Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.123
123.228.452
 
Về thôi,Nguyễn Lương Vỵ.
Ngô Khắc Tài

Mặc dù thơ cần có nhiều giọng điệu tuy nhiên rượu ngon dù bất cứ chiếc bình nào vẫn ngon, vẫn nồng thơm. Bình cũ mà rượu mới ấy là trường hợp thơ của Nguyễn Lương Vỵ. Bạn đọc khó tính không thể quên Nguyễn Lương Vỵ qua ba tập thơ Âm vang và màu sắc, Phương ý, Ca xang trắng đỏ thuần nhất hơi cổ phong ý lại lạ mới. Đặc biệt qua thơ, bạn đọc được thông tin có một tâm hồn hào sảng sống và viết như vậy nên thầm xếp Nguyễn Lương Vỵ vào số ít người làm thơ  hiện đại. Tôi bắt đầu chú ý tới anh từ khi được đọc bài Âm  nhạc in trong Tập san Văn chương.

           

Miền Nam kể cũng rất lạ, nhất là đất Sài Gòn, từng thế giới song song phản chiếu nhau  mà lại hoà hợp, tương thuận. Vào năm 1974 chiến sự leo thang, đầu óc mọi người căng thẳng, chưa ai đoán biết được điều gì. Về mặt văn hoá xã hội, đồng tiền lớn mà giá trị lại nhỏ, quan quyền thi nhau vơ vét. Báo chí đưa tin. Muốn được trực thăng đến chiến trường cứu thương cũng phải chung tiền. Vũ trường mở ra khắp nơi, ở miền Tây tỉnh lẻ cũng có vũ trường. Không hiểu sao các quán nước lúc ấy tràn ngập nhạc Tàu, nhạc Ấn Độ (bây giờ là Rap và nhạc Thái). Với bầu không khí xô bồ như vậy, Tạp chí Bách Khoa đứng đắn cũng có bài hướng về thời sự. Ngược lại có nhóm bạn trẻ lại họp nhau ra Tập san Văn chương, như là họ đang sống trên mây. Mấy tay nầy ở đâu ra, mãi sau này hỏi mới biết số anh em chủ trương có người là thầy Sáu xuất thân từ chủng viện, người ở trong chùa ra. Tập San tuy không tuyên bố nhưng qua những bài tiểu luận cho thấy các tác giả như muốn tiếp tục hành trình của nhóm Xuân Thu Nhã Tập trước đây với tham vọng đổi mới văn chương và làm sống lại hồn phương Đông. Thơ khởi thuỷ là lời, kế đó là âm , hoà âm với toàn thể. Thơ không vẽ mà thơ là tư tưởng, là cảnh tượng, thiên nhiên như vật tự chiếu sáng. Phải nhận các bạn trẻ có trình độ, những điều tập san đưa ra cho thấy các bạn là những người khuynh hướng duy mỹ. Quả nhiên tập san văn chương như là một cuộc chơi ra được bốn số. Tuy sống ngắn ngủi nhưng tập san cũng đã gây được một ấn tượng, vẫn có người nhắc nhở và đọc lại. Trong số có bài Âm nhạc của Nguyễn Lương Vỵ. Nhưng ngay từ đoạn mở đầu bạn đọc ngạc nhiên khi đọc Âm nhập cốt. Âm binh phiêu hốt tiếng tru – Ta tru một tiếng cho mù mắt. À ơi rượu đỏ hoàng hôn tắt  - Ta dắt hồn ta luý tuý chơi.

           

Không hiểu tác giả muốn nói gì, nghe ai chơi đàn cung thương trầm xuống âm vực rào mà âm nhạc lại hoá ra âm binh, sao không là âm dương. Cảm xúc của Nguyễn Lương Vỵ ở đây thật là kỳ dị bất thường. Nhưng dần dần tôi nhận thấy rõ đúng là âm nhạc, bản giao hưởng thường có những chỗ rắc rối bí hiểm  để rồi thoát ra ngoài không gian dìu dặt. Bài thơ cũng vậy, từ chỗ hiểm nước suối ở khe chảy  ra bên ngoài róc rách, toàn thể bổng hiện lên.

 

Van kỷ cung thương còn réo rắt

Còn ta ru mãi quảng đời xanh

À ơi ai hát ngoài phương Bắc

Chờ nhau tinh đẩu sáng lung linh

Núi đá ngân nga chìm giếng lạnh

Sói đầu mây bạc áng thiên tinh

Ô hô quan tái đà xao xuyến

Giọt máu năm xưa bổng hiện hình

           

Hình ảnh một người chờ một người ra đi vì đại cuộc, hướng về ánh sao Bắc Đẩu: Người còn sống hay đã chết chưa biết nhưng giọt máu người đi lại đã tượng hình, tiếp theo bước chân của người. Tác giả thổi một mạch cổ phong, chữ nghĩa cho dù có tượng trưng, qua bề mặt, bề sâu của ngôn từ tác giả coi như đã để lộ tâm tư của mình. Lúc đó viết như vậy có thể gọi đó là người có gan. Tôi không biết  gì về Nguyễn Lương Vỵ, qua bài cái tên của tác giả lập tức được tôi ghi vào bộ nhớ. Và trực giác mách bảo cho tôi biết Nguyễn Lương Vỵ đích thực là một thi sĩ nhưng  vận mệnh đã vận vô câu chữ. Tôi vẫn chưa biết mình nhận xét đúng hay sai, từ đó bắt đầu dõi theo thơ của anh đăng trên các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Văn nghê TP HCM. Giữa bao nhiêu tên tuổi ồn ào  Nguyễn Lương Vỵ như có một cõi riêng, hơi thở cổ phong mà ý lại mới. Tình cờ gặp thêm bài thơ của Vỵ gởi cho đứa em thật cảm động “E điên ư? Sao người điên còn giọt lệ. Hay tiếng khóc kia là của đất trời”. Tôi vốn không giao du, xưa nay chỉ quen hình dung mọi người qua tác phẩm, dù chữ nghĩa khéo hay là vụng về nhất định vẫn để lộ ra cho biết  người đã sống và viết. Nhưng lần này tôi không dằn được tò mò tìm cách hỏi thăm về Nguyễn Lương Vỵ. Lúc này mới biết anh là dân Quảng Nam. Cha của anh Huyện Ủy Viên đã hy sinh. Có hai anh em mà em lại mắc bệnh điên, sống rất khổ rơi xuống sát đáy xã hội. Sau đó Nguyễn Lương Vỵ là Trưởng phòng văn hóa Thông Tin quận Phú Nhuận cuộc sống có khá nhưng nội tâm vẫn khổ. Và câu thơ “Ta tru một tiếng cho mù mắt” nhưng ứng hiện vào con của Nguyễn Lương Vỵ, đứa  nhỏ bị bệnh đau mắt. Anh trời một thật là lạ, muốn được đời nhờ đến thơ nên dồn hết vận xấu vào cho anh. Năm 95 tôi có dịp lên thành phố Hồ Chí Minh ghé thăm nhà thơ Trần Hữu Dũng. Hai đứa ngồi trong quán cóc phường Hưng Phú. Bạn nói để gọi Lương Vỵ  tới chơi cho biết mặt  để thôi văn kỳ thinh lại  không gặp nhau. Tôi can vì lúc đó đã 7 giờ tối, nghe nói Lương Vỵ cũng ở cách đây khá xa . Trần Hữu Dũng cam đoan nếu Vỵ không bận thế nào cũng tới. Quả nhiên gần tám giờ Nguyễn Lương Vỵ  chạy chiếc xe cũ kỷ đến, cùng đi có nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm. Mới lần đầu gặp nhau anh em như quen nhau từ lâu lắm. Đến đây như tôi đã nói Sài Gòn từng thế giới song song phản chiếu mà lại hoà hợp tương thuận nhau. Có những nhà hàng khách sạn 5 sao, những phòng khách văn nghệ  lại có những nhóm cùng một lứa lên trời lận đận. Đêm ấy bên quán cóc anh em tứ xứ gặp nhau. Vỵ dân xứ Quảng, Dũng người miền Tây gốc kỹ sư mê làm văn nghệ mà nghèo. Nghiễm làm thơ chuyển qua hành nghề Đông Y sĩ phòng mạch vắng khách. Nhưng chẳng ai tỏa ra mình lân đận vẫn giữ cốt cách phong độ vô tư nuôi dưỡng hồn thơ. Đêm ấy tôi được biết thêm vợ, con của Nguyễn Lương Vỵ đưa người bạn thân còn giúp đỡ đưa sang Pháp chữa trị, hiện anh đang sống một mình với đứa em bệnh hoạn.

 

Nguyễn Lương Vỵ, Tôi chỉ mới làm quen chưa đủ tình thân để viết về anh. Có lẽ anh bực bội vì cuộc đời sao có lắm kẻ tò mò. Nhưng anh chắc cũng hiểu cuộc sống của nhà thơ nó hoàn toàn khác với người. Nhà thơ rút ruột viết ra những câu thơ để cho đời, nếu quên thì thôi, đời đã nhớ thì dù anh có đi đâu, về đâu không người này cũng người kia dõi theo bước chân. Có thể anh cho đó không được tự do  nhưng đó lại  là vinh hạnh. Cũng nhờ bạn bè thông tin nên tôi mới biết  anh được vợ bảo lãnh sang Pháp, sau đó hai người lục đục nhau anh lại bỏ qua Mỹ . Mới đây một nhà văn từ Mỹ về  nói đã gặp anh trong tình cảnh ngồi dựa lưng vào tường, nón che mặt ngủ ngon lành giữa phố đông người qua. Hỏi ra mới biết Lương Vỵ giờ rất nghèo, hàng ngày đẩy xe vẽ thư pháp theo đường rao bán. Nghe kế tự nhiên tôi nghe có điều gì đó ngậm ngùi, chợt nhớ hình ảnh ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên, nay hình ảnh đó thật tréo ngoe khi quan đất Mỹ nền văn hoá hoàn toàn khác biệt. Vỵ ơi cuộc đời là hư vô, vận số mình là vậy, cuối cùng rồi nổi khổ  cũng qua bôn ba chi nữa. Hiện nay người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới, nghe nói tận sa mạc Sahara cũng có người Việt. Đi xa tha phương cầu thực rồi người cũng quay về, đàng này với trường hợp của Vỵ cũng nên tìm đường về, mất một nhà thơ thì sẽ không có người thứ hai, về đi thôi Vỵ ơi.

Ngô Khắc Tài
Số lần đọc: 2912
Ngày đăng: 21.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Hồ Chí Bửu - Cảnh Trà
Đặng Huy Giang với “Đời sống” - Phạm Lưu Vũ
Đọc lại HƯƠNG CÂY - BẾP LỬA - Nguyễn Trọng Tạo
"Gia đình bé mọn" - Trần Thiện Đạo
Trần Hữu Dũng : Phớt tỉnh đi qua phố - Vũ Trọng Quang
Đọc ba tiểu thuyết mới : Những hành trình qua trống rỗng ,bài một - Nguyễn Chí Hoan
Mỏng manh thơ tìm yêu : Nhân đọc tập thơ RƠI NGƯỢC của Ngô Thị Hạnh ,NXB Thanh Niên 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Tự truyện – Loại hình tự thán hay tự tô ? - Ngọc Thiên Hoa
Lê Vân –Yêu và sống - Một hiện tượng văn học ? - Lê Xuân Quang
Bế tắc trong sáng tạo - Inrasara
Cùng một tác giả
Tro bụi trên sông (truyện ngắn)
Kiều Nương (truyện ngắn)