Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.203.060
 
Triệu Vũ Đế
Trương Thái Du

Tôi một mình đến Quảng Châu với mục đích duy nhất là thăm lăng mộ Triệu Văn Vương. Từ sân bay Bạch Vân tôi về thẳng nhà nghỉ trường đại học Kí Nam. Sáng hôm sau, lên xuống mấy lượt xe buýt và tàu điện ngầm, tôi đến cổng công viên Việt tú. Đi bộ một thôi dọc phố Giải Phóng Bắc, băng qua đường bằng hầm, tôi đứng trước bức tường mặt tiền cao ngất của viện bảo tàng.

 

Thật mĩ mãn. Người Việt Đông chăm sóc di tích lịch sử rất khoa học.

 

Đêm. Ngồi ghế đá trong khuôn viên rợp cây xanh trước nhà nghỉ, khoan khoái tận hưởng không khí trong lành, tôi tự hỏi “Hơn hai ngàn năm trước, đây cũng là lãnh thổ nước Việt ư?”  Một ông lão râu tóc bạc phơ đi ngang, vừa cười vừa hỏi:

 

“Mai mi về nam, sao không tiện thể ghé ta chơi?”

“Thưa… Ông là…”

“Ta là ông nội của Văn Vương.”

“Nhà ngài… À không, lăng mộ của ngài gần đây ư?”

“Trường đại học này xây dựng bên triền địa danh Ngung sơn trong sách xưa.”

 

Thôi thúc có ma lực, hơn cả sự tò mò khiến tôi líu ríu theo bước Triệu Đà.

 

*

Lối vào mộ dốc và khá hẹp, dài tầm vài chục bước chân, vách đất dựng đứng. Theo lễ nhà Chu, chỉ thiên tử mới được làm đường khiêng quan tài vào mộ. Thời ấy ở Hoa Bắc, người ta đào mộ đạo rất rộng và sâu. Sau khi an táng, hai phần ba chiều cao mộ đạo được lấp cát và chèn đá hộc, một phần ba phía trên là đất nện. Nếu trộm viếng mộ, đào càng sâu thì chúng càng có nguy cơ tự chôn sống vì cát sụt lôi đá xuống. Thấy tôi quan sát khá kĩ, Triệu Đà quay lại bảo:

“Ở đây cao và xa sông suối, không tìm được cát. Ta cho đào ngang, hút sâu vào lòng núi. An toàn không kém. Hai thiên niên kỉ có hề hấn gì đâu. Cửa nhà ta suốt bốn mùa và suốt ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời”

“Ngài năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”

“Ta dọn về đây năm 137 trước công nguyên. Ta sinh năm 234 tại Chân Định, nước Triệu. Nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.”

“Sao Đại Việt sử kí toàn thư ghi nhận ngài thọ hơn trăm tuổi.”

“Mấy chú thư lại hậu sinh ấy nhầm khá nhiều. Sách sử sao đi sao lại, có người vì mục đích này nọ lại bịa thêm. Chỉ Sử kí chuẩn nhất, nhưng quá khúc chiết.”

“Ngài là phó tướng của Đồ Thư?”

“Bậy nào. Ta xuống Lĩnh Nam đợt hai, sau khi dân Tây Âu đã giết Đồ Thư. Tần Thủy Hoàng rất ghét nước Triệu, vì tuổi thơ ông khó nhọc tại Hàm Đan. Nhiều người Triệu bị bức ép đi xây Trường Thành và xung lính thú Lục Lương. Thuở bé ta con nhà tử tế, được học ít nhiều. Sẵn chí tiến thủ, sau vài năm chinh chiến ta thành huyện lệnh Long Xuyên…”

 

Bước qua hai cánh cửa đá to và nặng, Triệu Đà chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh một thạp đồng có hoa văn người chèo thuyền đặc trưng của đồ đồng Đông sơn.

 

“Chịu khó nhé. Nhà cửa chật hẹp vì mái lợp đá nguyên tảng, không thể dùng các tấm lớn hơn.”

 

Sau khi đưa cho tôi chén trà có ánh bạc, Triệu Đà yên vị vào chiếc yên ngựa bằng da nạm vàng, kê trên bó ngà voi rất to. Ông giới thiệu “nhà” mình:

 

“Đây là phòng khách. Phòng ngủ sát kề. Sau phòng ngủ là kho. Có 2 buồng chái tây và hai buồng chái đông. Ta đem theo hơn chục người tuẫn táng gồm lính gác, phục vụ, nấu bếp, nhạc công và mấy bà phi trẻ tuổi. Hơi dã man” Triệu Đà lắc đầu “Truyền thống nó thế…”

 

Gió nam mát rượi. Bộ quần áo ngọc may bằng chỉ tơ, treo trên móc áo gỗ chân đồng chạm khắc tinh xảo, hơi lao xao. Dàn chuông thở những tiếng âm u.

 

“Ban sáng, thăm mộ cháu ngài, tôi thấy chiếc ấn vàng “Văn Đế hành tỉ”, lại có ấn “Triệu Muội” và ấn “Thái tử”. Tư Mã Thiên ghi nhận Văn đế tên Hồ mà?”

“À, thằng này mẹ Việt, bà nội cũng người Việt. Ta đặt tên Hồ, nhưng trong hoàng gia hắn chỉ thích mọi người gọi hắn theo tiếng bản địa. Chữ Muội dùng để kí âm. Đấy là tên một vị anh hùng trong huyền thoại cổ xưa của người Việt.”

“Ông ta là con Trọng Thủy?”

“Ừ, nhưng không phải con Mỵ Châu đâu nhé. Thủy chết sớm. Hồ đĩnh ngộ, ta đúc cho ấn thái tử. Vì ấn thái tử cũ của Thủy là Kim li hổ ấn (ấn vàng núm hình con lân), nên đành cho Hồ dùng Kim qui ấn (ấn vàng núm hình con rùa) theo đúng trật tự long – lân – qui – phượng.”

“Vậy còn chuyện An Dương Vương và nỏ thần?”

“Hình tượng An Dương Vương trong hiến sử Việt Nam là một tổ hợp phức tạp những ghi chú có chủ ý của sách vở Hoa Hạ và lời truyền miệng dân gian.”

“Thế Tây Âu Lạc ở đâu?”

“Âu Lạc là kí âm Đất nước, Xứ sở của người Việt bằng Hán tự. Người Việt ở Phiên Ngung, người Việt dưới mé sông Hồng, hay người Việt tại đất Mân đều gọi nơi mình sống là Âu Lạc. Cũng có thể xem Âu Lạc là tên bằng tiếng Việt của nước Nam Việt. Khi Tư Mã Thiên viết Tây Âu Lạc, ông ta hàm ý phía tây Phiên Ngung, tức vùng Nam Ninh Quảng Tây gần cửa biển Hợp Phố.”

“Vậy ông chưa từng đặt chân đến sông Hồng?”

 

Triệu Đà đứng lên lấy chiếc hộp bạc tròn đựng thuốc của người Ả Rập cổ đưa cho tôi xem:

 

“Những thương nhân từ Ba Tư đi thuyền đến đây có kể ít nhiều về mảnh đất hoang vu bên con sông đỏ quạnh phù sa. Nơi ấy nhiều đầm lầy, ẩm thấp, dân thưa thớt, mùa mưa ngập lụt triền miên. Ta từ nước Triệu, chỉ quen cưỡi ngựa nên không có kinh nghiệm xây dựng đội thuyền viễn chinh.”

“Còn thành Cổ Loa nữa chứ.”

“Dịch Hu Tống chết, nhân dân Tây Âu Lạc không chịu làm nô lệ đã quật khởi kháng chiến và giết được Đồ Thư. Dạo Lữ Hậu chuyên quyền, ta bắt đầu dòm ngó sang hướng ấy nhằm mở rộng Nam Việt, sẵn sàng chống giặc. Trước nguy cơ bị thôn tính, quân trưởng An Dương Vương đã liên kết các bộ lạc Tây Âu Lạc, xưng vương và thành lập nhà nước sơ khai theo chế độ mẫu hệ. Lợi dụng địa thế núi non, An Dương Vương đắp thành đất, dựng lũy gỗ nhiều vòng men theo vách núi, nhìn xa như một con ốc biển khổng lồ. Đó phải chăng thành Cổ Loa? Quân ta nhiều lần điêu đứng với những mũi tên đồng này.” Triệu Đà chỉ vào bó tên màu vàng, cạnh chiếc nỏ dựng góc phòng. “Ta thu phục mãi không được. Hết nước, phải dùng kế li gián. Tay chân ông ta nhận của cải đút lót, đuổi đánh chủ. Vị thủ lĩnh kiêu hùng thất thế lên thuyền chạy ra biển, đem theo nhóm quí tộc thân cận.”

“Ý ông là, họ đến Đông Anh, Hà Nội ngày nay, đắp đê ngăn nước và sinh sống?”

“Có lẽ thế. Họ đem theo câu chuyện về Cổ Loa và những cuộc đụng độ với ta. Thời gian xóa nhòa tất cả. Sau này con cháu họ lầm tưởng vết tích Kiển Thành mà Mã Viện xây trên thân đê là Cổ Loa bên Quảng Tây.”

“Ông sáng tác kịch bản này nhằm biện minh hành động xâm lược?”

“Ngươi xem, trong nhà ta có chiếc trống đồng chiến lợi phẩm nào đâu. Vị vương mới ở Tây Âu Lạc cũng ít chịu nghe lệnh ta. Năm 111 Phiên Ngung thất thủ, ông ta định chống nhà Hán. Hoàng Đồng là người Phiên Ngung cử qua giám sát Tây Âu Lạc. Sử kí viết “Tả tướng cũ của Âu Lạc chém Tây Vu Vương.” Tây Vu nghĩa là vùng phía tây (Phiên Ngung), chứ không phải địa danh. Tây Vu và Tây Âu Lạc là một.”

 

*

Một thiếu phụ mặc áo lụa, tay diện vòng bạc, khắp người lấp lánh ngọc trai, ngọc bội, trâm vàng, bước ra từ buồng ngang phòng khách phía đông. Không nhìn tôi, bà cúi xuống nói gì đó với Triệu Đà. Tôi đọc được dòng chữ “Hữu phu nhân tỉ” trên chiếc ấn vàng bà đeo giữa ngực.

 

Người nhà đã chuẩn bị xong mọi thứ, đến giờ Triệu Đà ăn tối và xem vũ – nhạc, ông ngỏ ý mời tôi cùng thưởng thức. Cẩn thận bước đi giữa rất nhiều đồ tùy táng, tôi theo ông vào phòng lớn phía Tây.

 

Nhóm nhạc công nhỏ bé gần như bị lèn chặt bằng rất nhiều loại nhạc cụ: Khánh đá, chuông đồng đủ kiểu, tù và ngọc thạch, đàn tranh cổ nước Tần…

 

Cung tơ dìu dặt, bước chân ngựa thong thả trên bình nguyên hoàng thổ. Bất ngờ tiếng tù và xung trận rúc lên. Chuyển động khẩn trương, dồn dập. Binh khí chạm nhau. Ngựa hí… Thanh âm chuông móc câu loang trên mặt cỏ. Mùi máu tanh… Tiết tấu rệu rã, sinh lực dũng sĩ đã hết. Nhạc nhỏ dần, nhỏ dần để chuyển điệu.

 

Róc rách nước chảy khe suối. Dàn khánh đá lung linh dưới ánh sáng của khay đèn mỡ cá bằng đồng. Chim hót, vượn hú, rừng rậm thâm u. Chiếc lẫy nỏ bật đánh tách một cái. Mũi tên cảnh báo xé không khí mà đi. Thấp thoáng sau lùm cây dại là những chiến binh mặc khố, đầu cắm lông trĩ ngũ sắc… Ngựa sụp hố chông rống thảm thiết.

 

Âm thanh dạt ra như đồng cỏ lau ngút ngàn có người rón rén băng ngang. Việt điệu rộn rã ngày càng đến gần tai người nghe. Lớp lớp chân trần dậm đất thậm thình quanh đống lửa. Nhiều phụ nữ mặc khố hoa, ngực căng cong vút tựa sừng trâu, chẳng thèm che đậy màu da nhuộm nắng. Ánh mắt trai gái đều hiền hòa bao dung, pha chút say đắm thật thà, thiết tha mời gọi. Chinh nhân ném bỏ gươm sắt, cởi giáp hòa vào đám đông.

 

Một gia nhân ôm vò rượu gạo có viết bốn chữ “Trường Lạc cung khí” đến rót vào chén ngọc cho tôi.

 

Hương từ đỉnh trầm len qua những khe trang trí hình kỉ hà quyện vào tà lụa hai vũ công. Nhân ảnh nhòe nhoẹt, chỉ còn lại đôi chim quấn quít với nhau trên bãi phù sa lúc thủy triều xuống. 

 

Thỉnh thoảng để thay đổi góc nhìn, tôi lại hướng mắt vào hàng chục chiếc gương đồng bóng loáng treo trên vách đá. Một chiếc gương khá lớn nằm che gần hết lưỡi qua đồng bén ngọt. Thấp thoáng dòng chữ “Trương Nghi”. Chiếc qua này chắc hẳn đúc ở công xưởng binh khí nước Tần, thế kỉ thứ 4 trước công nguyên.

 

Con rùa to lật ngửa đã chín trên vỉ nướng. Triệu Đà dùng que xiên tách mai rùa, giơ ra trước đèn. Vết nứt trên mai rùa phảng phất thể hiện một dòng giáp cốt văn “Nam Việt độc lập”.

 

*

 

“Ngài tự nhận mình là người Triệu, người Tần, người Hán hay người Việt?”

“Ta với Lưu Bang, chí chẳng khác nhau, địa lợi khập khiễng mới thành kẻ bắc người nam, kẻ mạnh người yếu. Ta xưng vương ngoại giao cho qua chuyện binh đao, sao gọi là người Hán được. Tần cường bạo dùng lửa để dập lửa, giết người cầu hiếu sinh, đốt thi thư nhằm ngu dân an bang, hạ sách lắm. Phần lớn đời ta uống nước Việt, ăn gạo Việt, nói tiếng Việt nhưng vẫn nhớ nơi chôn nhau cắt rốn. Tim, óc ai chẻ ra cân đong đo đếm bao giờ.”

“Còn văn hóa Việt thì sao?”

“Ta chưa bao giờ phủ nhận người Việt, văn hóa Việt. Phải khẳng định văn minh “chính phủ”, tổ chức chính quyền, công thức xã hội phương Bắc nảy nở trên nền tảng phụ quyền có lí do tồn tại và cắm rễ nơi này, xúc tác tăng tốc chu trình tiến hóa. Thực sự có những thứ ta đem đến đây rất hữu dụng, và ít nhiều vẫn chưa biến hình hoàn toàn cho đến thế kỉ 21 sau công nguyên.”

“Như ngài nói, ngài đâu đã đặt chân đến đồng bằng sông Hồng.”

“Hán Vũ Đế xâm lăng Nam Việt, bọn Việt gian Tô Hoằng cùng quan lang Đô Kê phản phúc chặn bắt Kiến Đức, Lữ Gia. Còn bao nhiêu quí tộc, thân vương theo thuyền buôn, thuyền cá dong buồn về biển Nam ngươi không tính ư. Làn sóng tị nạn ấy đã đem tinh hoa nước Nam Việt đến bến bờ tự do bên dòng sông Hồng.”

“Biên giới Nam Việt, tức nước Âu Lạc của người Việt bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam?”

“Phía nam Ngũ Lĩnh, văn hóa tương giao, chủng tộc gần gũi, các bộ lạc rải rác, quân trưởng độc lập, chế độ mẫu hệ chủ đạo nên không có biên giới. Đừng đem một khái niệm mới đè lên thời trước. Những chuẩn mực chính trị ta xây dựng ở Nam Việt cắm rễ vững chắc vào nền chính trị Việt Nam. Lý Bí xưng Nam Việt Đế. Triệu Quang Phục giương cờ Việt Vương. Sau đó nào là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam… Quanh đi quẩn lại cũng từ hai chữ Nam và Việt mà ra. Cách ta hành xử với Bắc phương được thực hành tới lui hàng ngàn năm mà có lỗi thời đâu. Nên lưu ý, nhà Hán hai lần phải qua tận nơi khuyên dụ, phong vương cho ta. Nhóm hậu sinh thì luôn vội vã tuyển sứ, tải đồ quốc bảo cống nộp cầu cạnh. Họ học hành chẳng đến nơi đến chốn.”

“Miếu thờ, tên đường phố dính dáng đến ngài ở Việt Nam giờ này người ta xóa sổ hết rồi. Thậm chí Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi viết cũng bị biên tập, bỏ nhà Triệu, hoặc giải thích đó là quan điểm thiếu tiến bộ của văn hào, cần xét lại.”

“Khoa học lịch sử là gương mặt, là tư duy, là trình độ phát triển, là thước đo vận động (tiến hoặc lùi) của chính thời đại dung dưỡng nó. Ta mặc nhiên là quá khứ. Văn minh loài người chỉ mới mấy ngàn năm, tuổi ta bằng nửa số ấy. Ngành khảo cổ Trung Quốc gọi mộ Triệu Hồ là Tây Hán Nam Việt vương mộ Bác vật quán. Họ muốn đánh đồng triều đại độc lập ta dựng lên nằm trong kỉ Tây Hán, thời Tây Hán, kiểu Tây Hán và thuộc về nhà Tây Hán. Những chiếc đế tỉ biết nói đấy. Bản thân mi cũng có công nhận thế đâu. Chúng ta chỉ nên quan trọng thực chất mà thôi.”

 

*

Nắng phương nam chói chang. Cô tiếp viên hàng không mở màn che cửa sổ và nhắc nhở mọi người kiểm tra dây an toàn trước khi máy bay hạ cánh. Giấc chiêm bao thật ý vị. Tất cả những đồ vật tôi đã tận mắt chiêm ngắm nơi lăng mộ Văn Vương đều được tái hiện trong mơ, xung quanh Triệu Đà và những người tuẫn táng. Có thể đây là cách làm việc vô thức của một kẻ tìm hiểu lịch sử nghiệp dư, nhằm điểm duyệt và ghi nhớ phút giây xúc động khi đi thực tế.

 

Quảng Châu 2004

Thảo điền tháng 1.2007

Trương Thái Du
Số lần đọc: 3254
Ngày đăng: 28.02.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những người đàn bà gánh tro - Nguyễn Hiệp
Một câu chuyện … - Ngữ Yên
Ðám Cưới - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Lái lợn - Lê Xuân Quang
Điện thoại của mẹ - Ngữ Yên
Lão Hợi - Vũ Ngọc Tiến
Người đàn bà trên đồng hoa vạn thọ - Đào Phạm Thùy Trang
Bếp của người nguyên thuỷ - Nguyễn Thanh Mừng
Chuyện con ruồi - Nguyễn Đức Thiện
Tản mạn ngày cuối năm - Nguyễn Thuỵ Nhã
Cùng một tác giả
Con rồng chữ (truyện ngắn)
Cuộc cờ (truyện ngắn)
Dạ khúc ven rừng (truyện ngắn)
Hồn phố (truyện ngắn)
Khúc hời ru (truyện ngắn)
Giữa mùa mưa (truyện ngắn)
Đêm thị dân (truyện ngắn)
Triệu Vũ Đế (truyện ngắn)
Sa mạc (thơ)
Nguyễn Ức Trai (truyện ngắn)
Chúng tôi là chó (truyện ngắn)
Á đại gia (truyện ngắn)
Phan và Nguyễn (truyện ngắn)
Vàng ảnh vàng anh (truyện ngắn)
Dương cầm (truyện ngắn)
Lỗi văn hóa (truyện ngắn)
Bức tranh hoa đào (truyện ngắn)
Cành hoa đào lửa (truyện dài)
Hòm thư ảo mị (truyện ngắn)
Đông chí (truyện ngắn)
Man đảo (truyện ngắn)