1. Địa danh Bà Rịa lần đầu tiên được sử nhà Nguyễn nói đến qua một sự kiện xẩy ra năm 1690 trong sách Đại Nam thực lục tiền biên. Năm 1776, Lê Quý Đôn cũng nói tới địa danh này trong Phủ biên tạp lục. Gần 190 năm qua, kể từ khi Trịnh Hoài Đức là người đầu tiên giải thích nguồn gốc địa danh Bà Rịa đến nay đã có hàng chục cuốn sách, bài viết của các tác giả người Pháp, người Việt tìm cách giải thích nguồn gốc địa danh này nhưng dường như vấn đề vẫn còn để ngõ. Tựu trung có hai giả thiết về nguồn gốc địa danh Bà Rịa:
- Địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ một nhân vật truyền thuyết ở địa phương: Nguyễn Thị Rịa (thường gọi là bà Rịa), người đã có công khai phá đất đai ở làng Phước Liễu (nay thuộc xã Tam Phước, huyện Long Điền). Dấu tích còn lại là mộ bà Rịa ở Tam Phước.
- Tên gọi Bà Rịa có nguồn gốc từ địa danh của các tộc người từng cư trú trên địa bàn này trước khi người Việt đến…
Giả thiết thứ nhất chưa thuyết phục vì tên gọi Bà Rịa đã có trước thời điểm xẩy ra sự kiện theo truyền thuyết về nhân vật bà Rịa. Giả thiết thứ hai cũng chưa thuyết phục vì có nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự nhầm lẫn của Trịnh Hoài Đức khi căn cứ vào Tân Đường Thư để xác định Bà Rịa là nước Bà Lị xưa, trong khi Bà Lị hay Mã Lễ là đất của người Mã Lai, một bộ phận của đảo Bornéo mà nửa bên đông là Bà Lị, nửa bên tây là La Sát, nằm rất xa vùng đất Bà Rịa của chúng ta…
2. Thờ thần biển là tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên thế giới. Từ năm 334 TCN, trước khi xua quân Đông chinh, Hoàng đế xứ Macedon-Hy Lạp Alexander đã giết bò để hiến tế thần biển Poseidon cầu mong đại thắng. Tương truyền ông là người châu Âu đầu tiên bước lên đại lục châu Á, mở cửa bình minh giao lưu Đông-Tây.
Trên dãi đất Việt, trong khi cộng đồng cư dân phía Bắc phát triển rực rỡ với văn minh trồng lúa nước, gắn bó chặt chẽ với đồng bằng châu thổ và vùng trung du thì ở phía Nam, cộng đồng người Chăm đã đặt nền móng và xây dựng cho mình một truyền thống đi biển. Kinh tế biển, văn hóa biển đã để lại dấu ấn sâu sắc trong quá trình phát triển của vùng đất nằm ở ngã tư đường giao lưu văn hóa-văn minh. Người Chăm thờ rất nhiều thần, trong đó có thần Sóng Biển Po Riyak. Hiện nay, tại làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn còn ngôi đền thờ Po Riyak và hàng năm đều tổ chức lễ hội, cầu mưa thuận gió hòa, biển yên sóng lặng…
Trong quá trình di cư xuống phương Nam, người Việt thường sử dụng tên gọi đã có sẵn và Việt hóa theo cách đọc của mình, hoặc đặt tên mới để gửi gắm ước mong của mình vào tên gọi đó. Theo nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường thì địa danh Bà Rịa có lẽ lấy từ danh xưng thần Po Riyak của người Chăm. Sự Việt hóa từ Po Riyak thành Bà Rịa nằm trong quy luật biến âm của ngôn ngữ Việt. Tương tự như Sài Gòn vốn được Việt hóa từ Prei Nokor, Sa Đéc từ Phsa Đek, Cà Mau từ Tưk Khmau, Long Hồ từ Lon Hor… Từ Po Riyak người ta đọc trại thành Pa Ria và cuối cùng là Bà Rịa.
3. Nhưng Po Riyak là thần Sóng Biển của người Chăm mà vùng đất Bà Rịa xưa lại thuộc về Chân Lạp, hay nói đúng hơn là nằm trên lằn ranh giữa Champa và Chân Lạp. Vậy thì nếu đúng địa danh Bà Rịa được Việt hóa từ Po Riyak thì đó chính là sự phản ánh hồi ức của những đợt di dân từ đất miền Trung vào trong thế kỷ XVII-XVIII mà trước đó họ đã chịu ảnh hưởng tín ngưỡng-văn hóa biển truyền thống trên dãi đất này, cũng giống như tục thờ cúng cá ông, vốn không có nguồn gốc từ Nam Bộ, nhưng đã theo bước chân lưu dân từ miền Trung vào. Cái hồi ức tín ngưỡng-thần biển che chở trên đường vào Nam đã thành tên gọi cho vùng đất đầu tiên đặt chân đến-để mở cửa vạch một chân trời mới. Và điều này dễ dàng được chấp nhận khi mà ở vùng đất này đã có lớp “trầm tích” tín ngưỡng văn hóa biển phát triển lâu dài trước đó hàng chục thế kỷ.
Theo quan niệm của người Chăm thì cá voi (cá ông) chính là hóa thân của Po Riyak. Từ sự kế thừa quan niệm của người Chăm, người Việt phương Nam đã lập đền thờ và Việt hóa nghi thức thờ cúng cá ông suốt dọc bờ biển từ miền Trung vào tới Nam Bộ, cho dù phía Bắc vẫn xem cá ông cũng như những loại cá khác (bởi vậy có câu Nam vi thần, Bắc vi ngư-Nam là thần, Bắc là cá).
Không phải ngẫu nhiên mà Bà Rịa-Vũng Tàu lại là địa phương có nhiều đền, miếu, lăng, dinh thờ cá ông nhất ở Nam Bộ (trong khoảng hơn 50km ven biển vùng đất lằn ranh giao thoa văn hóa suốt nhiều thế kỷ này có đến 10 ngôi đền thờ cá ông, cao nhất về mật độ cũng như về số lượng). Từ hồi ức tiềm thức suốt hành trình di cư về phương Nam, đến việc đặt gọi tên đất và quan niệm tôn thờ cá ông là đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả một lần nữa đánh thức “trầm tích” văn hóa biển của vùng đất trước đó đã chịu nhiều biến động của lịch sử.
Với sự xuất hiện của hệ thống tín ngưỡng liên quan đến biển và là yếu tố chính cấu thành nên văn hóa biển, địa danh Bà Rịa một lần nữa xác nhận không gian văn hóa biển của vùng đất mang tên Thần Biển.
4. Hiện nay, những yếu tố văn hóa biển tồn tại rất rõ nét trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của cư dân duyên hải Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhưng nó chưa được nghiên cứu, xâu chuổi thành hệ thống, thành lớp lang chọn lọc, dễ nhận biết và do đó cũng chưa có điều kiện để phát huy.
Mục tiêu định hướng kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2015 là phát triển nhanh, mạnh, vững chắc kinh tế biển là xuất phát từ tiềm năng, nhu cầu thực tiễn của cuộc sống hôm nay và ngày mai, nhưng như một ngẫu nhiên, đó cũng là sự phát triển tiếp nối của một truyền thống… Cần nhận diện và khơi dậy thế mạnh văn hóa biển truyền thống-tiềm năng “vô hình” để hợp lực và cùng đội quân tiến ra biển lớn….