Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.144
123.227.027
 
Trâu ở chùa
Nguyễn Nguyên An

Điệu Hạ ra sân tập quyền. Bầu trời lì chi lất phất mưa bụi, mang theo những cơn gió sắt se buổi tàn đông. Ngày nào điệu Hạ cũng dậy từ ba giờ rưỡi, công phu chuông mõ, phụ thầy hành lễ. Tuổi mười ba là tuổi ăn, tuổi ngủ; điệu thức khuya dậy sớm chưa quen, thường ngủ gà ngủ vịt lúc giộng chuông. Sư phụ đem môn vũ thuật truyền cho điệu, giúp điệu tăng cường thể lực, có sức vượt qua khổ hạnh của người tu sĩ trên đường tìm chánh quả mịt mù diệu vợi.

- I… trâu!?

Điệu Hạ la lên, dừng quyền ở thế "Ngũ hổ bình tây". Một con trâu nghé lông mơ vàng, đứng run lẩy bẩy dưới cội tùng già. Dắt trâu vào mé bếp, điệu lấy khăn khô lau cho trâu, miệng tấm tắc: "Trâu bốn xoáy hiếm lắm đây, lại chân ngắn nữa, không biết nhà ai lạc con nghe quý quá chừng". Bỗng nhiên lòng điệu quay quắt một nỗi nhớ quê nhà. Suốt mùa hè cùng trẻ mục đồng chăn trâu ngoài bãi bồi, chiều cùng trâu tắm táp, nô giỡn ầm ào làm náo loạn khúc sông. Nào Chảng, nào Ve, nào Xe, nào Pháo, nào Cụi…Con trâu mộng nhà Hạ có khoang liệt, cày giỏi mà còn chọi thắng con trâu Cụi cổ ngắn, sừng quép nùi nụi như gộc tre già nữa kia. Trâu cu Hạ nhiều tướng tốt như người ta thường bảo: "Cặc bánh lái, dái hủ dầu; cầu dao, lưng dài, vai rộng, cầu dưa, lông măng, da giấy bán mấy cũng mua". Chiều xuống cu Hạ cuỡi con trâu cong vênh cặp sừng chàm vàm, đi lắc lư cầu đưa về làng trong nhởn nhơ khói làm chiều của những mái ấm…

Con trâu nghe: "Ngạ… ngạ…" đòi bú, làm điệu sực tỉnh. Điệu lật đật đi lên nhà trai để bẩm báo với sư phụ. Diệu khoanh tay, cúi đầu thưa:

- Bạch thầy - Điệu lấy tay vén lọn tóc xoã xuống mặt - có con trâu nghé lạc vào chùa. Thầy cho con nuôi nhé.

Sư cụ cầm tách trà ướp hoa ngâu, hoa sói lên nhắp một ngụm, rồi thong thả:

- Không nên con ạ. Tìm người mất trau trả lại cho họ. Hôm nay con có đi học không?

- Bạch thầy nghỉ ạ.

- Ờ…ờ, vậy con mặc áo ấm vào, ra đồng Bàu Vá hỏi dân làng quanh đó có ai lạc trâu không? Bảo họ đến chùa nhận trâu về.

 

***

 

Điệu hạ lầm lũi đi chừng năm cây số đến xóm nhà bên đồng Bàu Vá. Vừa đi điệu vừa nghĩ: "Nhà mình nghèo lắm, cha mẹ mình khó nhọc mới mua đựoc một con trâu cái, rồi cả nhà phải đổ công sức, mồ hôi nước mắt nuôi trâu. Trâu mẹ mới sinh một con trâu mộng, sừng sừng cách sừng gần bảy tấc rưỡi, bốn xoáy, khoang liệt… Gần hai năm bố Hạ mới tập cho cày đất thục và chưa đến ba tuổi cho cày một mình, đến năm bảy tuổi cày giỏi nhất làng. Gia đình hạ quý trâu như quý vàng. Thật đúng con trâu là đầu cơ nghiệp! Nhà Hạ có ăn co mặc đều nhờ vào sức trâu. Nay khi không con nghé lạc vào chùa, nhiều tướng tốt giống trâu mộng, hỏi sao điệu không thích làm của riêng sao được". Nghĩ thế đôi chân điệu không muốn đi, cái miệng điệu không muốn hỏi và điệu tự bảo vệ cho ý nghĩ đen tối đó: "Trâu tới chùa mình, chớ mình ăn cắp đâu mà phải trải lại nhỉ?". Nhưng trong đầu điệu lại hiện lên lời dạy của  sư cụ trụ trì: "Này con, ở đời lòng tham con người là vô đáy, có tiền thì thích vàng, có vàng thì thích kim cương. Diệt được lòng tham của mình là diệt được khổ nạn, đựoc tự tại an nhiên giữa đời. Cũng chính lòng tham sinh hỉ, nộ, ái, ố, thất tình nhục dục…Người tu hành không được sinh lòng tham con ạ." . Ngẫm lời thầy thâm thuý, điệu sinh hỗ thẹn, điệu niệm: "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật" lòng điệu lại sáng trong, giục đôi chân xăng xái đi tìm nhà mất trâu. Điệu gặp lão ông, anh lực điền, chị quảy gánh hàng hoa, điệu đều hỏi. Bà con nông dân không ai tham lam:

- Cả xóm không nghe ai mất trâu điệu ạ.

- Điệu qua bên tê hỏi thử xem. Tội nghiệp điệu phải lội bộ xa thế, để tôi hỏi giúp cho, ai mất thì đến chùa nhận lại. Điệu về nghỉ cho khoẻ, mắc chi mà cực vậy?

- Điệu đi hỏi nhà mất trâu sáng tới giờ tìm không ra a? Bác đoán con nghé lạc vào chùa do bọn trộm trâu dắt con trâu mẹ đi, con nghé chạy theo, bị chúng đuổi, nên nghé mới lạc vào chùa chơ chi nữa. chúng sợ con nghé mà "Ọ…ọ… " là con mẹ không chịu đi. Hay chúng thịt con trâu mẹ rồi bỏ con nghé lại. Thôi điệu cứ nuôi, ai nhận thì biểu họ trả tiền chăm sóc cho nhà chùa.

Điệu vui mừng đi nhanh về chùa thưa lại ý ấy với sư cụ. Thế là trâu được ở chùa. Điệu Hạ lo học kinh kệ, văn hoá, luyện võ và bứt cỏ, chăn trâu. Dù bấn búi, bận rộn bao công việc vì trâu, điệu vẫn vui!

 

***

 

Một năm sau…

- Điệu Hạ!

- Bạch thầy có điều chi sai bảo?

Điệu Hạ khoanh tay đứng trước sư cụ. Sư cụ chỉ tay ra sau vườn chùa:

- Coi trâu ăn hoa hồng. Con lùa vào chuồng đi!

Điệu cãi:

- Bạch thầy trâu chẳng bao giờ ăn hoa hồng…

Điệu cảm thấy vô phép với sư cụ liền chạy ra sau vườn chùa. Tuy trâu không ăn hoa nhưng nó giẫm nát vườn hoa để ăn nhúm cỏ chỉ. Điệu than:

- Khổ ơi là khổ!

Điệu dắt trâu cột gốc bụi tre. Lấy cuốc sửa lại vườn hoa…

Năm thứ hai, chú Hạ nuôi trâu được hai tuổi. Nhiều lần chú bị người dân quanh chùa, đến chùa bắt đền chùa vì trâu phá vườn tược họ. Chẳng hạn ông Ngọ chống gậy tìm chú:

- Chú Hạ chú nuôi trâu chi cho cực, lại nhãng việc công phu. Chú thả rông trâu phá thôn xóm, ai chịu cho thấu. Trâu chú ăn vạt sau khoai của tui đó, chú lo mà đền.

 

***

 

Hai năm rưỡi sau…

Một thằng bé trạc mười hai tuổi, đúng là dân mục đồng, da thịt săn chắc nùi nụi bùn đất. Thằng bé hớt hãi chạy vào chùa báo với chú:

- Chú mau ra đồng dắt trâu về, nó chạy cuống cuồng tìm trâu cái để nhảy, nhỡ bạng chết người. Nhanh, nhanh, chú ra rượt bắt trâu với em.

Chú Hạ giang hai tay lên trời kêu: "Trời ơi là trời!" rồi tất tả chạy cùng thằng bé…

Con trâu nghe run rẩy dưới cội tùng ngày nào đã thành con trâu đực ba tuổi. Trâu to lớn tổ chảng nên được đặt tên Chảng. Trâu ăn như thúng lủng khu mà chẳng làm gì sất! Đất đai vườn chùa chỉ một thẻo lưng đồi, lại toàn sỏi đá bạc màu, lấy đất đâu cho trâu tập cày, tập bừa. Người ăn ở không con sinh hư, huống chi trâu. Trâu ở chùa chỉ ăn tàn phá hại, nhiều phen làm chú điêu đứng, bỏ thì thương, sương thì nặng. Bây giờ trâu lại trững mỡ đòi cái, chú là người tu hành nghĩ việc ấy còn chưa dám, huông chi để cho trâu thoả thuê cơn động cỡn. Thôi chi bằng bàn với sư sụ bán quách, chú thoát ách nuôi trâu è nặng trên cổ!

Chú chắp tay trước sư cụ:

- Bạch thầy, con trâu hôm qua động cỡn bứt dây chạy lung tung. Con sợ nó húc phải người thì chùa mang hoạ. Bạch thầy…chi bằng cho con bán trâu…

Sư cụ bỏ cuốn kinh pháp Hoa xuống bàn, tháo mục kỉnh để lên trang kinh đang mở. Nhìn đứa học trò duy nhất của sư đang đứng gãi tai. Sư cụ cất giọng ôn hoà:

- Trước đây con thích nuôi trâu ta chiều; nay con chán trâu ta cũng tuỳ. Nhưng không được bán trâu con ạ. Bán trâu khác nào chùa mang tội sát sanh. Có chùa nuôi lợn để lợn ăn những thức ăn thừa, cho nó nghe kinh kệ đổi kiếp, kiếp sau khỏi sa vào cầm thú u minh. Khi lợn già chết, nhà chùa đem chôn. Trâu sinh ra lao động giúp người, chùa ta không có việc cho trâu làm, trâu hư là lỗi của chúng ta không biết dạy trâu cày kéo sản xuất. Ta bàn là vầy, con tìm một nông dân nào lương thiện, chăm ăn chăm làm còn cực khổ, chưa có trâu cày bừa, thì dẫn con trâu này cho họ. Con cẩn thận tìm kẻo lâm vào tay đồ tể thì chúng ta mang tội.

Chú Hạ đi tìm người cho trâu.

 

***

 

Ba giờ khuya thầy Hạ thức dậy cùng hai chú tiểu công phu hành lễ đầu ngày. Bước lên điện Phật thầy Hạ giật mình thấy con trâu lù lù đứng trước mé hiên. Thầy tưởng trâu ai lạc vào chua, té ra trâu Chảng. Thầy xoa trâu mấy cái:

- Trở về à? Cày bừa nhọc lắm không? Cực nhọc mới nên nết trâu ạ. Chảng đứng đợi ta lễ Phật xong rồi nói chuyện.

Giọng thầy Hạ tụng kinh trầm ấm hoà lẫn tiếng mõ khô chon và iếng chuông ngân nga…Chú tiểu giộng chuông mé trái điện Phật, trố mắt trồ trộ khi thấy con trâu hình như chỏng tai nghe. Khi thầy Hạ cởi áo tràng, ngồi xuống hộp tợ uống trà sáng, chú tiểu thưa:

- Bạch thầy, con trâu nghe kinh thầy ơi.

- Con trâu đó trước ở chùa nghe kinh quen rồi.

Thầy Hạ bước ra ve vuốt tấm lưng như tấm phản của trâu Chảng:

- Sư cụ quy tiên rồi Chảng ơi. Chảng nhớ chùa về thăm hay thích ngày ngày nghe kinh cũng đặng công đức. Ta đã xin được mấy sào ruộng, Chảng cùng ta làm ra lúa gạo mà ăn nhé. Ở lại chùa với ta.

Trâu Chảng như hiểu lời thầy Hạ. Nó lấy mũi nhọ  nhọ vào tay thầy và đôi mắt ươn ướt đỏ vì ánh đèn lanh lánh? Rồi như vâng lời thầy Hạ, trâu Chảng đủng đỉnh đi ra chuồng mà năm nào chú Hạ đã phá tan hoang. Thầy Hạ mừng lắm, bụng nghĩ: "Nếu năm đó ham tiền đem bán thì mất trâu!"

Trâu trở lại chùa!

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3501
Ngày đăng: 20.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử thách - Văn Chấn Ngọc
Đã 20 mùa thu người Hà Nội - Đặng Thân
Bóng mờ - Huỳnh Mẫn Chi
Cà phê sáng - Nguyễn Thị Diệp Mai
Bà Má Năm - Nguyễn Ngọc Bạch
Hẹn ước mùa xuân - Trần Huyền Trang
Ba ơi, mở mắt mà đi ! - Nguyễn Thị Diệp Mai
Vòng tay yêu thương - Trần Lệ Thường
Thương Lắm Những Mùa Xuân - Việt Hà *
Du Hành - Nguyễn Thanh Đức
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)