Không phải đến hôm nay người ta mới gọi Trần Dần là “nhà cách tân”. Từ năm 1946 khi tham gia nhóm Dạ Đài, Trần Dần đã cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch... soạn ra bản “tuyên ngôn tượng trưng” nhằm cách tân thơ Việt sau rất nhiều thành công của Thơ Mới (trước năm 1945).
Ông cũng là nhà tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến dịch Điện Biên Phủ với nhan đề Người người lớp lớp được phổ biến rộng rãi sau năm 1954. Dù được khen ngợi nhiều, nhưng Trần Dần vẫn chưa ưng ý. Ông thú nhận trong nhật ký rằng: “Tôi vừa viết xong cuốn Người người lớp lớp. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi đã chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi ít thấy sự thực của bản thân tôi trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh và chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: Anh đã thấy (mes douleurs) trên dưới có 6 trang! Vài trang thơ này tôi còn thấy chiến tranh nhiều hơn, và thấy tôi nhiều hơn 300 trang Người người lớp lớp”.
Nghĩa là ông luôn trăn trở cho thơ văn phải hướng về phía trước, phía cách tân. Sau này, suy nghĩ về thơ, ông tuyên bố “phải chôn Thơ Mới”, tức là phải sáng tạo ra một thứ thơ khác, thời đại hơn, mới mẻ hơn những thành tựu đã có, dù Thơ Mới đã làm xong cuộc cách mạng thơ đặc sắc.
Cuộc cách tân thơ của Trần Dần sau hòa bình năm 1954 vừa mới khởi ra chưa được bao lâu thì đã bị tai nạn “Nhân văn - Giai phẩm”. Ông bị kỷ luật và bị “treo bút” 3 năm, nhưng thực ra thì mãi 30 năm sau mới xuất hiện trở lại văn đàn. Thuở ấy ông làm một cuộc du ngoạn vào Huế chơi với anh em văn nghệ chúng tôi. Những bài thơ dài của ông thời “Nhân văn - Giai phẩm” như Nhất định thắng, Hãy đi mãi… được nhiều người đọc lại. Còn ông thì khoe với tôi (ông ở nhà tôi mấy ngày) những tập bản thảo mà ông đã viết trong 30 năm im lặng ấy, gần 30 tác phẩm, đó là thơ-tiểu-thuyết Cổng tỉnh, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, Đêm núm sen… các tập thơ Mùa sạch, Thơ mini, Việt Bắc... Còn thơ trong các cuốn “sổ bụi” của ông thì nhiều vô kể.
Đọc một số bản thảo của ông, tôi không ngờ rằng, một người nhỏ thó, gầy đét như ông lại có cả một trái tim lớn lao như vậy. Đấy là trái tim khát vọng “làm quốc ngữ”, làm “người nhân loại”. Có thể nói rằng bi kịch và cô đơn hoàn toàn đã buộc ông phải chiến thắng bằng vũ khí ngôn ngữ. “Thơ nay hầu như vẫn đặt nghĩa. Tôi đặt thơ là chữ. Con chữ nó làm nghĩa. “Mai sau dù có bao giờ” là con chữ. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” là đặt nghĩa” - ông quan niệm. Chính vì làm thơ kiên trì với quan niệm đó mà thơ ông đã mang đến cho nền thơ chung một lối thơ độc sáng. Có nhiều người ảnh hưởng lối thơ Trần Dần, nhưng không ai có thể vượt qua ông về lối thơ đó, vì đấy là thơ tự thân, đó là máu, mồ hôi và óc não của ông đọng thành những con chữ.
Thuở đầu, Trần Dần thích thơ Maiacovski. Những bài thơ bậc thang của ông đã tạo nên những nhịp điệu quyết liệt mạnh mẽ khi diễn tả những rung cảm đa chiều của ông về cuộc sống, về dân tộc:
Biển súng rừng lê bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà...
Nhưng về sau thơ ông đã đổi khác. Ông tạo ra những con chữ độc đáo, sinh động và đa nghĩa:
Đừng ngại mây che từng cây số buồn rầu!
Đừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ...
Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè...
Người ta nói rằng Trần Dần đã thổi hồn vào từng sự vật, thổi sự sống vào từng con chữ. Nhưng cái làm cho người đọc luôn bất ngờ là cái cách tư duy ngôn ngữ táo bạo, độc đáo và mới lạ của ông đã tạo nên những ấn tượng mạnh, thậm chí thoạt đầu gây sốc. Gây sốc bởi vì nó mới quá, nó lạ quá, nó không giống “thơ cũ”. Gây sốc bởi ông chủ trương “làm chữ”, làm những chữ mới và làm mới những chữ cũ. Đấy chính là Trần Dần một cá thể thơ.
Ngôn ngữ của Trần Dần luôn biến động và ta thấy cả sự lao tâm của ông cho từng con chữ. Lê Đạt nói “nhà thơ là phu chữ”, tôi nghĩ cụm từ này dùng để gọi Trần Dần thì vô cùng đắc địa. Ngay trong cả loại thơ kiểu văn xuôi của ông vẫn ngồn ngộn hình ảnh và cảm xúc thiên hà. Thơ trẻ hiện nay cố gắng nhiều trong thơ không vần hay thơ văn xuôi, nhưng đọc lại Trần Dần 30 năm trước, vẫn thấy ông còn mới mẻ đến bất ngờ:
“Tôi có nghèo đâu, trăng sao lủng liểng. Mây phơi dằng dặc khắp chân trời. Hương hỏa của tôi, kho nào chứa xuể? Ê hề vũ trụ sao bay. Tôi di lại cho ai giờ? Tầng tầng mây, lục địa lục địa của cải”. (Sổ bụi 1979)
Thơ Trần Dần (cũng như tiểu thuyết sau “Nhân văn - Giai phẩm” của ông) ngồn ngộn chữ, ngồn ngộn da thịt, sự sống. Ông không phải một nhà thơ dễ đọc. Ông cũng không phải nhà thơ quần chúng hóa, mặc dù ông thơ hóa nhiều ngôn ngữ quần chúng. Những vấn đề cuộc sống và nghệ thuật luôn được ông soi rọi, chăm chút, xuất thần theo kiểu riêng của mình. Chính vì thế mà ông là người mở đường, người đi trước suốt nửa thế kỷ qua.
Tôi khâm phục sự học của ông. Ông học bằng cách đọc thế giới (sách), đọc và quan sát suộc sống, học làm người nghĩa là làm một nhân cách cá biệt, đôi khi như kẻ lập dị giữa đời, giữa đám đông. Học bằng cách làm việc cật lực cho văn thơ. Học bằng cách ngồi dịch sách, dich tài liệu để kiếm sống.
Năm 1983, nhạc sĩ Văn Cao nhờ tôi sang nhà Trần Dần mời ông đến nhà uống rượu nhân 60 tuổi, tôi chú ý vết đen trên tường sau chiếc ghế ông ngồi. Cái vết đen như một hình nhân, như cái bóng của ông. Ông đã ngồi dựa tường như vậy suốt mấy chục năm, để đau khổ, để cô đơn toàn phần, để suy nghĩ, để đọc và để viết. Ông viết rất chậm. Có lần Phùng Quán bảo anh Dần viết chậm thế thì bao giờ mới xong tiểu thuyết. Ông thủng thẳng trả lời: “Viết văn chứ có phải đi ăn cướp đâu mà cần nhanh”. Vâng, ông cứ đĩnh đạc như thế, cứ nặng chùy như thế. Và thế mới là Trần Dần.
Bây giờ ông đã xa cõi trần hơn 10 năm, đã được in tuyển thơ dày dặn và những tập sách khác, đã được giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Nhà nước... Tôi nghĩ không có phần thưởng nào lớn hơn khát vọng của ông về chân trời và đường bay của nhân dân, của dân tộc. Hai câu thơ ông khóc hay là ông mơ ước:
Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời
Hy vọng
Dù bị vứt bên lề đường
Dù bị tàn tật
Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng
Dù manh tải đùm thân
Bị gậy bơ vơ trời không che đất không chở
Dù đêm nghe gió quét gậm cầu
Chỉ vài ánh sao lu làm củi lửa
Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng
Dù chỉ còn một bên tai
Tai sẽ đón tiếng chim ru
Còn một bên tay - tay sẽ quờ quào
Vục một chút màu xanh quê cũ
Cho đôi môi khô uống một hụm trời
...
Dù xa lắc biển gầm Côn Đảo
Dù nơi đây sóng mặn chát lòng tằm
Ta vẫn sững mái đầu xờm con mắt xếch
Ngùn ngụt bể Đông xa
Tia mống cụt đâm trời
Dù ném thây ta cho cá rỉa
Ta sẽ cựa luân hồi đạp cửa thác sinh
Ta sẽ đầu thai làm gió lốc
Cùng các đám đông đi phố đỏ rừng cờ
Hãy đợi ở cầu Xanh hãy chờ nơi phố Hẹn
Vạt áo tứ thân con mắt ố đừng chùi
Nín đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây
Đừng sa sút lá.
Để ta còn khuyên gió... gió đừng rung cây.
Nguồn Người lao động