Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.277
 
Cô gái bán phở
Vi Thùy Linh

Tình yêu là một làn khói tạo bởi hơi nước của những tiếng thở dài

W. Shakespeare

 

Ðó không phải là một cô gái béo tròn và thực dụng. Cô tên là Hương, 19 tuổi, mảnh mai và

mơ mộng. Cô là con gái lão hàng phở ở phố tôi.

 

Quán phở Thới ngon nổi tiếng phố Giảng Võ và hầu như không ai sành phở mà không biết quán đó. Lão Thới chỉ khoảng hơn năm mươi tuổi. Còn trẻ chán. Thế mà đã bị gọi là "Lão" từ lâu rồi. Một người với cái bụng tròn như nồi nước phở, bộ mặt đỏ phừng phừng như thịt bò tươi và giọng nói lúc nào cũng như quát, không ai ngờ lại là bố của "hoa khôi phố" Kiều Hương.

Tôi vẫn thường gọi đùa cô là "nàng Tây Thi bán phở". Ðấy là do tôi nhớ đến "nàng Tây Thi

đậu phụ" trong truyện "Cố Hương" của Lỗ Tấn, nghe chua chát quá, nhưng mà thật như dao chém thớt. Và chính tôi cũng không nghĩ rằng, sẽ có lúc mình đưa Hương từ đời thực vào truyện ngắn. Bởi vì... bởi vì... tôi cũng thầm yêu Hương...

Tôi ở sát nhà Hương, hai cái nhà 3 tầng sát nhau, phòng Hương và phòng tôi cùng ở trên tầng 3. Nhà tôi mới chuyển đến đây khoảng nửa năm, nhà Hương thì ở đây từ rất lâu rồi.

 

Tôi thường đem cái "cơ sở luật" bé tí của mình để so sánh, để hỏi chính tôi. Sao Hương không học Ðại học? Sao Hương cứ ở nhà bưng phở, lấy bánh phở ngày này qua ngày khác? Sao Hương... lại là con gái của lão Thới? Hương không giống lão về tất cả...? Sao... nhưng rồi cái "cơ sở luật" của chàng sinh viên 19 tuổi đang học năm thứ nhất trường luật - là tôi - không tìm được câu trả lời chính xác, và tôi quyết định phải tìm hiểu!

 

... Hương là con gái út của lão Thới, vợ lão cũng ở nhà bán phở. Lão muốn vậy chứ cả mẹ con Hương đều không muốn ở nhà để từ sáng đến trưa, từ chiều đến đêm không thoát nổi bát đĩa và hàng trăm công việc của một hàng phở đông khách. Tôi cũng bận nhiều việc lắm, nào là đi học, nào là viết báo, cũng chẳng mấy khi đi chơi với chúng bạn. "Thì mình có hơn gì Hương", tôi vẫn nghĩ, "cũng suốt ngày công việc, thậm chí trong mơ cũng thấy mình đang chạy hổn hển nữa".

 

Lũ bạn tôi vẫn tấm tắc: "Nhất mày! Này nhé nhà mặt phố, bố làm "cốm", xe "người tình trăm năm" (xe Angel 80 ấy mà), trai một... Ối em "xin chết"! Tôi ngẫm lại mình. Ờ chúng nó nói đúng. Bố tôi là giám đốc Trung tâm đào tạo của Ðài truyền hình Việt Nam. Mẹ là giảng viên đại học. Và tôi, đỗ vào trường Luật dạng "thám hoa", chứ có phải kém cỏi gì đâu. Giờ lại còn làm trưởng lớp một lớp nổi nhất trường cũng oách nhưng chưa thấy "chết" ai cả, tôi chẳng chú ý lắm đến các cô gái điệu đàng và hời hợt nhan nhản quanh mình, những người với hàng mớ suy nghĩ thực dụng luôn dễ dàng "bay hơi" như nước phở.

 

... Hương học hết cấp III rồi ở nhà bán phở với bố mẹ Lão Thới có 3 đứa con gái, hai chị đi lấy chồng cả, còn có mình Hương. Hương hiền lành và cam chịu quá, tôi vẫn thầm trách. Nếu tôi là Hương, không bao giờ tôi chịu làm bồi bàn đến thế. Tôi nghe nói, lão Thới ít học nên không thích "con hơn cha", thế mới lạ. "Cho chúng mày học hết cấp 3 là tốt lắm rồi. Thời xưa, các cụ đâu có cho con gái đi học nhiều, biết chữ lắm để viết thư cho giai à. Hai chị mày đi lấy chồng xong rồi, còn mày thì khoan khoan. Ðể tao xem thằng nào khỏe mạnh, chăm chỉ đã..."

 

Lão Thới bảo Hương. Tôi chẳng phải loại chăm chỉ, đi suốt ngày, có mẹ làm hết. Còn khỏe kiểu "vai u thịt bắp" tôi không có. Tôi cao mét bảy, nặng 58 kg, cũng hơi gầy. Nhưng "trí thức" thì phải thế, tôi tự an ủi, có phải thợ xẻ đâu mà...

 

Tôi thường vào ăn phở ở nhà Hương, chọn cái bàn trong góc, tôi thích quan sát mọi người, và ngồi đó để tiện ngắm nhìn Hương. Hương mặc toàn đồ bộ, người cao, trắng và môi rất đỏ. Và giọng nói, ôi, giọng nói Hương trong trẻo và ngọt ngào làm sao, nó làm người nghe muốn nghe mãi.

 

Hương dậy sớm, đi lấy bánh phở, còn thịt thì người ta mang qua nhà. Rồi về lau chùi bàn ghế, bưng phở, rồi lại bưng bát đũa đi rửa, rồi lại lau chùi... cứ thế ngày qua ngày. Một cuộc sống quá đơn điệu. Thì cũng khác gì cuộc đời mẹ Hương và của hai chị gái Hương lúc còn ở nhà. Tôi kinh ngạc trước sự chịu đựng của họ.

 

Mẹ Hương ít khi xuất hiện. Bà thường làm việc ở gian trong, nấu nướng dọn dẹp trong đó, chỉ khi quán quá đông khách bà mới xuất hiện. Lão Thới không muốn thuê thêm người làm, lão bảo: "Hay gì cái bọn "ô xin" ấy, nó cuỗm của mình lúc nào không biết!" Thế là cuộc sống đơn điệu ấy hút người Hương, như chồng bát cao hơn cô khi cô cúi xuống rửa chúng...

 

Chiều chiều, Hương ngồi lặng lẽ ngắm nhìn dòng người lại qua, đôi mắt lúc nào cũng mở to như chờ đợi, như mong muốn. Có những đêm khuya, tôi thấy đèn phòng Hương vẫn sáng, Hương viết gì đó say sưa lắm.

 

Rồi tôi biết Hương đã yêu. Không phải yêu tôi mà là một người khác. Anh ta hơn gì tôi chứ? Ðẹp trai hơn tôi một chút, chẳng lẽ Hương thích hình thức? Anh ta mặc chải chuốt hơn tôi, đi xe Dream II, nhưng vẻ hào nhoáng không che nổi con người bên trong. Nhìn kiểu đi đứng, ăn uống là biết.

- Mày đứng đần ra đấy à ? Khách vào kia kìa!

Tiếng cáu bẳn của lão Thới cắt ngang dòng suy nghĩ, tôi giật mình. Anh ta đến. Hương trở nên vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Cô bưng bát phở nghi ngút khói đến cho anh ta dù tôi đến trước. Và cô nói gì đó rất dịu dàng. Một lát sau, Hương bưng phở đến cho tôi. Ðặt bát xuống. Hương nói nhanh "Của anh này!" rồi quay sang phía anh chàng kia đến nỗi tay suýt gạt đổ bát phở.

 

Ngày lại ngày như thế. Tôi yêu Hương và tôi muốn thời gian "chín" hơn, khi ấy tôi mới thổ lộ. Hương yêu anh ta, còn anh ta thì có đáp lại đâu. Hay anh ta không biết ? Chiều thứ bảy tuần trước mấy thằng bạn thân ở lớp đến rủ tôi đi chơi. Bọn nó bảo ở quán sân ga đường Lê Duẩn (quán sinh viên) tối nay vui lắm, có nhiều "hội" trường khác đến hát nhạc sống. Tôi hỏi bọn nó vì dịp gì mà "xôm trò" vậy, mấy tên cười khì khì: thích thì quậy, thế thôi.

 

Tôi định không đi, nhưng chúng nó rủ "quyết liệt" quá thế là tặc lưỡi. Ði qua nhà Hương, tôi dừng lại nhìn Hương. Hương đang chống tay ngồi bên bàn sát cửa. Chúng tôi nhìn nhau, Hương thoáng bối rối rồi quay vào. Tôi hút ánh mắt theo... thằng Long đập vai, bảo: "Ði, mày! Mê rồi chứ gì, "đốn" đi!" Mấy đứa kia đồng tình: "Ðốn!" rồi cười ré lên và cả lũ phóng đi.


Hương quá mơ mộng và đã ảo tưởng về anh ta. Có lẽ, cô nghĩ đấy là chàng hoàng tử của mình. Tôi cũng rất thích truyện cổ tích và hay đọc lắm, nhưng hồi nhỏ thôi. Bây giờ thì không, tôi biết rằng nếu người ta quá tin, huyễn hoặc điều gì mà không thể thành hiện thực thì có thể sẽ bị nạt vì thất vọng và hụt hẫng. Tôi đã nhìn thấy Hương say sưa đọc "Truyện cổ tích An-dec-xen" trong lúc ngồi rỗi. Câu chuyện nghìn lẻ một đêm chẳng bao giờ kết thúc cả, tôi tin thế, sẽ lẻ đến vô cùng...

 

Sáng hôm qua, tôi đến quán phở Thới. Và anh ta cũng đến. Chúng tôi luôn giáp mặt nhau. Anh ta nhìn tôi khiêu khích với đôi mắt lừ lừ cố hữu. Và tôi nhìn về Hương...

 

Hương bưng bát phở nóng đến một bàn trống góc phòng, tôi ở góc bên này quan sát. Nhưng Hương không chú ý tới tôi. Cô tháo chiếc nhẫn vàng tây bên tay trái thả vào bát phở. Mặt cô đỏ hồng, ánh mắt long lanh như hồi hộp, vui sướng mang phở đến bàn kẻ - đối lập - của tôi. Lúc ấy quán chưa đông tôi cố gắng nghe xem Hương nói gì.

- Mời anh. Anh ăn đi.

 

Câu nói của Hương là thế, Hương đã nói với anh ta bao nhiều lần? Tôi bực và giận, giận mình, giận Hương và giận cả những gì chưa đến. Tôi định đứng dậy đi về thì Hương mang bát phở nóng đến bàn tôi.

- Anh ăn đi!

Cũng lại "Anh ăn đi!", trời ơi, nhưng mà Hương nói nhanh như "khoán" vậy. Tôi ăn chậm rãi nhìn Hương đang đứng phía cửa trong, và nhìn anh ta. Ðến miếng cuối cùng, tôi thấy anh ta dùng thìa múc thật nhanh và đưa lên miệng. Tôi đoán anh ta đã ngậm chiếc nhẫn. Hương thì vui sướng. Anh ta đưa tiền rất nhanh cho bố Hương rồi nhảy lên xe máy rồ ga.

 

Tôi biết Hương đang tư huyễn hoặc về anh chàng kia và thực hiện câu chuyện cổ tích của mình. Giống như công chúa nào đó bỏ nhẫn vào bánh để bày tỏ tình yêu...

 

Và sáng nay, tôi quyết định đi ăn phở dù tôi rất ngán phở. Vì chỉ muốn đến quán phở để nhìn Hương mà tôi ăn phở liền hàng tháng nay. Tôi ngồi chờ đợi anh ta, chờ đợi cái kết của câu chuyện cổ tích. Hương đi ra đi vào, vẻ mong ngóng. Và anh ta đến.

Anh ta đi thẳng tới bàn thịt của lão Thới:

- Bán cho tôi bát phở bò!

- Anh cứ ra bàn, em nó mang ngay ra cho anh...

- Không cần đâu, ông cứ làm luôn đi!

 

Rồi anh ta đứng bên bàn, nhìn chăm chăm vào tay lão Thới, những ngón tay béo múp đeo đầy nhẫn vàng. Lão Thới đưa bát phở cho anh ta, anh ta thoáng thất vọng. Anh ta dùng thìa, ăn rất nhanh như cố tìm kiếm chiếc nhẫn thứ hai vậy. Còn Hương đứng bên cửa buồng, nhìn anh ta chờ đợi. Cô chờ anh mang chiếc nhẫn tới và hỏi "Có phải đây là nhẫn của em. Tôi yêu em." như chàng hoàng tử trong truyện cổ từng đọc.

Anh ta đã ăn xong, vẻ mặt thất vọng thật sự. Ðến bên bàn lão Thới, anh ta đưa nhanh tờ 5000 đồng.

 

"Tôi gửi" rồi quay ra.

- Ơ kìa, anh lấy lại tiền thừa đã chứ!

Không quay lại, anh ta đi nhanh ra cửa, đi như chạy. Anh lái xe "Giấc Mơ" lao vụt đi. Hương buồn, mắt rơm rớm. Khói nồi nước phở bốc hơi nghi ngút, khói xe máy của anh chàng kia vẫn còn chưa tan. Hương nhìn xuống bàn tay của mình, hai bàn tay đan vào nhau, bóp mạnh lại. Có khách vào, lại tiếng lão Thới:

- Hương, bưng phở cho khách!

Hương giật mình, bất giác cô nhìn tôi. Còn tôi thì nghĩ: Anh ta sẽ không bao giờ trở lại nữa.

 

Thoáng nghe một tiếng thở dài...

Vi Thùy Linh
Số lần đọc: 3242
Ngày đăng: 13.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên - Hoàng Ngọc Tuấn
Khoảng trắng ngày xưa tôi - Nie Thanh Mai
Chiếc áo màu thiên thanh - Phan Thị Thu Loan
Yêu - Đặng Thân
Tình nghĩa Giáo khoa thư - Sơn Nam
Cây Huê Xà - Sơn Nam
Đất Đỏ - Phan thị Vàng Anh
Giấc ngủ nơi trần thế - Nguyễn Thị Ấm
Chiếc Nhẫn Ngọc - Trần Thuỳ Mai
Truyện Thánh Gióng kể ngược - Đổ Minh Tuấn
Cùng một tác giả
Cô gái bán phở (tuyển truyện)