Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.221.369
 
Giải thưởng văn nghệ: Những điều muốn nói
H.G.S

Dường như đã qua rồi cái thời người nhận giải lẫn công chúng tôn thờ giải thưởng như chính ý nghĩa ban đầu của nó là nghi nhận và tôn vinh các giá trị sáng tạo nghệ thuật. Những cuộc tranh luận không ngớt của giới chuyên môn cùng với những lời “bàn ra, tán vào” của dư luận càng khiến công chúng băn khoăn về giải thưởng.

 

Giải thưởng quốc gia và giải của các hội nghề nghiệp: Gây tranh cãi

 

Hơn hai chục nhà báo văn hóa - văn nghệ đã nhất loạt bình chọn sự đầu tiên trong 5 sự kiện gây thất vọng trong năm 2006 là giải thưởng quốc gia và giải của các hội nghề nghiệp gây nhiều tranh cãi. Nào là chuyện những “ông to, bà lớn” có chân trong Hội đồng nghệ thuật hoặc đứng vị trí cao trong BCH Hội được đề cử hoặc ẵm giải thưởng to nhất. Nào là còn tác phẩm, tác giả xứng đáng được trao nhưng bị bỏ qua. Nào là người được giải từ chối hoặc rút khỏi đề cử...

 

Những chuyện như vậy đã xảy ra ở Hội Nhạc sĩ VN hoặc ở Hội Nhà văn VN. Nhưng chắc chắn, không chỉ ở những hội này mà nhiều hội nghề nghiệp khác, chỉ cần rà soát lại cũng lắm chuyện bung bét. Các năm trước cũng vậy.

 

Đáng ra, các vị “chức sắc” phải biết “nhường” “miếng giữa làng” cho anh em trong hội. Dù tác phẩm của họ có xuất sắc thì người trong hội sẽ vẫn nghi ngờ. Không ít nghệ sĩ nói thẳng, tâm lý nể nang khiến họ không thể không bỏ phiếu cho “sếp”. Quy chế xét giải còn lỏng lẻo tạo điều kiện cho những lợi ích cá nhân, những động cơ vụ lợi xen vào làm ảnh hưởng đến giá trị khách quan của giải. Quy trình xét giải chưa thật dân chủ và công khai và rõ ràng ngay từ đầu. Những ý kiến xác đáng của người trong giới và sự phản ứng của dư luận đều có cơ sở. Vậy nên, uy tín của các giải thưởng đã mất đi chính từ sự nghi hoặc và ỉ eo mà đáng ra có thể tránh được.

 

Giải do bình chọn: Khập khiễng

 

Các cơ quan báo chí làm “nóng” mùa giải cuối năm bằng các giải thưởng: “Làn sóng xanh” của Đài TNND TP.HCM, “Mai vàng” của báo Người lao động, “Cống hiến” của báo  Thể thao & Văn hóa, “Ngôi sao Bạch kim” của Tạp chí Màn ảnh và Sân khấu... Các “sân chơi” của truyền hình chẳng kém phần rộn ràng, trong đó không thiếu phần giải thưởng do khán giả bình chọn: “Bài hát Việt” (VTV3), “Sao Mai - Điểm hẹn” (VTV3)...

 

 Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến của khán giả và dư luận đề cập đến chất lượng các giải thưởng này và những bất cập trong bình chọn. Hậu trường “Sao Mai - Điểm hẹn 2006” bộc lộ rõ nhất mặt trái của bầu chọn. Ca sĩ giành giật khán giả bằng nhiều cách. Fan Club của người này cãi nhau với fan của ca sĩ khác. Những chiêu tiếp thị hình ảnh của những ngôi sao mới, lôi kéo fan tạo thanh thế... Phải “mục sở thị” quang cảnh cuộc thi mới thấy hết được thực lực của từng người...

 

Giải quốc tế: ít xít ra nhiều

 

Năm 2006 có lẽ là năm... “bội thu” những chuyến xuất ngoại của phim Việt. Tháng 10-2006, đoàn phim “Hà Nội, Hà Nội” dự LHP Bách Hoa - Kim Kê (Trung Quốc). Trở về, diễn viên Minh Tiệp thổ lộ với báo giới, anh là một trong 10 diễn viên được đề cử giải Trình diễn xuất sắc nhất, rồi sau đó “đính chính” “một trong 10 nam được bình chọn diễn xuất hay nhất”. Nghe xướng tên mình và cô bạn Đình Đình nói lại, về nước, anh vội loan tin mà chẳng có một văn bản xác nhận nào. Người đi cùng đoàn với anh ai nấy đều tỏ ra bất ngờ !

 

Đình đám nhất thuộc về “Chuyện của Pao” cùng vợ chồng cặp đạo diễn Ngô Quang Hải và Đỗ Hải Yến. Họ rong ruổi hàng tháng trời hết liên hoan phim (LHP) này đến LHP khác. Cuối cùng, họ đem về giải đặc biệt của BGK LHP châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù ở nhiều LHP khác không đoạt giải và chiếu phim chỉ thưa thớt người xem, nhưng chẳng biết ai cung cấp thông tin mà có những bài báo giật tít “được đón nhận nồng nhiệt”, “gây xúc động mạnh”... ?!

 

Bộ phim gặt hái nhiều giải thưởng nhất trong năm 2006 là “Sống trong sợ hãi”. Sau khi chu du vài ba LHP, nó đoạt giải Tài năng mới tại LHPQT Thượng Hải lần 9 và giải thưởng lớn của BGK tại LHP châu á - Thái Bình Dương lần thứ 51. Cũng tại LHP này, “Còn lại với thời gian” đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất. Nhưng được biết, chỉ vỏn vẹn vài ba tác phẩm “đấu” với nhau. Những người biết thực chất LHP này còn gọi đó là “LHP vui là chính” vì giải thưởng mang tính mặt trận.

 

Xem ra, các giải thưởng phim Việt mang về chưa đủ nặng so với con số 15 sự kiện điện ảnh quốc tế mà điện ảnh nước nhà tham dự trong năm!

 

Giải thưởng lớn nhất là công chúng !

 

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa dự một hội nghị quốc tế tam niên cho phụ nữ viết kịch. Chị kể: “Các nghệ sĩ nước chủ nhà, ròng rã ba năm qua, họ đã đến từng vùng sâu, vùng xa tổ chức những trại sáng tác để tìm kiếm, bồi dưỡng nhân tài. Vài tác phẩm được chọn diễn cho các đồng nghiệp xem nơi đó, giải thưởng đâu chưa thấy, nhưng thấy rõ người viết đã khổ công đổ mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu của mình để đổi lấy sự đồng cảm của cả khán phòng. Vở “Cô điếm và ngài tổng thống” của Ratna Saumpaet chạm đến cả chính quyền và tôn giáo, “được” xe tăng và súng đe dọa lẫn bảo vệ khi về nhiều địa phương khác diễn. Sau những tràng vỗ tay của khán giả là lời cám ơn chân thành của chính quyền và tôn giáo lớn nhất xứ cô. Và tôi tin họ sẽ không có những lời “phản tỉnh” ngay sau đó. Đó là giải thưởng lớn nhất cho những người sáng tác”.

 

Các lĩnh vực kinh tế - xã hội đang sôi động với nhiều loại giải thưởng mang những ý nghĩa và nội dung khác nhau. Văn hóa văn nghệ lại thiếu những giải thưởng có uy tín do cá nhân lập ra. Các giải thưởng mới chỉ mang tính chất động viên người có nhiều đóng góp chứ chưa tôn vinh những tác phẩm/cá nhân xuất sắc; chưa thật sự tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng và cả những người trong cuộc. Những giải thưởng lấy tên các văn nghệ sĩ, có lẽ còn do những hạn chế nhất định về tổ chức, về kinh phí... nên rất tiếc, tiếng vang chưa lớn.

 

Ở nước ngoài, phần lớn các giải thưởng đều do cá nhân gây quỹ lập nên. So với nước ngoài, tính tương quan với dân số, giải của ta vừa ít về số lượng (Pháp có hơn 600 giải thưởng văn chương; Đức có gần 1.000 giải...), vừa nặng về hình thức. Giải thưởng không chỉ được trao cho những tác phẩm, cá nhân xứng đáng là nỗi buồn không của riêng ai. Và, cuộc sống sẽ đào thải những giải thưởng như vậy !

 

Trích HNMDT

H.G.S
Số lần đọc: 3322
Ngày đăng: 14.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quanh chuyện của “Cánh đồng bất tận”: Đừng ép tác phẩm văn học phải nói tốt cho địa phương mình! - Trần Tú
Nhà văn "không sống được"! - Lam Điền
Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ : thầy Nguyễn Ngọc Bạch - Nguyễn Quang Sáng
“Gạ” mua giải nhì thơ với giá 15 triệu đồng? - Diễm Huyền
Các cây bút trẻ và cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội - Phạm Hương Giang
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ” - Vũ Ngọc Tiến
Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ - Nguyễn Tiến Văn
Tự truyện không hẳn là văn học - Triệu Xuân
Thông tin của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Tôi viết “Quân sư ĐÀO DUY TỪ” - Vũ Ngọc Tiến