Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.260
 
Đọc tập truyện “Người leo dừa” của Vũ Hồng: Tiếng reo đằm thắm tình người
Lê Xuân

Nhiều bạn yêu văn chương cả nước đã biết đến trang web www.vuhong.com  với cái tên dễ mến và khiêm tốn “Quán văn chương nhỏ ven sông Hàm Luông”. Người ta biết đến một Vũ Hồng – thơ với bài thơ “Người phương nam”, một Vũ Hồng - truyện với truyện ngắn “Tiếng chuông trôi trên sông”…, một nhà văn đa tài, đa tình. Sau các tác phẩm đã xuất bản như “Tháp bụi” (tập thơ), “Người phương Nam” (tập thơ), “Tiếng chuông trôi trên sông” (tập truyện ngắn)…, anh vừa cho chào đời tập truyện ngắn “Người leo dừa” (Nxb Hội Nhà văn – 2006). Riêng tập truyện ngắn “Tiếng chuông trôi trên sông” đã in đến lần thứ 4, được tặng thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam, được chọn in trong  Bộ sách Vàng của NXB Quân đội nhân dân nhân kỷ niệm 60 năm thành lập QĐNDVN và Tủ sách Vàng của NXB Kim Đồng.

       

“Người leo dừa” với 11 truyện ngắn được viết bằng một bút pháp khá hiện đại, ngôn ngữ hướng tới tính phổ thông, ít phương ngữ Nam bộ như những tác phẩm trước, không gian truyện có ít nhiều chịu ảnh hưởng của truyện ngắn Sê-khốp, và lời thoại mang phong cách của Hê-ming-way. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết “Lời reo” thay cho lời tựa, có nhận xét: “… kết chuyện luôn để lại một cái buồn sâu sắc, buồn ngọt ngậm ngùi lan toả vào lòng người đọc. Những nỗi đau đời được kể bằng giọng bông lơn, nhẹ bâng. Những sự đổ vỡ buốt lòng mang vẻ mặt tươi cười. Một lối văn tìm kiếm và chờ đợi người…”.

       

Đọc những truyện ngắn của anh, ta không thể đọc nhanh, đọc lướt kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” để giải trí, để nắm bắt cốt truyện, mà nhiều khi phải dừng lại suy nghĩ về một lời thoại chứa nhiều thông tin và nhân vật có khi đổi ngôi đột ngột. Lối viết “truyện trong truyện” được anh vận dụng nhiều. Có khi chỉ một truyện mà chứa nhiều cốt truyện nhỏ, nhiều tình tiết đan chen tạo nên một bức tranh đa chiều, lắm sắc như cuộc sống vốn có. Truyện “Người leo dừa” là tiêu biểu nhất của lối viết ấy, phản ánh rõ bút pháp Vũ Hồng. Nhân vật chính là một “Gã” làm nghề leo dừa mướn nhưng rất hào phóng, và có một chút điệu nghệ, “một người có mặt mà như không hề có mặt trên cõi đời quá bao la  này”.  Đây là chân dung gã “với dáng đi khập khiễng, vậy mà mỗi khi ôm lấy thân dừa, gã leo thoăn thoắt như một con sóc chuyền cành, hết cây dừa này đến cây dừa khác… Bẻ dừa xong, gom đủ số dưới gốc cho chủ, gã chỉ cười hề hề rồi đi sang vườn dừa khác” (trang 10). Người ta mướn gã làm đủ mọi việc như bẻ dừa, gài chuột… nhưng gã không bao giờ mở miệng đòi tiền công, ai có đưa bao nhiêu cũng được, hoặc cuối tháng, cuối mùa mới đưa. Lòng tin, chữ “tín” của những người nông dân ở thôn quê chưa bị cơ chế thị trường làm lung lay. Gã sống trong nhà kho rách nát của đình làng nhưng ngày nào gã cũng thắp nhang cầu nguyện. Và câu chào cửa miệng của lão với “tôi” là “Chuyện thế giới có gì mới không?”. Nói gã điệu nghệ là ở chỗ gã chỉ uống rượu vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật, còn các ngày thứ ba, năm, bảy thì ở nhà “viết văn”. Văn của gã thế nào ta không cần biết. Hàng xóm ai có đám hiếu, hy, gã đều tự nguyện đến nấu nước một cách âm thầm, lặng lẽ. Rồi đùng một cái, có ông Bộ trưởng là Thủ trưởng cũ của gã tới làng để thông báo: gã được giải oan, được Chính phủ truy tặng danh hiệu anh hùng, bởi thành tích nổi tiếng của một anh lính đặc công thuỷ gan dạ và mưu trí của Khu. Bấy giờ cả làng mới biết tên gã là Hậu. Những chi tiết như thế cũng có thể tách ra thành một truyện ngắn khác về một con người anh hùng.  Còn một chi tiết nữa cũng có thể trở thành một truyện ngắn mi-ni hấp dẫn. Đó là cảnh vợ gã dẫn một ông Tây cao lớn mắt xanh mũi lõ và một đứa con trai trở về. Anh vẫn chăm chút để tả đứa con lai này – một nhân vật tưởng chừng không dính dáng gì đến câu chuyện - có thể xác giống Tây nhưng mái tóc là của người Việt (theo phương ngôn “Cái răng cái tóc là góc con người). Rồi việc chị vợ của của gã chăm sóc gã như những ngày hai người còn yêu nhau thắm thiết… Hoá ra việc vợ gã đi xa lấy chồng Tây là có lý do như  gã nói “Tôi bị thương, tôi không còn khả năng làm chồng ai hết” (trang 17). Những chi tiết gã và ông Tây leo dừa, tắm sông, đào dế; cảnh ông Tây nghịch ngợm chụp ảnh bà sồn sồn đang ngồi trong cây cầu tiêu bắc cheo leo trên hồ cá rộng…, tất cả đều như hư như thật, như cuộc sống vốn có, đang cựa mình theo từng hơi thở. Đặc biệt cái chết của gã để lại nhiều xót thương và cảm phục trong lòng người đọc. Hành động “xả thân” cứu người của gã trong thời chiến cũng như trong thời bình biểu hiện một triết lý sống “mình vì mọi người”. Tính cách “dõng dã” của cư dân Nam bộ đã thấm vào máu thịt gã từ thuở nào. Cuộc đời của nhân vật Gã và những bối cảnh của nó có thể xây dựng thành một truyện vừa hay một tiểu thuyết, hoặc có thể dựng thành phim truyền hình nhiều tập. Ở truyện ngắn đặc sắc này, Vũ Hồng đã đưa vào nhiều cảnh đời, nhiều tình tiết éo le, có kịch tính, có lớp lang, và khéo lồng vào đó những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương đại như chuyện chặt dừa, chuyện mở đường, cảnh làng xóm đua nhau bán đất, làm nhà ra mặt đường lớn để buôn bán, không khí “đô thị hoá” đang lan tới vùng sâu, vùng xa. Cái điệp khúc của gã: Ở chợ, thấy chuyện thế giới có gì mới, xin cho hay là một thông điệp chứa đựng nhiều biến cải trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nông thôn.

      

Ở các truyện “Quán rượu cuối năm và một người viết văn trẻ”, “Chờ đò Cà Mau”, “Ông già đến từ Busan”, “Tàu tốc hành từ phương Bắc”, “Miền Tây huyền thoại”…, anh lại khắc hoạ chân dung của những người trí thức như: Kim, Tui, Lưu, Phương, Hằng, ông Lee, bác sĩ Minh, viên sĩ quan, Na… Mỗi nhân vật đều có một hoàn cảnh riêng nhưng tất cả đều có cách cảm, cách nghĩ và hành động hướng tới cái đẹp, cái cao thượng của cuộc sống.

      

Riêng ở truyện “Miền Tây huyền thoại” anh tạo được một giọng điệu lạ khi viết về cái chết của Viên sĩ quan và vị Bác sĩ  khi họ cùng những người dân thị tứ  ra cứu đê vỡ. Anh tưởng tượng ra những: giọng lạ, giọng quen, giọng trong tiềm thức tôi, tiếng đáp lại… của những người đã chết và người đang sống. Đó cũng chính là những lời “đối thoại nội tâm” và “độc thoại nội tâm” để nhằm bộc lộ tâm lý nhân vật. Hê-ming-way khi viết “Ông già và biển cả” cũng thường có kiểu độc thoại như thế để tạo không khí bi tráng và lãng mạn khi đối đầu với đàn cá mập hung dữ, và ông cố bảo vệ con cá kiếm câu được, tuy khi đưa được nó về bến thì chỉ còn bộ xương. Ở đây, đôi lúc cái “bi” và cái “hài” xen lẫn, cái “thực” và cái “mơ” hoà vào nhau tạo nên những huyền thoại có sức ám ảnh lớn. Tầng nghĩa tường minh của mỗi truyện chỉ hiện lên 3 phần, còn tầng nghĩa hàm ẩn 7 phần chìm  dưới nước không phải ai cũng thấy. Đó là lý thuyết “tảng băng trôi”, để nó tạo nên cái “ý tại ngôn ngoại” cho truyện ngắn. Hình ảnh đàn trâu đứng chôn chân chịu chết thay cho con người ở cuối truyện đã làm nên một “huyền thoại miền Tây”. Đây là một trong những truyện có thi pháp lạ so với các truyện ngắn trước đó. Vì thế nó rất đậm tính nghệ thuật và tính nhân văn. Thông tin ở truyện ngắn này được nén lại từ đầu, và đến  cuối truyện mới bùng phát.

      

Sức hấp dẫn của tập “Người leo dừa” còn ở ngôn ngữ và giọng kể giản dị,  linh hoạt. Khi thì nhân vật “Tôi” tự kể, khi thì chuyển lời dẫn, lời kể sang một nhân vật khác. Ngay trong một lời thoại cũng chứa đựng cả cái hiện tại và quá khứ, cái thực và cái mơ, cái quen và cái lạ, cái gần và cái xa. Ở truyện “Bệnh”, tác giả đã để cho bà chủ nhà trọ bộc lộ cá tính khá rõ nét qua những câu đối đáp với cậu Kim. Đó là một người đàn bà hám tiền, hay “nổ”, thích thời trang, người mẫu… Khi đang nói chuyện này thì vắt sang chuyện khác rất nhanh nhưng không quên tính nhẩm tiền lãi và tiền gốc cho thuê nhà từng tháng rất chính xác: Một triệu sáu. Lãi 20% của ba tháng trước là hai trăm tư. Con nhỏ đi thi số 221 có bộ ngực thật đẹp. Tổng cộng là một triệu tám trăm tư. Đương nhiên, vì nó còn trẻ. Đưa chẵn một triệu tám trăm rưỡi. Chị thì chỉ chuộng nhìn đôi chân hơn. (trang 35). Sự xen kẽ hai nguồn thông tin trong lời thoại mới nghe tưởng như rời rạc, nhưng xâu chuỗi lại là rất logíc. Cách viết như vậy phải vững tay nghề mới dám, nếu không nó sẽ lục cục và phản cảm ngay nơi người đọc.

      

Văn của Vũ Hồng ít tả cảnh thiên nhiên, ít những cảnh tình diễm lệ. Anh thích lối tả chân, ngắn gọn như một lát cắt vào thiên nhiên hay cuộc đời, giúp cho việc bộc lộ tâm lý nhân vật sâu hơn. Đây là cảnh gió ở miền Tây: Đêm ở miền Tây gió thổi càng lúc càng mạnh. Chúng rít u u qua những vườn cây. Chúng giật phần phật tấm bạt che hụ hợ trên nóc lều. Chúng làm những con sóng thi nhau vỗ phầm phập vào thân đê, khiến tôi có cảm giác mặt đất đang run lên bần bật… (trang 114). Đó thực sự là những câu thơ văn xuôi rất giàu nhạc điệu. Tuy nhiên, nếu tác giả ít lạm dụng nhân vật “Tôi” thì tính khách quan ở mỗi truyện sẽ cao hơn. Bố cục ở một vài truyện còn đơn điệu. Anh hướng tới ngôn ngữ phổ thông là tốt, nhưng đôi chỗ phải phù hợp với phương ngữ của nhân vật trong lời thoại.

     

“Người leo dừa” là một tìm tòi, sáng tạo của Vũ Hồng về thể loại truyện ngắn. Hy vọng ở những tập tiếp theo anh sẽ có những bứt phá với hướng tìm tòi mới lạ hơn. Chất thơ ở mỗi truyện ngắn của anh đã giúp cho cảnh và người thăng hoa, mang thông điệp bay xa./.

Lê Xuân
Số lần đọc: 3717
Ngày đăng: 16.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dòng đời – Dòng tâm huyết - Đông La
Trao đổi với GS Trần Thanh Đạm : Một lối phê bình quy chụp lạc hậu - Đông La
NGƯU ‘’đầu’’ – MÃ ‘’viện’’: Nói Với Nhà Phê Bình Trịnh Thanh Sơn - Dương Cường
Về thôi,Nguyễn Lương Vỵ. - Ngô Khắc Tài
Đọc thơ Hồ Chí Bửu - Cảnh Trà
Đặng Huy Giang với “Đời sống” - Phạm Lưu Vũ
Đọc lại HƯƠNG CÂY - BẾP LỬA - Nguyễn Trọng Tạo
"Gia đình bé mọn" - Trần Thiện Đạo
Trần Hữu Dũng : Phớt tỉnh đi qua phố - Vũ Trọng Quang
Đọc ba tiểu thuyết mới : Những hành trình qua trống rỗng ,bài một - Nguyễn Chí Hoan