Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.206.039
 
Hò giã gạo – Dân ca Ninh Hoà
Nguyễn Man Nhiên

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải với vùng biển dài có lắm đầm, nhiều vịnh nên đã sản sinh nhiều điệu hò biển khá độc đáo như hò chèo thuyền, hò khoan, hò lưới đăng, hò bá trạo… Bên cạnh đó còn có một số điệu hò nảy sinh trong môi trường giao lưu sinh hoạt, vui chơi giải trí như điệu hò giã gạo trước đây từng rất thịnh hành ở huyện Ninh Hòa.

 

Hò giã gạo Ninh Hòa - còn gọi là hò đối đáp - là một thể loại dân ca ra đời trong môi trường giao lưu sinh hoạt ở nông thôn. Trải qua mấy trăm năm hình thành và phát triển, hò giã gạo đã trở thành làn điệu phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Hòa xưa. Trong những đêm trăng thanh gió mát quây quần bên cối gạo (đây chính là bối cảnh để cho hò giã gạo phát sinh và tồn tại), nam thanh nữ tú vừa giã gạo vừa hò hát đối đáp theo nhịp chày khua.

 

Tác giả của điệu hò giã gạo Ninh Hòa chính là quần chúng nhân dân thuộc nhiều thế hệ ở địa phương. Đa số những nghệ nhân sáng tác là những người mê ca xang, hò hát, có năng khiếu về ca từ, thông hiểu chữ nghĩa kinh truyện của thánh hiền. Tất cả bài bản hò giã gạo đều làm theo thể lục bát hoặc biến thể lục bát. Nội dung khá phong phú đa dạng, phần lớn là các câu hò giao duyên tình cảm, một số bài ca ngợi luân thường đạo lý, nặng tính giáo dục, nhiều bài còn có nội dung chê bai đả kích kẻ bất trung, gian nịnh, bội nghĩa vong tình, nhắc nhở mọi người phải lấy đó làm gương.

Về tiết tấu, giai điệu, hò giã gạo được cấu tạo bằng ba loại nhịp chính là hò nhịp hai, hò nhịp bốn nhịp trùng. Về đề tài, có hò truyện, hò mép, lại có lối hò ứng tác. Ngoài ra, lại có lối hò suông (không đệm nhịp chày) trong lúc hai bên đối đáp tạm nghỉ xả hơi. Vào cuộc hát thường phải có một nam một nữ cầm chày. Nếu vai chủ là nữ thì vai khách nam hay ngược lại. Hai người giã thì gọi là giã chày đôi, ba người thì gọi là giã chày ba, lại có khi giã chày chéo, tức là hai người giã trái trả một lần hai cối gạo.

 

Những cuộc hò giã gạo thường được tổ chức riêng trong nội bộ từng làng hoặc hò hẹn, giao lưu với những làng lân cận. Vào những đêm trăng trời quang mây tạnh, mùa gặt hái đã xong, dân làng lại chọn một bãi đất trống hoặc một đám ruộng khô nào đó để làm nơi hò hát. Nếu có mời làng khác, vai chủ phải chuẩn bị chu đáo tất cả đồ nhu dụng và tiếp tân. Ngoài đôi ba thúng gạo lức, người ta còn phòng sẵn vài thúng trấu để khi gạo lức hết thì đổ trấu vào cối để giã hầu giữ nhịp cho câu hò. Nhạc cụ thì ngoài chày và cối còn có vài ba cây đàn cò, đàn bầu để hòa tấu cùng đàn của vai khách.

Những đêm hò giã gạo là cơ hội để các đôi trai gái gặp gỡ công khai, dùng điệu hò câu hát để ngỏ ý giao duyên hay tâm sự việc nghĩa nhơn chung thủy đồng thời cũng để thi thố tài năng ứng đối thấp cao. Thuở ấy hai làng cách nhau trên dưới chục cây số đã là xa lắm, phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân, thế mà thanh niên nam nữ vẫn náo nức đi hò hoặc đi nghe hò, đi xem hò. Nhiều đôi trai gái từ những cuộc hò mà phải lòng nhau rồi nên duyên chồng vợ.

 

Đến với đêm hò giã gạo còn là để “học ăn, học nói, học gói, học mở”, bởi vậy trong những dịp giao lưu hò hát, trai gái xưng hô đối đáp với nhau rất nhã nhặn, lịch sự. Khi vào cầm chày giã gạo, chàng trai luôn luôn xưng bằng tiếng “qua”, gọi cô gái bằng “bậu”, Phần cô gái gọi người trai bằng “chàng” và xưng bằng “thiếp” (chỉ trong trường hợp hò mỉa mai, chê trách, cô gái không xưng bằng “thiếp” mà xưng bằng “tui”).

 

Một cuộc hò giã gạo thường trải qua ba chặng. Chặng đầu là hò thăm hỏi, hò chào mời trầu. Đây là giai đoạn làm quen, tìm hiểu đối phương, rào đón và dò dẫm tình ý, tài nghệ. Lời hò phải thể hiện sự khiêm nhường, từ tốn, lịch sự. Ví như:

- Cô gái:

Xin chào anh bạn tổng bên

Nhịp chày mình sẽ làm quen trong câu hò

Trước tiên thăm hỏi nơi nhà

Hai thân tóc hạc da gà có khỏe không?

Băng sương chẳng quản đường trường

Mới hay tri kỷ tìm đường tri âm.

- Chàng trai:

Vừa nghe thục nữ ướm lời

Lòng mừng gặp gỡ đặng người ước mong

Trước xin chào các bà các ông

Cùng cô chú bác sau chào chung bạn mình

Dẫu rằng đường sá gập ghềnh

Bởi chưng nặng nghĩa trọng tình mà đi

Nhịp chày qua  đáp bạn nữ nhi

Mẹ già đã yếu cha thì tuổi cao

Khi đi cha mẹ dạy mấy điều

Gặp người hiền đức ghi vào giữa tâm

Nay biết ai là bạn tri âm

Nhờ nàng chỉ giúp mối tình thâm sau này…

 

Chặng hai là hò đối đáp, hò giao duyên. Đây là giai đoạn chính của cuộc hò, hễ bên trai đố thì bên gái giải, bên gái gài thì bên trai gỡ. Lúc này cuộc hò trở nên sôi nổi, hồi hộp, gay cấn và hào hứng.

- Chàng trai:

Trước nhà dăm một hàng trầu

Mà sao chẳng thấy trồng cau cây nào

Lòng qua ước muốn bước vào

Xin cha cho phép phụ vét hào trồng cau

Mai kia cau lớn bên trầu

Trầu xanh cau tốt nương nhau kết nguyền.

- Cô gái:

Thiếu cau mà chỉ dăm trầu

Bởi chưa tìm được giống cau để trồng

Quả như chàng có tốt lòng

Đem cau trồng giúp thiếp cảm lòng cho ai.

 

Chặng cuối là hò giã từ, hò tiễn bạn, đôi bên giã từ nhau qua những câu hò nặng tình lưu luyến, cảm phục, thương nhớ, vấn vương.

- Cô gái:

Gặp nhau chưa thỏa tấc lòng

Trăng đã xế bóng buồn không hỡi chàng

Cuốc kêu quốc quốc đoạn trường

Nặng thương nặng nhớ hai hàng châu rơi

Bỏ chày buông cối chàng ơi!

Ngưu Lang Chức Nữ ven trời chân mây

Duyên may ta gặp dịp này

Tình chàng ý thiếp tràn đầy nghĩa nhơn

Xa chàng thiếp thệ sắt son

Biển sông dù cạn cũng không sờn tình ta

Sang canh giục giã tiếng gà

Sương khuya nhuộm thắm trăng tà non tây

Thương nhau chàng nhớ lời này

Tránh xa Ngô Khởi học nơi Bá Lý Hề

Chắp tay giữa trời đất thiếp thề

Thủy chung thiếp quyết không hề sang ngang.

- Chàng trai:

Ngãi nhân mới kết chữ đồng

Sông Tương kẻ cuối bến người đầu dòng bậu ơi!

Nhìn bậu nước mắt qua tuôn rơi

Lòng đầy trĩu nặng một trời nhớ thương

Biết nhau vừa tạc đá vàng

Vì đâu qua bậu hai đàng chia tay

Bậu thì lẻ bóng nơi đây

Phần qua về lại làng tây ven rừng

Bậu còn nặng nghĩa thủy chung

Thì mong bậu nhớ cái gương vợ Mãi Thần

Kìa như mặt ả Kim Liên

Chuyện xưa kẻ ấy ai còn khen chi

Lòng qua mãi mãi khắc ghi

Mong sao dạ bậu đừng thay đổi nào

Dời chân biết gởi gì nhau

Qua xin trao bậu túi trầu làm tin.

Trải qua thời gian, cùng với bao biến động thăng trầm của lịch sử và sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, như  số phận nhiều thể loại dân ca khác, điệu hò giã gạo Ninh Hòa cũng đã bị lãng quên dần, thậm chí đã bị mai một mất hẳn dấu vết. Trong giới cao niên hiện còn sống ở Ninh Hòa cũng ít ai nhớ rõ hoặc nhớ đầy đủ bài bản, giai điệu hò giã gạo, còn giới trẻ thì tỏ ra bàng quan, xa lạ. Vì thế việc sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, bảo vệ và phổ biến làn điệu dân ca hò giã gạo - một vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của huyện Ninh Hòa nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung - là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết hiện nay, lại càng cấp thiết hơn khi các vị nghệ nhân, các cụ lão thành ở địa phương lần lượt qua đời và mang theo cả những hiểu biết quý báu mà ta chưa kịp ghi chép lại.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 5211
Ngày đăng: 12.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò diễn dân gian “ Hát mộc “ –Một vốn quý trong di sản văn hoá Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Lưới đăng – Nghề biển truyền thống ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Nhà mái lá – Nét văn hoá độc đáo của làng quê Bình Định - Mai Thìn
Hát lễ- hát bội Bình Định - Mai Thìn
Hò giã gạo Bình Định – sản phẩm độc đáo của nhà nông - Mai Thìn
Tình yêu quê hương đất nước của người Vĩnh Long qua ca dao - Tăng Tấn Lộc
Rối nước - Khánh Phương
Mượn kiếp đào nương... - Khánh Phương
“Yêu nhau chẳng lấy được nhau...” - Khánh Phương
Tuồng , còn hơn một nghệ thuật - Khánh Phương
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)