Cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm có những cư dân bản địa (Khmer) và những cư dân tha phương cầu thực (Chăm, Việt, Hoa). Với đôi bàn tay hầu như là trắng, chỉ có khối óc và trái tim say mê cần cù sáng tạo, tích cực thích ứng trước mọi thử thách của môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Một vùng “ muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh”, “một vùng xuống sông gặp cá sấu, lên rừng đầy cọp beo”. Thời gian chỉ hơn 300 năm, các cư dân sống trong cảnh hội tụ kết thân, hoà đồng, tự giác phân công nhau sinh sống và khai thác các khu vực thiên nhiên phù hợp kỹ năng, sức lực của mình. Người Khmer sống và khai thác vùng đất gò giồng, người Việt canh tác vùng đồng ruộng, người Hoa sinh sống, làm ăn ở các vùng thị tứ và một phần ở đồng ruộng. Chính nhờ sự phân công lao động tự nhiên theo năng lực này đã làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt nhiều thành quả, sáng tạo ra những giá trị văn hoá – bao gồm cả văn hóa hữu thể và văn hóa vô thể khá độc đáo. Đâu đâu cũng có những cánh đồng lúa hạt trĩu vàng, cò bay thẳng cánh; đang vững chắc vươn lên, đạt vị trí hạng nhì về xuất khẩu lúa của thế giới. Những vườn cây trái nặng trĩu thơm ngon phong phú chủng loại, có khối lượng lớn cho cả nước. Những bè cá, đìa cá tôm các loại thừa sức cung ứng cho cả nước và xuất khẩu. . . . . Như vậy, chỉ hơn 300 năm thôi, các thế hệ cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể nói là những thế hệ anh hùng, đã biến môi trường hoang dã thành một vùng đất trù phú nhất nước, cùng nhiều đặc sản xuất hiện quanh năm.
Khi đã hình thành cương giới, cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ sống hiền hoà, chân chất, mà còn là những con người khôn ngoan bảo vệ và dũng cảm chiến đấu không để mất một tất đất. Nhiều tấm gương liệt oanh còn lưu truyền cho các thế hệ đời sau, như : Nguyễn Trung Trực, Thũ Khoa Huân, Trương Công Định, rồi Tạ Thị Kiều, Ut Tịch, . . . Về văn học nghệ thuật dân gian dân tộc của đồng bằng sông Cửu Long cũng là một vùng có những nét độc đáo. Có thể nhận biết nét riêng của từng cư dân. Người Khmer có sân khấu Dù Kê, hát À dây, múa Lâm Thôn, . . ; Người Việt có sân khấu cải lương, ca dao, đồng dao, tục ngữ, lý và hò; ngoài nét chung, từng vùng nhỏ có những nét độc đáo của mình. Người Hoa có sân khấu hát Tiều, Quảng; những di sản múalân, múa rồng, múa sư tử mang theo từ quê hương đến. Người Chăm tuy không đông, nhưng cũng có nét văn hóa dân gian độc đáo. Các cư dân sống gần như đan chen nhau, nên họ lại có những giao lưu về, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cách sống truyền thống và các loại hình văn học nghệ thuật. Nhờ vậy, đời sống văn hóa tinh thần của họ trở nên phong phú đa dạng của vùng văn hóa chung, mà nét văn hóa nghệ thuật đặc thù của mỗi tộc người vẫn cứ trội bật. Chắc chắn không ai quên những vần thơ tiêu biểu của cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là “ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu. Những vần thơ “ bút chiến của Phan Văn Trị. . . .
Cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những hành trang rất đỗi tự hào về những chiến công mở cõi, xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã qua, những dấu án độc đáo mang đầy đủ tính chất anh hùng của tổ quốc Việt Nam. Cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang cùng cả nước tiến vào thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa. Đây là thời kỳ mới, vận hội mới, đồng thời cũng là những thách thức mới. Những hành trang kinh nghiệm từng trải của con người – cư dân, cho dù đã tổng kết thành bài học kinh nghiệm cũng không thể đủ đáp ứng những đòi hỏi nóng bỏng và kịp thời thích ứng yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng, vững chắc cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bây giờ cũng là lúc nên nhìn lại hành trang trước khi đi vào thời kỳ mới một cách nghiêm túc và thẳng thắn, để con người - cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng tự tin vào sức mạnh nội lực đang có và nhanh chóng, kịp thời bổ túc những yếu kém để ung dung nhịp nhàng tiến vào “ sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long “ một cách vững chắc và thành đạt rực rỡ. Nội dung bài viết gồm có :
1. Vai trò con người- cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa.
2. Vai trò nhu cầu của con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và những kiến nghị giải pháp đáp ứng chu cầu ấy.
1. VAI TRÒ CON NGƯỜI – CƯ DÂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ TOÀN CẦU HÓA.
1.1. Bối cảnh thời đại mới đặt lại vị trí “ Con người trí tuệ”, “ Con người Chỉnh thể” của con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thế kỷ 21 là thời đại cách mạng khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng ấy làm biến đổi sâu sắc lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nó tác động toàn diện và mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ . . . Nó trực tiếp ảnh hưởng đều khắp trên tất cả các khu vực hữu thể, vô thể và cả tâm linh từng con người. Hệ thống tin học, con người Rô bốt ngày càng giữ vai trò điều khiển, chi phối toàn bộ hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu dùng của từng con người. Cuộc cách mạng khoa học còn khám phá ra nhiều chất liệu mới, nhẹ, khối lượng nhỏ mà lại rẻ tiền, nhưng lại hàm chứa khối lượng chất xám cao trong kết cấu sản phẩm. Chưa bao giờ như thời đại ngày nay con người thực hiện trong cùng một thời gian ngắn mà năng xuất lại cực lớn, cực nhanh và vô cùng tiết kiệm nguyên vật liệu. Công nghệ sinh học –Zen phát triển mạnh. Hàng loạt giống loài mới phát triển từ những cách lai tạo giống, biến đổi Zen. Sự khám phá, chế tạo ra con người vô tính cũng đang được hình thành. Zen ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội.
Quan hệ sản xuất không còn bị cương giới quốc gia ngăn cản. Nó kết hợp cùng lực lượng sản xuất phát triển thành hệ thống hỗn hợp tích cực hỗ trợ nhau. Quan hệ sản xuất ngày nay của những nước phát triển mang tính toàn cầu hóa. Nó có khả năng xâm nhập, tạo nhiều sức ép. áp lực có thể làm biến đổi thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của nhiều nước. Thông qua sự xâm nhập mua bán hàng hóa ( hữu thể và vô thể), một mặt thống trị toàn bộ hệ thống tài chính thế giới, mặt khác khai thác cùng kiệt tài nguyên thiên nhiên của thế giới.
Tuy nhiên, thế kỷ 21 cũng là thế kỷ con người- cư dân “thức tỉnh cách “sống biết điều hơn” đối với thiên nhiên. Nhưng hậu quả trừng phạt của thiên nhiên ngày đối với con người – cư dân ngày càng liên tục, mức độ tàn phá sự sống nhiều hơn và tệ hại thảm khốc hơn. Những ứng xử giữa con người với con người không chỉ mở rộng đối thoại mà còn là sự đối đầu tàn bạo, ác liệt, bất chất công luận thế giới. Những thành quả do cộng đồng con người- cư dân làm ra bị sự phân chia theo những quyết định chi phối của một số người của một số Công ty siêu quốc gia. Do đó, sự cách biệt giữa người giàu kẻ nghèo trên toàn thế giới ngày càng lớn. Những căn bịnh mang tính toàn cầu cũng đang bành trướng.
Như vậy, con người - cư dân đồng bằng sông Cửu Long muốn tiến tới sự phát triển mọi tiềm năng cho công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa toàn diện và hoà nhập Toàn cầu hóa trong sự ổn định và bình đẳng với thế giới thì vấn đề có tính quyết định là vai trò từng con người với tư cách “con người trí tuệ”, “con người chỉnh thể “trong cộng đồng cư dân cần được quan tâm trước tiên. Vì bởi, không có “con người trí tuệ” và “con người chỉnh thể” sẽ khó có sức mạnh nội lực, sức sống năng động đủ thích ứng và sẵn sàng đối phó với mọi thách thức của thời đại mới.
1.2. Đáp ứng nhu cầu cho từng con người – cư dân là phát huy vai trò động lực của con người chỉnh thể và con người trí tuệ trong quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa.
Con người chỉnh thể là con người phát triển toàn diện cả thể xác lẫn tâm hồn, hay là con người sinh vật và con người trí tuệ. Quá trình Công nghiệp hóa Hiện đại hóa và toàn cầu hóa là sự phát triển cao của trình độ kinh tế xã hội. Nó đòi hỏi từng con người- cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phải được chuẩn bị một sức mạnh nội lực vững chắc, một năng lực thích ứng toàn diện mới có thể làm chủ những hoạt động đa dạng, phong phú, phức tạp không hiếm khi đột biến bất ngờ.
Mục đích cuối cùng của của Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa là vì cuộc sống hạnh phúc của con người – cư dân. Con người- cư dân là mục tiêu và là trung tâm của mọi hoạt động kinh tế xã hội. Nếu con người - cư dân được đặt trong mối quan hệ với thiên nhiên, xã hội thì con người vẫn là “đặc sản” độc đáo không gì thay thế được. Con người – cư dân đến với thiên nhiên, xã hội như chủ thể tác động, đồng thời nó tích cực chủ động vận hành trong sự lệ thuộc vào quy luật khách quan. Nếu xem xét riêng từng con người - cư dân thì nó lại là một thế giới độc lập. Các mối quan hệ của thế giới chung quanh với từng con người – cư dân chỉ có thể hiểu biết, khám phá được một phần rất nhỏ về nó. Nhất là những tiềm năng sáng tạo và tâm lý – ý thức của con người – cư dân, thì hoàn toàn là thế giới của bất khả xâm phạm.
Tất cả những mối quan hệ của con người - cư dân được bộc lộ qua hệ thống các nhu cầu. Nhu cầu của con người – cư dân là những cái cần thiết, bắt buộc phải có để con người – cư dân tồn tại và phát triển. Các nhà khoa học hiện đại đã phát hiện ra 7 loại nhu cầu và sắp xếp chúng theo thứ tự các tầng như sau :
Tầng 7 : Lao động sáng tạo.
Tầng 6 : Hưởng thụ thẩm mỹ.
Tầng 5 : Hoạt động nghề nghiệp, xã hội.
Tầng 4 : Quan hệ giao tiếp, trao đổi thông tin.
Tầng 3 : Tự biểu hiện, được coi trọng.
Tầng 2 : An toàn, tái sản xuất nòi giống.
Tầng 1 : An, uống, mặc, ở, đi lại.
Khi con người – cư dân được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tức là con người được tự do thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ với tinh thần tự chủ. Chính lúc đó con người – cư dân được biến đổi thành con người có trí tuệ năng động. Con người đó sẵn sàng phát huy mọi tiềm năng của mình một cách chỉnh thể. Nhu cầu của con người- cư dân trong thời kỳ hiện đại ngày càng nhiều. Sư phát triển của cuộc sống đòi hỏi các nhu cầu phải có chất lượng cao, số lượng nhiều. Tùy lứa tuổi, giới tính, trình độ nghề nghiệp, khối lượng và chất lượng tri thức được đào tạo cao hay thấp, họ sẽ có mức độ nhu cầu khác nhau. Nhu cầu của con người – cư dân còn tùy thuộc vào trình độ, điều kiện kinh tế, thời gian phân bổ cho các loại nhu cầu. Do đó, nhu cầu của mỗi cá nhân con người – cư dân khác nhau. Nhu cầu từng cá nhân được phát triển mạnh dần dần hình thành tính cách con người – cư dân. Đó là ngọn nguồn của mọi sáng tạo cá nhân. Chúng ta đã vượt qua thời kỳ con người – cư dân chỉ được xác lập những nhu cầu tối thiểu và dồn chung các nhu cầu thành cấp độ xu hướng ảo ảnh. Con người – cư dân ngày nay đang đứng ở tư thế trung tâm của cuộc sống. Phải chăng cuộc sống đang đòi hỏi con người – cư dân nhanh chóng nâng cao năng lực khám phá sáng tạo không ngừng của mình? Vâng, Muốn làm được điều đó, con người – cư dân phải được trang bị đầy đủ khả năng hiểu biết sâu rộng và có hệ thống. Vấn đề cốt yếu là tạo cho con người – cư dân có thói quen mới: Ham hiểu biết và hình thành một chu kỳ khoa học trong từng con người. Từ lâu, con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long kinh qua thực tiễn đã biết sơ kết, tổng kết thành những thành ngữ, ca dao mang tính lý luận thực tiễn, để mở ra những vòng chu kỳ hiểu biết mới, sâu rộng hơn. Nghịch lý hiện nay, là không ít người viện lý do bận rộn nhiều công việc, không chịu sắp xếp thời gian để nâng cao hiểu biết. Nhưng điều đáng lo là một số người tỏ ra tích cực học hỏi, nhưng lại không tự vận động, mà nhờ thầy học, mướn thi hộ hoặc dùng tiền để đi mua học vị. Lý luận cơ bản của Mác – Lê nin đã khẳng định con người chỉ hoạt động trở thánh tích cực khi họ thấy rõ mục đích cuối cùng là họ được thoả mãn nhu cầu, dù chỉ một phần nhỏ. Vì vậy, việc nghiên cứu các hình thức hoạt động phù hợp trình độ nhu cầu và đáp ứng tốt các loại nhu cầu của con người – cư dân là ý tưởng cao đẹp luôn luôn hấp dẫn con người – cư dân. Đó cũng là mục tiêu của Đảng Cộng Sản và Nhà nước ta đang phấn đấu thực hiện cho được “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”
2. VẤN ĐỀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU CHO CON NGƯỜI – CƯ DÂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG. NHỮNG KIẾN NGHỊ VỀ GIẢI PHÁP CỦA SỰ ĐÁP ỨNG NHU CẦU.
2.1. Vai trò nhu cầu và sự đáp ứng nhu cầu đối với con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xét cho cùng hệ thống nhu cầu là sự cần thiết và bắt buộc phải có cho con người – cư dân được biểu hiện cụ thể trên 2 góc độ. Một là nhu cầu cho con người sinh học. Hai là nhu cầu cho con người trí tuệ tâm linh.
+ Về sự đáp ứng nhu cầu cho con người sinh học đòi hỏi con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có : Thân thể mạnh khoẻ, cường tráng, trẻ đẹp và năng động thích ứng tốt mọi hoàn cảnh, thời tiết bất thường, sẵn sàng thực hiện mọi công việc lao động sản xuất và tái sản xuất giống nòi. Những tiêu chí của nhu cầu đó đặt ra trên các mặt : Thức An không chỉ no, ngon mà chủ yếu là các chất bổ dưỡng, giúp cho cơ thể có nguồn dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể phát triển cân đối hài hoà nhịp nhàng với quy luật sinh tồn của con người – cư dân. Bớt đi những hóa chất trong lương thực, thực phẩm; bây giờ mọi người bắt đầu có thói quen dùng thức ăn xanh sạch. Thức Uống ngày nay có nhiều loại, nhưng uống nước sạch, không bị ô nhiễm các chất độc hại đã trở thành vấn đề bức bách. Nhất là khi mùa nước lũ thì cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phải uống và tiêu dùng nước phù sa, ngày càng bị thượng nguồn làm ô nhiễm nặng. Uống nước ngọt cũng là thói quen của cư dân thời hiện đại, nhưng đa phần nước chế tạo bở hoá chất; nhất là những loại nước uống của những cơ sở chế biến không qua kiểm nghiệm của tổ chức đo lường chất lượng. Một loại nước uống khác khá phổ biến của cư dân vùng này là rượu. Nếu uống rượu có liều lượng để kích thích chuyển hóa thức ăn hay uống rượu ngâm thuốc để tăng chất bổ thì không có gì phải nói, nhưng nhiều người có thói quen uống quá nhiều rượu “đế “ để giải nghễ, giải sầu, cho phỉ chí tang bồng, cho thoả mãn tính “Yên hùng”. Tạo ra những thói quen xấu, như : nhẹ thì cãi vã, nặng thì đánh nhau, đập phá đồ đạc, gây những xích mích xóm làng, gia đình mất hạnh phúc. . . . Đây là tệ nạn của nhiều lớp cư dân, không chỉ trong giới bình dân mà khá phổ biến trong nhiều tầng lớp người trong cộng đồng cư dân vùng đồng bằng. Mặc không chỉ là để chống đỡ thời tiết bất thường. Ngày nay còn cần mặc làm cho dáng vóc con người tươi đẹp hơn. Thế giới thời trang đang phát triển mạnh nhiều mốt mới liên tục ra đời. Không ít cư dân trẻ đang đua đòi và bị cuốn hút vào vòng xoáy này. Hậu quả không còn là ta tốn kém tiền của và thời gian vào sự săn lùng mốt mới. Vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm phải chung sống với mùa nước lũ. Tài sản và cả sinh mạng của nhiều cư dân thường bị nước lũ cuốn trôi. Nhà nước đã cố gắng di chuyển cư dân đến vùng cao; nhưng tốc độ di chuyển đến nơi ở mới chưa được nhiều và không ít nơi ở mới vẫn không bảo đảm độ bền vững của an cư để lạc nghiệp. Từ điều kiện sống đã khó khăn, việc đi lại trên vùng sông nước bằng tàu ghe chưa đảm bảo an toàn nên cư dân gặp nhiều trắc trở, nhiều khi nguy hiểm đến tánh mạng.
Vấn đề con người – cư dân mạnh khẻ, trẻ đẹp và năng động không chỉ dừng lại ở việc ăn, uống bổ dưỡng, mặc ấm đẹp, ở và đi lại an toàn mà cư dân cần thường xuyên tập luyện dưỡng sinh. Mục đích to lớn là làm cho con người tiêu dùng hết năng lượng đã hấp thu qua đường ăn uống, chống béo phì. Chống các loại bịnh về thời khí, tu chỉnh và bình ổn dần những bịnh mãn tính. Nội dung tập luyện là thực hiện 3 chữ “Ý, khí và lực”. Có phương pháp tập từng nội dung chữ, có phương pháp tập tổng hợp; người ta quen gọi là siêu dưỡng sinh. Tức là tập một lúc tổng hợp cả 3 chữ. Gần đây, có ý nói thẳng là khiêu vũ dưỡng sinh. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi trình độ cư dân, điều kiện thời gian và sự tự giác nhận thức lợi ích của luyện tập của mỗi con người- cư dân sẽ tìm ra nhu cầu và phương pháp tập khác nhau cho mình. Một số quan niệm cho rằng lao động là đã tập luyện rồi. Chúng tôi cho là sai lầm. Đó chỉ là một phần của tập dưỡng sinh –vận động một số bộ phận cơ bắp mà thôi. Do đó, không ít cư dân rơi vào tình trạng tạng người nhỏ bé, trọng lượng chỉ trên dưới 40 ký, chiều cao không quá 1,50 m, trong lúc người của thời kỳ hiện đại thế giới phải đạt tiêu chuẩn từ 60 đến trên 70 ký, cao từ 1,70 trở lên cho nam; từ 55 ký trở lên và cao 1,65 trở lên cho nữ. Người Nhật trước đây được mệnh danh là chú “Lùn”, họ đã mất 50 năm, mới biến đổi được tình trạng thể lực nhỏ bé. Thể tạng nhỏ bé thì thể lực không thể khoẻ mạnh được.
Cư dân đồng bằng sông Cửu Long đang sống trong hoàn cảnh tiện nghi sống không thuận tiện, đầy đủ như cư dân sinh sống ở đô thị, nên những vấn đề về dinh dưỡng, tập luyện để phát triển thể lực càng gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng căn cứ kháng chiến năm xưa; nay gọi là vùng sâu vùng xa. Mặt khác mức thu nhập kết quả lao động sản xuất chưa cao; nông, thủy sản làm ra bị quan hệ sản xuất không bình đẳng chiếm đoạt. Sản phẩm của họ bị mua ép giá, nhưng nhu yếu phẩm tiêu dùng trong cuộc sống của họ lại phải chịu giá cao. Đó là chưa kể khi gặp thời tiết lũ, hạn, sâu phá hoại làm cho thất mùa, thì cuộc sống của họ càng điêu đứng. Do đó, điều kiện nâng cao thể chất để hình thành con người mạnh khoẻ, trẻ đẹp và năng động của con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cho sự phát triển sức sản xuất, phục vụ công cuộc phát huy tiềm năng vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa đủ điều thực hiện được tốt.
+ Đáp ứng nhu cầu sẽ giúp cho con người – cư dân trở thành con người có trí tuệ và có niềm tin tâm linh tích cực.
Trải qua quá trình lịch sử các nhà nước dân tộc ta đã liên tục thực hiện; nhất là việc xây dựng Trí tuệ cho thế hệ trẻ. Vì bởi, trí tuệ của con người hình thành được là do quá trình đào tạo từ bé. Thời kỳ trí não còn trong sạch, sức tiếp thu nhanh nhẹn và bền vững. Đây là thời kỳ tích cực chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ làm chủ cuộc đời tương lai. Việc này, Đảng và Nhà nước ta cùng toàn xã hội quan tâm tạo mọi điều kiện để thế hệ trẻ có đủ điều kiện hoc tập.
Trí tuệ của con người – cư dân là khiến thức khoa học về đời sống, về kỹ năng lao động sản xuất, về văn hóa nghệ thuật, thường được gọi chung là trình độ kiến thức thẩm mỹ, về những loại thông tin phong phú đa dạng của thế giới chung quanh họ. Trọng yếu của các loại nhu cầu là được giao lưu, mà trung tâm của sự giao lưu là các quan hệ với thiên nhiên, xã hội và của chính bản thân mình. Nhờ sự hiểu biết ngày càng sâu, rộng, sẽ tạo cơ sở cho con người – cư dân sự tự nhận biết vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống. Do Tri thức khoa học được tích tụ toàn diện dẫn đến khả năng tự cải tiến, biến đổi và cao hơn là sáng tạo ra những hoạt động có giá trị, đạt chất lượng cao hơn. Đỉnh cao của lao động sáng tạo là phát minh sáng chế. Cũng nhờ được đào tạo và thể nghiệm mà con người – cư dân, có thể đáp ứng tốt các mối quan hệ của các loại tri thức, qua đó lại giúp cho con người – cư dân phát triển lên một tầm cao mới. Con người sống có trí tuệ, con người phát triển thành một chỉnh thể.
Nhu cầu biết thưởng thức, hưởng thụ đầy đủ và sâu sắc về văn hóa nghệ thuật cũng là một vấn đề thiết yếu của cuộc sống con người – cư dân. Vì bởi văn hóa nghệ thuật cũng là một dạng khoa học, đó là khoa học về thẩm mỹ. Một khoa học chuyển hóa các khát vọng của đời sống tâm linh của nghệ sỹ thành những giá trị thẩm mỹ chung cho mọi người. Đó là những nỗi niềm số phận con người mà khán thính giả nào cũng tìm thấy phần riêng của mình và được chia sẻ tâm tư tình cảm nỗi buồn, niềm vui với mọi người. Văn hóa nghệ thuật biểu hiện bằng những hình thức của nó. Văn thơ là ngôn ngữ in trên trang giấy, âm nhạc là nghệ thuật âm thanh của tiếng nhạc cụ và tiếng hát của con người. Tạo hình hội họa là nghệ thuật của đường nét, màu sắc, khối hình. Vũ đạo là nghệ thuật của thể hình con người. Sân khấu, điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp của các loại hình nghệ thuật khác mà tính mâu thuẩn, số phận con người chiếm vị trí trung tâm. . . mỗi loại hình nghệ thuật tác động vào con người - cư dân khác nhau; nhưng cùng có điểm chung là làm cho con người được thư giản, sản khoái, rồi qua súc động tình cảm tạo ra những sự hiểu biết mới, khám phá mới; có khi là của chính mình mà lâu nay mình không cảm nhận và đánh giá đúng giá trị hay hậu quả của nó. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều cư dân chung sống. Mỗi cư dân có một nền văn hóa nghệ thuật độc đáo. Cuộc sống chung của các cư dân tạo ra quá trình giao lưu tiếp biến giữa các nền văn hóa nghệ thuật, dần dần có những nét văn hóa nghệ thuật chung. Vấn đề mới xuất hiện là việc bảo tồn di sản, chủ thể di sản và phát triển di sản ấy trong quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa. Đây là vấn đề khá rộng lớn, có thể là một chủ đề của một công trình nghiên cứu. Qua giới hạn của bộ phận trong tổng thể những vấn đề đáp ứng nhu cầu con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi chỉ nêu một số ý có tính gợi mở mà thôi. Đó là, vai trò văn hóa nghệ thuật trong công cuộc xây dựng con người mới. Trong công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, vai trò văn hóa nghệ thuật trở thành một bộ phận quan trọng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Nó góp phần tạo nên khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngày nay, văn hóa nghệ thuật vẫn là chiến sỹ xung kích đứng trên tuyến đầu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, sự bảo tồn và phát triển di sản văn hóa các tộc người đang chung sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là một yêu cầu khách quan. Vấn đề là sự nhận thức cho đứng giá trị di sản, mà hạt nhân của sự sinh tồn hay hủy diệt lại chính là số phận của từng nghệ nhân, người sáng tạo, bảo lưu và truyền bá di sản trực tiếp cho các thế hệ sau. Rất tiếc là lâu nay, nhiều người chỉ biết đi săn lùng khai thác di sản mà quên chăm lo, bồi dưỡng và duy trì sự sống cho nghệ nhân. Mặt khác phương pháp sưu tầm khai thác lại không thực hiện theo phương pháp liên ngành khoa học học truyền miệng truyền thống của thời khoa học nghe nhìn chưa phát triển.
Một mặt khác của con người là nhu cầu tâm linh. Vấn đề này còn có nhiều xu hướng khác nhau, người tin là có thế lực siêu nhiên luôn gắn bó và thường xuyên bám sát phù hộ hay phá hoại mọi hoạt động của cuộc sống con người. Có người thì không tin, cho là nhảm nhí mê tín. Vấn đề chắc còn tranh cải dài dài. Chúng tôi nghĩ rằng : Niềm tin trong tâm linh của con người – cư dân đã có từ lâu, nó tồn tại trong suốt cuộc đời con người và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, cho dù còn nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học, các giới lãnh đạo, nhưng niềm tin lực lượng siêu nhiên trong tâm linh của nhiều cư dân, vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Sự tín ngưỡng biểu hiện trong thời cúng Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ . . trong việc tu sửa, xây dựng thêm nhiều Thánh đường, Nhà thờ, Chùa chiềng, Đình Miếu, họ thường đến những những nơi họ cho là linh thiêng để biểu hiện những niềm tin sâu kín trong tâm linh của mình. Chúng tôi cũng tin rằng, niềm tin của tâm linh có thể giúp con người – cư dân tự hoá giải những khó khăn vướng mắc của chính mình. Không ít trường hợp họ tự tìm cho mình một cách sống tốt hơn, phù hợp với hoàn cảnh bất hạnh của chính mình. Tuy nhiên, những người lợi dụng niềm tin để tìm cơ hội trục lợi, gây ra sự bất ổn xã hội, chia rẽ cộng đồng thì đó không phải là niềm tin của tâm linh của đại đa số con người – cư dân. Vì sự an toàn chung cho xã hội, nhất định họ sẽ bị pháp luật của cộng đồng trừng phạt.
Chúng tôi muốn bàn đến một góc độ quan trọng về vấn đề tri thức của thế hệ người lớn tuổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một thế hệ đang là lực lượng sản xuất trực tiếp làm ra của cải của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ chiếm giữ vị trí quyết định, bảo đảm mọi điều kiện cho thế hệ cháu con có đủ để đi đào tạo thành những con người làm chủ đất nước tương lai. Họ là người đã trải qua 30 năm chiến đấu, từng hy sinh tất cả thời kỳ trẻ trung dành cho học tập. Ngày nay, họ chỉ có thể học trong thực tiễn vừa lao động sản xuất vừa học, hoặc họ chỉ có thể tranh thủ học trong những giờ rãnh rỗi hoặc học trong lúc vui chơi. Theo nhà báo Robert J. Samuelson “ Toàn cầu hóa là thanh gươm hai lưỡi. Một mặt nó là cỗ xe có động cơ mạnh, làm tăng tốc độ phát triển kinh tế, mở ra kỹ thuật mới và tăng sức sống ở cả những nước gìau lẫn nước nghèo. Mặt khác, nó cũng là tiến trình đầy tranh cãi, tiến công vào chủ quyền quốc gia, làm sói mòn nền văn hóa và truyền thống địa phương, đe dọa sự ổn định kinh tế xã hội. Như vậy, toàn cầu hóa là thời cơ tốt để các cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đón nắng gió bốn phương, hoà nhập vào cuộc sống hiện đại, được đào tạo và mở rộng các giá trị nhân văn dân chủ của văn hóa quốc tế, tiếp thu tính công nghiệp, tính khoa học, tính kỹ cương trong công việc và sinh hoạt giao tiếp cộng đồng. Sớm dứt bỏ những tàn dư phong tục tập quán lạc hậu, như : ý thức manh nha phân tán, thói quen rềnh rang, không biết tiếc thời gian. Họ sẽ tiếp thu công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực như nghe nhìn, có nhiều tiện nghi sinh hoạt cho cuộc sống”. . . Vì vậy, muốn phát triển đồng bằng sông Cửu Long, chính là phải giải quyết những khó khăn cản trở nhu cầu nhanh chóng nâng cao trình độ dân trí của những con người này.
2.2. Những kiến nghị về những giải pháp đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những phương cách làm cho con người - cư dân phát triển thành con người mạnh khoẻ, năng động, có trí tuệ, hình thành hai lực lượng cùng nhau hợp tác thực thi sự đáp ứng nhu cầu cho con người – cư dân. Một là : Cư dân tự đáp ứng nhu cầu. Hai là người tổ chức quản lý xã hội tiến hành đáp ứng thông qua đường lối chánh sách những giải pháp của nhà nước.
Vì nhu cầu sinh tồn và phát triển của chính bản thân mình cư dân luôn luôn tự tìm cách đáp ứng. Nói cách khác mỗi cư dân đều phải đứng trước những thách thức của sự tồn vong của cuộc sống, cho nên họ phải tìm mọi cách tự thích ứng. Nhưng vì họ làm riêng lẻ, theo khả năng của chính mình nên có lúc thành đạt, nhiều khi thất bại.
Về vai trò người tổ chức quản lý xã hội- Nhà nước, tuy đã có nhiều chánh sách giải pháp tích cực cụ thể; nhưng quá trình thực hiện có nhiều bất cập, cản trở thậm chí ngăn cản hạn chế thành quả. Một trong những nguyên nhân là giải pháp chưa được nghiên cứu thấu đáo nhu cầu của cư dân. Cách làm theo phương thức vĩ mô, không quan tâm tính đặc thù của nhu cầu vùng cư dân đã làm cho ngân quỹ chi trả nhiều lãng phí, mất nhiều thời gian cư dân chờ đợi, kết quả công trình không có khả năng sử dụng thiết thực.
Chúng tôi có 3 kiến nghị về giải pháp như sau :
1. Ngoài những hình thức giáo dục hiện nay đã có, như : Hệ thống giáo dục của các trường phổ thông, chương trình học từ xa, những lớp tập huấn ngắn ngày, . . Đối với cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có hình thức đào tạo mang tính chuyên đề cho từng vùng sản xuất, như kiến thức cơ bản về kỹ năng cho những người nông dân đang trực tiếp làm việc đó. Hình thức đào tạo bằng những băng CD, VCD, hay DVD để cư dân có tài liệu sẵn, khi có thời gian là có thể chủ động mở ra tự học, hay khi có vướng mắc thì lại mở ra để ôn tập lại. Nội dung bao gồm mọi lĩnh vực kiến thức khoa học về đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nhất là, sự cập nhật những kiến thức khoa học về phương pháp, kỹ năng lao động sản xuất mới. . . .
Tuy nhiên, muốn thực hiện hình thức giáo dục này lại cần có một số điều kiện, như : Ban sưu tầm các chương trình kiến thức khoa học trong và ngoài nước, chọn lựa và biên tập cho phù hợp trình độ, thời gian của từng loại nhu cầu của cư dân. Vận dụng tính chất trường quy và vừa vui chơi để học để tạo thói quen mới cho tiếp cận kiến thức khoa học mà không gây chán ngán. Hình thức học qua Đố vui để học có thưởng, thông qua những trung tâm giáo dục địa phương cũng là cách học hấp dẫn cư dân vốn là nông dân thích có lợi. Đồng thời nhà nước đầu tư cho việc sản xuất ra hàng loạt phương tiện Nghe Nhìn đáp ứng đủ nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học. Giá cả phù hợp túi tiền người nông dân nghèo. Yếu tố này có ý nghĩa quyết định bảo đảm kiến thức đến nhu cầu thiết yếu của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, nên vận động các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh . . . thực hiện vai trò đột phá, và đi đầu cuộc cách mạng thoát họa “Giặc ngu dốt” trong thời kỳ hiện đại.
2. Tổ chức những Câu lạc bộ yêu thích phát huy năng khiếu của các loại cư dân, gồm các lứa tuổi, giới tính, . . . ngay tại vùng cư dân cư trú. Vấn đề đầu tư cho Nhà, phương tiện là vấn đề cần thiết. Qua thực tiễn hoạt động các Nhà văn hóa, Câu lạc bộ, chúng tôi cho rằng vai trò người “chủ chốt” của các câu lạc bộ giữ vị trí quyết định sự tập họp và duy trì hoạt động thường xuyên của cư dân. Muốn vậy, cần có chương trình đào tạo các cán bộ chủ chốt của các loại câu lạc bộ. Bao gồm các câu lạc bộ về sự phát triển nhu cầu con người sinh học, con người trí tuệ. Từ kết quả hoạt động các câu lạc bộ yêu thích của văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, lao động sản xuất vùng chuyên canh . . tiến tới tổ chức những cuộc thi kiến thức khoa học, triển lãm các giá trị sáng tạo thành đạt, từng bước sơ kết tổng kết nâng lên thành lý luận khoa học qua thực tiễn mới . . . Đây là con đường dẫn đưa dần cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tiến nhập vào kiến thức khoa học.
3. Tổ chức những cuộc giao lưu giữa các địa phương trong khu vực, thông qua báo cáo điển hình, tham quan thực tế để học tập bồi bổ kinh nghiệm mới, rút ra những phương pháp kiến thức khoa học mới cho các hoạt động của cuộc sống. Mời những chuyên gia đã từng kinh qua thực tế, có thành đạt đến báo cáo trao đổi, yêu cầu giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn. Vấn đề là tạo mọi cơ hội để cư dân liên tục học tập nâng dần trình độ kiến thức khoa học. Đồng thời, hệ quả của nâng cao kiến thức khoa học sẽ từng bước làm cho con người – cư dân tự mình giải quyết những vấn đề về niềm tin tâm linh tích cực, những tập tục thói quen xấu tồn tại lâu đời.
Vấn đề nghiên cứu “sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long” mang tính chiến lược của một thời kỳ lịch sử kéo dài nhiều năm. Một vùng có cư dân chiến 22% dân số của cả nước, có tiềm năng kinh tế chiếm 20 % tổng sản lượng quốc gia.
Chúng tôi rất chú ý đến những chăm sóc giúp đỡ tạo mọi điều kiện của Đảng, Nhà nước cho con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi thấy cần quan tâm đến việc cụ thể hóa các chương trình đáp ứng nhu cầu của cư dân vùng này. Chúng tôi tin Đảng, Nhà nước đang và sẽ tích cực tiến hành chấn chỉnh những biểu hiện xấu, như : lợi dụng các công trình đáp ứng nhu cầu của cư dân rồi ăn bớt tiền của, vật tư của Nhà nước cung cấp hay của dân đóng góp. Chúng tôi nghĩ, sự xác định thật cụ thể vai trò của cán bộ Nhà nước trong việc thực hiện chánh sách đáp ứng nhu cầu toàn diện cho con người – cư dân. Biểu hiện cụ thể là “Vì cư dân suốt đời tìm mọi cách đáp ứng mọi nhu cầu cho cư dân, như người nô bộc tận tụy trung thành của dân. Mọi hoạt động đều quan tâm đầy đủ nhu cầu của cư dân bằng những cuộc thăm dò điều tra xã hội học, chọn lựa đúng nhu cầu thiết yếu và bức bách nhất của dân. Đồng thời vận động không ngừng tinh thần làm chủ của cư dân để cùng phối hợp và kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện đáp ứng nhu cầu của con người – cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Emily A. Schultz + Rober H. Lavenda (2001), Nhân học. Một quan điểm về tình trạng nhân sinh , (Anthropology a Perpective the Human Condition), Nxb CTQG HN,(Dịch giả Phan Ngọc Chiến và Hồ liên Biện).
2. Hội đồng Trung ương biên soạn sách triết học Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, (1996), Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lênin hiện nay, Nxb CTQG.
3. Nguyễn Thành Đức, (1989), Những suy nghĩ triết học về con người trong quá trình đổi mới, Khoá luận Triết học của tác giả, tại Viện KHXH tại Tp HCM.
4. Nguyễn Thành Đức, (1989), Nhận thức lại vị trí nhu cầu văn hóa tinh thần trong công cuộc đổi mới hiện nay tại Tp HCM. Khoá luận Cao học của tác giả.