Đọc thơ không giống như uống nước cho đỡ khát chỉ cần nước sạch, mà giống như uống rượu phải thưởng thức được hương vị từng loại rượu khác nhau. Có loại rượu ngon, đắt tiền, mà tôi không thể uống nổi vì không hợp với khẩu vị của tôi. Cho nên tôi không bình thơ của một nhà thơ nào đó không nhất định là thơ của nhà thơ đó không hay, mà bởi vì không hợp với cái tạng của tôi. Khi tôi viết về thơ của Đỗ Nam Cao đầu tiên là bởi vì cái “gu” thơ của anh và tôi hợp nhau, tôi chỉ trình bày cách hiểu của tôi về thơ của anh mà không bắt buộc mọi bạn đọc phải đồng ý với tôi. Làm như vậy có khác gì tôi uống rượu hộ bạn rồi bảo bạn phải tin rằng rượu đó ngon. Muốn thưởng thức thơ của Đỗ Nam Cao, bạn phải tự mình đọc lấy như người tự uống một loại rượu nào vậy.
Tuy hợp nhau về “gu” thơ nhưng sở thích về rượu của tôi với Đỗ Nam Cao lại rất khác nhau. Ngồi với nhau trong những quán bia, tôi chỉ uống cầm chừng vì còn phải tỉnh táo để về viết lách nuôi con hay về sau trông cháu nội. Hồi hai con còn nhỏ, có lần tôi nể bạn uống say sực nhớ đến giờ đón con từ nhà trẻ về, khi tới nhà trẻ thì đã quá giờ, hai cháu đang lẫm chẫm bước ngang qua đường giữa lúc xe cộ ào ào chạy qua, nếu tôi không kịp lao ra giữa đường cặp mỗi đứa trong một tay như cắp gà chạy ù về nhà không bao giờ dám uống say nữa. Nhưng đời sống của gia đình Đỗ Nam Cao ổn định hơn tôi, nên anh có thể thỏa sức uống đến say. Khi ngà ngà say, anh thường ghi vội thơ anh vừa “xuất thần” trên một mảnh giấy nhỏ xong đưa ngay cho tôi không cần chép lại. Tôi nhớ Pautốpxki kể chuyện Bagrítxki thường viết thơ trên những vỏ bao thuốc lá, sau đó đánh mất những vỏ bao thuốc lá đó cũng không lấy làm tiếc cho lắm. Còn tôi thì trân trọng giữ những mẩu thơ của Cao đưa tặng, hôm nay hú họa vốc ra một vài “mảnh tiên” đó đem ra trình với bạn đọc.
HẠ
Đầu hạ mưa lộc bàng
gái làng nhây nhẩy búp
Vú săn sắt rạch dòng
cá rô don ngược nước
Đâu những mùa hạ trước
Như những ngày không vui
7-6-2002
TUYỆT TÌNH
Thôi đừng nói
câm họng và nuốt ực
Em không trôi
Hoa phượng nổ trong đầu
Mùa hạ nóng
Tiếng ve sầu rít rịt
cưa cùn cùn nhay nhứt mãi không thôi
Ừ hết thật hết thật rồi Phượng nhỉ
Mà vẫn mà máu nhi nhỉ chưa khô
Đất nứt nẻ há miệng chờ chớp giật
Mây sũng buồn ồ ạt đổ cơn mưa
12-6-2002
Qua đó, tôi thấy Cao làm thơ bằng linh cảm và trực giác, vọt ra từ nguồn suối của nội tâm trong một khoảnh khắc thời gian nhất định, rồi viết ngay ra giấy không cần sửa chữa gì nhiều. Thơ giống như điện tâm đồ của Cao ở nơi này lúc này.
Gotterfield trong bài Bàn về thơ trữ tình, từng miêu tả quá trình sản sinh một bài thơ: “Đầu tiên là một manh động sáng tác mơ hồ, một cái không biết nói ra sao. Thứ hai là ngôn ngữ, từ vựng trong tay tác giả có, cung cấp cho ông ta chi phối, ông ta có thể sắp đặt, có thể chế ngự, ông ta thông hiểu từ vựng của mình… Thứ ba là ông ta có một đường dây, có thể dẫn dắt ông ta ra khỏi mối quan hệ đối địch của hai cực, mà còn chắc chắn có thể dẫn dắt ông ta ra khỏi. Bởi vì – hiện giờ mê hồn trận đã đến: một bài thơ còn chưa bắt đầu làm thì đã hoàn thành, tác giả chỉ là còn chưa biết câu chữ của nó. Thơ một khi hoàn thành thì không thể trái với bộ mặt vốn có của nó”. Các bạn để ý hai bài thơ trên của Đỗ Nam Cao đều viết trong một cơn xung động sáng tác trong khi đất trời đang có một cơn xung động: mùa hạ nóng sắp đổ ra một cơn mưa, dù đó là mưa lộc bàng đầu hạ hay là mưa rào ồ ạt cuối hạ. Tôi nhớ đến ý của nhóm Xuân Thu Nhã Tập: Âm Dương rung động thì có Sáng Tạo, thì có Thơ. Mưa bão chẳng phải là kết quả của Âm Dương rung động hay sao? Từ hiện tượng vũ trụ đó, đã tạo nên Một manh động sáng tác mơ hồ, một cái chưa biết nói ra sao. Khi linh cảm tới, Đỗ Nam Cao đã đủ sức sắp đặt, chi phối ngôn ngữ, từ vựng của mình. Bạn hãy chú ý đến những câu: Gái làng nhây nhẩy búp, Vú săn sắt rạch dòng, Cá rô don ngược nước (Hạ), Tiếng ve sầu rít rịt, cưa cùn cùn nhay nhứt mãi không thôi. Ừ hết thật hết thật rồi Phượng nhỉ, Mà vẫn mà máu nhi nhỉ chưa khô (Tuyệt tình). Những câu này nằm trong từ vựng riêng có của Đỗ Nam Cao, anh đã đủ sức chế ngự được ngôn ngữ như người trị được con ngựa bất kham. Cuối cùng, Đỗ Nam Cao có được một đường dây, có thể dẫn dắt anh ra khỏi mối quan hệ đối địch của hai cực: Đâu những mùa hạ trước, Ngửa tay hứng mưa rào, Những hội to và nặng, Như những ngày không vui, từ cảm giác không gian chuyển sang cảm giác thời gian thật là bất ngờ! Ý thơ như lộc bàng nhú lên sau mưa dần dần trổ thành búp là cả bài thơ. Thơ lãng mạn chỉ miêu tả không gian trên một mặt phẳng (Thí dụ câu thơ của Lưu Trọng Lư: Ta say sưa ngựa cũng tần ngần. Trời cao xuống thấp núi gần nên xa), không tạo được cảm giác không gian trên một khối hình cầu như trong thơ hiện đại.
Trong bài “Văn học và nghệ thuật”, Mary Gaiser viết: “Đối với Lessing, lĩnh vực của nghệ thuật tạo hình giới hạn ở vật thể trong không gian, mà lĩnh vực của thơ lại bao gồm vận động trong thời gian.
Trong đại bộ phận sáng tác và hội họa hiện đại, nguyên lý cảm giác thẩm mỹ Lessing đã thảo luận vẫn là thích dụng, nhưng có một số nhà văn hiện đại sử dụng dòng ý thức, khi sáng tạo một hình thức kể chuyện mới, nhận thức được nguyên lý của cảm giác không gian. Trong văn học ngày nay, hình thức không gian phổ biến giống như trong nghệ thuật tạo hình. Joseph Frank khi nghiên cứu hình thức không gian trong văn học hiện đại nói!” Do văn học hiện đại T.S Eliot, Pound, Proust và James Joyce làm nhà văn đại biểu, chính đang phát triển theo phương hướng hình thức không gian. Đó tức là nói, độc giả phần nhiều trong một khoảnh khắc thời gian từ quan niệm không gian để lý giải tác phẩm của họ, mà không phải là đem tác phẩm coi là một xếp hàng thứ tự. Phương pháp cảm giác giống như phương pháp trong nghệ thuật tạo hình mà Lessing miêu tả, nhưng đối tượng của cảm giác lại khác nhau.
Ông Frank chỉ ra, độc giả không phải là từng trang từng trang, một hành động tiếp một hành động hình thành một ấn tượng hoàn chỉnh đối với tác phẩm của những nhà văn anh ta đề cập đến, mà là dựa vào biện pháp tham chiếu kiểu phản xạ (“reflexive refrence”), tức độc giả khi đọc xong tác phẩm, đem mọi cái nhắc đến trong tác phẩm ghép lại với nhau, đối với cái mà nhà thơ hoặc nhà tiểu thuyết thông qua hình thức không gian hoàn thành, có được một bức tranh hoàn chỉnh. Nhất là thi ca “lấy lô-gích không gian làm cơ sở, thứ lô-gích đó yêu cầu độc giả toàn diện điều chỉnh lại thái độ của mình đối với ngôn ngữ”. Độc giả cần phải đem mảnh đoạn cô lập ở bề mặt và từng nhóm từ vựng một, và một tình cảnh ám thị, tập trung trong thơ liên hệ với nhau, tổ thành một chỉnh thể. Nguyên lý tham chiếu kiểu phản xạ là một khái niệm cơ bản trong thơ hiện đại, mà còn đem thí nghiệm giống nhau trong thơ hiện đại và tiểu thuyết hiện đại liên hệ với nhau”.
Nhạc – thi sĩ Stefan Wolpe trong bài thơ trình diễn kết hợp ứng tác thơ với nhạc đĩa hát, Dada viết:
Tôi đã học hỏi được rằng mọi sự đều sẵn có ngay trong tầm suy nghĩ của con người,
rằng nếu không nhờ trí óc của con người, thì các sự vật chỉ nằm kề
cận nhau như thế, như những cảnh trí vui mắt của vũ trụ.
Các sự vật là những mảnh rời rạc và vô ích khủng khiếp
(cô đơn và vô vọng khủng khiếp).
Điều đó khiến chúng ám ảnh ta.
Và chừng nào chúng còn toát ra vẻ ám ảnh, chừng đó chúng còn hữu dụng.
Nhưng chúng mãi mãi toát ra vẻ ám ảnh.
Đó là chiều rộng vô hạn của các sự vật.
… Trí óc đã mở rộng những cái nhìn về thế giới
bằng cách nối liền mọi thứ vào mọi thứ.
Như cái nhìn của Thượng Đế (xin thử mượn nhãn quan thần học)
đã nối liền mọi thứ vào mọi thứ.
Giờ đây, khi tất cả những sự cách tân cực đoan, tận gốc rễ.
như những sự bất ngờ,
như những điều đầy nghịch lý,
như những vị trí tương phản cực độ,
như những việc gây hoảng hốt,
như những sự vật đồng hiện,
như những sự vật bất liên hệ,
khi những thứ này trở bên những thành tố khả dụng của công việc
hàng ngày của một người viết nhạc,
thì trí tuệ, khối óc sáng tạo
sử dụng chúng theo một cách thế hữu lý nhất
ngay trong tất cả khả tính tương tác nội tại của chúng
để nối kết của sự vật vào nhau một cách đầy ý nghĩa…
(Stefan Wolpe ứng khẩu một bài thơ ngắn:
Vầng trăng đến trong tầm tay tôi với,
rồi một vỏ hến vô danh đâu đó dưới đáy biển Địa Trung
có thể tìm đường đến với những nốt nhạc này, hàng ngày tôi đang viết)
Đây là một loại xuất thần mang thi tính, những sự chuyển dịch mang thi tính,
trong đó, các sự vật di chuyển về mọi phương hướng,
từ mọi phương hướng,
bất cứ nơi đâu.
Những biên giới đã biến mất
(đây chính là điều những người Dada cố gắng làm biến mất)
nhưng biên giới đã biến mất
và nghệ thuật đã dạt đến sự vô hạn,
đã trở nên quyến rũ cao độ thêm lần nữa ….
(K. D dịch)
Mời các bạn đọc bài thơ “Mưa rơi” của Đỗ Nam Cao:
Em đẹp và điếu xì gà
Chiều mưa ngà ngà trên đường Trương Định
Rượu ngon và bạn bè ngon
Cùng một ly uống xoay tròn
Tôi ngồi và tôi ngẫm ngợi
Chuyện người vời vợi lẫn với chuyện ma
Rượu ngon và điếu xì gà
Em đẹp và mưa bay qua
Tôi ngồi và tôi buồn bã
Mặt đường là chã mặt bàn lai rai
Bạn tôi và tiếng thở dài
Rượu vừa uống hết nửa chai
Một chai rồi chai chai nữa
Chuyện đời như lửa chuyện mình như sương
Ngực nặng và bàn tay run
Lạnh và mưa cũng mau hơn
Cũng lại một chiều mưa nhưng không phải ở quán Cây Trúc đường Lê Quý Đôn mà ở quán rượu trên đường Trương Định (nơi tôi thường nhâm nhi ba xị đế với họa sĩ Nguyễn Sáng, khi tôi không có tiền mà thấy Nguyễn Sáng ngồi trong đó liền quay mặt và rảo bước đi nhanh cho anh không nhìn thấy). Lần này tôi và Cao uống rượu tây và hút xì gà. Cao đã nối kết được:
những sự vật đồng hiện: Rượu ngon và điếu xì gà
những sự vật bất liên hệ: Mặt đường lã chã mặt đường lai rai
những việc gây hoảng hốt: Chuyện người vời vợi lẫn với chuyện ma
những vị trí tương phản cực độ: Chuyện đời như lửa chuyện mình như sương
những sự bất ngờ: Em đẹp và mưa bay qua
Tản Đà vị tửu tiên từng nói: “Đồ ăn ngon, giờ ăn ngon, người cùng ăn không ngon không ngon”. Uống rượu mà “rượu ngon và bạn bè ngon” thì còn gì thú vị cho bằng. Nhưng đã có tửu lại phải có sắc, rượu ngà ngà, mà nhìn thấy một cô gái đẹp dưới màn mưa đi qua, sao không ngây ngất men tình. Khi nghe chuyện đời sôi động, ngẫm đến chuyện mình thì lòng thấy nguội lạnh. Hiện tượng tâm sinh lý của cá nhân (Ngực nặng và bàn tay run) hòa nhịp với hiện tượng vũ trụ (Lạnh và mưa cũng mau hơn), con người chỉ là một tiểu ngã trong cái đại ngã là vũ trụ, do đó mà càng thêm ngấm cái ý vị “chuyện đời như lửa chuyện mình như sương”, ở đây hiện tượng vũ trụ (lửa, sương) lại song hành với hiện tượng của đời và mình. Đây cũng lại là một cách nối kết giữa không gian và thời gian qua cảm giác không gian (mặt đường lã chã mặt bàn lai rai). Hình tượng Em đẹp và mưa bay qua, là một biểu tượng hoàn chỉnh theo nguyên lý tham chiếu kiểu phản xạ”.
Yêu cầu cao nhất của người làm thơ là hạn chế sự trói buộc của thời không, đi đến siêu việt thời không. Bài Thu vĩnh viễn của Đỗ Nam Cao đã cố gắng đi theo hướng đó:
Hà Nội chiều này lòng nhao nhác nhớ
Đường sấu mùa thu xanh tận cuối đời
Heo may nắng hoe vàng rơm rớm khóc
Đẹp ướt mi ai hè phố mùa thu
Nâng chén men say nhẹ mảnh lá chiều
Gió bỗng phiêu diêu kìa ai đứng lại
Một cô áo vàng trong cõi thu riêng
Bóng ngả dài theo mùa thu vĩnh viễn
“Đường sấu mùa thu xanh tận cuối đời" không gian và thời gian đã hòa làm một để có chung một màu xanh. Heo may nắng hoe vàng rơm rớm khóc, thiên nhiên và con người đã hòa làm một để có trạng thái rơm rớm khóc (người khóc trời cũng khóc như cái lẽ “thiên nhiên tương dữ” của Đông phương. Những câu thơ đẹp mà siêu thoát đọc lên cứ nhẹ như không: Đẹp ướt mi ai hè phố mùa thu, Đang chén men say nhẹ mảnh lá phiêu, có được phiêu diêu của không gian hòa vào cái lắng đọng của thời gian vào mùa thu trong một cõi-thu (danh từ kép kết hợp giữa thời – không). Cuối cùng bài thơ để lại một ấn tượng mạnh mẽ qua hình ảnh “Một cô áo vàng trong cõi thu riêng, Bóng ngã dài theo mùa thu vĩnh viễn”, đây là một thứ “màu vàng xao xuyến” trong ảnh Intoret mà J. P Sartre nói, hay như trong tranh “Mùa thu vàng” của Levitan. Ở đây thơ đã dùng nguyên lý cảm giác không gian như trong nghệ thuật tạo hình.
Trước tôi cứ nghĩ uống rượu say thì thần trí không được sáng suốt, không làm được những câu thơ khắc họa tinh, tư tưởng thâm trầm, nhưng về sau tôi biết rằng không phải như thế. Trong bài “Địa vị của nghệ thuật trong triết học văn hóa”, Ernst Cassieer viết: “Trong một trong những trứ tác sớm nhất của Nietzsche “Bi kịch ra đời từ tinh thần âm nhạc” ông đề xuất khiêu chiến đối với khái niệm của các nhà cổ điển chủ nghĩa vĩ đại thế kỷ 18. Ông luận chứng rằng, cái chúng ta nhìn thấy trong nghệ thuật Cổ Hy Lạp quyết không là lý tưởng của Winclelman. Chúng ta một cách tốn công trong Eschyle, Sophocles, và Buripides tìm kiếm sự đơn thuần cao quý, vĩ đại của yên lặng”. Cái vĩ đại của bi kịch Hy Lạp là ở chiều sâu của tình tự phóng túng không bị ràng buộc và trạng thái căng thẳng cực độ. Bi kịch Hy Lạp là sản vật của sùng bái tửu thần (Dyonyssos); sức mạnh của nó là một thứ sức mạnh cuồng phóng. Nhưng chỉ có sùng bái Tửu thần không thể sản sinh ra kịch Hy Lạp. Sức mạnh của Tửu thần có được cân bằng với sức mạnh của thần mặt trời (Apollon), khuynh hướng cơ bản đó là bản chất của mỗi một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Nghệ thuật vĩ đại của tất cả mọi thời đại đều đến từ thẩm thấu lẫn nhau của hai sức mạnh đối lập - đến từ xung đột cuồng phóng và trạng thái tinh thần của mộng ảo. Cái đó cũng tồn tại ở đối lập giữa trạng thái nằm mơ và trạng thái say rựơu. Hai trạng thái đó trong tự thân chúng ta phóng thích ra toàn bộ dạng thức của sức mạnh nghệ thuật. Nhưng những sức mạnh mà mỗi một trạng thái phóng thích ra là loại khác nhau. Mơ cấp cho chúng ta sức mạnh của ảo tưởng, sức mạnh của liên tưởng, sức mạnh của thơ; say lại cấp cho chúng ta sức mạnh của phóng túng không bị ràng buộc, sức mạnh của nhiệt tình mạnh mẽ, sức mạnh của ca múa cuồng loạn. Trong thứ lý luận bắt nguồn từ tâm lý học của nghệ thuật, thậm chí ngay cả một đặc trưng cơ bản nhất của nghệ thuật cũng biến mất. Bởi vì linh cảm của nhà nghệ thuật quyết không phải là say mèm, tưởng tượng của nhà nghệ thuật cũng không phải là mộng tưởng hoặc ảo giác. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật đều lấy một kết cấu thống nhất làm đặc trưng. Chúng ta không thể dựa vào đem nó quy vào hai thứ trạng thái khác nhau để thuyết minh thứ thống nhất đó, trạng thái giống như mộng ảo và say khướt hoàn toàn là cái tán loạn mà vô trật tự. Chúng ta không thể đem cái mơ hồ bất định kết hợp làm một chỉnh thể có kết cấu”.
Bài Rượu thủy tinh của Đỗ Nam Cao viết:
Những ý nghĩ đi chầm chậm đi trên mặt bàn
Nhịp tim theo cùng chậm
Một nỗi buồn trĩu nặng
Đọng trong đáy ly vừa cạn
Chuyện tình qua
Thấm thía
Anh bóp nát chiếc ly vụn rơi từng mãnh vỡ
Rượu dốc thẳng từ chai vào cổ
Anh quấn lấy em như tã lót quấn con riêng em vừa nở
Biển cuồng điên vật vã bãi bờ
Mai kia anh có thể thờ ơ
Chưa chừng cũng chẳng đến mai kia
Em đã mất ai nhặt gom mảnh vụn chiếc ly
Ai hốt lên rượu nỗi buồn đã chảy
Đã trộn lẫn thủy tinh cùng rượu ấy.
Ở đây lại là sự nối kết giữa những điều đầy nghịch lý: rượu và thủy tinh. Anh bóp nát chiếc ly vụn rơi từng mãnh vỡ (sự tan vỡ) và Anh quấn lấy em như tã lót quấn con riêng em vừa nở (sự gắn bó), và cuối cùng là sự gắn lại những mảnh vỡ trong trái tim con người (Ai hốt lên rượu nỗi buồn để chảy, Đã trộn lẫn thủy tinh cùng rượu ấy). Nghịch lý hơn cả là chỉ có say mới có thể viết được những câu thơ cuồng phóng như thế, nhưng ở đây càng say thì lại càng tỉnh, càng thấm thía sự đời, khác với Tản Đà “khi say quên cả cái hình phù du”. Rượu thủy tinh biến thành một danh từ kép, đã tạo nên một biểu tượng hoàn chỉnh, kết hợp làm một chỉnh thể có kết cấu.
Đỗ Nam Cao cũng có khi mơ ngược về thời thơ ấu như một giấc mơ ban ngày: trong bài Tuổi thơ, anh viết:
Tuổi thơ là khi mẹ
Là trời trong ổ rơm
Bà nội cắt cuống nhau
Cha chôn ngoài bụi ruối
Chờ cháu ngày rụng rốn
Bà ngoại hơ lá trầu
Tuổi thơ ăn cơm mớm
Cá khô bồi trong tro
Tập lẫy trên chõng tre
Tập bò qua ngưỡng cửa
Tập đi ngoài đầu ngõ
Thênh thênh thênh gió đồng
Tuổi thơ tay vọc đất
Đất nhét đầy móng tay
Đánh khăng rồi đánh đáo
Đánh cù bắn bi ve
Sáng trăng chui đống rạ
Rủ nhau chơi trốn tìm
Đêm rúc vào nách bố
Tay mẹ gãi trên lưng
Nằm nghiêng mò vú mẹ
Vú mẹ teo tóp rồi
Nằm ngửa miệng he hé
Uống ngọt ngào lời ru
Trưa hè nghe tiếng ve
Đầu que dính nhựa mít
Đội nắng bắt chuồn chuồn
Cởi truồng tắm ao sen
Mài mại rĩa bìu dái
Lên bờ ù té chạy
Con bé nào ngó ngây
Đến đây là đủ “chất” rồi, nếu kể thêm nữa thì sẽ đi đến chỗ “sơn cùng thủy tận”. Bất ngờ tác giả đã mở ra một hướng đi mới khiến mọi người phải suy nghĩ về sự ngắn ngủi của đời người và trách nhiệm làm người.
Và cứ thế tuổi thơ
Ngày sau thành chồng vợ
Ngày sau làm cha mẹ
Ngày sau lên ông bà
Tuổi thơ là mãi mãi
Mãi mãi còn tuổi thơ
Chất hồn nhiên và chất trầm tư ở đây hòa quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn như nước hòa với sữa.
Không chỉ mơ về tuổi thơ của mình, Đỗ Nam Cao còn mơ về quê hương của người bạn: liệt sĩ Vũ Dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị 1972 trong bài Trăng ngà (đăng báo Thanh niên ngày 1-8-2004):
Ẩn khuất đâu đây đầu làng cuối xóm
Dưới bếp hay trên nhà
Bên âm ẩm mùi đống rạ
Con trâu già đứng nhai rơm
Có tiếng quẫy
Soi một cành sung bói cá
Bờ ao đỏ nhói con chuồn
Ẩn khuất đâu đây Dũng ẩn
Lẫn vào đêm trốn tìm
Nghe thấy thì thầm trai gái
Trong bụi chuối quả vàng lập lòe đom đóm
Trên cánh đồng mùa màng ngờm ngợp
Người người í ới say mê
Đòn gánh uốn cong deo dẻo
Lúa nằng nặng ngực gái quê
Nơi con dốc ngày ngày lững thững
Dũng khuya sớm đi về
Thăm thẳm thuyền thì kẽm Trống
Vạt cỏ bờ đê vang động
Ba bờ sông ngẩn ngơ
Dũng ngồi nghe mãi câu hò
Ẩn khuất đâu đây rút ruột
Nỗi đau nghèn nghẹn miên man
Niềm vui hiếm hoi giấu nhẹm
Bao nhiêu thăng trầm có Dũng sẻ chia
Kìa như chênh chênh mái rạ
Dũng ơi đâu đây bàng bạc trăng ngà.
Tất cả bài thơ thâu gồm trong hai chữ Ẩn khuất. Cảnh vật nông thôn ẩn khuất sau mái nhà đống rạ, con chuồn ẩn khuất sau rặng cây, đom đóm ẩn khuất sau quả vàng, trai gái thì thần ẩn khuất sau bụi chuối, ngực gái quê ẩn khuất sau gánh lúa, thuyền ẩn khuất sau bờ đê, không chỉ nỗi đau mà niềm vui cũng ẩn khuất trong lòng Dũng, ẩn khuất đâu đây Dũng ẩn, lẫn vào đêm trốn tìm tưởng chừng sự của Dũng cũng chỉ là sự tạm thời ẩn khuất của Dũng vào bóng đêm mà thôi. Cuối cùng trăng ngà trà rượu ẩn khuất sau mái rạ, lúc này nhô lên soi sáng cảnh vật, soi sáng tấm lòng của Dũng đối với quê hương, cũng soi sáng tấm lòng của tác giả đối với người bạn thân đã qua đời. Trăng ngà là một vệt màu quý trên bức tranh sám hối của thôn quê, cũng là “điểm trời sáng” của toàn thể bài thơ.
Không chỉ mơ về quá khứ trong hiện tại, Đỗ Nam Cao còn mơ về quá khứ nghìn xưa của dân tộc. Trong bài thơ dài Cô cắt cỏ (trích đăng phụ bản thơ báo Văn Nghệ tháng 12 năm 2004), anh đã viết về vùng quê Hà Tây của anh. Khác với Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm viết về vùng quê Bắc Ninh, Đỗ Nam Cao đã dựng lên nhân vật bản thân nhà thơ đối thoại với một cô cắt cỏ của thần Tản Viên để nói lên quá khứ nghìn năm của quê hương, của dân tộc, toàn bài cũng làm theo các thể thơ dân tộc truyền thống với hình ảnh, ngôn ngữ đậm đà chất dân tộc nhưng vang lên âm hưởng hiện đại.
... Thì em xỉnh em xinh
Em xinh em đứng một mình được a
Tim tím hoa cà,
Biêng biếc tầm xuân.
Muốn tình gửi má bồ quân,
Gửi môi quả nhót gửi chân cửa chùa,
Hỡi em Tấm của ngày xưa,
Hỡi cô thôn nữ nắng mưa tảo tần.
Tứ thời cái áo tứ thân,
Hỡi cô cắt cỏ của thần Tản Viên.
Này riêng cái yếm hoa hiên,
Thì quên đi nhé bạc tiền quên đi.
Sợi rơm thơm lỗ chim ri,
Ổ rơm vàng nói lên gì hỡi cô.
Tôi đi bắt ốc mò cua,
Móc mò gãy cả lưng chưa thấy nàng
Em về chết chú kiến càng,
Động tĩnh kiếm vội vàng đi mất rồi
Để bà mãi mãi son môi
Để ông mãi ống bình vôi củ hành.
Nếu trong sử thi thần thoại Mùa xuân của Olympia của nhà thơ Thụy Sĩ Carl Spitteler (Nobel văn học 1919) trong khi miêu tả sự tranh giành của các thần trên núi Olympia trong thần thoại ngôi vua của chư thần, xen vào chuyện tình yêu giữa nữ thần Rừng Carledusa và người phàm Miras với tình cảm cháy bỏng như của con người hiện đại, thì trong Hỡi cô cắt cỏ, Đỗ Nam Cao cũng miêu tả chuyện tình yêu của công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử:
Thời thôi về bãi Tự Nhiên
Để em tắm để thánh hiền lòi ra
Con vua cũng thể đàn bà
Dẫu chàng đánh dặm vưỡng là đàn ông
Ôi Tiên Dung hỡi Tiên Dung
Giọt phù sa mẹ sông Hồng đẻ đau
Đất trời đã gả trầu cau
Thiếp chàng duyên nợ từ đâu hỡi thần
Hoa thơm ong chích bướm vần
Phải duyên đôi lứa còn ngần ngại sao
Sông dài bãi rộng trời cao
Màn em đã mắc em vào động tiên
Cực xinh cái núm đồng tiền
Hỡi cô cắt cỏ chiếc liềm của ai
Cười lên trăng đã hoa nhài
Yếm em nõn thế lược cài vào đâu
Hội xuân trống động mái đình
Chân du đã nhún đã tình lả lơi
Vút lên chống cả mặt trời
Cho bay đi hết chuyện đời đảo điên
Mây ơi cái túi không tiền
Vuông khăn dải yếm cũng liền bay đi.
Chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung ca ngợi tình yêu không phân biệt giai cấp là một chuyện tình đặc sắc hiếm có của Việt Nam và cả thế giới. Câu Để em nằm để thánh hiền lòi ra, phê phán sắc bén thói trọng giàu khinh nghèo và quan niệm tình yêu môn đăng hộ đối của một xã hội phong kiến, sự phê phán ở đây còn được thể hiện qua từ ngữ, khiến người ta liên tưởng đến những câu thơ Hồ Xuân Hương: Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo, Hay Đầu sư há phải gì bà cốt, Lá ngọ con ong bé cái lầm; chửi chữ như Để em tắm để thánh hiền lòi ra, cũng thâm như vậy. Câu Hội xuân trống động mái đình, Chân du đã nhún đã tình lả lơi, khiến người ta liên tưởng đến câu thơ trong Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện: Mà nay bóng cả cành dài, đã sương đã khói đã vài năm nay. Người ta thường nói: Du khiến người ta nhìn thấy chóng mặt, đằng này Đỗ Nam Cao viết: Vút lên chống cả mặt trời, thì đã nâng hình tượng từ cái tầm vi mô đến tầm vĩ mô mang cảm thức vũ trụ, phù hợp với tầm hùng vĩ của sử thi thần thoại.
Trong đời thường, Đỗ Nam Cao cũng có cách sử dụng từ đắc địa như thế. Như trong bài Điệu lý:
Bắt đầu là có chuyện nói thầm
Mắt em nhìn rất lý
Ôi cái giàn hoa mưa rét lâm tâm
Cái mùi rơm ngun ngút lửa thâu đêm
Tình yêu bắt đầu là như thế
Em với anh đã có gì đâu
Thế mà ngày ngày rất mau
Thế mà đêm đêm rất lâu
Thế mà người người bỗng khác
Ai ai dáng cũng ưa nhìn
Trên đời bao nhiêu điệu lý
Mắt em bắt hết ý tình
Lý gì thì em thích nhất
Hay là cái lý chi chi
Yêu nhau mà chưa dám ngỏ
Thế thì về với anh đi
Chữ lý trong Điệu lý đồng âm với chữ lý trong lý lẽ, cho nên nói Mắt em nhìn rất lý, có thể hiểu là lẳng người đang hát điệu lý, cũng có thể là nhìn rất có lý. Lý có nhiều điệu: Lý cây bông, lý cây chanh, lý con cua… Đỗ Nam Cao viết Lý gì thì em thích nhất, Hay là cái lý chi chi, Chi chi lại ngụ ý cái chuyện khó nói trong tình yêu. Tác giả kết: Yêu nhau mà chưa dám ngỏ, Thế thì về với anh đi, đó chưa hẳn đã là cái Lý đương nhiên nhưng nghe rất lý… Thú!
Chế Lan Viên có câu thơ: Tuổi năm mươi tình yêu như lửa đỏ. Nhưng bên ngoài trong vẫn trắng như không. Đỗ Nam Cao lại thể hiện tình yêu đó một cách kín đáo mà tinh tế: Tình yêu bắt đầu là như thế, Em với anh đã có gì đâu, Thế mà ngày ngày rất mau, Thế là đêm đêm rất lâu, Thế mà người người bỗng khác, Ai ai dáng cũng ưa nhìn… Câu thơ đã diễn tả được tâm lý của người đang yêu khiến người ta nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều: Sầu đông càng lắc càng đầy, Lá thu dọn lại một ngày dài ghê.
Tấm lòng của Đỗ Nam Cao như Cái mùi ngun ngút lửa thâu đêm, chỉ cần ngọn gió của tình cảm là cháy bùng lên thành ngọn lửa. Như anh đã tự bạch trong bài Thơ tôi: Mượt mà mướt mà cỏ ấu, Đắng cay giấu dưới tầng sâu, Bùn nâu đội đầu mầm thóc, Thơ tôi phát khóc, Mỗi khi chực cười, Thơ tôi lộn đầu xuống đất, Giơ chân lên đỡ sao trời… Thơ tôi đã từng hứng khởi, đã từng hát khúc hùng ca, Tôi bay lướt đỉnh hào khí, Trường Sơn ngút ngàn phù sa…
Là một chiến sĩ tình nguyện vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu ngay giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, là một trong những hội viên sáng lập Hội Văn nghệ Giải phóng, vẫn tin vào sự thành thật của mình đối với Tổ quốc và Nhân dân, Đỗ Nam Cao không ngần ngại nói về những hy sinh gian khổ, đau thương mất mát. Sau chiến tranh, trở lại quê nhà anh nhìn thấy:
Quê hương ôi rơm với rạ
Mẹ cha vách bùn cột tre
Thưa con vâng đã về nhà
Nhà vẫn nhà nghèo cuối xóm
Đình chùa chợ quán vắng teo
Ao làng tim tím hoa bèo
Khăn nheo vú mẹ úp mặt
Vẹt mòn guốc võng ngang nhà
Nhạt mọt vì kèo rỉ rả
Sáo diều thả rừng trâu già
Trai làng già mau trước tuổi
Gái làng đành gái già thôi
Ông cụ ngủ với ông cụ
Bà cụ ru rú cù nhau
Làng ngủ bờ tre kẽo kẹt
Nhằm trăng gà khuya gáy vang
Giật thót người nghe tiếng sấm
Mùa đông mái rạ mủn rồi
Mủn rồi những lời sáo rỗng
Chớp lòe sấm của cha ông
Mủn rồi thẩn thơ vớ vẩn
Tinh tình tinh tính nhịp vân
Thơ tôi đòn hai đầu nhọn
Vừa gánh gồng vừa xuyên đâm…
Qua bài Nhà thơ của một màu, kính tặng nhà thơ Hữu Loan, Đỗ Nam Cao đã nói lên tính chất quyết liệt của thơ mình: Người giữ lửa/ Mùi rơm ngun ngún cháy/ Có một chiều mưa nào chạnh thấy/ Móng cụt cũng bảy màu/ Đi tận cũng màu ấy.
Trong bài Thế là vắng, tưởng nhớ Trần Vũ Mai, Đỗ Nam Cao viết: Thế là nắng/ Một người/ Thế là hên/ Sẽ thoát/ Những nhỉ nhằng yêu ghét/ Sẽ thoát nhỉ nhằng yêu ghét được chăng?
Thơ Đỗ Nam Cao là chất dính, nối kết những yêu ghét của đời anh. Thu/ Chín chuối trứng cút/ Cởi áo chấm cốm dính/ Cốm dính tôi/ Dính/ Ô lá sen xòe trên tay người/ Cốm non dẻo ơi díu đang hết rồi/ Mà sao không kêu lên một lời “dính” trong tập thơ “Dính” (NXB Hội Nhà Văn, 2000).
Tôi nghĩ thơ anh giống như chất nhựa cây mít dùng để dính những con chuồn chuồn ngô tin rằng tôi không phải là con chuồn chuồn cuối cùng dính vào thơ nhiều chất dính của anh.