Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.500
 
Bức tranh không lời
Trương Hoàng Minh

Truyện ký

 

Kính nhớ Tiến sĩ Y khoa Đ.V.C

                         

Má tôi kể. Khi mang thai tôi, má tôi làm theo lời bà nội chỉ dạy. Mỗi tháng vào đêm trăng tròn má ra ngoài sân ngồi hướng về mặt trăng, vén áo lên tới ngực, trịch quần xuống khỏi rún rồi vừa xoa bàn tay vào vùng bụng vừa nói liên tục :"Con phật con tiên thì hãy vào đây con quỉ con ma mau đi chỗ khác". Bà nội nói làm như vậy sau nầy sanh con ra mới lành lặn tốt đẹp?.

 

Có lẽ lời nguyện cầu thành khẩn của má tôi đã động lòng trời nên chín tháng mười ngày sau má vượt cạn bình an với đứa con trai kháu khỉnh. Đầu tròn vo, trán không vồ, ót không sọ khỉ. Môi không sứt, mắt không lé. Răng không hô không móm. Tay không cán vá, gối không khuỳnh chân lư. Chỉ có cái miệng khá rộng, khi cười muốn đến mang tai nhưng bà nội tôi vui vẻ nói :

-Không sao. Đàn ông miệng rộng thì sang, số của nó sau nầy chắc chắn giàu sang sung sướng.

 

Tôi chào đời tại nhà, lúc gần nửa đêm ngày mười sáu tháng ba âm lịch. Hôm ấy trời trong vắt, không một gợn mây. Trăng tròn vành vạnh, sáng vằng vặt, rải vàng lên khắp cành cây ngọn cỏ. Thôn xóm chìm vào giấc ngủ thật sâu, chỉ có tiếng khóc của tôi là tiếng động duy nhất khuấy động không gian yên ắng. Mà kể cũng lạ. Sau khi lọt lòng mẹ tôi không hề khóc như những đứa trẻ bình thường. Bà mụ phải nắm hai chân tôi xách chổng ngược đầu xuống đất và vã vào đít mấy cái tôi mới "oa, oa" vài tiếng rồi thôi chứ cũng không khóc dai. Ông nội tôi biết Nho học bèn đặt tôi tên Thanh Tịnh hàm ý cả ngoại cảnh lẫn nội tâm của tôi đều trong sáng tĩnh lặng.

 

Ông nội tôi đã lầm. Sau khi biết đi biết chạy, tôi là đứa trẻ vô cùng hiếu động. Đồ đạt trong nhà ở bất cứ nơi đâu cũng bị tôi lục tung. Tía tôi làm thợ mộc tại nhà, tôi cũng làm, hễ ông buông ra cái gì tôi chộp ngay cái đó. Dù là con đầu lòng được cưng chiều nhưng đôi lúc tôi quậy phá không chịu nổi tía má tôi cũng bực bội la hét ỏm tỏi. Bà nội rầy :

-Nó mà nằm một chỗ là bây khổ đó nghen?

 

Tía tôi nói :

-Má bồng nó về bển một bữa mới biết đá biết vàng.

Bà nội bồng tôi về nhà bà. Chưa hết một ngày bà bồng sang trả và lắc đầu :

-Giữ nó còn cực hơn chăn nguyên bầy trâu!

 

Từ ba bốn tuổi trở lên tôi còn xéo xắc hơn nữa. Tôi chẳng những chọc ghẹo ngắt véo em út trong nhà mà còn cả trẻ con hàng xóm khiến tía má tôi ngày nào cũng bị cha mẹ chúng mắng vốn đầy hai tai. Lũ trẻ trang lứa sợ tôi như… sợ cọp!

*

Sanh ra nơi ruộng đồng, trong một gia đình có trâu bầy, ruộng chục lúa thiên nên tôi làm bạn với ruộng đồng khá sớm. Chín mười tưổi đã biết cỡi trâu, rành gài rập chuột, móc cua đặt trúm, bắt nhái cắm câu, đặt lờ đặt lọp… Hậu quả là mình mẩy tôi mốc thích mốc cời, đầy rômsảy. Nhiều nhất từ lưng quần trở xuống, sần sùi như da rắn ri cóc. Lúc ngứa gãi đỏ tươi giống y giề cơm cháy. Ở hai bên háng còn thêm hai  miếng  lác  đồng tiền  tròn vo, bự  bằng  miệng  chung  mắt trâu. Tôi bẻ lá so đũa non vò nát thoa khắp mình và bẻ lá me  nấu  nước tắm cả nửa  tháng  mới hết rôm sảy nhưng hai miếng lác đồng tiền không hết. Tôi tìm hái đọt  muồn , đọt ô môi đâm nhuyễn trộn với dầu lửa xức cũng trơ trơ, cứ tái đi tái lại hoài. Anh sáu Hoà, con bác tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, rất liếng khỉ. Một hôm anh kêu tôi lại nói :

-Ê Tịnh! Mầy bị lác gon hay lác hến?

-Lác đồng tiền. Tôi thành thật. Anh cười :

-Lác gì cũng được. Để tao chỉ cho mày một bài thuốc trị lác hay hết sẩy.

 

Tôi mừng rơn :

-Thuốc gì vậy? Dễ kiếm hông?.

 

 Anh nói chắc như ghịt :

-Dễ ợt, nhưng phải đợi nước ròng sát xuống bãi sông kiếm mới có.

-Kiếm cái giống gì ở dưới? Tôi ngạc nhiên.

-Sình non và bần chín rụng. Anh nhướng mày.

-Chi vậy? Tôi hỏi.

-Để trị bịnh chớ chi.

-Bộ sình non  và bần chín trị lác  được sao?.

-Số dách! Anh búng tay.

-Trị bằng cách nào?

 

Anh vừa nói vừa ra bộ :

-Mầy lấy sình non bôi một lớp  mỏng lên chỗ lác rồi lấy hột bần chín  rải đều trên đó. Vài hôm sau bần con mọc lên lác sẽ từ từ chết sạch.

Trời đất! Tưởng thuốc gì hay lóng lỗ tai nghe ai dè ảnh giễu mình!

 

Tôi rất bực bội với hai miếng lác . Ở nhà bận quần xà lỏn rộng rãi mát mẻ ít ngứa. Khổ nhất là khi đi học phải bận quần dài chật chội lại ngồi một chỗ hầm hì nên nó ngứa liên tục. Mà gãi ngoài hai lớp quần không đã ngứa buộc lòng tôi phải tháo dây nịt, mở nút quần thọc tay vào quào đến trầy da rướm máu mới đã. May phước  lớp tôi chỉ toàn nam, nếu có nữ mắc cỡ chắc chết. Thằng bạn ngồi kế bên nói với tôi:

-Anh tui cũng bị lác. Tui thấy ảnh mua thuốc xức lác hiệu ông tiên xức một vài lần hết trơn hà. Đâu bạn mua thuốc đó xức thử coi?.

Tôi bèn xin tiền má mua một chai. Má cảnh cáo :

-Thuốc đó nóng rát lắm nghen mậy?.

 

Kệ, chịu nóng rát giây lát còn hơn ngứa ngáy tối ngày, còn hơn bị anh sáu Hoà chọc ghẹo, còn hơn vô lớp gãi sồn sột bị bè bạn chế nhạo. Trước khi xức tôi quào hai miếng lác tróc mày rướm máu cho thuốc dễ thấm. Vừa quệt vô một miếng thuốc tôi tá hoả tam tinh nhảy cà dựng cà dựng như đạp nhầm ổ kiến lửa. Trời đất quỉ thần ơi! Thuốc gì nó nóng rát như  hột ớt hiểm rớt vô con mắt, thấy mấy ông trời một lượt. Chịu hết nổi tôi định nhảy xuống sông tắm. Nhưng, nếu tắm thuốc sẽ trôi hết sạch rồi còn gì? Tôi cố gắng chịu đựng bằng cách lấy quạt mo chạy ra vườn tuột quần ngồi quạt phành phạch. Nhờ có gió mát cơn nóng rát dịu dần dịu dần rồi hết hẳn. Chỗ da xức thuốc phồng vộp tái ngắt. Xức được một lần tôi thấy bớt ngứa nên cắn răng chịu đau xức thêm vài lần nữa. Những lần sau nóng rát ít hơn. Phải công nhận thuốc hay thật, hai miếng lác từ từ khô mặt rồi hết luôn, da láng lứt như cũ nhưng hơi thâm đen.

 

Từ đó tôi đã biết tự bảo vệ thân thể mình. Sau khi móc cua, bắt nhái cắm câu, đặt lờ đặt lọp tôi đều tắm rửa sạch sẽ, thay đồ khô ngay chứ không bận đồ ướt như trước  kia nên  không bị rôm lác nữa. Tôi mạnh  cùi cụi, lớn  như  thổi. Bà ngoại sang

 

chơi thấy tôi trầm trồ, mắng yêu :

-Thằng chó, mới còn tắm ở truồng đây mà đã nhổ giò lớn đại rồi.

 

Vậy mà, đến  năm  mười ba tuổi  tôi vướng  một trận  đau  thừa chết thiếu sống.

Ông mười Khoanh, thầy hốt thuốc bắc trên chợ bắt mạch nói tôi bị trái giống (đậu mùa). Hồi đó tất cả học sinh tiểu học đều được trồng trái (chủng ngừa đậu) ngay tại lớp nhưng tôi không nhớ tại sao hôm ấy tôi lại vắng mặt. Nhờ tía má tôi và ông thầy mười Khoanh tận tình chăm sóc chữa trị nên tôi may mắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng, di chứng của căn bệnh đã để lại trên gương mặt rất nhiều thẹo lõm bằng mút đũa ăn cơm. Mặt tôi rỗ chằng. Vậy mà bà nội còn nói tôi có phước! Cái phước đó là đậu không trổ ra mắt, nếu trổ tôi sẽ bị mù.

 

Hồi bị lác tôi còn nhỏ, còn khá vô tư nên chỉ mắc cỡ hơi hơi. Khi bị đậu mùa đã thành thiếu niên nên tôi vô cùng đau khổ với gương mặt rỗ chằng rỗ chịt của mình. Ngày đầu tiên trở lại lớp sau gần nửa tháng đau, tôi nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của bạn bè. Chúng bu quanh tôi như kiến bu cục đường nhưng chẳng thằng nào hỏi thăm mà toàn lời chọc ghẹo cười cợt. Thằng Thuấn hỏi xách mé :

-Ê, bộ mày té dập mặt vô thùng đinh của tía mầy sao lủng lỗ dữ vậy Tịnh?. Thằng Đạo cãi :

-Đâu có. Tại hồi nhỏ nó ăn xôi dính mặt bị gà mổ .

 

Một anh lớp lớn chen vào :

-Tụi bây nói sai rồi. Nó là siêu nhân đấy. Tại sao à? Tại vì trên mặt người ta chỉ có bảy lỗ còn nó có đến… vạn lỗ không thấy sao?.

 

Anh khác chỉ tôi bài thuốc tri mặt rỗ bằng cách ăn nguyên nải chuối hột ướp ướp thô tục còn hơn bài thuốc trị lác của anh sáu Hoà khiến cả bọn cười ré lên thích thú. Các bạn gái không ngổ ngáo như các bạn trai mà chỉ nhìn tôi rồi che miệng cười khúc khích. Từ đó, khi nói về tôi chúng nó đều dùng các biệt danh "nhứt nhơn vạn lỗ, Tịnh gà mổ, Tịnh rỗ" nhưng phổ biến nhất là "Tịnh rỗ" và "Tịnh gà mổ". Hàng xóm của tôi cũng vậy. Đôi khi tôi nghĩ phải hồi đó chết hoặc bị mù còn sướng hơn!

 

Tôi không ngờ bạn bè quá vô tình và nhẫn tâm đùa cợt trước sự đau khổ của tôi. Chính cái thái độ đó đã đẩy tôi rơi vào trạng thái mặc cảm tự ti nặng nề. Đây không phải là lỗi của tôi mà là một tai nạn cho nên tôi rất cần sự cảm thông và những lời an ủi của mọi người. Hình như không ai có những thứ tôi cần thành thử mặc cảm của tôi càng ngày càng lan rộng chứ không bó hẹp trong phạm vi một lớp!. Tôi định nghỉ học để không còn bị tủi thân. Tôi biết làm như vậy tía má tôi buồn và tương lai mù mịt. Nghỉ học tôi sẽ làm gì? Tiếp tục sự nghiệp thợ mộc của tía tôi hay thành một nông dân theo quan điểm của bà nội, vác giạ đong lúa chứ không vác giạ đong chữ !?.

 

Một buổi tối, tôi đến nhà anh sáu Hoà chơi. Anh đang học bài về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ. Ngồi nghe anh đọc thơ ông tôi chợt tỉnh ngộ. Phải. Trót sanh ra ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông. Nếu so sánh thì cái mặc cảm tự ti của thằng học sinh đệ lục (lớp 7) như tôi còn nhẹ hơn gấp trăm lần cái nhục rớt chức của ông Doanh điền sứ, quan nhất phẩm triều đình bị giáng cấp làm lính thú. Vậy mà ông ấy vẫn lạc quan, vẫn cố gắng vươn lên sau khi ngã. Đó chẳng phải là điều khâm phục lớn nhất đời người hay sao? Trông người mà nghĩ đến ta. Để có danh gì với núi sông Nguyễn Công Trứ phải làm lại từ đầu trong khi mình đã đi được gần phân nửa đoạn đường thì sao lại phá ngang?. Hôm khác, nghe tôi định nghĩ học  ông  nội nghiêm khắc  nói :"Đời  người  như  quyển  sách  quí  còn  bi quan  mặc cảm là mối mọt. Nếu ta không diệt bi quan mặc cảm thì sớm muộn gì nó cũng huỷ hoại đời ta như mối mọt huỷ hoại quyển  sách vậy". Rồi ông khuyên : "Là nam nhi phải lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế quí hiển phụ mẫu  cũng là một cách báo hiếu cha mẹ".  Nghe lời ông, tôi quyết định không  nghỉ học và tâm nguyện  phải học thật giỏi, đỗ đạt thành tài mới nghe!

 

Tuy đã tìm được phương pháp hoá giải mặc cảm nhưng tôi vẫn hạn chế tiếp xúc với bạn bè, hạn chế tham gia những trò vui tập thể. Về nhà cũng thế. Khi cần thiết hoặc tía má sai đi tôi mới giao thiệp với hàng xóm. Nói thế không có nghĩa tôi tự giam mình vào mật thất như nhà tu khổ hạnh mà tôi hành đạo như một thiền sư, đến giờ thì ngồi thiền hết giờ thì thỏng tay vào chợ. Đối với bạn gái tôi càng cẩn thận hơn, không dám phiêu lưu mạo hiểm. Khi bước vào lứa tuổi yêu đương, biết mình xí trai nên tôi tự khoá chặt cõi lòng cho tình yêu ngủ yên dưới tận cùng sâu thẳm của con tim. Nào ngờ, khi quen Ngọc Diễm, tình yêu trong tôi bừng tỉnh. Vừa thức dậy nó  đòi hỏi và gây bạo loạn liền. Nó báo cho tôi biết Ngọc Diễm là nửa kia của tôi rồi thúc giục tôi phải đến với nửa kia của mình…

 

Sang trung học đệ nhị cấp tôi lên tỉnh học trường nam Phan Thanh Giản. Ngọc Diễm học trường nữ Đoàn Thị Điểm, khá đẹp, học dưới tôi một lớp. Nàng con một viên thư ký hành chánh, nhà đối diện với nhà tôi trọ học. Ngọc Diễm có người anh chú bác ruột tên Tấn học chung lớp với tôi. Nó là cầu nối giữa nàng và tôi. Nghe Tấn giới thiệu tôi rất giỏi Toán Lý Hoá, nửa năm đệ tứ, nàng chủ động làm quen với tôi bằng cách sang nhờ hướng dẫn thêm ba môn  ấy để chuẩn bị cho kỳ thi Trung học đệ nhất cấp. Không biết do Ngọc Diễm học giỏi hay nhờ tôi dạy kèm mà nàng đậu hạng bình thứ. Từ đó về sau, tôi trở thành "gia sư" không công của Ngọc Diễm, khi thì dạy tại nhà trọ lúc lại sang nhà nàng. Thời gian đầu hai đứa tôi coi nhau như bạn bè, nói năng chơi đùa tự nhiên. Càng về sau mối quan hệ càng gắn bó mật thiết và có nhiều dấu hiệu vượt lên trên tình cảm bạn bè. Thấy vậy Tấn xúi tôi thỉnh thoảng đưa nàng đi ăn xâm bổ lượng, đi xi nê…Rồi, cái gì đến đã đến. Tôi thầm yêu Ngọc Diễm. Nàng cũng có cảm tình với tôi nên tôi viết thư tỏ tình. Mấy ngày liên tục nàng không sang học khiến tôi bồn chồn lo lắng. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây? Mãi đến gần một tuần, đứa em gái kế nàng mới mang quyển sách sang nói nàng gởi trả tôi. Dĩ nhiên trong đó có thư của nàng. Tôi mừng rỡ leo nhanh lên gác mở thư ra đọc. Trời ơi!… Tôi choáng váng và bủn rủn tay chân ngã vật ra giường. Trong thư chẳng có chữ nào, chỉ có hai cái hình… con cóc và cây thang !?!

*

Tôi chẳng những bị rôm sảy, lác và đậu mùa mà còn bị ban đỏ (sởi) năm bốn tuổi. Đây là những căn bệnh mà hầu hết trẻ con đều mắc phải cho nên sau khi đậu tú tài toàn phần tôi quyết định  thi vào  trường đại học Y khoa để có cơ  hội giúp  đỡ các em. Nhất  là bệnh đậu mùa, căn bệnh quái quỉ đã huỷ hoại cái làn da mịn màn mà thượng đế đã ban tặng trên gương mặt mọi người. Tục ngữ có câu tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng tôi thấy có nhiều lĩnh vực không hẳn như vậy. Chẳng hạn như những món đồ trang trí nội thất dù đóng bằng các loại gỗ quí nhưng nếu không được phủ lên một lớp sơn véc-ni thì mất cả giá trị của gỗ và giá trị thẫm mỹ. Chẳng hạn như một ngôi nhà tường, nếu không quét nước vôi trông nó rất nham nhở ? Chẳng hạn như tôi, dù học  rất giỏi ở trung học (đậu  từ  hạng bình đến hạng ưu  trong các kỳ thi) mà từng bị người ta từ chối tình yêu rất phũ phàng và khá tàn nhẫn đây sao?

 

Từ đó trở về sau tôi như con chim bị tên hễ thấy cây cong là sợ. Hơn nữa, bạn gái bây giờ đều là những bác sĩ tương lai, địa vị xã hội và tiền tài là đôi cánh thiên thần đưa ước mơ và hy vọng của họ bay đến chín tầng mây. Chứ không phải như các bạn gái thời trung học, ước mơ và hy vọng của họ tuỳ thuộc vào hai kỳ thi tú tài quyết định! Nhớ lại chuyện tình đau thương đầy nước mắt của anh chàng Trương Chi tài hoa nhưng xấu xí, tôi niêm phong lòng mình như nhà vua niêm phong dinh thự của cải của một viên quan phạm tội, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đến giờ lên giảng đường, vô phòng thí nghiệm; hết giờ về ký túc xá. Nếu có tiếp xúc với bạn gái thì chỉ trao đổi kinh nghiệm về việc học tập thôi. Nhiều bạn không hiểu nói tôi lập dị. Số khác nói tôi "người hùng tim lạnh". Một thằng còn giở giọng triết lý :

-Tình yêu là hệ số dương, là động lực thúc đẩy con người hướng tới cuộc sống hoàn thiện mẫu mực.

Tôi cười đáp :

-Vậy chớ thầy tu không có cuộc sống hoàn thiện mẫu mực sao?

 

Tuy nhiên, đôi khi nằm một mình trong ký túc xá, gát tay lên trán suy gẫm chuyện đời tôi cảm thấy mình gần giống như lời bạn bè nói và tự hỏi tại sao mình phải làm như vậy? Chẳng thà như một thầy tu không màng danh lợi, gát bỏ ngoài tai mọi chuyện thế gian thì diệt dục đã đành. Còn mình là một thanh niên tràn đầy sức sống, tình cảm xúc cảm dồi dào, con tim vẫn rung động mãnh liệt trước cái đẹp tại sao lại đóng khung nó bởi một thất bại ban đầu? Vả lại, Ngọc Diễm là trường hợp cá biệt mình không thể căn cứ vào đó rồi suy diễn lung tung. Ở độ tuổi học sinh hầu hết các bạn đều bồng bột sôi nổi, chưa hiểu nhiều về tình yêu trong khi ở lứa tuổi sinh viên, các bạn đã điềm đạm, chững chạc và hiểu khá chín chắn về tình yêu. Nếu mình cứ tự kiềm hãm sự phát triển của tình cảm, xúc cảm nay mai mình sẽ biến thành người bị xơ cứng tình cảm xúc cảm cũng nên. Mà, người bị xơ cứng tình cảm xúc cảm sẽ không bao giờ tìm được chân lý, chí ít cũng cho cuộc đời mình. Một lần nữa tôi lại bắt chước các vị thiền sư thỏng tay vào chợ, để tâm lý tình cảm không bị ức chế đồng thời để giải toả cái thành kiến trên của bạn bè.

 

Dù đã cởi trói cho con tim và thỉnh thoảng cùng các bạn gái đi dạo phố, xem xi nê, xem đại nhạc hội…nhưng tôi vẫn còn dè dặt chưa dám mở cửa cõi lòng thành thử suốt một thời gian dài chưa có một bóng hồng nào thấp thoáng trong ấy và tôi cũng không phạm phải một sai lầm nào cả. Mãi đến năm thứ sáu, một hôm tôi và Thục Oanh ngồi trao đổi nhau tại giảng đường, trong khi trên mặt bàn hai đứa tôi cùng nói nói viết viết thì ở dưới gầm, hai bàn chân tôi và hai bàn chân Thục Oanh vô tình chạm nhau. Nàng không rút  lại. Tôi cũng không rút lại mà còn ấp sát chân mình lên chân nàng. Cả hai cùng ngồi im. Mắt nàng ngó xuống trang vở. Tôi nghĩ nàng chắc cũng như tôi, đang lắng nghe cảm xúc mới lạ ngọt ngào xuất phát từ sự va chạm đầu tiên đó nên mạnh dạn nắm tay nàng, bóp nhẹ dọ hỏi. Nàng nín thinh, liếc nhìn tôi rồi cúi xuống trở lại trang vở, e thẹn. Tôi bóp nhẹ tay nàng một lần nữa. Nàng ngước lên. Bốn mắt chạm nhau bật ra bốn tia chớp vừa sáng vừa mạnh chiếu thẳng đến tận cùng thể tánh của nhau làm cho tình yêu bừng tỉnh. Thế là Thục Oanh cũng đã yêu mình. Tôi nghĩ và sung sướng ngất ngây, đắm mình trong hạnh phúc. Vậy mà tôi vẫn không dám tỏ tình bằng lời ngay trước mặt nàng. Lỡ ngộ nhận như lần trước có nước vạch đất mà chun. Vả lại, viết thư thổ lộ tâm tình được nhiều hơn, nếu bị từ chối cũng đỡ quê. Tôi cũng không dám đưa thư trực tiếp cho nàng mà để vào quyển sách rồi hồi hộp chờ đợi hồi âm…

 

Tôi đậu bằng bác sĩ hạng ưu. Rất tiếc là sau khi ra trường tôi chưa có dịp thi thố tài năng thì hai căn bệnh trái giống và trái rạ đã bị thanh toán tận gốc. Hơn hai năm làm việc tại bệnh viện Bình Dân tôi học cao học chuyên khoa Nhi. Biết tôi là người đồng hương Cần Thơ, bác sĩ  Lê nhận tôi làm con nuôi. Ông là bác sĩ chuyên khoa mắt nên khuyên tôi theo học khoa ấy nhưng tôi vẫn không từ bỏ mục đích đã chọn. Tốt nghiệp thạc sĩ, tôi về phục vụ tại bệnh viện Nhi Đồng. Tại đây tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm cách phòng trị các  căn  bệnh  mà trẻ em thường  mắc  phải như sởi, sốt tê  liệt, sốt xuất huyết, ho gà… để làm luận án tiến sĩ. Lấy được bằng Tiến sĩ,  trường đại học Y khoa đề nghị tôi về trường làm giảng nghiệm viên. Tôi từ chối. Ý tôi muốn trực tiếp điều trị cho các em chứ không muốn truyền đạt kiến thức cho người khác làm thay. Một vài bệnh viện tư nhân của người Pháp, người Hoa mời tôi hợp tác tôi cũng từ chối vì ở đó rất hiếm những bệnh nhân nghèo. Những bệnh nhân ở nông thôn lại càng không có. Thầy đỡ đầu tôi ở bậc cao học và tiến sĩ có một dưỡng đường khá nổi tiếng . Ông đề nghị tôi về dưỡng đường của ông làm việc. Thật khó xử. Tôi tìm cách hưởn binh :

-Thưa thầy, hiện nay con còn độc thân nên con muốn bay nhảy một thời gian cho thoả chí tang bồng. Chừng nào lấy vợ con sẽ về với thầy.

 

Thầy tôi lắc đầu cười hết ý.

Ngoài ba mươi tuổi tôi mới lập gia đình với Thục Oanh. Thời gian tôi quen Thục Oanh và  yêu nàng cũng tương đương thời gian tôi quen và yêu Ngọc Diễm nhưng lần nầy tôi không hồ đồ như lần trước vì chúng tôi yêu nhau bằng tất cả sự chân thành, quyến luyến, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Cha vợ tôi là Dược sĩ Tiến sĩ Quốc gia có Viện bào chế thuốc tây (Laboratoire) lớn nhứt nhì ở Sài Gòn. Nhờ ông giúp đỡ tôi được đi tu nghiệp chuyên môn bên Pháp hai năm. Sau khi về nước tôi vẫn không đến làm với thầy đỡ đầu mà một lòng theo đuổi chí hướng tại bệnh viện Nhi Đồng với Thục Oanh và tại Dưỡng đường chuyên khoa nội và nhi của riêng  mình.

*

Bà chủ nhà tôi trọ học trước kia cũng là cô bà con của tôi. Hôm cô mất, vợ chồng tôi về phúng điếu, dự lễ tang. Ngọc Diễm cũng có mặt. Lần đầu tiên gặp lại sau hơn hai mươi năm, tôi suýt quên Ngọc Diễm. Bà ấy chân thành xin lỗi tôi về chuyện của hơn hai mươi năm về trước. Tôi chỉ mỉm cười. Thú thật, lúc bấy giờ tôi không hề trách Ngọc Diễm mà chỉ tự trách mình hàm hồ, không phân biệt được giữa tình yêu và tình bạn hay nói đúng hơn là tình cảm của cô học trò đối với vị gia sư. Sau nầy tôi còn cho đó là điều may mắn nữa. Nếu vương vào con đường tình ái sớm quá, chưa chắc  con cóc sù sì xấu xí nầy có cơ hội báo hiếu cho mẹ cha và có một mái ấm gia đình hạnh phúc./

 

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 2697
Ngày đăng: 26.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc dù nhiều màu - Hội An
Hiện tại - Đào Bá Đoàn
Đời tư - Huỳnh Mẫn Chi
Người cóc - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cuốn sổ tay - Trọng Huân
Chuyện của chú cháu tôi - Hội An
Trên cánh bay của chuông Chùa - Ngô Phan Lưu
Chuông chùa Bạch Vân - Trần Đức Tiến
Rượu của thời chưa sinh - Đào Bá Đoàn
Chuyện đời khó đoán ! - Phan Tấn Lược
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)