(TRAO ĐỔI VỚI GS HOÀNG NGỌC HIẾN )
Trong bài “Về vô và hữu/ chủ toàn và chủ biệt” (Văn Nghệ, số 39, ngày 30-9-2006) của GS Hoàng Ngọc Hiến trao đổi với nhà văn Văn Chinh có nhiều điểm cần phải bàn.
Trước hết, Hoàng Ngọc Hiến có một quan niệm khá mâu thuẫn về khái niệm vô và hữu của Lão Tử: “vô tức là hữu (mà) vô cũng khác hữu”.
Để giải thích sự mâu thuẫn trên, Hoàng Ngọc Hiến viết: “vô tức là hữu vì cả vô và hữu đều là thực tại”. Điều này cũng vô lý, bởi như vậy tôi có thể nói: không khí là con bò vì cả không khí và con bò đều là thực tại. Ngay một vật như tấm huân chương cũng không thể nói mặt trái là mặt phải vì cả hai cùng là tấm huân chương được! Có thể nói Hoàng Ngọc Hiến cũng là “fan” (cách nói của ông về Văn Chinh) của cụ Cao Xuân Huy. Nhưng theo cụ Cao, tiêu chuẩn của chân lý là: nếu A là A thì A không phải là phi A. (Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông/gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb Văn Học, tr.78). Như vậy, Hoàng Ngọc Hiến đã vi phạm tiêu chuẩn trên, đã cho A là phi A rồi!
Hoàng Ngọc Hiến lập luận tiếp: “vô khác hữu vì vô là thực tại “chưa phân hóa” còn hữu là thực tại đã hiển hiện” thì tôi e rằng viết vậy ông đã hiểu sai tư tưởng của Lão Tử.
Liên quan đến hai khái niệm “vô” và “hữu”, Lão Tử viết: “Vô danh
thiên địa chi thủy; hữu danh vạn vật chi mẫu”, tôi dịch: cái không gọi thành tên (cái vô) là nguồn gốc của trời đất; cái gọi được thành tên (cái hữu) là mẹ của vạn vật; rồi: “Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” nghĩa là : Vạn vật trong thiên hạ sinh từ có, có sinh từ không; rồi nữa: “Hữu vô tương sinh”: có không sinh ra lẫn nhau. Như vậy, theo Lão Tử, cái vô không phải là thực tại “chưa phân hóa” và cái hữu không phải là “thực tại đã hiển hiện” như ý Hoàng Ngọc Hiến mà cả hai đều chưa phải là thực tại. Cụ thể hơn Lão Tử cho vô và hữu có thể chuyển hóa lẫn nhau (tương sinh), để rồi cái hữu sinh ra vạn vật. Vậy vô và hữu trong mệnh đề “hữu sinh ư vô” không phải là vô và hữu đơn thuần mà chính là thường vô, thường hữu, hai khái niệm cơ bản của tư tưởng Lão Tử, chúng chính là hai mặt đối lập nhưng tồn tại thống nhất tạo thành Đạo, cái bản thể tuyệt đối của Vũ trụ.
Vậy mệnh đề: “vô tức là hữu (mà) vô cũng khác hữu)” của Hoàng Ngọc Hiến cần phải viết cho đúng với tư tưởng Lão Tử: “vô khác hữu, là hai mặt đối lập nhưng tồn tại thống nhất của Đạo”.
Trong phần nghiên cứu về Lê Quý Đôn, GS Cao Xuân Huy đã trích câu: “Thái cực là một, nó là một khí hỗn nguyên… khép lại là vô, mở ra là hữu, qua rồi là vô, đang đến là hữu, thấu xưa đến nay… Như thế mà (Lão tử-ĐL chú) bảo rằng “hữu sinh ư vô” (cái hữu là từ cái vô mà sinh ra) thì có được không?” (Sđd, tr.186-187) và đánh giá nó rất cao: “Lê Quý Đôn có một vũ trụ luận rất đặc sắc”. Có điều với ý trên, Lê Quý Đôn đã “bác truất” (cách nói của cụ Cao) cái tư tưởng “hữu sinh ư vô” của Lão Tử. Đây cũng chính là vấn đề phân tích và tranh luận giữa Hoàng Ngọc Hiến và Văn Chinh. Theo Hoàng Ngọc Hiến, Văn Chinh đã sai khi hiểu chữ sinh ở trên là đẻ ra rồi gán cho Lê Quý Đôn cũng hiểu như mình nên ngài mới “bác truất” cái mệnh đề trên của Lão Tử. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng chữ sinh đó cần phải hiểu là “chuyển trạng thái” như trong những từ “sinh bệnh”, “sinh loạn”.
Đạo Đức Kinh của Lão Tử vừa là bản thề luận (luận về cái cơ bản nhất tạo nên vũ trụ: Đạo là bản thể, Đức là bản tính của Đạo) vừa là triết lý xã hội (Đạo đức sống của con người). Nhưng những câu bàn về vô và hữu nói trên, ngài bàn về bản thể luận. Nên hiểu chữ sinh là đẻ ra như Văn Chinh là không sai. Nếu hiểu chữ đẻ ra không chỉ đơn giản là một động từ chỉ quả trứng chui từ trong bụng gà ra mà nó là kết quả của cả một quá trình chuyển hóa vô cùng tinh vi trong cơ thể động vật từ không đến có của tế bào sinh dục, thì sự đẻ ra theo cách hiểu của Văn Chinh có khác gì sự chuyển trạng thái của Hoàng Ngọc Hiến, nếu không muốn nói nó còn linh diệu hơn, vì nó là quá trình chuyển từ không đến có, còn “sinh loạn”, “sinh bệnh” của Hoàng Ngọc Hiến là những quá trình từ cái có này đến cái có khác. Vì vậy, câu phê phán Văn Chinh của Hoàng Ngọc Hiến: “Trong mệnh đề của Lão Tử hữu sinh ư vô không có chuyện vô đẻ ra hữu mà chỉ có sự chuyển trạng thái vô sang trạng thái hữu” là vô nghĩa và Văn Chinh cho Lê Quý Đôn bác truất mệnh đề hữu sinh ư vô vì cho vô không thể sinh hữu là có lý, không có gì là gán ghép cả. Bởi thực sự Lê Quý Đôn đã hiểu khác Lão Tử. Lão Tử cho vô và hữu là hai mặt đối lập có thể tương sinh của Thái Cực, tức Thái Cực không chỉ là vô hoặc hữu mà còn có trạng thái chuyển hóa giữa vô và hữu, là cả vô và hữu; còn Lê Quý Đôn cho vô và hữu là hai trạng thái đóng hoặc mở không tương sinh của Thái Cực, nghĩa là Thái Cực chỉ có đóng là vô hoặc mở là hữu mà thôi.
Trong phần cuối bài viết, Hoàng Ngọc Hiến cố gắng chứng minh hai tư tưởng của Lão Tử và Lê Quý Đôn vốn ngược nhau nhưng đều đúng, nghĩa là lại làm cho A là phi A; với Lão Tử ông cho: “Sự chuyển từ trạng thái “vô” sang trạng thái “hữu” là kết quả của sự biến hóa thiên hình vạn trạng của thực tại”; với Lê Quý Đôn ông cho: “Chuyển hóa vô-hữu được thực hiện qua tương tác giữa những quá trình…Lê Quý Đôn đã tạo ra một toàn cảnh hoành tráng tuyệt vời về vũ trụ biến hóa khôn cùng, thiên hình vạn trạng”.
Như đã phân tích, chữ sinh nghĩa là sinh đẻ hay là quá trình chuyển hóa cũng không có gì khác nhau. Vậy Hoàng Ngọc Hiến viết như trên là ngược với ý Lê Quý Đôn khi ngài viết: có thể nói hữu mà sinh từ vô được sao! Hoàng Ngọc Hiến cũng cho rằng có sự bác truất ý Lão Tử của Lê Quý Đôn là do cách hiểu về vô và hữu của Lê Quý Đôn khác với cách hiểu của Lão Tử. Cái vô của Lê Quý Đôn là cái “vô tương đối” (kết thúc quá trình hữu hạn) còn cái vô của Lão Tử là cái “vô tuyệt đối” (bản thủy) (nên viết là bản thể hoặc bản chất khởi thuỷ thì đúng hơn-ĐL). Sự giải thích này cũng không có lý bởi đã cho hai cái không thể sinh ra (hoặc chuyển thành) nhau thì dù là “tuyệt đối” hay “tương đối” cũng không thể được. Hoàng Ngọc Hiến còn cho Lê Quý Đôn bác truất là do đã “ngỡ ngàng trước mệnh đề của Lão Tử”, và ông còn đắc ý tự hỏi, liệu Lê Quý Đôn có ngờ được rằng hơn hai thế kỷ sau hôm nay ông nghi ngờ sự hiểu biết của ngài không. Điều này tôi thấy cho một người như Lê Quý Đôn mà không hiểu Dịch, Đạo là vô lý; hơn nữa, khi không hiểu thì Lê Quý Đôn không thể tự tin đưa ra phát kiến riêng của mình được. Tóm lại, sự thực thế nào hãy để nguyên như thế, sự thực đã có một sự bác truất của Lê Quý Đôn đối với tư tưởng Lão Tử, nghĩa là đã có một cái là A, một cái là phi A. Vậy cái nào A, cái nào phi A? Điều này không thể trả lời được, vì khoa học hiện đại không thể kiểm chứng những lời mơ hồ đầy tính tư biện của các ngài nói riêng và tư tưởng phương Đông cổ đại nói chung. Riêng tôi, nếu suy ngẫm và liên tưởng một cách tương đối tới những quá trình biến đổi của mọi sự vật và hiện tuợng trong thế giới, ta thấy tư tưởng Lão Tử có tính bao quát hơn.
Trong bài viết, khi xếp Văn Chinh là một “fan” của cụ Cao Xuân Huy, Hoàng Ngọc Hiến đã cho anh không đủ trình độ nên đã có cách hiểu sai và kéo thấp tầm tư tưởng thần tượng của mình xuống, khi cho: phưong thức “chủ toàn” là thuộc về phương Đông còn “chủ biệt” là của phương Tây. Quả là cụ Cao có nói chủ toàn, chủ biệt là phương thức chung của loài người, nhưng trong cuốn sách của cụ, GS Nguyễn Huệ Chi cũng đã đặt tựa đề phần I: CHỦ TOÀN CHỦ BIỆT/HAI NGÃ RẼ TRONG TRIẾT HỌC ĐÔNG TÂY” và nội dung cụ viết phần này cũng rất phù hợp với cách đặt như vậy, nghĩa là Văn Chinh không sai và chẳng có kéo thấp cái gì xuống cả. Ngoài ra GS Hoàng Ngọc Hiến còn kêu gọi tiếp tục tổ chức nghiên cứu phát triển và hoàn thiện lý thuyết “chủ toàn, chủ biệt” trên của cụ Cao.
Về tác phẩm của cụ Cao Xuân Huy, tôi biết có nhiều bài đánh giá rất cao. Tuy chưa đọc bài nào nhưng tôi thấy cụ hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh, kể cả việc cụ được Nhà Nước trao giải Hồ Chí Minh, bởi cụ là một trong số rất ít người đã đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu triết học trong xã hội Việt Nam hiện đại. Có điều, cuốn sách của cụ lại do GS Nguyễn Huệ Chi sưu tập, tuyển chọn, bình tán. Tôi không biết nếu cụ còn sống, tự tay sưu tập, nắm được những thành tựu mới của khoa học, liệu cụ có thể để nguyên mà in ra những bài viết cách nay đã nửa thế kỷ có liên quan đến khoa học tự nhiên, cái khoa học phát triển từng giây, từng phút, biến đổi cả cuộc sống và nhận thức của con người từng giây từng phút, được không? Ngay nhà bác học vĩ đại Einstein, với sự phát triển của khoa học, ông cũng phải thừa nhận quan niệm “vũ trụ tĩnh” của mình là sai; còn những ngày hôm nay, nhà bác học hàng đầu Hawking cũng phải thú nhận mình sai khi lý thuyết dây của vật lý lý thuyết phát triển. Về mặt yếu liên quan đến khoa học tự nhiên của cuốn sách, tôi biết đã có hai bài viết, một “Để viên ngọc không còn tì vết” của nhà vật lý Đỗ Kiên Cường đăng trên phụ san Văn Nghệ Quân đội năm 1999; và bài của tôi “Những điều cần bàn của một công trình triết học”, trong cuốn Biên độ của trí tưởng tượng, nxb Văn Học, 2001. Ở đây, nhân “lời kêu gọi” của GS Hoàng Ngọc Hiến, tôi lại viết thêm đôi điều.
Theo GS Cao Xuân Huy, để nhận thức thế giới, tư tưởng con người phải trải qua hai quá trình là đồng nhất hoá và dị biệt hoá, và sự đồng nhất sau cùng là mục đích để tiến tới “hiểu biết”. Để thực hiện quá trình nhận thức, con người lại có hai phương thức: “chủ toàn” và “chủ biệt”. Phương thức chủ toàn lấy: “toàn thể quyết định bộ phận”; phương thức chủ biệt lấy: “Bộ phận quyết định toàn thể”. Theo cụ, phương thức chủ toàn là đúng vì có tính hữu cơ, năng động, liên tục (cụ chứng minh bằng Chu Dịch); còn phương thức chủ biệt là sai vì có tính cơ giới, cố định, gián đoạn (cụ chứng minh bằng tư tưởng Descartes (1596-1650)). Kể cụ chỉ bàn riêng về tư tưởng cổ đại thì có phần có lý, nhưng để đề cao phương thức chủ toàn và phê phán phương thức chủ biệt, cụ có nhiều ý kiến sai về khoa học và triết học hiện đại. Để bàn về phương thức chủ biệt, trước hết cụ cho logic là tiêu chuẩn của chân lý: A là A, A không phải là phi A. Cụ cho phương thức chủ biệt đã tuyệt đối hóa sự vật cá biệt khác nhau, có khi ngược nhau (mà cụ viết là mâu thuẫn “nhị luật bối phản”). Nhưng theo cụ, đồng nhất hóa lại là nhu cầu thiết thân và gay gắt nhất để tiến đến sự hiểu biết, nên phương thức chủ biệt buộc phải đồng nhất những cái ngược nhau nói trên nên đã dẫn đến “vi phạm logic”, làm cho A là phi A, gây ra sự “khủng hoảng trầm trọng”, một “bi kịch đáng sợ” của tư tưởng. Kể cụ cứ nói chung chung thì không sao, có khi lại khiến cho người ta ngẫm ra nhiều điều hay (kiểu Lão Tử). Có điều, khi chứng minh cụ thể, thì những “sự vật cá biệt” đầy mâu thuẫn ấy, theo cụ, lại chính là những sự vật, hiện tượng, khái niệm, phạm trù… của khoa học và triết học hiện đại như: chủ thể và khách thể, tâm và vật; nguyên nhân và kết quả; không gian và thời gian, vô cơ và hữu cơ…Chẳng khác gì cụ đã cho cả nền khoa học và triết học hiện đại là sai lầm! Bởi tất cả những đối tượng, phạm trù vừa nêu chính là những cái mà loài người đã phát minh ra, dựa vào, để nghiên cứu và đi tới nền văn minh hôm nay.
Có nhiều điều trong cuốn sách có thể phân tích để chứng minh, nhưng với phạm vi một bài báo, tôi chỉ phân tích một vấn đề quan trọng nhất, đó là về thời gian và không gian. GS Cao Xuân Huy viết: “Giữa hai môi trường này có những quan hệ gì và người ta có thể đồng hóa chúng được không? Đã có những nhà khoa học như Einstein và những nhà triết học mưu đồ sự thống nhất hai phạm trù này, nhưng họ đã không thành công vì hai phạm trù này là kết quả của một sự sai lầm cơ bản trong tư tưởng logic” (Sđd,tr.77).
Trước hết, để “hiểu biết”, con người không cần thiết phải đồng nhất hóa những sự vật hiện tượng khác nhau, mà thực chất chỉ có sự thống nhất các quy luật khoa học (như đang diễn ra quá trình nghiên cứu thống nhất quy luật của các lực vật lý). Thế giới đa dạng thì hãy nhìn nó là đa dạng, nó luôn bao gồm những cái chung và cái riêng, cái giống cái khác; và trong cái này luôn có phần cái kia và ngược lại, ở mọi cấp độ. Vì thế, Einstein và các nhà triết học chẳng bao giờ có ý thống nhất không gian và thời gian làm một như ý cụ Cao cả. Còn cho hai phạm trù cơ bản nhất của khoa học và triết học đó là kết quả sai lầm, là vi phạm tư tưởng logic, thì giải thích và đánh giá ra sao vô vàn thành tựu về nhận thức và khoa học công nghệ của ngày hôm nay? Cụ Cao cũng hiểu không đúng sự nghiên cứu của Einstein về không gian và thời gian. Nếu ông “không thành công” thì thế giới tôn vinh ông làm gì. Cần phải biết chính nhờ phát minh của Einstein, loài người đã có nhận thức mới đúng đắn hơn. Trước đây, người ta đã coi không gian và thời gian là phẳng, tuyệt đối, tách biệt nhau, Einstein đã chỉ ra và được kiểm chứng đúng, không gian và thời gian là tương đối và phụ thuộc nhau, thời gian là chiều thứ tư của không gian: một không-thời gian, nó không bất biến mà biến đổi theo chuyển động.
Về tư tưởng phương Đông cổ đại đúng là có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, tư tưởng và đạo đức. Ở cấp độ trực quan mơ hồ, như những bài thơ tượng trưng, những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng, từ tư tưởng cổ đại người ta có thể ngẫm ngợi ra nhiều những điều lý thú. Nhưng coi chúng như những định luật khoa học thì hoàn toàn sai lầm. Như cùng bàn về bản thể, theo Dịch: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng; còn theo Đạo: Một sinh hai, hai sinh ba… là đã vênh nhau rồi. Vậy cái nào đúng cái nào sai? Như về âm dương, có thể nói Lão Tử có trực giác tuyệt vời khi viết: mọi vật đều cõng âm ôm dương. Nhưng xét cụ thể, nếu Lão Tử viết: mọi nguyên tử đều cõng âm ôm dương thì mới đúng, vì hạt nhân dương nằm trung tâm và điện tử âm chạy vòng ngoài; còn khi đã thành vật là đã bao gồm vô vàn nguyên tử, âm dương phân bố đều khắp không còn “ôm” với “cõng” nữa. Giả sử nếu cho Thái cực là Big bang sinh ra lưỡng nghi là âm duơng thấy cũng có lý. Nhưng rồi lại cho: sáng là dương, tối là âm, nóng là dương, lạnh là âm, trai là dương, gái là âm… thì không còn đúng, chẳng thể sử dụng làm gì và không thể tìm ra được nét tương đồng nào trong những lĩnh vực nghiên cứu của khoa học hiện đại.
Thiết nghĩ giữ gìn, bảo tồn những giá trị cổ là điều cần thiết, nhưng đề cao phi lý, gán ghép, siêu việt hóa một cách khiên cưỡng dẫn đến mâu thuẫn với khoa học, với sự phát triển của nền văn minh thì không nên.
Tp.HCM 8-10-2006