời nào để từ chối. Đầu tiên, buổi sáng sau đêm tôi đến Giáp Nước, cậu Năm Mỹ ở gần nhà chồng chị tôi rủ tôi qua nhà ...uống trà. Bình trà chưa cạn thì anh Ba Đời ở ngang kinh chống xuồng qua rủ tôi và cậu Năm qua nhà anh ăn cơm. “Nhà còn con vịt, nghe mầy xuống, hồi khuya chị Ba mầy thức dậy mần nấu cháo”. Anh nói.

 

Tôi đến. Nhà anh Ba Đời đã có mấy người ngồi quây quần. Ăn chưa xong bửa cháo, cậu Ba Thắng rủ cho bằng được tôi đến nhà chơi. Vậy là từ kinh Chín Quy tôi qua kinh Trâm Bầu. Rồi cứ vậy mà tôi hết nhà này đến nhà khác từ kinh Trâm Bầu qua Lung Lá, vô Bờ Mía. Tôi như người trong xóm. Tối đến thì “chủ nhà cuối cùng” đốt đuốc đưa về nhà chồng chị tôi. Cứ vậy mà tôi mắc kẹt lại Giáp Nước. Chị tôi nói hồi chị mới đến, ban đầu là bà mẹ chồng dẫn đi “giới thiệu vợ thằng Nhân”, sau đó thì hết nhà này đến nhà khác cũng “mời mọc” như vậy cả tháng trời.

Hôm nhà chồng chị tôi cúng cơm cho anh Nhân mà tôi cứ ngỡ như cả xóm cúng cơm cho anh Nhân. Tảng sáng, anh Ba Đời xách tới cập vịt rồi đi luôn ra nhà sau, cắt cổ cập vịt xong bỏ đó, lên nhà trên uống trà. Lát sau, chị Ba Lợi ở đầu kinh bưng tới nửa thúng khoai môn. Cậu Ba Thắng từ kinh Trâm Bầu ra, quảy theo nửa giỏ đìa cá đưa chị tôi: “Có cái đìa, cậu đợi hôm qua mới tác”. Mợ Ba Thắng theo sau, bưng theo một thúng cải xanh và một bó đậu đũa. Mợ Ba Thẹo đem đến mấy trái mướp. Dì Năm Bích nhà kế bên xách tới hai trái bầu... Sản vật của cả xóm được cả xóm mang đến góp vào để cúng cơm anh Nhân.

 

Ngay sau ngày cúng cơm anh Nhân hôm mùng chín tháng hai Tết, tôi quầy quả trở về Hòa An. Sau đó chẳng bao lâu chị tôi trở về nhà. Chị nói: “Chị còn muốn ở lại Giáp Nước nhưng chị muốn thằng Lễ có cha nên chị về”. “Chị nói nghe lạ”. Tôi nói. Chị không nói gì.

 

Chị tôi ra Hòa An chứng nhận giấy tờ gì đó. Tôi hỏi, chị nói: “Chị muốn thằng Lễ được công nhận là con anh Nhân”. “Vậy nó là con ai mà không phải con anh Nhân”? Tôi bực bội. “Nhưng người ta không công nhận”. Chị nói buồn rầu. Xem xấp giấy chị cầm trên tay, tôi hiểu. Chị nói chị đi Cần Thơ tìm ông Tư Ngay tỉnh đội trưởng. Trở về chị buồn rầu nói: “Mai chị đi Cà Mau tìm ông Năm Khởi ở chung anh Nhân đang làm chủ tịch Phương 5”. Trở về, chị tôi đưa ra tờ xác nhận của ông Năm Khởi mỉm cười tư lự: “Còn đi tìm ông Chính ủy xác nhận”. Hai ngày sau, chị tôi trở về phờ phạt, nằm vùi. Ngày sau chị lại bỏ cơm. Ở nhà không ai dám hỏi han gì, sợ động đến chuyện chị đang buồn. Ngày sau nữa má tôi không chịu nổi, buộc miệng: “Con đi, chuyện ... ra sao”? “Không có gì”. Chị tôi nói. “Sao lại không có gì? Thôi bỏ đi. Thằng Lễ có bên Nội là được rồi”. Má tôi khuyên. “Còn chuyện học hành cho thằng Lễ nữa má ơi. Người ta đòi lý lịch”. Chị tôi nói trong nước mắt. Tôi rón rén: “Nhưng mà chuyện ra sao, chị nói em tiếp”? “Không ai tiếp được. Người chị kiếm nhờ xác nhận hy sinh rồi”! Chị tôi thật sự nức nở.

 

Hai ngày sau chị tôi lại đi. Lại về. Rồi lại đi. Lại về... Cho đến ngày bên chồng chị tôi đến tìm thì chị đang ngã bệnh. Nghe chuyện, ông già chồng chị tôi điềm đạm: “Thôi con. Khó quá thì thôi”. Ông lại khuyên. “Ba với má lên xin phép ba với má con cho con với thằng Lễ về dưới ở. Còn chuyện nhà nước công nhận thằng Lễ là con liệt sĩ, Ba, má và các chú các cậu thằng Lễ sẽ lo.” Ông nói. Chị tôi rưng rưng.

 

Chị tôi còn bệnh chưa đi được. Mấy ngày sau thì bệnh chị tôi nặng hơn. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ nói chị tôi bị suy nhược tổng quát, cơ thể không còn tiếp nhận được dinh dưỡng. Bệnh viện cho chị tôi “xuất viện”. Ba tôi quay  mặt. Má tôi nức nở.

 

Mấy ngày sau thì chị tôi qua đời. Chị tôi mất khi chưa thực hiện được mơ ước là được công nhận là vợ liệt sĩ. Mơ ước đã làm nên cái chết của chị tôi sau những ngày đội nắng, dầm mưa, nhịn đói, chịu khát đi tìm người xác nhận chị là vợ anh Nhân.

Chôn chị tôi xong. Ông già chồng chị tôi nói ngắt quảng:

- Anh chị mất con còn vợ chồng tôi mất con dâu. Chuyện thằng Nhân, con Chuyền nên vợ nên chồng lẽ ra vợ chồng tôi phải biết. Nhưng chiến tranh, cách trở. Giờ hai đứa nó cũng không còn.

 

Trách nhiệm bây giờ là của người còn sống. Bởi vậy vợ chồng tôi muốn nói với anh chị, giáp năm cho phép vợ chồng tôi đem lư hương con Chuyền về dưới để các em nó thờ chung với thằng Nhân. Vợ choôi cũng muốn đem cháu nội về nuôi nếu được anh chị và các cháu cho phép.

 

Má tôi  ngần ngại nhìn ba tôi. Ba tôi nói không úp mở:

- Nghĩa tử là nghĩa tận. Tình nghĩa vợ chồng là chuyện bá niên. Mẫu tử không thể tách rời. Ý anh chị, vợ chồng tôi hiểu. Nếu anh hỏi đem lư hương con Chuyền đi luôn bây giờ vợ chồng tôi cũng đồng ý. Nhưng con Chuyền mới chết, không có bàn thờ nhà cũng lạnh lẻo. Thôi thì mong anh chị chờ đến con Chuyền giáp năm. Còn chuyện thằng Lễ tới chừng đó tính luôn.

 

Tụi nghiệp thằng Lễ, đến nay nó cũng chưa được công nhận là con liệt sĩ. Cũng may là nó chăm chỉ. Nó học hết đại học xây dựng mấy năm nay. Ngày mai đám giỗ anh Nhân mà nó đang tham gia khảo sát xây dựng cầu Mỹ Thuận nên không về được. Nó nhờ tôi đi thay xin lôi nội nó. Chuyện vậy nên tôi mới về Cà Mau chớ chẳng có cơn gió lành nào đưa tôi đến như ông hỏi. Thôi ngủ đi, mai dậy sớm đi với tôi.

2

Chuyện Thảo kể cứ làm tôi bồn chồn suốt chặng đường về Giáp Nước. Và tôi sớm nhận ra mình đã đến nơi khi bắt gặp khung cảnh của hơn hai mươi năm về trước mà đêm qua Thảo đã kể. Khác chăng là quanh ngã tư Giáp Nước không còn “những thân dừa cụt đọt như một bàn chông” mà Thảo đã nói. Thay vào đó là một dãy nhà cất theo ven sông trông khá hoang sơ. Cũng như tôi, Thảo nhận ra ngay cái nơi mà mình đã đến lần đầu cách đây hơn hai mươi năm khi anh nói: “Còn hai doi lá nữa là tới”.

 

Tàu ghé. Đi qua khỏi đập Chín Quy, Thảo nhắc:

- Chỗ này hồi đó là bãi lửa. Hồi tôi tới còn trái gài chưa ai dám đi bộ.

Tôi nhìn quanh “bãi lửa”, bây giờ là vài quán nước vắng khách và mấy căn nhà tạm bợ bên cạnh nhà máy xay lúa đang ngưng máy vì không có lúa. Dọc theo bờ kinh Chí Quy, tôi và Thảo đến nhà anh Nhân. Buổi trưa đầu năm nắng như đổ lửa báo một mùa mưa sớm. Giữa đường, một ông già nhận ra Thảo mừng rỡ, la toáng lên:

- Trời ơi, em vợ thằng Nhân!

 

Rồi ông hỏi đủ chuyện, nói đủ điều.

Khi sắp đến nhà anh Nhân, Thảo chỉ vào căn nhà cũ kỹ trống hoác, bên trong chỉ duy có chiếc sạp tre, hỏi:

- Nhà ai vậy chú? Hồi cháu tới chưa có.

Ông già sa sầm mặt:

- Ối, nhà của xã lấy đất của liệt sĩ Nguyễn Văn Nô cất cho bí thư chi bộ ấp. Con Bích vợ thằng Nô đòi hòi không trả, bà con trù ếm riết ngóc đầu không nổi nên nhà cửa trồng hơ, trống hốc.

Rồi ông kể:

- Hồi tám hai, thinh không xã ra quyết định lấy phân nữa đất của thằng Nô chia cho thằng Sử ở Lung Chim tới đây làm chi bộ ấp. Ở Lung Chim thằng Sử cũng có đất, nhưng vợ nó thua bài bán hết rồi mới tới đây. Bửa Ba Thắng làm chính quyền ấp đo đất cặm bông tiêu, con Bích nhổ dục. Ba Thắng tán con Bích hết một bộp tai. Con Bích la vang “chánh quyền đánh dân”. Nhưng cuối cùng thì đất cũng bị lấy. Con Bích kiện cả mười năm trời mà không ai giải quyết. Cho tới chín ba, xã kêu dân công lợi đắp nền nhà tính cất nhà khác cho thằng Sử. Bà con tức quá xúm nhau mấy chục người qua nghĩa trang Giáp Nước đục nguyên khối xi măng của nhà nước xây để hài cốt thằng Nô đem về để lên chỗ nền nhà xã tính cất nhà cho thằng Sử. Huyện cho công an qua nói thằng Nô là xã đội phó, có công lớn cho Phú Mỹ thành xã anh hùng, nên đòi lấy mộ thằng Nô về nghĩa trang huyện chôn để thực hiện chính sách. Bà con đâu có cho. Bà con nói, nếu thực hiện chính sách thì trả đất cho thằng Nô mới thực hiện chính sách. Cuối cùng huyện hứa trả đất, nhưng tới giờ còn bẻ co, đập nhẹp. Đó, cục mộ thằng Nô còn để sát bên vách nhà thằng Sử đó, lòng cây khiêng bỏ vô nhà thằng Sử bửa nào mà không được. Bà con chờ tới cúng cơm thằng Nô. Còn kế đó là nhà con Bích, vợ thằng Nô- vừa nói ông già vừa lia ngón tay theo hướng mình nói.

 

Máu “nghề nghiệp” làm tôi buộc miệng:

- Rồi ông Sử còn làm bí thư chi bộ không chú?

- Đâu còn. Có đất rồi làm chi bộ chi? Mà hồi còn, dân cũng đã khai trừ nó rồi - Vừa nói, ông già vừa chỉ vào ngôi nhà.

 

Trong nhà, một người đàn ông dáng nhỏ thó đang nằm thu lu một mình trên bộ vạt tre nghiêng người nhìn ra.

 

Nói láp giáp mà đã tới nhà anh Nhân. Ngôi nhà nhỏ, cất sâu trong vườn, có lẽ là do thói quen cất nhà trong chiến tranh của ông chủ nhà.Tới trước sân nhà, ông già đi chung chúng tôi cất tiếng:- Chủ nhà ơi, ra coi có ai quen hôn...?Trong nhà anh Nhân có mấy người quay ra nhìn. Một người cất tiếng gần như thản thốt: “Trời, em vợ thằng Nhân”!Nhiều người chạy ào ra sân mừng rở. Thảo luống cuống:

- Cháu chào hết các chú các bác!

Từ nhà sau, một người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn chạy ra mau mắn:

- Thằng Lễ đâu?

- Lễ nó bận khảo sát chuẩn bị làm cầu Mỹ Thuận nên không về được, nó nói cháu về xin lỗi bác với bác trai.

- Cái thằng!... Bà buông thỏng câu nói rồi quay ra nhà sau.

 

Đám giỗ anh Nhân khá buồn tẻ. “Những sản vật của cả xóm” như Thảo đã nói tôi không nhìn thấy đâu. Thay vào đó là mấy bọc bánh chợ, mấy chục chai nước ngọt để trên bàn thờ và dưới góc bàn thờ. Mọi người ăn uống qua loa rồi từ giả ra về.

Tối đến, tôi và Thảo được cậu Ba Thắng rủ lên nhà chơi. Trong ngọn đèn dầu leo lét nằm giữa kinh Trâm Bầu gợi tôi nhớ những năm tháng ở rừng. “Hồi chiến tranh, Giáp Nước chắc cũng như thế này đây”? Tôi thoáng nghĩ.

- Đám tiệc ở đây bây giờ buồn quá hả cậu? Tôi gợi chuyện.

- Ờ, nhiều người không có tiền nên không đi đám.

- Cậu được bao nhiêu ruộng?

- Sau giải phóng có chừng chục công. Cắc củm tới nay sang thêm mấy chục công nữa, nên mùa rồi phải đóng thêm thuế phụ thu do làm ruộng nhiều. Chắc mùa này chỉ làm đủ ăn còn lại bỏ hoang một mớ, hoặc có ai sang thì sang lại. Làm ruộng nhiều phải chịu hai ba đầu thuế, không có lời. Đêm xuống sâu. Câu chuyện lan man sang toàn chuyện buồn. Thảo ngồi im lặng mỗi lần cậu Ba đưa ly rượu tới bưng lên uống, không nói gì. Trong ánh mắt thẩn không biết Thảo đang nghĩ gì? Thảo nhớ anh Nhân, nhớ chị Chuyền hay Thảo đang nghĩ đến chuyện thằng Lễ chưa được công nhận là con liệt sĩ?

 

Phải chi anh Nhân đừng hy sinh? Phải chi chị Chuyền đừng chết? Phải chi tôi đừng theo Thảo về Giáp Nước chắc lòng sẽ nhẹ nhàng hơn? Chai rượu đã cạn. Nhiều lúc cậu Ba Thắng, tôi và Thảo cùng ngồi im lặng, mỗi người theo đuổi theo từng ý nghĩ riêng. Còn tôi, bao nhiêu điều “phải chi” cứ dồn cốn trong đầu.

 

Cà Mau, 3/97

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 3120
Ngày đăng: 17.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vận rủi… - Đặng Huỳnh Lộc
Rừng báo bão - Đặng Huỳnh Lộc
Rượu cay, muỗi đói... - Bích Ngân
Thị dân... - Đặng Huỳnh Lộc
Đi sẽ đến , tìm sẽ gặp - Trần hữu Lục
Canh Bạc - Võ Ðắc Danh
Mái chùa che chở hồn dân tộc… Đêm qua sân trước một cành mai - Trần Kiêm Ðoàn
Paris , Mùa thu tím… - Nguyễn Thị Hậu
Thời Của Ngựa - Võ Ðắc Danh
Người H.Mông hôm nay . - Nguyễn Thị Thu Hiền