Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.005
123.201.436
 
Tiếng hát con tàu và tuyên ngôn nghệ thuật của Chế lan Viên
Nguyễn Minh Hùng

Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống xâm lược đã có những tác động mãnh liệt đến khuynh hướng sáng tạo của văn nghệ sĩ Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước, làm “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi”. Với Chế Lan Viên, “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” không hề là hành trình tư tưởng giản đơn như ông từng viết, như ta từng nghĩ. Xin trở lại thuở ban đầu khi thơ ông đang say sưa, hồn nhiên hát ca về một lý tưởng nghệ thuật mới…

 

So với Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh và lớp nhà "Thơ mới" cùng thời, phần thơ sau Cách mạng Tháng Tám của Chế lan Viên có bước phát triển hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Thơ ông không phải đường biểu diễn đi xuống trên trục toạ độ sự kiện lịch sử và thời gian - ngược lại với con đường của nhiều tác giả thơ Việt Nam hiện đại. Từ Điêu tàn (1938) thuở hoa niên,  đến Ánh sáng và phù sa (1960) của tuổi bốn mươi; rồi Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hái theo mùaHoa trước lăng Người (1977), cho tới Hoa trên đá (1984), và đặc biệt với Từ thế chi ca, Di cảo I, II,III của những ngày sức yếu vì hoàng hôn của tuổi và bệnh tật hiểm nghèo, mỗi tập thơ đều để lại những ấn tượng, chứng tỏ một năng lượng sáng tạo dồi dào. Ông có nẻo đi riêng của một phong cách, một dòng chảy thông suốt mà bất ngờ, khó ai lặp bước.

Trong tất cả tập thơ Chế Lan Viên sáng tác từ sau 1945 và trong hầu hết những bài thơ quan trọng của ông, dù viết về đề tài gì, nhằm mục đích nào, người đọc có thể nhận ra một thao thức: Nghệ sĩ - ta là ai ?! Đấy là thông điệp thẩm mĩ của Chế Lan Viên. Trong cảm hứng ấy, Tiếng hát con tàu là một trong bài thơ đầu tiên đặt dấu ấn về tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ vốn giàu chất suy tưởng này.

            Nhân vật trữ tình trong Tiếng hát con tàu có hai tư cách: một nhà thơ đã từng sống gắn bó với Tây Bắc trong những năm tháng kháng chiến khốc liệt, anh hùng đang nhớ lại Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất, và một nghệ sĩ đang khao khát trở về với nhân dân để sáng tạo nên những Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân. Trục cảm hứng của bài thơ được hình thành trên ba đối tượng liên tưởng: Con tàu - Tây Bắc - Anh (Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng ?). Tây Bắc thì có thật; Anh cũng coi như là thật rồi; còn con tàu là hoàn toàn tưởng tượng.

Tây Bắc là quê hương kháng chiến - Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng. Tây Bắc còn tượng trưng cho quá khứ anh hùng, cho ngọn nguồn kháng chiến, cho cuộc sống ở nơi tiêu biểu nhất, đáng sống nhất. Nhưng, Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc, Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch... Đó còn là cuộc sống của Đất nước mênh mông chứ không phải nơi đời anh nhỏ hẹp. Đó là ngọn nguồn của cảm hứng sáng tác - Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ...Chế Lan Viên cho rằng,  người nghệ sĩ sáng tạo của thời đại mới phải đi, phải phản ánh, phải bộc lộ cảm hứng trước cuộc sống ở bề sâu, tầm cao của nó. Đó là cuộc sống Mười năm qua như ngọn lửa - Ngàn năm sau, còn đủ sức soi đường. Nhiều lần Chế lan Viên đã bộc lộ quan niệm này:

Cuộc đời quyết định "một nửa" tác phẩm:

Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.

                                                            (Sổ tay thơ)

Cuộc sống phải được thâm nhập trong nhiều chiều kích của nó:

Ra đi, chạm vào những cơn bão, ngọn gió bất ngờ thổi vào bốn bức   tường quen thuộc

Nhìn cuộc đời phía dưới phía trên, phía sau phía trước...

(Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...)

            Một trong những đoạn thơ giàu cảm xúc nhất của Tiếng hát con tàu là đoạn hồi tưởng của tác giả về nhân dân Tây Bắc: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ...Và quan điểm nhân dân được tập trung thể hiện:

 Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng

Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào

            Rẽ người mà đi vịn tay mà đến

            Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao

Nhưng chất chứa bên trong còn là khát vọng được trở về, được ra đi với tư cách người nghệ sĩ. Thôi thúc trở về, ra đi là để tìm gặp chính mình - một cái tôi nghệ sĩ trên hành trình từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui (Chế lan Viên): Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép - Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia. Khi Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...về quá trình sáng tạo, nhà thơ luôn có một trăn trở ra đi:

Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình

Cơn nắng cơn mưa làm điều suy nghĩ

Một tiếng chim gù cũng phải đến nơi rừng lạ để mà nghe...

(...)

            Trong Tiếng hát con tàu, Anh - Ta - Con là những đại từ nhân xưng vừa cụ thể vừa trừu tượng; khi thì đứng riêng đơn lẻ, bé nhỏ, khi thì hoà nhập, có tư cách đại diện cho người nghệ sĩ tìm đến với nhân dân. Hai từ anh trong Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia chính là hai phía đối lập và có vẻ thống nhất ấy.

            Từ đó, hình tượng con tàu trở thành biểu tượng hành trình của người nghệ sĩ. Thế nên, con tàu bỗng khao khát thi vị: Ngoài cửa ô ? Tàu đói những vành trăng. Con tàu bỗng vang tiếng gọi thiết tha: Tàu gọi anh đi sao chửa ra đi? Con tàu có khả năng cất cánh: Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội...

Câu thơ được xem như một châm ngôn: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn cần được cảm thấu trong quan niệm ra đi ấy. Trong ánh sáng và phù sa, ông cũng đã từng "thu hoạch" về một chuyến Đi thực tế:

Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân

            Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy

            Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy

Chửa vì người bằng một bữa cơm ăn.

Nhưng ông cũng quan niệm thật sâu sắc về chuyện "đi thực tế" của người nghệ sĩ: Nơi nào anh chưa đến - Thì lòng anh đến thay...

            Khép lại bài thơ, hình tượng con tàuta bỗng chuyển hoá, nương tựa vào nhau say đắm:

            Lấy cả những cơn mơ. Ai bảo con tàu không mộng tưởng ?

            Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng ?

            Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

            Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

            Đó có phải là tiếng reo vui của người nghệ sĩ khi xác định cho mình con đường sáng tạo - con đường về với nhân dân ?! Tiếng hát con tàu chính là một tuyên ngôn nghệ thuật bằng thơ và bằng cách nói của thơ. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống được Chế Lan Viên tri âm trên đôi cánh của hình tượng thơ. Phải chăng, ở đây, ta bắt gặp một lần nữa kiểu "Đôi mắt" của Nam Cao ?!

Suốt đời Chế Lan Viên luôn đau đau về mối quan hệ vừa đơn giản vừa phức tạp ấy. Hình như ông vẫn còn cái cảm giác chưa xong với những thao thức của chính mình ?! Trong một bài thơ viết trước khi mất, ông đã một lần nữa khẳng định giá trị đích thực tình yêu cuộc sống đối với người viết: Thiêu xong anh về các trời khác cũng đầy hoa - Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó...Nhưng rồi, cũng trước lúc phiêu du các trời khác (hy vọng đẹp hơn bầu trời ông từng sống), ông lại vẫn thắc thỏm về những gì mình đã sống, đã nghĩ suy như trong bài Rìu - một trong những bài thơ có thể khắc trên mộ chí của tác giả Điêu tàn:

Vạn năm sau tìm đến khu di chỉ

Nhặt lấy một chiếc rìu hoá đá thuở ta yêu

Ta đã chặt cả khu rừng tình ái bằng chiếc rìu thô lỗ ấy

Để đổi lấy mùi hương trầm đến chết chẳng mang theo.

            Quả là thái độ sống của thi nhân khi nhìn lại, nghĩ lại những "tuyên ngôn" của chính mình. Và như vậy, có thể nói, chưa có tuyên ngôn nghệ thuật cuối cùng đối với Chế lan Viên.

Nguyễn Minh Hùng
Số lần đọc: 12113
Ngày đăng: 04.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Văn Thảo với những tác phẩm giàu lòng nhân ái - Triệu Xuân
Những tồn tại khác của con người - Khánh Phương
Cảm thức thiên nhiên của Người Nhật và Người Việt - Nhật Chiêu
Viết về Nh . Tay Ngàn - Trần Hữu Dũng
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V: Thơ Việt ở miền đất võ - Nguyễn Thanh Mừng
Các bậc thầy văn chương thế giới: Saint-John Perse - Trần Tiển Cao Ðăng
Thơ xưa viết về Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Văn học nghệ thuật : Đi con đường thị trường - Trần Thị Trường
Cứ đi theo những dòng sông - Tương Lai
Trần Dần - nhà cách tân thơ Việt - Nguyễn Trọng Tạo