Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.213.223
 
Một câu chuyện …
Ngữ Yên

Giữa năm Mậu Thân, vào giờ sắp tan  sở , có một người đàn ông mặc sắc phục lính Biệt Động Quân với gương mặt gầm gầm cầm lựu đạn bước vào Ty Xã Hội Tỉnh T. Lúc ấy, Út Bình là phó ty đang ngồi mãi mê trên bàn giấy không để ý bên ngoài ,khi mọi người nhìn thấy la toáng lên thì đã muộn, theo phản xạ tự vệ Út Bình nhào tới ghì chặt lấy tên lính, hai người giằng co nhau một hồi , bỗng một tiếng nổ lớn… hiện trường chỉ còn lại hai xác người oằn oại  nằm trên vũng máu …

 

Út Bình được nhân viên đưa đi cấp cứu ngay, còn tên lính kia bị rất nặng Hắn được đưa về Tổng y viện Cộng Hoà điều trị và chờ ngày ra Tòa án binh nhưng không biết có thoát được lưỡi hái tử thần ?

                      

Sau thời gian điều trị Út Bình trở về nhà dưỡng bệnh.                        

Tôi là hàng xóm kêu Út Bình bằng cậu ,thường hay qua chơi nói chuyện vãn cho cậu đỡ buồn . Cậu rất đa tài, đàn ,hát ,vẽ đều tốt… nên tôi vừa phụ gia đình chăm sóc cậu vừa học đàn Mandolin , lúc đó tôi đã chơi khá mấy bài nổi tiếng như : Nhạc ngày xanh, Thu Ca, Đò Chiều…  thường đàn cho cậu nghe giải khuây.

                       

Sau sự cố hãi hùng đó, không ai dám nhắc lại chuyện cũ. Tôi tò mò hỏi mẹ nhưng bị bà mắng trẻ con không xen vào chuyện người lớn .Khi ấy cậu đã có vợ và hai con nhỏ.Vết thương vừa lành thì Út Bình cũng không được trở lại nhiệm sở cũ vì đã có người thay. Cậu  phải chuyển sang tỉnh Phước Long công tác một vài năm thì giải phóng đến. Mọi người vui mừng đoàn tụ, riêng gia đình chờ mãi không thấy tin tức về Út Bình, mọi người cho rằng đã mất tích?

                       

Bà vợ cố công đi tìm nhưng biệt tăm, người bảo  có lẽ bị tên bay đạn lạc hay bịnh hoạn chết mất xác rồi, người bảo gặp ổng ở Sài Gòn làm thợ hồ nhưng ổng lánh mặt bà con. Nhiều tin đồn quá không biết đâu là sự thật. Mẹ cậu Út khi ấy đã già lắm ,vì nhớ con mà mòn mõi đợi chờ sau đó qua đời.

                        

Sau nầy trong một đám giỗ gia đình, bỗng có người nào nhắc lại chuyện cũ Út Bình… tình cờ chú tôi nghe được, chú tôi trước kia là lính  Sài Gòn đóng quân ở Phước Long  cũng là dạng tù binh, mới chợt nhớ ra trong lúc thất thủ  tại Thị Xã ,ông bị bắt cùng một số người dân sự rồi bị dẫn vào rừng,trong đó ông thấy có Út Bình, vì là chòm xóm ngày xưa nên ông nhớ mặt. Nhưng hai người không thể tiếp cận nói chuyện nhau được. Sau đó mỗi người đi theo một tốp riêng nên ông mất liên lạc  với Út bình .

                    

Câu chuyện đã gieo vào bà Út  một niềm tin  mãnh liệt về người chồng mất tích của mình ngày đó, biết đâu ông vẫn còn sống. Cả xóm cũng tin như vậy.Nhưng có người cũng cho rằng chú tôi trông gà hoá quốc vì là thời chiến tình hình lộn xộn trong rừng sâu nước độc nhìn người dễ bị lầm…người giống người thì sao, có gì chắc đâu.

                     

Nhưng từ câu chuyện trên trải dài cho đến trên mười năm qua… vẫn không một tăm hơi nào về Út Bình. Mọi người  bàn tán chắc là chết thiệt rồi, nếu còn sống ai cũng phải cố liên lạc về với vợ con. Dòng họ bên chồng khuyên nên làm đám giỗ cho ấm áp người chết , dù vẫn còn niềm tin về người chồng nhưng là phận dâu bà đành phải chịu ,nhưng biết chọn ngày nào mà làm ?. Suy đi tính lại,coi ngày coi giờ ,rốt cuộc họ bảo: Cứ lấy ngày 30 -4 mà làm, đó là ngày thống nhất đất nước mà…

                    

Thế là có cái giỗ đầu tiên của Út Bình , mọi người đến dự đông đủ vui vẻ.. Tất cả thế là xong, chuyện của Út Bình kể như sang trang, chìm vào dĩ vãng…

                      

Thời bao cấp ai sống cũng vất vả, bà Út phải đi làm thuê đủ chuyện để nuôi con : từ giữ trẻ, may gia công,làm việc nhà….

                     

Một hôm bà đi làm về ,đứa con  báo lại có người nào kiếm mẹ ,chờ mãi không được nói một lát sẽ quay lại .Bà rất đỗi ngạc nhiên vì bao năm bà tự cô lập không tiếp xúc với ai nên  có quen ai đâu. Trong lòng bồn chồn không biết là ai?

                     

Tối đến, một người đàn ông  xuất hiện ,nhìn gương mặt bà bỗng biến sắc muốn xỉu, chính là gã lính Biệt Động Quân khi xưa đã ôm lựu đạn giết chồng bà.

-    Ông kiếm tôi có việc gì? Bà run rẩy hỏi.

Gã đàn ông ngồi điềm tĩnh hút thuốc một hơi mới nói : -Tôi đến thăm em, nghe nói nuôi con vất vả lắm tôi muốn giúp một tay.

- Cám ơn ông tôi tự lo được

Hai người cứ ngồi im lặng nhau hoài,bà cũng tự hỏi không biết gã từ đâu đến ,sống chết thế nào qua vụ nổ năm xưa? bà chợt hỏi :- Lâu nay ông ở đâu làm gì?

Gã đàn ông cười :- Sau vụ nổ tôi cũng bị thương nặng như chồng em, điều trị xong tôi ra Tòa án binh, họ kêu án tôi hai mươi năm tù, tôi ở 7 năm thì giải phóng, Cách Mạng họ tha cho tôi vì xét cho cùng chỉ là cuộc giết nhau giữa hai thằng ngụy mà thôi… nhưng cũng phải trình diện học tập một thời gian và tôi ở luôn trên xứ rừng lập nghiệp làm cao su nên cuộc sống cũng tạm ổn… hắn cười bật ngửa ra chiều không biết sung sướng hay chán chường cảnh đời.

                       

Kể từ dạo ấy gã liên tục đến và chu cấp tiền cho gia đình, lúc đầu bà từ chối quyết liệt ,nhưng tình hình ngày càng khó khăn gánh nặng chuyện gia đình , bà Út cũng đành buông tay chấp nhận… từ đó hắn qua lại thường xuyên.

                                         

Thời gian trôi qua ai cũng tất bật lo làm ăn, kiếm cái sống. Ở phố không sống được .Tôi theo ông chú lên Phước Long lập vườn trái cây. ( mảnh đất có nhiều kỉ niệm khó quên với ông ).Trong một dịp ra Bàu Cá kiếm chỗ mua cây giống,người ta chỉ lên một trại cây giống nằm trên triền đồi gần đường ray xe lửa rất vắng vẻ. Khi công nhân khiêng gần hết số cây giống lên xe , hai chú cháu sửa soạn đi về thì ông chủ trại cũng vừa về tới. Cả hai nhìn nhau bàng hoàng nhưng cũng kịp nhận ra nhau :

-    Có phải Hải phải không? (tên chú tôi). ông chủ trại hỏi vậy.

-    Anh Út Bình phải không? – chú tôi la lên.

-    Đúng rồi.

                     

Hai người ôm nhau mừng rỡ hàn huyên tâm sự không thôi. Sau giây phút bình tâm trở lại ,chú tôi lưỡng lự không biết có nên báo tin chuyện gia đình cho Út Bình hay không?

Chú tôi hỏi: -Người ta đồn anh chết mất xác trong rừng - sao anh còn sống mà biệt tin luôn vậy ? Có phải lần đó là Tôi đã gặp anh phải không?

 

Ông  gật  đầu : - Đúng vậy, Tôi bị bắt một lượt với cậu , Tôi nhận ra cậu nhưng kêu lên không được .Sau đó bị giải về trại Bù Gia Mập cải tạo - Từ đó biệt tin nhau luôn, tôi rất cố gắng liên lạc gia đình nhưng không biết làm sao ở xứ núi rừng hiu qụanh?-Sau nầy ra trại tôi lên Gia Kiệm phụ be gỗ cùng người bạn  làm chung công sở ngày xưa… Ông thở dài :- Từ đó mới tìm được đầu mối liên lạc gia đình nhờ một người quen lên mua chuối trên nầy… Nhưng Tôi đã biết mọi chuyện ,vợ tôi đã đi bước nữa, tôi chán nản mặc dù rất nhớ vợ con, cộng tin nữa người ta cho hay gia đình đã làm giỗ cho tôi. Vậy thì tôi xem như đã chết rồi ,còn gì để mà sum họp nữa…

Thì ra ông đã biết mọi chuyện. Chú tôi thở phào nhẹ nhỏm, chia sẽ:

-    Chiến tranh mà anh, biết trách móc ai được, sau ngày giải phóng tình hình cực kì khó khăn…vợ anh phải gồng gánh mấy đứa con….

-    - Tôi không trách ai? Sự việc đã an bài như định mệnh - nhưng còn mấy đứa con tôi nhớ no quá

-    Con anh giờ cũng đã ổn định có việc làm cả rồi. Tôi nghĩ gì thì cũng phải báo cho chúng biết rằng cha vẫn còn sống,nếu anh giấu e không hay?

Ông trầm ngâm một lát rồi nói: -Lúc nầy thì chưa được, để từ từ rồi liệu, Tôi yêu cầu anh nên giấu kín sợ có nhiều chuyện không hay cho cả đôi bên. Cuộc đời cũng là số mệnh, lẽ ra tôi và tên Hận (tên người lính BĐQ) ngày đó sẽ có một người chết hoăc cả hai cùng chết, nếu xãy ra nhưng thế thì vợ con tôi ra sao? nhưng rốt cuộc cả hai đều sống cả, lại cùng hướng về một người, nhưng số phận đưa đẩy hắn đến trước tôi. Tôi là kẻ đi sớm về muộn, nay cũng có vợ con rồi biết làm sao đây? Anh đừng nói gì cả, vì vợ tôi không biết chuyện nầy.

                         

Sau nầy,tôi mới biết nguyên nhân nhân vụ nổ kia: Thời  sinh viên cậu có một người bạn gái học chung, hai người yêu thương nhau khắng khít nhưng gia đình đã hứa hôn cô cho một người khác ( chính là tên lính BĐQ ). Ngày đám hỏi đàng trai đến không thấy có cô dâu, cô đã trốn lên Thị Xã ở với cậu ,hai người đi làm nhưng gã hụt vợ kia vẫn đeo đuổi mãi. Sau đi lính về quyết tâm tìm  lại tình địch để trả thù. Đây cũng có thể gọi là tên chung tình thế kỉ.

                      

Chú tôi trở về nhà lòng ngỗn ngang những nỗi niềm, biết ăn nói sao? Chẳng thà không biết gì cả mà lòng thư thái, nay đã biết rõ sự tình nếu giấu đi sẽ mang tội. Cả hai bên, khi biết ra sự thật- bên nào sẽ đỗ vở – bên nào hạnh phúc- bên nào đoàn tụ- bên nào sẽ chia lìa - Lòng chú  tôi thật rối bời. Ông dặn tôi nên giữ kín chuyện nầy.

                   

Rồi một hung tin đến… Chú tôi  chết bất ngờ ,trong khi ông đang cày bừa phá rẩy thì cán phải một quả mìn còn sót lại nổ tung lên, nơi đây ngày xưa từng là chiến trường ác liệt nên bom mìn còn sót lại rất nhiều, trước đó những người dân địa phương cũng gặp nạn.Khi tôi đến đem xác ông về chôn thì cũng không còn nguyên vẹn nữa.

                  

Chú tôi mất,một chứng nhân lịch sử không còn nữa,dĩ vãng đã chìm vào quên lãng? Nhưng còn tôi, sự việc nầy tôi biết nhưng bao năm cũng không hề dám hé răng mở miệng. Gia đình bà Út Bình ngày càng đổ vỡ khi ông chồng sau rượu chè bê tha, hành hạ vợ con và ông cũng ra đi không một lời từ giã ,bõ mặc mẹ con bà sống ra sao thì sống.

                   

Bà Út buồn rầu bệnh càng ngày càng nặng nằm tại chỗ. Những hình ảnh sự việc nầy tôi đều chứng kiến hằng ngày rất xót xa nhưng chả làm gì được… Tôi chỉ giúp Phượng ( con gái lớn bà Út ) tìm được một chỗ làm kha khá để lo tiền thuốc thang cho mẹ. Tôi trăn trở hoài, dù sao đi nữa thì cũng phải cho gia đình họ biết sự thật, đó là đạo đức , là lẽ sống con người, nhưng tôi chưa đủ can đảm để nói khi bà đang bệnh tật.

                   

Rồi thời gian gia đình tôi phải chuyển về Sài Gòn sinh sống, tình thế gay go , Tôi không biết xử trí ra sao , nếu không nói biết đâu bà qua đời thì mang tội. Tới đâu thì tới miễn làm đúng với lòng mình mà thôi. Tôi nghĩ vậy. Trước khi lên đường tôi kêu Phượng qua đưa bức thư  và nói:

-    Đây là câu chuyện về gia đình em do ông chú anh kể lại, nhưng khi anh đi rồi em mới được quyền mở bức thư nầy ra xem. Tất cả đều nằm trong đó hết,nhớ lời anh dặn. Mặt Phượng biến sắc run run cầm bức thư hỏi : -Chuyện gì vậy anh, chuyện gì vậy anh?

 

Tôi không trả lời và lên xe đi thẳng một nước về Sài Gòn ,ngủ một giấc thanh thản. Cầu trời cho tất cả đều ổn cả, Tôi cứ mong thế.

 

Bố Mè, tháng 8/2006.

Ngữ Yên
Số lần đọc: 3001
Ngày đăng: 23.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðám Cưới - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Lái lợn - Lê Xuân Quang
Điện thoại của mẹ - Ngữ Yên
Lão Hợi - Vũ Ngọc Tiến
Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ - Đào Phạm Thùy Trang
Bếp của người nguyên thuỷ - Nguyễn Thanh Mừng
Chuyện con ruồi - Nguyễn Đức Thiện
Tản mạn ngày cuối năm - Nguyễn Thuỵ Nhã
Giữa vòng vây - Nguyễn Đức Thiện
Hoàng nữ anh lên ngôi - Nguyễn Thị Diệp Mai