Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.563
 
Đồng bằng qua những mùa mưa...
Đặng Huỳnh Lộc

Đồng bằng lại qua một mùa mưa – mùa mưa thứ 31 sau ngày giải phóng. Giờ đây đồng bằng đã mang nội lực của một trung niên - nội lực tiềm ẩn của những mùa gieo cấy, khi người nông dân đồng bằng biết chuyển mùa, đổi vụ. Thế mới hiểu chỉ có những con người gắn bó với đất đai mới có thể hiểu hết mà đối xử đúng với đất đai này.

 

Đồng bằng, vùng đất từng tồn tại một thời của cây lúa nổi! Hàng năm, khi ngọn gió "nam sòng" rao thổi cũng là lúc người dân đồng bằng chuẩn bị Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) và bắt đầu hạ điền, xuống giống... Quăng hạt lúa xuống đồng, chờ mỏi mắt qua mùa lũ mới tới vụ gặt, năng suất một công cao lắm chỉ 6 giạ rưởi đến 10 giạ là cùng (1,3 đến 2 tấn/ha), suốt năm trong cảnh "tay làm hàm nhai". Mùa khô đến, nắng vắt kiệt nước chân đồng, người dân lại phải sống cảnh nông nhàn, rỗi công và thiếu đói. Đồng đất lại nuôi sống họ bằng bắt chuột, bắt chim. Sa mưa, đồng chưa nổi nước dòng kinh đã trong vắt nước phèn, thấy rõ từng con cá rô "tôm tích" lượn  lờ, nhưng đồng đã sáng ánh đèn câu, lưới. Cứ thế, cứ thế... Tưởng ngàn đời người dân đồng bằng vẫn vậy - như lưỡi cày đã định hình trên trời thành một chòm sao, như sao thần nông nửa đêm vẫn mọc.

 

Nhưng đồng bằng đã bừng thức. Những con người gắn bó với đồng bằng đã hiểu được đồng đất này có thể chuyển mùa, đổi vụ. Giống lúa không còn là Nàng phược, Nàng hương nương theo con nước lớn lên mỗi mùa nước nổi! Tên giống mới là những IR, “những Thần nông 5, những Thần nông đỏ đón nước phù sa”. Không đợi "nam sòng", không chờ Đoan Ngọ, sa mưa đồng đất đã đón nhận giống gieo. Vụ mùa "cao sản" đầu tiên trên đồng đất đồng bằng như là cuộc thử nghiệm, kiếm tìm sự gặp nhau giữa những nhà nông và những nhà khoa học về cây lúa mới. Cái tên "lúa cao sản" để gọi chung cho những giống lúa mới đã được hình thành và nghe đến vui tai. Xin cảm ơn nhà khoa học và nhà nông đã gọi tên cho cuộc chuyển mùa này là mùa lúa Hè thu! Đầu hè xuống giống, chớm thu đã gặt, vụ lúa hè thu tránh được con nước quây mùa lũ. Đây là một cuộc đổi đời thật sự đối với những nhà nông.

 

Và, năm từng năm con lũ vẫn cứ tràn về đồng bằng. Nhưng người nông dân đồng bằng không sợ lũ. Sau vụ hè thu lại chuẩn bị làm đồng, nhà nông thì chờ lũ đến còn đồng đất thì đón lũ về để làm tiếp vụ hai ngay sau mùa lũ! Đồng đất đồng bằng lại thêm mùa, tăng vụ - vụ lúa đông xuân.

Rồi hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư đánh thức Đồng Tháp Mười. Bắt đầu là việc đào kinh Hồng Ngự, dẫn nước Sông Tiền đổ vào sông Vàm Cỏ Tây rồi Vàm Cỏ Đông và chuyển tới vùng Đồng Tháp Mười mà theo hoạch định là hằng năm sẽ rửa phèn, ém phèn khi mùa mưa đến. Vùng Tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên đã được đầu tư khai thác, hàng trăm ngàn hec-ta đất hoang đã được đưa vào sản xuất, kinh tế nông thôn đồng bằng thật sự đổi thay.

 

Trời đất lại qua một mùa mưa. Nhìn lại những thăng trầm, nếm trải ngay trên đồng đất, người dân đồng bằng có quyền tự hào về lượng lương thực 17 triệu tấn mỗi năm làm ra, trở thành vùng đất có lượng lúa xuất khẩu lớn nhất cả nước, đất nước vào vị thế một nước có lương thực xuất khẩu đứng thứ hai khu vực và thế giới. Đây như là món quà của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mừng thiên niên kỷ mới.

 

Nhìn lại sản lượng lương thực từ 4,6 triệu tấn năm 1976 lên 17 triệu tấn mỗi năm là một con số thật đáng tự hào. Song nhìn lại, trong sản lượng lương thực tăng lên thì năng suất tăng chỉ chiếm 14,2%, còn lại sản lượng tăng là nhờ vào việc mở rộng diện tích thâm canh. Xem ra thì người dân đồng bằng vẫn là những người sản xuất theo kiểu "lấy công làm lời"! Kỳ thực, người nông dân đồng bằng rất ít được lời, đầu tư cho cây lúa có năm lên đến 40%.

 

Nhưng đồng bằng đâu chỉ có cây lúa, còn có cả chăn nuôi và những vườn cây ăn trái đang năm từng năm mò mẫm một hướng đi và thường là đi vào ngõ cụt mỗi kỳ thu hoạch. Vườn ở đồng bằng chiếm 14% diện tích nông nghiệp, nhưng hàng năm thu nhập từ kinh tế vườn chỉ chiếm 13% trên tổng thu nhập của ngành trồng trọt. Đó chính là những hạn chế của công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

 

Nội lực đồng bằng đang căng đầy sức trung niên, nhưng để đồng bằng thoát ra khỏi hình ảnh một anh chàng lực điền lam lũ trên mãnh đất nông nghiệp thuần túy thì chẳng dễ dàng gì. Gần 17 triệu tấn lương thực là cái có được từ chuyển mùa, đổi vụ. Nhưng sản phẩm nông nghiệp vẫn còn là những thứ sản phẩm sơ chế, chưa được công nghiệp chế biến làm tăng giá trị. Là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ gạo nhập khẩu lưu thông trên thị trường còn lớn là một nghịch lý. Sản lượng lương thực mỗi năm trên 17 triệu tấn, nhưng toàn vùng chỉ có 1 cụm bảo quản và tồn trữ lúa gạo công suất khoảng 30.000 tấn, còn lại đa phần do nông dân tự bảo quản bằng các phương pháp thủ công. Theo tính toán, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao nhất nước, khoảng trên dưới 20%. Đây chính là "cái mất" rất dễ dàng nhìn thấy.

 

Trong tỷ trọng kinh tế đồng bằng thì công nghiệp chỉ chiếm 19%, cơ khí đồng bằng đang tồn tại là một mảng hoạt động với thiết bị cũ, kém chính xác, nhiều hệ thống máy móc chế tạo từ những năm 60 - 70, thậm chí có những máy móc thiết bị chế tạo từ thời Pháp thuộc vẫn còn sử dụng với thiết bị không đồng bộ, thiếu công đoạn chế tạo máy, thiếu thiết bị chuyên dùng, phương thức sản xuất thường lại bị khép kín trong nội bộ nhà máy, cục bộ, phân tán, quy mô nhỏ chủ yếu sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy xới, máy sấy lúa, xay xát gạo, sơ chế nông sản... hoạt động chủ yếu theo kiểu "cha truyền con nối" không có khả năng tiếp nhận công nghệ mới. 

Đồng bằng năng động và mạnh dạn, nhưng việc trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả cao, ổn định luôn là quá tầm đối với người nông dân cá thể. Cách làm thiếu tổ chức, sự chuyển dịch tự phát kiểu “ăn xổi”; sự thiếu thông tin về thị trường… và nhiều khi do khuyến cáo sai từ các cơ quan nông nghiệp, khiến nhà máy lúc thiếu, lúc thừa nguyên liệu. Khi giá thị trường tăng, người dân lại ồ ạt trồng tự phát, điệp khúc “chặt - trồng” cứ tiếp diễn, phá vỡ quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái.

 

Nông thôn đồng bằng vẫn còn rất nghèo, nghèo lắm. Cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại còn kém xa các khu vực khác trong cả nước. Nhà ở của dân dù đã được quan tâm, nhiều dự án về nhà ở đã được bàn đến, nhất là nhà ở dân cư trọng điểm trong chương trình "sống chung với lũ", nhưng nhà dân chủ yếu là bằng cây gỗ địa phương, lợp ngăn bằng lá dừa nước. Việc đầu tư nhà ở nhân dân đồng bằng đại trà chắc là còn phải chờ và không biết chờ đến bao giờ.

 

Đồng bằng có khoảng 17 triệu dân, chiếm 21% dân số cả nước, nhưng thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người đồng bằng mới bằng 67% mức bình quân cả nước, tỷ lệ đói nghèo cao, hệ thống kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí thấp hơn mức bình quân cả nước. Bình quân cả nước có 170 sinh viên trên một vạn dân, đồng bằng chỉ có 51 sinh viên trên một vạn dân.

 

Theo mục tiêu phấn đấu một triệu dân có một trường đại học. Nhưng đồng bằng chỉ có Trường Đại học Cần Thơ, một trường đại học ở An Giang và trường Đại học ở Cà Mau mới được hình thành - như vậy tỷ lệ này là 3/17. Trong khi đó có thể nói Trường Đại học ở Cần Thơ là một trường “Đại học đa năng”, nhưng vẫn chưa được xem là một “Trường Đại học vùng” để có chính sách đầu tư.

 

Theo tính toán của lãnh đạo tỉnh An Giang, cần có 12 triệu USD thì toàn bộ hệ thống giao thông An Giang sẽ được trải nhựa. Theo tính toán này thì chỉ cần có khoảng 60 triệu USD có thể "nhựa hóa" được đồng bằng! Đây là những bài toán cần sớm được giải mã mới mong "giật dậy" sự phát triển đồng bằng.

 

Khi tôi viết những dòng này, đồng bằng lại qua thêm một mùa mưa. Đồng bằng đã đi qua những mùa mưa với biết bao biến động. Một thời đất đồng nằm đó mà không ấm hơi người. Khi con người tìm về với đất thì đất trở thành như là nơi thử nghiệm về những dự án lấp dòng làm thôi chảy những dòng sông, cản ngăn những mùa lũ bên ngoài những cụm đê bao khép kín.

Từng gắn bó với đất đai đồng bằng cho tôi hiểu rằng, đất đai trông bề ngoài giản dị nhưng không bao giờ bộc lộ hết một lần những điều bí ẩn, chỉ trên cơ sở sử dụng con người mới mong hiểu hết những phản ứng của đất đai! Và cũng từng gắn bó với đầu gành, cuối bãi nơi cùng trời cuối đất, cho tôi hiểu Mũi Cà Mau năm từng năm vươn dài ra biển là nhờ vào dòng hải lưu mang đất đai bị xâm thực miền Trung và phù sa từ Chín Nhánh Cửu Long về đây bồi tụ. Để ngọt hoá đồng bằng sông Sửu Long, chặn lại những dòng chảy từ biển đông thâm nhập vào nội địa, biết đâu sẽ có dòng hải lưu đổi hướng, phù sa biết có còn về bồi tụ cho Mũi Cà Mau và xói lở sẽ diễn ra là chuyện dễ dàng, rồi rất có thể đất phù sa từng bồi đấp Mũi Cà Mau sẽ lại tìm về nơi xuất phát. Mong sao việc chận dòng ngăn mặn biển Đông, đê lấn biển Tây không có làm sao cho đất đồng bằng. Mong sao dòng hải lưu vẫn như ngàn đời mang phù sa về bồi tụ cho Mũi Cà Mau, góp nhặt đất đai về cho Tổ quốc.

 

Và, không hiểu sao chuyện lấp dòng Ba Lai cứ làm lòng tôi ray rức, khi nghĩ rằng Chín Đầu Rồng chỉ còn lại Tám Nhánh Cửu Long. Nhưng tôi cứ mong, cứ mong... những dòng “sông lấp” trong Chín Nhánh Cửu Long “rày đã nên đồng”!

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 3157
Ngày đăng: 25.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giấc mơ có hoa hồng dại - Đinh Lê Vũ
Mấy suy nghĩ về thơ và thơ trẻ - Nguyễn Trọng Tạo
Ốc ruộng đầu mùa - Nguyễn Kim
Vàng Anh đấy ư? - Huy Ðức
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn : Hội nghị lý luận phê bình II tại Đồ Sơn - Nguyễn Thanh Mừng
Ngẫu hứng Đà Lạt - Tôn Thất Huyến
Chùm tạp bút về Giáo dục – Đào tạo - Vũ Ngọc Tiến
Lê Phú Khải, Người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” - Nguyễn Thị Kỳ
Nỗi buồn của má - Linh Phương
Việc lớn trước mắt : chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự - Lại Nguyên Ân