Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.204.590
 
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ
Nguyễn Thị Minh Ngọc

Buổi tập sáng 23/8/1997 trước khi biên đạo múa Ea Sola đưa đoàn sang Thụy Sĩ và Đức biểu diễn, tôi có xin cho đạo diễn Hoa Hạ dự khán. Ea Sola mời thêm Thành Lộc vì theo cô:

“... Vừa đọc được những lời phát biểu của Lộc sau các chuyến đi Tây. Tôi luôn muốn thế giới thấy cái thật của người Việt Nam: đẹp, bao la và sâu sắc. Vì điều này cũng là danh dự của tôi”.

Xem xong, Lộc phải đi tập ngay, sau khi nói qua vở này thấy Sola cô đơn quá. Và sau đó là cuộc trò chuyện giữa Hoa Hạ và Ea Sola.

Hoa Hạ:     Sao chị can đảm quá vậy?

Ea Sola     (Im lặng khá lâu)

Hoa Hạ:     Cảm giác thú vị đầu tiên là được nghe ca đúng chữ đàn. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bây giờ không chịu hoặc mất hẳn khả năng đó. Gần đây tôi thường mang cảm giác tuyệt vọng của dã tràng khi làm với cải lương. Gia sản ông bà để lại cứ bị hao mòn và bị tiêu xài một cách hoang phí. Ở đây, Sola đã nhìn ra được và đem tới cho nhạc tài tử một sức sống xứng đáng, đã chọn đúng hướng để đi.

Ea Sola:    Tôi luôn nhớ ơn những giai điệu tài tử mà ông bà mình bằng óc, tim đã sáng tạo ra, để lại và tôi bày tỏ lòng tôn trọng đi sản này bằng cách xin mọi người đàn hát đúng chữ, đúng bài, tuyệt đối không đàn điện, khuyếch âm.

Hoa Hạ:     Trước đây, nhạc tài tử chỉ có hát đơn và chưa phối hợp với hiệu quả sân khấu. Đôi khi chúng tôi đã định thiết kế đồng ca cho cải lương nhưng chưa dám làm.

Những bài Tứ đại, Giang nam trong vở này đã được thiết kế khá đắt. Nhất là những lúc tiếng ca bị tước đi nhạc đệm hoặc nén chặt lại như tiếng vọng dưới lòng đất, đó là lúc ý tưởng của tác giả được bộc phát mãnh liệt nhất.

Tôi cũng rất thích cách xếp đặt bài Giang nam song song với âm hò.

Ea Sola:    Mỗi lần “thai nghén” là mỗi đau đớn khác. “Hạn hán và cơn mưa” đã được chuẩn bị ba năm. Còn vở này, tháng giêng 1997 khởi làm, tháng năm lên đường để tháng sáu trở về, mới biết rằng “con” sống được. Chỉ có vài tháng để vừa đi tìm người, vừa cấu trúc ý tưởng trong đầu, vừa lo thủ tục, vừa đi xin đồng phục cho đoàn, vừa dựng, vừa chống đỡ các bất trắc hữu hình lẫn vô hình. Có những lúc phải tự phá bung, bố cục lại hết trước những quay lưng, từ chối. Cuối cùng đoàn cũng trở về đầy đủ và khỏe mạnh.

Hoa Hạ:     Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ Tho: cái nôi của cải lương và nhạc tài tử. Khi lên thành phố học đạo diễn kịch vẫn chui sang học lóm hát bội và cải lương. Gần đây có cơ hội sống và làm với cải lương sáu năm, đã có lúc tập chuyển thể, viết và thiết kế bài ca, thử nghiệm nhiều cách nhưng chưa bao giờ đạt tới điều mình muốn nói như Sola. Nguyên nhân là tôi và chúng tôi đã hiểu những bài bản này theo nghĩa hẹp của nó. Và Sola đã hiểu được chúng trên bình diện rộng hơn, đã đẩy được thân phận con người ra đối mặt với vũ trụ.

Ea Sola:    Có người nói với tôi rằng: “Cô chỉ may mắn hơn chúng tôi là cô có một thời gian sống và học ở xứ người thôi, chứ thật ra tài năng của cô còn giới hạn. Cô còn thiếu và yếu nhiều mặt lắm...”

(Hoa Hạ nhắc lại với tôi những đêm thức trắng ở Ninh Bình, đợt Liên hoan Sân Khấu Nhỏ Toàn quốc Lần 2, chúng tôi đã bàng hoàng trước một điệu hát bị coi thường đến độ bỏ bê trong Nam nhưng đêm ấy nó đã trở nên lóng lánh diệu kỳ qua giọng ca trút hồn của một nữ diễn viên Nhà Hát Cải Lương Trung Ương. Đó là điệu Lý Chiều chiều.

Riêng tôi, lại nhớ một câu hát vừa được nghe trong “Ngày xửa, ngày xưa”: “Quanh co đường trường, dấu chân còn in vết máu”).  

Ea Sola:    Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có khắc nghiệt quá không? Tôi đã yêu cầu những người tham gia vở này tuyệt đối không được phấn son và trang sức. Tuy nhiên tôi biết có những đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài còn khắc nghiệt hơn tôi nhiều. Có người đã nhốt tập thể diễn viên lại cả tuần để tìm cách lôi cho ra được những điều diễn viên vẫn có sẵn trong người nhưng chưa ai nhận biết.

Hoa Hạ:     Tôi tin tôi hiểu vì đã trãi qua kinh nghiệm này.

Ea Sola:    Vở này, có một phần nào đó trong mình khiến cho mình không thể tránh mặt nó được. Đứng trước thời gian chung của nhân loại, thời gian sống của con người quá nhỏ. Tuy nhiên điều này vẫn không ngăn mình phải làm một cái gì đó để đề cao CON NGƯỜI.

Khi trôi theo những chuyến tàu, tôi cứ nghĩ tại sao lại có hạng một, hạng hai mà lý ra chỉ nên có một hạng nhất mà thôi. Có cần không, phải phân biệt, khi đứng ở cái mốc này, bước tới vài bước là miền Trung, bước lùi vài bước là miền Nam. Tại sao lại bó buộc rằng phải sinh đẻ lớn lên tại vùng đó mới được quyền khai thác những đặc thù của nơi này.

Ví dụ ngoài cái cải lương của những người đã sống thời mới khai phá miền Nam, còn có cải lương của những người mới lớn lên. Và đừng quên còn có cải lương của những người ở khắp nơi khác đã cảm thụ được nó. Nhờ vậy mà những đứa con lai, xa gốc gác nguồn cội ông bà, sống ở Nam Mỹ, Trung Phi, Bắc Âu, Tây Á... mới có thể chia xẻ được kho tàng văn hóa thế giới rồi từ đó đưa thêm những cái xa hơn.

Tôi chỉ là một đứa con lai, mười mấy năm hoạt động trong ngành múa, nhức nhối nổi chưa bao giờ được thấy tác phẩm múa Việt Nam trên sân khấu chuyên nghiệp thật sự của thế giới nên vài năm qua đã cặm cụi và tích cực làm để điều đó phải xảy ra. Quê nội ở Vĩnh Long, sinh ra và lớn lên mười bốn năm ở núi rừng cao nguyên Trung Việt. Khi còn bập bẹ, luôn hãi sợ Việt Cộng và người Bắc là những người nghe đồn có tới sáu ngón tay. Một sáng thức dậy, thấy Việt Cộng đầy nhà, hóa ra cha mình chính là Việt Cộng. Chuyện đầu tiên là lật tay các chú các bác xem bàn tay có sáu ngón hay không? Từ sợ chuyển sang YÊU rất nhanh... “Thương nhau trái ấu cũng tròn” mà!

(Lại dội bên tai tôi, người ghi bài này, những câu hát vừa nghe được:

Nghe suối reo nhớ đấng sinh thành

Chim kêu vượn hót nhớ bầy

Gót chân chai mòn, nhớ đèo dốc cao...

... Nhớ nhau sỏi đá cũng sầu). 

Ea Sola:    Cái giọng lai của tôi, vào trong này, người ta bảo nhau, giọng Bắc đó, phải cảnh giác. Còn ra Bắc, lại được khen, êm ái quá giọng Nam. Ngôn ngữ dễ gây ngộ nhận. Tôi chỉ cố gắng học và nghiên cứu để có thể truyền đạt dễ dàng hơn đến tập thể đàn hát đang cùng thể hiện ý tưởng của mình một cách chuyên nghiệp.

Gần một năm nay, từ ngày 5/9/1996, gần như tôi không tiếp xúc báo chí và trả lời phỏng vấn ở đây, chỉ trừ lần nhà văn Ngô thị Kim Cúc đến lấy tin sau chuyến biểu diễn đầu của vở Ngày xửa ngày xưa... Cũng trong chuyến ấy, giáo sư Trần văn Khê có nói với tôi: “Chú ngạc nhiên nhưng mừng vì đã có người kế tục”.

Đó là lý do ngay sau đó, chú cùng tôi và người trưởng đoàn thuộc Bộ Văn Hóa Việt Nam tổ chức một đêm nhạc tài tử miễn phí cho bà con mình ở Nhà Việt Nam-Paris.

Và rồi thì...

Hoa Hạ:     Số phận của những người nói thật thường hiếm khi được vui. Xin chúc mừng những thành công và xin được chia xẻ những nẻo đời đã và sẽ không trơn tru...

Câu chuyện tạm ngưng ở đây. Sau đó Hạ và tôi tạt vào nhà Phương Hồng Thủy. Gặp Vũ Linh, Hoa Hạ cứ bần thần:

- Phải chi sáng nay các bạn được cùng coi, tôi tin rằng các bạn sẽ nghĩ và làm khác đi, chắc chắn là sẽ đàng hoàng hơn cái đang làm.

Vũ Linh nghe Hạ kể cũng nôn nao, thôi thúc chúng tôi tiến hành đi, một dự định cách đây vài năm, Hạ đã tính làm nhưng nản lòng bỏ dở. Người nhen lửa cho chúng tôi tình cờ lại là một cô gái nhỏ mà trong một lần trao đổi với tôi cô đã tự nhận mình là một con trâu, một con trâu biết thiết kế cái cày, cái bừa cho mình, và đã biết nhúng toàn thân vào bùn đất, ao hồ Việt nam, để có thế cất lên lời hoan ca thống thiết:
                                           Khát vọng nhân sanh đất lành

Lòng không thù oán. gươm giáo thôi giao tranh

Sao Hôm đêm đêm thức đợi sao Mai

Lời thề ai dám đơn sai

Xin chớ nhạt phai, gừng cay, muối mặn

Dù cho đất lở, núi đổi, non dời...

Nguyễn Thị Minh Ngọc
Số lần đọc: 5077
Ngày đăng: 18.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 1 - Nguyễn Ngọc Bạch
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 2 và hết - Nguyễn Ngọc Bạch
Suy nghĩ về nhạc cải lương - Nguyễn Ngọc Bạch
Cải lương chi bảo: Bạch Tuyết - Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Hồng Tuyết “Sân khấu là chổ đứng khán giả là niềm vui” - Võ Quê
Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh - Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương - Khuyết danh
Thương nhau hát lý qua cầu - Thanh Bình
Dòng kênh đi từ hướng mặt trời - Thanh Hiền
Nghệ thuật Cải Lương - Khuyết danh