Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.684
 
Chiếc cầu nối hai bờ thế giới
Ngô Tự Lập

Có những cái “mới” vừa viết ra đã “cũ”. Song cũng có những cái “cũ” viết hoài vẫn “mới”. Văn chương thà viết về những cái “cũ” như thế còn hơn chăng? Câu chuyện như muốn chứng tỏ một điều rằng một “truyện ngắn” không phải bao giờ cũng nhất thiết phải có cốt truyện. Vẫn là một truyện ngắn hay.

 

VPL

 

Thế giới này là cái sản phẩm ngoài ý muốn chẳng rõ của Chúa Trời, của các nhà triết học hay của các văn nghệ sĩ, nói cho công bằng, không phải lúc nào cũng què quặt hay bệnh hoạn. Lão không bao giờ nói thế. Lão thậm chí phản đối điều đó, và nếu cần còn có thể đưa ra nhiều ví dụ để phản bác.

 

Mụ vợ lão vẫn nói, tiền không quan trọng, quan trọng là số lượng tiền. Lão nói, con số không quan trọng, quan trọng là tính chất của chúng. Ở con người chẳng hạn. Khiếm khuyết nói sau, rõ ràng loài sinh vật này có khá nhiều điểm hợp lý: họ có một đôi mắt, một đôi tay, một đôi chân. Chẳng cần tranh cãi, chỉ cần hình dung những con người có một hoặc ba mắt, một hoặc ba tay!...

 

Ở loài vật cũng vậy. Chim có đôi cánh. Mọi con mèo không riêng con Mướp xấu số đều có hai đôi chân. Cua có bốn đôi chân, còn rết thì... Về rết, thú thật là lão không rành lắm, nhưng như lão đã nói, con số không phải là điều quan trọng.

 

Quan trọng là tính chất của nó. "Đôi ta như đũa có đôi" - Bà ngoại lão hồi trước vẫn thường hát như vậy. Bà bảo chim muông cũng chẳng khác con người. Những người già nói gì cũng đúng, có lẽ vì họ ít ngủ, ít ngủ nên nghĩ nhiều, nghĩ nhiều thì chín. Nhưng cũng có thể đơn giản vì người già thì không còn có thể nói theo ý người đương thời được nữa.

 

Lão nảy ra ý nghĩ ấy trong những đêm lênh đênh trên sông nước và đã mất ngủ rất nhiều. Không ai hiểu dòng sông hơn những người thuỷ thủ. Về dòng sông, lão nói, dòng sông cũng là một điều hợp lý. Hãy thử tưởng tượng, dòng sông chỉ có một bờ!...


*

"Dù sao thì trái đất cũng lỡ quay rồi" - Tibet Léo Newman chỉ là một thằng điên không hơn không kém, nhưng trong trường hợp này thì ông ta có lý.

 

Trái đất đã lỡ quay này hoàn toàn không thể coi là hoàn thiện.

 

Chứ không ư ? Thử hỏi tại sao lại cứ phải có lúc mưa lúc nắng, rồi lại núi lửa, bão lụt, rồi thì còn cả El Nino với Đại hồng thuỷ ? Thử hỏi, những sinh vật đáng yêu như con Mướp, với đôi chân mềm, đôi mắt ướt và tiếng kêu mượt như nhung, lại phải chết ?

 

Mụ vợ lão không bao giờ có thể hiểu được điều đó, cả trước và sau khi mụ bổ con dao rựa oan nghiệt vào cái đốm trắng trên trán con Mướp. Lúc đó lão đang cúi rạp người cạnh đó, đang nghĩ về những dòng sông.

 

"Con người là sinh vật hoàn thiện nhất, một kiệt tác của Tạo Hoá" - Mụ lải nhải như thế, giọng của mấy gã giáo sư đại học nửa mùa chuyên phân loại gà Tây, gà Ta, gà Đông Cảo, gà Lơ Go và gà mái.

 

Hoàn thiện ? Thử hỏi có giống nào giết nhau nhiều hơn giống người ? Có giống nào ngu xuẩn đến mức tưởng rằng hạnh phúc là những khối sắt thở hồng hộc, hay những trại giam lỏng bằng bê tông cốt thép ?

 

Và chẳng cần xa xôi, cứ lấy ngay cái thân thể hoàn thiện của mụ ra mà xét. Tại sao cái khoản ấy phải "chành ra ba góc" mà không phải là đôi góc ? Và tại sao cái ấy chỉ có một mà không thể có được đủ đôi, như đôi tay đôi mắt chẳng hạn ?


*

Gần chục năm rồi mụ ta sống ở tầng dưới, trong cái thế giới hoàn mỹ đã ố vàng và sứt mẻ của mụ. Lão không hề đuổi mụ, và chắc chắn có đuổi thì cũng không thể đuổi được. Thực chất thì chính là cái chết của con Mướp, hoặc đúng hơn hồn ma của nó, đã làm điều đó. Mụ chạy xuống cầu thang, cái cầu thang què quặt, chạy xuống để rồi không bao giờ chạy lên nữa. Lão nghe tiếng mụ hét: "Trời ơi oan nghiệt, tôi nhầm, đáng lẽ tôi phải chém vào củ chuối ."

 

Củ chuối dĩ nhiên là cái đầu lão.

 

Thế giới của lão ở lại tầng hai, dĩ nhiên cũng ố vàng và sứt mẻ như thế giới của mụ. Nhưng bản chất vấn đề thì khác hẳn. Tibet Léo Newman nói rằng cái khác của thế giới là do cái khác của những cách thức chúng ta cảm nhận thế giới, là do cái khác của những cách thức chúng ta cảm nhận thế giới mà ra. Mụ vợ lão tưởng rằng thế giới của mụ là hoàn thiện, còn lão, lão biết rằng cả thế giới của mụ lẫn lão đều méo mó.

 

Hai thế giới nối với nhau, nhưng thực chất là cách nhau bởi chiếc cầu thang què quặt lão vừa nói ở trên. Què quặt là do điều đó không đơn thuần vì nó không có lan can, vôi vữa tróc lở, mà vì bản chất của nó là què quặt. Lão biết rõ điều đó. Đã gần ba ngàn sáu trăm ngày, mỗi ngày đôi bận lão xuống rồi lên những bật thang xây bằng gạch non lõm xuống như lòng thuyền. Mùa mưa nước đọng đầy những lòng thuyền và lão thấy khuôn mặt nhăn nheo của mình lẫn giữa bồng bềnh mây trắng.

 

Có tất cả mười đôi rưỡi khuôn mặt nhăn nheo như thế. Ngày nào lão cũng đếm và ngày nào lão cũng nhận được những con số không đổi ấy. (Lão tin chắc rằng không phải ai cũng biết cầu thang nhà mình có bao nhiêu bậc.)

 

Tại sao lại là mười ba đôi rưỡi ? Tại sao không phải là mười hay mười một đôi ? Đó rõ ràng là một ví dụ khác về sự què quặt.

 

Liệu có khi nào sự què quặt ấy thay đổi được không ? Nếu có, thế giới này sẽ bớt què quặt đi một chút, cũng tức là hoàn thiện hơn một chút. Điều đó có nghĩa là đến một ngày nào đó sẽ có một đôi mặt trời, một đôi mặt trăng, và biết đâu có cả một đôi cái thằng là lão này nữa.

 

Dù sao cũng là người biết chờ đợi, lão nói bởi lão đã từng là thuỷ thủ. Muốn biết chờ đợi phải biết phán đoán. Rất nhiều người nói rằng biển chỉ có một đôi bờ. Lão nói với họ: Cứ đi rồi biết, nhưng chẳng có ai đi cả, vì thế chẳng ai biết rằng biển cả cũng chỉ là một dòng sông lớn, cũng phải có hai bờ. Vấn đề là phải biết chờ cho đến khi tàu cập bến.

 

Lão chợt nhớ đến chuyện đếm trứng của Enten. Gã dở hơi, chỉ biết đếm đôi, có một đôi gà mái đẻ và hàng ngày ra đếm trứng. Nếu số trứng chẵn gã hài lòng. Nếu lẻ gã cho rằng bị mất trộm và suốt ngày chửi tên trộm vô hình. Hôm sau số trứng lại chẵn, gã cười khà khà: Tên vô lại không chịu đựng nổi những lời độc địa đã phải đem trứng trả lại.

 

Dân phố huyện, nghe lão kể chuyện này, chắc chắn chẳng có ai rút ra bài học nào bổ ích. Họ phá lên cười. Lão hỏi họ: "Các ông có bao giờ nghe nói đến đường xoáy trôn ốc của Gớt không ?" Họ càng cười. Chắc họ cho rằng lão cũng dở ngươi như gã đếm trứng trong truyện của Enten.

 

Dĩ nhiên lão chẳng phí công tranh luận với họ, vì có tranh luận cũng vô ích mà thôi. Tàu có đi thì mới tới bến, còn họ, không đi thì sẽ chẳng bao giờ biết rằng biển cũng có đôi bờ.

 

Không tranh luận nhưng lão chờ đợi. Chỉ những người nắm được quy luật mới biết chờ đợi. Lão đã nói ngay từ đầu, con số không quan trọng, quan trọng là tính chất của nó. Chuyện chẵn lẻ cần phải được hiểu như một thứ biểu tượng: Cái tốt và cái xấu, cái hoàn thiện và cái què quặt không ngừng thay đổi nhau, dường như phủ nhận nhau, nhưng lại kế tục nhau. Số trứng tăng lên, sự vật cũng cao dần như thế.

 

*

Nhưng thế nào là tốt, thế nào là xấu ? Trong chuyện đếm trứng hoặc đếm bậc cầu thang, câu trả lời không khó lắm, tuy nhiên có những trường hợp khác phức tạp hơn nhiều.

 

Từ trên cao lão nhìn thấy mụ vợ mang chiếc gầu tôn rúm ró đi ra. Cái giếng ngày xưa hai đứa cùng đào, sau khi trồng một vườn mít, nay là cái duy nhất chung của hai thế giới. Vườn mít sum sê đến mức từ trên cao lão không nhìn thấy cái giếng. Nhưng lão vẫn thấy mụ vợ lão thấp thoáng, liêu xiêu cũng mỏng manh như một chiếc lá. Mụ đã thấp xuống, đã teo đi, có lẽ chỉ còn một nửa. Nhìn mụ chính lão cũng phải băn khoăn: Liệu hai thế giới có tốt hơn một thế giới không ?

 

Liệu hai thế giới có tốt hơn một thế giới không ?

 

Lão nhìn mụ, nhìn mãi, nhìn mãi, và, thật kinh ngạc, trước mặt lão mụ teo nhỏ hẳn, biến thành một trong vô số những chiếc lá xanh vàng lẫn lộn vung vãi trên sân.
Ngô Tự Lập
Số lần đọc: 2575
Ngày đăng: 20.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc bóng tơ vương - Vũ Thị Thiên Thư
Cô gái bán phở - Vi Thùy Linh
Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên - Hoàng Ngọc Tuấn
Khoảng trắng ngày xưa tôi - Nie Thanh Mai
Chiếc áo màu thiên thanh - Phan Thị Thu Loan
Yêu - Đặng Thân
Tình nghĩa Giáo khoa thư - Sơn Nam
Cây Huê Xà - Sơn Nam
Đất Đỏ - Phan thị Vàng Anh
Giấc ngủ nơi trần thế - Nguyễn Thị Ấm