Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.107
 
Sự bình yên ở lại
Nguyễn Mỹ Nữ

Cái cắm bút ở ngay trong tầm nhìn và tôi thường dừng lại ở đó mấy giây, mỗi lần ngồi vào cái bàn viết quen thuộc của mình để làm việc. Đó là một món quà mà Sơ Sayer đã tặng cho tôi vào năm 1965.

 

            Sơ Sayer khi đó là người Mỹ - một bác sĩ khoa nhi - thuộc đoàn thanh niên chí nguyện quốc tế, được điều đến Việt Nam và phục vụ ở bệnh viện Thánh Gia (Holy Family Hospital) Qui Nhơn. Sơ gầy, cao, hay cười, yêu trẻ con và cũng nói được tiếng Việt lõm bõm. Tôi, hồi ấy đang học lớp nhất (tức lớp năm bây giờ) và là một bé gái ốm yếu và bệnh tật quanh năm. Tháng nào tôi cũng phải vào, ra bệnh viện Thánh Gia và chính bởi đó nên mới có nhiều cơ hội gặp gỡ và gần - thân với Sơ. Có lần, trong phòng khám, Sơ hỏi lớn lên tôi thích làm gì và tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ, là: tôi thích đi tu. Tôi thích trở thành “Ma soeur” như Sơ Sayer. Nghe vậy, Sơ mở to mắt, tròn miệng: Ồ, rất thích thú và lấy ngay cái cắm bút đặt trên bàn tặng tôi. Món quà tuyệt vời quá và được tặng bất ngờ quá, khiến tôi sung sướng bắt run người và sau đó, không đừng được, đã đi khoe khắp cùng. Cái cắm bút theo tôi tự lúc đấy và được tôi nâng niu cất giữ cho đến tận bây giờ. Kỷ vật của Sơ Sayer rất độc đáo với hình Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria được khắc bằng bạc hết sức tinh xảo. Ngày trước hãy còn cái ống nhỏ để cắm bút cũng bằng bạc nhưng sau này bị mất và chỗ trống ấy được dán đè lên bằng chữ N (là vần đầu của tên tôi). Phía sau thấy có dấu ấn của tòa thánh Vatican.

 

            Sau năm 1975, bệnh viện Thánh Gia ngừng hoạt động. Sơ Sayer chẳng rõ được điều đến phục vụ ở những nơi nào. Tôi mất bặt tin tức của Sơ và cũng không thực hiện được ước mơ thời trẻ dại của mình, là trở thành một nữ tu. Nhiều năm tháng đã trôi qua và có biết bao kỷ vật thiết thân của tôi đã bị mất đi nhưng hạnh phúc làm sao cái cắm bút Sơ tặng cho vẫn còn. Để mỗi lúc được nhìn vào đó, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hẳn đi. Lòng dậy lên bao yêu thương ấm áp… Cũng đã bao lần, ngồi trước kỷ vật này tôi bỗng nghĩ - nhớ đến Sơ khi nhìn ngắm, soát xét, soi rọi lại chính mình một cách tỏ tường, thấu đáo và nghiêm khắc. Để tự hổ thẹn cho những ích kỷ, day dứt cho những nhỏ nhen, dằn vặt cho những sai lầm… Kỷ vật của Sơ đặc biệt có ý nghĩa những khi tâm hồn tôi bị thương tổn vì một cái gì đó, cảm thấy ghét bỏ hay căm giận một ai đó… Khi mà sự cay độc lóe lên trong ý tưởng của tôi… Khi mà sự nản chán xâm chiếm trí óc tôi và nỗi tuyệt vọng tràn lan hết cả con người tôi… Tôi hay lại cái bàn viết thân thiết của mình, ngồi xuống và nhìn rất lâu vào kỷ vật. Bao giờ cũng vậy, dần từ rồi tôi sẽ cảm nhận ra những u uẩn ở trong mình đã bị nhòa phai, tan biến. Có thể niềm tin yêu nơi cuộc đời và tha nhân chưa kịp trở lại nhưng ít ra thì tôi cũng tìm được sự cân bằng cần thiết cho tâm hồn mình. Bởi kỷ vật của Sơ hãy còn đây và cũng có nghĩa sự bình an, chỉ đôi khi, bỏ tôi mà đi đâu đó trong thoáng chốc, rồi lại về. Sự bình an không mất đi. Sự bình an luôn ở lại…/.

Nguyễn Mỹ Nữ
Số lần đọc: 2404
Ngày đăng: 13.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thăm Vườn quốc gia Yok Don - Tỉnh Đak Lak - Nguyễn Đức Hiệp
Đường đến Siem Reap – Angkor - Nguyễn Thị Hậu
Lang thang xứ Quảng - Nguyễn Một *
Vết xăm của Thịnh - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Mẹ tôi - Võ Ðắc Danh
Trịnh Thanh Sơn và tôi - Nguyễn Đức Thiện
Sóc Trăng ngày nay - Nguyễn Đức Hiệp
Thợ cầu thời WTO - Lê Vũ Tuấn
Thầy tôi - Nguyễn Phan Thịnh
Trịnh Công Sơn , những kỷ niệm - Vĩnh Nguyên