Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.212.176
 
Những mảnh đời lưu lạc
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Năm 1993. Giữa lúc thế sự nước Nga thay đổi, ở Saint Petersburg ngày nào cũng nghe tin trộm cắp, hãm hiếp, giết người cướp của. Vậy mà Jopy coi như pha, hết giờ làm việc anh lập tức thay quần áo, bỏ bữa ăn chiều, khoát áo lạnh đi lên phố. Suốt đêm theo gái, sáng sớm mới lót tót xuống tàu. Jopy là thủy thủ người In-đô, đã hơn bốn mươi tuổi rồi mà anh vẫn không vợ con, không nhà cửa, dường như cuộc sống của anh chỉ biết có ăn nhậu và chơi đĩ. Mấy hôm trước lên hội quán giành gái sao hổng biết, anh lấy vỏ chai vodka đập lên đầu một thủy thủ Ba-lan phung máu. Người anh nhỏ thó và ốm nhom như con khô hố. Gặp phải mấy tay Ba-lan to như Kinh-công, hè nhau đập anh một trận rồi khiêng anh liệng xuống kinh, trong lúc dưới dòng băng còn tráng mỏng trên mặt nước. May nhờ nhân viên hội quán kịp thời thả dây xuống kéo anh lên, lấy quần áo khô cho anh mặc. Chờ anh tỉnh táo tôi mới gọi tắc xi đưa anh về. Bị một trận đòn nhừ tử vậy mà anh vẫn tỉnh bơ, hỏi tôi:

- Mầy thấy thế nào?

Tôi nói:

- Trong lúc người ta cởi áo quần anh ra thay,  tui thấy con cu anh teo lại còn một thẻo da nhỏ xíu.

-...

 

Hồi hôm thức thâu đêm hành lạc hay sao mà sáng xuống tàu người anh phờ phạc, uể oải, tóc tai rối bù, mắt đỏ ngầu. Bước vô tàu chưa kịp cởi áo khoát anh vội đi thẳng qua phòng bếp. Trong lúc tôi đương xắt thịt dâm bông, anh hỏi xin một tách cà phê. Tôi ngừng tay day qua rót cà phê cho anh. Một tay anh đón lấy tách cà phê, một tay anh móc túi quần lấy ra  miếng giấy chìa cho tôi, miệng cười chúm chím ra chiều đắc ý lắm.

- Mầy đọc đi.

Tôi mở mảnh giấy ra xem, một địa chỉ viết bằng chữ Nga tên người là Le Thi Trinh. Tôi đoán chừng nếu người viết đổi tên họ cho giống Tây thì đọc là Trịnh thị Lệ hoặc nhà quê một chút là Lê bằng không cũng có thể là Lê Thị Trinh. Tôi trả miếng giấy lại cho anh:

- Một đàn bà Việt Nam.

Tôi day ngang xắt thịt tiếp. Thấy tôi thản nhiên trước sự khám phá mà anh cho là độc đáo và có lẻ anh nghĩ tôi bị chạm tự ái dân tộc. Anh liền đổi thái độ, cười giả lả:

- Chắc cô ta là người Bắc Hàn.

Tôi xắt xong miếng thịt, sắp vô dĩa rồi ngước lên, hất hàm và cười một cái:

- Ê, bộ đàn bà Việt Nam hổng biết làm đĩ sao. Nhưng anh gặp ả nầy ở đâu?

- Ở trên phố.

Trước khi dợm bước anh còn  nói một câu:

- Người Việt ở Saint Petersburg đông lắm.

 

Khỏi đợi Jopy nói tôi cũng biết, mấy năm nay nhà nước Việt Nam đưa hàng trăm ngàn công nhân sang nước ngoài lao động, nhiều nhứt là ở Nga và khối Ðông Âu và qua Á-Rập tôi cũng gặp người Việt lao động bên đó.

 

Mấy ngày sau, chiều nào Jopy cũng này nỉ tôi đi theo anh để gặp mặt cô gái đồng hương nào đó. Trên bước đường luân lạc tôi đã nhiều lần chạm mặt với những cô gái Việt làm tiền ở nhiều quốc gia khác nhau chớ không riêng gì trên nước Nga nầy. Gặp nhau như gặp người tình trong hoàng cảnh éo le, lấm la lấm lét, ngượng nghịu nói vài câu rồi cô ta viện cớ nầy cớ nọ vong mất. Ước lượng cuộc gặp gở không mấy bình thường, tôi dứt khoát không đi theo Jopy và cũng không muốn anh nhắc tới chuyện cô Le Thi Trinh nào đó trước mặt tôi nữa. 

 

*

Cuối tháng ba, những mảnh băng bể trôi tản mạn trên dòng sông Neva.  Dọc trên lộ tuyết tan thành nước pha bùn đọng vũng theo những ổ gà. Chiếc xe bus chạy rù rù trên đường đá lổm chổm, thỉnh thoảng xụp ổ gà kêu cái rầm, bánh xe dẫm bùn văng tứ tung và thân xe rung rinh nhún lên nhún xuống kêu ken két.

 

Mau thật, mới đó mà tôi đã đi lại nơi đây hơn bốn tháng trời. Bây giờ tôi đã biết dùng xe công cộng, mấy anh tắc xi không còn cơ hội chặt tôi với giá trên trời dưới biển nữa. Hôm mới tới tôi đổi một trăm Mỹ-kim ra một ngàn rúp, tiền rúp tôi dành mua vé xe hoặc mua bia hơi rót bán trong trong những chiếc keo theo mấy sạp bên lề đường. Những món hàng rong ở đây rẻ như bèo, vì vậy hơn bốn tháng qua tôi xài chưa hết một ngàn rúp.

 

Xe dừng lại rước khách. Một người đàn ông cao ráo có bộ râu quay nón tỉa đều, gọn gàn trong bộ đồ Jean đã bạc màu, vai mang ba lô, tay ôm tây-ban-cầm bước lên. Trên xe còn nhiều ghế trống nhưng không ngồi, ông đứng ở khoảng giữa, một tay vịn thành ghế một tay chỏi lên cán đờn. Nhìn ông tôi nghĩ ngay tới một nghệ sĩ giang hồ rày đây mai đó. Có lẻ thấy tôi nhìn ông với vẻ thân thiện nên ông cười một cái và hỏi tôi bằng tiếng Anh:

- Du lịch?

Tôi nói bừa:

- Dà.

Bất chợt ông đưa tay khoa một vòng bên ngoài:

- Hồi trước không như vầy đâu.

Tôi ngó theo hướng tay ông ta, hai bên đường kẻ mua người bán tấp nập, nếu không có đống rác tổ bố nằm bên góc đường thì khu chợ trời cũng sạch sẽ khang trang như những chợ trời ở các quốc gia tân tiến khác. Tôi không biết ông muốn phê phán về những đống rác nằm bên đường hay cảnh bán buôn xô bồ xô bộn mà trước đây nhà nước xã hội chủ nghĩa không cho phép. Nhiều năm lăn lộn đó đây, cuộc sống đã dạy cho tôi nên tỏ lòng thân thiện với mọi người nhưng không nên đẩy đưa câu chuyện quá đà, nhứt là với những người chưa quen biết. Tôi đáp lời ông bằng nụ cười và những cái gật đầu. Xe dừng trước nhà hát trên đường Nevskiy Prospekt, tôi khoát tay từ giả ông nghệ sĩ và cùng vài hành khách bước xuống xe.

 

Hôm nay trời đẹp lắm, đi dưới nắng vàng rực rở tôi mới hay mùa đông đã đi qua, trên cành cây lá non vừa nhú và những loài hoa nở sớm bắt đầu khoe sắc. Trên các ghế đá công viên, nhiều người ngồi đọc sách và những đôi trai gái dắt dìu nhau dạo cảnh. Trông ai cũng vui tươi, gần gũi với thiên nhiên, không còn lẫn trốn tiết trời như mấy tháng mùa đông.

 

Trong nhiều cửa tiệm lớn vắng người và ít hàng hoá, trái lại ngoài đường phố người bán buôn chen chúc trong đám khách bộ hành và bày biện hàng hoá chiếm gần hết lối đi. Có rất nhiều người Việt, đứng nhiều nơi trong những khu phố đông người rao bán các món hàng như quần áo, vải vóc, nón kết, túi xách và nhiều món linh tinh khác sản xuất tại Việt Nam. Tôi rất muốn hỏi chuyện với những người đồng hương, nhưng còn ngần ngại. Chợt nghe giọng Bắc kỳ thanh thanh rành rọt của người con gái ở phía sau:

- Sang, bên nầy nắng chói quá, mình qua bên kia đường đứng đi. 

Tôi ngoái lại thấy một người con trai vắt áo quần trên cánh tay đứng xề qua xề lại mời khách qua đường mua, người con gái lui cui thu dọn đồ đạc để trên tấm vải trải trên mặt lộ bỏ vô chiếc túi xách lớn. Cạnh bên một em bé ngồi bẹp dưới nền gạch mân mê những món đồ chơi, chợt em bé thảy trái banh lăn ra lộ. Tôi liền rượt theo lượm trái banh trả lại cho em bé. Thấy người lạ em khóc ré lên.

- Hương Giang nín!

- Cô gái nạt đứa bé xong, ngoái lại nhìn tôi và nói lời cám ơn bằng tiếng Nga. Tôi cười và nói lại bằng tiếng Việt:

- Tên của cháu nghe rất là thơ mộng.

Người con gái trố mắt nhìn tôi từ đầu tới chưn như nhìn con quái vật, một hồi sau cô ta hỏi tôi:

- Anh là người Việt?

- Cô nghĩ tui là người gì?

- Trông anh giống Nhật đấy. Anh sang đây du lịch à?

- Không, tui đi làm ăn.

Cô gái cúi xuống lẹ làng lượm những món đồ còn lại nhét hết vô giỏ rồi xốc bé Hương Giang lên nách, day qua tôi cô nói:

- Thế thì anh về nhà em chơi nhé.

Sự hấp tấp của cô làm tôi lúng túng:

- Cô, cô còn bán đồ mà, để khi khác cũng được.

- Không có chi, bán buôn thì tụi em bán suốt năm, lâu lâu gặp người mình một lần, nghỉ một buổi có sao đâu.

Nói xong cô day qua người con trai còn đứng ngoài đường kèo nài giá cả với một bà già. Cô gọi:

- Sang! Anh Sang đi về.

Không đợi anh kia đáp lời và cũng không hỏi coi tôi có chịu theo cô ta về nhà không. Cô day ngang nói với tôi như ra lịnh:

- Đi, mình đi anh.

Tay bồng đứa bé, tay xách giỏ đồ, cô đi te te một nước. Trước sự vồn vã của cô gái lạ làm tôi lính quýnh. Không biết làm sao tôi bèn chạy theo hỏi:

- Mà nè cô tên gì?

- Yến.

- Nhà cô xa đây hông?

Cô ta chỉ tay về phía con đường trước mặt:

- Phía sau đuờng kia kìa.

Nghe nói người Việt ở Nga sống khá phức tạp, cộng thêm sự đường đột của cô gái làm tôi hơi lo. Tôi kiểm lại tiền bạc, trong túi còn năm chục Mỹ kim và số tiền rúp không đáng kể. Tay không đeo cà rá, đồng hồ lỡ gặp xui xẻo cũng chẳng hề gì, thôi đành nhắm mắt đưa chưn bước theo cô ả.

 

Đi một đỗi tới một chung cư. Yến đẩy cửa bước vô, tôi cũng bức theo sau. Từ ngoài sáng bước vào chưa quen mắt nên tôi không thấy gì hết, tôi đẩy hé cánh cửa bên ngoài, ánh sáng lọt vô lờ mờ. Tôi thấy Yến đã tới cửa thang máy bấm nút đứng chờ, tôi vừa bước tới thì cửa thang vừa mở ra. Chúng tôi bước vào thang, bên trong cũng không có đèn, tối  thui. Mùi xú uế nực nồng của một người say rượu ói mữa và tiểu tiện ngay dưới sàng, làm dẫm lên trơn nhớt dưới gót dày, tôi rùng mình một cái và nghe cổ họng ơn ớn.

 

Thang dừng lại tần thứ sáu. Yến dẫn tôi vô một căn phòng hẹp và mời tôi ngồi trên bộ sa lông đặt giữa phòng bằng vải đã thâm kim, bên cạnh chiếc bàn nhỏ để một cái nôi, xung quanh đồ chơi con nít vứt ngổn ngang, sự bề bộn làm cho căn phòng đã nhỏ lại thêm chật chội. Mới vô tôi tưởng đây là phòng khách. Nhưng không phải, một tấm ván vuông đóng ép vô tường, tới bửa ăn hạ tấm ván xuống làm mặt bàn ăn, tối kéo chiếc sa-lông ra thành chiếc giường ngủ cho hai vợ chồng và đứa con.

Tôi hỏi:

- Ăn ở như vầy cô không thấy chật chội lắm sao?

Yến nói:

- Không anh, chúng em ở như vầy là tốt hơn nhiều người đấy.

Sang khệ nệ ôm gói đồ từ ngoài bước vô, tôi nhìn qua Sang, chưa kịp chào thì Yến vội giới thiệu:

- Anh Sang, là anh nuôi của em.

Tôi tò mò hỏi:

- Còn ông xã cô đâu? 

- Đi làm chưa về.

- Ảnh mần gì?

- Anh ấy lái xe điện, cũng sắp về rồi đấy.

Yến đứng ôm bé Hương Giang. Sáng bước vô ngồi đối diện và gót trà mời tôi. Sau hồi nói chuyện tôi mới biết anh Sang qua Nga du học từ năm 1988, đã đậu bằng kỹ sư canh nông và ở lại làm việc cho một cơ quan nhà nước. Vừa qua tình hình chánh trị nước Nga thay đổi và làm cuộc sống anh cũng theo đó mà đổi thay. Anh nghỉ làm cho nhà nước, ra ngoài cạy cục xin được vài mẫu đất canh tác; nuôi gà, nuôi thỏ và cuốc đất trồng khoai tây. Những ngày rảnh rổi anh theo Yến bán chợ trời.

- Ở nước mình đất đai phì nhiêu, màu mỡ và thời tiết thuận lợi suốt năm. Còn bên nầy mần được mấy tháng mùa hè, còn lại gió lạnh và tuyết đóng băng. Anh muốn mần ruộng thì về bên mình mần dễ hơn bên nầy chớ.

 

Có lẻ những lời bọc trực của tôi làm anh tự ái, nên mặt anh đanh lại và im lặng không nói thêm gì. Bất chợt tôi nhận thấy mình quá hồ đồ, dù sao tôi với anh mới gặp lần đầu, nói năng cũng phải giữ phép lịch sự, có đâu xối xả như tát nưóc vô mặt người ta. Tôi bèn lảng sang chuyện khác để che dấu sự ngượng ngùng. Chỉ tay qua những túi đồ, tôi hỏi:

- Hàng nầy sản xuất tại Việt Nam hả anh?

- Vâng.

- Bên nhà gởi qua cho anh hay lấy hàng của người khác?

Sáng chưa kịp trả lời thì Yến chen vào:

- Không anh, bọn em lấy trên Sứ đấy.

- Sứ?

Thấy tôi ngớ ngẩn, Yến giải thích:

- Sứ là sứ quán của Việt Nam đấy anh.

Từ trước tới nay tôi đã đi qua rất nhiều sứ quán. Tôi thấy trong toà sứ nước ngoài có nhân viên làm việc và một người đại diện cho quốc gia được gọi là ông đại xứ. Theo lời Yến, tôi có thể hình dung ra toà đại sứ Việt Nam ở Moscow lúc đó giống y như một cửa hàng buôn bán sỉ và lẻ mà ông đại sứ là chủ tiệm. Yến đưa bé Hương Giang cho Sang bồng, rồi cô lấy ấm nấu thêm nước. Tôi với Sang nói chuyện trời trăng mây gió một hồi thì Yến bước vô, đi theo Yến một gã đàn ông Nga cao lêu nghêu, tay ôm cặp táp. Yến chỉ tôi và nói gì đó bằng tiếng Nga, chợt nhiên cô day qua tôi, hỏi:

- Anh tên gì vậy?

Suốt cả buổi trò chuyện vậy mà cô không biết tên tôi là gì, nếu không hỏi tôi cũng quên tuốc luốc. Tôi nói:

- Tôi tên Tấn.

Tức thì cô ta day ngang tiếp tục giới thiệu. Sau đó gã đàn ông đi tới chìa tay ra bắt tay tôi.

Yến day qua tôi:

- Đây là Stax, chồng em.

Stax bước qua tủ lấy chai Vodka ra rót mời tôi và Sáng uống. Từ đó trở đi mỗi lần về Rotterdam trở qua tôi thường nghé thăm gia đình Yến và cho Hương Giang bánh kẹo. Lần lần chúng tôi trở nên thân thiết.

 

Trong thời gian nầy ở Saint Petersburg còn nhiều chuyện phức tạp. Như ai muốn điện ra nước ngoài thì phải đặt và trả tiền trước hai ngày - theo quy định mỗi lần đặt được gọi tối đa là ba mươi phút - tới ngày hẹn trở lại ngồi ở phòng chờ đợi, đợi loa kêu tên và chỉ số phòng cho vô gọi, người nào trễ hẹn coi như mất tiền. Nhân viên bưu điện nói tiếng Nga, vì vậy mỗi lần muốn điện thoại về gia đình tôi phải nhờ Yến đặt dùm và luôn cả việc theo tôi làm thông dịch. Tôi rất ái ngáy trong lòng khi thấy vợ chồng ngồi chờ hàng giờ đồng hồ. Hỏi hai người có khó chịu không. Yến vui vẻ trả lời, chuyện chờ đợi ở nước Nga là chuyện thường thôi.

 

Chuyến nầy bị mưa dầm, hàng hoá không lên được, tàu đậu chờ hơn hai tuần lễ rồi. Sợ người nhà nóng lòng muốn biết tin, nên hai hôm trước tôi nhờ Yến đặt điện thoại dùm. Nhân tiện cuối tuần nầy Stax được nghỉ, Yến giao cho Sang bán chợ trời, hai người mời tôi đi phố và thăm vài cảnh đẹp của Saint Petersburg.  Nhưng hôm ấy mưa nhiều quá, tôi đội mưa từ trạm xe bus vô tới nhà Yến thì đầu cổ ướt mem. Vừa bấm chuông Stax liền ra mở cửa. Như chờ sẵn, chưa kịp mời tôi ngồi anh đã giải thích chuyện gì mà nói bô lô ba la, tay chỉ trỏ tứ lung tung. Tôi chẳng hiểu gì hết, chỉ hơi ngạc nhiên vì không thấy Yến ở trong phòng, thay vào đó là một cô gái lạ ngồi chơi với Hương Giang. Thấy tôi lớ ngớ, cô ả bèn đứng dậy chào. Cô lấy khăn cho tôi lau nước, và mời tôi ngồi xuống. Stax lại mở tủ lấy ra một tờ giấy xếp làm tư đưa cho tôi. Tôi cầm lấy rồi mở ra, đó là thư của Yến.

“Anh Tấn,

Em có việc đột xuất phải đi Mockba, không gặp được anh em rất buồn và rất tiếc. Em đã đặt điện thoại cho anh vào lúc bảy giờ chiều, anh tới nghe điện thoại, có chị Xuân theo làm thông dịch và dẫn anh đi chơi. Thôi nhé em vội quá, mười một giờ rưỡi tối tàu chạy rồi, hẹn anh vào ngày Chúa Nhật. Chúc hai người đi chơi vui vẻ...em đi đây.

Yến!

  

Tôi ngó qua người con gái, cô ta nở nụ cười tươi như sẵn sàng chờ nghe tôi nói. Tôi hỏi:

- Yến nhờ cô giúp tui hả cô Xuân?

- Vâng.

Tôi nhìn kỹ người con gái hơn, mặt xương, răng hô, thân hình ốm, ngực lép xẹp. Xuân vẫn giữ nụ cười tươi, nhưng tôi vẫn không tìm ra nét duyên dáng nào hết. Stax pha trà để lên bàn rồi bồng bé Hương Giang cho Xuân rảnh tay tiếp chuyện. Tôi nhìn ra ngoài cửa kiếng, vẫn còn mưa rầu mưa rỉ, biết đi đâu bây giờ. Tôi day qua Xuân:

- Mưa nhiều quá, đi chơi hổng được đâu, nếu cô có việc thì cứ đi mần, tui trở xuống tàu, chiều tui lên nhờ cô giúp tôi đi bưu điện.

Xuân nói với vẻ thân mật:

- Không, hôm nay em nghỉ, nếu anh không có chuyện gì thì mời anh qua ốp chơi.

- Ốp! Ốp là gì vậy?

- Là chỗ ở của bọn Xuân đấy.

Hôm nay tôi nghỉ buổi chiều, trở xuống tàu cũng không làm gì, thôi thì theo cô ả chơi, luôn tiện biết thêm cuộc sống của người Việt ở ốp ra sao.

- Từ đây qua chỗ cô ở có xa lắm hông?

- Khoảng mười phút xe điện thôi anh.

- Vậy thì mình đi.

Tôi và Xuân từ giã Stax đi ra, trời vẫn còn mưa tần tả, chúng tôi đội mưa đi ra trạm xe điện.

 

Ốp là chung cư dành cho những người Việt sang đây lao động. Chiều dài của mỗi căn phòng khoảng tám chín thước, bề ngang chừng hơn ba thước. Theo lời Xuân thì trước đây cả ngàn dân lao động ở chung cư nầy, mỗi phòng chứa ba bốn người. Vừa qua nhiều người hết hợp đồng về nước. Còn lại khoảng hai trăm người, nên mới được ở rộng rãi như vầy, tức là một phòng chứa hai người. Đây là phòng ngủ và phòng ăn chung. Còn phòng tắm, cầu tiêu, nhà bếp thì xài tập thể.

 

Xuân mời tôi ngồi chơi, cô xách ấm ra bếp nấu nước. Căn phòng lành lạnh, cảnh vật lờ mờ và mùi mốc meo thoang thoảng. Bất chợt tôi nghe nhiều tiếng động rột rẹt trong góc phòng, tôi ngó qua những thùng giấy vuông đóng kín bằng băng keo, được chất ngăn nắp chiếm một phần tư căn phòng và cao đụng la-phông. Tiếng động mỗi lúc một nhiều và có cả tiếng chuột kêu. Tiếp theo từ thành giường một chú chuột bằng nữa cườm tay bò ra, rồi hai trự ở góc phòng bò tới, ba bốn con ở dưới gầm giường....cuối cùng xuất hiện một bầy chuột giữa nhà, chúng lượm cơm đổ. Bộ lũ chuột không biết tôi là người hay sao mà cứ ngang nhiên trước mặt giành ăn và còn cắn nhau nữa. Tôi ngồi bất động nhìn bầy chuột cho tới khi Xuân mở cửa phòng, tiếng động của cánh cửa làm bầy chuột giựt mình ùa nhau chạy một lượt rồi biến mất vô chồng thùng giấy. Xuân xách ấm nước nóng bước tới bàn mở bình trà, vừa châm vừa hỏi:

- Làm gì mà ngồi trần tư vậy?

- Nhìn bầy chuột diễn binh chớ đâu có trầm tư.

- Ối giời, gì chớ chuột ở đây thiếu gì, có đêm ngủ nó bò lên cắn chân đấy.

Tôi không muốn nói tiếp chuyện chuột, bèn lảng sang hỏi chuyện người:

- Hôm nay cuối tuần mà sao trong nầy vắng teo ?

Xuân rót nước đưa qua tôi:

- Những người làm ca vẫn còn làm chứ anh, còn những người được nghỉ thì họ đi ra bán chợ trời.

- Người ở chung với Xuân làm ca hay đi buôn bán?

- Chị Lan ở chung với em, chị ấy sung sướng lắm, cuối tuần đi chơi với người yêu.

 

Xuân rót thêm trà và không hiểu sao cô đem chuyện của chị Lan nào đó kể cho tôi nghe. Theo Xuân thì ở bên nhà chị Lan có chồng, sang đây cặp bồ với một anh buôn bán mánh mung, anh ta chạy hàng từ Nga qua Ba Lan, từ Ba Lan mua hàng đem về Nga. Hèn chi chỗ ở của chị Lan trang trí đồ đạc trông đẹp mắt và sang trong hơn chỗ của Xuân. Trên vách phía trong chiếc giường treo tấm poster khổ lớn của Sylvester Stallone ở trần, tay mang găng chuẩn bị đánh võ đài, cạnh bên một học băng nhạc của các ca sĩ Việt Nam ở nưóc ngoài và có cả một giàn máy hát để trên đầu giường. Tôi chỉ qua chồng thùng giấy hỏi Xuân:

- Thùng đựng gì mà nhiều vậy?

- Hàng của người yêu chi Lan đấy anh.

- Chi Lan ăn nên làm ra nhờ có người yêu, sao cô không tìm một anh để cùng nhau làm ăn cho lên với người ta.

- Có người yêu phiền phức lắm.

- Thiệt phiền hông đó?

- Thật chớ anh, phiền nhứt là mỗi khi chị Lan dẫn người yêu về ngủ lại đêm.

Tôi nhấp một miếng trà thấm giọng:

- Ừa hén, phòng ngủ trống trơn như vầy cũng bất tiện lắm.

Xuân nói rất tự nhiên:

- Lúc đầu hai người làm em khó ngủ, nhưng lâu dần rồi thấy bình thường nhưng...

Cô ta không nói nữa. Tôi cũng không muốn cô kể tiếp câu chuyện:

- Mọi chuyện trở nên bình thường, như vậy là tốt lắm rồi.

- Sống tập thể mình phải thông cảm với nhau chứ anh.

 

Mắt Xuân mơ màng và đưa lưỡi liếm vành môi. Tôi nhìn ra ngoài khung cửa để tránh cái nhìn nóng bỏng của cô. Mưa đã tạnh nhưng gió vẫn còn mạnh đủ sức xô đẩy la liệt những cành cây. Nước mưa còn đọng trên cành lá bị gió vũ văng tạc vô vách ván rao rào. Bên ngoài sống động lạnh lùng. Trong phòng yên lặng đến đỗi nghe rõ tiếng chuột kêu. Bây giờ tôi chợt thấy bất tiện khi ngồi đây nói chuyện với Xuân. Tôi đề nghị:

- Xuân nè, hổng ấy cô dẫn tui đi một vòng rồi mình kiếm cái gì ăn.

- Anh đói hả, để em nấu cơm anh ăn.

Tôi lắc đầu:

- Không, tui muốn cô dẫn tui đi giới thiệu một vài món ăn Nga đó thôi.

- Đi nhà hàng tốn tiền lắm.

- Không sao, ra phố ăn cho gần bưu điện.

Không muốn Xuân nói thêm nữa, tôi hớp hết nước trà và bưng tách đứng dậy hỏi chỗ nào rửa tách được. Xuân chồm lên dằng tay tôi xuống.

- Anh cứ để đó và ngồi chờ em thay đồ.

Không biết vì sống tập thể riết rồi quen, hay gì một nguyên do nào khác. Xuân mở tủ lấy áo, quần rồi tự nhiên dạy mặt vô vách cởi đồ ra thay. Nhìn thân thể gầy gò, cặp giò thiếu thịt, mông dẹp lép mỗi khi cúi xuống lòi cả bộ xương xường. Trông dáng vẻ của cô tôi tưởng tượng ra một đất nước Việt Nam ốm đói đương hiện diện trên xứ lạ quê người. Xuân bận quần áo xong, tới đứng trước mặt tôi, cô ta hỏi:

- Chị ở nhà đẹp lắm anh nhỉ?

Tôi không muốn mất thời giờ nên vừa đứng lên vừa nói:

- Có chị nào đâu mà đẹp với xấu.

 

Nói xong tôi bước ra mở cửa. Chúng tôi đi dọc theo hành lang, có lẻ thấy tôi lạ nên vài người đưa mắt nhìn. Nổi bật nhứt là trước cánh cửa của một căn phòng, hai bên giăng giấy hoa đủ màu, trên mặt cửa dán chử Tân Hôn bằng giấy bóng màu đỏ. Chứng tỏ có một đôi tình nhân vừa mới được tập thể cấp giấy sống chung.

 

*

Mới ngày hôm qua nhiệt độ mười hai, mười ba trời còn ui ui, lành lạnh, bỗng nhiên hôm nay tăng lên tới hai mươi lăm độ. Mặt trời chói chang, gay gắt khó chịu như bị xát muối ngoài da. Mùa xuân vội vã đi qua, mùa hè chợt tới. Tôi trở lại Saint Petersburg chuyến nầy cũng là chuyến chót. Trong những ngày ở đây, tôi tranh thủ thời gian lên thăm và từ giã những người quen. Trước khi lên gặp các bạn, tôi ngỡ câu chuyện sẽ ngưng lại và chấm dứt. Cuộc sống đã tập tôi thành thói quen, đếm một bến lạ vui chơi vui vẻ, tự nhiên, khi rời đi lòng khỏi vấn vương. Nhưng không ngờ khi tôi ngỏ lời từ giã. Yến rưng rưng buồn:

- Anh đi rồi chắc tụi em không còn gặp lại anh nữa đâu.

Tôi cười và nói một câu xưa như đồ cổ:

- Trái đất tròn mà lo gì.

- Phải chi anh ở đây tới Đêm Trắng chúng em dẫn anh đi chơi, vui lắm.

- Đêm trắng là đêm gì?

- Người Nga có tục lệ, hàng năm tới ngày đầu của mặt trời không lặng, họ đổ hết ra đường, uống rượu, ca hát suốt đêm và chiếc cầu bắt ngang sông Neva được quay lên trông đẹp lắm...

 

Theo tôi biết thì không phải riêng vì nước Nga, phần đông những động vật sống về phía bắc bán cầu, chịu những tháng dài sống trong cảnh mờ tối. Vì thiếu mặt trời, nên khi ánh sáng trở lại thì lá hoa khoe sắc, chim hót ríu ra ríu rít trên cành; hưu, nai, khỉ đột đùa giỡn trong rừng sâu và con người ta mở tiệc nhậu nhẹt vui tươi chan hoà với thiên nhiên tươi sáng.

 

Không ở lại tới Đêm Trắng thì Yến mời tôi lên nhà chơi vào trưa chủ nhựt. Tôi sắp xếp lên đúng hẹn. Khi tới nơi tôi thấy bạn bè tụ tập đầy đủ trong phòng.  Stax xin nghỉ một bửa, anh làm hướng dẫn viên. Yến bồng bé Hương gian, còn Xuân đi theo làm thông dịch. Sang từ nông trại ra có đem theo gà và thỏ, anh tình nguyện ở nhà nấu bếp, chờ chúng tôi về thưởng thức tài nghệ nấu nướng của anh.

 

Stax đưa ra một vài nơi thắng cảnh trong thành phố cho tôi lựa chọn. Bảo tàng viện Hermitage nằm bên bờ sông Neva thì tôi đã đi hết một ngày mà chỉ xem được khu mỹ thuật với cung điện chạm trổ tinh vi bằng vàng, tranh ảnh thu thập khắp nơi trên thế giới và một xác ướp của mấy ngàn năm về trước. Tôi có nghe người hướng dẫn nói, nếu muốn xem hết bảo tàng viện thì phải mất ít nhứt là hai năm. Trong nửa buổi chúng tôi không thể đi xem hết viện bảo tàng được. Sau khi cân nhắc, chon lựa, tôi đề nghị đi ra công viên Mùa Hè chơi là tiện nhứt.

 

Hôm ấy trời nóng lắm nên ai nấy mặc áo quần màu mè và mát mẻ. Chúng tôi lấy xe điện ra công viên Mùa Hè nằm cạnh bờ sông Neva. Giữa dòng sông những chiếc đò chở đầy nhóc khách du lịch chạy ngược, chạy xuôi.  Chúng tôi nhập vào đám đông du khách đi thẳng vào vườn hoa. Dưới tàn cây xanh bóng mát, nhiều đôi tình nhân thảnh thơi vừa dạo cảnh vừa chuyện trò. Trên những chiếc ghế đá, người lớn ngồi đọc báo, trẻ em ngồi ăn kem. Trên cành cây chim chóc tụ về nhảy nhót và hót líu lo. Các bạn kêu tôi dừng lại xem những tượng vôi trắng tạc  hình người quái lạ. Theo lời Stax thì những tượng nầy do một điêu khắc gia người Ý tạc lên hồi thế kỷ trước tượng trưng cho thần gió, thần mưa, thần ánh sáng, thần đêm tối... nói chung khu nầy mỗi bức tượng là ý nghĩa của một sự sống. Sau khi đi dạo hết công viên, chúng tôi đi tham quan đài chiến sĩ.  Đài được bao bằng bức tường chắn gió, cạnh bên chưn tường được đặt một băng đá dài, trước mặt bàn bằn xi măng láng bóng, chính giữa đài một mẻ lửa bập bùng cháy. Stax nói, đây là đài tưởng niệm những chiến sĩ trắng và đen đã bỏ mình cách đây hơn trăm năm trước...Hình như tiếng Nga của Xuân và Yến chưa đủ để làm thông thông dịch, đôi khi tôi hỏi một câu cần phải giải thích dài dòng, nhưng hai cô dịch lại một câu gọn lỏn làm tôi tưởng chừng như bị lạc đề. Tuy nhiên nhìn nhiều người ôm những bó hoa đủ màu, trân trọng đặt lên phiến đá, rồi đi thẳng vô ngồi lên băng cũng bằng đá, mặt nghiêm trang ngó bếp lửa lập loè, làm lòng tôi dâng lên niềm tôn kính và cảm tưởng như những linh hồn của những chiến sĩ còn phảng phất đâu đây.

 

Đã hơn sáu giờ rồi, nhưng bầu trời không dấu hiệu hoàng hôn. Cuộc du ngoạn chúng tôi đưọc chấm dứt sau khi đi ra bến chờ xe điện về nhà. Trên xe Stax nhờ Xuân thông dịch, hỏi tôi:

- Anh thấy thành phố Saint Petersburg như thế nào?

Tôi trả lời: 

- Rất đẹp, nhiều thắng cảnh đáng được xem, nhưng có lẽ gần một thế kỷ qua không được sửa sang, tân trang gì hết. Cho nên Saint Petersburg giống như một thiếu nữ duyên dáng bị bọn côn đồ hãm hiếp tả tơi...

Xuân dịch lại...Stax nghe qua cười nghiêng cười ngữa và cười chảy nước mắt.

 

*

Chúng tôi về tới nhà thì anh Sang đã nấu nướng xong. Gà chặt miếng nhỏ chiêng vàng, thỏ hầm rượu chát.  Ăn với bánh mì kèm sà lách trộn dầu dấm và uống rượu vodka. Ngoài những người bạn thường gặp có thêm Tuyền, bạn gái của Sang, và Phương là bạn của Tuyền. Hai cô nầy tôi gặp vài lần ở nhà Yến và nhiều lần ở chợ trời. Không hiểu sao gặp hai cô đứng bán ngoài chợ, tôi hỏi chuyện hai cô lạnh lùng như không muốn tiếp. Nhưng hôm nay chợt nhiên hai cô đến chơi, vừa thấy tôi Tuyền vồn vã:

- Nghe tin anh sắp rời khỏi nơi nầy, bọn chúng em bỏ chợ về liền đấy.

Tôi khôi hài:

- Chớ hổng phải nghe tôi rời khỏi nơi đây, hai cô mừng quá nên về tống khứ đi cho rảnh mắt.

- Anh nầy...

- Nhưng dù sao tôi cũng cám ơn hai cô.

 

Nhớ lại  mỗi lần tôi tới đây, nếu không nhờ vả chuyện nầy chuyện kia thì cũng quấy rầy chuyện nọ. Chẳng những các bạn không lấy làm phiền mà còn sẵn sàng bỏ công việc dành thời gian giúp tôi. Yến thay mặt mọi người nâng ly nói lời đưa tiễn, tiếp theo Sang mời mọi người cầm đũa thưởng thức tài nấu bếp của anh. Trong lúc mọi người ăn uống. Stax đi lại góc phòng lấy cây đờn máng trên vách, trở lại ngồi chỗ cũ vừa đờn vừa hát một bản bằng tiếng Nga. Anh hát vừa hết bài, cử toạ cho một tràng pháo tay và bắt đầu nổi hứng.  Sang mượn đờn vừa rảy vừa ngâm bài Tống Biệt Hành, giọng Bắc Kỳ ngâm thơ hào khí gất trời.... “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ. Chí lớn không về bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở lại! Ba năm, mẹ già cũng đừng mong...”. Thiệt tình mà nói, bài thơ anh ngâm tặng tôi nhưng tôi không cảm thấy xúc động chút nào hết. Không hiểu tại sao đàn ông Việt Nam khi ra nước ngoài, hễ ngồi nhậu với nhau thì ngâm Hồ Trường, còn chia tay thì ngâm thơ tống biệt. Người nào cũng chí lớn ngất trời, nhưng phần đông chỉ làm được những chuyện tầm thường, nho nhỏ. Sang ngâm xong bài thơ cũng được một tràng pháo tay. Tiếp theo Xuân mở cặp ra lấy một tập thơ chép tay, cô lật từng trang rồi dừng lại một bài. Xuân giới thiệu, bài thơ nầy của một người bạn làm trong lúc tiễn người thân về nước. Bây giờ cô đọc tặng cho tôi.

 

(*)

Dẫu sao cũng đất nước người

Thôi em đừng đứng giữa trời mà kêu

Có ai thương những kẻ nghèo

Tấm thân tiều tụy đến điều chưa xong

Hàng em bị cướp nhiều không?

Áo quần nhàu nát mặt bầm vết đau

Tưởng rằng qua kiếp ngựa trâu

Nào ngờ lại thấy trên đầu...dùi cui

Đỏ xanh cũng một chân trời

Đi đâu cũng một kiếp người làm thuê

Thôi em đừng hóc làm chi

Đã qua cửa khám thì về cho xong...

 

 

Nghe qua tôi hiểu ý của bài thơ là có một cô đi buôn bán chợ trời, xui gặp bọn cướp giựt hết hàng hoá còn bị công an lấy dùi cui đập và bắt đem nhốt nữa. Nhưng khi được Xuân giải thích tôi mới biết có một nữ công nhân hết hợp đồng được về nước. Nhưng khi ra tới phi trường chẳng may bị bọn côn đồ giựt hết đồ đạc. Câu “Đã qua cửa khám...”  Tức là chỗ khám hành lý chớ không phải cửa tù. Tôi hỏi:

- Những người giựt đồ là người Việt hay người Nga.

Xuân tỏ vẻ khó chịu làm như chính cô là nạn nhân bị cướp, cô hằn học nói một hơi:

- Người Việt mình đấy anh, thế nên bây giờ ra phi trường đưa đón người thân, công an bắt phải đứng riêng ở ngoài chứ không cho vô phòng đợi.

Hồi văn nghệ ngưng ngang, thay vào những câu chuyện của người Việt lao động bên Nga... Bây giờ tôi mới hiểu rõ cuộc sống phức tạp của người Việt sống bên Nga thế nào. Lòng rười rượi buồn, thương cho những kẻ bơ vơ xứ lạ quê người, khi sa cơ lỡ vận, các cô may mắn còn có “cái” bán được để độ thân. Còn các cậu thì đâu có gì ngoài sức lực của mình. Một khi tài sức không dùng được ở những nơi lương thiện, thì đem thi thố những chỗ bất lương để dành sự sống chớ biết phải làm sao.

 

Gần mười giờ đêm trời vẫn còn sáng bưng. Dù sao tiệc cũng đã tàn, tôi xin phép được chia tay các bạn. Vợ chồng Yến ẵm cháu Hương Giang lên xe bus theo tôi ra bến cảng. Tôi vào cổng đi được một đỗi xa, ngoái lại thấy hai người vẫn còn đứng vẫy tay chào.

  

(*) Sau nầy tình cờ tôi đọc bài thơ trên đăng trong phụ trang của báo Đất Nước, nhưng tôi không nhớ tên người sáng tác. Thành thật xin lỗi tác giả và mong được biết tin để sau nầy ghi lại  cho được rõ ràng.

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3434
Ngày đăng: 27.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một chỗ trên thiên đàng - Paulo Coelho
Ký ức làng Hà - Nguyễn Khắc Luân
Im lăng - Đào Bá Đoàn
Tâm sự của một người đàn bà bỏ chồng - Hương Hà
Cõi hư - Nguyễn Thanh Đức
Tần Doanh Chính - Phạm Lưu Vũ
Mộng du - Đào Bá Đoàn
Kịch bản một chuyện tình - Đặng Hoàng Thái
Đất mặn - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Đoạn kết một bộ phim - Phan Thị Thu Loan
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)