1
Hôm gặp lại Thịnh ở đám tang thầy Hà Bay, Thịnh hào hứng nói về những ngày vừa làm việc với Bùi Thạc Chuyên ở Ninh Thuận xong:
“Ê, Minh Ngọc, sau khi đã tham gia bao nhiêu phim, bây giờ tôi mới dám nghĩ mình là một diễn viên điện ảnh thiệt thụ mà không thấy xấu hổ”; rồi Thịnh hạ giọng, “Tôi sẽ lấy lại tên của tôi, Mai Văn Thịnh”.
Chúng tôi ngồi trên vỉa hè đường Bàn Cờ, đợi những anh chị em khác đến, đó là những người đã trôi từ Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ cũ sang Trường Nghệ thuật sân khấu 2 rồi sau này là Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh. Bao kỷ niệm của những ngày nghiệt ngã sau 1975 được nhắc lại.
Những chuyện mà bây giờ dù mang tiếng là người giàu tưởng tượng, tôi cũng không thể tưởng tượng nổi. Ngay lúc đó tôi đã mong cho Thịnh được một giải gì đó trong phim này, mong còn hơn mong cho Chuyên hay tôi, chỉ bởi một chuyện mà Thịnh vẫn chưa biết: tôi có mượn một số chi tiết thật của Thịnh viết thành một chương hẳn hoi trong cuốn tiểu thuyết dở dang mang tên Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ. Tôi khởi viết từ 1985 rồi bỏ ngang.
2
Trong tiểu thuyết đó tôi kể chuyện một anh chàng có vết xăm trong góc háng. Đứa con nít có người cô bị chết vì chiến tranh, nghe người lớn xúi bẩy định xăm bảy mẫu tự của hai chữ nhưng mới được bốn mẫu tự thì bỏ dở vì... đau quá. Anh lớn lên, đi lính cộng hòa, được móc nối nhận công tác của những người trong rừng. Và anh cũng được theo học Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn vài năm trước 1975.
Vì là địa phương quân, anh không phải đi học tập nhiều. Rồi bạn bè rủ thi vào lại trường xưa, tên mới. Trong lớp anh thường được giao những vai ác, xấu như Iago, như Bá Kiến, Nghị Hách, Mã Giám Sinh, hoặc kẻ chuyên mở ổ khóa, các loại cướp lớn cướp nhỏ... Vai vận vào người, đa số học viên trong trường nhìn anh qua những vai đó và cứ tin vai có ảnh hưởng từ người hay người cung cấp chất liệu sống cho vai.
Tốt nghiệp, anh được phân công về đoàn nghệ thuật của một tỉnh xa. Giờ nghỉ, chơi bóng chuyền, khi rướn cao có người thấy vết xăm, hỏi chuyện, anh hồn nhiên kể. Rồi anh về trường thi vào lớp đạo diễn, học đến năm cuối, được chi đoàn đề nghị làm đơn xin vào Đoàn. Rồi có người đem chuyện vết xăm ra, cô giáo dạy chuyên môn tiếc tài anh, đề nghị anh tìm cho ra người giao công tác ngày xưa để xác nhận. Anh tốn bao nhiêu tiền của, công sức đi tìm vì người ấy đã trôi giạt đâu dưới Năm Căn, Cà Mau.
Tìm đến nơi thì đầu mối cuối cùng đã chết mà bản thân người ấy cũng đầy oan khuất, không được xác nhận nên mới buồn tình bỏ hết về quê.
Không được vào Đoàn, ngày anh chuẩn bị thi tốt nghiệp, có người đặt vấn đề tại sao lại cho một anh lính ngụy có vết xăm đầy sự căm thù như vậy làm đạo diễn. Phe bênh anh dù đông hơn nhưng không có thế bằng phe chống nên cuối cùng anh bị cho thôi học chỉ vài ngày trước khi cả lớp anh thi tốt nghiệp.
Trong truyện của tôi, nhân vật ấy đi về một đoàn hát làm diễn viên; vì nghèo nên thường cùng vợ rim mứt me đem vào hậu trường bán thêm để lấy tiền nuôi con. Anh em thương - lại thương - đề nghị kết nạp Đoàn cho anh. Câu chuyện cũ được lặp lại, anh được phòng tổ chức kêu lên đề nghị tự viết đơn xin nghỉ diễn. Đoạn cuối chương đó, tôi viết:
“Lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông khóc nấc lên như vậy, có cái gì giống như đứa trẻ con đang bú bị giật đi bầu sữa đang căng của mẹ nó, có cái gì ma quái như chúng tôi thường nói đùa với nhau là bị hồn ai nhập, có cái gì không giống đời thường.
Tú nghỉ được một tuần thì chúng tôi hay tin Liên Hương chuẩn bị được kết nạp Đảng. Và trước khi là đảng viên chị còn được đi cùng với đoàn văn nghệ sĩ VN sang Pháp tham quan một tháng. Cầm lá đơn xin nghỉ của tôi, bà Bích Ngà, ông Tám Tâm và Liên Hương hốt hoảng thật sự. Họ nói tôi ráng gánh giùm một tháng cho Liên Hương.
Đẩy cô đào hạng ba lên hạng nhất thì quá yếu. Kiếm đào mới thì còn gay hơn kiếm vàng. Tôi cương quyết không nhận lời. Tôi nói đó là chuyện của họ. Phần tôi, lý do sức khỏe buộc tôi phải tạm xa sân khấu một thời gian. Bọn họ lại giở luật buộc tôi phải cho họ một tháng để kiếm người thay. Nếu không thì phải bồi thường gì đó. Tôi bằng lòng tiếp tục một tháng nữa.
Và tôi rất mong có một dịp nào để xin khán giả trong vòng một tháng đó tha thứ cho tôi. Tôi đóng không ra hồn ra vía chi cả dù tôi rất cố gắng. Tôi không tin vào những giọt nước mắt của Liên Hương trên sân khấu nữa... Tôi không tin mớ khói giả bộ sương mù, tấm lưới mỏng quệt màu lục non vờ làm tàng lá cây xanh mát. Có lẽ tôi đã được chứng kiến một điều quá thật: giọt nước mắt trong giờ phút hấp hối cuộc đời nghệ thuật của bạn tôi!”.
3
Chính tôi giới thiệu Thịnh cho Chuyên. Hôm nghe Thịnh được giải, sau Thịnh có lẽ tôi là người vui nhất. Nhớ không, hôm đám tang thầy Hà Bay, ngồi ôn chuyện xưa ở vỉa hè đường Bàn Cờ, chúng tôi đã nhắc lại những chuyện mà bây giờ nhớ lại chỉ mong các kỷ niệm đó là mộng cho đỡ đau... đời.
Nhiều người quen cũ nay nên danh phận đã một thời hành xử với nhau phi lý hơn bất cứ loại kịch phi lý nào, khiến chúng tôi cứ muốn nhắc lại lời thoại của vai Êdôp trong vở kịch cùng tên mà chúng tôi đã cùng làm: “Con thú dữ có ác như thế nào đi nữa vẫn không tệ hơn con người, vì nó đã không ăn thịt đồng loại”.
Đó là chưa kể những người ngày nào cùng lê la vỉa hè với chúng tôi, nay có chức quyền, học vị đã có những biến tướng bất ngờ. Thịnh nói với tôi đọc làm gì thơ Bùi Giáng Những tưởng đầu đường thương xó chợ/Ai ngờ xó chợ cũng chơi nhau. Vì những người ấy khi gắn chức quyền, học vị vào người, coi như đã tự xóa tên trong danh sách bụi đời chứ chẳng phải mãi là phó thường dân đầu đường xó chợ như chúng ta.
4
Khi viết những dòng về Thịnh, tôi lại liên tưởng đến nụ cười thiếu răng của nhân vật Ngô Đức Nhật ở xã Vĩnh Hải, huyện Tuy Phong mà Chuyên đã quay thành phim tài liệu Tay đào đất, và về sau này là mẫu cho nhân vật chính trong phim Sống trong sợ hãi.
Tôi nhớ cả người phụ nữ là mẫu cho nhân vật của Mỹ Uyên trong phim, người đã chở tôi bằng chiếc Honda dành cho đàn ông ra thăm mộ của anh chiến sĩ người dân tộc chết vì mìn trong thời hậu chiến - là mẫu của vai Đực mà Thịnh đã đóng. Khi thắp nhang cho anh, tôi vẫn một lời như bao giờ, sao cho số phận con sâu, cái kiến nhẹ bớt oan khiên trong kiếp này và cho những người cùng là nòi Việt giảm hận thù nhau.
5
Trước ngày tôi sang Mỹ với chồng, khi đi dọc đường, đổ xăng, sửa khóa... có khoảng trên dưới 30 người tôi chưa hề quen tên, biết mặt đã chân tình dặn dò tôi, cô ơi, có đi thì nhớ về, đừng có đi luôn. Ở nơi xa, sau má tôi, chồng tôi, đó là những người làm tôi nhớ nhất, và là những người giúp tôi tựa vào sống tiếp sau những cú đánh chí tử của người quen.
6
Trước khi phim được giải thưởng; với riêng tôi, được làm việc với nhóm làm phim chuyên nghiệp và yêu nghề như nhóm Sống trong sợ hãi, lại làm một bộ phim có dính líu tới vùng đất quê nhà Bình Thuận, đã là một hạnh phúc.
Đang cùng với nhà thơ Inrasara và đạo diễn Song Chi chuẩn bị cho một kịch bản phim về người Chăm, phần lớn cốt truyện lại xảy ra trên vùng đất đầy nhạy cảm đó, tôi không quên vở Người đàn bà thất lạc đã dự liên hoan sân khấu ở Philippines và đang được một liên hoan sân khấu châu Á ở New York mời, nhân vật Huyền Trân của tôi phải đổi thành Kiều Nguyệt Nga (pho tượng Dương Vân Nga phải đổi thành Trưng Trắc), còn phim Hải Nguyệt - cũng xảy ra ở Bình Thuận - khi dựng rồi, sau khi duyệt còn phải quay lại một đoạn kết khác để đem ra duyệt lại; và Sống trong sợ hãi thì chỉnh lại gần cả chục lần.
Nếu dự án phim về người Chăm đó thành, hi vọng Thịnh sẽ có một vai trong đó nhờ màu da bẩm sinh của anh. Hình như anh là người lai Khơme, người mẹ hiện sống với vợ chồng anh là mẹ nuôi, bà thương những bạn của Thịnh như chính con mình. Chúng tôi không quên được mơ ước độc nhất của Thịnh là lo cho mẹ có một chỗ trú thân tử tế.