Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.902
 
Trao đổi với GS Trần Thanh Đạm : Một lối phê bình quy chụp lạc hậu
Đông La

Lâu nay, khi gặp những bài viết của GS Trần Thanh Đạm (TTĐ) tôi cũng có đọc. Tuy không hoàn toàn đồng ý nhưng tôi thấy ông cũng là người viết có lý lẽ. Vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài “Ông Trần Thanh Đạm bình cuốn "Thời cơ vàng của chúng ta" trên Vietnam.net (10:07' 03/08/2006). Bài viết như của một TTĐ khác, bởi nó nặng tính chủ quan với những suy diễn tùy tiện, bóp méo nội dung và bôi đen tấm lòng người viết; đặc biệt ông đã sử dụng lối quy chụp võ đoán xưa cũ lạc hậu. TTĐ  viết:

 

tôi nhận xét xu hướng chung của tập sách là tiêu cực, … phủ nhận nhiều điều trong đường lối hiện tại của Đảng, thậm chí có tính cách phủ định, phủ nhận bản thân sự lãnh đạo của Đảng, đi vào con đường của chủ nghĩa hư vô (nihilisme) và chủ nghĩa thủ tiêu (destructionnisme)... xu hướng này tập trung ở các bài "phông" của tập sách: loạt bài của Nguyễn Trung, sau đó của Đinh Trọng Thắng”.

 

Về cả cuốn sách tôi chưa đọc nên không bàn đến, bài này chỉ viết riêng việc TTĐ viết về Nguyễn Trung (NT).

 

TTĐ viết: “Tôi cũng không đi vào nội dung chi tiết mà chú trọng phương diện phương phápphong cách, từ đó soi chiếu đến nội dung”. Để phê phán một người mà chỉ đặt nặng phương pháp và phong cách của người ta thì tôi e rằng chính phương pháp tư duy của TTĐ cần phải xem xét, vì trong tranh luận, thường người ta “trọng chứng” hơn “trọng cung”; còn làm như TTĐ rất dễ suy diễn tuỳ tiện, nhất là lại có sẵn thành kiến nữa.

 

Trong các bài mà TTĐ lấy làm đối tượng phê phán, NT viết: “Đảng lãnh đạo thành công trong đoàn kết và hòa hợp dân tộc, để thu phục được nhân tâm cho chấn hưng đất nước, để trong ấm ngoài êm với những điều kiện tốt nhất cho mở rộng hợp tác mọi mặt với mọi đối tác bên ngoài”; rồi: “20 năm đổi mới đã xoay chuyển hẳn thế cờ của đất nước để mở ra vận hội mới cho đất nước”; rồi nữa: “Đảng ta xuất phát từ khát vọng và hành động đổi mới của quảng đại các tầng lớp nhân dân đã xây dựng lên thành đường lối đổi mới của Đảng, thành quốc sách có hiệu quả của Nhà nước, nhờ đó đổi mới đã không biến tướng thành tự phát vô chính phủ, không gây ra đổ vỡ như ở nhiều nước khác”;…  Như vậy NT đã đánh giá rất cao sự lãnh đạo của Đảng, riêng vấn đề hoà hợp dân tộc, tuy đã có buớc tiến lớn nhưng nếu vào các trang web hải ngoại tôi thấy NT viết nước ta đã “trong ấm ngoài êm” thì có khi còn nói hơi quá. Vậy mà Trần Thanh Đạm, vì không đi vào nội dung chi tiết”, đã hoàn toàn sai lầm khi cho NT: “phủ nhận” “phủ định” “đường lối” cũng như “sự lãnh đạo của Đảng” như đoạn trích trên.

 

Trần Thanh Đạm viết: “Theo tác giả thì thời cơ vàng là ở hoàn cảnh quốc tế. Hoàn cảnh này có muôn trùng thuận lợi... Theo tác giả thì dường như hoàn cảnh quốc tế của nước ta không có hàm chứa nguy cơ nào”; trong khi Nguyễn Trung viết: những bước phát triển mới của văn minh nhân loại trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay đang đem lại cho những nước đi sau những cơ hội chưa từng có! Kèm theo cũng là những thách thức chưa từng có”; “Bên cạnh những thách thức khắc nghiệt mới, sự phát triển của thế giới ngày nay cũng đang tạo ra những tiền đề phát triển chưa từng có cho những nước đi sau”; “Đổ lỗi một bề cho bên ngoài như vậy có khác gì cầu mong trên đời này có một chủ nghĩa thực dân nhân đạo, và hôm nay là cầu mong có một toàn cầu hóa kinh tế nhân đạo!”. Với con mắt thấy “không thể có một toàn cầu hóa nhân đạo”, nước ta bên cạnh “thời cơ vàng” còn có “những thách thức chưa từng có”; “những thách thức khắc nghiệt”, tại sao Trần Thanh Đạm lại nói Nguyễn Trung cho nước ta hoàn toàn không có nguy cơ?!

 

Một mặt nói NT đánh giá bên ngoài không nguy cơ, TTĐ cho NT đã phóng đại những nguy cơ nội tại: “Nguy cơ không phải ở hoàn cảnh quốc tế mà ở tự thân nước ta, trước hết là tự thân Đảng ta không nhận ra thời cơ để khai thác nó. Đó là một tiền đề hoàn toàn sai… “kẻ thù núp sau cái bóng của Đảng", “kẻ thù là sự kém cỏi về trí tuệ và đạo đức của Đảng lãnh đạo”. Trái với hoàn cảnh quốc tế, thời cơ vàng ở bên ngoài, còn bên trong chỉ có nguy cơ, chỉ có hiểm họa, và đó là hiểm hoạ đen”.

 

Thực tế Nguyễn Trung không viết nước ta “chỉ có nguy cơ” như Trần Thanh Đạm viết mà ông viết rất rõ về thành công cũng như sức mạnh nội tại của đất nước trong giai đoạn hiện nay: Nguyên nhân quan trọng nhất của thành công là trong đổi mới đã thực hiện được một bước đi quan trọng trên con đường dân chủ hóa toàn bộ đời sống kinh tế và quản lý xã hội”; “Thành tựu quan trọng bậc nhất đã đạt được của công cuộc đổi mới, dù mới chỉ ở bước khởi đầu, là có biết bao nhiêu sáng kiến, nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân con người đã được khơi dậy, được giải phóng, được phát huy, vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình, vì sự giàu có của đất nước, tìm đường hài hòa lợi ích của chính mình với lợi ích của đất nước”; “Dù mới chỉ là ở bước đầu sơ khởi, công cuộc đổi mới đang đi vào hướng đúng đắn là tạo điều kiện cho mỗi người tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho chính mình! Một dân tộc có mỗi cá nhân thành viên của mình có khả năng tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho chính mình, dân tộc đó là bất khả chiến bại!”

           

Đặc biệt, TTĐ còn đẩy NT vào tình trạng nguy hiểm, biến ông thành kẻ chống Đảng: “Kẻ thù của Đảng lại chính là Đảng và kẻ thù của Dân cũng chính là Đảng. Nguyễn Trung nói thật khéo, thật xảo quyệt : không phải là Đảng đâu mà chỉ là cái bóng của Đảng thôi, Đảng phải vượt qua cái bóng của mình, tức là làm cái việc không bao giờ làm được”. Thật không ngờ một vị giáo sư cao tuổi đã từng trải mà lại thản nhiên có phần thích thú tuỳ tiện quy kết, chẳng khác gì việc tuyên án tử hình sinh mệnh chính trị, sinh mệnh đạo đức một cán bộ, một chuyên gia lão thành, đã hưu trí và bệnh tật đầy mình (như ông tâm sự riêng) nhưng vẫn nặng lòng với Đảng, với dân; nhưng lại chỉ bằng sự hiểu sai lệch, thô thiển hóa ý tứ người khác. Nguyễn Trung viết: “Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh Đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước! (cho đến nay các văn kiện chính thức của Đảng mới chỉ nói là “chưa ngang tầm với nhiệm vụ đòi hỏi”). Vậy tôi hỏi GS Trần Thanh Đạm “sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh” không là kẻ thù (như Nguyễn Trung nói) mà là đồng minh của Đảng theo ý ông sao? Nguyễn Trung viết “kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo” của Đảng là “sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất” sao Trần Thanh đạm lại biến ý trên thành “Kẻ thù của Đảng lại chính là Đảng và kẻ thù của dân cũng lại chính là Đảng”?! Không cần đến trình độ một giáo sư văn chương cũng biết ý hai câu trên khác nhau một trời một vực, vậy chỉ có thể nói  hành động của TTĐ là một sự xuyên tạc, vu cáo thâm độc mà thôi. Không, không bao giờ NT lại có thể cho rằng Đảng trở thành kẻ thù của nhân dân khi ông viết: “Trong khi nội tình ở nhiều quốc gia có sự tranh giành khốc liệt giữa các lực lượng chính trị để xác lập vị trí lãnh đạo của một lực lượng nào đó, thì ở nước ta Đảng ta là lực lượng chính trị đã được thử thách dày dạn nhất và đang hội tụ được trong hàng ngũ của mình nhiều nhất những công dân ưu tú của đất nước”.

 

Về cách hành văn, TTĐ cũng quy kết NT rất nặng. TTĐ viết: “Tính chất dối trá trong bài của Nguyễn Trung, bên cạnh phương pháp lôgích sai lầm còn là phong cách hành văn của nó…phong cách chính luận có mục đích gây ấn tượng, gây kích động. Đặc điểm của nó là sự cường điệu, sự phóng đại, sử dụng các biện pháp tu từ để "xảo từ độn ý", "cường từ đoạt lý". Ví dụ rõ nhất là cách nói: thời cơ vàng và hiểm họa đen, kẻ thù núp sau cái bóng của Đảng, Đảng phải vượt qua cái bóng của mình v.v...”.

 

Việc sử dụng tu từ không phải độc quyền của văn chương, nhất là khả năng ngôn ngữ của các nhà tư tưởng rất giỏi, Ngay Các Mác và Ăng-ghen khi viết Tuyên ngôn Đảng cộng sản cũng hay dùng ẩn dụ, chính nhờ ẩn dụ, câu “giai cấp tư sản đã sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó” trở thành nổi tiếng. Tuy nhiên tôi thấy dùng tu từ chỉ phát huy tốt đối với người hiểu biết còn không rất dễ xảy ra tình trạng đàn gảy tai trâu, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị tư tưởng nếu bị hiểu sai có thể dẫn đến thảm kịch, Mác nói chôn “giai cấp tư sản” nghĩa là chôn những thuộc tính làm nên giai cấp nhưng trong thực tế có những trường hợp người ta hiểu câu trên thành việc chôn tất cả từ con người cho đến những gì thuộc về tư sản! NT sử dụng hình ảnh “cái bóng” tuy chưa đắc địa về mặt văn học, vì nói đến cái bóng là người ta liên tưởng đến những gì cặp kè, liền kề, song song với nhau, nhưng ông đã nói rất rõ ý của mình, ông sử dụng “cái bóng” là chỉ những khuyết điểm, những bất cập, những điều đã được ghi trong văn kiện, trong nghị quyết của Đảng, đã được thảo luận rộng rãi trên diễn đàn đại hội Đảng và Quốc hội, chúng cũng được sự quan tâm đặc biệt của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, đại tướng Chu Huy Mân… thể hiện trong các bài viết lo lắng về sự tồn vong của chế độ… chứ không phải NT bịa ra. Nhưng cái nhìn của NT là cái nhìn xây dựng, lạc quan, như câu ông viết: “Trong lịch sử của mình, Đảng ta đã hơn một lần vượt qua cái bóng của mình - lẽ đơn giản là Đảng chỉ có một mục đích duy nhất là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”. Tất cả rõ ràng như vậy, không hiểu sao TTĐ lại vặn vẹo suy diễn rồi quy kết rất nặng nề : “Nguyễn Trung nói thật khéo, thật xảo quyệt : không phải là Đảng đâu mà chỉ là cái bóng của Đảng thôi, Đảng phải vượt qua cái bóng của mình, tức là làm cái việc không bao giờ làm được. Hình với bóng thì luôn luôn cặp kè nhau, làm sao hình vượt qua được bóng?”; rồi: “Ở đây, Nguyễn Trung dùng tu từ để nói vòng vo, để xuyên tạc, đả kích”. “Thực ra, ca ngợi là giả, công kích mới là thực, ca ngợi chỉ là cái vỏ để che chắn, còn công kích mới là ruột, là những mũi tên ngầm có tẩm thuốc độc bên trong”.

 

Từ bối cảnh nước ta hoà bình, quan hệ bình thường với Mỹ, bang giao với tất cả các nước… thì ý của NT : “Việt Nam hiện nay không có kẻ thù chiến lược; không nên tự chuốc kẻ thù cho mình” là quá đúng, nhưng NT cũng như mọi người bình thường chẳng ai ngây thơ nghĩ như TTĐ đã suy diễn ghán ghép cho ông: “Các cường quốc ngày nay hình như chỉ làm điều tốt lành cho thế giới và cho Việt Nam”. Chính NT cũng đã từng cảnh báo đừng có ảo tưởng về một “toàn cầu hóa nhân đạo” kia mà!

           

TTĐ còn gán cho Nguyễn Trung những ý khác nữa: “Hình như mọi tiến bộ và thành công của chúng ta trong việc cải thiện môi trường quốc tế, quan hệ đối ngoại của chúng ta không phải do cuộc đấu tranh kiên quyết, kiên trì của chúng ta, không phải do thế và lực của Việt Nam về nhiều mặt đã tốt lên, mạnh thêm mà là do thiện chí của các cường quốc luôn luôn ban cho chúng ta”. “Giá như "thuận theo trào lưu" thì chúng ta đã thành rồng, thành hổ từ lâu rồi. Cái luận điệu này 30 năm nay …vẫn lưu hành ngấm ngầm… ngày nay được Nguyễn Trung phát biểu một cách khôn khéo… rõ ràng… được các giới ấy (ý TTĐ nói những người vọng ngoại, mất lập trường) nồng nhiệt hoan nghênh. Song tôi nghĩ, dân ta, nước ta không thể chấp nhận quan điểm đối ngoại đơn phương và thiển cận, sặc mùi của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa đầu hàng đó của Nguyễn Trung”. Tất nhiên NT không hề nghĩ thế, không hành động như thế, còn TTĐ, một giáo sư văn học, khi hết chiến tranh rồi, hết ta địch rồi, tuy còn nhiều mâu thuẫn nhưng không phải đối kháng một mất một còn, mà còn dùng ngôn từ sắt máu “đấu tranh” thì không phù hợp với xu hướng đối thoại thay cho đối đầu của ngày hôm nay. Còn thành công trong bang giao quốc tế của ta chủ yếu do cách ứng xử của Đảng và nhà nước phù hợp, do thế lực ta mạnh lên; mà thế lực mạnh lên không phải do “đấu tranh kiên trì” mà ta đã đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống chung nâng cao, vừa ổn định được chính trị vừa biết thuận theo trào lưu chung về đường hướng phát triển kinh tế, biết mở cửa, hợp tác làm ăn, kêu gọi đầu tư…

           

Một lần nữa TTĐ không tôn trọng nội dung văn bản, như cố tình không hiểu ý tứ của người viết, suy diễn theo ý mình, quy chụp NT thành kẻ lật đổ, phá hoại rất ác: “Khi phê bình những vấn đề thuộc về đường lối, chiến lược của Đảng, người đảng viên phải thẳng thắn, trung thực nhưng phải khiêm tốn, thận trọng, không được chủ quan, tự kiêu, đặt mình đứng ngoài Đảng, đứng trên Đảng để phán xét, để mị dân… Xin dẫn một số ý kiến của Nguyễn Trung để minh họa cho nhận xét trên đây. Ví dụ như nhận định của anh về "thành công của 20 năm đổi mới là đổi mới hệ thống", đó là một nhận định chủ quan. Hệ thống đó là hệ thống nào?… Đó là cách nói hàm hồ và mơ hồ một cách có dụng ý. Hệ thống (Système) tức là chế độ (Régime)…Theo tôi, từ Cách mạng tháng 8 đến nay, từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992, hệ thống nhà nước của chúng ta về nguyên tắc là bất biến, ngay công cuộc đổi mới khởi đầu năm 1986 vẫn giữ vững tính bất biến đó của hệ thống nhà nước ta với cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, theo chế độ tập trung dân chủ, bảo đảm tuyệt đối tính độc lập của chủ quyền dân tộc, tính dân chủ của chính quyền nhân dân”.

 

Một giáo sư văn học tất phải giỏi về ngôn  ngữ mà lại đồng nhất hệ thống với chế độ thì thật lạ, rồi còn dùng nó để quy chụp người khác thì thật nguy hiểm. Chế độ là một hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế… của một xã hội, tức một hệ thống cụ thể, còn hệ thống là từ chung dùng chỉ những tập hợp những yếu tố đồng dạng hoặc có liên quan, liên kết với nhau. Ở trên NT cũng nói về hệ thống, nhưng là “hệ thống con” trong chế độ, giống như tập hợp con trong toán học vậy. Nhà nước đang tiến hành cải cách hành chính cũng là một dạng cải cách hệ thống. Trong các bài viết NT cho ta đã thành công trong đổi mới hệ thống nhưng vẫn trăn trở vì chưa đủ, chưa theo kịp tình hình: “làm sao cho cải cách của hệ thống chính trị và quản lý nhà nước tiến kịp với cải cách và phát triển của kinh tế”, một điều không chỉ một mình ông mà cả đất nước nhận thấy và quan tâm. Ông cho chính sự “chưa tiến kịp” đó là nguyên nhân cơ bản của tham nhũng”; hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước còn thấp”; “sự xuống cấp văn hóa xã hội”. Những điều này đã được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn quốc hội. Ông cũng viết ra cụ thể những vấn đề cần phải quan tâm trong đổi mới hệ thống là: “ Mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của nhà nước pháp quyền”; “Vấn đề tồn tại lớn nhất mang tính hệ thống nằm ngay trong những vấn đề thuộc nhiệm vụ xây dựng Đảng”.

 

Đây là cách nhìn cách nghĩ và những đề xuất quý báu của một người từng trải và nhiều kinh nghiệm, từng ở vị trí cao trong hệ thống (thư ký thủ tướng), tiếc là với cái đầu của một giáo sư văn học, TTĐ lại không đủ sức hiểu đúng ý ông, cho là ông muốn thay chế độ!

 

Trước những bài viết mang tính học thuật, có tầm tư duy chiến lược cho sự phát triển của NT, vậy mà TTĐ lại phân tích phê phán bằng lối viết suy diễn, giả định, bài viết rất nhiều chữ: Thực ra, Hình như, Giá như, Dường như, Thực chất là, Sự thực là,… tức một lối viết phi khoa học, sai lầm.

 

Tôi cũng không ngờ một giáo sư văn học, có tuổi lại có một thái độ kiêu ngạo khi viết: “từ một cán bộ ngoại giao vô danh, Nguyễn Trung phút chốc được nổi tiếng như một "kiến trúc sư" đổi mới”. Bàn đến sự vô danh hữu danh tưởng dễ nhưng cho thấu đáo lại khó, vì có những nhà văn, nhà bác học được giải Nô-ben lại là người “vô danh” với đám đông, còn một kẻ giết người tàn bạo báo chí đại chúng xúm vào đưa tin rất dễ hữu danh; ngay TTĐ, chỉ những người cùng lứa và trong giới văn chương, chính trị mới có người biết, chứ ngoài xã hội mấy ai biết. Với NT từng là đại sứ, thư ký thủ tướng, những vị trí nếu không giỏi không thể được chọn; ông còn viết sách, viết văn, văn được dựng phim, vậy mà TTĐ còn cho là vô danh, hỏi như những người thường khác thì TTĐ có thái độ thế nào? Phải chăng đã có một sự đố kỵ ở đây? Vì đố kỵ hay vì khả năng trí tuệ mà TTĐ có thái độ không khách quan, đã không phân biệt nổi người xây dựng và  kẻ phá hoại, bác sĩ và tên giết người?!

 

Tôi nhận thấy có nhóm người làm như đất nước VN là của riêng họ, ĐCS VN là của riêng họ, những người không ở trong nhóm nói khác ý sẽ bị coi là vọng ngoại, cấp tiến… Theo Đặng Tiểu Bình, ông tổ cải cách của Trung Quốc, cho giữa tả khuynh và hữu khuynh thì tả khuynh nguy hiểm hơn, vì hữu khuynh lộ diện ai cũng biết, còn tả khuynh nhân danh chính ta mà đánh ta, không phải ai cũng nhận ra. Với tôi, từng viết bài chống Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, nhưng tôi ủng hộ NT trong chùm bài “thời cơ vàng” trên VietNamNet của ông.

 

Trong thời đại này, nhiều cái tưởng sai lại đúng, nhiều cái tưởng đúng lại sai, ngay cả những nguyên lý triết học tưởng bất di bất dịch cũng phải thay đổi mới phù hợp với tình hình mới, mà chính Mác cũng đã dặn: “áp dụng những nguyên lý phải tùy theo hoàn cảnh”, thì sự phân định đúng sai, phải trái cần phải có trình độ cao, thái độ khách quan, cái tâm trong sáng. Trong khi Đảng và Nhà nước kêu gọi góp ý xây dựng cho công cuộc đổi mới thì NT là một trong số ít người tích cực nhất, những ý kiến tâm huyết của ông được đa số dư luận đồng tình, thì sự phê phán của TTĐ, nếu nói như ngôn ngữ chính trị hiện nay người ta thường nói, là vừa thiếu tâm và vừa thiếu tầm, chẳng khác gì hành động chống đổi mới, và như vậy ông không ngờ rằng viết bài bảo vệ Đảng mà chính mình lại đi chống Đảng.

 

Tp.HCM 7-8-2006

Đông La
Số lần đọc: 4206
Ngày đăng: 10.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
NGƯU ‘’đầu’’ – MÃ ‘’viện’’: Nói Với Nhà Phê Bình Trịnh Thanh Sơn - Dương Cường
Về thôi,Nguyễn Lương Vỵ. - Ngô Khắc Tài
Đọc thơ Hồ Chí Bửu - Cảnh Trà
Đặng Huy Giang với “Đời sống” - Phạm Lưu Vũ
Đọc lại HƯƠNG CÂY - BẾP LỬA - Nguyễn Trọng Tạo
"Gia đình bé mọn" - Trần Thiện Đạo
Trần Hữu Dũng : Phớt tỉnh đi qua phố - Vũ Trọng Quang
Đọc ba tiểu thuyết mới : Những hành trình qua trống rỗng ,bài một - Nguyễn Chí Hoan
Mỏng manh thơ tìm yêu : Nhân đọc tập thơ RƠI NGƯỢC của Ngô Thị Hạnh ,NXB Thanh Niên 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Tự truyện – Loại hình tự thán hay tự tô ? - Ngọc Thiên Hoa
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)