Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.129
123.227.955
 
Đêm bảo Tuyết
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Dạo đó tôi định cư Hoà Lan chưa đầy một năm. Bộ cảnh sát ngoại kiều cấp một cuốn thông hành đầy đủ hình ảnh, tên, họ, ngày, tháng, năm và nơi sanh nhưng phần quốc tịch được thay vào một gạch màu đen đậm. Tôi hải hành khắp đó đây với quyển thông hành không quốc tịch ấy. Lần đầu tôi đến Leningrad. Có lẽ thấy tôi là người vô gia cư, vô tổ quốc và mới tỵ nạn sang nước tự do, nên khi tàu vô tới vịnh Phần Lan, ông thuyền trưởng xuống hỏi tôi có sợ không. Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói tiếp:

 

- Đừng sợ, bây giờ mầy là người Hòa Lan rồi.

 

Tôi là người Hòa Lan! Nghe thiệt chướng tai nhưng không biết nói làm sao, vì ngoại ngữ của tôi mới vừa học bập bẹ, mà câu chuyện muốn giải thích lại quá dài dòng,  nên tôi chỉ biết cười trừ.

 

Thiệt ra thì tôi không sợ ai hết. Chỉ khi tàu tiến lần vô hải phận Liên Xô tôi có cảm tưởng như mình từ vùng ánh sáng đi vào một cõi âm u nào! Khi tàu cặp bến, hầu hết thủy thủ đoàn đều khó chịu,  họ tỏ vẻ khinh khi cười chế ngạo những người bận đồng phục, đeo quân hàm màu đỏ và ái ngại nói chuyện với người bản xứ. Bực mình nhứt là mấy ông hải quan, mấy cha kéo xuống cả trung đội chia nhau vô từng phòng, rọi đèn pin lục lạo, moi móc trong kẹt tủ,  dưới gầm giường, xuống kho dự trữ thức ăn,lấy sắt nhọn đâm lủng mấy bao gạo, bao bột mì. Tên công an trưởng thì mặt lạnh như đồng, bắt thủy thủ đứng xếp hàng cho ông điểm mặt từng người rồi mới chịu đóng dấu cho nhập cảnh.

 

Theo luật lệ ở đây, thời gian nầy, thủy thủ được lên bờ chơi theo những nơi chỉ định. Nếu chịu trả năm Mỹ kim cho mỗi đầu người thì trên Hội Quán sẽ cho xe bus xuống bến rước đưa đi thắng cảnh ngày cuối tuần. Họ chở lên xem bảo tàng viện nước Nga nằm trên bờ sông Neva, vườn hoa Mùa Hạ, đài Chiến Sĩ Trận Vong và tòa nhà Cách Mạng Tháng Mười phía trước có dựng tượng ông Lê Nin đứng chỉ tay về khoảng trống bao la phía trước. Cuối cùng qua ngọn hải đăng bên kia cầu bắt ngang sông Neva mặc sức chụp hình. Chiều về ghé vô Hội Quán có sẵn bia, rượu và gái trẻ cho thủy thủ mặc sức  nhảy nhót vui chơi, nhưng trước mười hai giờ thủy thủ đoàn phải xuống tàu chớ không được lang thang trên phố.

 

Những ngày ở đây tôi làm quen với bà ngồi ở cửa hàng. Gian hàng nầy bán rượu mạnh, bia, thuốc lá... nhập từ thế giới tự do, vì vậy phải tính bằng Mỹ kim hoặc Đức mác,  đồng rúp ở đây không xài. Từ đó mỗi khi tàu về Bỉ trở qua, tôi mua đậu phộng đóng hộp và thuốc thơm gói vào gấy màu đem lên tặng cho bà. Sao đó mời con gái bà uống một chai Champagne và kéo cô ta ra sàn nhảy nhảy Disco. Những lúc ngồi không tôi thích  hỏi và nghe bà nói chuyện. Như chuyện trước khi được vô ngồi trong cửa hàng bà phải lo lót tiền cho viên giám đốc. Suốt hơn năm năm bà ngồi một chỗ bán hàng không được nghỉ một ngày. Chồng bà làm không đủ tiền lo cho gia đình nên bỏ đi đâu mất, bà sống vậy với hai đứa con gái trong một chung cư, đứa  tám tuổi đứa mười bảy tuổi.

 

Trước ngày tàu đổi tuyến đường, tôi có đem cho con gái bà một quần Jean và một chiếc áo thun trước ngực có in một đóa hồng và năm chục Mỹ kim. Bà nhã ý mời tôi về nhà bà ăn cơm nếu cần có thể ngủ lại với con gái bà. Dĩ nhiên đối với xã hội chủ nghĩa như vậy là phạm pháp, nhưng tôi thấy có rất nhiều thủy thủ theo gái về nhà ở lại đêm. Sáng xuống lo lót cho anh gác cổng môt chai rượu mạnh vài gói thuốc thơm là ổn thỏa mọi đàng. Nếu tôi chưa từng mục kích những cuộc bắt bớ vô cớ thì tôi cũng không ngần ngại làm tên điếc không biết sợ súng là gì. Lúc nầy Leningrad chưa đổi tên và cả liên bang Xô-viết còn treo cờ đỏ búa liềm. Ai biết được trong đêm sẽ xảy ra chuyện gì.

 

*

Mùa đông năm 1991. Sông Neva ngập đầy tuyết trắng, nước dưới dòng đông đá dầy trên cả thước tây,  nếu không có những chiếc hạm phá nát mặt băng cho tàu bè thuận tiện lưu thông thì người ta có thể mang giày ống đi bộ qua lại trên nặt sông một cách dễ dàng. Leingrad đã đổi lại tên  Saint. Petersburg và cờ tam sắc thay cờ đỏ búa liềm treo khắp nơi trong thành phố.

 

Đương lúc thế sự đổi thay, đời sống dân chúng gặp khó khăn.  Cộng đồng Âu châu gởi tặng một số lượng lớn thực phẩm như  áo,  quần và thuốc men. Công ty tàu ký hợp đồng chở số hàng ấy từ cảng Rotterdam và Antwerpen qua cảng Saint. Petersburg. Vì chuyến đi có tính nhân đạo, lòng dạ con người ta cũng được mở rộng hơn. Một thủy thủ có tánh khinh đời,  keo kiệt,  vậy mà xin được cái huy hiệu mười hai ngôi sao màu vàng đánh vòng tròn trên nền xanh dương đậm, tượng trưng Âu châu thống nhứt, hảnh diện cày lên ngực áo và sẵn sàng cho người nghèo một chiếc áo mới còn nguyên trong bọc.

 

Dân địa phương dạo nầy nói chuyện vui vẻ,  cởi mở hơn,  họ hỏi xin đồ tự nhiên chớ không còn rụt rè như trước kia nữa. Tuy nhiên những công an làm việc vẫn máy móc, mặt lạnh như đồng, nhứt là những ông già cấp bực cao mặt ngầu như chúa quỷ. Hy vọng trong tương lai,  thời gian dần dà đào thải những tối tăm trong cuộc sống, cho đời thắm tươi hơn và những gương mặt gian ác trên thế gian nầy mỗi ngày một trở nên thánh thiện.

 

Từ đó đến nay, dòng sông Neva đã trải qua bao lần tuyết đổ. Vậy mà bà giữ cửa hàng trên Hội quán vẫn còn ngồi y chỗ cũ. Thân thể bà mập ra, mặt bà tô nhiều phấn vẫn không lấp được nét nhăn của thời gian in đậm. Ông nhạc sĩ già vẫn còn ngồi bên chiếc dương cầm. Bây giờ ông đờn những bảng nhạc mới tình tứ,  yêu đời hơn thuở trước. Các cô chiêu đãi mới mẻ, trẻ trung, mơn mởn, duyên dáng, áo quần đủ màu đủ kiểu chào mời rất lịch sự.

 

Tôi muốn đến gian hàng xưng danh tánh và gợi vài kỷ niệm xưa hy vọng bà ngồi bán hàng nhớ lại tôi. Nhưng nghĩ tới những năm dài lênh đênh trên những tuyến đường có khi nào tôi nhớ tới bà đâu. Huống hồ chi bà ngồi một chỗ, ngày nào cũng thấy hàng trăm thủy thủ đến vội vã rồi hấp tấp ra đi. Dù sao tôi cũng chỉ là một trong những thủy thủ đã lướt qua mặt bà như chiếc bóng,  thì mắc mớ gì bà phải nhớ đến tôi.

 

Tôi nghĩ ra một cách để gợi lại trí nhớ của bà. Hôm sau tôi gói một hộp đậu phộng và một gói thuốc thơm đem lên trao tặng cho bà.  Bà cầm lấy ngạc nhiên ngước mắt nhìn tôi. Tôi cười một cái chào bà rồi đi nhanh vô phía trong leo lên ngồi trên chiếc ghế cao cẳng trước quày và kêu một ly bia. Không ngờ trò chơi lại hiệu quả.  Tôi uống chưa hết ly bia, bà đi đã tới bắt tay, cười chào và ôm hôn rối rít. Bà kể cho tôi nghe,  cô gái lớn của bà đã có chồng người Ba Lan hiện làm thủy thủ cho tàu du lịch. Bà chỉ tay về phía một người con gái bận bộ đồ màu đen có nạm kim tuyến. Bà nói tên cô ấy là Lu-Ba. Cô nàng đương bấu một gã đàn ông râu quai nón xồm xoàm và bước theo điệu nhạc chậm. Trong ánh đèn màu lờ mờ tôi không rõ mặt Lu-Ba, tuy nhiên vóc dáng và mái tóc xõa bờ vai làm tôi nhớ lại hình ảnh chị của cô nàng cách đây tám chín năm về trước.

 

Càng về tối người đến càng đông, ngoài sàn nhảy đã chật nít người. Đúng mười giờ rưỡi nhạc Disco ngưng, sàn nhảy được nhường lại cho đoàn vũ. Bảy tám vũ nữ rất trẻ, thân hình đầy đặn, ngực bốc lửa, mỗi cô khoác trên người một miếng vải mỏng màu hồng,  từ trong đi ra múa chầm chậm theo một điệu nhạc êm. Khán giả vỗ tay rân lên một loạt. Các vũ nữ tiếp tục múa, hễ mỗi lần các cô gỡ một mảnh vải trên người liệng ra thì tiếng hò hét hòa cùng tiếng vỗ tay và huỳt sáo. Đến đoạn gần chót, khán giả ngồi trước nghiêm nghị, khán giả giữa ngồi thẳng lưng,  khán giả ngồi phía sau đứng dậy nhón giò, tất cả hướng mặt về phía các người đẹp khỏa thân uốn éo trong ánh đèn màu hồng.  Trong không khí nực nồng mùi bia, rượu và thuốc lá. Nhạc sang điệu dồn dập,  các vũ nữ tháo quần xì-líp liệng tung về phía khán giả, tức thì tiếng la ó cùng tiếng vỗ tay vang dội tưởng chừng hội quán sắp vỡ tung!

Tôi đứng dậy bắt tay người đàn bà:

- Thưa bà, tui phải xuống tàu.

Bà ta giơ tay lên và chỉ vô chiếc đồng hồ, nói:

- Còn mười lăm phút nữa mới hết.

- Tôi biết.

Tôi day lưng bước ra quầy lấy áo, rút chiếc khăn choàng quấn vào cổ và khoác chiếc áo da lên người. Bà già đi tới hỏi tôi:

- Ngày cậu mai còn ở đây không?

- Thưa bà còn, tôi đi lại nơi đây ít ra cũng sáu tháng.

- Chiều mai cậu có lên đây nữa không?

- Không biết, nhưng có lẽ tui sẽ thường xuyên lên thăm bà.

- Chừng nào cậu lên tôi kêu Lu-Ba đến tiêp cậu.

- Vậy thì vui rồi. A, xin lỗi,  bà tên gì?

- Vera, còn cậu.

- Tôi tên Tấn, gặp lần sau đừng quên nhé.

- Không bao giờ.

Tôi bắt tay từ giã, bà tiễn tôi ra cửa. Bên ngoài tuyết ngập lên khỏi mắt cá chưn, xuyên qua ánh đèn đường  tuyết vẫn còn rơi mù mịt. Tôi dẫm trên tuyết, lần theo bờ kinh rồi men vô phố và rẽ qua con đường hướng về bến cảng. Tôi lụi hụi cắm cúi bước những bước thiệt dài, nhưng hơn nửa tiếng sau tôi chưa tìm ra đường về bến cảng. Trước mặt bây giờ trắng giã mù mịt, chiếc khăn choàng cổ tôi kéo quấn ngang mũi, hơi tôi thở ra vướng lại đóng đá nơi vành khăn, tóc sững lên cứng ngắc và da đầu tôi ê ẩm, chiếc áo da không ngăn nổi cái lạnh bên ngoài làm quay hàm tôi tê cứng, không đánh bò cạp được nữa. Ngó quanh ngó quất, phố xá vắng tanh, thỉnh thoảng vài chiếc xe điện rổn rẻn lạnh lùng lướt qua trên con đường sắt, bụng tôi bắt đầu lo và không dám đi tiếp về phía trước. Tôi bèn quay lại nhắm hướng có nhiều đèn trong phố bước cầu may, hy vọng tìm gặp được một quán cà phê hay một khách sạn chui vô sưởi ấm rồi nhờ họ gọi dùm chiếc tắc xi. Thời may đi được một đỗi, tôi thấy đèn xe hơi từ phía trước mặt lần lần chạy tới. Như gặp cứu tinh, tôi chạy ra giữa lộ và huơ cả hai tay. Người tài xế ngừng xe lại mở cửa. Không chào hỏi, tôi nhào đại lên xe. Anh hỏi tôi một câu bằng tiếng Nga, tôi không hiểu gì hết, lập cập tới lập cập lui bằng tiếng Anh: “Đi... đi xuống bến tàu... xuống bến tàu...”.  Anh ta đưa hai tay lên, lắc đầu làm dấu không hiểu tôi nói gì ! Tôi bèn móc túi áo, mò túi quần một hồi mới tìm ra địa chỉ giơ cho anh. Anh xem địa chỉ xong rồi gật đầu, vô số cho xe chạy.

 

Xe mệt nhọc chạy trên đường trơn, anh tài xế thỉnh thoảng lách tay lái làm chiếc xe chao chao trợt xuống lề đường, vậy mà anh vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn đưa tôi xuống bến. Tới nơi tôi móc hết số tiền trong túi đền công, nhưng anh không nhận, mặt vẫn tươi cười chào tôi và nói một câu tiếng Nga gì đó rồi anh quay xe chạy thẳng.

 

Khi xuống tàu ngồi trong phòng có lò sưởi ấm áp. Tôi nhớ tới vị ân nhân tốt bụng vừa rồi, biết đâu không có anh tôi đã bị chết cóng giữa thành phố lạnh băng, chỉ có tuyết và tuyết chớ không một bóng người! Và không biết sau khi hội quán đóng cửa, có người đưa mẹ con bà Vera về nhà hay không? Vì trên bước đường lưu lạc, tôi thấy con người ta thường hay lòn cúi hoặc giúp đỡ người ngoại quốc rất tận tình. Còn đối với đồng hương họ hay quay lưng ngoảnh mặt, thậm chí họ chà đạp lẫn nhau...     
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3387
Ngày đăng: 19.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chàng gàn - Vũ Ngọc Tiến
Gặp lại Huyền Trân - Bùi Anh Tấn
Bôn ba không qua thời vận ! - Vũ Trà My
Tình mộng - Trần Huyền Trang
Chuyện Báo và Cọp - Văn Chấn Ngọc
Bến bờ xa lạ - Nguyễn Bính Hồng Cầu
Thúng quà quê - Nguyễn Một *
Những nốt nhạc xa xanh - Đổ Tiến Thụy
Nhân Cách Thơ - Nguyễn Nguyên An
Người xa lạ - Lương Minh Vũ
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)