Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.618
 
Kịch bản một chuyện tình
Đặng Hoàng Thái

Hắn ngồi đó, trong góc tối của một quán cà phê. Ở cái góc tối ấy, hắn có thể đưa mắt nhìn chung quanh, nhìn những gương mặt người lấp loá dưới ánh đèn màu: Thoả thê có, rầu rĩ có, bực dọc có, trầm trầm lạnh lẽo vô hồn có… Cũng có đôi khi, nhất là những lúc hắn mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, mắt nhập nhoạng, những gương mặt người chỉ còn lại những hình tròn, hình chữ nhật, hình thoi, hình bầu dục… thun thun, nhảy nhót. Thường, hắn bật cười- những âm thanh khùn khụt quẫy đạp trong vòm họng, hai bờ môi thâm sì, mím chặt. Mà cũng có đôi khi, hắn giật mình đưa bàn tay lên xoa tròn khuôn mặt râu ria biếng cạo để tưởng tượng xem nó sẽ ra hình thù gì khi hắn rời cái góc tối, ngồi đâu đó ngoài ấy. Cũng có thể gương mặt hắn có hình trái tim, một trái tim móp méo vì quá nhiều lần bị quăng lên, đập xuống, lưng tưng trên đường đời. Trái tim luôn tượng trưng cho tình yêu cho dù nó có móp méo cỡ nào đi chăng nữa. Nhưng nghiệt là hắn lại sợ đàn bà. Đối với hắn, gương mặt đàn bà luôn ẩn hiện cái vẻ nửa ma quái, nửa thiên thần. Thoáng đó là cái nhoẽn cười thật ngây thơ, trong trắng. Nhưng rồi cũng thoáng đó là cái nhếch môi nhè nhẹ hay cong cong vành môi, đầu lưỡi lén lút đưa nhẹ từ trái qua phải (hoặc từ phải qua trái) như mãng xà vờ ngủ.

 

Hắn đã sợ đàn bà, vậy mà trời xui đất khiến thế nào hắn lại được bầu làm bí thư chi đoàn công ty, đứng mũi chịu sào cho một đám đoàn viên mái, ham chơi hơn làm, ham nhiều chuyện, ham đấu đá, ganh tỵ lẫn nhau. Ôi trời, hắn phải lo từ A tới Y (không thể tới Z vì hắn sợ lổ đầu, chảy máu). Thi thoảng lại còn phải đứng ra phân xử chuyện cô nọ gào khóc, tố cáo cô kia giựt bồ, mỏ đong đỏng lên như cá dồ. Lắm lúc, bực mình, hắn thèm chụp cây chổi lông gà, quất vào mông mỗi đứa một phát. Nhưng rồi hắn lại sợ, biết đâu có cô buồn buồn quy cho hắn cái tội "khủng bố" hay "quấy rối" gì gì đó thì khổ đời. Năm ba lần thất tình thời sinh viên đủ để hắn trở nên mất mọi cảm giác trước những bóng hồng.

 

Người yêu đầu là cô bạn học cùng lớp ở văn khoa, thắm thiết lắm! Yêu đến mức có ít nhất một lần dẫn ra công viên, cuốn quýt cạp vào môi nhau, rát bỏng, tay chân quờ quạng. Khi rời ra, cô nàng đỏ mặt quay đi. Cả hai im lặng mãi cho đến khi hắn buồn buồn lẩm nhẩm mấy câu ca dao:

 

"Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà…"

 

Nghe đến đó, cô nàng vụt hỏi: "Đố anh chiếc áo có để trên cành hoa sen được không?". Hắn bảo không thể nào, đó chỉ là cái cớ như muôn vàn cái cớ thường xuất hiện trong các bài ca dao nói về tình yêu. Hắn hùng hồn diễn thuyết về "cái cớ", "tính ước lệ" trong văn học dân gian. Chẳng hiểu sao, cô nàng lại trề môi xì một tiếng bảo chuyện anh nông dân đặt chiếc áo trên cành hoa sen là thật, chẳng là cái cớ, chẳng ước lệ. Hắn gân cổ cãi, nàng cũng chẳng vừa, phùng mang trợn mắt, cứ như cảnh các nhà triết gia tranh luận chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước. Thế là thù nhau.

 

Người yêu thứ hai là cô nàng bán cơm cạnh ký túc. Yêu hắn, cô nàng thường lén mẹ, vùi cục thịt nạt lớn xuống dưới đĩa cơm của hắn. Nhưng hắn phát hoảng rút lui khi phát hiện cô nàng có tật hay ngoái mũi, đưa lên nhìn xem cái thể vật chất nhầy nhầy ấy to hay nhỏ, rồi xoẹt móng tay búng xành xạnh. Thường thì cái cái thể vật chất nhầy nhầy ấy hay rơi vào nồi thịt kho hay nồi canh nước trong veo hơn là rơi ra ngoài.

 

Người yêu thứ ba là một cô diễn viên điện ảnh hạng bét, chuyên đóng vai những nhân vật bán chè thưng, bưng hủ tiếu hay nữ du kích xách carbin chạy qua chạy lại, bò tới bò lui giữa cảnh bom rơi đạn nổ, khói lửa mịt mù. Thường thì những nhân vật này chỉ xuất hiện trên màn ảnh khoảng vài chục giây, dài nhất cũng chỉ được 2-3 phút. Thế mà điệu đàng, đêm đến là kéo hắn đến các vũ trường, quán bar, gọi rượu tây, nhạc chơi slow nhưng nhắm mắt, lắc đầu, giựt soul như lên đồng.

Người yêu thứ tư là một cán bộ Đoàn, mỗi khi hắn cuồng lên ghì chặt là cô nàng đẩy ra, rất dứt khoát: "Đồng chí cần phải giữ gìn đạo đức, tác phong của một…". Người yêu cuối cùng là nhân viên nhập liệu cho một toà báo, cứ đặt tay lên bàn, lên thành ghế, thậm chí cả lên đùi hắn là năm ngón tay lập bập gõ liên tục.

 

Hắn thôi, không yêu nữa! Thi thoảng, bản năng đàn ông trỗi dậy, hắn chui đại vào một quán bia hay nhà hàng karaoke nào đó, làm ba hột, bốc hốt ba mớ rồi về nhà lăn ra ngủ vùi.

*

Ngoại trừ mẹ hắn, hắn không sợ. Vì có bao giờ hắn biết mặt mẹ mình như thế nào đâu. Bà bỏ cha con hắn chạy theo một gã Mỹ đen nào đó, giẫm đạp đồng loại, leo lên cầu thang trên tầng thượng toà nhà sứ quán, chen chúc trong chiếc trực thăng, ì ạch tháo chạy về hướng hạm đội 7 ngoài Thái Bình Dương ngày 30.4.1975. Mãi đến sau này, hắn mới lý giải được vì sao cha hắn thường bật cười khà khà rồi nín bặt, mặt đanh lại mỗi khi nghe vở cải lương "Tìm lại cuộc đời", đoạn thương phế binh Trần Hùng khà khưỡng, nghiêu ngao: "Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ sinh con…". Cũng may hắn là con ruột của cha hắn, một hạ sĩ quèn chuyên lo chuyện bếp núc, giặt giủ cho vợ con của một ông tướng nguỵ quyền. Giải phóng, cha hắn học tập cải tạo chỉ 3 tháng, về được 6 năm, ngày xách bay đi làm hồ, đêm nốc rượu say mèm, đủ 2.190 ngày rồi lao đầu xuống sông Sài Gòn tự vẫn. Người lái xích lô chở cha hắn hôm đó kể lại: "Leo được nửa dốc cầu, tự dưng ổng kêu tui dừng lại cho ổng đái. Tưởng thiệt, tui thắng xe. Ổng xìa ra phía sông mà xả, miệng nói lối: Rớt tú tài anh đi trung sĩ… Tui còn nói: Lẹ lên về cha nội ơi! Khuya rồi, đói bụng thấy mẹ còn bày đặt hát với ca. Ổng quay mặt lại nhìn tui cười khà khà, rồi búng người lao xuống".

 

Chẳng ai tìm thấy xác cha hắn. Hắn ngồi dưới gậm cầu đúng 3 ngày rồi đứng dậy, mắt ráo hoảng. Về tới cổng nhà, hắn đã thấy 1 người ông mặc đồ bộ đội, nói giọng Bắc đứng đó. Ông bảo, cha hắn đã cứu ông đợt Mậu Thân, nuôi giấu 6 tháng rồi tìm cách đưa lên Tây Ninh, ra cứ. Vì thế ông phải có bổn phận nuôi nấng hắn. Người đàn ông ấy bước vào nhà, bắt hắn gọi bằng bố. Ông không lấy vợ, ở vậy nuôi hắn. Nghe đâu, năm 1973, biệt kích 81 phục kích ở một góc rừng giáp biên giới, người giao liên đi cùng với ông ngã gục. Ông tức, ông thù, đứng sõng  lưng, nách kẹp chặt khẩu AK, nã hết băng đạn vào những lùm cây đong đưa trước mặt. Ông hét, ông la, ông khóc, khan cả cổ, rồi sụp xuống. Khi tỉnh dậy, ông mới thấy đau, một viên đạn đã tiện mất cái phần duy trì nòi giống của ông.

 

Mấy năm trước, mẹ hắn có về nước. Gặp ông, bà đòi kiện, tội ngang nhiên cướp nhà. Ông không nói gì, lẳng lặng vô buồng, xách cây K54 ra lên đạn cái rốp, chửi thề: "Tiên sư bố chị, chị đi kiện đi, tôi bắn nát óc. Chẳng ai cướp của ai, nhà này thằng Tị (tên hắn) đứng tên, tôi chẳng có gì sất. Tôi bắn chị vì cái tội bỏ chồng con đi làm đỉ cho mấy thằng Mỹ. Tiên sư bố chị, cút ngay!". Bà xanh mặt, bỏ chạy tuốt, chẳng buồn đợi hắn hết giờ làm việc để gặp. Mẫu tử tình thâm, hắn biết trên cõi đời này hắn vẫn còn một bà mẹ. Nhưng thật sự, cái sợi dây liên hệ ấy dường như đã đứt tự bao giờ. Hắn có 2 người cha, đó cũng là một điều không phải ai cũng có.

*

Ở một góc sáng của quán cà phê, phải gọi là sáng nhất vì ở đó có một cái đèn bàn Trung Quốc đặt trên quầy cao nghệu. Chụp đèn được kéo sát xuống quyển vở học trò luôn luôn mở, chi chít những con số. Và một người đàn bà trẻ, một tay chống cằm, một tay cầm bút, mắt chơm chớp, cũng nhìn về hướng những ánh đèn màu lấp loá. Đẹp, nhưng hơi góc cạnh - hắn nghĩ vậy. Người đàn bà này tên Lan, khá gắt gỏng với cô gái chạy bàn chân dài, thường mặc váy ngắn, áo hai dây chừa khoảng ngực trắng nhệt luôn được đẩy vun cao. Đám choai choai đến quán rất khoái nhìn cô nàng bước những bước dài, thẳng đuột, mông eo ẹo cứ như đang bước trên sàn catwalk. Mỗi khi bưng mâm cà phê ra bàn, cô gái thường chịu một bên chân trái, chân phải vẻ nửa vòng nhỏ, sàng ngang theo kiểu đứng tấn, chúi đầu xuống chiếc bàn thấp, cặp vú chảy ra phía trước làm đám choai choai cười tít mắt. Có thằng còn rút di động kèm máy ảnh, bấm lạnh cạnh rồi chìa nhau xem. Nàng không giận, mắt chỉ nguýt dài. 

 

Nhưng với hắn thì cô gái luôn cố khép nép, ra chiều tiết hạnh lắm. Có lẽ, đối với cô, hắn như một nhân vật điển hình, thường gặp trong những kịch bản chuyện tình quán cà phê: người đàn ông luôn ngồi một mình, uống một thức uống, hút một loại thuốc, mắt xa xăm nhìn về một cõi hư vô nào đó. Giả như, hắn mà biết thêm chút nhạc nhọ, vờ rút giấy ký âm vài nốt, miệng lẩm nhẩm, thì trong mắt cô gái, hắn sẽ là Trịnh Công Sởn, Trịnh Công Sợn gì đó. Hắn chẳng quan tâm, việc của hắn là tối tối ghé quán uống cà phê, ngả người ra, tựa đầu vào thành ghế, mắt khép lại cố xua cái cảm giác bức bối, mệt mỏi. Xui rủi (dường như điều đó thường xảy ra đối với hắn), một đêm mưa tầm tả, quán vắng tanh, chớp lập loè. Mưa thổi thốc từng cơn gió giật mang đầy hơi nước vào cái góc tối. Lạnh, hắn đốt thuốc liên tục. Cô gái chạy bàn buồn bã khoác chiếc áo jean lên người, hơi ngập ngừng một chút, nhưng rồi cũng kéo ghế ngồi xuống cạnh hắn. Ở ngoài góc sáng, người đàn bà chủ quán buông tay chống cằm, quay mặt lại nhìn.

 

Nàng tự giới thiệu tên mình là Nhi, 24 tuổi, ở Thị Nghè nhưng nhà mãi tận Bình Chánh. Nàng kể, học đến lớp 9, nàng bắt đầu chán, thường cúp học theo đám con trai trong xóm lê la hết quán này đến quán khác. Bị đuổi học, về nhà bị ông già đánh một trận thừa sống, thiếu chết rồi đuổi ra khỏi nhà. Nàng bỏ đi thật. Mướn nhà trọ, xin vào vào các quán cà phê phụ bán. Đến quán người đàn bà trẻ tên Lan này đã là quán thứ năm. Nàng than, sống cô đơn một mình trong căn phòng trọ, buồn lắm. Có khi, nửa đêm tỉnh giấc, mưa gió, thèm có ai đó ôm mình vào lòng, xoa tóc, xoa lưng rồi cắn vào môi, vào ngực… Khó quá, đâu dễ tìm một đàn ông đích thực, yêu nàng, chở che cho nàng. Hắn cười. Một nụ cười khuất lấp trong góc tối. Tự dưng hắn lại liên tưởng đến tay nhà văn Trung Quốc nào đó viết hẳn một quyển tiểu thuyết với tựa đề "Một nửa đàn ông là đàn bà". Thế giới này xưa nay vẫn vậy mà. Hắn lại cười, rút thuốc châm lửa đốt, mắt dõi ra phía màn mưa. Người đàn bà trẻ chủ quán tên Lan đã rời góc sáng. Có lẽ như muốn nhường cho hắn và Nhi một góc riêng để tâm sự. Cũng tốt, dẫu sao thì thi thoảng phá vỡ cái quy luật "một mình" cố hữu cũng chả chết thằng Tây nào.

 

Đêm ấy, hắn đưa Nhi về. Trên xe, một cô gái xa lạ áp sát ngực vào lưng một người đàn ông xa lạ, lao đi dưới màn mưa giăng giăng.

*

Họp chi đoàn, đám con gái cứ thúc ép hắn chọn đại đứa nào đấy, để vài năm nữa sang hàng bốn là coi như ế độ. Ừ, hắn cũng già rồi. Mà nhìn quanh quất sao cô nào cũng mang dáng dấp của 5 cô người yêu cũ. Ôi trời, thế thì chết còn sướng hơn. Hắn cười, lắc đầu: "Cái số thằng anh của bọn bây là phải xuống tóc đi tu. Tiền kiếp mấy ngàn năm trước vốn là Tam Tạng…". Chưa dứt câu, có đứa đã chống nạch, ẹo ngược, ẹo xuôi: "Vậy em giả làm Nữ vương thử xem anh có xúc động… đậy không?". Nghe tới đó, hắn hoảng hốt quay lưng dông thẳng, không kịp tuyên bố kết thúc buổi họp.

 

Ngồi trong góc tối, hắn hơi ngạc nhiên khi không thấy bóng Nhi. Đích thân người đàn bà trẻ chủ quán tên Lan bưng cà phê ra cho hắn. Chị bảo, Nhi nghỉ làm, đi đâu không rõ. Nhưng trước khi đi, Nhi có nhờ chị gởi lại cho hắn một phong thư dán kín. Hắn xin một ngọn nến. Góc tối bừng lên một khoảng sáng nhập nhoà, lay động:

 

"Anh Tỵ!

Cũng chẳng hiểu tại sao em lại buồn đến mức phải bỏ quán chị Lan mà đi! Thật tình, những năm tháng sống lay lắt bụi đời, em quá quen với chuyện đêm ngủ với một người đàn ông xa lạ nào đó, sáng tỉnh dậy, thấy bên mình là một cọc tiền, khi thì quẳng trên ngực, khi thì nhét dưới gối. Em là một đứa con gái chẳng còn gì để mất nữa. Nhưng sau cái đêm mưa ấy, lúc anh lẳng lặng móc tiền để vào trong ví của em, thì em đã tỉnh giấc. Nếu anh đứng dậy, quay lưng đi, em sẽ xem anh như mọi người đàn ông khác. Và cũng chẳng việc gì phải nghỉ làm. Nhưng! Giá như anh đừng nán lại, đừng vuốt mái tóc rối của em, đừng hôn lên trán em, đừng kéo chăn đắp cho em…

 

Anh Tỵ! Đời em chưa cho ai cái gì, cả cái quý nhất của một người con gái em cũng bán đi để đối lấy miếng ăn. Thôi thì, xem như đây là lần đầu tiên em cho đi, dù biết rằng điều mà mình nhận lại là một nỗi buồn, một nỗi đau day dứt khó quên. Em gởi lại anh số tiền mà anh đã trả cho em. Em hứa, sẽ cố sống khác đi. Hy vọng, một ngày nào đó em sẽ tìm được một người đàn ông của riêng mình. Mỗi sáng thức dậy, người đàn ông ấy sẽ vuốt tóc, sẽ hôn lên trán, sẽ kéo chăn đắp cho em.

 

Tạm biệt anh, người thích uống cà phê một mình!".

 

Những dòng chữ xiêu vẹo của một cô gái học chưa hết lớp 9 làm hắn sửng sờ. Hắn không thể ngờ được hành động tự phát của mình lại làm Nhi buồn. Đêm ấy, mưa suốt, nằm trên chiếc nệm mỏng đặt dưới sàn xi măng, hơi lạnh bốc lên làm hắn trầy trật lắm mới ngủ được. Sáng ra tỉnh dậy, nhìn dáng Nhi trần truồng co ro, những mãng tóc rối bù, bệt lại trên gương mặt đã lau sạch phấn son, hắn thấy thương thương, tồi tội. Hoá ra, cuộc vui tưởng chừng như sòng phẳng của hắn đã giúp Nhi từ bỏ cuộc sống buông thả, mặc cho số phận đẩy đưa. Tự dưng, hắn buồn cười. Không phải là giọng cười với những âm thanh khùn khụt quẫy đạp trong vòm họng. Mà phải là giọng cười kha khả, cười cho thật đã đời.

 

Mưa. Trời tháng sáu mưa nhì nhằng, dai dẳng. Hắn nhét lá thư vào túi áo, đốt một điếu thuốc rồi thổi tắt ngọn nến, ngã người tựa vào thành ghế. Trong góc tối, điếu thuốc cháy đỏ rồi ngút tàn. Hắn đứng dậy, lao ra ngoài, quên cả việc gọi tính tiền. Ở cái góc sáng của quán cà phê người đàn bà trẻ chủ quán tên Lan, một tay vẫn chống cằm, một tay cầm bút, mắt nhìn ra ngoài hiên, không chớp.

 

Ở một góc sáng khác, trong một căn phòng trọ ọp ẹp, một cô gái ngồi bó gối, tóc xoả dài, đôi vai trần run run, từng chập.

 

Tây Ninh, tháng 6.2004

Đặng Hoàng Thái
Số lần đọc: 2817
Ngày đăng: 15.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đoạn kết một bộ phim - Phan Thị Thu Loan
Con nước đi rong - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Bão quét - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Chuyện chị Tư Mót ở xóm Mồng Tơi - Đặng Hoàng Thái
Đêm chờ đợi - Quân Tấn
Sáo ơi, về đâu - Đoàn Phương Huyền
Đêm bảo Tuyết - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tình rừng - Bùi Thanh Minh
Chàng gàn - Vũ Ngọc Tiến
Gặp lại Huyền Trân - Bùi Anh Tấn
Cùng một tác giả
Chữ tình (truyện ngắn)
Lão Khương Câm (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)