Tôi đọc truyện ngắn: "Nỗi Buồn Rực Rỡ" của Nguyễn Nguyên An (NNA) trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi xúc động, tìm cách làm quen với tác giả với tư cách người hâm mộ. Thật bất ngờ, tôi được NNA tặng hai cuốn sách: "Ngọn Đèn Vẫn Tỏ" tập truyện ngắn, Nhà xuất bản (NXB) Công an nhân dân quý III, 2006 và tập truyện dài "Trường Đại Học Của Tôi" NXB Công an nhân dân, in xong nộp lưu chiểu quý I năm 2007. Tôi chong đèn đọc suốt đêm và không thể không nói lên cảm xúc mình…
Trước đây tôi có đọc đâu đó một vài truyện ngắn của NNA. Nhưng quả thực không gây ấn tượng mấy. Nay, tôi được lắng mình trong dòng tâm sự xôn xao của những mảnh vỡ cuộc đời, những vết xướt trái tim đau, những được mất, thua thiệt ở đời và lòng bao dung, nhân hậu của tác giả trải dài, thấm đẫm trong từng trang viết, trong hai mươi lăm truyện ngắn gần 250 trang và một tập truyện dài dày hơn 300 trang là chuỗi buồn rực rỡ của NNA! Đúng không? Ở "Kỷ Vật", hai nỗi đau của hai cô gái, một cô nằm lại đâu đó trên cánh rừng Trường Sơn huyền thoại bạt ngàn nhân cách và một chị trở về làm nữ giám thị trại cải tạo, khi đồng đội cũ hỏi chuyện chồng con. Chị nói: "Ở rừng về chị đã già, lại bệnh tật, ốm đau luôn còn nghĩ chuyện chồng con mà chi. Hơn nữa, ai dám lấy cái bà da nám môi chì vì sốt rét thâm niên…". Những nỗi buồn rực rỡ về sự hy sinh cao cả của Lực lượng Vũ trang trong Bầu trời cổ tích, Cuộc trò chuyện tháng Bảy… ; những mất mát đau thương, thua được ở cuộc đời trong Ngọn đèn vẫn tỏ, Duyên nợ trăm năm. Truyện Đất Sau Mưa là một truyện hay, khoảng thời gian "chín năm" của nhân vật chính trong truyện làm tôi day dứt mãi, thầm cầu cho đó là hư cấu chứ không thực bao giờ. Đặc biệt Bầu trời cổ tích lấp lánh tình đời, tình nguời và chấp chới chất thơ, với một bối cảnh xưa, kể về cuộc kháng chiến của bà con, của một cô nữ sinh cùng bà mẹ quê tần tảo ở một ngôi làng Việt nào đó, không hề yên ổn sau luỹ tre xanh trong vùng tạm chiếm. "Ngọn Đèn Vẫn Tỏ" Như bản trường ca, ca ngợi trung thực truyền thống vì nước quên thân, vì dân phục vụ của người chiến sĩ công an và của Lực luợng Vũ trang…
Truyện dài "Trường Đại Học Của Tôi" chính là một nỗi buồn, một nỗi buồn của một thanh niên bị bắt đi tù sau bốn năm bị truy nã. Cuốn truyện này không có tình tiết gay cấn nên không cuốn hút, làm người đọc phải đọc ngấu nghiến mà vẫn có thể đọc nhẩn nha, chậm rãi. Nhưng với tôi sức hút chính là những chi tiết đời tù qua lối kể tự sự dửng dưng của tác giả gây tò mò cho người đọc. Tôi đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối và buột miệng: "Khá đấy!". Tôi xin trích lời giới thiệu của NXB Công an nhân dân ở bìa bốn:
"Trường Đại học của tôi là một câu chuyện kể về một thanh niên lâm cảnh tội tù; sau bốn năm chui lủi trốn lệnh truy nã, bị bắt, công an dẫn độ từ Hội An ra Huế hầu toà. Từ đó anh ta kinh qua các Trại tạm giam rồi đến Trại cải tạo của Cục V26". "
"Chuyện về tù tội là một đề tài hóc búa cho những ai chưa hề dấn thân. Còn ở đây, người đọc sẽ được tác giả dẫn từ Trại tạm giam về với cuộc đời, có thể thấy rõ những công việc của những phạm nhân đang trả giá cho những lầm lỡ của mình, kể cả những trò ma mảnh, tâm tính ti tiện của những người tù và những lòng bao dung của những người thầy bất đắc dĩ - người Cảnh sát trại giam" .
Tính đến nay Nguyễn Nguyên An đã in ba tập truyện ngắn và một tập truyện dài. Mừng cho anh, tất cả bốn tác phẩm của anh đều được các NXB hỗ trợ in ấn, phát hành và trả nhuận bút. Đây là một trong những trường hợp hiếm có. Theo tôi, anh được ưu ái vậy có thể rất nhiều truyện của anh là những nỗi buồn rực rỡ, những mảnh vỡ của cuộc đời, của trái tim đau thương nhân hậu mà chính anh đã dấn thân, trải nghiệm, giúp anh viết được nhiều trang viết sâu sắc chân thành gây xúc động cho người đọc; cho riêng tôi, bởi tôi được thấy nỗi buồn tôi thấp thoáng trong trang viết của anh, đôi khi tôi tưởng anh viết cho tôi vậy! Những nỗi buồn tôi, nỗi buồn anh và bao nhiêu nỗi buồn của ai khác trong tác phẩm của anh mãi lấp lánh bay lên trong veo rực rỡ phận người…
Biên Hoà, ngày 3 tháng 5 năm 2007