1- Ngày còn nhỏ ở quê tôi, bà ngoại tôi chỉ thích ăn cơm nồi đất, cá mẻ kho, uống nước chè xanh trong niêu. Tôi thường bị mắng vì vô ý làm bể nồi. Nồi đất nấu cơm đang nóng để trên đất ướt, nồi nứt cái tách và bể làm đôi, bà tôi dùng những mảnh bể để kho cá. Sự tích con Thạch Sùng tôi cũng thường nghe bà ngoại tôi kể từ nhỏ. Chuyện rằng: Có người tên Thạch Sùng khi giàu lên đập phá hết vật dụng thuở hàn vi và đến khi thi đấu của cải với nhà giàu khác vì không có cái mẻ kho nên thua hết tài sản và chết vì tiếc của, biến thành con Thạch sùng (dân miền Nam gọi là con thằn lằn) suốt ngày tặc lưỡi vì nuối tiếc. Bà cũng thường hát ru tôi câu ca dao : “ Giàu như Thạch sùng còn thiếu mẻ kho. Huống chi em bậu so đo chuyện đời” Chuyện “ cái mẻ kho” là chuyện của ngay xưa, chứ bây giờ chẳng còn ai dùng mẻ kho nữa. Nhưng cũng may là món mắm kho quẹt vẫn còn. Bây giơ, nghề làm nồi đất sống được là nhờ nhà giàu. Phong trào cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ, mắm quẹt... nở rộ trong các nhà hàng, nên làng nghề này làm không đủ cung cấp cho Biên Hoà, Sài Gòn. Xóm Lò nồi nằm ngay trong lòng thành phố Biên Hoà có lịch sử hàng trăm năm nay. Theo bà Năm Thừa thì từ đời ông nội của bà nghề này đã rất hưng thịnh. Hồi ấy, mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền cập bến sông Đồng Nai để chở nồi đi cung cấp cho cả miền Nam.
Đất sét khu vực Bửu Long là loại đất đặc biệt, những cái nồi được nặn từ đất này ra, sau khi nung lên đỏ tươi, trông rất bắt mắt. Ngày xưa đất tha hồ lấy, bây giờ phải mua vì các khu vực có đất sét đều nằm trong khu quy hoạch. Những mảnh đất có chủ quyền tư nhân được đào lên bán với giá một trăm năm mươi ngàn một khối. Bình quân cứ bốn khối đất cho ra một ngàn sản phẩm, bán được khoảng ba triệu, trừ tiền đất, tiền công, tiền chất đốt, chủ lò còn lời được một triệu. Xóm lò nồi ngày nay còn được hai lò với gần mười lao động . Làm ngày nắng, ăn ngày mưa, nên dù sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường, cuộc sống của họ cũng chỉ ở mức trung bình. Ông Trần Văn Tám em ruột của bà Năm Thừa là một người đàn ông duy nhất ở xóm kiên định theo nghề. Lò của ông cho ra khoảng ba chục loại sản phẩm khác nhau, loại nào cũng được thị trường ưa chuộng. Vào giai đoạn những năm tám mươi xóm này tan tác, sản phẩm làm ra không ai mua. Thợ nồi chạy khắp nơi, tìm nghề khác mưu sinh, chị em ông vẫn cặm cụi làm nồi. Hàng làm ra ông đèo trên xe đạp đi rao bán cùng các làng quê ngõ hẽm. May mà hương vị cơm nấu từ nồi đất bao giờ cũng ngon hơn, miếng cơm cháy vàng ươm từ nồi đất vẫn còn hấp dẫn, nên nhiều người dân quê vẫn mua sản phẩm của ông. Nồi đất Bửu Long còn có loại hoa mè mà nơi khác ít có. Kỹ thuật nung nồi hoa mè, hiện nay còn có vài người làm được, loại này rất được khách nước ngoài ưa chuộng.Mùa khô năm hai ngàn xóm Lò Nồi sống lại không khí sôi nổi của một thế kỷ trước, người xe nườm nượp. Đó là khi mà một số doanh nhân người Hàn Quốc đến đặt hàng vạn món hàng bằng đất nung. Những mẫu mã mà họ đưa ra chưa hề có ở Việt Nam, nhiều mặt hàng khá cầu kỳ như bình rượu cổ, ly cổ của người Hàn. Xóm Lò nồi họp lại và giao cho bà Năm Thừa làm thử. Bà già gần bảy mươi tuổi mà bàn tay khá điệu nghệ, cục đất vào tay bà sau vài phút là thành nồi, thành chảo, thành khuôn bánh...Sau mẻ đầu tiên ra đời, khách hàng cực kỳ hài lòng và họ đặt số lượng lớn, tất nhiên ngoài sản phẩm theo ý họ, họ còn mua nồi đất hoa mè của xóm. Lần đầu tiên xóm Lò Nồi mướn người ngoài vào làm phụ. Trước lúc giải nghệ bà Năm Thừa có thể tự hào rằng sản phẩm của xóm Lò Nồi lần đầu được xuất ngoại. Nhưng rồi sau đó vì thua lổ họ đã không quay trở lại xứ này. Tuy nhiên theo ông Tám thì hơn trăm năm trước các "chú khách" đã mua nồi đất ở đây chở về bán tại quê hương của họ bên Tàu.
Bây giờ làng nồi đất xơ xác lắm, nói làng theo thói quen vậy thôi chứ nó chỉ còn lèo tèo vài ba nhà trong xóm nhỏ, mà chủ lực là ba chị em bà Năm Thừa, ông Tám, bà Chín. Bà Chín buồn rầu nói: “ Chị Năm dạy nghề cho tôi từ năm lớn tám tới giờ, cuộc đời của tôi không may mắn như người ta, chồng chết sớm nhờ mấy cục đất sét này mà nuôi cả bầy con, bây giờ trưởng thành hết rồi. Chỉ có mỗi đứa con gái theo nghề này” Cô con gái Lê Thị Tỉnh con gái bà Chín, là thợ làm nồi trẻ nhất vùng này tuổi cũng đã ngoài bốn mươi, cũng nhọc nhằn như mẹ mình. Cô tâm sự: “ Em thiếu nợ ngân hàng mấy triệu bạc mà chưa trả nổi, em ước gì mình được tham gia chương trình “vượt lên chính mình” của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh một lần, không phải em ham tiền thưởng mà em muốn được đưa nghề truyền thống lên truyền hình cho bà con mình biết với. Chứ vài năm nữa Biên Hoà phát triển khu này giải toả thì làng nồi đất cũng chẳng còn.”
Bà Chín phụ hoạ lời con gái: “ Mà giả như chẳng giải toả thì vài năm nữa khi chị em tôi theo ông bà thì chẳng ai theo cái nghề lấm láp này nữa chú ơi”.
Nắng quái xiên xiên, bỏng rát trên dãy nồi đất nung đỏ rực bên đường, tạo nên bức trên buồn bả lạc lỏng giữa phố thị ồn ào, cuối con đường làng, dòng sông Đồng Nai trầm mặc chảy, bình thản trước biến động của cuộc đời. Cô Lê thị Tỉnh ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt buồn quá!
2 - Rời làng nồi đất, tôi lang thang khu vực Bửu Long để tìm đến với những người thợ cặm cụi để gìn giữ nghề truyền thống đã tồn tại ba trăm năm nay. Đến cơ sở Tân Vĩnh Quang, gặp Ông Chung Văn Thọ người thợ đá tài hoa của làng đá Bửu Long, gần ba mươi năm trong nghề, từ đôi bàn tay chai sần, nức nẻ ông đã tạo ra hàng ngàn tác phẩm, nhiều sản phẩm của ông chu du tận châu Âu. Ba mươi cầm búa đến nay đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh” ông vẫn vác đồ nghề đi làm thuê cho người khác. Ông bảo cái nghề “bạt đá phá rừng” này không ai giàu đâu anh ơi! Anh Huỳnh Văn Lương chủ cơ sở Tân Vĩnh Hưng cười, phụ hoạ với anh Thọ: “Dòng họ tôi bốn năm đời theo nghề đá, đến thời tôi nhờ trúng số mới xây được nhà đó anh ạ!” Từ năm lên mười, ông Thọ đã theo thầy Xắc Phạ học nghề đá, đến năm hai mươi tuổi ông mới có thể cầm búa đục tạo ra sản phẩm đầu tiên. Khi chúng tôi đến thăm, ông đang đục tượng phật Di Lặc bằng đá xanh. Dù chưa hoàn thành nhưng nụ cười của “ người cai quản niết bàn” đã toát lên vẻ phúc hậu thánh thiện lạ lùng. Có lẽ không có nghề nào phải mất thời gian học việc lâu như nghề làm đá mỹ nghệ. Cho đến nay nghề này vẫn dạy theo phương pháp bí truyền, mỗi người thầy chỉ truyền lại cho một vài học trò sau khi đã thử lòng kiên nhẫn của họ. Anh Hưng cho biết: “ Ngày xưa lúc mới vào học nghề của thầy La Khiêm, suốt cả tháng ông bắt tôi ngồi chẻ đũa cho thật thẳng, khi đã thành thục ông đưa cho tôi tảng đá gồ ghề bảo phải cắt đục cho thật vuông vức sắc cạnh, sau đó ông mới chính thức nhận tôi vào học việc.
Tại làng đá có một người thợ đá khá nổi tiếng là hội viên chi hội điêu khắc, Hội Mỹ thuật thành phố HCM đó là anh Nguyễn Thanh Tiên. Là người Việt sinh ra ở làng đá, ngay từ nhỏ Nguyễn Thanh Tiên đã say mê với những tác phẩm mà cha ông tạo ra từ tảng đá vô tri, Năm 13 tuổi, Tiên xin theo thầy Năm Lện để học nghề. Năm 1982 Hội Mỹ Thuật thành phố về tuyển thợ khắc đá để cùng các nghệ sĩ điêu khắc làm tượng đá, nhờ khéo tay Tiên được chấp thuận. Năm 1982 anh cùng nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện pho tượng đá Thủ Khoa Huân cao bảy mét đặt tại thành phố Mỹ Tho. Nguyễn Thanh Tiên tâm sự : “Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm đá của anh là được cùng nhà điêu khắc nổi tiếng Diệp Minh Châu chạm khắc tượng đá Bác Hồ đặt tại Bộ Tư lệnh TP HCM.” Ông Chung Văn Thọ cho biết “Làng đá tồn tại không chỉ nhờ vào các sản phẩm mỹ nghệ, trước đây cả làng hơn một trăm hộ sống được chủ yếu là nhờ các sản phẩm phục vụ cho đời sống con người như cối xay bột, côi giã gạo, côi giả tiêu, cột đình chùa và những sản phẩm phục vụ cho con người khi không còn sống như bia mộ, trụ đá hoa sen...Bây giờ chỉ có làm đá mỹ nghệ bán cho người trong và ngoài nước cùng với đình chùa mới sống được, các vật dụng khác đã bị các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại đánh bạt nên làng đá tan rã dần. Thời trước làng đá Bửu Long cực kỳ phồn thịnh nhưng đến nay cái nghề nặng nhọc và công phu này chỉ còn khoảng hơn chục gia đình với vài chục thợ đá.
3 Làng nồi đất và làng đá Bửu Long như vệt nắng nhỏ nhoi còn sót lại cuối ngày sót lại bên sông Đồng Nai và nó đang dần thu hẹp lại bởi chiếc bóng khổng lồ của nèn công nghiệp, âu đó cũng là quy luật phát triển của xã hội, biết làm sao được. Sau khi viết xong đoạn ghi chép này tôi đưa cho một người bạn xem, anh bảo : “ Nếu cậu viết về làng nghề ở xung quanh Thành phố Biên Hoà thì nên viết thêm về làng Nai ở ngã ba Trị An vì nó cũng sắp biến mất khi KCN Trảng Bom đưa vào hoạt động. Làng này mới hình thành nhưng nó rất độc đáo, bởi nó gắn liền với địa danh Đồng Nai” Nghe anh nói tôi lên đường tìm đến Ngã ba Trị An và ở đó tôi đã gặp một con người kỳ lạ
4 -“ Ngày xưa nơi này nai nhiều vô kể nên được gọi là Đồng Nai. Sau hơn ba trăm năm vùng đất bao dung đón nhận hàng triệu cư dân về sinh sống, cùng với sự phát triển của con người, những con vật hiền lành ngơ ngác của núi rừng dần dần biến mất...” - Sau khi mời tôi ly rượu ngâm nhung nai, ông già chậm rãi tâm sự như vậy
Ông tên là Nghiêm Xuân Tý, người được bà con coi là ông tổ của làng nghề non trẻ nhưng duy nhất mang tên của xứ sở này: Làng Nai. Sinh ra làng Sơn Phố, Hương Sơn- Hà Tỉnh quê ngoại của ông tổ thuốc Nam - Hải Thượng Lãn Ông. Quê hương ông có truyền thống sử dụng thuốc Nam, nhiều thầy thuốc ở miền núi này cắp tráp đi chữa bệnh khắp nơi. Đã hơn năm trăm năm trước, các cụ lang đã biết được tác dụng đại bổ của cặp nhung hươu và sớm ý thức được sự tuyệt diệt của loài thú không có vũ khí tự vệ này nên đã đưa những chú hươu sao về nhà nuôi để lấy nhung, chữa bệnh cho nhân dân. Trải qua bao đời, nhung hươu Hương Sơn chu du khắp trong và ngoài nước, ba làng Sơn Giang, Sơn Phố, Sơn Trung là nơi có số lượng đàn hươu lớn nhất nước. Từ nhỏ ông Tý đã quen thuộc với những vật “...ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” này, ông dành cho chúng tình cảm đặt biệt không chỉ vì giá trị kinh tế trên cái đầu xinh xắn ấy. Ở làng quê Sơn Phố, ông nổi tiếng là người có nhiều kinh nghiệm nuôi hươu dù tuổi của ông lúc ấy mới ngoài bốn mươi, bởi ông luôn tìm tòi học hỏi các bậc trưởng lão.Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã chú ý đến địa danh Đồng Nai, một vùng đất trù phú ở miền Đông Nam bộ. Sau khi đất nước thống nhất ông có ý định đưa con hươu vào đất Đồng Nai, nhưng thời kỳ ấy còn “ngăn sông cấm chợ” ông âm thầm học hỏi, làm một luận chứng kinh tế có tên gọi: “Phát triển nghề nuôi hươu và thuần hoá con nai vàng Nam bộ”. Đất nước mở cửa, ông gởi ngay luận chứng này cho UBND Tỉnh Đồng Nai. Chưa đầy một tháng sau, ông đã nhận được hồi âm của các vị lãnh đạo, ông không ngờ cái luận chứng của người nông dân xa xôi như ông lại được chấp thuận nhanh chóng như vậy. UBND tỉnh Đồng Nai đã cho xe về tận quê hương Hà Tỉnh để đón đàn hươu cùng gia đình của ông về vùng đất mới. Tỉnh cho phép ông chọn bất kỳ nơi nào để nuôi hươu, ông đã chọn vùng đất phù sa ở thượng nguồn sông Đồng Nai, nơi có hồ thuỷ điện Trị An mênh mông nước, mênh mông cỏ, mênh mông rừng... Tại đây ông đã cứu sống nhiều chú nai ở vùng “Mã Đà Sơn cước” đang bị dân nhậu chuẩn bị đưa lên bàn mổ...
Vài năm sau đàn hươu và nai vàng Nam bộ của ông lên đến hàng trăm con...Thấy sinh sống được nhiều đồng hương của ông lần lượt về vùng đất mới, và tại đây họ đã tạo dựng nên một ngôi làng mới đặc thù Đồng Nai và bây giờ tên tuổi của nó lan rộng cả nước – Làng Nai Trị An.
Nai- hươu mỗi năm cho nhung một lần. Vào mùa xuân khi những con nai và con hươu cho lộc thì cũng là lúc chúng chịu cuộc hành quyết đầy đau đớn. Những thanh niên khoẻ mạnh sẽ trói gô chúng lại và cắt cặp nhung trong tiếng kêu la vang động núi rừng. Những cặp nhung phải lập tức đựơc tiêu thụ ngay sau đó, nếu để vài ngày sẽ bị nhiễm khuẩn và hư, lúc ấy nhung trở nên cực độc. Cặp nhung hươu nặng khoảng bốn đến tám trăm gam, giá hiện nay mỗi lạng khoảng sáu trăm ngàn. Cặp nhung nai nặng từ một ký hai đến hai ký hai, giá mỗi ký nhung nai gía ba triệu rưỡi. Đó là mức lợi nhuận khá cao.
Đất Đồng Nai có khí hậu và nguồn lương thực dồi dào hợp với các loài động vật hoang dã, đúng như tên gọi của nó nên từ bảy con hươu ban đầu của ông Nghiêm Xuân Ty, đến nay có gần một trăm hộ nuôi hươu, nai với số lượng ước tính lên đến gần một ngàn con và số lượng nai chiếm khoảng hai phần ba. Một thời gian dài, nhung bán đắt nên nhiều nhà giàu lên trông thấy. Thời điểm từ năm 1990 đến năm 1995 giá nai, hươu tăng vùn vụt đến chóng mặt, thời điểm cao nhất một con nai cái có giá khoảng hai mươi lăm triệu đồng, người ta đổ xô đi mua nai để nuôi. Nhưng chỉ một năm sau, cơn sốt hạ xuống, mỗi con nai chỉ còn khoảng vài triệu, nhiều gia đình phá sản, làng Nai tan tác. Nhưng may mắn, hươu, nai vốn dễ nuôi, hầu như không bệnh tật nên người nông dân vẫn vớt vát được cặp nhung của nó cho hàng năm. Đến nay giá cặp hươu, nai con khoảng năm triệu, làng Nai đang dần dần đi vào ổn định, thì được tin làng nằm trong quy hoạch khu công nghiệp hai trăm sáu mươi hai héc ta! Nhưng chẳng nên bàn chuyện ấy làm gì. Ông Tý cũng chỉ nhắc qua rồi say sưa kể chuyện hươu nai.
Ông Nghiêm Xuân Tý năm nay đã thất thập, ông được coi là ông tổ của làng Nai Trị An. Trong thời điểm khủng hoảng nhất của làng Nai, ông đã bình tĩnh cho di dời đàn hươu, nai ra gần khu vực thị trấn, lập trại ngay trên 2 ha đất mà UBND tỉnh đã cấp cho ông. Tại đây ông dành nhiều thời gian tiếp cận thị trường để giúp bà con trong Trị An tiêu thụ những sản phẩm mà họ thu họach hàng năm. Bên cạnh việc nuôi hươu, nai kiếm sống ông còn là người đam mê duy trì những giống hươu, nai quí hiếm. Hàng chục năm qua ông đăm đắm việc đi tìm con hươu xạ mà nhiều người khẳng định loài hươu này đã từng có trên đất Việt. Đây là loài hươu nhỏ cao khoảng năm chục xen ti mét nặng từ bảy đến mười lăm ký , hươu xạ không có sừng, nhưng hươu xạ cái có túi da dưới bụng toát mùi hương rất mạnh. Khi trang trại ổn định, ông rong ruổi hàng tháng trời trên chiếc xe máy đi suốt chiều dài đất nước để tìm con hươu xạ. Nhưng cho đến nay “con vật nhỏ nhắn, mỗi bước đi để lại muì hương thơm ngát núi rừng” vẫn không hề xuất hiện ở đâu cả! Bù lại, một trong những chuyến rong ruổi ông cứu được một loài Hươu đã được thế giới đưa vào sách đỏ. Một lần về Phú Yên tình cờ vào trong một quán phở, chủ quán mời ông xơi thử phở hươu, ông giật mình nhận ra miếng thịt trên bán phở thơm nức và đậm hơn thịt những hươu mà ông nuôi ở nhà. Ra sau nhà ông phát hiện ra bộ lông vàng óng của con thú vừa bị giết thịt, trong chuồng còn con thú khác đàng nằm chờ lên thớt. Với con mắt nhà nghề ông nhanh chóng nhận ra đây là con hươu vàng, một giống hươu quí hiếm đang trên đà diệt chủng mà vườn bách thú Hà Nội đã từng mua ở nước ngoài chuyển về bằng chuyên cơ. Ông bỏ ra hàng tháng lùng sục các thợ săn trong vùng và đặt giá gấp ba lần để mua giống hươu vàng. Từ vài con mua được ông đã nhân lên đàn hươu vàng được tám con, vừa qua Sở VHTT Gia Lai đã mua lại đàn hươu này, ông chỉ giữ một cặp làm giống. Đưa chúng tôi xem hai cặp sừng lạ, ông Tý cho biết: “Trong một thế kỷ qua, cả thế giới chỉ phát hiện mười con thú chưa có tên, trong đó có hai con ở Hà Tỉnh – Việt Nam, chính là hai con vật này đây. Các nhà khoa học đặt tên chúng là:Sao la và Mang lớn, hai cặp sừng này tôi mua lại của một nhóm thợ săn trước khi nó được đặt tên. Dù bây giờ chúng được baỏ vệ bằng dự án bảo tồn động vật quí hiếm, nhưng tôi rất lo lắng, bởi quê tôi là nơi mà thợ săn trộm hoạt động rất táo tợn. Vì vậy tôi chỉ mơ ước làm sao tôi được chính quyền cho phép tôi tìm mua và nuôi hai con thú này. Loaị này không sinh lợi gì cả, nuôi nó chỉ để bảo tồn mà tôi. Tôi tin rằng với kinh nghiệm cả đời nuôi nai, hươu tôi sẽ có thể baỏ vệ và duy trì được nó...Tôi chiụ ơn nuí rừng tôi muốn có một chút đóng góp trong những ngày xế bóng!”
5 - Tôi đã đi và tôi đã viết một cách thật hồn nhiên, sau khi đọc lại tôi nhận ra đây là một văn bản khá buồn cười, bởi nó chẳng theo quy luật của bút ký mà tôi thường hay viết, hoặc ít ra thì cũng như bài tập làm văn đã học hồi còn nhỏ là phải có mở đầu, thân bài, kết luận! Quá nhiều con người, quá nhiều chuyện lặt vặt trong mấy trang giấy, nên nó thô tháp, vụng về. Tôi ngồi vào máy tính sửa chữa lại, nhưng càng sửa nó lại càng kém, nên đành để nguyên vậy và nghĩ : “ Nếu không được làm cái nồi đất thì đành làm cái mẻ kho”. Và không hiểu sao tôi lại thấy những làng nghề trên đường sắp biến mất, cũng lạc lỏng tội nghiệp như cái mẻ kho trong câu ca dao của bà ngoại tôi hay hát.“ Ầu ơ, chứ giàu như thạch sùng xưa còn thiếu mẻ kho...”
Tặc tặc, con Thạch Sùng tắc lưỡi trên vách tường nhà bê tông, đồng hồ chỉ một giờ sáng! Đêm chuyển mùa.