Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.302
 
Cà phê sáng
Nguyễn Thị Diệp Mai

Chầm chậm, rề xe vào cổng cơ quan mới, Thế liếc ngóng xem có ai để ý mình đã tới không. Quán cà phê trong sân cơ quan hội có đám nhân viên văn phòng và một số hội viên đang tụ tập cà phê sáng. Cơ quan sáng tạo nghệ thuật mà lị, sáng thong thả bảy giờ tới, rề rà cà phê tám giờ xong, thủng thẳng công việc hơn mười giờ “biến”. Thành lệ rồi. Cà phê sáng đối với họ là thói quen bám rễ. Thảo luận ý tưởng sáng tạo tác phẩm mới: cà phê sáng. Bàn công việc làm ăn: cà phê sáng. Thông tin vỉa hè: cà phê sáng. Khen người nầy, hạ giá người kia: cà phê sáng… Cà phê sáng như là một phương tiện giao tiếp. Người ở hội nầy ghiền cà phê sáng như ghiền một chất xúc tác để sáng tạo hoạt động cho cuộc sống. Một thứ rất bình dân cũng rất xa xỉ, rất cần và cũng rất không cần.  Thế chặc lưỡi: “Phải cải tổ mới được. Như vầy thì sao mà phát triển được”. Ý nguyện của Thế xin về đây để cải cách lại lề thói đã thành khuôn của hội nầy. Dù gì cũng là cơ quan nhà nước, cho là có sáng tạo đi nữa thì qui chế giờ giấc hành chánh cũng không thể bỏ qua. Chán !

 

Gã chánh văn phòng nhác thấy Thế, cười tươi như ngói mùa hè:

- Sếp, cà phê sếp ơi ! Anh em muốn ra mắt sếp.

Thế dư biết gã nói xỏ mình. Gần hai chục năm nay gắn với cái hội sáng tạo nghệ thuật nầy, Thế còn lạ gì các thành phần ở đây, nhân vật ở đây. Phép lịch sự của người sắp về chỗ mới Thế đành cười gật đầu. Chạy vòng ra phía sau tượng đài kỹ niệm nằm chướng khí ngay giữa sân mới dựng được xe. Cái tượng đài được dựng để kỷ niệm ngày hội có chỗ đứng giữa thị xã với cơ ngơi bề thế hơn ngàn mét vuông. Mười mấy năm cái khối vuông hình người ở tư thế như muốn bay lên dùng hai tay chụp bắt mặt trời ấy vẫn cứ đứng ám mặt tiền như vậy. Tay thì vươn lên, chân lại chĩa mùi ngang bám lấy mặt phẳng ngang như sợ bị bay theo ước vọng cao dọi của mình. Mũi chân ấy đã không ít lần làm chảy máu những người vô ý không chịu tránh nó. Mấy đời chủ tịch hội trước định cho dời đi, hay phá bỏ thay cái mới mà không dám. Tượng đài nầy được vị tiền bối thời chín năm có uy thế nhất tỉnh phê duyệt cấp tiền, chọn mẫu thi công, cắt băng khai tượng thì đâu có thể vuốt mặt không nể mũi. Trừ khi ngày tiền bối ấy ra đi…

 

Thế đến ngồi cái ghế gã chánh văn phòng kéo sẵn, cười gật đầu chào cả chục người ngồi quanh. Họ vồn vã nói cười. Chuyện thời sự quốc tế. Chuyện trận đá bóng dở ẹt đêm qua. Chuyện ý tưởng sáng tạo tác phẩm mới vừa  nẩy ra. Chuyện phải tìm nguồn tài trợ để cho tác phẩm nghệ thuật của mình ra đời… còn nhiều chuyện muôn đời khác của nơi đây. Thế ngẫm nghĩ, rồi suy cho cùng những người tham gia hội nầy hình như đều cùng một ước nguyện: cần sáng tạo những thứ để cho đời sau. Họ có tài hơn người khác là cái chắc: vẽ ra hình ảnh nghệ, viết nên những áng câu chữ tuyệt, đẻo tạc những tượng đài cần phải có nơi công cộng… v.v và... Hội sáng tạo nghệ thuật như màu của cuộc sống, không có thì ảm đạm, nhiều quá thì người ta không biết phân biệt cái nào chân chính, cái gì là giả tạo. Suy cho cùng xã hội càng hiện đại càng cần có màu sắc gam nóng hơn cho phù hợp. Hội sáng tạo cũng phải đổi gam mới mong theo kịp thời thế. Không đổi, không có ích khắc bị cuộc sống loại bỏ. Thế tự hào mình là một trong số người có tư tưởng tiến bộ ở hội và nổi bật hơn nhiều hội viên cùng thời khác. Lãnh đạo cấp trên không chỉ thấy ở Thế tài năng sáng tạo mà còn ở cái tâm tận tụy với sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chung. Đại hội chi hội, đại hội đại biểu Thế đều đắc cử với số phiếu khá cao bởi người trong hội biết trước sau gì Thế cũng về làm sếp thì tội gì không bỏ phiếu để góp vui.

 

Người tham gia hội đã quen với ý niệm vào hội sáng tạo nghệ thuật trước là để giải tỏa ước muốn được sáng tạo, sau là được hội tài trợ để đứa con tinh thần phải được khai sinh. Trước đây đầu tư đều do Nhà nước, nhiều ít cũng phải chờ Nhà nước. Quen rồi. Mấy năm nay nguồn đầu tư nầy đang bị xiết lại, đơn giản là Nhà nước muốn các hội quần chúng phải tập bám rễ vào quần chúng, người sáng tạo phải bám vào mạch cuộc sống thực. Họ bắt đầu kêu rần lên theo kiểu “con đói khóc đòi bú để mẹ phải cho bú”. Thế là những người tiên phong trong việc phải xã hội hóa sáng tạo nghệ thuật. Thế ủng hộ tư tưởng cải cách hoạt động của hội. Ai giỏi thì dùng tài của mình mà kiếm tiền, kiếm danh, giỏi thì phải tạo được được sản phẩm người đời chấp nhận, không giỏi thì kiếm chuyện khác mà làm ăn. Thế hùng hồn phát biểu quan điểm của mình mà không hề sợ gì cả. Gà nuôi trong trại quen rồi, bây giờ thả ra thì phải tự kiếm cách bới mà tìm mồi chứ cái gì cũng ỉ lại, cũng chờ thì bao giờ tiến bộ được. Một số người nghệ thuật gia trẻ thì thích vỗ tay hoan hô, những lão gia đầy thành tích thì hầm hừ: “Chưa mọc lông cánh mà đã đòi bay”. Kệ họ. Thế đã được chọn đưa về hội để thay đổi cách nghĩ của họ. Thế thấy vững trong bụng. Phía sau lưng có người ủng hộ còn sợ gì chớ. Thế buộc miệng:

- Phải thay đổi thôi, cứ ề à như các ông thì bao giờ mới thành tài được.

Gã chánh văn phòng ngẩn ngơ:

- Sếp nói ai vậy ? Người không có tài làm sao vào được hội mình ?

- Tôi nói cách nghĩ của chúng ta. Cả nước đổi mới vậy mà hội sáng tạo lại không sáng tạo cái gì mới cả.

 

Gã chánh văn phòng gãi gãi tai:

- Thủ tục hành chính đã đổi mới lắm rồi đó sếp. Phải đợi đến khi có quyết định chính thức, em mới được làm thủ tục tiếp nhận sếp theo đúng nguyên tắc. Lúc đó sếp chính thức là sếp. Sếp muốn thay đổi cả hệ điều hành hay hệ tư tưởng em đều nhất nhất nghe theo. Còn bây giờ kẹt quá… sếp cũ vẫn là sếp.

 

Mấy hội viên cao tuổi che miệng cười ý nhị. Gã chánh văn phòng xưa nay khư khư giữ chặt nguyên tắc hành chính, nói với gã như nói với khối thạch cao chết không thể dùng đắp tượng được nữa. Thực ra được giữ ở văn phòng hội mấy nhiệm kỳ liền vì “khối thạch cao chết” nầy mới có thể làm cốt cho những chất liệu mền dẽo khác không bị tuột khỏi tầm của hội.

 

Thế bực bội:

- Tôi nói về việc sáng tạo, tư tưởng đổi mới cho nghệ thuật, không nói việc hành chính. Khi tôi về sẽ chỉnh đốn lại cách làm việc của văn phòng ông. Giờ giấc nè, kinh phí hoạt động, chi thu các mục không rõ ràng…

- Ôi chết, em đang cố làm đủ thủ tục để sếp sớm về. Em đã dự kiến phòng làm việc cho sếp rồi, văn bản thông báo chữ ký rồi. Sếp về sớm ngày nào chỉnh đốn lại sớm ngày ấy thì tốt. Hai năm nay kinh phí trống trơn. Không có tiền đầu tư hội như ì ra luôn. Nhiều chú bác hội viên không được đầu tư cho tác phẩm như trước đây nên ít chịu tới hội. Hội viên không chịu sáng tạo thì anh em văn phòng không có việc để làm. Em đành để cho họ ăn cắp giờ đi làm kiếm thêm ở bên ngoài. Sếp đề nghị thanh tra sớm chút để người ta thấy hội mình quá nghèo mà thương cho chút ít.

- Nữa, nữa, cũng tư tưởng ỉ lại nữa. Cái gì cũng chờ tiền Nhà nước hết sao ? Tìm cách mà tạo việc làm đi chớ !

 

Mặt gã chánh văn phòng thộn ra trông thật khó coi:

- Em không biết sáng tạo nên mới làm việc văn phòng. Mai mốt sếp về em xin theo học.

- Thôi đừng làm khó cậu ta nữa. Muốn cải biến thì phải làm từ gốc, chứ nhánh lá như tụi tôi thì biết sao mà cải.

 

Một ông hội viên sồn sồn cắt ngang. Thế quay sang định cho ông ta một hồi cho biết mặt nhưng kịp nín lại. Ông đó chính là một trong những khai quốc công thần của hội. Cãi lẫy với ông ta lợi ít hại nhiều, tốt nhất là im lặng tiếp thu. Ông sồn sồn đứng vậy móc ví lấy bốn ngàn đồng đặt lên bàn trả tiền ly cà phê của mình. Thành lệ rồi, ngồi uống chung nhưng tiền ai nấy trả đỡ mích lòng, đỡ bị nói lợi dụng. Ông ta lấy cái nón úp lên đầu, nhìn Thế cười hề hà:

- Tám giờ rưỡi rồi, tao phải về đưa vợ đi chợ đây. Mày về hội rồi nhớ duyệt tài trợ cái đề tài tao đăng ký năm nay rồi nghe. Tao ghi tên mày làm cố vấn rồi đó. May mà mày về sớm tao có chỗ nhờ cậy chút đỉnh.

 

Ông sồn sồn nói xong không cần xem Thế gật hay lắc đầu, đứng lên đi thẳng ra chỗ để xe máy. Tự tin nổ máy phóng đi như cầm chắc là Thế đã ký đơn xin tài trợ sáng tạo nghệ thuật của ông rồi vậy. Thế thấy chát miệng cầm ly cà phê lên uống. Gã chánh văn phòng vội cản lại:

- Ấy, ly này em đang uống dở. Em kêu cho sếp ly khác.

 

Thế sực nhớ nãy giờ mình chưa gọi cà phê. Mấy người nữa đứng dậy từ giã đi làm việc của mình. Gã chánh văn phòng gọi cà phê, quậy đường, pha đá cho Thế. Xong, gã đặt ly cà phê xuống trước mặt Thế và đứng dậy xin phép về làm việc. Thế gật đầu. Gã đi rồi, Thế cầm ly cà phê lên hớp. Ngọt như chè. Thế chặc lưỡi mai mốt phải nhắc gã đừng quậy sẵn như vậy. Ai uống nấy pha cho vừa ý. Bực mình Thế đứng dậy chào những người trong bàn đi về phía văn phòng hội. Đi đến tượng đài, Thế sực nhớ mình chưa chính thức chuyển về đây. Vào làm gì ? Chỗ đâu ngồi ? Đành chờ vậy. Thủ tục thủ tiết gì chậm quá trời. Làm việc vậy sao mà tiến bộ, mà hiệu quả được ? Bực quá ! Vị cà phê ngọt gắt vẫn còn trong cổ họng. Thế ngoặc người trở lại chỗ dựng xe máy để lấy xe về cơ quan cũ làm một ngụm trà Bắc cho đã miệng. “Soẹt !”. Không kịp tránh cánh tay Thế vướng vào mũi bàn chân pho tượng rách tét một đường. Máu rơm rớm ứa ra ở vết trầy. Thế giận quá lầm bầm chưởi:

- Đồ ám mặt ! Tao về sẽ cải tạo cái chân của mày đầu tiên. Cắt bỏ coi mày còn bám được đâu không cho biết. Ừ mà phải dẹp từ cái gốc cà phê sáng luôn mới được.

 

 

Thế ngồi lên xe, rồ ga phóng nhanh ra đường cái. Xe cội vẫn hối hả ngược xuôi./.

Nguyễn Thị Diệp Mai
Số lần đọc: 2974
Ngày đăng: 12.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bà Má Năm - Nguyễn Ngọc Bạch
Hẹn ước mùa xuân - Trần Huyền Trang
Ba ơi, mở mắt mà đi ! - Nguyễn Thị Diệp Mai
Vòng tay yêu thương - Trần Lệ Thường
Thương Lắm Những Mùa Xuân - Việt Hà *
Du Hành - Nguyễn Thanh Đức
Những mảnh đời lưu lạc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Một chỗ trên thiên đàng - Paulo Coelho
Ký ức làng Hà - Nguyễn Khắc Luân
Im lăng - Đào Bá Đoàn