Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.776
 
Đoàn Chuẩn - Nhạc sĩ của mùa thu
Nguyễn thụy Kha

Trong giai điệu của ông, ta cảm thấy có tiếng lá rơi nhè nhẹ, có tiết heo may se lạnh, có cả mùi thơm của cốm ủ lá sen. Nghe giai điệu của ông, ta cảm thấy bâng khuâng, yêu thương, luyến tiếc. Hơn nữa, còn thấy phảng phất ở giai điệu ấy hình bóng huyền diệu của những “tuyệt sắc giai nhân” đã hơn một lần làm xao xuyến trái tim “chàng công tử Hà Nội” dịu dàng và đa tình này

 

Đã hơn nửa thế kỷ qua, cứ tới mùa thu ở Hà Nội, cũng heo may và sương nặng, cùng hương cốm và hương hoa sữa, cứ văng vẳng trong hồn người Hà Nội, hồn người Việt Nam, những giai điệu tha thiết ở những tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Có thể nào không bồi hồi khi nghe:

 

Anh mong chờ mùa thu

Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai

Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay

Mùa thu quyến rũ anh rồi...

 

Đoàn Chuẩn quê ở đảo Cát Hải cách cửa Cấm - TP Hải Phòng không xa lắm. Do kinh tế gia đình khá giả, nên vào tuổi thanh xuân, Đoàn Chuẩn đã sống ở kinh kỳ Hà Nội nhiều quyến rũ. Ngoài việc theo học ở trường Louis Pasteur, Đoàn Chuẩn sớm đến với âm nhạc.

 

Vừa tham gia hoạt động tân nhạc thuở ban đầu, ít ai biết rằng Đoàn Chuẩn năm 20 tuổi còn bí mật tham gia một tổ chức thanh niên do Việt Minh chỉ đạo mang tên “Thanh niên xung phong Hoàng Diệu”.

 

Kháng chiến toàn quốc. Đoàn Chuẩn vào làm văn nghệ Khu Bốn. Gia đình lại tản cư lên Việt Bắc. Chính trong nỗi cách xa, nhớ nhung và lại gặp gỡ những bóng hồng khác trên đường chinh chiến, từ một nghệ sĩ chơi đàn và hát như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn bắt đầu viết ca khúc. Tình nghệ sĩ là tình khúc đầu tiên Đoàn Chuẩn viết ở Khu Bốn, năm 1948 đồng thời khi Nguyễn Văn Tý viết Dư âm cũng tại Khu Bốn. Tình khúc lúc đầu cũng giống như Bến xuân của Văn Cao là viết tặng cho một “nàng” cụ thể, nhưng sau đã trở thành quà tặng cho mọi “nàng”. Nếu ở Bến Xuân lúc đầu Văn Cao viết: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước - Oanh đến tôi một lần...”, Oanh ở đây là người thiếu nữ có tên Hoàng Oanh, thì ở Tình nghệ sĩ, lúc đầu Đoàn Chuẩn viết: “Đây quán Mai Hương mây thu vàng ấm”, Mai Hương là nàng Mai Hương chủ quán cà phê dọc đường. Còn bây giờ khi đã là của mọi nàng thì “Oanh” thành “em” và “quán Mai Hương” thì thành “khách ly hương”. Nhưng khi đã khởi đầu một giãi bày về tình nghệ sĩ như giấc mơ là vậy, thì nỗi nhớ vợ con đã khiến Đoàn Chuẩn viết tiếp một Đường về Việt Bắc độc đáo đậm cá tính sáng tạo. Câu mở đầu tự nhiên như hơi thở:

 

Buổi chiều áo tím nhiều quá lòng thấy bồi hồi nhớ người...

 

Sau khi nỗi nhớ được buông lời tràn trề như vậy thì lập tức giai điệu như sóng cứ dâng cao, dâng cao:

 

Đường về Việt Bắc xa cách mây

Gập ghềnh đường núi qua khói bay

Em có hay? Đây suối sâu, đây núi cao trên từng mây

Đường về gọi gió mê say...

 

Đường về Việt Bắc sau này khi Bắc – Nam chia cắt đã bị các nghệ sĩ Sài Gòn xuyên tạc thành Đường về miền Bắc do Khánh Ly hát với nhiều lời ca sai lạc. Việc này cùng với việc xuyên tạc bài Gửi người em gái miền Nam thành Gửi người em gái với nhiều lời ca phóng tác cũng do Khánh Ly hát, bằng một niềm yêu quý Đoàn Chuẩn thì cũng làm cho Đoàn Chuẩn chịu không biết bao nhiêu phiền phức thời đó, mặc dù khi là nguyên bản Gửi người em gái miền Nam do Ngọc Bảo thu thanh và phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1956 nó đã chịu ngay bao điều tiếng, phê phán là “lạc quan tếu” rồi.

 

Hành trình sáng tạo âm nhạc của Đoàn Chuẩn trở lại có lẽ là giai đoạn ông trở về Hà Nội đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước với nhiệm vụ hậu địch như tài tử Ngọc Bảo vậy. Chính thời kỳ này đã tạo ra một Đoàn Chuẩn “vua slow” với những tình khúc về mùa thu Hà Nội. Nghe nhạc Đoàn Chuẩn, ta nhớ đến thơ Bà Huyện Thanh Quan, văn Thạch Lam và tranh Bùi Xuân Phái. Trong giai điệu của ông, ta cảm thấy có tiếng lá rơi nhè nhẹ, có tiết heo may se lạnh, có cả mùi thơm của cốm ủ lá sen. Nghe giai điệu của ông, ta cảm thấy bâng khuâng, yêu thương, luyến tiếc. Hơn nữa, còn thấy phảng phất ở giai điệu ấy hình bóng huyền diệu của những “tuyệt sắc giai nhân” đã hơn một lần làm xao xuyến trái tim “chàng công tử Hà Nội” dịu dàng và đa tình này. Vẫn một tình nghệ sĩ ấy, vẫn một tà áo xanh ấy, vẫn gặp gỡ và chia tay muôn thuở. Nhưng trong giai điệu của Đoàn Chuẩn, mùa thu Hà Nội đã luồn vào trong từng ngóc ngách, trong từng cung bậc. Thật ngỡ ngàng với Thu quyến rũ khi Đoàn Chuẩn da diết “Mây bay về đây cưới trời”. Giai điệu là một đám cưới giữa mây và trời giữa mùa thu – mùa hợp hôn của con người. Vậy nên, khi ca sĩ hát là “cuối trời” hoặc “cuốn trời” thì cũng đã là làm thấp tư tưởng Đoàn Chuẩn cũng như cảm xúc thăng hoa của ông rất nhiều lần.

 

Nhiều người nói rằng những tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn là những trang nhật ký của những mối tình thì quả không sai. Phải yêu đến mức bất chấp mọi nguy hiểm, ở trên mọi ràng buộc mới có thể thốt lên những giai điệu si tình đến thắt lòng người như vậy. Và trong tất cả những mê đắm ấy, mùa thu Hà Nội luôn như thể “cời than bếp lửa”. Ở Cánh hoa duyên kiếp thì: “Như duyên em thầm kín – Trong hương thu màu tím buồn...”. Ở Lá thư thì: “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương...”. Ở Gửi gió cho mây ngàn bay thì: “Với bao tà áo xanh đây mùa thu...”. Ở Chuyển bến thì: “Một sớm thu về chuyển bến xuôi...”. Ở Dang dở (hay Tà áo xanh) thì: “Ta quen nhau mùa thu...”. Ở Lá đổ muôn chiều thì: “Thu đi cho lá vàng bay...”. Đến ngay ở Gửi người em gái miền Nam tuy viết về mùa xuân nhưng cũng cứ như là đứng từ mùa thu vọng tới: “Nhưng một sớm mùa thu giữa khung trời tím ngát...”. Từ mối tình đầu để có một gia đình với một người đẹp – là bà Đoàn Chuẩn đẹp tới tận bây giờ - hiền thảo, đôn hậu và bao dung, Đoàn Chuẩn đã phiêu diêu qua những cung bậc yêu đương nồng cháy và nóng bỏng đến độ phải thốt lên những giai điệu lạ lùng trong tập Những bài hát bị xé mà đến nay còn nhiều người chưa được thưởng thức. Đấy là mối tình cuối cùng sâu đậm nhất trong trường tình Đoàn Chuẩn.

 

Nàng là con gái đầu lòng của một viên chức hỏa xa kháng chiến, cha nàng là tự vệ chiến đấu nội thành. Khi rút ra chợ Đại, cha mang theo nàng mới 12 tuổi. Vài năm sau, nàng về lại Hà Nội với mẹ để cùng mẹ chăm sóc năm em dưới mình. Ở tuổi dậy thì, nàng đã tần tảo làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền góp với mẹ nuôi các em. Nàng đẹp đến kiêu sa và hát rất hay. Tình cờ, một nhạc công đài Pháp – Á đã phát hiện ra tài nghệ này của nàng. Và nàng đã đăng quang “vương miện thủ khoa” trong cuộc thi hát do đài Pháp – Á tổ chức. Chính lúc ấy, nàng mới biết tác giả những tình khúc mùa thu Hà Nội. Từ chỗ muốn nâng đỡ một tài năng trẻ, giúp cho học nhạc, giúp những sô diễn, tình cảm đã len lén vào hồn từ khi nào mặc dù xung quanh nàng biết bao vệ tinh bủa vây.

 

Tình cảm đang lãng mạn vậy thì đột nhiên nàng “biến” khỏi Hà Nội. Sự “biến” của nàng khiến Đoàn Chuẩn chống chếnh. Ông cảm thấy mất mát thực sự. Ông xót xa trong cô đơn. Không chỉ giãi bày trong giai điệu, ông còn lẩm nhẩm làm thơ:

 

Em ơi!Lá úa có rơi ngoài muôn ngả

Thì chung quy cũng về đất thương yêu

Anh phong sương mưa nắng cũng hiểu nhiều

Đời lãng tử có vui gì đâu em hỡi...

 

Nhưng thực ra không phải nàng cố ý cho Đoàn Chuẩn “leo cây” mà vì người cha bị mất đột ngột ở vùng tự do. Chú nàng là đại đội trưởng vệ quốc đoàn đã cử liên lạc bí mật vào thành đón nàng ra ngoài vùng tự do vào cuối mùa xuân 1954, đúng thời điểm mở ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi nàng trở về cùng đoàn quân giải phóng thủ đô. Họ gặp lại nhau gấp gáp hối hả, như tìm lại một cái gì đó cùng đánh mất. Để rồi lại vĩnh viễn xa nhau: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!” và để rồi: “Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát – và tìm trong nét bút xa xôi”.

 

“Chôn sâu tận đáy lòng” tình cảm ấy, Đoàn Chuẩn đã khép lại giai đoạn sáng tạo những tình khúc mùa thu Hà Nội độc đáo vào những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, sau khi bài Gửi người em gái miền Nam bị phê phán và ngừng không phát sóng. Mãi tới khi bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa, những tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn mới thực sự được khôi phục cùng những tình khúc lãng mạn của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước... ông phấn khởi, khỏe ra, mừng tủi giữa bạn bè. Vài năm trước khi từ trần, bệnh xuất huyết não khiến ông không thể di chuyển được và nói rất khó khăn. Câu nói cuối cùng ông nói trước khi không nói được là: “Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”.

 

Đêm nhạc Đoàn Chuẩn-Từ Linh

 

Những ca khúc quen thuộc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh như Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Gửi người em gái, Lá thư, Thu quyến rũ, Cánh hoa muôn kiếp... sẽ ra mắt khán giả yêu nhạc tại chương trình ca nhạc định kỳ Những ca khúc vượt thời gian tháng 4, diễn ra vào ngày 15-4, tại Nhà hát Thành phố (TPHCM). Tham gia biểu diễn trong chương trình gồm các ca sĩ Hồng Hạnh, Thanh Thúy, Thanh Long Bass, Hồng Vân, Lan Ngọc, Giang Tử, Xuân Phú, Trần Hồng Kiệt, Khánh Duy, Như Ý. T.Tr

Nguyễn thụy Kha
Số lần đọc: 3649
Ngày đăng: 14.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài hát Bóng cây Kơnia và những điều ít người biết - Triệu Xuân
Mười năm và một chuyện tình - Đynh Trầm Ca
Silent Night - Frank Gruber
Tình ca mùa đông - Nguyễn Quang Nhàn
Lời biển gọi - Nguyễn Quang Nhàn
Hoa Tím - Nguyễn Bá Văn
Thế là xuân sang - Phan Tử Nho
Phan Rang Không Quên - Phan Tử Nho
Bài đồng ca vỡ lòng - Phan Tử Nho
Giấc Mơ Phai - Nguyễn Quang Nhàn