Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.204.226
 
Đi tìm di tích Dinh xưa
Nguyễn Man Nhiên

ĐÔI NÉT VỀ TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH Ở KHÁNH HÒA DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1653-1801) VÀ TRIỀU NGUYỄN (1802-1945)

 

Chúa Nguyễn là cách gọi chung dòng họ các nhà cai trị vùng đất phía nam của nước Đại Việt - mà thời bấy giờ gọi là xứ Đàng Trong hay Nam Hà - trong giai đoạn lịch sử từ giữa thế kỷ XVI (đầu thời Lê trung hưng) cho đến đầu thế kỷ XIX (khi vua Gia Long lên ngôi). Các chúa Nguyễn là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

 

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kim (1468-1545), một tướng giỏi của nhà Hậu Lê, vì giúp vua Lê chống lại nhà Mạc nên được phong chức Thái Sư Hưng Quốc Công, thống lãnh toàn bộ quân đội. Về cuối nhà Hậu Lê, các vua Lê bị Trịnh Kiểm chiếm quyền. Trịnh Kiểm tự xưng là "Chúa" (Chúa Trịnh) và trông coi tất cả mọi việc trong triều đình. Trịnh Kiểm luôn tìm cách giảm bớt quyền lực của họ Nguyễn. Nguyễn Kim có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cả hai cũng là tướng giỏi của triều đình và đều được phong chức Quận công. Vì người con trai lớn, Nguyễn Uông, bị Trịnh Kiểm giết nên người con trai còn lại là Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng xin vua Lê cho vào cai trị vùng đất Thuận Hóa để xa Chúa Trịnh.

 

Khi mới vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), Nguyễn Hoàng (sử sách thường gọi là Chúa Tiên) cùng tùy tùng đóng dinh ở xã Ái Tử, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi đặt lỵ sở của các cơ quan chính quyền trung ương của xứ Thuận Hóa và cũng là nơi cư ngụ của quan quân chúa Nguyễn cùng gia đình. Sau khi được kiêm lãnh xứ Quảng Nam (1570), Nguyễn Hoàng lập dinh Quảng Nam. Danh từ dinh giờ đây không chỉ có nghĩa là chỗ ở của chúa mà còn chỉ một khu vực hành chính. Dưới đời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) đặt thêm các dinh Quảng Bình, dinh Trấn Biên (sau gọi là dinh Phú Yên), dinh Bố Chính. Sau đó, cùng với  sự mở rộng lãnh thổ về phía Nam, các dinh khác cũng lần lượt được thiết lập. Đến đời Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), lúc này ở phía bắc Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng xưng vương (Võ Vương) vào năm 1744 và xem Đàng Trong như một nước độc lập, lãnh thổ chia làm 12 dinh và 1 trấn như sau:

 

- Cựu dinh (ở xã Ái Tử)

- Chánh dinh (nơi đặt phủ chúa ở Phú Xuân)

- Dinh Bố Chính (tục gọi dinh Ngói)

- Dinh Quảng Bình (tục gọi dinh Trạm)

- Dinh Lưu Đồn (tục gọi dinh Mười)

- Dinh Quảng Nam (tục gọi dinh Chiêm)

- Dinh Phú Yên

- Dinh Bình Khang

- Dinh Bình Thuận

- Dinh Trấn Biên (ở Biên Hòa)

- Dinh Phiên Trấn (ở Gia Định)

- Dinh Long Hồ (ở Vĩnh Long)

- Trấn Hà Tiên

 

Về bộ máy chính quyền ở các địa phương, đứng đầu mỗi dinh có quan Trấn thủ coi việc hành chính lẫn quân sự, phụ tá có các quan Cai bộ, Ký lục; đặt ra 3 ty: ty Xá xai coi việc từ tụng văn án, ty Tướng thần lại coi việc thu tiền sai dư, thóc tô và phát lương tháng, ty Lệnh sử coi việc tế tự, lễ tiết... Dinh chia ra nhiều phủ, phủ gồm nhiều huyện, huyện gồm nhiều tổng, tổng gồm nhiều ; các bản, làng ở miền rừng núi hoặc ven sông biển mới khai lập thì đặt làm thuộc, quy tụ các cụm dân cư nhỏ, lẻ như phường, thôn, nậu, man. Phủ có tri phủ, huyện có tri huyện đứng đầu, coi việc từ tụng, xã có xã trưởng, tổng có cai tổng, thuộc có cai thuộc… Quân đội có bộ binh, thủy binhtượng binh, chia làm các đơn vị như thuyền, đội, , dinh. Chỉ huy đội có Cai độiĐội trưởng, chỉ huy cơ có Chưởng cơCai cơ. Chưởng dinh là chức quan cao nhất trong quân đội… Về nhân sự, các đời chúa Nguyễn thường chỉ dùng người trong họ, trong huyện (Tống Sơn) và xứ Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa), từ chức Cai cơ, Cai đội cho đến Chưởng dinh, Chưởng cơ nếu không đạt các tiêu chuẩn ấy thì không được sung tuyển.

Từ giữa thế kỷ XVII, vùng đất Khánh Hòa ngày nay đã thuộc chủ quyền của người Việt, dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn. Năm 1653 (đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) lập dinh Thái Khang, gồm 2 phủ: Thái Khang (quản 2 huyện: Quảng Phước, Tân Định) và Diên Ninh (quản 3 huyện: Phước Điền, Hoa Châu, Vĩnh Xương), cho Cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ. Năm 1690 (đời Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn) đổi tên phủ Thái Khang thành phủ Bình Khang. Năm 1742 (đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát) đổi tên phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh, lập dinh Bình Khang thống lãnh 2 phủ Bình Khang, Diên Khánh. Từ năm 1773 dinh Bình Khang thuộc quyền kiểm soát của nhà Tây Sơn, chính quyền Tây Sơn bỏ dinh, chỉ để phủ, huyện. Năm 1793 nhà Nguyễn lấy lại được đất này, lập lại dinh Bình Khang, đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục; lại đắp thành Diên Khánh, sai đại thần trấn thủ. Năm Gia Long thứ 2 (1803) đổi dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa, đổi phủ Bình Khang thành phủ Bình Hòa. Năm Gia Long thứ 7 (1808) đổi dinh Bình Hòa thành trấn Bình Hòa. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi phủ Bình Hòa thành phủ Ninh Hòa. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia lại tỉnh hạt trên toàn quốc, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa, cơ quan đầu tỉnh có 2 ty: Bố chánh, Án sát đặt dưới quyền Tuần phủ Thuận Khánh; đồng thời trên địa bàn phủ Diên Khánh sáp nhập huyện Hoa Châu vào huyện Phước Điền.

 

l s ca dinh Thái Khang (SAU NÀY LÀ dinh BÌNH KHANG, BÌNH HÒA) đâU?

 

Tài liệu xưa nhất ghi chép về việc này có lẽ là sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm, soạn năm 1719: “Năm Khánh Đức thứ 5, vua Lê cải niên hiệu là Thịnh Đức nguyên niên (tức 1653 - NVT)). Bấy giờ vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm xâm vào đất Phú Yên. Hiền vương (tức Chúa Nguyễn Phúc Tần - NVT) sai Cai cơ là Hùng Lộc đem binh đi đánh, kéo thẳng đến Chiêm Thành, vua Chiêm thua chạy. Hùng Lộc tiến đến sông Phan Rang. Vua Chiêm dựng biểu xin hàng. Ngài bèn lấy đất ở phía đông sông Phan Rang đến sát địa giới Phú Yên, chia làm 2 phủ: Thái Ninh (các sách khác đều chép là Thái Khang - NVT) và Diên Ninh mà đặt làm một dinh Thái Khang, cho Hùng Lộc làm trấn thủ đất ấy”(1).

 

Theo sách Phủ biên tạp lục (PBTL) của Lê Quý Đôn (viết năm 1776, khi ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa) thì huyện Quảng Phước có quan đóng giữ, gọi là dinh Bình Khang, ký lục, tri bạ, cai án mỗi chức một viên, sở thuộc có ty Xá xai, câu kê 1 người, cai hợp 2 người, thủ hợp 3 người, lại viên 20 người và ty Tướng thần lại số người cũng thế(2).

Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) của Sử quán triều Nguyễn, quyển XI viết về tỉnh Khánh Hòa, trong mục Thành trì có đoạn: “Trước kia lị sở của dinh ở địa phận xã Phước Đa huyện Quảng Phước” ”(3); cũng sách này ở mục Cổ tích chép: “Dinh cũ Bình Hòa: ở xã Phước Đa, huyện Quảng Phước, trước kia có 3 tòa công đường, nay bỏ, nền cũ vẫn còn”(4).

 

Từ các nguồn sử liệu trên, có thể xác định rằng:

- Dinh Thái Khang (tiền thân của tỉnh Khánh Hòa ngày nay) đã được thành lập vào năm 1653 với tư cách là một đơn vị hành chính của xứ Đàng Trong, với người đứng đầu là quan trấn thủ Hùng Lộc.

- Lỵ sở của dinh Thái Khang - sau này đổi tên là dinh Bình Khang (1742), dinh Bình Hòa (1803) - đóng ở xã Phước Đa, huyện Quảng Phước.

- Tại lỵ sở này có 3 tòa công đường của các quan trấn thủ, cai bạ, ký lục - là những cơ quan đầu não về hành chính lẫn quân sự ở địa phương.

 

Vậy xã Phước Đa ở đâu? Theo Địa bạ tỉnh Khánh Hòa [do nhà Nguyễn lập từ năm Gia Long thứ 10 (1811), có sửa chữa, bổ sung vào các năm Minh Mạng thứ 11 (1830) và Tự Đức thứ 26 (1873)], tên cũ của xã Phước Đa là Phước Toàn phụ lũy xã, thuộc tổng Trung, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa (hai chữ “phụ lũy” trong tên xã góp phần khẳng định đây là nơi đặt lỵ sở dinh trấn thủ, vì thời bấy giờ các làng mạc xung quanh dinh sở hoặc thành trấn đều gọi là phụ lũy). Về địa giới, “đông giáp địa phận thôn Mỹ An Đông (tổng Hạ huyện Tân Định), lấy bờ đê làm giới; tây giáp địa phận xã Quan Đông, lại giáp xã Toàn Thạnh (tổng Trung huyện Tân Định); nam giáp địa phận xã Thanh Châu (tổng Hạ huyện Tân Định); bắc giáp núi (Hòn Dài)”(5). Thôn Mỹ An Đông sau này đổi tên là thôn Mỹ Lệ thuộc xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa;  xã Quan Đông sau là thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa; xã Toàn Thạnh sau đổi tên là xã Mỹ Thạnh, rồi thôn Mỹ Hiệp thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Ninh Hòa, hiện nay thuộc thị trấn Ninh Hòa; xã Thanh Châu sau là thôn Thanh Châu thuộc xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa. Như vậy, vị trí của xã nằm ở giáp giới giữa hai huyện Quảng Phước và Tân Định, phía tả ngạn (bờ bắc) sông Vĩnh Phú (có tục danh là sông Dinh). Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, xã Phước Toàn đổi tên thành xã Phước Đa. Sau năm 1954 phủ Ninh Hòa đổi thành quận Ninh Hòa, và sau tháng 4-1975 đổi thành huyện Ninh Hòa. Thời kỳ này xã Phước Đa đổi thành thôn Phước Đa thuộc xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa. Khi thành lập thị trấn Ninh Hòa (10-1978), Phước Đa trở thành một thôn thuộc thị trấn.

 

Xã Phước Đa không chỉ từng là nơi đóng dinh quan trấn thủ mà còn là nơi đặt lỵ sở phủ Ninh Hòa. Theo ĐNNTC, nguyên thuở trước lỵ sở của phủ ở xã Phước Đa, huyện Quảng Phước. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) phủ Bình Hòa đổi thành phủ Ninh Hòa, dời phủ đường từ xã Phước Đa qua xã Vĩnh Phú (về sau đổi là thôn Vĩnh Phú, xã Ninh Hiệp, huyện Ninh Hòa, hiện nay thuộc thị trấn Ninh Hòa). Tuy nhiên phủ lỵ cũng chỉ đóng ở đây một thời gian rồi sau lại dời về chỗ ban đầu là xã Phước Đa. Dưới đời vua Duy Tân (1907-1916) bỏ huyện Quảng Phước giao phủ Ninh Hòa kiêm lý. Năm 1931, đổi phủ Ninh Hòa làm huyện Vạn Ninh, cắt 3 tổng của phủ cũ là Phước Khiêm, Phước Hà Ngoại, Phước Hà Nội (trong đó có xã Phước Đa) nhập vào huyện Tân Định, đổi huyện Tân Định thành phủ Ninh Hòa, lỵ sở phủ mới dời về xã Mỹ Thạnh, tổng Hiệp Trung, trên nền của huyện đường Tân Định (vốn đã xây dựng tại đây từ năm 1832). Hiện nay di tích lịch sử Phủ đường Ninh Hòa nằm trong khu vực trụ sở UBND huyện Ninh Hòa, thuộc thôn 2 thị trấn Ninh Hòa.

Còn “Phủ cũ” ở xã Phước Đa? Từ cầu Dinh ở thị trấn đi ra hướng bắc chừng một cây số là tới cống Phước Đa, gần cống có một con đường rẽ trái mà bà con địa phương vẫn quen gọi là “đường lên phủ cũ”, đi khoảng hai, ba trăm mét gặp một khu đất cao, đây chính là dấu tích của phủ lỵ Ninh Hòa xưa. Theo hồi ức của những bậc cao niên ở địa phương, trước 1945 nơi đây vẫn còn thấy lưu lại một ngôi nhà lợp ngói âm dương, rêu phong gần như đổ nát, xây trên một nền cao độ một mét bằng đá vôi. Ngôi nhà ấy nằm giữa một khu đất hình chữ nhật rộng độ một mẫu ta, bao quanh bởi hàng rào tre gai, còn sót lại vài cây keo cổ thụ. Theo thời gian di tích trở thành hoang phế, nay không còn gì.

 

NHỮNG ĐỊA DANH GẮN VỚI TỪ “DINH” Ở NINH HÒA

 

Thị trấn Ninh Hòa hiện nay vốn là nơi thủ phủ của dinh Thái Khang xưa, vì vậy không có gì lạ khi trên mảnh đất này đến nay vẫn còn bảo lưu nhiều địa danh có liên quan đến vị trí của dinh trấn một thời như sông Dinh, cầu Dinh, chợ Dinh, cánh đồng Dinh

- Sông Dinh: tức sông Cái Ninh Hòa, con sông chảy ngang qua huyện Ninh Hòa, là nguồn nước chính yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân huyện Ninh Hòa. Xưa có tên là sông Vĩnh An, triều Nguyễn đổi là sông Vĩnh Phú (sở dĩ có tên này vì làng Vĩnh Phú chính là nơi hợp lưu của bốn nguồn nước tạo nên sông). Sách ĐNNTC chép: “Sông Vĩnh Phú ở cách huyện Tân Định chừng 2 dặm về phía bắc, trước gọi là sông Vĩnh An, có bốn nguồn: một nguồn từ núi Lam Sơn chảy về phía đông nam 11 dặm đến xã Hương Cam; một nguồn từ trong Động Hương chảy về phía đông nam 5 dặm cũng đến xã Hương Cam, hai dòng hợp lưu với nhau chảy sang phía đông 23 dặm đến thôn Vĩnh Phú; một nguồn từ núi Đá Bàn chảy về phía nam 33 dặm; một nguồn từ núi Đồng Hương chảy về phía nam 22 dặm, đều chảy vào thôn Vĩnh Phú rồi hợp với nhau. Bốn dòng họp lại làm sông Vĩnh Phú, sau khi hợp nhau, chảy chừng 4 dặm nữa lại chia làm 2 nhánh: một nhánh chảy về phía đông nam 7 dặm đến sông Hà Liên rồi đổ vào vũng Nha Phu; một nhánh chảy về phía đông bắc chừng 4 dặm qua xã Bình An, lại chảy ngoặt về phía nam chừng 5 dặm, cũng đổ vào vũng Nha Phu”(6). Người dân địa phương bao đời nay vẫn quen gọi là sông Dinh, có lẽ vì sông chảy qua địa phận các làng cổ Vĩnh Phú, Mỹ Thạnh, Phước Đa (nay là thị trấn Ninh Hòa) là nơi xưa kia từng đặt lỵ sở của dinh Thái Khang, Bình Khang, Bình Hòa.

 

- Cầu Dinh: cây cầu huyết mạch bắc ngang sông Dinh, nối liền con đường cái quan xưa. Theo ĐNNTC, nguyên thủy là cầu gỗ có tên là Chánh Đô, “ở chỗ giáp giới 2 huyện Quảng Phước và Tân Định, tục danh Cầu Chợ Dinh”(7). Phía bắc cầu thuộc địa phận thôn Vĩnh An (sau này đổi tên là Vĩnh Phú), huyện Quảng Phước, phía nam cầu thuộc địa phận thôn Mỹ Thạnh (sau này đổi là Mỹ Hiệp), huyện Tân Định - cả hai làng này nay đều thuộc thị trấn Ninh Hòa. Cầu Dinh gần chợ Dinh (chợ Ninh Hòa), nên còn gọi là Cầu Chợ Dinh. Nơi đây hàng ngày người xe tấp nập qua lại, đi về khắp nơi hoặc vào chợ Dinh mua sắm, giao thương. Cây cầu này từng bị trận bão lụt năm Thìn (1904) cuốn trôi, chỉ còn trơ lại một số trụ gỗ ngả nghiêng, nên có một thời gian đổi làm bến đò. Thời Pháp thuộc (khoảng những năm 20 của thế kỷ XX), chính quyền thực dân cho xây dựng lại cầu mới bằng xi-măng cốt thép. Đến đầu những năm 70, để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược, Mỹ đã thay thế cây cầu già nua làm từ thời Pháp này bằng một cây cầu bê-tông hiện đại hơn, vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

 

- Chợ Dinh: tức Chợ Dinh Bình Khang ở thế kỷ XVIII theo cách gọi của Lê Quý Đôn trong PBTL, chính là Chợ Mỹ Thạnh ở xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Định xưa (xã Mỹ Thạnh sau đổi tên thành Mỹ Hiệp, nay là một thôn thuộc thị trấn Ninh Hòa, còn chợ Mỹ Thạnh hay chợ Dinh hiện nay là khu Chợ Cũ Ninh Hòa). Vì sao có tên chợ Dinh? Theo ĐNNTC (đời Tự Đức): “Chợ Mỹ Thạnh ở huyện Tân Định, tục gọi chợ Dinh, vì hồi đầu bản triều ba dinh Trấn thủ, Cai bạ và Ký lục đóng ở đây, nên gọi tên thế”(8). Được lập trên vùng đất lỵ sở của Dinh Thái Khang xưa, sau này là dinh Bình Khang, Bình Hòa, đây là ngôi chợ có quy mô to lớn, hàng hóa phong phú, buôn bán sầm uất nhất thời bấy giờ (theo sự ghi nhận của Lê Quý Đôn, “chợ Dinh Bình Khang tiền thuế 166 quan 2 tiền”(9), cao nhất so với các chợ khác cùng thời ở địa phương!). Về sau, khi  dân cư, phố xá nơi này ngày càng mở mang, đông đúc, người ta xây dựng thêm khu chợ Mới bên cạnh khu chợ Cũ (dân địa phương vẫn gọi cả hai chợ là chợ Dinh). Cũng theo ĐNNTC (đời Duy Tân), khu chợ mới này “ở xã Mỹ Hiệp huyện Tân Định, xe thuyền tụ tập, buôn bán phồn thịnh, thành nơi đô hội thứ nhất trong tỉnh hạt”(10).

 

THÀNH DIÊN KHÁNH - TỈNH LỴ KHÁNH HÒA THỜI NGUYỄN

 

Sách ĐNNTC (đời Tự Đức), khi chép về Thành tỉnh Khánh Hòa có đoạn: “Trước kia lị sở của dinh ở địa phận xã Phước Đa huyện Quảng Phước, sau dời đến chỗ hiện nay, tức là thành Diên Khánh cũ”(11). Thành Diên Khánh được xây dựng vào năm 1793, ở địa phận 2 xã Phú Mỹ và Trường Thạnh thuộc huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh (nay là khóm Đông Môn, thị trấn Diên Khánh). Thành đắp bằng đất, “mở 6 cửa, mỗi cửa đều có lầu (sau này lấp hết 2 cửa); 4 góc thành đều có núi đất. Ngoài thành có hào, ngoài hào có xây lũy chắn ngang. Các cửa thành đều có xây cầu đi qua, trước thành sau thành đều có núi sông bảo vệ, thật là một nơi hiểm trở vô cùng”(12). Đến nay chúng ta vẫn chưa biết một cách chính xác các cơ quan đầu não ở địa phương đã được chuyển từ Bình Khang vào Diên Khánh từ lúc nào. Nhiều ý kiến cho rằng đó là năm 1793, ngay sau khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh xây dựng xong Thành Diên Khánh và giao cho quan đại thần trấn thủ. Theo chúng tôi, thực ra ban đầu Thành Diên Khánh chỉ có chức năng như một căn cứ quân sự, là nơi tích trữ lương, tiền ở Gia Định, Bình Thuận chở ra để dùng cho quân đội bắc phạt, là một cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ của quân Nguyễn trong cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn. Vì vậy, vào năm 1793, cùng với việc triệu tướng Nguyễn Văn Thành về đóng giữ Diên Khánh, Nguyễn vương đã “đặt quan công đường dinh Bình Khang, lấy quản Hậu thủy dinh là Nguyễn Thoan làm Lưu thủ, Hình bộ tham tri Lê Đăng Khoa làm Cai bạ, Hàn Lâm viện Đặng Hữu Đào làm ký lục” (13). Rõ ràng là vào thời gian này lỵ sở của dinh vẫn ở Bình Khang. Phải đến thời kỳ sau khi Gia Long lên ngôi (1802), với việc đổi dinh Bình Hòa thành trấn Bình Hòa (1808) rồi tỉnh Khánh Hòa (1832), đây mới chính là thời điểm chuyển lỵ sở của dinh từ xã Phước Đa huyện Quảng Phước vào Diên Khánh. Từ đó Thành Diên Khánh mới có thêm chức năng là một trung tâm chính trị, trở thành lỵ sở của các cơ quan đầu não của triều Nguyễn ở địa phương, là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa thời Nguyễn cho đến ngày Cách Mạng tháng 8-1945 thành công. Điều này cũng giải thích vì sao trong ĐNNTC (bản hoàn thành năm 1882 đời Tự Đức), dinh cũ Bình Hòa (ở Quảng Phước) đã được sách ghi nhận như một di tích đã bị bỏ phế từ lâu.

 

CHÚ THÍCH:

(1) Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, bản dịch của Phan Kế Bính, Đông Dương tạp chí số 149, tr. 81

(2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, tr. 145

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập III, Quyển XI: Tỉnh Khánh Hòa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr. 89

(4) Sách đã dẫn ở mục (3), tr. 104

(5) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Khánh Hòa, NXB TP Hồ Chí Minh, tr. 132

(6) Sách đã dẫn ở mục (3), tr. 98

(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Quyển 10&11: Tỉnh Phú Yên Khánh Hòa, Nha Văn Hóa Bộ Quốc gia giáo dục (Sài Gòn cũ), 1964, tr. 108

(8) Sách đã dẫn ở mục (3), tr. 108

(9) Sách đã dẫn ở mục (2), tr. 219

(10) Sách đã dẫn ở mục (7), tr. 113

(11) Sách đã dẫn ở mục (3), tr. 89

(12) Sách đã dẫn ở mục (7), tr. 68

(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, NXB Giáo Dục 2002, tr. 293

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 4717
Ngày đăng: 27.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Lại Đà xưa và nay -8 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -9 hết - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -7 - Nguyễn Phú Sơn
Đọc lại Truyện Hùng Vương - Hà văn Thùy
Làng Lại Đà xưa và nay -5 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -6 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -3 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -4 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -1 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -2 - Nguyễn Phú Sơn
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)