Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.383
 
Chữ tình
Đặng Hoàng Thái

I. CHUYỆN CỦA NAM

Ba mươi lăm tuổi, hàng chục mảnh tình vắt vai. Tình thì có mảnh dài, có mảnh ngắn. Yêu thì có thương giận, ghét hờn… Nam trải qua hết. Nhưng khi ngồi một mình, lục vấn ký ức, sắp xếp những chuỗi kỷ niệm lộn xộn, lòng anh chùn xuống. Một cảm giác buồn buồn, tủi tủi len lỏi tự con tim, lan ra từng thớ thịt, dâng lên mặt, cay cay sóng mũi. Hình như chỉ có một mình anh yêu, chẳng ai đáp lại. Những bóng hồng, những nhan sắc, đến rồi đi, cứ hư hư thực thực.

 

Nói cho cùng, Nam cũng không thể trách họ. Yêu làm sao được chứ? Năm mười tám tuổi, có một ngày, Nam dựa lưng vào tường, lấy mũi dao canh ngang đỉnh đầu, vạch một đường, rồi len lén lấy sợi thước dây may đồ của chị dâu, căng lên, căng xuống: một mét năm mươi. Bảy năm sau, hai mươi lăm tuổi, giới hạn cuối cùng trong sự nghiệp phát triển chiều cao của đàn ông,  đi khám sức khoẻ, bà điều dưỡng già, mặt cau có, quát bảo anh cởi giày, bước lên bàn cân đo điện tử: cũng vẫn là một mét năm mươi săn-ti chẳn chòi, không xê xích, không co giản.

 

Tự ti, mặc cảm miết rồi cũng quên. Anh cố cười cợt, pha trò, đụng cuộc nhậu, ngà ngà say là anh xổ đủ chuyện tiếu lâm, từ bác Ba Phi cho đến Ba Giai, Tú Xuất, cả tiếu lâm mặn, ngọt. Thế nhưng, cho dù anh làm gì đi chăng nữa, có cố gắng bao nhiêu cũng vẫn cu ki một mình. Anh thèm được như những thằng độc thân trong công ty, vừa làm việc vừa tít tít te te nhắn tin cho người yêu. Còn anh, sắm di động cùng lắm cũng chỉ để gọi về nhà hoặc nhận lệnh của xếp.

 

Thi thoảng, Nam gặp lại những bóng hồng một thời anh yêu cháy, yêu khát. Họ thở dài (chẳng biết có phải vì thương hại), an ủi anh những câu đại loại như: Người ta yêu đâu phải ở chiều cao, mà yêu ở tấm lòng, yêu những con người biết yêu… vân vân và vân vân. Toàn những lời lẽ được trích dẫn từ những câu nói, ngạn ngữ về tình yêu của thi hào này, triết gia nọ. Suy đi, ngẫm lại, hoá ra họ cho rằng anh không biết yêu. Cũng chẳng biết là họ đòi anh phải yêu như thế nào nữa: Họ buồn anh cũng buồn, họ vui anh cũng vui, họ bệnh tật anh chạy đôn đáo, lo thuốc men, đường sữa… Đại để là bất cứ khi nào họ cần anh cũng đều có mặt. Nhưng mỗi khi thoáng có ý nghĩ tỏ tình hay nói những lời yêu thương thật ngọt ngào, anh lại sợ sự chông chênh giữa cao và thấp, sợ nhìn thấy gương mặt vờ vịt buồn buồn nhưng ánh mắt lại lấp loáng sự giễu cợt.

 

Mà họ cũng ác. Thà rằng, họ từ chối ngay từ lúc cái sự nhạy cảm đấng tạo hoá thường dành riêng cho phụ nữ mách bảo rằng, anh đang đeo đuổi, đang mê đắm họ. Nghiệt nỗi, họ tế nhị, họ tội nghiệp, họ không nỡ nhìn anh đau khổ, nên im lặng. Trời ạ, anh ngô nghê đâu hiểu rằng, sự im lặng ấy không nhất thiết là chấp nhận như sách vở đã ghi.

 

Hết tháng rồi lại năm, những vết thương trong trái tim của Nam rồi cũng lành lặn. Anh cũng chẳng buồn quan tâm đến chuyện bao giờ mình sẽ tìm được một nửa của mình. Hoá ra như thế lại vui, anh cảm giác mình thật may mắn khi chẳng còn cái cảnh phải nhọc công đeo đuổi, chìu chuộng ai cả. Hết việc công ty, anh ngồi một mình ở một quán cà phê ven đường nào đó, ngắm nhìn thiên hạ đến buồn mắt, rồi xách xe chạy đến quầy cho thuê phim quen thuộc, mượn vài ba cái đĩa, tay chân giần giật trước những cảnh đấm đá ừ hư, ứ hự, xem đến khi ngủ vùi.

 

Suốt cả tháng qua, mỗi sáng bước vào công ty, chẳng hiểu sao tay Thân - Trưởng phòng Nhân sự cứ nheo nheo mắt nhìn anh tủm tỉm. Anh cũng lấy làm lạ khi cha Thân lại đưa cô bé Thi “quá sạch nước cản”, cao ráo, nói tiếng Anh như gió nhét vào phòng kế hoạch quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với giấy má, số siết nhảy loành xoạch trên máy vi tính. Lẽ ra, cha Thân phải biết đặt cô bé vào một nơi nào đó, ít nhất cũng thể hiện bộ mặt của công ty. Mà thôi, mỗi người mỗi việc, Nam cũng không muốn để ý nhiều đến Thi làm gì, anh sợ trái tim hay “lộn xộn” của anh lại nhảy nhót, lại khua những nhịp thình thịch.

 

 II. CHUYỆN CỦA THI

26 tuổi, cao 1m70, tóc dài, chân dài, tốt nghiệp hai đại học, Thi từ chối những lời mời mọc hấp dẫn của các công ty nước ngoài, giã biệt Sài Gòn, về quê xin vào làm ở một công ty nhà nước. Thật ra, Thi cũng muốn ở lại lắm. Nhàn nhã làm việc, nhàn nhã mỗi tháng lãnh năm bảy trăm đô, có khi lại có cơ hội ra nước ngoài học thêm. Nhưng cô thương mẹ, cô không muốn để bà tiếp tục kéo dài thêm cái cảnh một mình, một bóng quanh quẩn trong căn nhà rộng, lạnh lẽo, hoang vắng. Cha Thi mất trong một tai nạn xe cộ khi cô vừa vào lớp sáu, khi mẹ cô chỉ mới 30, cái tuổi mà nhan sắc của người đàn bà một con bộc phát đến đỉnh điểm, đủ làm nao lòng bất cứ người đàn ông nào. Vậy mà, bà ở vậy để nuôi Thi suốt 6 năm phổ thông, 8 năm 2 đại học. Ngày nhỏ, không ít lần Thi chứng kiến cái cảnh nửa đêm bà bật dậy, chạy ào vào nhà tắm, mở vòi hoa sen, để mặc cho nước chảy ướt đẫm đầu tóc, ướt đẫm chiếc áo ngủ mong manh, rồi khuỵ xuống. Thi lao đến ôm chầm lấy mẹ, run rẩy khóc. Lớn hơn một chút, hiểu nhiều hơn một chút, Thi van xin mẹ đừng mãi sống vì cô. Mỗi lúc ấy, bà lặng nhìn Thi, tay thỏng xuống như không còn hơi sức. Có lẽ, những ngày tháng cố kìm, cố nén những khao khát rất đàn bà ấy, đã bào mòn cái vóc dáng đẹp đẽ, gương mặt thanh thoát của mẹ cô, thay vào đó là sự còm cõi, hốc hác.

 

Về quê, tự tin vào khả năng của mình, váy ngang đầu gối, Thi nhún nhảy trên đôi giày cao gót xách hồ sơ đi xin việc. Dễ dàng vượt qua các cuộc phỏng vấn, Thi được ông Trưởng phòng nhân sự bụng lùm lùm như phụ nữ có mang 5 tháng dẫn đến phòng kế hoạch, sắp cho chiếc bàn đối diện với một anh chàng lùn tũn tên Nam, nét mặt cau có như bị cướp giật mất ví. Một ngày, hai ngày… một tuần… một tháng trôi qua, anh chàng vẫn cứ giữ nguyên nét mặt như thế, ngồi đối diện nhưng chưa bao giờ Thi thấy Nam ngước lên nhìn, hỏi thì trả lời cụt ngũn hoặc ậm ừ, vậy mà chẳng hiểu sao các chị đồng nghiệp lại kể Nam là một cây văn nghệ, cây tiếu lâm, cây thể thao… “Có cây cũi thì có!” – Thi bĩu môi xì với nhỏ Hằng, lính cũ nhưng nhỏ tuổi hơn cô.

 

Cũng qua nhỏ Hằng, Thi mới biết Nam thất tình liên miên nên đâm ra sợ phụ nữ. Tự dưng, Thi buồn cười, hoá ra cái con người “thiếu chiều cao” này lại có trái tim yêu tha thiết đến vậy. Chả bù cho cô, suốt 8 năm trời ở Sài Gòn, cô cứ cắm đầu học và học, thấy đám bạn gái yêu đương nhăng nhít, cô cũng “bắt chước” tìm cho mình một gã trai sáng chiều tối đón đưa lên giảng đường, xuống thư viện, ra công viên, vào rạp hát… Cũng có năm, bảy lần tự cho mình cái quyền buông xuôi, mặc cho gã trai ấy ghì xiết trong vòng tay, hôn đến rát cả môi để thử tìm hiểu xem, cái cảm giác rạo rực, đê mê của tình yêu là như thế nào. Nhưng chẳng hiểu sao, mỗi lúc ấy, trong tâm trí Thi lại hiện lên cái dáng người cúi cúi, mái tóc bạc quá nửa buông chùng xuống của mẹ, rồi những trang sách, giảng đường đầy ắp người… Thi bừng dậy, xô gã trai ấy ra. Một gã, hai gã, ba gã rồi chẳng còn gã nào đến gần cô nữa. Thi thừa biết chuyện đám con trai túm tụm nhau lại, đặt cho cô biệt danh “Nữ hoàng băng giá”, “Miss Inox”… Biết làm sao được, Thi cũng muốn yêu và được yêu lắm! Nhưng…

 

III. CHUYỆN CỦA THÂN

Tôi tên Thân, 43 tuổi, một vợ, hai con, nhưng thi thoảng cũng trốn vợ lẹo tẹo với vài cô bồ “nhi cô lai” ở mấy quán bia ôm, chủ yếu là thay đổi mùi vị tí chút, cho cuộc sống đỡ buồn tẻ, chán ngắt, chứ cũng chẳng tha thiết gì! Tóm lại là, vợ mình vẫn nhất. Sáng, tỉnh dậy, đánh răng rửa mặt xong, đã thấy tô hủ tíu hoành thánh với ly cà phê bốc khói đặt trên bàn. Trưa về nhà, chưa bước qua khỏi cổng, đã nghe mùi thịt cá thơm phưng phức. Tối, hôm nào xỉn say, lật gọng ra giường, có người cầm khăn lạnh lau mặt mũi, thằng con trai thì bóp chân, đứa con gái thì thò ngón tay bé tí thọt vào nách, bắt ngồi dậy làm bò cho nó cưởi. Có hạnh phúc nào hơn chứ? Nhưng đừng vội bảo rằng, tôi là kẻ gia trưởng, thích cảnh “chồng chúa, vợ tôi”. Tự vợ tôi thích làm vậy! Được chăm sóc kỹ càng quá, nên cái bụng tôi cứ mỗi ngày một phì, ngồi bệt xuống sàn nhà là tùm hum, ghó như con cóc. Lắm khi bực mình quát bảo nàng đừng chăm tôi như con, nàng lại nước mắt ngắn, nước dài, hức hức trách bảo: “Anh chẳng còn thương em như ngày xưa”… vân vân và vân vân, tất cả đều không như ngày xưa.

 

Nhưng ngẫm nghĩ lại, vợ mình thương mình thế, ngu gì không tận hưởng. Mà cũng buồn cười, có khi quy luật nhân quả của nhà Phật cũng ứng cả vào chuyện tình yêu. Ở cái ngày xưa ấy, cực khổ trăm bề, cứ như đi vào chốn mưa đao, rừng kiếm, tôi mới “cưa” được nàng. Nhiều nỗi đoạn trường lắm. Nàng vốn là một hoa khôi trường trung học nên dễ chừng cũng có cả tá anh chàng con nhà giàu, học giỏi “ngọng nghịu đứng làm thơ” như lời bài ca Điệp hồng, Phượng Hồng gì đó. Còn cái thằng tôi học dở như quỷ, chỉ được mỗi tài đá bóng. Vì thế tôi chọn chiến thuật không tiếp cận khung thành đối phương được, thì chạy long rong vòng ngoài, chờ cơ hội tung cú sút xa sở trường. Cứ đến nhà nàng, tôi chẳng màng gì đến chuyện có thằng nào ngồi trong phòng khách, cứ đi quanh quất, thấy cha nàng bổ cũi, tôi lao vào cầm búa, bổ lấy, bổ để; Thấy mẹ nàng hì hục xách nước, tôi cầm gàu chạy ra, chạy vô. Rồi sửa cho nàng chiếc xe đạp, cái ghế ngồi sút chân, cái đèn bàn cháy bóng… Làm đủ chuyện, đến một ngày, tự dưng tôi nắm được tay nàng. Một ngày khác, tự dưng tôi được phép xách nước cho nàng gội đầu. Những ngày sau nữa, tự dưng tòi ra hai đứa nhóc.

 

Ở công ty có cỡ chục thằng đàn ông chưa vợ, nhưng tôi chỉ tội nhất thằng Nam lùn. Ai cũng có đôi, có cặp, chỉ nó là quanh đi, quẩn lại vẫn một mình. Nghĩ mà tội cho cái số thiếu chiều cao. Nhưng cũng đâu phải vì thế mà tự ti, mặc cảm, chẳng buồn ngó ngàng đến phụ nữ, cứ kiên trì như tôi thử xem, cứ quên đi những tự ái nhỏ nhặt thử xem, biết đâu lại được. Nghe đâu, có lần nó rũ con nhỏ Hằng đi chơi, con nhỏ vô ý mang đôi giày cao cả tấc. Từ đó trở đi, đang vui nổ trời nổ đất, thoáng thấy bóng nhỏ Hằng là mặt nó xị, hai má xệ xuống như bánh bao chiều. Bởi vậy khi nhận con bé Thi, tôi đẩy vô phòng kế hoạch, bắt ngồi đối diện, hy vọng mỗi ngày 4 mắt giao nhau, tâm tư sẽ xuyến xao… Biết chuyện tôi định làm ông mai, vợ tôi cười nắc, cười nẻ, cười run cả giường. Nàng vừa ôm bụng, vừa nói: “Ông địa của em ơi, làm sao yêu được, chú Nam có mét rưỡi, con bé cao mét bảy. Người ta ngó lên, chứ ai ngó xuống bao giờ?”. Hơi quê, tôi nạt ngang: “Chứ sao hồi đó em hổng ngó lên, bây giờ đâu phải làm bà địa!”. Nàng trố mắt nhìn một hồi, rồi lỏn lẻn rúc vào ngực tôi, giương móng vuốt, bấm vào hông tôi một cái, đau thấu trời, thấu đất.

Sợ bể kế hoạch, mỗi khi nghe phong phanh đực rựa nào trong công ty mon men đến gần con bé Thi là tôi tìm cách kéo dạt ra. Mà Nam lùn cũng dỡ, mỗi lần cả công ty kéo nhau đi giỗ quảy, tiệc tùng hay picnic, mọi người đều tạo cơ hội cho nó chở con bé. Nhậu nhẹt cũng gài thế bắt con bé ngồi gần nó. Vậy mà nó cứ trơ ra đó, lớ ngớ như người cõi trên, để tôi phải chửi vài tăng, nó mới biết ga-lăng chút đỉnh.

 

Nhưng đời mà, nghiệt lắm!

Cái thằng tôi cứ ngỡ mình là kẻ đi trước, có kinh nghiệm “tình trường”, hết lòng chỉ bảo thằng em tuyệt chiêu “đẹp trai không bằng chai mặt” thuở nào. Vậy mà, con bé Thi đã phủ phàng từ chối tình cảm của Nam, không phải vì thằng em tôi lùn, không phải vì nó không thích Nam, mà vì chuyện trái tim không thắng nổi lý trí. Thi tâm sự với tôi: “Yêu thì phải cưới. Cưới thì “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Cha mất, mẹ em ở vậy, vất vả nuôi em ăn học gần 10 năm trời, bây giờ em lấy chồng, bỏ bà sống một mình, đêm hôm lỡ có chuyện gì, ai lo? Mà không lẽ, em bắt anh Nam phải chờ đợi. Đến bao giờ đây? Ảnh cũng đâu còn trẻ gì!”. Bất kể tôi khuyên bảo đủ điều: nào là nào là nhà Nam với nhà nó cách nhau cũng chẳng bao xa, mỗi ngày chạy ra, chạy vô thăm viếng; nào là thời buổi điện thoại phát triển ì đùng, có gì bấm máy lên gọi; nào là nếu cảm thấy không an tâm thì kêu Nam ở rể… nhưng con bé vẫn cứ lặp đi lặp lại cái câu “Yêu thì phải cưới. Cưới thì…”.

 

Thất tình, Nam xin nghỉ phép mấy ngày. Chẳng hiểu nó chui rúc ở xó xỉnh nào, báo hại gia đình lẫn công ty túa nhau đi tìm sôi máu mắt. Mấy bà sồn sồn trong công ty không biết chuyện, cứ thì thầm rủa xả, đại để con bé Thi ác quá, không yêu thì thôi, nói nói cười cười làm chi, leo lên xe người ta làm chi, cà phê, cà pháo với người ta làm chi… để ra nông nổi này. Nghe riết, tôi cũng phát giận, muốn chửi một trận cho đã tức, nhưng chỉ mới trông gương mặt ủ dột, mắt ngân ngấn nước của con bé, tôi lại không nỡ. Mà mọi việc cũng tại cái tính “thày lay” của cái thằng tôi dịch vật.

 

Chiều thứ bảy, nhỏ Hằng điện báo cho tôi biết, Nam lùn đang ở nhờ nhà thằng bạn tuốt ở dưới thị trấn Trảng Bàng.

 

Nói có ông bà chứng giám, từ thưở cha sanh mẹ đẻ đến nay, tôi chưa thấy ai thất tình ngộ như Nam lùn. Thằng bạn nó kể, 7 ngày ở nhờ, mỗi ngày nó “luộc” ít nhất 10 bộ phim, mỗi bộ 2 đĩa, mỗi ngày 20 đĩa, 7 ngày 140 đĩa. Đủ loại phim: Xã hội đen Hong Kong, tình cảm, bạo lực, kinh dị Mỹ… Lúc tôi và Hằng bước vào nhà, Nam lùn đang nằm dài trên bộ ván gõ, một mình cười khà khà khi xem cảnh Thành Long đấu võ trong phim Hiệp sĩ Thượng Hải. Ôi trời, tội nghiệp, thằng em tôi râu ria đầy mặt, tóc tai bờm xờm, hai cục nghèn tổ chảng dính tòn ten trong khoé mắt cũng không thèm chùi.

Đêm ấy, khi đã ngà ngà say, Nam lùn vừa phun nước miếng phèo phèo, vừa nhừa nhựa thề thốt, nó sẽ đóng cửa trái tim mà chờ đợi cái ngày Thi đổi ý, nó sẽ vẫn yêu Thi dù mai này thời gian có làm tàn phai nhan sắc, nó sẽ… Nó cứ thề thốt cho đến khi gục xuống, cong mình hò hụa liên hồi. Lúc nhỏ Hằng leo lên bộ ván, cầm chiếc khăn lạnh chườm lên trán Nam lùn, tôi mới để ý, hình như lần đầu tiên tôi thấy nhỏ Hằng không mang giày cao gót mà là một đôi săng đan nhỏ nhắn, thấp chũm.

 

Và những ngày sau đó, Nam trở lại làm việc bình thường, vẫn ngồi đối diện với con bé Thi, vẫn hy vọng Thi sẽ đổi ý. Chỉ có điều lạ là từ hôm ở Trảng Bàng về, tôi không thấy nhỏ Hằng mang giày cao gót nữa.

 

Cũng từ hôm ấy, tôi bị mất luôn quyền làm ông mai vì bà xã tôi bảo: “Anh vô duyên lắm, đừng xen vô chuyện người ta, cái gì đến rồi cũng sẽ đến”.

Đặng Hoàng Thái
Số lần đọc: 2803
Ngày đăng: 22.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nó và 9 m2 - Lãng Hiển Xuân
Tội lỗi tự nhiên - Tiến Đạt
Mẹ trần gian - Trần Thị Ngọc Lan
Choáng - Đào Bá Đoàn
Bến bình yên - Đào Phạm Thùy Trang
Bức Tường - Nguyễn Nguyên An
Gió lùa trong nắng - Phạm Khánh Liêm
Phố mọi… - Hồ Chí Bửu
Tình mù - Nguyễn Thiện Cân
Chị và em - Đinh Thị Như Thuý
Cùng một tác giả
Chữ tình (truyện ngắn)
Lão Khương Câm (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)