Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.182
 
Giải thưởng lần thứ nhất ( 2007), Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam : Chào mừng những mầm non văn học !
Triệu Xuân

Hội đồng Chung khảo vừa công bố Giải thưởng lần thứ nhất (2007) Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam gồm 6 giải nhì, (không có giải nhất) và 9 giải khuyến khích. Tuy chưa có tác phẩm nào thật suất sắc, nhưng bài thi của học sinh trung học phổ thông đoạt giải lần này đã hứa hẹn những mầm non tài năng văn học.

 

Chỉ trong vòng hai tháng, kể từ ngày phát động cuộc thi (14-12-2006), Ban Tổ chức đã nhận được hơn 500 bài viết theo các thể loại thơ, truyện ngắn, ký, cảm nhận văn học của học sinh các trường trung học phổ thông từ khắp các quận, huyện nội ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Trong số này có em gửi tới 3 bài văn xuôi dự thi, có em từ đất thép Củ Chi gửi về một chùm nhiều bài thơ. Sau vòng sơ khảo, đã có 31 truyện ngắn, ký, 30 bài thơ lọt vào vòng chung khảo. Trong vòng chung khảo, chúng tôi vui mừng nhận thấy: Đây là sáng tác của các em có khiếu văn học, là học sinh giỏi môn văn, và quý nhất là các em viết bằng sự rung cảm hồn nhiên của chính lòng mình. Về mặt tiêu chí của cuộc thi và mục đích của Quỹ Phát triển tài năng Văn học, thì điều vừa nói đã là một sự thành công! Tôi xin điểm những nét chính của những bài thi đoạt giải:

 

Từ cuộc thi này nhận thấy: Văn xuôi có số bài dự thi nhiều hơn thơ, số bài lọt vào chung khảo nhiều hơn thơ. Trong số 6 giải nhì, có 4 tác phẩm văn xuôi; 9 giải khuyến khích có 8 tác phẩm văn xuôi. Điều này liệu có hứa hẹn gì chăng, khi mà trong vòng mười lăm năm trở lại đây, sinh hoạt văn học tại thành phố Hồ Chí Minh, thơ in rất nhiều nhưng hiếm thơ hay; văn xuôi, nhất là tiểu thuyết không có nhiều tác phẩm nổi đình nổi đám như những năm đầu của thời kỳ Đổi mới? Hai là số bài lọt vô vòng chung khảo chỉ tập trung vào những trường chuyên, lớp chuyên, những trường THPT có tiếng dạy giỏi, học giỏi của thành phố như trường Lê Hồng Phong, trường Nguyễn Thị Minh Khai, trường Trần Đại Nghĩa, trường Gò Vấp, trường Lê Quý Đôn…

 

Bài thi của em Võ Thúy Diễm, học lớp 12C trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một truyện ngắn, thuộc loại rất ngắn. Chủ đề là người mẹ. Tác giả đặt tựa đề cho bài thi của mình là “Truyện: Mẹ”. Bài thi chỉ vẻn vẹn 665 chữ, thế mà khiến cho ta xúc động. Dường như Võ Thúy Diễm không phải làm văn khi viết truyện này! Tình cảm của em với mẹ trào ra đầu ngọn bút, hay nói như các nhà văn: em viết từ sự thôi thúc của trái tim mình, tấm lòng mình. Hình ảnh người mẹ trong truyện đựoc khắc họa sinh động. Mẹ thờ chồng nuôi con, hy sinh tuổi xuân, hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc của bốn đứa con, đến khi các con trưởng thành vẫn không đành lòng đi bước nữa! Đây là đề tài không mới, câu chuyện không mới, nhưng được thể hiện bằng lối hành văn hồn nhiên, cách cảm cách nghĩ trong sáng, không kém phần sâu sắc. Lối kể chuyện giản dị, ngắn gọn, chuyển tải ý tứ thông qua hình ảnh của Võ Thúy Diễm đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật khiến người đọc ai cũng xúc động trước tấm lòng của người mẹ và tình cảm của đứa con nghĩ về mẹ hiền: “… Bóng trăng trong lu nước sau hè ngỡ ngàng nhận thấy mái đầu dầu dãi bạc màu sương nắng. Mẹ cúi xuống múc từng muỗng dừa trăng vo gạo. Làn nước mát lạnh mang cả chất ngọt của mưa quê hương hòa vào hạt gạo trắng trong, ôm ấp cuộc đời của mẹ. Mẹ ngước nhìn trời, mẹ bắt gặp trăng, trăng tròn mười sáu, trăng lạnh rùng mình. Rồi mẹ lại tất tả chuẩn bị bữa cơm sáng cho con, để mặc hình ảnh người đàn ông ấy đứng bên ngoài ướt lạnh sương. Mẹ không nói với người ấy câu nào, còn người ta thì cứ đứng ngó vô nhà hoài. Mặt của người đàn ông đó không giống với tấm hình trên bàn thờ, không biết có giống với tấm hình mẹ cất giữ trong lòng không. Con nghe người ấy nói với mẹ rằng: “Xấp nhỏ cũng đã lớn rồi. Cô Út còn tính chờ đến bao giờ?”. Không nghe tiếng mẹ, chỉ nghe tiếng củi nổ lép bép trong lửa. Lửa cháy bừng bừng…”.

 

Tôi đã đọc nhiều lần Truyện Mẹ của em Diễm và tôi hy vọng rằng sau này Diễm sẽ trở thành một cây bút văn xuôi được nhiều người tìm đọc!

 

Nếu bài của Võ Thúy Diễm chỉ có 665 chữ thì Viết cho những ngọn gió không bao giờ ngừng thổi của Hà Thị Phương Dung , lớp 11 A4 trường THPH Trần Đại Nghĩa là bài thi dài nhất cuộc thi này: gần 3.000 chữ! Đây thật sự là một truyện ngắn. Phương Dung thông qua những câu chuyện nghe được hàng ngày của một người bạn cùng trọ một phòng tên là Talumi để  nói về một thiếu niên không chịu đầu hàng số phận, luôn vượt lên mình, tự tạo ra ngọn gió để mà sống, không để gió ngừng thổi… nhằm sống có ý nghĩa! Đề tài này cũng không có gì mới, nhưng cái hay của truyện ngắn Viết cho những ngọn gió không bao giờ ngừng thổi là cách thể hiện khá dung dị, một lối kể chuyện đậm chất dân gian, không cần bình luận. Truyện này có dấu ấn của thời kỳ đất nước ta mở cửa, hội nhập: một cậu trai thi rớt đại học, bị la rầy, bỏ nhà đi tự kiếm sống, ở chung phòng trọ với một cậu trai người Nhật Bản. Talumi là một thiếu niên người Nhật, mắc chứng bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị, cậu ta đi du lịch khắp nơi, làm đủ nghề để đi du lịch cho hiểu biết thế giới và… quyết trở về quê hương chinh phục cho được đỉnh Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ! Thông qua những câu chuyện thường ngày của hai người bạn trọ chung phòng, một người bất hạnh vì cái chết sẵn sàng đến lôi đi bất cứ lúc nào, một người bất hạnh vì thi rớt… Phương Dung đã nói được một điều tối quan trọng cho tuổi trẻ: Đó là tình yêu cuộc sống, đó là nghị lực, là quyết tâm không bao giờ đầu hàng số phận, hoàn cảnh, đó là ý thức phải sống cho ra một con người! Đọc truyện Viết cho những ngọn gió không bao giờ ngừng thổi, thoạt đầu, tôi có chút hoài nghi về nguồn gốc bản thảo. Thế nhưng đến khi gặp những câu văn rườm rà, kém chau chuốt, có câu còn mắc lỗi chính tả, và đọc đến đoạn văn kết thúc truyện, chỉ mấy dòng cuối thôi, thì tôi hết hẳn nghi ngờ. Một cái kết thúc vụng về ở mấy dòng cuối này. Nếu bỏ đi mấy dòng cuối, thì đây là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Bởi vì, nếu không có mấy dòng cuối thuyết giáo vô bổ kia thì câu chuyện đã được Phương Dung kết thúc khá hợp: “… Hôm qua tôi nhận được E-Mail của Talumi. Thực ra thì không phải là Talumi mà là một người lạ. Một người lạ đã được Talumi nhờ giúp đỡ. Bức thư chỉ có vài dòng. File đính kèm là một bức ảnh. Hình ảnh chiếc mặt nạ kịch Nô cắm trên đỉnh núi Fuji vào buổi chiều muộn. Cái mặt nạ được cắm trên cọc gỗ được đóng xuống đất. Nó đứng ở đó. Cô độc. Ngạo nghễ. Cái tên Talumi được viết ngay ngắn bằng mực xanh trên trán. Tuyết rơi. Sắc tím man mác như nhuộm chìm không gian. Talumi đã chết. Cậu ấy đã qua đời trên đỉnh núi Fuji cách đây ba ngày. Việc lên được đến đỉnh núi  tốn rất nhiều thời gian và khi đến nơi, cậu ấy gần như kiệt sức. Tôi đã định nhờ người đưa cậu ấy xuống nhưng Talumi bảo tôi hãy về trước. Tôi đã cố thuyết phục nhưng không được. Cậu ta muốn ở lại đó một mình. Tái bút: Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác Talumi trên đỉnh núi, đông cứng. Cậu ấy đã dùng tay giữ cho chiếc cọc đứng vững trên mặt đất. Trong tuyết rơi, cậu ấy đã mỉm cười. Tôi đoán Talumi đã rất hạnh phúc. Cậu ta nhờ tôi gửi bức hình này cho cậu”. Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình vi tính khi mắt bắt đầu đỏ lên. Nhưng tôi đã không khóc. Talumi đã hạnh phúc. Giấc mơ của cậu ấy đã thành hiện thực”. Sau câu này, Phương Dung còn viết tiếp 260 chữ nữa, nhưng thừa! Nhận được E-Mail từ Nhật Bản, nhân vật trong chuyện không khóc, nhưng người đọc đã rơi nước mắt, chắc chắn là thế! Tôi nghĩ rằng em Phương Dung học lớp 11 mà đã viết được như vậy thì tương lai, chúng ta có quyền hy vọng rất nhiểu về mầm non tài năng văn học này!

 

Hai bài văn xuôi còn lại được giải nhì cùng viết về loài chim. Đời chim sáo của Đào Nguyễn Thuận lớp 12 A8 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Những cánh chim xưa của Hùynh Như Hương Châu, lớp 12 chuyên Anh, trường THPT Lê Hồng Phong. Rất tiếc là hai em Thuận và Hương chưa phân định được khoảng cách giữa ghi chép văn học và truyện ngắn. Nếu hiểu rõ điều này, các em sẽ dụng công hơn trong sáng tác của mình để đạt hiệu quả cao hơn! Huỳnh Như Hương Châu là thí sinh duy nhất trong cuộc thi này gửi ba bài văn xuôi, và cả ba đều được vô vòng chung khảo, trong đó có một bài từng in trên báo Sài Gòn giải phóng. Hương Châu viết văn mạch lạc, từ ngữ chuẩn, biết dùng hình ảnh, và không mắc lỗi chính tả!

 

Về thơ, như đã nói ở trên, chất lượng những bài dự thi không bằng văn xuôi. Hai bài được giải nhì là Sân vườn em của Hồng Nhung, lớp 10 A 9 trường THPT Trần Đại Nghĩa, và bài Áo dài của Bích Ngọc, lớp 12 A6 trường Nguyễn Thị Minh Khai. Hồng Nhung viết về mảnh sân vườn của mình: “ Ba nhuộm lá màu xanh/ Mẹ vẽ hoa hồng tím/ Ôi sân vườn ngọt lịm/ Em và bướm ngẩn ngơ/ Chiều buông nắng làm thơ/ Gió đùa chim họa nhạc/ Dưới vòm xanh ngơ ngác/ Chiêm chiếp đàn gà con/ Đất vuông và trời tròn/ Mẹ và ba vun xới/ Sân vườn xanh rời rợi/ Cứ nao lòng tuổi thơ”. Đọc thơ Hồng Nhung, ngỡ như được sống lại tuổi thơ năm nào, tung tăng bên cha mẹ chơi đùa giữa mảnh vườn nhà mình và tha hồ mơ mộng… Bài Áo dài của Bích Ngọc có tứ thơ ngồ ngộ: “ Áo dài tóc xõa ngang vai/ Làm cho áo ngắn đêm dài vấn vương/ Áo dài cười thật dễ thương/ Để cho áo ngắn trăm đường nhớ mong/ Áo dài tha thướt bóng hồng/ Ngẩn ngơ áo ngắn đợi trông từng giờ/ Áo dài ánh mắt mộng mơ/ Vậy nên áo ngắn làm thơ học trò”. Thí sinh Lê Bá Khánh Trình ở trường An Nhơn Tây, huyện Củ Chi,  gửi một chùm thơ. Hơi thơ của em na ná như thơ của một thần đồng thơ thuở trước. Bởi thế, em chỉ đạt giải khuyến khích. Nhìn chung, trong số những bài thơ dự giải, nhược điểm rõ nhất là tứ thơ không có, câu chữ sáo mòn, cảm xúc không thật. Có em gửi về bài Trà xuân, đọc lên xuôi tai nhưng ý tứ thì như của một cụ già bẩy tám chục tuổi: “ Trót lẻ ba năm người lạ xứ/ Trà xuân đắng vị một mình ta”. Tiêu chí của cuộc thi là khuyến khích sự sáng tạo, độc lập suy nghĩ nhằm phát hiện nhân tài văn học. Bởi thế, những em nào chưa viết bằng cảm hứng thật sự, chưa hiểu được đặc trưng của từng thể loại thơ, truyện ngắn, ký, tùy bút, chưa rành tiếng mẹ đẻ, còn sai văn phạm, sai lỗi chính tả… thì không đáp ứng được mục đích cuối cùng của Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam.

 

Ra đời từ ngày 27-10-2006, Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam đã và đang được các nhà tài trợ và toàn xã hội nhiệt liệt hưởng ứng, cổ vũ. Đây là lần thứ nhất Quỹ trao Giải thưởng cho các em giỏi văn. Trong những năm tiếp theo, quy mô cuộc thi phát hiện tài năng văn học sẽ mở rộng ra các tỉnh thành trong cả nước. Vì lợi ích trăm năm - trồng người, vì nền văn hóa hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc, hy vọng rằng Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam sẽ không ngừng phát triển!

Xin hân hoan chào mừng những mầm non tài năng văn học!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23-2-2007

Nhà văn Triệu Xuân

Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam

Triệu Xuân
Số lần đọc: 3882
Ngày đăng: 27.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vầng hào quang , Dòng nước mắt và suối mồ hôi - Nguyễn Khắc Phê
Sinh khí nào cho những người cầm bút : Những tương xung vô hình - Khaly Chàm
Một vài yếu tố văn hoá đặc trưng của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu có thể khai thác du lịch và tổ chức lễ hội - Đinh Văn Hạnh
"Thiên duyên tình mộng" Hồi xuân ca của Phạm duy?! - Trần Kiêm Ðoàn
Rượu thơm vương 9000 năm… - Hà văn Thùy
Hà Thanh , Tiếng hát của giòng sông xanh - Trần Kiêm Ðoàn
Tôi làm thơ/Tôi thở - Nguyễn Phan Thịnh
Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh - Nguyễn thụy Kha
Ngày xuân thanh bình đọc Lương Châu Từ của Vương Hàn - Trương Thái Du
“Hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh! - Lý Đợi
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)