Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.213.483
 
Tôi làm thơ/Tôi thở
Nguyễn Phan Thịnh

* Tặng Rừng, như đã từng trao đổi suốt một thời xưa cũ.

Và tặng Huy Tưởng.

 

Bạn hỏi tôi, thơ là gì và tôi làm thơ như thế nào?

Tôi làm thơ như tôi đi. Tôi đi chập chững rồi đi lang bang rồi đi hùng hục rồi đi như chạy, thật ít khi thong dong thư thả. Mà đời sống đổi thay thăng trầm quá thể, nên tôi không quên những khi chân cùm không đi đứng, lại những khi chân vắt lên cổ lao tới như điên như cuồng. Thơ tôi như những bước đi bước chạy của chính đôi chân mình, âm thanh và nhịp điệu của chính cuộc đời tôi, thế hệ tôi, kinh qua lịch sử tổ quốc và nhân dân mình. Những bước lang thang gập ghềnh trên khắp quê hương đói khổ chiến tranh hay hòa bình vẫn oằn mình ly tan khốn khó đến độ bất công phi thường…

Tôi làm thơ như tôi thở. Tôi nghe hơi thở của tồn sinh. Tôi thở là tôi chưa chết. Hơi thở tôi là tình yêu, là khát vọng chân thật, thiết tha, ngây thơ, rồ dại. Phần nhiều là thở dài như những câu thơ lê thê dằng dặc. Có khi nghẹn thành thắc thỏm một hai lời hụt hơi ngắc ngứ thảm thiết. Nhưng tôi

biết là hơi thở tôi, là tôi đang thở hơi thở của mình. Ước chi hơi thở tôi là gió bay đi trong đất trời tìm những hơi thở ai khác cũng cô đơn thật thà như tôi. Phải chăng trong hơi thở mình ta chứng nghiệm tự do và ý nghĩa huyền nhiệm của thượng đế? Mà có thượng đế không, có cái gọi là tự do không? Tôi tin ở huyền nhiệm của ngay hơi thở này là sự sống nhỏ nhặt âm thầm của một tôi…

Tôi làm thơ như tôi tuyệt vọng. Tan vỡ và chết chóc luôn luôn ám ảnh tôi. Hạnh phúc lẫn yêu thương như sao thưa xa vọng bên kia trời sương giá. Tôi nức nở trên những câu thơ của mình, và như để tự bảo vệ chở che mình, dấu kín những xúc cảm yếu mềm, tôi ưa cách điệu khô khan, lởm chởm, thuần phác và có khi dung tục. Những cuộc đời trên quê hương tôi vất vả thương tâm, cái sống cái ăn tầm thường đầy đọa biết bao tâm tình thơ mộng vô danh, và tôi khát vọng nhân văn trên bờ vực của hư không, tôi cất tiếng người kêu gào nghẹn uất dưới ánh gươm dọa dẫm bạo ác của gian giảo và hủy diệt. Tôi tuyệt vọng vì tôi quá yêu. Trong tình yêu người ta luôn ngỡ ngàng nghi vấn về thượng đế toàn năng và công chính, về từ bi bác ái, vì người sao quá ác với người, dân tôi sao quá ác với dân tôi…

Tôi không đặt nặng giá trị của các hình thức; chủ thuyết chỉ là các tên gọi. Giá trị nghệ thuật không phải ở hình thức hay tên gọi của chúng. Không có hình thức vĩnh cửu, luôn luôn có những hình thức mới và những hình thức cũ gặp lại. Hình thức này có giá trị vì nội dung nó chuyên chở và cả hai nhập làm một thành tác phẩm. Xét cho cùng, hình thức thi ca cũng không nên được / bị hiểu đơn giản và máy móc như là các thể thơ. Hiểu như thế chỉ là những ám ảnh hời hợt có phần dễ dãi.

Nhưng tôi thích tìm hiểu và khao khát mới lạ. Tôi làm nhiều thể thơ khác nhau. Có khi tôi chủ đích thí nghiệm một dạng thức câu dòng hay nhịp điệu mới bắt gặp. Và tôi nghiệm được điều này: hình thức tự thân nó thể hiện một cách tương thích với các con chữ nung nấu bằng cảm xúc sáng tạo đã chín nẫu. Một nội dung như thế thể hiện bằng một hình thức như thế và trở thành một chất thơ, một tác phẩm,

 

và nó có là một bài thơ hay hay không thì còn tuỳ nhiều ý nghĩa khác nữa. Riêng tôi thấy Sách Chữ phải là hợp thể tứ tuyệt, Thảng Thốt Đêm phải là tự do, Không Chừng phải là lục bát, Chúng Ta Chưa Bao Giờ Vơi Bất Mãn phải là bậc thang, Ga Đời phải là cổ phong, Ở Một Thành Phố Đường Sông phải là tân hình thức,vv… ( Những bài này đều đã đăng báo hoặc đi trong các tác phẩm đã xuất bản.) Tôi cảm thấy thỏa mãn với hình thức của chúng. Cũng có khi bài thơ tự chọn lấy hình thức thích hợp nhất của nó trong vô thức của tôi.Vậy là đủ. Chắc điều này cũng là bình thường với nhiều người khác.

Một là người ta chuộng thời thượng một cách mù quáng, mà như vậy thì chả hơn gì các cô gái a dua theo mốt quần áo, tóc tai. Ngược lại là những người sợ mới lạ; chuyện này thì phức tạp, có phần dính dáng đến chính trị, không thì chỉ thuần là bản tính ưa đố kỵ của truyền thống (xấu) của dân Việt Nam ta. Tôi chẳng thuộc phe nào, tự thân tôi hằng làm thơ như cứu rỗi và tồn tại trong khát khao cái đẹp vĩnh cửu. Thơ là máu tôi mượn đầu ngón tay nhỏ ra những con chữ, chẳng chấp nê một hình thức nhất định nào và lại càng sợ những hình thức áp đặt hay quy định của kẻ khác.

Tôi cho rằng chủ trương thơ Tân Hình Thức của nhóm Khế Iêm và Tạp Chí Thơ là một cố gắng làm mới cho thi ca Việt đương đại. Tất cả những cách tân có ý thức và với lòng lương thiện đều đáng tôn trọng. Bản thân những cây bút sáng tạo đều làm mới mỗi ngày, có lẽ chỉ ngọai trừ những quan chức văn hóa văn nghệ hoặc bất cứ ai tự cho mình cái độc quyền này mà thôi. Làm mới được không và tới đâu, thời gian và công chúng văn học sẽ trả lời. Có cái mới chưa chứng tỏ được là hay, nhưng một dấn thân như thế đã có ý nghĩa, đặc biệt trong thực tế cùn mòn, chia rẽ, bế tắc đến độ mịt mù điên đảo như lúc này…

Riêng tôi có một ý nhỏ: Hình thức và nội dung là một, vì vậy tân hình thức cũng phải song hành với tân nội dung. Bình mới rượu cũng mới. Tôi đã làm một số bài thơ Tân Hình Thức trên quan điểm này như một đóng góp thầm lặng. Tôi không cho rằng thơ Tân Hình Thức vận dụng ngôn ngữ thông tục thì đề tài cũng phải thông tục; cho rằng nếu có thì cũng không phải là tất cả. Thể thơ không phải chỉ là những quy tắc tu từ và nhịp điệu, khổ vần. Thể là nhằm chuyên chở một thần hồn, nếu thiếu thần hồn thì vạn hữu xưa nay đâu cần xuất hiện và tồn tại? Cái thần hồn thi ca của người Việt ta là gì, thế nào, ở đâu …? Khả năng có hạn không cho phép tôi phát triển thêm từ những câu hỏI ray rứt này. Tôi xin chờ đợi. Và tôi cũng chờ đợi cả những đổi mới nào gây được tiếng vang khác nữa, trong và ngoài nước.

Đôi điều tự viết về mình không hẳn là việc đáng làm, chẳng qua cũng như những lời tâm sự nhờ gió gửi đi bốn phương. Rồi gió bay về vô định tan biến với hư không. Tất cả là ở tác phẩm mà thôi. Thơ với tôi là hơi thở là máu của mình. Nếu thơ chính là tiếng nói thì thơ là tiếng nói của cô đơn và của nhân văn, bạn ạ. 

Một bài thơ chẳng nhất thiết phải có ý nghĩa.

Nó chỉ là.

(Nghệ Thuật Thi Ca, A. MacLeish)

 

A poem should not mean

But be.

(Ars Poetica, Archibald MacLeish)

Và Emily Dickinson:

Nếu tôi đọc một quyển sách và nó khiến cả mình mẩy tôi lạnh toát đến nỗi không ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ. Nếu tôi cảm thấy y như là đỉnh sọ tôi bay mất, tôi biết đó là thơ. Đây là những cách duy nhất tôi biết. Liệu có cách nào khác nữa?

      If I read a book and it makes my whole body so cold that            no fire can ever warm me, I know it is poetry. If I feel physically as if the top of my head were taken off, I know it is poetry. These are the only ways I know it. Is there any other way? (Emily Dickinson)

 1/6/04

Nguyễn Phan Thịnh
Số lần đọc: 2880
Ngày đăng: 31.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh - Nguyễn thụy Kha
Ngày xuân thanh bình đọc Lương Châu Từ của Vương Hàn - Trương Thái Du
“Hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh! - Lý Đợi
Giải thưởng văn nghệ: Những điều muốn nói - H.G.S
Quanh chuyện của “Cánh đồng bất tận”: Đừng ép tác phẩm văn học phải nói tốt cho địa phương mình! - Trần Tú
Nhà văn "không sống được"! - Lam Điền
Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ : thầy Nguyễn Ngọc Bạch - Nguyễn Quang Sáng
“Gạ” mua giải nhì thơ với giá 15 triệu đồng? - Diễm Huyền
Các cây bút trẻ và cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội - Phạm Hương Giang
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ” - Vũ Ngọc Tiến