Christine Buckley
Tây đi xe đạp
"Xe đạp là phương tiện vận chuyển văn minh nhất mà con người biết được. Những dạng chuyên chở khác ngày càng trở nên ác mộng hơn. Chỉ còn xe đạp là trong tâm còn thuần khiết."
Iris Murdoch, Đỏ và Xanh
Bạn hãy nhắm mắt lại và gọi lên một hình ảnh hoặc một ấn tượng cảm quan duy nhất chụp bắt được cái tinh tuý về Việt Nam của bạn. Thứ bức tranh mà bạn gợi ra cho chính mình khi bạn ở xa và nhức nhối nỗi nhớ nhà.
Cái gì đến với tâm trí bạn? phải chăng là một tô phở toả hơi, một thửa ruộng lúa xanh rờn sau cơn mưa bão, một cánh đồng hoa dại ở Đà Lạt, hay tiếng rao thân quen của người bán hàng dạo trên đường phố? Có ai hình dung ra bóng dáng một cô nữ sinh thong thả đạp xe, tóc buông xoã lưng phủ chiếc áo dài trắng không vương chút âu lo trên đời?
Có chi xẩy ra được với cô gái đó và cái thế giới thung dung mà cô trú ngụ?
Tôi đã sống ở Việt Nam gần được hai năm. Tôi có thể nói được tiếng Việt và đã hội nhập vào cái xã hội này trong mức độ của một cô gái da trắng. Nhưng thú tiêu khiển ưa chuộng nhất của tôi đã làm vướng lối sự hoà đồng kia. Ngay chính sự tồn tại của nó cũng bị lâm nguy vì những thái độ và giá trị đổi thay cấp tốc trong một thành phố Sài Gòn đang đổi mới bằng mọi giá.
Tôi lớn lên trong một đô thị, chưa từng có một chiếc xe hơi, và đã luôn luôn chọn xe đạp làm phương tiện vận chuyển chính yếu trong mọi thành phố tôi đã gọi là nhà mình cho đến nay: New York, Sydney, Paris. Vậy nên tôi đã nghĩ Sài Gòn cũng chẳng có gì khác khi tôi di chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long lên đây hơn một năm về trước. Vậy mà từ đó đến nay tôi đã bị chế giễu, quấy nhiễu, la ó, và nhiếc móc chỉ vì dấn thân vào thứ hoạt động không đe doạ, không ô nhiễm này của mình.
Nếu bạn ngạc nhiên thì tôi xin giãi bày: tôi biết luật lệ giao thông của xứ sở này, và tôi tuân thủ chúng. Tôi tránh lối của xe vận tải và chưa từng ngưng giữa đường phố Lê Lợi khi có đèn xanh để trả lời điện thoại di động. Tôi tránh không cắt ngang luồng xe cộ đang chạy tới và không đi trái ngược đường dù chỉ để tới mục tiêu sớm được ba giây đồng hồ. Tôi ngừng lại khi có đèn đỏ, ngó cả hai chiều trước khi nhập vào đường lộ và ra hiệu khi sắp sửa quẹo. Và như thế, tôi bị rầy la và thù ghét -- chỉ cùng lắm là được tha thứ -- bởi chính những người niềm nở đón chào tôi tại văn phòng, bàn ăn, và đình chùa của họ. Cung cách người dân Sài Gòn xử sự trên đường lộ thì hầu như không thể hoà giải với phong độ gương mẫu của họ trong gần như mọi mặt sinh hoạt khác.
"U buồn thì không thích hợp với việc đạp xe."
James E. Starrs, Người đạp xe có văn học
Tuần lễ vừa qua tôi cố tìm cách đậu xe đạp của mình trong khoảng bên ngoài toà nhà Diamond Plaza, nơi tôi tính viếng thăm một người bạn trong văn phòng của bà ta. Tôi đưa xe lên khỏi lòng đường, mỉm cười và hỏi bằng tiếng Việt xem phải để xe đạp ở đâu. Người quản lí bãi đậu xe, bận rộn đếm xấp tiền, chẳng bận ngó lên nhưng cũng gượng nhếch mép khi thấy chiếc xe đạp. Bà giơ tay phác một cử chỉ, có thể là chỉ về phía sau bãi đậu xe hoặc là xua tôi đi.
Tôi ngoan ngoãn theo lối về "khu thua thiệt", tức góc xa nhất của bãi đậu dành cho mọi thứ xe cộ rẻ tiền. Mọi quán ăn, quán càfê hào nhoáng, và trong trường hợp này là bãi đậu đều có một khu vực như thế. Nếu bạn diện một điện thoại cầm tay trị giá 1.000 đô và một xe gắn máy 10.000 đô, một tiếp viên sẽ mỉm cười đón xe của bạn và dành cho nó một chỗ kiêu hãnh ở phía trước; như thế bạn tha hồ phô trương và không phải đi xa. Còn đám chẳng ra gì như tôi thì phải tự tìm lối mà đi.
Khi để xe xong, tôi hỏi phiếu giữ xe, và được người ta nhăn mặt bảo cho biết rằng không hề có phiếu cho xe đạp, khiến bọn nhân viên bao quanh cười rộ lên, bấy giờ họ đã tụ tập lại để ngó chòng chọc vào con người nước ngoài lắm chuyện. Người giữ tiền ở quầy nói: 'Chúng tôi không tính tiền gửi xe đạp của bà. Vậy thì đưa bà phiếu giữ xe làm gì?' Tôi mỉm cười và nói tôi sẵn sàng trả tiền giữ xe, nhưng có một giấy biên nhận nào đó -- bất kể loại gì -- dù chỉ một mẩu giấy, cũng là tốt. Tôi chỉ một tấm bảng có ghi: 'Giữ xe đạp: 1.000VNĐ.'. Bà ta trả lời cụt ngủn: 'Cái đó xưa rồi.'
Đã trễ và không còn lựa chọn nào khác, tôi lủi đi, không có phiếu giữ xe và bối rối. Một tiếp viên nam châm chọc hỏi khi tôi đi ngang: 'Thế sao bà không sắm một xe gắn máy cho rồi.' Câu hỏi vang vang tôi nghe được cả chục lần mỗi ngày.
Cũng tiến trình ấy lặp lại khắp thành phố trong những tháng qua, nhất là ở những địa điểm nóng thuộc Quận 1, nơi các thân chủ hấu hết chuyên xuất hiện với những xe gắn máy cao cấp, và ngày càng tăng là xe hơi. Nếu tôi có năng lực giải thích khó khăn của mình và liên kết được với giới tiếp viên ỡ bãi đậu xe, thường khi tôi có thể thuyết phục họ giữ xe đạp của tôi, nhưng mỗi lần việc dàn xếp là một sự vụ hàm hồ và đòi hỏi một liều lượng kha khá về tương tín. Họ phá lề luật khi cho phép tôi đậu xe trong bãi của họ, và tôi phải tin tưởng là họ sẽ 'nhớ mặt' tôi khi tôi trở ra. Tiến trình can hệ nhiều đối đáp thông minh và khoảng chừng hai chục câu hỏi từ phía những tiếp viên trẻ thiện chí. Cho đến nay, sự việc suôn sẻ. Trừ một điều là lề thói này ngày càng trở nên chán ngắt.
"Mỗi lần tôi thấy một người lớn ngồi trên xe đạp là tôi không còn tuyệt vọng về tương lai của loài người".
H. G. Wells
Trong tuần này có hai lần tôi là chủ để của sự xoi mói hơn mức bình thường của những người cùng đi xe đạp như tôi khi ngừng lúc đèn đỏ. Người nam thứ nhất nói với bạn bằng tiếng Việt: 'Xem kia bà Tây đi xe đạp'. Anh bạn kia ngó tôi, hừ một tiếng nhạo, rồi quay về phía tôi mỉm cười ngọt ngào cất cao giọng nói: 'Hello?', như thể đó là một câu hỏi. Câu đáp lại thầm lặng của tôi là: 'Vâng, ngó tôi đi. Người Tây. Tôi đang đi xe đạp đó. Thú vị nhỉ!' Tôi chỉ chớp chớp mau mi mắt với họ, gây ra những tiếng cười phá lên trong đám khán giả chung quanh cùng ngừng xe.
Cuộc hội ngộ thứ nhì mang tính bạo hành hơn. Một anh chàng trên một chiếc xe gắn máy Yamaha kiểu mới bóng nhoáng hí như ngựa khi anh ta vừa rú còi vừa đuổi theo tôi xuôi đường Điện Biên Phủ, liều mạng lách ra chen vào giữa luồng xe cộ giờ cao điểm, và cười như phá suốt dọc đường. Tới chỗ ngừng vì đèn đỏ, anh bắt đầu giải thích cho cô bạn gái ngồi sau bằng giọng sành sỏi là: hầu hết người nước ngoài không biết chạy xe gắn máy, nên họ luôn luôn chỉ đi bộ hoặc cưỡi xe đạp.
Điều này khiến tôi chịu hết nổi và tôi trả lời bằng tiếng Việt là: phải, đúng thế, tôi biết cách lái xe gắn máy, và chắc lái còn giỏi hơn anh ta nhiều. Tôi nói tôi chọn việc đi xe đạp chỉ đơn giản bởi vì tôi thích đạp xe. Như thế anh ta nghe được không? Dĩ nhiên, như thế là không được. Khi chúng tôi tiếp tục chạy, anh ta lên giọng kẻ cả dạy đời bồi thêm. 'Đi xe đạp là xấu. Nhất là với một phụ nữ. Đây là Việt Nam. Ở đây cô phải cưỡi xe gắn máy nếu muốn giống như chúng tôi.'
Tôi chịu hết nổi người đàn ông gây khó chịu này và những thành kiến của anh ta. Tôi phóng ra đòn từ giã bằng tiếng Anh, là thứ tiếng cho phép tôi phong phú hơn về từ ngữ: 'Thưa ông, cám ơn ông đã quan tâm về sự an lạc của tôi. Tôi không biết rằng cưỡi xe đạp là đi ngược lại quy luật của xứ sở này. Tôi hi vọng sẽ không có sự phạt vạ nào cho tội hình sự của tôi.' Nói xong tôi chào anh ta và đội ngột rẽ vào đường Đinh Tiên Hoàng, để mặc cho anh ta bị nuốt chửng trong đà cuốn đẩy về phía trước trên đường Điện Biên Phủ.
"Khi con người phát minh ra xe đạp, y đã đạt tới đỉnh thành tựu… Ở đây, ít nhất có một lần, là một sản phẩm của đầu óc con người hoàn toàn ơn ích cho những ai sử dụng nó, và không hề có tai hại hoặc phiền hà cho kẻ khác. Sự tiến bộ lẽ ra phải ngừng lại khi con người đã phát minh ra xe đạp."
Elizabeth West, Mái tranh trên đồi
Chỉ một thập niên trước đây, trên các con đường Việt Nam chỉ có xe đạp và chẳng có mấy thứ xe cộ khác. Cùng với sự thịnh vượng, xe gắn máy đã thịnh hành ở đây, làm nghẽn những lá phổi của chúng ta và những phố hai bên đường có trồng cây, dẫn tới một trong những tử suất cao nhất trên thế giới về tai nạn giao thông trên đường. Và sự tiến bộ cứ cuốn đi. Ngay khi xứ sở này gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization, gọi tắt là WTO), những thuế suất ngất ngưởng đánh vào xe hơi sẽ biến mất, và nhiều người sẽ có thể sắm xe hơi. Xã hội lúc đó liệu sẽ có khinh khỉnh trông xuống những người đi xe gắn máy như những kẻ đi xe gắn máy ngày nay dè bỉu những người đi xe đạp chăng?
Tôi không muốn từ khước chỗ ngồi của nhân dân Việt Nam tại bàn tiệc, quyền của họ tiếp cận với kĩ thuật học và những hàng hoá tiêu dùng tối tân nhất mà những nước phát triển hàng bao thế hệ đã coi là đương nhiên. Tuy nhiên tim tôi thót lại mỗi lần đi ngang qua một cô gái quê gương mặt thuần hậu ngồi trên một xe đạp ọp ẹp chở đầy trái cây cố gắng lách lối không được giữa bao xe hơi Lexus bực bội và bao xe gắn máy Honda rú còi. Còn được bao lâu nữa trước khi chúng ta sống trong cảnh một Bangkok hoặc một Jakarta khác?
Tối qua tôi đi ăn với một người bạn Việt Nam. Anh ta là một người tự xây dựng sự nghiệp mà sự thành công đã cho phép anh ta đi du lịch khắp nơi. Anh vừa mới từ thủ đô Amsterdam của Hà Lan trở về và thán phục nêu nhận xét về sự kiện là ờ đó gần như mọi người, từ trẻ đến già, đều di chuyển trong thành phố bằng xe đạp. Anh bảo: "Tôi muốn nói là họ thực sự dường như thoái mái. Ngay cả, một chủ tịch công ti cũng đi làm bằng xe đạp.'
Vâng, những người châu Âu khật khùng kia thừa sức sắm xe hơi, nhưng họ đã chọn cách giản dị hoá đời sống hơn là làm nó phức tạp thêm. Giá xăng dầu đang leo thang như tên lửa. Tầng ô-zôn đang thu hẹp lại. Nhưng có thể họ nhẩy lên xe đạp chỉ thuần vì cái thú đạp xe, nghe gió lùa trong mái tóc và để được hít thở không khí trong lành.
Tiến Văn dịch