Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.102
123.229.901
 
Độc thoại
Trần Xuân Toàn

Đoạn một: Đối thoại 1

Tỉnh giấc vì một làn hương nhẹ. Nàng tiên diễm kiều bên cạnh. Hỏi: “Đi chơi không? “. Giọng nàng trong như suối, nhẹ như hương, và quyến rũ như ma quái. Tôi choáng người trong âm sắc ấy, bất giác bước theo nàng, không một lời. Nàng đưa tôi đến một bến sông lãng đãng sương mờ khỏi phủ. Người nhẹ đi như chiếc lá mùa thu lìa cành. Dòng sông ngăn ngắt mờ, lững lờ chảy. Có tiếng hát len trong màn sương, bỗng chìm như khói, bồng bềnh sông nước. Nàng rỉ tai tôi: “Tiêu Tương đấy!”. À thì ra là Tiêu Tương sông. Tiêu Tương sông của bi diễm tình Trương- Mỵ. Chàng Trương Chi khoả chèo từ xa lướt tới. Sông nước lướt thướt run lên, cả một vùng lạnh toát. An hiện khuôn mặt ma chê quỷ hờn. Nghe nhiều về Trương nhưng không ngờ chàng xấu thậm xấu tệ đến thế. Chả thế mà dân gian trêu: “Ngày xưa có chàng Trương Chi. Người thì thậm xấu….”. Chả trách gì Mỵ Nương chẳng còn gì vấn vương khi gặp mặt. Nàng bảo tôi: “Gọi đò đi”. Tôi gọi: “Đò ơi”. Đò day ngang, thoáng chốc ghếch mủi lên bãi. Cát trắng phau phau, bèo trôi dập dềnh. Khoả nước, Trương giục: “Mời chàng!”. Tiên nư cười: “Bỏ quên ta ư?”. Trương khủng khỉnh: “Nào dám, chỉ hiềm Mỵ Nương ám ảnh nàng thôi”. Nàng lại cười rũ: “Vẽ chuyện”. Sóng thôi vỗ bờ, mái chèo trong tay Trương bần bật. “Đò nhỏ quá nhỉ! Chỉ đủ cho một mình ta thôi !”. Nàng nhìn Trương ái ngại: “Không, thuyền ta nhỏ, lòng ta rộng, tình ta thắm, thưa tiên nương”. “Phải, phải”. Một khúc sông lao xao mái chèo. Chàng cất tiếng hát. Hát rằng:

Đò ơi! Đêm nay dòng sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà

Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta

Đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau

Đôi lứa bên giang đầu [1]

Cá lặn mất tăm. Mây ngập ngừng trôi. Nhìn tôi, chàng hỏi: “Đi đâu?”. “Động Từ Thức”. “Động Từ Thức ư? Làm gì?”. “Chơi thôi!”. Trương nhíu mày: “Thảnh thơi quá nhỉ!”. Tôi đáp: “Cũng như đò anh lúc vắng người sang vậy”. Trương gật: “Thế chứ”, rồi vung mạnh mái chèo.

 

Thuyền lướt trên lụa trăng trải dài bàng bạc. Chàng Trương lại hát. Tôi gõ nhịp giữ lời. Lau lách hai bờ cuộn trong tiếng hát rùng rùng sóng vỗ. Vi vu vi vu… Bóng đêm lẩy bẩy chạm trán từng luồng ánh hát. Bỗng chàng Trương quay ngoắt thuyền, rồi buông lơi chèo. Thuyền lững lơ không về đâu nữa. “Sao thế?”- tiên nữ hỏi. “Chán, chẳng thèm gì cả!”- Trương đáp. “Ôi, anh mà cũng biết chán ư! Tôi tưởng những kẻ hát hay như anh sẽ không bao giờ biết chán là gì!” Nàng nói rồi cười ngặt nghẽo, chòng chành cả thuyền. “Không ai hiểu được tình ta, không ai yêu được hình ta. Hát mãi cho mình nghe, soi mãi cho mình xem, cũng chán. Thế!”  Trương làu bàu.

 

Trăng biến mất. Môt vùng nhờ nhờ như sắp vào cõi địa đàng. Tôi rún lạnh. Thuyền gần như cắm sào một chỗ. Tôi khẽ ngâm: “Soi mình xuống giữa dòng sâu. Để tìm ngày tháng dần trôi lặng tờ. Bèo mây dạt kín đôi bờ. Cắm sào một chiếc thuyền chờ đợi ai?”. Trương nắm tay tôi: “Sông chảy, thuyền trôi, chờ cái nỗi gì!”. Tôi phật lòng, nhưng cũng nói: “Nhưng phải đến Từ Thức động chứ, Trương!”. Trương: “Chậm nào! Tôi muốn nghe thơ anh. Khoái hơn là đến cái anh Từ Thức lên tiên ấy. Buồn vui ở cõi trần, nhấm nháp dẫu sao vẫn hơn!”. Chịu. Tôi lại phải ngâm tiếp: “Tôi soi mình để kiếm tìm. Giữa bao sóng gợn một niềm tin yêu. Một lời em vọng tới chiều. Một sông thu với một điều, chờ mong…”. Trương rầu rầu gục đầu, mái tóc chấm nước, mắt buồn chằm chằm tận đáy. Như ở đấy là thế giới khác, thế giới có thể soi mình vào. Rồi Trương xô mạnh thuyền: “Nhìn kìa”. Cả bọn nhìn xuống đáy nước. Một cô gái tuyệt trần dềnh trên sóng nước, dáng điệu buồn buồn ra chiều tương tư một cách quý tộc. Trương thất thanh: “Nàng đấy, Mỵ Nương!”. Trương dấn chèo, thuyền chao mạnh, sóng cồn lên. Cô gái biến mất. Tiên nữ cười ma quái, rùng rợn. Ô hay, khuôn mặt nàng dờn dợn sóng nước phảng phất dáng nét Mỵ Nương….

 

Từ phút ấy, thuyền chìm vào bóng tối. Tôi chẳng thấy gì. Hỏi tiên nữ cũng chẳng thấy gì. Hỏi chàng Trương, Trương ậm ừ, không cũng không ra không, có cũng chẳng phải có. Trương dấn chèo: “Vứt”.

 

Nhờ thế thuyền lao nhanh. Một vầng sáng trước mắt. Một cửa động lồ lộ. Thạch nhũ giọt tí tách, boang boang. Hương lưng chừng ngào ngạt. Tôi nói: “Thích thật”. Tiên nữ  bĩu môi: “Đông Từ Thức đấy! Chỉ mỗi anh là thích thôi ư?”. Tôi cười giễu: “Tiên thì thích cõi tiên làm gì!”. Nàng đáp: “Các anh ngốc lắm”. Tôi không làm sao đáp lại được.

Thuyền đến cửa động lúc nào chẳng hay. Tôi mãi nhìn các tiên nữ tắm. Môt góc rừng như trút lá. Thuyền lướt đến. Các nàng ù té chạy. Cửa động đột nhiên loé sáng. Rồi một chàng thư sinh mảnh mai, dậm gót hài, phe phẩy quạt, cung kính đón chào. Từ Thức động chủ! Chàng dẫn chúng tôi vào trong động. Hang tối om om, lành lạnh. Nhã nhạc đâu đó vọng lại, dìu dặt nâng bước chân chủ khách. Hun hút bóng đêm, hun hút gió. Chợt một khoảng trời vén lên, ánh sáng ùa lùa từng hốc mắt. Tiên cảnh. Thoát tục. Thấy ba bốn người ngồi quanh bàn cờ chén rượu. Nam có. Nữ có. Phong thái nho nhã. Hỏi Từ: “Ai đấy?”. Từ thủng thỉnh: “Bọn văn sĩ nhác việc, lười nghĩ, hay tửu, hám sắc đấy mà!”. Cả bọn người ấy ha hả cười đồng tình với Từ. Trương bảo: “Chẳng chào bọn ta ư?”. Một nhi nữ trong bọn ấy đáp: “Đây biết cả rồi, khách khí làm gì!” Trương bực bội: “Đây chẳng thèm biết”. Cả bọn cùng nói: “Mặc”. Và điềm nhiên như không.

 

Từ giải thích: “Kẻ ấy là nữ sĩ họ Hồ tên Xuân Hương”. Trương ậm ừ: “Ta chúa ghét bọn nữ sĩ trịch thượng”. Tiên nữ cười: “Trương đã hơn ai mà nói thế!”. Tôi phải dàn hoà: “Thôi”. Rồi Từ mời cả bọn ngồi chung với nhau.

 

Trương chẳng nói chẳng rằng ra ngồi một chỗ. Trăng len từng kẽ động. Nghe ngâm: “Trần thế đêm nay chán lắm rồi. Cho tôi lên với chị Hằng ơi!”. Trương hỏi vọng tới: “Ai đấy?”. “Ta- Tản ngông đây!”. “Bác Tản đấy ư! Bác mà cũng ngâm thế a! Dành cho bọn tôi thôi”. Tản cười khà: “Trương ơi! Chán ngán có chừa kẻ nào đâu”. Có tiếng phụ hoạ: ‘Đúng đấy”. Nhìn ra là bác Nguyễn danh Tuân. Kẻ sính trà khen người nát rượu có khác. Tôi nói chen vào: “Các bác chỉ giỏi tán. Chán nào đến các bác. Đếch tin được!”. Choảng. Cốc rượu và chén trà cùng nát vụn. “Láo, thằng này láo”. Ừ, thì láo vậy.

 

Tôi khèo Tản: “Bác trả lãi cho tôi đi!”. “Lãi gì?” “Đa tình” “Đa tình? Lạ nhỉ?” “Tôi nhắc bác nhớ nhé”. Rồi tôi ngâm: “Cái giống đa tình bác gởi tôi. Tôi đem trang trải mãi chưa vơi. Bác nghêu ngao hát đào rơi rắc…”. “Thôi, thôi! Tuân này, thằng này láo tợn đấy”. “Ông thưởng cho nó ngọc tưủ đi”. Tôi luống cuống đỡ lấy ly rượu thưởng. Không hiểu sao, do xúc động vì mừng, hay do men ngọc tửu mà tôi chuếnh choáng lỡ đánh đổ đi. “Cút, quân ăn hại. Đến ngọc tửu mà chả biết giữ  thì còn biết gìn gì nữa. Cút, cút ngay”. Tôi bái lạy xin tha tội. “Cút”. Tiên nữ cuống cuồng lôi tôi ra ngoài: “Bọn văn chương nó cộc lắm. Không chơi được!”. Rồi quay sang Từ: “Sao lại có những của nợ ấy ở chốn này?”. Từ đáp: “Bọn họ đều mơ đến cõi tiên cả thôi. Kẻ thường thường như tôi lên cõi tiên mới thấy rõ người trần; văn tài như các cụ không dứt được cõi tiên nên hễ được là người tiên thì coi khắp chốn đều là địa ngục. Họ bẳn tính là vậy!”. Trương lại hỏi: “Còn như ta?”. Từ lơ lểnh đáp: “Giáng Hương không phải là Mỵ Nương đâu, Trương ạ!”. Rồi xua cả bọn ra về. Tôi ngẩn ngơ vì đã đến cõi tiên những tưởng gặp người tiên, sống với cảnh tiên, ai ngờ lai gặp một lũ văn chương. Than: “Rách chuyện, rách chuyện”. Từ an ủi: “Nghiệp mà”.

 

Trăng đà lặn hẳn. Chúng tôi ngồn ngộn những ánh trăng còn sót lại. Trăng tâm tưởng. Trăng trong lời hát. Trăng trong điệu ngâm. Chà, Tản đà đòi lên với chị Hằng kể cũng hay hay. Bóng đêm dẫn đường, thuyền len lách qua sông Ngân. Một vài đom đóm sà sà trước mặt. Tôi giơ tay chụp lấy. Không, không phải. Những vì sao sa, những vì sao sa. Mặt nước loang loáng, loang loáng. Gió đâu rủ về. Có mùi tử khí ở đâu đây. Gần thôi, gần thôi. Rồi biến mất, biến mất. Cả bọn dờn dợn.

 

Đến một khúc sông, Trương buông chèo nói: ‘Thưa, đò đã cập bến đau rồi đấy ạ! Trương nầy không thể đi thêm được nữa đâu!”. Nàng bảo: “Ừ, chỉ nên thế thôi. Dừng, lên bờ đi”. Tôi nhìn Trương lưu luyến: “Bao giờ lại gặp nữa nhỉ?”. Trương cũng bịn rịn: “Rêu phong, gạch vỡ, trăng tàn. Lòng người khi ấy chẳng màng đợi nhau. Ta đã lên tiên thoát nợ duyên trần, có muốn như ngươi nữa cũng không được”. Rồi hát: “Mờ xoá dòng sông. Ai qua bến giang đầu tha thiết. Nghe sông than mối tình Trương Chi. Dâng ứa trăng khi về khuya. Bao tiếng ca ru mùa thu[2]. Tôi đáp lại: ‘Chiều phân ly ai ngồi bến sông trông về đâu. Chập chùng khơi tiếng đàn buông lơi. Khoả nước chèo sông hững hờ. Ơ hơ… Mối tình Trương Chi”. Nhìn nhau mà ứa lệ.

Thuyền rẽ vào cõi Tịnh. Văng vẳng ngân nga tiếng hát chàng Trương:

Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân hò khoan mơ bóng con đò trôi

Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời

Anh Trương Chi tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung

Anh thương nhớ oán trách cuộc từ ly não nùng [3]

Thuyền vào cõi Tịnh hun hút mà còn quằn quại đau chống chuếnh lòng.

Tiên nữ lại dưa tôi đến một bến sống nữa. Dòng sông đỏ ngầu ngầu. Nước rầu rầu chảy. Hoa lá gục đầu. Buồn quá. Tôi níu áo nàng: “Thôi, đừng đi nữa. Ta ngao ngán những bến sông lắm rồi”. Nàng vùng vằng: “Không được! Cả một sự minh triết ở các bến sông đó. Sông nầy là Thương, sông kia là Hương, sông nọ Đợi, sống ấy Chờ. Sông Ngân, cầu Ô không là minh triết đấy sao!?”. Tôi lắc đầu: “Ngao ngán lắm”.

 

Nước sông dâng cao. Đỏ ngầu cuồn cuộn. Hai bờ sạt lở ào ào. Như tia máu vọt ra từ con khủng long thời tiền sử bị trọng thương, đang nằm oằn mình, giẫy giụa. Đỏ ối chân trời. Tôi rất đỗi hãi hùng, chưa từng thấy bao giờ. Nàng nói: “Hồng Hà phù sa đấy”. Tôi không đồng tình: “Phù sa đâu! Tiên nương nhầm rồi, máu đấy, đỏ thế kia mà!”. ‘Nhiều thế sao?”. “Bao đời tích chảy mà!”. Nàng cũng nói: “Thế thì chán thật. Ta đến bến sông kia đi”.

 

Đó là con sông Hương mến thương của bao chàng thi sĩ, những kẻ ăn mày cầu xin lòng nhân ái của mọi người; của bao kĩ nữ tự dày vò trinh tiết mình trong làn nước biếc; của trời và mây, của thành và quách, của tĩnh lặng và buồn đau. Tiên nữ khoả nước rửa khuôn trăng. Nước dềnh rung rinh lá trúc, xôn xao điện đài, khấy động bóng thời gian, nhấn chìm không gian. Tôi cầm tay ngăn lại. Nàng giật ra nói: “Bây giờ ta ngao ngán cảnh tịnh yên ở đây rồi. Giá có mái chèo để ta khấy cả vũ trụ và nhấn chìm sầu muộn nhỉ!”. Tôi nói: “Nàng cũng chán ư?”. “Ừ, ta cũng không rõ”. Tôi chỉ vào môt bóng thuyền ttừ xa: “Sao giống thuyền chàng Trương, nàng nhỉ?”. Nàng thở dài: “Ở đâu có bến sông, ở đấy thế nào cũng có bóng chàng Trương, chàng không hiểu sao”. “Ta hiểu, ta hiểu”.

 

Bồng bềnh thời gian, bằng cái khoảng khắc mà tôi với nàng đắm chìm trong im lặng. Mưa rơi. “Ta với nàng chơi vơi ở đây làm chi nhỉ?”. Nàng không đáp, không nhìn vào tôi, không biết đến xung quanh. Chờn vờn trước mắt tôi là một khuôn mặt của những kẻ cuồng dại vì tình, một cặp mắt đẫn đờ của môt kẻ đồng bóng. Nàng vụt hoá ra một hiên hữu khác, rồi vụt bay lên. Một làn hương thơm ngan ngát mất hút thẳm sâu hậu cung của hàng ngàn cung nữ biến thành ma tình ngập chìm trong xương tàn tưới đầy những oan hồn tình hận thời son trẻ. Tôi gọi: ‘Nàng ơi, nàng ơi”. Bẽ bàng phủ bến sông Hương…

 

Đoạn hai: Độc thoại

Trương gác chèo, mặc cho sông nước xuôi thuyên về đâu. Chàng ngẫm lại những việc vừa xảy ra. Ta chẳng còn mong gì ở Mỵ Nương nữa. Nhưng bảo Giáng Hương không như là Mỵ Nương thì thằng Từ cũng chẳng hiểu gì sất. Bọn nó mũ cao áo thụng có biết gì đâu ngoài sách vở. Tưởng ai cũng lắm điều như chúng cả. Còn bọn văn chương mới thật nhỏ mọn, bêu diếu ta mãi thế vẫn chưa đủ sao! Trương ngẫm mà buồn buồn. Chàng cầm chèo gõ nhịp vào mạn thuyền, muốn cất tiếng hát, nhưng không hát nổi, lại thôi. Hát làm đếch gì? Yêu, bọn lắm điều nó lại nhiễu sự. Ghét, chúng lại nghĩ mình si tình nổi đoá. Biết thế nào mà lần. Kệ xác, muốn sao thì muốn. Trương nhoẻn miệng cười. Nu cười rõ mồn một sông nước. Trương nhìn thấy và tự lấy làm lạ. Không nhận ra khuôn mặt mình nữa. Chàng vội cầm chèo khoả nước. Nụ cười xộc xệch, biến đi. Gương mặt ấy mất đi…

 

Đoạn ba: Đối thoại 2

Thuyền trăng cập bến, rồi đưa tôi xuôi về vũng Cô Liêu. Bên hữu là Vỹ Dạ thôn, vơi đầy nhã nhạc. Bên tả là cồn Ma chất ngất xương tàn. Mưa càng nặng hạt, như trát tro vào mặt. Len lách giữa những khoảnh khắc chớp ngời ngời, một hình nhân hư thực sừng sững, chấp chới. Nhợt nhạt như ma, gớm ghiếc như quỷ.

 

Mưa dứt. Hiện rõ thuyền trăng, bến trúc, lá sông… ướt đẫm sau mưa. Nắng nghiêng nghiêng, thuyền xiên xiên, tơ trúc mạch liền. Lòng tràn trề xúc cảm khác thường, quên đây là vũng Cô Liêu, mình là kẻ cô liêu, khẽ ngâm: “Chiều nay dạo bước nơi xưa ấy. Chợt tỉnh đò ngang đã cập cầu. Sông trăng còn đó, thuyền còn đó. Ao trắng bây giờ em ở đâu?”.

 

Nghe phù phù tiếng tơ tiếng trúc. Hình nhân bên cạnh, tán thưởng: “Hay lắm. Có muốn thăm Hàn không?”. Tôi nói: “Còn gì bằng. Mà người là ai? Hình như dây là Vỹ Dạ thôn?”. Hình nhân đáp: “Ta là Hồn Hàn thi sĩ.Vỹ Dạ thôn là đây! Nhưng Hàn không còn ở đây nữa. Hàn ngự ở cõi Tịch Mịch rồi!”.

 

Rồi dắt tôi đi, qua một thôi là biển, ba bốn lần sông, năm sáu lần núi. Đến một vùng, bờ biên biếc xanh, ngàn dương ru sóng. Nhạc trời sà xuống thấp. Sóng tấu khúc ca ngất trời. Bất diệt. Cái gì trắng cứ trắng loã lồ. Cái gì đen cứ đen kìn kịt. Ở đây là thế. Ngoảnh lại ngút ngàn là đồi núi. Day ngang, mênh mông là sông nước. Ngẩng lên: chim yến dập dờn. Nhìn xuống: đá hòn, đá trứng chất chồng lạo xạo.

 

Chợt từ thinh không vút tới một giọng ngâm trong như pha lê, hoang dại như thuở khai thiên lập địa: ‘Trời hỡi bao giờ tôi chết đi. Bao giờ tôi hết được yêu vì. Bao giờ mặt nhật tan thành máu. Và khối lòng tôi cứng tợ si”.

Dứt lời, bóng tối ào ào phủ cõi Vô cùng. Trăng vội vã thu góp bao nhiêu tinh anh trời đất, lẩy bẩy chống chọi với lưới đêm giăng phủ. Những vì sao kiệt sức. Tôi bấn loạn như trải qua cơn ác mộng. Một tiếng cười ha hả rung rinh vách đá, dội ầm ầm sóng biển, tung toé đến các vì sao. Vũ trụ nhão nhẹt ngập ngụa trong bùn máu. Tôi kinh sợ, bước giật lùi, giật lùi. Phía sau là vực thẳm đen ngòm, đầy xương, ngập máu. Một tiếng quát: “Dừng lại”. Trước mặt tôi không còn là Hồn nữa, mà là cái bóng kinh dị, toàn thân ứa đầy máu đỏ, nồng nặc mùi chết chóc. Cái sống phủ phục, van lạy chung quanh. Cái chết nham nhở rúc lên từng hơi dài rùng rợn. “Ta là Hàn đây!”. Tôi vội xua tay thất thanh: “Không, không phải Hàn! Hàn không thể là anh! Hàn không thế, không thế….”. Một giọng cười sằng sặc qua đồi, qua núi, len suối, chen rừng… Tôi gục đầu, nức nở. Vai tôi ướt đẫm nỗi hãi hùng của sương đêm.

 

Một tiếng gọi khẽ khàng. Tôi ngẩng lên. Đức Mẹ Đồng Trinh giang đôi cánh tay bé bỏng thần bí che chở. Bóng tối và nỗi kinh sợ lùi xa. Tôi thầm cảm ơn Người.

 

Tôi mụ mị người, đẫn đờ bước từng bước vô thức, dò theo từng dấu chân vô hình nào đó. Tôi không còn kinh hãi khi một bàn tay nhầy nhụa máu mủ nắm lấy tay tôi lôi đi. Qua một đoạn đèo hún hút bóng người, những ánh trăng trắng toát chảy trên đường đi. Qua rừng dương vô bờ sóng vỗ, gió vi vút rít lên từng cơn. Qua bãi dài cát biển đá hòn, đá trứng lởm chởm, tung toé, trợt trơn. Qua con suối óc ách nghèn nghẹn đau thương, đến nỗi tiếng hú bật gãy cây rừng đến đây phải chựng lại. Đến một vùng lờ mờ ánh trăng, hiện hình những tháp Chàm rêu phong cổ kính. Gạch đâu dó loảng xoảng rơi rụng. Tiếng hú, tiếng thét, tiếng gào…. Mây sà xuống thấp, phủ tròn chóp tháp. Bụi bốc lên mờ mờ. Tháp nhẹ hẫng, lửng lơ va lách cách những vì sao. Như múa, như nhảy. Một khúc điệu nghê thường. Vũ nữ. Một bầy vũ nữ thành Chiêm chập chờn ghê rợn, giang cánh tay, xoè, đón gió vi vu. Lại một đợt hú dài qua ba suối, bảy sông, dội vào thành quách. Một hồi âm từ chốn địa ngục. Người run bần bật. Mắt đắm chìm trong vũ điệu.

 

Môt vũ nữ thoắt đến. Một toà thiên nhiên thanh khiết. Nàng lắc mông, khoả tay, mắt lúng la lúng liếng. Toàn thân thực hư toát lên một khát vọng sống điên cuồng giữa một vùng đầy âm khí, ma quái. Bóng trăng loạng choạng, dò dẫm từng hốc đá cành cây. Biển gào lên rồi im lìm. Tháp thôi ca múa. Vũ nữ trầm mặc. Nhịp gõ: “Như em ở giữa bờ sinh tử. Lúng liếng ngời lên mắt rất đời. Bước nhỏ rung người tình tứ quá. Thân ngà uốn lượn cõi thực hư”. Tiếng gạch vỡ trong hốc tối, vọng: “Nữa đi!”. Vũ nữ dìu tôi ra. Tôi không cưỡng bước chân mình, cũng múa, cũng nhảy. “Như cả hồn em dâng khát vọng. Sống để mà yêu đến Vĩnh Hằng”. Giọng ha hả cười. Nàng riết lấy tôi, và biến mất. Một cảm giác bãi hoải chạy khắp người tôi khi đôi môi tôi chạm vào nguồn sống mãnh liệt của nàng…

 

Bóng Hàn chập chờn trước mắt tôi. Hàn bày tiệc: gạch vỡ, hồn, xương da, thịt nhầy nhụa máu- một bên; một bên nữa- là thơ. Không nói, không ca hát, không đàn sáo, không ngâm nga. Lạnh lẽo như cõi Âm. Một bóng ma nữa bước ra từ ngôi tháp đổ. Một thế giới của điêu tàn. Hàn mời tôi và cả bóng ma vừa bước ra. Hàn nói với tôi: “Chế Điêu Tàn”. Chế nhìn trân trân vào tôi: “Ở đâu?”. Hàn bảo: ‘Vừa bước lên từ thuyền Trương Chi”. Chế hỏi tôi: ‘Sao không bảo Trương cùng đi”. Tôi: “Chi là cái thằng phàm tục, chỉ biết có Mỵ và hát. Biết gì đến Thơ”. Hàn thêm: “Kẻ ấy suốt đời chỉ biết chèo đò đưa người khác sang sông thôi! Không chơi được”. Tôi không nói gì, chỉ thương chàng Trương một bến sông lạnh lẽo, còn lạnh lẽo hơn cả cõi Âm mà tôi đang ngồi đây. Không hiểu sao mình lại nói ác Trương nhỉ?

 

Hàn mở tiệc: “Nào xin mời”. Chế ngấu nghiến xơi món Hồn lóng lánh bao sầu thương mà Hàn đã xào nấu từ kiếp trước. Chế khen: “Ngon quá”. Hàn bĩu môi: ‘Anh chỉ được cái giỏi khen những gì người ta làm sẵn. Anh nói, mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại ở cái thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử ta. Không, cái của ta còn chính là bàn tiệc hôm nay ta bày ra mời anh đấy. Khen và ăn nữa đi”. Chế chạnh lòng, hỏi lại: “Là thơ chứ?”. “Không, là Hồn, là Máu, thịt da ta đấy!”. Chế dỗi: “Không thơ hì chán lắm”. Hàn: “Cầm lòng thế, đành lòng thế. Bạn ta chỉ được cái cao giọng về ta, nhưng chẳng hiểu gì hơn ta. Than ôi!….”. Phút ấy, gương mặt Hàn đầm đìa nước mắt, chảy tràn thân thể, hoà tan thành một màu đỏ quạch. Chế rú lên. Tôi loạng choạng bưng mặt.

 

Không biết bao lâu. Trăng thôi bàng bạc. Gạch tháp  thôi nức nở. Suối tấu khúc nghê thường. Gió vi vu. Vũ nữ xoè. Lại múa. Lại hát. Lại bốn bề gió lá reo ngân.

 

Ang chừng nửa cuộc tiệc. Hàn khoát tay: “Dẹp! Thôi ca hát! Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi. Rượu!”. Chưa từng nghe Hàn uống rượu. Uống trăng, nghiến hồn, khạc máu thì từng biết. Mặc. Hàn sang sảng ngâm:

Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền

Bây giờ tôi dại với tôi điên

Chắp tay tôi lạy cả miền không gian

Hàn vỗ vai Chế, chỉ xuống vực: “Chế này, khe ngọc tuyền kia. Mai này ta chết đi, cấm không cho đứa nào đến khóc. Ta chúa ghét những giọt nước mắt khóc trên thân xác ta. Ta cũng chẳng cần gì cho ta nữa. Đừng thắp hương cho ta khi chết. Cả một đời sống trong khói hương còn chưa đủ hay sao!?”. Rồi Hàn ngâm tiếp:

Với sương sao anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm

“Thưa chàng, có em đây!”. Một vũ nữ uốn lượn với khay trà, bình rượu, múa, tiến ra. Sắc và Tửu, Hương và Nhạc. Hồn và Máu. Hàn vái lạy: “Đa tạ nàng! Đa tạ nàng! Ta muốn sống trong thế giới siêu thoát của các nàng để lánh mình khỏi những lời ca tụng trên thân xác ta. Ta muốn sống hết những nguồn yêu không hẹn ngày dứt cạn, nàng ơi, nàng ơi!”.

 

Tôi nhìn trân trân vào nàng. Tiên nương dẫn đường cho ta đột nhiên biến mất hút trên bến sông Hương đây mà! “Sao nàng lại ở đây?”. Nàng đáp: “Đau thương quyến rũ bước chân người tiên. Khi chàng ở bến sông Hương, chàng đang trong hạnh phúc, nên không theo cùng chàng đi nữa. Bến Cô Liêu trên bờ thôn Vỹ dẫn kẻ Cô Liêu đến chốn này đây! Và em lại có dịp gặp lại chàng”. Tôi vừa nghe những âm sắc lạnh người. Định Mệnh nào chăng? Hàn nhìn nàng: “Nàng nói phải đấy”. Chế phản đối: “Không thể thế”. Hàn gắt: “Đời lập phương, thơ bình phương không có chỗ đứng ở đây đâu!”. Chế không nói gì nữa.

 

Nàng rót rượu mời khắp cả bọn. Tử không quen uống rượu, đỏ bừng bừng: “Chịu, thứ rượu của các người nhạt lắm!”. Chế thì khoái hẳn. Tôi mời nàng cụng ly cùng tôi: “Thưa quý ma nương má ửng hường. Này đây rượu vắt kiệt nguồn thương. Ta dâng tận mặt, nâng tận mắt. Nửa khúc tiêu tao, nửa đoạn trường”. Nàng rót thêm cho tôi và luận: “Trương Chi sẽ nghệch mặt ra khi nghe hát lời này”.

 

Tử vừa ngốn nghiến hồn, vừa mời tôi dùng món. Lờm lợm mùi hồn, thịt da, máu xương bày trên bàn tiệc, tôi giơ tay định bốc món Thơ nhắm cùng rượu quý. Hàn lập tức giơ tay ngăn lại: “Không được”. Tôi hỏi: “Sao?”. Món ấy tinh huyết lắm”. “Ta không dùng được sao?”. Hàn trợn mắt: “Chỉ có môn đệ của trường Điên, trường Loạn mới xơi nổi thôi!”. Tôi nghiêm mặt lại: “Ta xin là môn đệ của trường đó”. Hàn lại cười cười: “Xem này, thằng Chế đây chỉ được nửa mùa. Khê thì có thể nhưng lại rũ áo ra đi sớm!”. “Khó đến thế sao?”. “Không. Chi cần hội đủ ba điều!”. Tôi tiếp: “Gì?”. Hà đáp: “Một là Say. Không phải là say thứ rượu nhạt thếch của Trần Gian, mà là thứ rượu huyết, tinh huyết. Hai là Mê. Không phải là thứ mê mê muội muội của bọn nhai lại, nhại theo mà là hương thơm, mật đắng, dẫu phải sầu thương. Ba là yêu. “Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương…”. Yêu như lưỡng nghi, như tứ tượng, như bát quái… Yêu để gặt hái sầu thương, để nếm tràn mật đắng. Yêu là hương thơm, đến đỗi khối lòng ta cứng tợ si thì thôi!

 

Tôi cười ha hả: “Tưởng sao, thế có gì là khó. Ta có thừa Say, đủ Mê, và luôn Yêu”. Hàn: “Được nhiều chưa?”. Tôi : “Nhiều”. Hàn lại hỏi: “Rốt lại là ai?”

 

Cuộc đối đáp đến đây làm tôi kiệt sức. Tôi không còn lấy ai để minh chứng cho Hàn ngay giữa cái cõi nửa hư nửa thực, nửa âm nửa dương, nửa ma quái nửa bụi trần như thế này. Nàng, tiên nữ ấy, nhìn tôi với đôi mắt đăm đắm, rực sống ngút tình, vừa khêu gợi, vừa van lơn. Từ đôi môi mọng của nàng thốt ra một âm sắc choi chói, xoáy người: “Em đây chàng ơi”. Tôi bừng tỉnh, lao tới ôm lấy nàng, với nỗi đam mê bất tận nguyên sơ của con người. Một tiếng cười ghê rợn vang dội núi rừng, vách núi đảo chuyền, luyến láy những thanh âm sắc ngọt, đá nhào lộn xuống thinh không, muôn thú gầm rú hoảng loạn như vừa trải qua cơn động rừng, mây sà ngang mặt biển, trăng nát vụn ra rơi tơi tả xuống sông Ngân, sao sa chới với…

 

Trong vòng tay của tôi là nỗi khiếp đảm vô hình. Vách đá vọng ra âm âm từng lời: “Nữ thần Định Mệnh trong vòng tay người đấy!”.

Một chuỗi cười ma quái hun hút đến cõi vô cùng… Hình như thốt ra từ  Hàn…

 

   Hà Nội, tháng 03-1992.



[1] Lời nhạc Văn Cao

[2] Nhạc Văn Cao

[3] Như trên

Trần Xuân Toàn
Số lần đọc: 2066
Ngày đăng: 19.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đóng và mở cửa - Giang Thị Kim Phụng
Chùm truyện rất ngắn của Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Thuý Kiều với người khách lạ - Hiếu Tân
Thế giới mùi vị - Trần Văn Bạn
Cửa sau thành phố - Trần Nhã Thụy
Em ghét khuôn mặt mình - Trần Văn Bạn
Tôi... - Đào Bá Đoàn
Sóng bạc đầu - Ngô Phan Lưu
Bá Vương biệt Nương - Lê Văn Tiến
Xuôi ngược - Hoàng Thị Giao
Cùng một tác giả
Độc thoại (truyện ngắn)