Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.951
 
Luật tục Katu về các mối quan hệ gia đình : Quan hệ vợ chồng
Lê Anh Tuấn *

Ðơn vị cơ bản cấu thành xã hội (Vel-làng) ở người Katu là các Ðhung (gia đình). Các mối quan hệ trong Ðhung có những ảnh hưởng rất lớn đến xã hội mà tính khép kín vẫn còn khá đậm nét và có sức cản nhất định. Ðiều này cũng có những ảnh hưởng không nhỏ lên nội dung luật tục trong việc điều chỉnh các mối quan hệ trong Ðhung. Bởi vậy, việc xem xét các mối quan hệ trong gia đình sẽ cho ta một cái nhìn sâu hơn, đầy đủ hơn về đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của người Katu. Ðồng thời, tìm hiểu vấn đề giáo dục gia đình ở người Katu bằng luật tục sẽ đưa đến những giải pháp hợp lý về kết hợp luật tục với pháp luật trong quản lý xã hội các tộc người thiểu số nói chung và ở người Katu nói riêng.

 

Hiện nay, trong xã hội của người Katu tuy vẫn còn tồn tại hình thái đại gia đình phụ quyền, nhưng quá trình phân rã để tiến đến những tiểu gia đình đang chiếm đa số và trở thành một xu thế phổ biến. Trong gia đình lớn, mối quan hệ thường phức tạp chồng chéo, với nhiều mối quan hệ (trực hệ, bàng hệ; hôn nhân, kinh tế...), thể hiện rõ nét tính chất dòng họ. Tuy nhiên, dù là gia đình nhỏ hay lớn, trên nền tảng xã hội phụ quyền, luật tục đề cao và đảm bảo vai trò của người đàn ông/người chồng/người chủ gia đình. Bên cạnh đó, nền kinh tế nương rẫy với sự phân công lao động theo giới tính, tuổi tác càng củng cố chắc chắn vị thế của người đàn ông cả trong sản xuất lẫn ngoài xã hội.

 

Quyền hạn của người chồng, người chủ gia đình, trong sinh hoạt, giao tiếp đến sản xuất, tôn giáo là rất lớn. Vị trí của người đàn ông trong gia đình là cơ sở cho vai trò của họ ngoài xã hội (trưởng họ, chủ làng, thủ lĩnh quân sự, thầy cúng...). Trong gia đình, người chồng quyết định những việc hệ trọng, nắm giữ mọi tài sản (nương rẫy, công cụ lao động, nhà cửa, gia súc, đôì gia bảo...); điều hành tất cả các công việc (từ phát rẫy đến thu hoạch, tìm đất đến dựng nhà, cưới xin đến ma chay); thay mặt gia đình trong quan hệ với các Ðung, Cabu trong làng: đứng ra yêu cầu sự giúp đỡ khi gia đình gặp khó khăn, lên tiếng bảo vệ quyền lợi cũng như chịu trách nhiệm đối với những việc làm của các thành viên trong gia đình trước Vel, giải quyết những xích mích giữa các thành viên. Ðiều đó cũng đồng nghĩa với việc, khi người chồng không đảm đương nổi nghĩa vụ sẽ bị gia đình, dòng họ lên án, hơn thế xã hội mất tin tưởng và thiếu tôn trọng.

 

Trong thực tế, sau khi lập gia đình, người đàn ông vẫn duy trì quan hệ với bố mẹ đẻ một cách chặt chẽ trong khi người phụ nữ phải cắt đứt nhiều mối liên hệ với gia đình bên ngoại. Người chồng luôn được ưu tiên về mọi mặt: trong giao tiếp, trong tôn giáo, trong luật tục... Trong mối quan hệ vợ chồng, người vợ có nghĩa vụ tuân thủ, phục tùng chồng. Họ chỉ làm những công việc nội trợ trong gia đình như chăm sóc con cái, người ốm đau, gia súc gia cầm, hái rau, kiếm củi.... Họ không được can dự vào công việc lớn, cũng như ít khi ra khỏi Vel. Trong sinh hoạt hàng ngày, luật tục không chấp nhận việc người vợ cãi lại, không nghe lời chồng, không lo lắng cho gia đình, không biết dạy dỗ con cái. Những người vợ mắc phải các lỗi đó bị xem là người vợ hư đốn, không có giáo dục, bị xã hội chê bai, xem thường. Có thể nói, mối quan hệ vợ chồng trong gia đình Katu là mối quan hệ phụ thuộc, mặc dù trong thực tế đời sống sản xuất nương rẫy, cũng như đối với sự tồn vong hưng thịnh của gia đình, người vợ có những đóng góp rất quan trọng.

 

Tuy nhiên, cũng phải thấy được áp lực từ nhiều phía lên mối quan hệ vợ chồng: điều kiện sản xuất, quan niệm của xã hội, nhận thức của bản thân người phụ nữ, tập quán (tục thách cưới), tín ngưỡng... Thân phận thấp kém của người phụ nữ mặc nhiên tồn tại từ lâu trong xã hội Katu, người chồng không xem thường, khinh bỉ và người vợ không cảm thấy đó là vấn đề nhân quyền hay phân biệt giới. Ngoài việc cộng lực, nhưng cũng có sự phân công trong hoạt động kinh tế bảo đảm đời sống gia đình. Trong vị trí của mình, mỗi người tự ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình: người chồng đảm trách những nhiệm vụ hệ trọng, nghĩa vụ thực thi những công việc cộng đồng giao phó; người vợ đảm đương những công việc mang tính đối nội trong gia đình, không bao giờ tham gia vào các hoạt động tôn giáo hay công tác xã hội. Ðạo nghĩa vợ chồng còn là trách nhiệm đối với gia đình và con cái. Ðiều này chính là nhân tố tích cực trong ý nghĩa tạo dựng mối quan hệ gắn bó giữa vợ chồng, với tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia. Ðồng thời, sự ràng buộc của luật tục, tôn giáo, sự khắc nghiệt của dư luận... đã góp phần làm cho mối quan hệ vợ chồng ở người Katu trở nên cố kết.

 

Luật tục Katu có những quy định rất cụ thể điều chỉnh những sai phạm trong quan hệ vợ chồng, nhằm tạo ra sự ổn định trong gia đình - tế bào của xã hội. Cụ thể, nếu người vợ ngoại tình, bị chồng phát hiện và bắt quả tang, nhà chồng có quyền phạt nhà gái phải trả lại đồ thách cưới; trong trường hợp ngoại tình với người đàn ông đã có vợ, người chồng có quyền phạt người đàn ông đó chiêng la, lợn, gà... ngoài ra phải đền bồi thường lễ vật khi cưới. Trường hợp người chồng ngoại tình, người vợ có quyền ly thân - bỏ về nhà bố mẹ đẻ, không phải trả lại đồ thách cưới; nếu tiếp tục sống chung, người vợ được luật tục bảo vệ quyền từ chối chăn gối với chồng, nếu bị xâm phạm họ có quyền trình làng đòi phạt vạ. Nếu người chồng ngoại tình với người phụ nữ chưa chồng, người chồng bị phạt heo, gà, người con gái bị nhắc nhở giáo dục, bố mẹ cô gái bị khiển trách là không biết dạy dỗ con cái. Trong trường hợp dẫn đến ly hôn, luật tục Katu quy định: nếu người vợ bỏ chồng bất kể mọi lý do đều phải đền bù lại toàn bộ đồ thách cưới và con cái thuộc về nhà chồng. Trường hợp chồng đơn phương bỏ vợ rất ít, bởi người phụ nữ Cơtu ngoài tư cách làm vợ, họ còn là một lao động chính trong nhà chồng, như là một cách trả nợ cho gia đình chồng về số của cải mà nhà chồng đã bỏ ra khi thách cưới.

 

Như vậy, có thể nói, mặc dù trong gia đình của người Katu, quan hệ vợ chồng phản ánh rõ nét tính chất xã hội phụ quyền, nhưng vẫn thể hiện rõ tính chất tôn trọng, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm. Đây là nhaâ tố chính giúp họ vượt qua thực tế thiếu thốn, sự nghèo khó của cuộc sống nơi núi rừng hiểm trở, để sống hòa thuận, hạnh phúc, chăm lo cho sự yên vui, hạnh phúc của gia đình.

Lê Anh Tuấn *
Số lần đọc: 3948
Ngày đăng: 27.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tục cưa răng : Từ quan niệm đến lễ thức - Trần Đức Sáng
Lễ hội đâm trâu – Một hình thức sinh hoại cộng đồng nhiều ý nghĩa của đồng bào người Katu - Lê Anh Tuấn *
Truyền thống của người Chơ Ro. - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Vấn đề đáp ứng nhu cầu cho con người – Cư dân vùng đồng bằng Sông cửu long - Nguyễn Thành Đức ( Trường
Hành trình Katê - Inrasara
Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt - Hà văn Thùy
Kinh Lá trong các Chùa dân tộc Kmer Nam Bộ - Trần Bắt Gặp
Khám phá mới di truyền học về lịch sử con người ở Đông Á - Nguyễn Đức Hiệp
Lễ hội Nghinh Cô Long Hải - Hạnh Phước
Cây đa rụng lá đầy đình… - Phan Hoàng