1. Quỳ trở về nhà vào một buổi chiều trời mưa to, cơn mưa như trút nước dữ dội xuống khoảng sân còn ẩm ướt vì cơn mưa hôm trước. Gió lướt trên mái nhà khiến hoa xoài rụng đầy sân. Cây xoài bên hè lại sắp sửa cho trái. Ngày còn nhỏ, tôi và Quỳ đã từng mê mãi với những chùm quả no tròn treo lủng lẳng trên cây đẹp như tranh vẽ. Mưa bắt đầu ngớt hạt, tôi bất chợt trông thấy con Quỳ đứng yên lặng trên mặt sân loang loáng nước, cả người ướt sủng, tóc dính bết vào gương mặt tái xanh. Không biết nó đã đứng đó từ bao giờ. Quỳ đó sao? Đứa em gái chưa tròn mười tám tuổi của tôi ngày nào giờ đây như một thiếu phụ đầy ưu tư phiền muộn.
Vào một lúc nào đó má và tôi biết được con Quỳ thường bỏ học đi chơi thì hình như đã quá muộn. Hàng ngày tôi phải ngồi chợ bán, trưa về ăn bữa trưa vội vàng rồi bắt đầu gói bánh, đêm đêm thức canh nồi bánh đến gần sáng. Chẳng ai để ý đến Quỳ, tưởng nó chăm lo học hành. Một lần nó về khuya gọi cửa, lúc ấy má đã đi nằm. “Sao về muộn vậy?” Vừa mở cửa tôi vừa gắt. Nó làm như không nghe thấy im lặng đi tuốt ra đàng sau. Khi nó đi qua tôi nghe mùi rượu từ nơi người nó. “Uống rượu hả? Quỳ!” “ Chị nói nhỏ thôi để má nghe được. Bánh chín chưa chị? Em đói!” Cái giọng mè nheo giống hệt ngày còn nhỏ. Tôi lườm. “Hồi chiều không phải đã ăn cơm rồi sao?” Tuy nói vậy tôi vẫn lấy cho con Quỳ một đòn bánh tét rồi nhìn nó vừa thổi vừa ăn lại thấy thương, giận sao đành. Khi chúng tôi còn nhỏ, ngủ một giấc thức dậy thấy má còn lục đục ở nhà sau liền đòi ăn bánh. Má luôn mắng yêu nhưng rồi chúng tôi cũng được ăn. Những đòn bánh no tròn thơm nức được máng trên chiếc sào dài trông thật ngon lành. Má nổi tiếng gói bánh ngon từ khi chưa lập gia đình. Ba tôi có đôi chân bước đều thoăn thoắt, đôi bàn tay nhịp nhàng xạ lúa nhanh và đẹp. Nhưng ba đã bỏ gia đình để đi cùng một người đàn bà khác. Tôi không hiểu, có phải vì ba mê cuộc sống thị thành hay vì một thứ tình yêu muộn màng nào đó. “ Cô giáo chủ nhiệm lại đến nhà nữa”. Con Quỳ ngồi trên võng đung đưa, nghe tôi nói môi dưới nó trề ra. “ Đến nữa! Rảnh rỗi quá đến hoài”. “Cô nói nghỉ nhiều sẽ ngồi lại lớp, còn làm bài kiểm tra không được”. “Em chán học rồi”. Nó nói trong lúc đang nhai, miệng đầy bánh “Em sẽ nghỉ học”. “ Nghỉ học để ra chợ ngồi bán bánh như chị sao?”. Con Quỳ nhún vai, làm điệu bộ. “Bán bánh hả? Mấy đứa học chung lớp sẽ cười em” . . . Có đêm má và tôi đi tìm rồi lôi nó về từ một quán càphê đèn mờ dưới những tán cây, đôi khi trên bờ ruộng. Quỳ vẫn ngổ ngáo và ương ngạnh. Những trận đòn xảy ra liên tiếp càng khiến nó bỏ nhà đi nhiều hơn. Con Quỳ đi hai ba ngày rồi về chùi xuống giường ngủ mê mệt. Má lôi nó từ trên giường xuống, ném quần áo ra sân. Quỳ đi luôn từ đó, tóc thẳng qua vai, đôi mắt đen sáng và đôi môi đỏ.
2. Giờ đây Quỳ về, tóc xác xơ khô chẻ ngọn, đôi mắt mệt mõi và đôi môi khô nứt. Sau một tiếng thở dài, một nụ cười buồn và đôi hàng nước mắt má không nhắc gì đến chuyện cũ nữa. Vòng tay của người mẹ nào cũng luôn mở rộng chờ đón những đứa con quay về. Đã chấm dứt những tháng ngày như mộng du, con Quỳ ngồi lau lá phơi dây tiếp tôi gói bánh, cho lợn ăn và chăm sóc mấy luống rau bên hè. Đôi khi theo tôi ra chợ bán. Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi nó không còn là một cô học trò ngây thơ, vô tư trong cuộc sống, mơ mộng chuyện yêu đương. Đã hết những tháng ngày đó. Những tháng ngày tôi không có được. Vì sinh kế tôi đã dở dang việc học hành và chuyện tình duyên cũng không kết quả. Văn làm việc trên huyện, mỗi ngày đều chạy xe qua nhà tôi mấy lượt. Một lần đi bán về tôi gặp anh đang sửa xe bên lề đường. Nắng ở trên đầu, chiếc bóng anh nằm ngay dưới chân, ngắn ngủn. Anh cười, mượn tôi chiếc nón lá. Chiếc nón lá được cho mượn rồi đem trả, chiếc nón lá được đưa đi rồi đưa về, chiếc nón lá che một nụ hôn vội vàng trên đường đê. Văn bứt một cọng cỏ “con gà” tặng tôi. Cọng cỏ “con gà” mỏng manh được cầm bằng cả hai bàn tay mà vẫn run lên nhè nhẹ theo nhịp đập trái tim. Gia đình Văn khá giả, chê tôi ít học, nghèo. Chuyện tình của chúng tôi không có đoạn kết. Anh đã từng rủ tôi bỏ đi thật xa nhưng tôi không thể. Một mình con Quỳ đủ đã làm má tôi già đi trăm tuổi, mệt mõi u sầu, ngủ không yên giấc. Cọng cỏ “con gà” trở thành kỷ niệm.
“Đến khi nhận ra lúc còn quá trẻ người ta thường làm những điều nông nổi thì đã muộn rồi. Em không thể lấy lại những gì đã đánh mất”. Hai chị em nằm hai đầu võng như ngày trước, thỉnh thoảng đến đút củi vào lò. Lửa cháy lớn, khói tuôn ra cửa sổ bị gió thổi lảng đảng như sương mù. Gió thổi mạnh đưa nhánh xoài xào xạc. Lúc còn nhỏ Quỳ sợ lắm cứ ôm chặt lấy tôi còn tôi thì im lặng lắng nghe. Bây giờ cũng vậy, nghe tiếng gió bên hè tôi lại thấy bình yên và vì hai chị em tôi đang ở đây, gần bên nhau. Con Quỳ lót hai tay sau gáy, mắt nhìn lên trần nhà, thở dài. Những tiếng thở dài muộn màng sau khi đã làm điều gì đó đáng tiếc. Sau khi má tôi sụp xuống cũng với những tiếng thở dài. “Em còn biết phải làm gì khi anh ấy bị bắt vì tội cướp giật. Còn đứa bé nữa . . . em đành nhắm mắt đưa chân . . .”. Nó nói nhiều lần rồi, như một lời phân bua. Lần nào tôi cũng im lặng, đau nhói. Vì sao lại ra nông nổi? Nó bị bắt rồi đi cải tạo gần một năm, ra trại đi tìm con thì người đàn bà giữ trẻ đã đưa đứa bé trốn biệt. Xuôi ngược kiếm tìm không thấy, nó đành quay về nhà. “Lúc đói, trong túi không có tiền em thèm bánh tét ở nhà mình biết chừng nào. Em mới hiểu nổi vất vả của má và chị nuôi em. Em hối hận quá!” Con Quỳ thút thít khóc. Nước mắt chảy trong lòng, tôi bỏ đến bên bếp lửa ngồi nghe tiếng nước trong nồi sôi sùng sục. Lạy trời! Mọi chuyện đã qua đi rồi. Đóng lại trang quá khứ để bắt đầu một cuộc đời mới.
Nhưng quá khứ như cái vòi bạch tuột tủa ra, vươn dài quấn lấy tương lai của nó. Một người đàn ông có đôi chân mày rậm, mắt một mí đến tìm con Quỳ ở chợ. Đôi khóe miệng hơi trễ xuống tạo nên vẻ ngạo mạng trên gương mặt xạm đen. Nó hớt hải kéo người đó đi để tránh xa tầm nhìn của tôi. Tôi chỉ kịp thấy một vết sẹo ngắn trên má đã phai mờ. Lóng ngóng đợi đến hết buổi chợ sáng không thấy Quỳ trở lại tôi thu dọn ra về. Trên con đường đất dẫn về nhà tôi cứ phân vân, không biết phải nói thế nào với má đây nữa. “Tình cũ không rủ cũng tới.” Người ta thường hay nói như vậy. Tôi cũng có một mối tình, chưa mới đã cũ. Cọng cỏ “con gà” nằm trong quyển tiểu thuyết xác xơ khô. Quyển tiểu thuyết cũng của Văn tặng, dày ba trăm trang tôi đã đọc gần hai tháng trời. Hôm Văn cưới vợ, tôi đi thơ thẩn trong chợ thị trấn chẳng biết đi đâu. lòng cuồn cuộn sóng, cứ gì vẫn đau khi không thể cùng Văn làm một chuyến viễn du như Quỳ. Đêm nằm nghe gió thổi không còn cảm giác yên lành nữa, trống vắng và hụt hẫng như đã đánh mất một cái gì. Còn đang nghĩ lan man thì nghe tiếng chân chạy phía sau, tôi quay lại. Quỳ đuổi kịp tôi, thở hổn hển. “Muốn dắt nhau đi nữa hả?” Tôi chì chiết, nó lật đật phân bua: “Không có! Anh ấy muốn tìm con. Còn gì nữa mà trở lại hở chị? Suốt thời gian anh ấy ngồi tù em không thể đi thăm được. Giữa chúng em mọi chuyện đã chấm dứt.” Con Quỳ lùi lũi đi bên tôi suốt con đường dài. Sài Gòn mênh mông biết đâu mà tìm. Nhưng chắc gì người đàn bà giữ trẻ còn ở Sài Gòn hay đã về một miền cao nguyên hẻo lánh nào rồi. Như thả chiếc gàu xuống biển.
Vậy rồi thỉnh thoảng con Quỳ lại đi vài ngày, tìm đến những người quen hỏi thăm tin tức đứa trẻ. Sau mỗi lần đi về nó mệt mõi hơn, tuyệt vọng hơn. Mỗi lần kéo chiếc gàu từ lòng biển lên nó lại thấy kiệt sức. Cây xoài già cằn cỗi đang chết dần, rụng đến chiếc lá cuối cùng nhưng má không cho đốn bỏ, sừng sững đứng bên hè như một hình nộm. Gió vẫn thổi nhưng không còn nghe tiếng là xạc xào nữa. Đêm nằm nghe trông trống.
3. Đặt nồi bánh lên bếp xong tôi đi ra nhà trước. Má ngồi trước sân trên chiếc ghế dựa ngó ra đường như lúc con Quỳ bỏ nhà đi. Bây giờ nó chết rồi chiều chiều má vẫn ra sân ngắm mây trên trời, nhìn mông lung đón gió. Buồn phiền đưa đến bệnh tật, Quỳ không chống chỏi được. Ra đi trong khắc khoải, đau đớn, lòng vẫn khao khát tìm gặp con. Còn lại tôi, một mình chăm sóc má, tự chăm sóc bản thân. Một mình gói bánh và đem bán. Đêm đêm, một mình nghe tiếng củi nổ lép bép lẫn trong tiếng nước sôi sùng sục của nồi bánh đang chín tới. Và bên hè, gió vẫn thổi đùa những cụm khói tản mác trong đêm. “Lúc này con gói bánh không chắc tay. Hồi sáng cắt đòn bánh ra má biết liền.” Vừa thấy tôi, má nói. Đôi mắt hấp hem nhìn ra ngoài rào. “Dạ! Con yếu rồi, tay ghịt dây không chặt nữa.” Má thở ra chép miệng: “Mày sống già như vậy sao!” Tôi cười muốn ra nước mắt. “Má ơi! Còn nói mà làm gì!” “Coi ai lấp ló ngoài rào đó. Người ta hỏi gì?” Mắt má vẫn còn tinh lắm. Tôi chưa ra đến cổng thì người bên ngoài đã bước vào trong rào. Người thanh niên cao dong dỏng nhìn tôi rụt rè. “Cháu muốn hỏi có phải nhà cô Quỳ gia đình sống bằng nghề gói bánh tét?” Thoạt đầu tôi thấy khuôn mặt thằng con trai rất quen, khoảng hai mươi tuổi, cứ ngờ ngợ như đã gặp ở đâu. “Cháu là…?” Ngay lập tức tôi nhận ra đôi chân mày rậm đen và hai khóe miệng hơi trễ xuống. Đôi mắt một mí nhìn tôi thăm dò. “Cháu là con của mẹ Quỳ. Má nuôi con chết rồi chỉ con về đây tìm mẹ."
4.
Nắng đã tắt nhưng bầu trời vẫn còn sáng trong, gió thổi qua thân cây xoài xám xịt khô cằn. Trên sân không có hoa xoài rơi tơi tả như ngày nào, chỉ có một chiếc bông duy nhất gió mới thổi tạt về. “Má ơi!” Nước mắt lưng tròng tôi quay ra sau thì mới hay má đã đứng sau lưng tôi từ bao giờ. Đôi mắt hấp hem đầy nước.