Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.067
123.234.143
 
Nhà khóc dành cho một người
Nguyễn Mỹ Nữ

Bây giờ ở ngay đấy là một quán lẫu dê. Mở đã trên ba năm. Nửa năm đầu còn thưa thớt vì xa xôi và heo hút. Ai hay cũng lắc đầu. Thật là hết chuyện mới đi mở quán nhậu dưới chân đèo. Người cảm thông thì chép miệng: “Ấy. Dưới phố đất đai chật hẹp. Mặt bằng mắc mỏ. Lại chẳng có chỗ để thả dê, giết dê, hầm dê và nướng dê. Chứ ngay đèo á! Có mà mênh mông, bát ngát. Tha hồ…”

 

            Hằng là chủ quán lại chả nghĩ được đến thế. Vốn tính bốc đồng và đã bỏ nhà của, cơ ngơi dưới thị tứ lên đây cũng trong một cơn bốc đồng như vậy. Đi vì Phú. Vì tất cả những phiền hà, bực bỏ… do cái ông này đem lại. Người đâu mà lạ! Một tuần cũng phải đến dăm lần ghé nhà mà tỉnh táo đố có bén mảng. Có chút rượu bia lâng lâng là nhớ ngay. Còn đi xe được thì phóng một mạch mà bằng không thì bảo thằng con nó chở. Thằng bé đã quen nên rất thành thạo khi một tay cầm lái, một tay vòng ra phía sau ôm ngang người bố và rề rà băng qua quốc lộ, vượt cầu tiến thẳng đến trước cổng nhà Hằng. Bỏ đấy và coi như xong. Khỏe xác phần nó mà lại nhọc lòng phần Hằng, mới đến là rề rà. Tâm hiền nhưng cộc. Lúc nóng, nói năng rất bừa bãi và hung dữ. Có khi xưng cả mày, tao. Tâm là chồng và Phú là bồ. Bồ cũ. Thế mới rách việc.

 

Phú, hồi thanh niên rất hiếm nói - cười. Cũng là giáo viên một trường. Cũng một gian nhà tập thể. Ở chung và ăn cùng. Mỗi khi giao bài cho học trò và nghĩ giải lao, hai đứa hay ra đứng phía trước. Cứ đứng và cứ lặng thinh. Kể ra thì Hằng cũng là một đứa con gái mau mắn và lắm lời nhưng với Phú thì đành kín kẻ. Chứ chả nhẽ người ta im như thóc mà cái mồm của mình lại cứ bô bô thì còn ra cái thể thống gì. Hai đứa cứ như thế bên nhau hết ngày này sang ngày khác. Ngày nghỉ thì ít sít sao hơn một tị. Không đứng phía trước cùng ngó mông lung giữa chừng những tiết dạy nhưng vẫn luôn là hai chỗ cận kề bên bàn ăn, bàn viết, trên hè, ngoài sân bóng… Mọi người nhìn mãi cũng quen mắt và hai đứa gần mãi cũng quen hơi. Thế nên Hằng chẳng lạ khi thấy Phú tỏ tình. Chỉ lạ ở cái cách. Đấy là một buổi chiều trên đèo Bình Đê. Phú lừa lúc vắng xe chạy ù ra giữa đường, viết ngoằn ngòeo rồi lôi Hằng ra chỉ câu này: “Cái thằng Phú nó yêu cái con Hằng rồi, Hằng ơi!”

 

Mưa, ngay sau đó. Rất to và dữ dội. Phú xổ đèo băng băng và Hằng ngồi phía sau sợ tím mặt. Buồn nữa chứ! Với một chút lo lắng mơ hồ. Lời tỏ tình khác lạ. Cơn mưa bất thường và Phú. Phú như thế. Sao Hằng có thể giữ được cho riêng mình, suốt đời. Sau đó một tuần, cả hội đồng giáo viên được một bữa thư giãn thoải mái bởi câu này được Phú ghi rất nhanh trên bảng, liền sau cuộc họp: “Cái thằng Phú nó sẽ cưới cái con Hằng”. Giữa chừng những trận cười điên đảo của bạn bè, Hằng lủi ra vườn sinh học ngồi khóc. Tự nhiên  tủi thân. Thấy thương mình và yêu Phú quá. Gần hết niên học thứ tư, thầy hiệu trưởng gọi hai đứa lại nói: “Chúng mày cưới nhau đi. Cũng đâu có gì cản trở. Thà vậy. Chứ ở chung vầy hết năm này tới năm khác, lình xình hoài có chuyện gì kẹt chết. Cưới kiểu cơ quan tốn kém mấy? Còn chỗ ở thì tha hồ. Đất cát đấy, công cán đấy. Có khó gì một gian bên cạnh nhà tập thể. Rồi có muốn cải thiện thêm để kiếm cái củ, mớ rau thì bảo. Thế nhé!…”. Vừa nghe tới đó, Phú nhảy xổ vào người thầy, vung tay múa chân ra kiểu rất tức giận. Phú hét nữa chứ. Lời, chữ, câu từ lấp vấp nhưng Hằng vẫn hiểu được là Phú cho rằng thầy hiệu trưởng đã coi thường và xúc phạm tình yêu trong sáng của Phú. Dám khinh Phú không nuôi nổi Hằng, lo cho Hằng được bữa ăn, mái nhà…Thêm một lần nữa giữa chừng những cơn phẫn nộ của Phú, Hằng lẻn ra vườn sinh học sau trường ngồi khóc một mình. Phú như vậy, lấy nhau rồi liệu Hằng có kham nổi?

 

Tất cả mọi người đều bàng hoàng với lý do kiểm điểm Phú sau đó. Bởi không phải vì những sai lầm trong thái độ khiêu khích với thầy hiệu trưởng mà vì đã quan hệ trên mức bình thường với một học sinh lớp chín. Người đưa ra những bằng chứng chính xác là bí thư đoàn trường. Thầy hiệu trưởng sững sốt và hết thảy giáo viên đều sững sờ. Phòng họp như đông cứng và mọi ánh mắt đều cố tránh nhìn về phía Hằng. Lần đầu, tính từ lúc hai đứa quen biết nhau, Hằng không ngồi sát một bên Phú. Khi bị bắt buộc phải phát biểu. Hoặc xác nhận hoặc phản đối. Phú nói rắn đanh: “Tôi làm thì chịu. Tôi ngủ với người ta được thì cưới được”. Chiều đó, đứng đợi Hằng ở lớp về chắc Phú không ngờ bị Hằng đánh dữ dội đến thế! Hằng đấm như điên cuồng lên vai, ngực, bụng Phú. Chưa đủ Hằng còn tát vào mặt Phú những cái tát nẩy lửa chất đầy sự căm phẫn: “Còn tôi anh chưa được ngủ thì chưa chịu cưới chứ gì. Thành chi ba, bốn năm ròng rã, tôi chờ và mọi người trông mà anh thì cứ tỉnh bơ”. Phú bặm môi chịu đựng và dúi cả khuôn mặt Hằng vào khoảng tường đối diện rồi bỏ đi. Bức tường nham nhở và xẹo xọ những nét chữ Phú viết bằng than đen. Viết từ lúc nào chả rõ: “Cái thằng Phú nó để mất cái con Hằng rồi, Phú ơi!”. Nhiều năm sau hai từ “Phú ơi!” run rẩy được nhìn thấy trong nhá nhem của buổi hoàng hôn - một hoàng hôn rười rượi buồn và ảm đạm đến vô cùng - cứ  mãi ám ảnh Hằng. Ảm ảnh không nguôi. Cứ như là Phú vậy.

 

            Phú tới nhà vợ chồng Hằng lần thứ nhất lúc Hằng vừa sinh con đầu lòng được mấy tháng. Không có cha mẹ đôi bên giúp đỡ. Không người chăm bẵm, hơ hóng… Đẻ dậy Hằng to bè, xấu xí, nước da ngái xanh bệnh hoạn. Sợ Phú nhìn thấy hình ảnh chẳng đẹp đẽ một chút gì của mình nhất là cái vòng số hai…phì nhiêu. Hằng ẵm con ngang bụng như một cách che chắn. Phú cầm cái gì đó trong tay. Thấy luống cuống và nói gì đó mà lúng búng mãi trong miệng. Phải cả chặp sau Hằng mới hiểu:

- Mấy người nói thằng con em bị đẹn?

- Dạ.

- Chắc là đẹn sữa.

- Dạ.

- Có mật ong đó. Thứ thiệt…

- Để làm gì cơ chứ!

- Thì… Lấy miếng vải sô giặt sạch chà lưỡi cho nó.

- Anh biết nuôi con quá nhỉ?.Cũng phải thôi. Anh làm bố lâu rồi mà.

- Biết gì? Không biết nuôi con. Không biết làm cha mà cũng chẳng biết làm chồng.

 

Nói xong, Phú cúi đầu lặng thinh rồi thấm thía sao đó bật khóc. Khóc hưng hức thật to mới chết chứ! Cũng may là không có Tâm ở nhà. Tiễn Phú về vẫn với đứa con ẵm ngang vòng số hai làm tấm bình phong, Hằng dặn: “Khi nào có Tâm ở nhà anh hãy lại mà đừng…đừng có khóc…Em…”. Lần đó mở đường cho rất nhiều lần sau và hiếm có lần nào Phú tới nhà mà không khóc. Chuyện gì cũng làm cho Phú chảy nước mắt được. Mà đố  khóc khẽ khẽ lặng thầm cho Hằng nhờ. Thế mới thành ra tội nợ. Chồng Hằng nhăn nhó:      “Cái nhà này thành nhà khóc của ông Phú hồi nào vậy bà ?”.

 

              Thằng con trai đầu của Hằng không ưa Phú nên luôn giằn dỗi, hậm hực mỗi khi Phú tới nhà và…khóc. Biết biểu lộ cái sự khó ưa ngay từ khi còn nằm ngửa trong nôi và theo thời gian cứ vậy mà tăng lần. Còn đứa thứ hai thì hoàn toàn là ngược lại. Chắc là thích Phú ngay từ lúc chưa sinh ra? Chưa có mặt trong đời nhưng qua bụng mẹ đã chứng kiến bao lần Phú khóc và…thêm lòng thương cảm. Mới hơn ba tuổi nó đã lộ rõ vẻ trắc ẩn, khi ngô nghê: “Bộ mẹ phạt bác. Bộ bác bị mẹ đánh hả? Tội bác mà. Ghét mẹ. Ghét mẹ…” Hằng đẻ một hơi ba đứa rồi nghỉ luôn. Cũng tính là hai nhưng thà gái đây trai hết. Hai thằng cộng với ông chồng là ba đấng đực rựa trong nhà. Ngán quá! Lấy ai đỡ đần? Lấy ai làm đồng minh? Rồi cũng phải có một đứa nhỏ cho mình cột tóc, thắt bím, may đồ búp bê và ngắm nhìn con khi thành thiếu nữ chứ! Vậy là Hằng phụng mạng tự quyết, không hó hé hỏi ý chồng lấy một câu. May mà bé My ra đời và được ba Tâm ghiền muốn chết. Chồng Hằng thường dứ dứ cái cằm đầy râu vô cổ con nựng nịu: “Nếu không phải là thị mẹt, chắc mẹ mày rắc rối với ba rồi”. Vợ chồng Hằng nuôi con sướng lắm. Nhỏ ngủ rồi bú. Lớn chơi rồi ăn. Ba đứa vây quanh, trói buộc cuộc sống Hằng trong những bịn rịn thương yêu. Và Tâm nữa. Rồi Phú. Chẳng hay từ bao giờ Phú đã luôn hiện diện trong tổ ấm của Hằng với xiết bao tội nghiệp. Dung dưỡng chứa chấp thì không thể mà ruồng rấy đuổi xua lại chẳng đành. Dường như cả Tâm cũng luôn bị kẹp cứng giữa hai điều nan giải ấy để rồi luôn bức bối và căng thẳng. Nhiều lần đi đâu đó về thấy Phú ngồi một bên Tâm. Cái hom hem của Phú làm bật lên những mạnh mẽ trong Tâm và những minh bạch sắc sảo ở Tâm bỗng nổi trội hẳn khi sít gần Phú với biết bao là nhợt nhạt mơ hồ. Sự chệch choạc khiến lòng nhói đau. Tự nhiên Hằng muốn sau lưng nhà mình cũng có một khu vườn sinh học. Để lẻn ra đó. Khóc oà. Vì tủi thân. Và thương Phú với lại thương mình.

           

           

 

Tâm: “Anh lấy trong tủ ba triệu cho ông Phú mượn” Hằng: “Chứ sao  không chờ em về?”. Tâm: “Người ta đang có việc rất cần. Chờ thế nào được. Ông ấy khóc quá. Vợ phải mổ…”. Tâm lộ rõ sự bực bội và Hằng ái ngại nên đâu dám hỏi thêm. Hằng hiểu phải xử như thế, chồng mình cũng đã là khổ tâm lắm rồi. Mà Phú! Cái ông này cũng lết bết lắm cơ! Bỏ dạy sau đợt lấy vợ vì xấu hổ rồi cứ thế sống nhì nhằng với công chuyện rất hiếm khi mới có. Theo bạn đi ghe thì say biển giả, sóng gió trối chết. Buôn bán với vợ thì đểnh đoảng mất trước, mất sau. Sửa xe thì sửa dối mà rửa xe lại rửa dơ khiến cho nhà chủ phải xua tay: “Thế! Thầy nhé!”. Giờ, nghe nói đi tiếp thị sản phẩm. Cũng chẳng ra làm sao! Có hôm không có cả tiền đổ xăng. Xe, người chỏng trơ ngoài quốc lộ. Gặp Hằng kêu ơi ới. Hằng bảo để tôi cho ông mượm tạm mấy chục. Tiền tôi sẵn đây chứ mà ông đừng có khóc. Ong ỏng cả một bên tai và mệt lử cả một bên lòng. Cực lắm. Ông cũng phải giữ mặt cho tôi lấy một tí để  sống yên với cái thị tứ này chứ! Thấu được lời Hằng hay sao mà Phú nín làm thinh thật, dù người phả ra đầy mùi cồn. Mọi lần như thế là những âm hưng hức, hưng hức…thoát ra ngay. Hay là do đang ở đường cái? Hay là do không phải ở ngay trong tổ ấm của Hằng. Bất giác Hằng nhớ lại những câu đay nghiến của chồng. Trưa nắng chang chang. Cái đầu bốc hỏa và những tiếng khóc rất thường của Phú bị đè nén, không bứt ra được, can cớ gì lại tuồn ngay sang Hằng để mà âm thầm tức tưởi. Và miệng Phú kìa! Méo xệch vì ráng dằn.

 

            Đi chợ mỗi ngày, Hằng vẫn ngang qua cửa hàng tạp hoá của vợ Phú. Cô học trò xinh đẹp ngày cũ và tình định của thủa xưa. Một người đã có lúc khiến cho lòng Hằng nóng rực như là bị thiêu đốt. Giờ, thấy lại lạnh băng và giờ, già đến thảm hại. Một ông chồng thất nghiệp và một bầy con nhóc nheo. Sắc đẹp nào chịu ở lại. Thanh xuân nào không nói lời chia tay? Gặp nhau lần nào vợ Phú cũng: “Em chào cô” rất vội và quay phắt người vào nhà để… mắng chồng rất nhanh. Cứ như thể không nhanh đến thế thì ắt là không kịp và ắt sẽ gây nên một thảm họa nào đó không bằng. Giá như: “Cái thằng Phú là chồng cái con Hằng” giờ ba người gặp lại, tiếng chào thầy cô hẳn rất ngọt ngào. Chứ có đâu mà đắng đót đến ngần này, Phú ơi! Cả thị tứ biết chuyện Phú luôn tìm đến nhà Hằng khi say rượu để…khóc. Có bao người rãnh rang luôn canh rình, để ý. Và những ai đó còn độc miệng: bằng vợ Phú xui. Hằng ra ngoài, bước đi giữa những dị nghị thấy chống chếnh bàn chân mà về nhà lại thấy thảng thốt ở tâm hồn. Thế thì sao không xa lánh khỏi chỗ này? Nghĩ là thế. Sắp sanh là thế nhưng phải chờ tới một cơn bốc đồng Hằng mới có thể. Nơi mẹ con Hằng dọn tới cách nhà đâu trên hai chục cây. Chỉ phải qua bên kia đèo và thuộc về tỉnh cận kề. Là cái kho chứa hàng của Tâm, ngày trước. Sau này cho mướn mở gara và vừa hết hợp đồng. Chồng Hằng nói: “Tuỳ bà. Tôi không ghen nhưng rất khó thở ở cái nhà này khi có cả bà và lão Phú. Thôi thì cho tôi chịu một. Vì sức tôi chỉ thế”.

           

Mới có ba ngày, nhớ con Tâm đã phải lên thăm và chính Tâm có sáng kiến mở quán lẫu ngay đấy, khi nhìn từng bầy dê thả rông khắp chỗ ở mới. Hai thằng con trai ưa lắm, nói: Ba làm liền đi! Tâm nhìn Hằng thăm dò. Hằng gật gù: Thì làm. Kể ra, Hằng cũng đang cần việc sau khi phải nghỉ hưu non vì sức khoẻ. Và cái gia đình này lại rất cần tiền sau khi cơ sở sản xuất thảm xơ dừa của Tâm phải đóng cửa vì không tìm được đầu ra. Cả nhà nhìn đàn dê nhởn nhơ ngoài bãi và mừng. Đêm đó, ngồi im sững trong bóng tối lắng nghe tiếng chồng ngáy đều, Hằng thở phào ra nhẹ nhõm. Hằng sợ Tâm bắt về và sợ cái nhà dưới thị tứ với những lần ghé thăm của người tình xưa cùng nỗi ám ảnh về những giọt nước mắt. Hằng đọc trong một quyển sách thấy bảo mỗi người có một cách uống rượu và một kiểu say rượu. Có người say vui lắm, tếu táo cười đùa. Có người cáu kỉnh đánh đập chửi rủa lung tung và có người chọn cho mình tiếng khóc. Hà cớ gì là Phú? Phú của thủa thanh niên nói, cười còn hiếm hoi nữa là khóc, kể. Trước khi dọn đi, thằng con thứ hai làm Hằng tức đến phát điên lên được. Thì vẫn là do Phú. Vẫn chuyện Phú say. Lại say. Lại tới nhà và lại khóc. Khóc để năn nỉ Hằng mua dùm cho mấy suất bảo hiểm. Hằng chua cay: “Chứ ông hết đi tiếp thị sản phẩm rồi à?” Chỉ vậy mà Phú lằng nhằng khóc mãi và thằng con lằng nhằng đòi Hằng mua dùm cho bằng được mới thôi! Cũng nó, cái thằng thứ hai: “Mẹ ác với bác Phú quá. Ghét mẹ. Ghét mẹ…” dù đã qua rồi tuổi lên ba và niên khóa mới sẽ vào lớp một. Phú, con rồi chồng, cửa nhà, công việc làm ăn… Giá mà bỏ được tất tần tật thì khoẻ đời biết là chừng nào cơ chứ!

 

            Chưa qua hết năm đầu quán nhậu của vợ chồng Hằng đã rất đông khách. Dù dưới thị tứ có rất nhiều nhà hàng và hằng bao nhiêu là quán bán lẫu dê. Quán, thiết kế hoang sơ cho ra kiểu đèo heo hút gió không ngờ lại đánh trúng vào tâm lý của những người biết thưởng thức hiện nay. Phải đi xa xa một tí. Phải uống ly rượu pha tiết dê khi đèo mờ sương trong buổi tối mùa đông. Phải túm tụm nhau trên từng thảm cỏ xanh rì với những lò nướng đặc sệch quê kiễng và hương thịt thơm lừng vây bọc hết cả không gian. Phải được nhìn mây bay, nghe gió hú, thấy bãi bờ với những chú dê béo phệ, no tròn ung dung tự tại nhởn nhơ khắp cùng. Phải được ngồi xếp bằng trên chõng tre nhâm nhi đặc sản thì mới đúng kiểu cách của người có văn hoá và có hiểu biết về ẩm thực. Phải chăng? 

 

Đất quá rộng nên Tâm thiết kế ra hai khu vực hẳn hoi. Một bên là quán và một bên là nhà. Quán tềnh toàng mà nhà lại rất bề thế với tiện nghi chả thiếu một thứ gì. Ai lên thăm cũng khen Tâm tháo vác, Hằng giỏi giang. Tâm cười: “Cái chính là ở đây tôi thấy nhẹ người” và Hằng hùa theo: “Chứ không phải như ở trong thị tứ”. Nói và tránh cái nhìn của Tâm đang xoáy sâu, xoáy rất sâu nên đau rất dữ. Thằng con thứ hai giống Tâm nhất nhà và lạ lùng làm sao! Cũng da diết với Phú nhất nhà. Thi thoảng hai mẹ con dắt nhau ra bãi cỏ phía sau và thường mấy khi ấy nó mới chịu thủ thỉ. Thằng bé thế mà khôn đáo để. Nó thì thào: con thấy nhớ bác Phú. Con chẳng rõ bác ấy phạm tội gì. Có to lắm không mà mẹ cứ mắng bác mãi. Mà bác cứ phải khóc mãi. Hằng nghe con nói mà lạnh buốt sống lưng. Chả nhẽ bảo con. Tội bác Phú chẳng nhỏ cũng chẳng to. Chỉ phải: “Tôi làm thì chịu. Tôi ngủ với người ta được thì cưới được” hay sao!!!

                       

Đám bạn dạy cùng trường cũ tổ chức họp mặt nhân dịp Lê về thăm quê. Lê, khi ấy dạy hóa và đã sang Mỹ theo diện đoàn tụ có trên chục năm trời. Tổ chức ở quán của Hằng và kéo dài…bất tận. Bọn bạn lôi về tất cả các đặc sản của một thời khó khổ. Nào là chè ỉ, bánh củ, bột mì nhất dích mắm nêm, khoai lang chà…Mấy gã đàn ông bảo: “Chỉ nên thử lại thức ăn để…hoài niệm. Chứ còn rượu. Đừng nhé! Bà Hằng. Tôi ớn chắc đến ngày xuống lỗ cái thứ rưọu nấu bằng mì với mật. Sợ lắm!!!”. Một ai đó xướng lên: “Cũng đừng cho uống bia. Vòng số hai quá cỡ rồi”. Bất giác, Hằng quay qua nhìn đám bạn và phì cười: “Giời ạ! Các tướng. Sao bầu bì hết cả thế này? Ăn nhậu cho lắm vào. Không gút thì cũng huyết áp”. Và ai đó phản đối: “Bộ các mẹ thon thả, thanh cao lắm chắc?”…Tiệc vui đến không tưởng được. Tâm đem về hằng bao thứ rượu và toàn rượu ta. Vừa giới thiệu vừa pha trò: không phải vợ chồng tôi không mua nổi Whisky với lại Cognac để chiêu đãi bạn bè. Chỉ có điều như thế là thiếu chan hoà và không thống nhất. Mồi ta nhất thiết phải uống rượu ta. Lũ bạn Hằng đứa nào cũng biết uống rượu nên tranh giành nhau thử. Thử rồi trầm trồ mãi và cười ngặt nghẽo: Ông chồng mày ác. Say rồi! Mới thử mà đã say rồi, Hằng ơi! Tâm cầm ly đi cụng với từng người và phải chờ cho tất cả khen rượu ngon mới chịu giã từ. Cười hết cỡ với Hằng: “Anh biến cho em tự do với bạn. Lâu quá mới gặp đủ, phải không?”. Hằng bỗng thót tim, khi chợt nhận ra cái sự vui sướng hơi thái quá trong cung cách của Tâm, cách xử sự và cả nữa nụ cười. Nụ cười sao mà quá tươi và rất sáng? Nụ cười khi không có Phú. Thì ra…

 

            Hằng uống nhiều và lạ. Chỉ lâng lâng chứ không có say vùi. Hằng có tật xấu uống hơi hơi một tí là buồn ngủ, mắt tít lại và thần trí u mê. Phương ôm ghi ta và hát những lời thơ Nguyễn Tất Nhiên: “…Đưa em về dưới mưa. Nói năng chi cũng thừa. Như mưa đời phất phơ. Chắc ta gần nhau chưa? …” *. Bỗng dưng nhớ Phú. Nhớ lại những dòng chữ xô lệch tan chảy trong mưa đèo cuối chiều. Bỗng dưng nhớ “Phú ơi!” run rẩy nhập nhòe trong ảm đạm buổi chia ly. Người đàn bà năm mươi trong em nhớ Phú quá! Phú ơi! Cái con Hằng nó nhớ cái thằng Phú quá. Phú ơi! Cẩm đi đứng đã chuệnh choạng, ghé lại ngồi bên: Cái ông chồng mày kiếm đâu ra cái thứ Mẫu Sơn độc đáo dữ vậy? Ở nhà tao cũng có Mẫu Sơn mà đâu ngon vầy. Liên cắt ngang: “Bà say rồi. Hễ say là rượu gì cũng ngon tất”. Ai đó hét lên: “Ngon tất hay là khóc tất?”. Hằng lao ra khỏi quán chạy vội đến nhà để xe. Có những giọng hát đuổi theo, chấp chới cả khi đã vượt đèo Tay ta từng ngón tay. Vuốt tóc em lưng dài……Ta nhờ em ru ta. Hãy ru tên vô đạo. Hãy ru tên khờ khạo*

 

            Khi Hằng thấy được Phú thì quả thật tất cả hơi men trong người tan biến. Đầu tỉnh đến không ngờ và lòng rối đến khó tin. Sao thế? Phú ơi! Cái con Hằng nó còn yêu cái thằng Phú quá, Phú ơi! Phú run lẩy bẩy ngồi bên Hằng trong một cái quán cóc ở ngã ba Chương Hòa. Tự vì gió quá! Em ạ! Lại còn có cả mưa đấy. Nhưng cũng có hồi tạnh. Anh bảo thôi thì các bạn bỏ anh nhưng anh sao bỏ được mọi người? Anh bảo sẽ lên gặp tất cả mà không uống lấy một giọt. Sẽ gặp em mà tịnh không có chút mùi cồn. Anh cũng vẫy tay đón xe nhưng chả bắt được cái nào. Thôi thì cứ thong thả mà đi. Nghĩ, đi mãi thì cũng phải đến chứ! Cũng nhọc nhưng cái nhớ em nó lại lấn mất.

            Chia tay. Khi khuya khoắc đã mon men bước chân qua mờ sớm. Và ngày ở ngay trước mặt. Một ngày mới và Phú: “Anh luôn muốn xin lỗi em. Luôn luôn là xin lỗi.”  ./.

 

            *Bài: “Em hiền như Ma Sơ” đã được Phạm Duy phổ nhạc.

Nguyễn Mỹ Nữ
Số lần đọc: 2691
Ngày đăng: 05.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hạt bỏng ngô của tôi - Hội An
Bà thánh của hai người - Ngô Phan Lưu
Lỏng và tuột - Trần Đức Tiến
Một ván cờ - Ngữ Yên
Bông điên điển - Hồ Tĩnh Tâm
Nhạc trầm my - Ngô Phan Lưu
Một cuộc phỏng vấn - Trần Đức Tiến
Bông lục bình - Trần Lệ Thường
Bức tranh không lời - Trương Hoàng Minh
Chiếc dù nhiều màu - Hội An