Nắng như đổ lửa. Tôi cùng các kỹ sư (KS) Cty B.O.T cầu Rạch Miễu kết thúc chuyến thăm công trường vào lúc 12h00. Bụng đói, mắt hoa, chân bước rã rời mang theo hình ảnh cây cầu dây văng đầu tiên do VN đầu tư, thiết kế, thi công có "chiều dài vượt xa và khẩu độ nhịp chính tương đương cầu Mỹ Thuận" nhìn từ độ cao của trụ tháp chữ A, thấm thía thế nào là "công nhân (CN) công nghiệp nặng"...
Đi tìm "phong cách Việt"
Sẽ có 1 năm "hậu" WTO trên khoảng vượt thời gian để thợ cầu VN chứng minh bản lĩnh chinh phục sông Tiền, trước khi đội hình quốc tế do Nhật Bản đảm trách đưa cầu Cần Thơ băng qua sông Hậu.
Trong hơn 600 KS, CN tham gia thi công cầu Rạch Miễu, không ít người từng sát cánh với chuyên gia Australia trên công trường cầu Mỹ Thuận vào những năm 1997-2000 nên "phong cách Úc" được mang ra so sánh với "phong cách Nhật" và "phong cách Việt".
Động tác mang ủng và đội mũ bảo hiểm bắt buộc cũng khiến tôi nhớ lại các chuyến thăm Liên danh Baulderstone Honirbrook Engineering (BHE) - Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) với những thời khắc không thể nào quên:
Ngày 26.6.1998, bỏ qua mọi quy định, chuyên gia BHE khui sâmbanh ngay tại hiện trường cùng KS, CN Cienco6 uống mừng Cty bêtông 620 đúc thành công cây dầm super T đầu tiên "có chất lượng không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới", chấm dứt kế hoạch vận chuyển đầy tốn kém từ Thái Lan. 0h00 ngày 17.12.1999, mẻ bêtông cuối cùng đổ xuống mặt cầu, hoàn tất kỷ lục cầu dây văng 1.535,2m - dài nhất VN trong thế kỷ XX. Và ngày 21.5.2000, "con rồng thép" Mỹ Thuận chính thức "hợp long" cùng với đất "chín rồng", rút ngắn tiến độ tới 7 tháng so với điều công bố tại lễ khởi công trên bờ bắc sông Tiền. Đó là "phong cách Úc"!
Còn "phong cách Nhật"? Dưới chân trụ tháp chữ A trên bờ bắc sông Hậu, ông Jin Watanabe - Phó Giám đốc Liên danh Taisei - Kajima - Nippon Steel (TKN), đơn vị đảm nhiệm gói thầu chính gồm cầu dây văng có "khẩu độ nhịp chính dài nhất Đông Nam Á" và 2 cầu dẫn đạt tổng chiều dài 2.750m, vượt hơn cầu Mỹ Thuận 1.214,8m - nói thật nhẹ nhàng: "Thời gian thi công của TKN chỉ gói gọn từ ngày 18.10.2004 đến hết ngày 14.12.2008".
Sự chính xác đến mức tỉ mỉ của vị chuyên gia đến từ đất nước mặt trời mọc khiến tôi sực nhớ Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận từng khẳng định với lãnh đạo TP.Cần Thơ: "Kế hoạch thông xe ngày 30.12.2008 không có gì thay đổi. Theo hợp đồng đã ký, đơn vị thi công chậm sẽ chịu phạt mỗi ngày từ 3-4 tỉ đồng". Hoá ra, "phong cách Úc" hay "phong cách Nhật" đều có chung ưu điểm: Tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm của đơn vị đạt đẳng cấp quốc tế.
"WTO ư, nhà báo phải hỏi lãnh đạo PMU cơ!" - không hiểu sao tất cả các KS, CN mà tôi tiếp xúc trên công trường cầu Rạch Miểu đều trả lời giống y như vậy. Đúng rồi, đây là... "phong cách Việt"!
Phải thay đổi "chiến thuật", bỏ qua mọi khó khăn, ách tắc về kinh phí, về cơ chế quản lý vốn không thuộc trách nhiệm người thợ, tôi mới ghi được vào sổ tay đôi điều về đội ngũ "CN công nghiệp nặng" vừa góp phần làm nên kỷ lục "cầu dây văng một mặt phẳng dây lớn nhất thế giới" (Bãi Cháy - Quảng Ninh) và "cầu vượt biển dài nhất VN" (Thị Nại - Bình Định).
Những gương mặt
42 tuổi, quê gốc Nam Định, 1 vợ 2 con, 22 năm quen đời "phiêu bạt" - Lê Thanh Liêm được XN 2, Cty CP bêtông 620, Cienco6 điều về làm Đội trưởng đội xây lắp trên công trường nối đôi bờ Tiền Giang - Bến Tre ngay từ những ngày đầu. Từng có mặt ở cầu Mỹ Thuận, chứng kiến sự kiện "khui sâmbanh", không riêng gì anh mà toàn thể đội viên đều hãnh diện khi nghe nhắc thương hiệu "620": "Sau khi tiếp thu công nghệ đúc dầm super T, chúng tôi không ngừng cải tiến nó để hôm nay cung cấp sản phẩm "made in VN" cho toàn bộ công trình. Như đầu dầm mình tăng thép gia cường chống nứt hay quai cẩu đổi từ 2 ti thành 1 cáp, tận dụng cáp ngay trong thân dầm giúp hạ giá thành. Còn ván khuôn thân trụ trước phải nhập ngoại tốn mấy chục ngàn đô, giờ tự làm chỉ 2-3 trăm triệu đồng/cái mà thân trụ đúc ra rất đẹp, tháo khuôn là để luôn, khỏi trám trét gì hết. Làm ván khuôn xà mũ trụ khó hơn do ở trên độ cao, nhưng mình vẫn... ngon lành, trước mất cả tuần, giờ chỉ cần 1 ngày".
Rồi "thợ cả" khoát tay: "Mời nhà báo cứ việc tận mắt! Cầu Mỹ Thuận sai số quá 5 ly, giám sát nước ngoài bắt làm lại. Cầu Rạch Miễu khác rồi, bởi kết quả cải tiến được phổ biến đến tất cả đơn vị".
Chỉ mươi phút sau, điều Liêm nói được Chỉ huy trưởng công trường Cty cầu 12, Cienco1 là KS Phạm Văn Hùng xác nhận, khi điều khiển thang máy đưa tôi lên trụ tháp chữ A. Từ đốt thứ 17 trong tổng số 26 đốt, toàn cảnh công trường bề thế hiện ra dưới nắng trưa, gây cảm giác choáng ngợp. Tôi bấm máy lia lịa, với ý nghĩ đang đứng trên đỉnh cao kỹ thuật của ngành cầu vào thời điểm Quốc hội VN thông qua Nghị định thư gia nhập WTO. "Có phải thi công trụ tháp là thách thức kỹ thuật lớn nhất?". Thật ngạc nhiên, trả lời tôi là một cái... lắc đầu: "Với 26 năm làm việc trong ngành cầu, tôi xin nói thiệt, không có thách thức nào hết! Công nghệ đúc hẫng mình đã nắm vững từ năm 1995 khi xây cầu Phú Lương - Hải Dương. Từ chỗ phải mua xe đúc của nước ngoài, mình tiến tới tự chế, tự cải tiến sao cho hợp lý nhất trong điều kiện cụ thể VN. Riêng Cty cầu 12, đến giờ phút này, đã tự chế 16 xe đúc".
Vâng, chỉ còn công đoạn căng cáp là phải thuê nước ngoài (giống như cầu Bãi Cháy). Ngay Liên danh TKN cũng đã có quyết định tương tự đối với cầu Cần Thơ. Người cung cấp cho tôi thông tin vừa nêu sau khi trao đổi bằng tiếng Anh với chuyên gia Nhật Bản là Huỳnh Kim Thanh Phong - 24 tuổi, quê gốc Phú Yên, vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM với luận văn về kỹ thuật căng cáp đã được TKN tuyển dụng ngay vào làm việc tại nhóm xây dựng tháp. Phong cho biết: "Được làm việc ở đây là cơ hội lớn để bổ sung kiến thức, tôi mơ ước sẽ tiếp tục làm việc cho TKN hoặc đơn vị nước ngoài nào khác để theo đuổi luận án thạc sĩ về kỹ thuật căng cáp sau khi cầu Cần Thơ hoàn thành".
Vốn quý để cạnh tranh
Qua Liêm, qua Phong, tôi nhìn thấy sự kế tục trong đội ngũ thợ cầu VN đang dọn mình "băng qua biển lớn". Sau 5 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đã đưa KS, CN ra nước ngoài xây cầu. Ngay trên công trường này, gói thầu đường dẫn phía bờ nam do Tổng Cty Xây dựng Trung Quốc đảm trách. Bao giờ sẽ tới lượt VN?
"Nếu có cơ hội ra nước ngoài làm việc, tôi tin thợ cầu VN sẽ phát huy rất tốt nhờ đức tính siêng năng, chăm chỉ" - chuyên viên cao cấp của TKN là ông Akinori Horai nêu nhận xét. "Với khoảng 800 KS, CN làm việc tại đây, tôi không hề lo lắng bất cứ vấn đề kỹ thuật nào mà anh em không thể tiếp thu".
Song, câu nói ý nhị của Phó Giám đốc TKN là ông Jin Watanabe lại khiến tôi động lòng: "Lương thấp có thể là ưu thế cạnh tranh, nhưng theo tôi, cũng... không hẳn là vậy".
Không hề biết đến câu nói này, trước đó mấy ngày, tôi đã nghe KS Hà Ngọc Nam - Trưởng ban Điều hành Cienco5 trên công trường cầu Rạch Miễu - thổ lộ: "Giả dụ công trình này do nước ngoài thi công, chắc chắn giá thành sẽ cao hơn gấp đôi, gấp ba mà vẫn cho kết quả tương đương. Thợ cầu mình chịu thương chịu khó, là nguồn vốn quý của ngành cầu. Nhưng tôi lo nếu không chăm sóc tốt, nguồn vốn quý ấy sẽ bị thu hút sang khu vực tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài".
Nỗi lo trên mang đầy đủ sức nặng thực tế. Như Phong mới ra trường, hưởng lương từ 6-7 triệu đồng/tháng, ăn ở được bố trí bài bản, đi phép được thanh toán tiền máy bay, nuôi chí nghiên cứu khoa học để làm chủ kỹ thuật căng cáp, nhưng mong muốn làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Còn Liêm vượt khỏi bậc thợ 7/7 cách nay hàng chục năm, liên tục nhiều năm là "chiến sĩ thi đua", không ít lần nhận bằng khen cấp "tổng" nhờ giỏi ứng dụng công nghệ nước ngoài vào điều kiện cụ thể VN, nhưng mức sống, điều kiện làm việc thấp hơn gấp nhiều lần.
Còn nhiều so sánh nữa được anh em chỉ ra, nhưng càng so, trong tôi càng sáng lên cái gọi vui là "phong cách Việt": Thợ cầu mình chịu thương chịu khó không phải chỉ vì đồng lương mà sâu xa hơn, còn vì lòng yêu nước. Với lòng yêu nước, dù làm việc ở loại hình doanh nghiệp nào, họ đều có thể đóng góp phần mình vào sự lớn mạnh của ngành cầu VN thời WTO!
(Bài đã đăng trên Báo Lao Động ngày 14.2.2007)