Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.176
123.204.007
 
Địa danh gốc Chăm ở Khánh Hoà
Nguyễn Man Nhiên

1. VỀ ĐỊA DANH NHA TRANG

 

TÊN NHA TRANG XUẤT HIỆN TỪ KHI NÀO?

 

Từ năm 1653, với việc thành lập đơn vị hành chính dinh Thái Khang cai quản hai phủ Thái KhangDiên Ninh, vùng đất Nha Trang-Khánh Hòa ngày nay đã trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Đại Việt(1). Có thể tên Nha Trang đã xuất hiện ngay từ buổi đầu khi lưu dân người Việt theo lệnh chúa Nguyễn đến khai khẩn và định cư ở vùng đất ven biển này. Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ đường xá Việt Nam do nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, đã thấy có tên Nha Trang môn (cửa Nha Trang)(2). Trong một bản đồ khác cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII mang tên Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi rõ Nha Trang hải môn (cửa biển Nha Trang)(3). Đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh này. Mặt khác, trong thư từ của các giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVIII, lần đầu tiên ta thấy tên Nha Trang được ghi lại bằng mẫu tự La-tinh. Chẳng hạn trong lá thư đề ngày 31-5-1715 của Giám mục người Pháp Marin gởi cho những giám đốc Chủng viện kể lại một vụ đắm tàu của người Hà Lan tại vùng đảo Hoàng Sa, tác giả có nhắc đến một địa danh nguyên văn như sau: “un port nommé Nhatlang” (một cảng biển có tên Nha Trang). Ở một lá thư khác đề ngày 16-10-1718 ông lại viết: “le canton de Nhatlang” (tổng Nha Trang)(4). Điều đáng chú ý ở đây là cách ghi âm địa danh Nha Trang = Nhatlang. Ngoài dạng này, ta còn thấy một số cách ghi tương tự như trong tập Mémoire sur la Cochinchine (Hồi ký về xứ Đàng Trong) viết năm 1744 của thương nhân người Pháp Pierre Poivre, trong đó Nha Trang đã được viết là Natlang (5), hoặc trong một lá thư xuất bản năm 1746 của M. Faure, một thầy lễ Thụy Sĩ, tả lại các tổ yến trên vách đá của những hòn đảo ngoài khơi thành phố Nathlang (6). Về mặt ngữ âm, tiếng Việt ở thế kỷ XVI, XVII có một số tổ hợp phụ âm đầu như bl, ml, tl... về sau này không còn nữa mà biến thành một số phụ âm khác, ví dụ tl sau này biến thành tr (Trong “Từ điển Annam - Lusitan - Latinh của Alexandre de Rhodes xuất bản lần đầu năm 1651 có các từ TLĂM = TRĂM, TLÂU = TRÂU, TLÊN = TRÊN...)(7). Một tài liệu khác có thể cho ta biết tường tận xã hội Đàng Trong vào đầu thế kỉ XVIII là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 khi ông trấn nhậm hai đạo Thuận - Quảng. Trong tác phẩm này có ghi những địa danh như Nha Trang nguyên (nguồn Nha Trang), Nha Trang đàm (đầm Nha Trang), Nha Trang dinh (dinh Nha Trang), Nha Trang dinh thị (chợ dinh Nha Trang) (thuộc phủ Diên Khánh), Nha Trang lãnh (đèo Nha Trang) (thuộc phủ Bình Khang). Điều đáng chú ý là, qua sự ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn, ta có thể thấy rằng vào thời bấy giờ tên Nha Trang là tục danh rất thông dụng trong dân gian để chỉ chung phủ Diên Khánh, nơi đặt lị sở của dinh Bình Khang, tức vùng đất bao gồm cả thành phố Nha Trang lẫn huyện Diên Khánh ngày nay, như trong đoạn văn sau đây: “Phàm hóa vật được sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang(8). Nhiều tài liệu về sau cũng cho thấy cách gọi này đã tồn tại một thời gian dài. Trong một bài hịch của vua Quang Trung viết năm 1792 có đoạn: “Các ngươi sẽ thấy rằng Trẫm chỉ đánh một trận là Bình Khang, Nha Trang ... tức khắc được thu phục(9). Sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ soạn dưới thời Tự Đức ghi lại sự kiện sau: “Năm Quý Sửu (1793) đại quân lấy lại Bình Khang, tiến đánh thành Quy Nhơn. Lúc ban sư, đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là thành Diên Khánh, núi sông thật là thiên hiểm, tục gọi là thành Nha Trang(10). Đến đời Gia Long đổi tên dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa rồi sau đó là trấn Bình Hòa thì trong An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd in năm 1838 cũng ghi: “Nha Trang seu Bình Hòa trấn” (Nha Trang tức trấn Bình Hòa)(11). Mãi đến 1924 khi thị trấn Nha Trang được hình thành từ  5 ngôi làng cổ ven biển của thuộc Hà Bạc huyện Vĩnh Xương là Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải, địa danh Nha Trang mới thu hẹp lại để chỉ vùng đất là thành phố Nha Trang hiện nay.

 

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA ĐỊA DANH NHA TRANG

 

Không kể cách giải thích Nha Trang có nghĩa là Nhà Trắng (12) chỉ là câu chuyện vui trong dân gian, đến nay đã có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh Nha Trang:

 

a) Nha Trang là địa danh Hán-Việt do người Việt đặt khi đến vùng đất này. Từ  trang (nghĩa Hán-Việt là trại làm ruộng) trong Nha Trang thể hiện “dấu vết tổ chức nông nghiệp thời phong kiến” (Theo Trần Thanh Tâm, Thử bàn về địa danh Việt Nam, 1976).

 

b) Nha Trang là địa danh Hán-Việt do vua Trần Nhân Tông đặt khi vào thăm đất Chiêm Thành năm 1301 theo lời mời của vua Chiêm là Chế Mân. (Theo Mịch Quang & Nguyễn Hồng Sinh, Nha Trang là gì ?, 1992).

 

c) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa krưm  nghĩa là sông tre (Theo A. Cabaton).

 

d) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa trăh nghĩa là chỗ hai dòng nước gặp nhau (Theo Nguyễn Khắc Ngữ).

 

e) Nha Trang từ tiếng Chăm ýa trang nghĩa là sông lau (Theo Gerald Moussay, Thái Văn Kiểm, Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư).

Giả thuyết (a) và (b) với cách giải thích Nha Trang dựa vào nghĩa Hán-Việt khá khiên cưỡng vì không có sử liệu minh chứng cụ thể.

 

Các giả thuyết còn lại (c, d và e), mặc dù có khác nhau trong việc lí giải các thành tố cấu tạo nên địa danh Nha Trang  nhưng chúng đều thống nhất ở điểm:

- Nha Trang là địa danh phiên âm từ tiếng Chăm, tiếng nói của một dân tộc vốn cư trú lâu đời ở vùng đất này.

- Nha Trang nguyên là tên sông (chỉ sông Cái, Nha Trang), sau được dùng để gọi rộng ra cả vùng đất.

Theo chúng tôi, tên Nha Trang có thể được hình thành do cách đọc Hán-Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ýa Trang. Trong sách Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chàm-Việt-Pháp) do linh mục Gerald Moussay và cộng sự biên soạn, có ghi như sau:

- trang : cây lau

- ýa : nước, bến nước, sông

-  paley ýa trang : xứ Nha Trang (13)

Thành tố /ýa/ trong tiếng Chàm (và các ngôn ngữ chi Chàm như Ê-đê, Raglai ...) có nghĩa là nước, nguồn nước, đôi khi cũng dùng với nghĩa chỉ sông, suối. Cách đặt địa danh gồm những thành tố chỉ sông, suối, rừng, núi ... kết hợp với những thành tố khác chỉ đặc điểm, thuộc tính của chúng là những phương thức quen thuộc của các tộc người Nam Á, Nam Đảo mà Ýa Trang (sông lau) là một ví dụ. Mặt khác, cuộc sống của con người bao giờ cũng gắn với nguồn nước - một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Từ tên nguồn nước (sông, suối ...) sau được dùng để gọi rộng ra vùng đất cư trú là quy luật phổ biến trong việc cấu tạo địa danh.

Sự tồn tại của địa danh Chăm Ýa Trang còn được minh chứng qua các cứ liệu sau:

 

- Khi kể lại sự tích vua Pô Klong Garai (tục gọi là vua Lác, nay còn đền thờ ở Tháp Chàm, Phan Rang), người Chăm có câu ca: “Ko ýa ru iku ýa trang” (nghĩa là “đầu ở xứ Ninh Hòa đuôi ở xứ Nha Trang”) để tả cảnh dân chúng đi đưa chàng Lác về Kinh làm vua, kéo thành một đoàn dài vô tận (14).

 

- Trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm, hình tượng nữ thần Pô I-nư Na-ga (người Việt gọi là Bà Thiên Y A Na hay Bà Chúa Ngọc) chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Mỗi thôn xóm, mỗi vùng cư trú của người Chăm xưa đều thờ Bà mẹ xứ  của họ, ngày nay ta còn nghe truyền tụng những cái tên như Pô I-nư Na-ga ha-mu Ca-wet (Mẹ xứ chim) ở Lạc Trị, Phan Rí; Pô I-nư Na-ga ha-mu Tan-răn (Mẹ xứ đồng bằng) ở Hữu Đức, Phan Rang; Pô I-nư Na-ga ha-mu Ýa Trang (Mẹ xứ lau) ở Nha Trang (15).

 

Tóm lại, tên Nha Trang, gốc từ tiếng Chăm Ýa Trang (sông lau), là địa danh của người Việt gọi vùng đất đã thuộc chủ quyền của mình từ năm 1653. Hơn 3 thế kỉ rưỡi trải qua nhiều biến động lịch sử, ban đầu chỉ là tục danh, về sau trở thành địa danh hành chính chính thức, tên Nha Trang vẫn tồn tại như một địa danh truyền thống cho đến ngày nay.

 

CHÚ THÍCH:

 

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của NXB Sử Học, Hà Nội 1962, tập 1, tr. 83.

(2) & (3) Hồng Đức bản đồ, bản dịch của Bửu Cầm và cộng sự, Viện Khảo Cổ Sài Gòn, 1962.

(4) Nguyễn Nhã, Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội truyền giáo Paris, Sử Địa số 29, Sài Gòn 1-1975, tr. 268-272 .

(5) Pierre Poivre, Hồi ký về xứ Cochinchine năm 1744, bản dịch của GS Nguyễn Phan Quang, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.

(6) M.Fauvre, Lettres défiantes et curieuses sur la visite apostolique de M. de la Baume, évêque d’Halicarnasse, à la Cochinchine en l’année 1740, Venise 1746.

(7) Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt , Đỗ Quang Chính, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991.

(8) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, tr. 234.

(9) Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1977, tr. 423 - 424.

(10) Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí, bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh, NXB Tự Do, Sài Gòn 1960, tr. 161.

(11) Nguyễn Q. Thắng, Hoàng Sa Trường Sa, NXB Trẻ, TP. HCM 1988, tr. 64.

(12) Quách Tấn, Xứ Trầm hương, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1969, tr. 158.

(13) Gerald Moussay, Dictionnaire Căm – Vietnamien - Francaise, Trung tâm Văn hóa Chàm - Phan Rang, 1971, tr. 475.

(14) Bố Thuận, Sự tích vua Pô Klong Garai hay là sự tích Tháp Chàm, tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn).

(15) Văn Đình Hy, Quá trình chuyển hóa từ Pô Nưga (Chàm) đến Thiên Y A Na (Việt), tạp chí Văn Học số 6-1979.

 

2. TỪ ÝA RU ĐẾN NHA PHU - ĐI TÌM ĐỊA DANH CỔ CỦA NINH HÒA

 

Tháng 10 năm 1714, ba chiếc thuyền buồm chất đầy hàng hóa của thương nhân Hòa Lan từ Nhật Bản trở về Batavia (quần đảo Nam Dương) đã bị bão đánh đắm trên những bãi ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Thư từ trao đổi của các giáo sĩ châu Âu thuộc Hội truyền giáo Pa-ri trong thời gian này cho biết đa số thủy thủ đoàn đã thoát nạn nhờ bám vào những mảnh ván của con thuyền vỡ và sóng xô dạt họ lên những cồn cát. Những người này đã sống trên đảo khoảng một tháng, sau đó họ gom góp những mảnh vỏ tàu kết lại thành một chiếc xuồng, theo sau bóng dáng những chiếc ghe bầu của ngư dân xứ Đàng Trong tiến về bờ biển Nam Hà, vào một cửa biển có tên là Nha Tlang. Thư của các giáo sĩ cũng đề cập tới một địa danh khác là Nha Ru và cho biết Nha Tlang cách Nha Ru độ một ngày đường bộ. Từ Nha Tlang, đoàn người sống sót sau vụ đắm tàu đã lên đường tới Nha Ru và từ đây họ tiếp tục cuộc hành trình khổ nhọc ra Huế bệ kiến chúa Nguyễn(1).

Trong một bài viết trước đây(2), chúng tôi đã chứng minh Nha Tlang chính là Nha Trang hiện nay. Cách ghi âm bằng mẫu tự La-tinh Nha Tlang như trong thư của các nhà truyền giáo nước ngoài hoạt động ở Đàng Trong vào thời điểm trên phản ánh sự  tồn tại một số phụ âm kép như bl, ml, tl ... trong ngữ âm tiếng Việt ở các thế kỷ XVI - XVII mà về sau này không còn nữa. Về nguồn gốc, Nha Trang là cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm là Ýa Trang. Ýa Trang  - có nghĩa là sông lau - nguyên là tên sông Cái Nha Trang. Từ tên sông sau chỉ rộng ra cả vùng đất.

Còn Nha Ru ? Qua một số chi tiết trong thư của các giáo sĩ kể lại vụ đắm tàu năm 1714 đã nêu ở trên, có thể đoán định rằng Nha Ru là một cửa biển nào đó nằm gần Nha Trang và ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Lần theo dấu vết của địa danh này qua các tài liệu, thư tịch cổ, chúng tôi phát hiện rằng Nha Ru cũng là một địa danh gốc Chăm như Nha Trang và là tên cũ của vùng đất Ninh Hòa ngày nay. Ta cũng biết trước khi thuộc chủ quyền của người Việt, dải đồng bằng ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay vốn là địa bàn sinh tụ lâu đời của dân tộc Chăm. Trong hệ thống địa danh Việt ở vùng này có một số địa danh là phiên âm theo tiếng Chàm xưa. Tra cứu Từ điển Chàm - Việt - Pháp của Gerald Moussay, chúng tôi thấy có ghi các mục từ sau:

- ýa ru : thác nước

- paley Ýa Ru : xứ Ninh Hòa(3)

Người Chăm cũng có câu ca: “Ko Ýa Ru iku Ýa Trang” nghĩa là “đầu ở Ninh Hòa đuôi ở Nha Trang” khi kể về sự tích vua Pô Klong Garai (nay còn đền thờ ở Tháp Chàm, Phan Rang)(4).

Cùng bắt nguồn từ địa danh cổ Ýa Ru (có nghĩa là thác nước), để chỉ vùng đất Ninh Hòa xưa, bên cạnh tên Nha Ru, ta còn thấy tồn tại một số cách gọi khác có dạng phát âm tương tự như sau:

- Nha Du: Trong bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII, phần vẽ vùng đất Khánh Hòa ngày nay thấy có ghi địa danh Nha Du hải môn (cửa biển Nha Du)(5). Cửa biển này được vẽ gần Nha Trang hải môn.

- Nha Lỗ: Trong bài vè thủy trình Hải môn ca (bằng chữ Nôm) của dân ghe bầu kể về các cửa biển ở Đàng Trong có đoạn: Sông ngang thủy thế mênh mông/ Qua miền Nha Lỗ phỏng trong nửa ngày/ Đến Nha Trang một ngày chầy/ Lại thêm nửa ngày đến tiểu Nha Trang ... (6). Ở đây, Nha Lỗ  chính là Nha Ru vì trong mối tương quan giữa các địa danh thuần Việt và địa danh Hán-Việt, ta thường thấy có sự chuyển đổi giữa cặp phụ âm đầu r >< l, chẳng hạn: Cam Ranh >< Cam Linh; Phan Rang >< Phan Lang.

- Nha Tù: Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 có chép tên đầm Nha Tù thuộc phủ Bình Khang(7), còn sách Thông quốc duyên cách hải chử  của Nguyễn Đức Huyên và Đoàn Viết Nguyên soạn năm Gia Long thứ 16 (1817) thấy có tên Nha Tù hải môn (cửa biển Nha Tù)(8) thuộc trấn Bình Hòa (chú ý: phủ Bình Khang, trấn Bình Hòa đều là tên cũ của tỉnh Khánh Hòa).

- Nha Phu: Sách Đại Nam thực lục chính biên - bộ sử biên niên của nhà Nguyễn - cho biết: Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) đổi tên tấn sở Nha Tù ở tỉnh Khánh Hòa là Nha Phu(9). Về các cửa biển thuộc phía bắc tỉnh Khánh Hòa, sách Đại Việt địa dư toàn biên (còn gọi là Phương Đình dư địa chí) của Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ soạn dưới thời Tự Đức có ghi tên cửa Nha Phu ở phía đông huyện Quảng Phước(10). Sách Đại Nam nhất thống chí của Sử quán triều Nguyễn có chép các địa danh Nha Phu úc (Vịnh Nha Phu), Nha Phu tấn (tấn sở Nha Phu)(11). Hiện nay, cửa Nha Phu tức là cửa Hà Liên thuộc huyện Ninh Hòa, nơi sông Dinh chảy ra đầm/vịnh Nha Phu.

Căn cứ vào những ghi chép trên, có thể xác định rằng: tên Nha Ru (theo cách ghi âm của các giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo ở Đàng Trong hồi đầu thế kỷ XVIII) hay Nha Tù, Nha Du, Nha Lỗ (trong các văn bản Hán Nôm trước năm 1833), rồi Nha Phu (từ 1833 đến nay) đều có gốc chung từ tiếng Chăm là Ýa Ru và là địa danh cổ của vùng đất Ninh Hòa hiện nay.

 

CHÚ THÍCH:

(1) Nguyễn Nhã, Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của Hội Truyền giáo Ba Lê, tập san Sử Địa (Sài Gòn) số 29 (1 - 3/1975), trang 258 - 273.

(2) Nguyễn Viết Trung, Về địa danh Nha Trang, trong sách Khánh Hòa - Diện mạo văn hóa một vùng đất (tập 1), Sở VHTT Khánh Hòa xuất bản 1998.

(3) Gerald Moussay, Dictionnaire Căm – Viêtnamien - Francais, Trung tâm Văn hóa Chàm Phan Rang xuất bản 1971, trang 474.

(4) Bố Thuận, Sự tích vua Pô Klong Garai hay là sự tích Tháp Chàm, tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn (trước 1975).

(5) Hồng Đức bản đồ, Viện Khảo cổ Sài Gòn xuất bản 1962, trang 160 - 161.

(6) Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san (Sài Gòn), tập XIII quyển 9 (9-1964).

(7) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 217.

(8) Bửu Cầm, sách đã dẫn ở mục (6)

(9) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ VIII, tập 12(1833), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1965, trang 36.

(10) Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí, Cơ sở Tự Do (Sài Gòn) xuất bản 1960, trang 162.

(11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (quyển 11: tỉnh Khánh Hòa), bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa (Sài Gòn) xuất bản 1964, trang 89.

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 5479
Ngày đăng: 14.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nói thêm về đàn Nam Giao - phần 1 - Trương Thái Du
Nói thêm về đàn Nam Giao - phần 2 - Trương Thái Du
Cam Ranh xưa và nay - Nguyễn Man Nhiên
Phan Thanh Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kì (Phần 1) - Hùynh Công Tín
Phan Than Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Ki (Phần 2) - Hùynh Công Tín
Một cách nhìn lịch sử hời hợt và méo mó - Hà văn Thùy
Đi tìm di tích Dinh xưa - Nguyễn Man Nhiên
Làng Lại Đà xưa và nay -8 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -9 hết - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -7 - Nguyễn Phú Sơn
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)