Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.229.713
 
Cửa sau thành phố
Trần Nhã Thụy

Y vẫn thường hình dung có một cánh cửa khổng lồ nằm sau lưng thành phố. Và mỗi buổi chiều có một cánh tay khổng lồ xuất hiện để mở toang cánh cửa đó ra. Cánh cửa mở để đón những con người thành phố về nơi êm đềm, tuyệt diệu. Nơi này là một miền thương, có một chút hơi khác với đời thường. Đương nhiên là thế. Y luôn mỉm cười trong khi xếp đặt. Và luôn chu đáo, chuẩn bị sẵn những chiếc ghế tựa êm ái cho những con người đang mệt rũ kia ngồi. Nào, ngồi xuống đi. Hãy, thả đôi chân trần xuống cỏ. Xin, ngước vầng trán lên chào mây cuối ngày. Cười, mỉm cười cái coi. Nghi lễ chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Rồi muốn làm gì thì làm. Nhưng, trước khi đi dạo nên uống thử chút nước hoa quả được ủ trong những thùng đá suốt cả ngày. Không có rượu, bia đâu nhé (!). Y mỉm cười với một người vừa gặp. Người này không tỏ ý hài lòng hay phản đối. Cũng không hề biết y là chủ nhân của khu vườn mênh mông, tuyệt diệu này. Nhưng chính điều đó làm cho y cảm thấy sướng. Đếch cần ai biết đến mình. Lặng lẽ đi kiểm tra nước trong hồ. Y tỏ ra hài lòng khi thấy có vài người sau khi đi dạo đã nhảy xuống hồ tắm, gội. Mọi người nên đi tắm rồi hãy dùng bữa tối. Y nghĩ thế mặc dù bản thân hầu như không nghĩ đến chuyện tắm, giặt cho mình. Bởi y thấy mình luôn sạch. Còn những con người kia, hãy đi tắm đi. Nếu lười biếng thì cũng rửa cho sạch cái mặt. Bữa tối đã chuẩn bị xong rồi. Nhưng người đến ngồi ăn rất ít. Có người đến chỉ để nhìn những chén, bát, đĩa xinh xinh mà không hề động đũa. Có người từ khi đến cứ ngồi mãi trên ghế, miệng vấp váp một đoạn trong Kinh Thánh. Có người đi dạo rồi lạc mất vào bóng tối. Có người cứ lặn hụp tắm mãi dưới hồ. Không gian khuấy vang tiếng của nước.

 

Cánh cửa sau lưng thành phố vẫn tiếp tục mở cho đến tờ mờ sáng. Sau khi tiễn hết mọi người về thì nó đóng im ỉm suốt cả ngày. Chờ cho đến chiều tối lại mở ra.

*

Suốt một ngày đóng cửa như vậy, y thường nằm trên giường. Buổi sáng, sau khi ăn cái gì đó (mà người cháu gái đưa) y bị ép uống một bụm thuốc (từ tay người mẹ). Đứa em gái và thằng em rể không biết đi làm từ lúc nào. Rồi mẹ đi chợ. Đứa cháu gái thể hiện ngay sự chăm chỉ tự nguyện, trước tiên bằng việc chổng mông lau sàn nhà. Con bé mới mười bảy tuổi nhưng vóc người lớn trộng như một thiếu nữ đôi mươi. Mặt tròn, ngực tròn, mông tròn. Cả người cái nào cũng tròn kể cả đôi mắt. Con bé siêng và ngoan. Khi đi bà dặn đừng mở cửa cho ai lạ, đừng tự ý bỏ ra ngoài, đừng ăn cái gì người ta cho, đừng cho ai cái gì cả vân vân và vân vân. Con bé không bao giờ sai lời. Tuy nhiên, trong xóm có tên sinh viên năm nhất thường lén đến trước nhà nhìn trộm. Tên sinh viên này thường đến lúc con bé quét sân, nhìn như thôi miên vào bộ ngực tròn vo của nó. Với tên sinh viên vô hại kia thì con bé không việc gì phải cảnh giác, đối phó, nhưng con bé thường né cái nhìn đó bằng cách xìa cái mông về phía tên kia. Đã ba tháng rồi cả hai vẫn chưa nói với nhau một câu nào. Tên sinh siên này thuộc loại si tình nhút nhát. Nói chung là chưa có chút kinh nghiệm trong chuyện gái gú, đàn bà.

 

Trong khi con bé dùng khăn ướt vắt hết nước cẩn thận lau bộ sa lông cũ mèm thì y vẫn nằm trên giường, hai tay buông xuôi như người đuối sức. Suốt một đêm lo lắng, phục vụ cho những người khách thành phố làm cho y hơi bị mệt. Y cứ nằm mãi thế. Rồi. Hình như chim hót ngoài vườn. Hình như cây ngoài vườn trổ màu xanh. Hình như nắng nảy ấm khắp chốn. Y nghĩ. Rồi tự nhiên y muốn… đi tè ngoài đó. Y hỏi thăm dò đứa cháu gái, “Ngoài vườn có ai không?”. Đứa cháu gái, “Có ai mà có”, rồi tập trung phần công việc của nó.

 

Y đứng ngoài vườn, trật quần, xìa “chim”, nhưng mãi vẫn không “làm mưa” được. Y đứng trong tư thế đó không biết bao nhiêu lâu. Thời gian phung phí.

 

Đứa cháu gái hình như đã chuyển sang phần công việc khác, vừa làm vừa hát: “Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề nuối tiếc…”. Y cười, bè theo: “Tiếc gì mà tiếc” rồi dứt khoát dập quần lại. Nhưng y vẫn đứng đó. Tự dưng y nghĩ đến thằng em rể. Cái thằng hoạ sĩ trời ơi đó không biết giờ này đang làm gì ở công ty. Thường là không có một việc gì cụ thể, nhưng bận bịu không chịu được. Năm lần bảy lượt nó hứa sẽ vẽ cho ngôi nhà này một bức tranh nhưng mãi chẳng thấy tranh ngói gì. Nhưng bù lại nó hay mang về nhà những vật dụng tiện nghi mới. Con vợ nó, tức là em gái y làm giáo vụ ở một trường đại học dân lập. Cũng hàng trăm thứ việc không tên và bận bịu không chịu được. Con em hứa sẽ mang về cho y một cuốn sách thuộc loại thư giãn nhưng chờ mãi vẫn không thấy sách siếc gì. Nhưng bù lại nó hay sưu tầm những bài thuốc mang về. Cái “bù lại” của đứa em gái thì y đếch cần. Tuy nhiên, trong sự kiểm soát của ý thức y không thể quên một điều là mình đang bệnh. Một dạng tâm thần. Chẳng phải là điên đến nỗi không biết mình đang… điên. Bác sĩ gọi tên bệnh là: thần kinh phân liệt. Y mắc chứng tâm thần phân liệt. Điều đó không còn gì phải bàn cãi. Chính y cũng biết mình bệnh. Phải chữa bệnh. Y nghĩ. Rồi y trở vào nhà. Khi tiến lại cái giường bỗng y bị một vật cản (hình như là cái ghế) làm té vấp dập mặt xuống sàn. Cú té dập mặt làm rung chuyển cả ngôi nhà. Ngoài vườn cây lá rụng lả tả. Đứa cháu gái từ dưới bếp vọt lên, la hoảng: “Ôi, cậu ơi, cái ghế tui để chần dần đó mà cậu không thấy sao té dập mặt thế này. Thôi, chết cha tui rồi. Cậu ơi, cậu có làm sao không?!”.

*

Có một cánh tay khổng lồ để mở cánh cửa khổng lồ đó ra. Như cánh cửa mở ra sau hè ở nhà quê. Cánh cửa này nằm sau lưng thành phố. Y mệnh lệnh cho cánh tay sinh lực kia phải làm công việc đó. Còn đêm nay, y nằm trên giường. Cú té dập mặt hồi sáng, thật ra không đến nỗi trầm trọng, chỉ có cái miệng là sưng vêu trông hơi khó coi một chút. Y cảm thấy đau ran ở mạn sườn. Bây giờ thì y nằm im trên giường (hút thuốc) mặc cho cả nhà ép dậy ăn bữa tối. Bà mẹ rấm rức: “Mày cứ thế này miết thì tao về quê thôi. Không ăn uống, thuốc thang thì làm sao khỏi bịnh được. Con ơi!”. Thằng em rể bật nắp lon bia ướp lạnh đi ra ngoài vườn, vừa đi vừa nói: “Ảnh không sao đâu má ơi. Cứ để ảnh được thoải mái!”. Đứa em gái ngồi dò kênh tivi, lên tiếng: “Thì có ai làm gì ảnh đâu. Mọi người đều có ý tốt cho ảnh mà”. Rồi cô quay nhìn chồng hỏi lớn: “Hay là anh kiếm việc gì nhẹ nhàng cho ảnh làm cho vui?”. Anh chồng ra đến sân trước, ngoái cổ vào nói to: “Việc gì nhẹ nhàng mà danh giá đã có người ta giành chỗ cả, có đâu tới mình”. Nhưng rồi anh lại nói: “Thì cứ để tôi dò hỏi xem sao”. Không thấy đứa cháu gái đâu cả. Nó đang rửa đống chén bát dưới bếp?. Hay đã xong việc trèo lên gác lấy sổ ra chép bài hát?. Hay nó đang tha thẩn một góc nào đó trong vườn?. Không ai thèm quan tâm đến nó vì cái tội đã để ông cậu té một cú dập mặt ghê gớm hồi sáng.

 

Sau khi dò các kênh chán, cô em gái vẫn để tivi phát vang vang một kênh nào đó nhưng không xem mà quay sang đọc lại mấy tờ báo đã tranh thủ đọc lướt trong giờ làm việc. Có một bài báo làm cho cô chú ý. Cô đọc một đoạn đã được bôi bằng bút dạ quang: tựa: “Nhịp sống kinh tế thị trường và bệnh tâm thần”, sapô:“mới đây qua điều tra 10 loại bệnh tâm thần thường gặp ở 9 vùng sinh thái trong cả nước đã phát hiện 14,98% dân số có các biểu hiện liên quan đến bệnh lý về tâm thần. Theo…”, nội dung:có nhiều nguyên nhân gây bệnh tâm thần; thứ nhất: do tổn thương tổ chức thần kinh trung ương (cái này do tai nạn);thứ hai: do chấn động về tâm lý hay các “stress” (cái này là do suy nghĩ nhiều đây), ngoài ra có một số bệnh tâm thần chưa rõ nguyên nhân như tâm thần phân liệt, loạn trầm cảm… “Có thể anh mình nằm trong dạng chưa rõ nguyên nhân này đây”- Cô nghĩ thế rồi cảm thấy cả người mệt rũ, buông xuôi. Cô đã gắng hết sức để lo cho cái gia đình này. Nhưng xem ra, cô vẫn chưa nhận được chút niềm vui. Một ngôi nhà nằm ở quá xa trung tâm thành phố là điều cô hoàn toàn không muốn. Phải tính đến chuyện dời nhà vào trung tâm thôi. Đã nhiều lần vợ chồng cô bàn tính dự án này. Nhưng điều lấn cấn cuối cùng lại thuộc về ông anh đang bệnh tâm thần. Người mẹ muốn đứa con trai yêu dấu của bà được ở ngôi nhà ngoại ô, trong thiên nhiên trong lành như thế này. Có vậy, may ra anh ta mới khỏi bệnh. “Ôi, người ta muốn điên mà điên chẳng được đây”- Cô em gái thét lên trong lồng ngực, rồi cô lại nghĩ – “Mà tại sao anh ấy lại bệnh trong khi từ nhỏ đến lớn không chịu đựng sự thiếu thốn hay nỗi đau nào đáng kể. Trong suốt những năm đại học vẫn luôn được chu cấp đàng hoàng”

 

Đúng là y luôn được chu cấp đàng hoàng, duy chỉ một lần thay vì gởi tiền qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm (phải chịu tốn cước phí), thì người mẹ “nguỵ trang” tiền trong thư và gởi cho y (để khỏi mất một khoản). Nhưng, cuối cùng, y chỉ nhận được thư mà không thấy tiền đâu. Y liên lạc về nhà. Người mẹ bảo: “Thôi rồi. Bọn bưu điện đã “trừng phạt” mình rồi. Mẹ ngu quá. Thôi, con ráng chờ thêm vài bữa nữa. Mẹ đi gởi tiền ngay cho con đây. Đù cha quân bưu điện”. Chờ tiền đúng lúc hết sạch tiền, đúng thời điểm không thể vay mượn ai dù chỉ một đồng. Y nằm ở nhà trọ nhịn đói đúng ba ngày. Ba ngày chỉ uống nước ở vòi phông-ten. Đến ngày thứ tư thì bọn bạn ở đâu đó về. Chúng đưa về thêm một tay bạn mới và cả một bức tranh. Đấy là bức tranh mà tay bạn đó vừa đoạt giải ở cuộc thi cấp thành phố. Y chẳng biết tranh ngói gì. Đang lúc đói bụng dính lưng, thấy bọn bạn thì mừng, cũng đến đứng bẹo bên. Bọn bạn đang bình luận tác phẩm nghệ thuật. Y nghe câu được câu mất. Rồi không hiểu sao, y nhào đến ôm bức tranh xổ một tràng: “Đẹp, đẹp quá, lả lướt vô cùng”. Đám bạn cười vang. Còn tay bạn mới thì nắm áo kéo y dạt ra, lớn giọng bảo: “Đ. mẹ, mày thì biết đéo gì mà lả lướt với lả lơi. Biết thưa thốt không biết dựa cột nghe”. Y choáng váng. Rồi y như rơi vào một cái lỗ đen (đại loại vậy). Một vòng xoáy cuốn tuột (cảm giác thế). Y bước ra khỏi cửa. Bước ra khỏi ngôi nhà. Bước ra khỏi con hẻm. Bước sang một con đường khác. Bước đi khỏi khu phố thân quen. Rồi, không biết bằng cách nào y đã thoát ra khỏi thành phố. Biến mất trong suốt thời gian ba tháng. Hoàn toàn không để lại một dấu vết.

*

Buổi sớm. Cành cây cánh tay cành cây cánh tay. Y chơi một mình với trò chơi đu cây. Nhảy bám cành cây, đu đưa người trong không gian. Cành cây cánh tay cành cây cánh tay. Y rớt một cái bịch. Mông dộng xuống đất. Y gắng gượng dậy, rồi tự dưng ôm mặt khóc hu hu. Ngón út của bàn chân phải đã bị gãy. Chưa bao giờ y lâm vào cảnh khốn nạn tương tự như thế này. Ngón chân út bị gãy trong khi cả bàn chân hoàn toàn lành lặn. Tiếng khóc vang lên trong khu vườn. Nhưng giờ này, thằng em rể và con em gái chắc đang bận rộn ở chỗ làm. Giờ này chắc bà mẹ còn đang mãi kì kèo trả giá ngoài chợ, có khi đi về được nửa đường bà sực nhớ là quên mua hai trăm đồng bạc ớt khuyến mãi nhánh hành, ngò. Giờ này chắc chắn đứa cháu gái đang chổng mông lau sàn nhà, nó thường quá chú tâm vào công việc mà ít để ý đến những gì chung quanh. Y khóc, nhưng không kiểm soát được tiếng của mình. Có nghĩa là y đang ở trong tâm trạng muốn khóc. Còn thực tế có khóc hay không thì chính y cũng không biết được. Thương tiếc ngón chân út. Y ngồi bệt xuống đất và lấy tay nâng cả bàn chân lên trời. Y ngắm cái ngón út vẫn còn tươi hồng, nhưng thực tế là nó đã gãy từ bên trong. Y cẩn thận đặt bàn chân sự cố xuống cỏ. Nắng ngứa trên đầu. Gió đậu im trên lá. Kiến đỏ bò lổn nhổn khắp mặt đất. Dùng cánh tay thuận là cánh tay trái để nắm thật chặt cái ngón út của bàn chân phải. Y lấy hết sức bình sinh giật mạnh cái ngón chân tội nghiệp kia. “Phựt”. Y té ngã nhào. Và cái ngón út đã lìa khỏi bàn chân bay vèo. Ngón chân bé nhỏ, lần đầu tiên rời khỏi cơ thể đã thực hiện một đường bay một ngoạn mục, hết mình. Lần này, đau đớn đã làm cho y ngất lịm đi.

 

Tên sinh viên ốm đói hay trốn học là người đầu tiên phát hiện ra “ông tâm thần” nằm ngất trong vườn. Như một hiệp sĩ, chàng sinh viên liền phóng qua bờ rào, tiếp cận đối tượng và la toáng lên. Đứa cháu gái chạy ra. Họ trao đổi với nhau một vài câu ngắn rồi người đầu, người chân khuân y vào nhà. Trong khi làm cái việc (có ý nghĩa) đó, tên sinh viên đã được con bé (tạo cơ hội) cho đụng vài ba cái vào người. Nhưng, chưa có cái đụng nào hiệu quả như ý. Bây giờ, bà mẹ mới đi chợ về. Sau khi đứa cháu chỉ chỗ ngón chân út bị đứt lìa, máu chảy, đã được băng tạm lại, bà liền gọi điện cho con gái và thằng rể. Cả hai đều bảo là đưa ngay vào trung tâm y tế gần nhà. Thế là, bà mẹ, đứa cháu và anh chàng sinh viên liền nhanh chóng tìm cách đưa y đi.

*

Nhìn từ xa, khu vực này giống như một thôn trang. Có rất ít người và xe cộ qua lại. Không có tiếng ồn nào đáng kể. Ơ từng quãng ngắn đều có những cây xanh lâu năm. Dưới một bóng cây nhạc ngựa là một hàng quán tạm bợ bán nước ngọt, thuốc lá, rượu bia. Một người đàn bà dáng dấp nhà quê đang ngồi nướng bánh tráng. Chốc chốc có cơn gió bay vù làm bụi tung mù và làm rơi cả bụi bánh tráng.

 

Có một gã lạ mặt đã xuất hiện ở đó vào một buổi trưa. Một buổi trưa lạc đường mất hướng. Một buổi trưa mà ngỡ như nhật thực trắng nhoà. Gã ngồi đó nhìn bụi bánh tráng rơi trên tro than. Người đàn bà đó nói cho gã biết trong xóm có một người tâm thần vừa chết. Anh ta chết trong khi đang ngủ, không biết vì sao. Mấy ngày trước đây anh ta làm như con khỉ leo cây rớt xuống đất một cái bịch rồi bị gãy ngón chân út. Bị gãy một ngón chân, thậm chí gãy cả cái chân cũng không thể nào chết. Vậy mà chết rồi. Một người tâm thần chết thì làm sao có thể biết vì sao?. Người đàn bà đó nói anh ta trạc tuổi gã. Và bà cứ nghĩ gã là một người bạn đến để viếng anh ta. Nhưng người nhà đã thiêu xác anh ta rồi. Và cái bình tro đó cũng đã được rắc ngoài nhánh sông kia rồi. Ngoài kia còn có một nhánh sông. Gã có nên ra đó xem thử không. Gã cũng không biết. “Một đời người không ngờ lại ngắn như vậy” - Người đàn bà đó nói trong khi tiếp tục nướng những cái bánh tráng còn lại. Chặp sau, bà ngước nhìn gã, lại nói cứ nghĩ gã là một người bạn đến để viếng anh chàng tâm thần kia. Mấy ngày nay có một số người đến viếng, nhưng không thấy ai như là bạn của anh ta. Có nghĩa là anh ta không có bạn?. “Không, tôi không phải là bạn anh ta. Tôi không quen biết một ai như thế cả”- gã nói, rồi như rơi vào một khoảng lặng. Nhưng, rõ ràng đây là nơi chốn mà gã  luôn muốn được đến. Như bước qua cái cửa sau nhà để dẫn ra khu vườn ở nhà quê. Còn đây là cánh cửa sau lưng thành phố. Đã nhiều lần, trong giấc mơ gã  thấy có một cánh cửa khổng lồ nằm sau lưng thành phố. Mỗi chiều xuất hiện một cánh tay khổng lồ để mở cánh cửa đó ra. Cửa mở, để đón chúng ta về một nơi êm đềm, tuyệt diệu. Đôi khi, gã thử mở cánh cửa đó bằng chính cánh tay của mình nhưng tuyệt vọng. Cánh cửa đó quá nặng so với sức lực gã. Những lúc như thế gã không biết mình có biểu hiện gì của bệnh tâm thần không(?). Nhưng, đã có một cánh cửa như thế trong gã.

 

Còn anh ta?. Có lẽ anh ta đã quyết mở cánh cửa đó bằng tất cả sức lực của mình. Cuối cùng, anh ta đã thắng. Gã lạ mặt ngồi đó, đột nhiên bật lên một tiếng cười khô khốc rồi trừng mắt nhìn ra cánh cửa mở chói nắng. Và gió loạn con đường.

Trần Nhã Thụy
Số lần đọc: 2244
Ngày đăng: 15.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Em ghét khuôn mặt mình - Trần Văn Bạn
Tôi... - Đào Bá Đoàn
Sóng bạc đầu - Ngô Phan Lưu
Bá Vương biệt Nương - Lê Văn Tiến
Xuôi ngược - Hoàng Thị Giao
Nhân điện - Hội An
Thằng Tửng - Trần Lệ Thường
Bỏ lẻ cho nhau… - Nguyễn Mỹ Nữ
Tiếng gõ cửa - Nguyễn Đức Thiện
Nhà khóc dành cho một người - Nguyễn Mỹ Nữ