Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.430
 
Minh Chung, Văn tài có khuất lấp ?
Hà văn Thùy

Tháng Năm năm 1989, trong những ngày đầu phiêu bạt, tôi đến với anh em văn nghệ Ðồng Nai. Khôi Vũ, Nguyễn Ðức Thọ, Minh Chung, Vũ Xuân Hương, Nguyễn Thanh Văn, Hoàng Vũ Hoài, Phạm Ngọc Thản, Hoài Tố Hạnh... đón tôi bằng tình cảm thông chia sẻ trong cơn hoạn nạn. Bữa tiệc chia tay ở một quán thịt cầy ồn ào chợ Tam Hiệp. Sau những ly rượu đế xoay vòng, anh Minh Chung nói: "Anh Thùy ạ, anh cứ đi đi, tìm nơi tốt nhất cho cuộc sống của mình. Cùng bất đắc dĩ, không còn chỗ nào nương thân nữa, anh cứ về đây. Anh em văn nghệ Ðồng Nai không bỏ anh đâu!" Quả thật, lúc đó tôi ớn lạnh vì dự cảm sóng gió trong câu nói. Nhưng đó là những lời nhớ đời.

 

   Hơn mười năm từ ngày ấy, một sáng tháng 4 năm 2002, chúng tôi ngồi bên nhau trong quán cà phê bên đường Sài Gòn. Nhà thơ Trương Nam Hương, họa sĩ Hoàng Vũ Hoài và tôi. Chúng tôi cùng nhớ về văn nghệ Ðồng Nai, nhớ Nguyễn Ðức Thọ thông minh, lém lỉnh chân tình mà bỏ anh em quá sớm. Sau lúc lâu im lặng, tôi buột miệng: "Tại sao Minh Chung lại chìm nghỉm đi như thế nhỉ?" "Ông ấy là thầy em đấy. Ông ấy văn lắm, đọc cứ thăm thẳm." Hương nói. "Người có lòng như thế với văn chương không dễ bỏ ngang được!" Tôi vẫn băn khoăn theo ý nghĩ của mình. "Trong những người viết Ðồng Nai, ông ấy khiêm tốn âm thầm nhưng là ây bút cứng!" Hoạ sĩ Hoàng Vũ Hoài nhận xét. "Anh đọc tiểu thuyết Phớt tím hoa mua của ông ấy chưa, văn lắm!" Trương Nam Hương lên tiếng sau lúc chúng tôi im lặng. Câu nói của Hương gây ấn tượng cho tôi bởi sự chân thành. Ít hôm sau anh đưa tôi cuốn sách mỏng do Nhà xuất bản Thanh niên in năm 1989 trên thứ giấy rơm đen nhám. Tôi đọc trang lót: "Tặng lại vợ chồng Hương Loan với những tình cảm sâu sắc nhất của một người bạn già, thầy giáo cũ và đồng nghiệp của hai em." Cuốn sách được nhà thơ Trương Nam Hương trân trọng đóng bìa cứng.

 

     Hoàng Kim do lý lịch “có vấn đề” nên chỉ được cho làm công nhân địa chất ở đoàn tìm than Ðông Bắc. Trong chuyến đi thực địa cùng Onga, thực tập sinh người Kirgizia, họ bị hổ chặn đường và lạc rừng. Phạm Nhâm, trưởng ban bảo vệ Đoàn địa chất, nghi anh là gián điệp ám sát chuyên gia rồi đi theo phỉ nên báo công an bắt Kim. Trong những ngày lạc rừng, phẩm chất của Kim bộc lộ và tình yêu giữa họ nảy sinh. Nhưng ngay sau khi trở về, Kim bị bắt còn Onga buộc phải về nước gấp. Kim bị đuổi việc, về quê. Sau khi mẹ mất, anh xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Trương là bộ đội miền Nam tập kết, là đội trưởng và bạn của Kim, sau đó cũng vào chiến trường. Tới tận lúc anh đi, Phạm Nhâm mới đưa cho anh lá thư của Onga gửi cho anh để chuyển cho Kim (các thư trước hắn đã huỷ hết). Trương đã mang thư của bạn suốt hơn 20 năm. Sau giải phóng, Kim gặp lại Trương. Lúc này Kim mới biết, Yxức-Kim, con trai của anh với Onga đã 25 tuổi. Phạm Nhâm cũng vào Nam chiến đấu nhưng bị bắt, chiêu hồi. Sau giải phóng anh ta tìm đến Trương và Kim xin giúp. Họ xếp cho anh ta làm bảo vệ cơ quan. Kỹ sư mỏ Yxức-Kim sang Việt Nam tìm dầu khí ở Vũng Tàu, tìm được cha và điện cho mẹ sang Việt Nam. Kim gặp lại Onga trước thi thể con trai hy sinh vì cứu dàn khoan.

 

     Ðấy là câu chuyện được kể trong 170 trang sách mà tác giả gọi là tiểu thuyết. Tiểu thuyết ư? Tôi không đủ thẩm quyền bình luận điều này nhưng dưới con mắt nhà phê bình, cuốn sách còn nhiều điều cần bàn về thi pháp tiểu thuyết. Một cốt truyện đồ sộ như thế diễn ra trong thời gian và không gian rộng thế mà chỉ gom lại trong ngần ấy trang sách khiến cho chuyện kể bị ngắt quãng, tình tiết cũng như tư tưởng chủ đề chưa được đẩy tới cùng, lên hết ma-che (matiére) như cánh hoạ sĩ thường nói. Tôi hiểu, đó là cái vụng của tác giả truyện ngắn khi lần đầu viết truyện dài. Nhưng vàng dù vụn nát vẫn là vàng. Mặc cho những hạn chế như vậy, khi cầm cuốn sách lên, ta không rời ra được và phải đọc tới trang cuối cùng. Cái hấp dẫn, cái làm nên giá trị của cuốn sách này chính là chất văn của nó!

 

   Cuốn sách của Minh Chung là bức tranh đối chọi giữa cái thấp hèn và cái cao thượng, giữa Thiện và Ác. Trong khi Onga và Kim hai trẻ lạc rừng mà người nữ thì trong sáng như thần Venus còn người nam tuyệt vời như thần Apollo giáng trần; trong khi thiên nhiên hoang dã như Hổ thọt cũng mở lòng từ bi thì lại có con người độc ác tới tận cùng như Phạm Nhâm. Phạm Nhâm không phải cá biệt mà là Cái Ác lợi dụng thời cơ mọc ra đầu độc không khí trong lành, bôi đen những màu sắc tươi sáng của cuộc sống. Một kẻ cơ hội "cách mạng" cực đoan như Phạm Nhâm sau này trở thành kẻ đầu hàng cũng là dễ hiểu! Ðấy là những điều chúng ta từng chịu đựng và suy ngẫm nửa thế kỷ qua. Khắc họa chân dung Cái Ác, Minh Chung làm ta căm thù Cái Ác. Nhưng bản lĩnh nhà văn của anh cũng bộc lộ ngay chính chỗ này: lời văn anh trầm tĩnh, trong buồn giận có sự khoan dung với những con người như Phạm Nhâm.

 

     Cuộc gặp của Onga - Kim cùng cái chết bất ngờ bi thảm của Yxức-Kim con họ, vượt qua sức tưởng tượng của người đọc. Rõ ràng ở đây tác giả quá trung thành với nguyên mẫu câu chuyện thực, chưa tập trung lý giải tới cùng nên câu chuyện dừng lại đột ngột gây hẫng hụt nơi người đọc.

 

   Không hiểu sao, sau khi đọc Phớt tím hoa mua, như ngẫu hứng, tôi phải đánh đường tới Biên Hoà gặp Minh Chung. Ông giáo khổ hồi hưu già hơn nhiều so với mười năm trước. Cuộc đời anh không ít gian truân. Cũng vì lý lịch nghi có vấn đề, chàng trai Hà Nội này chỉ được thi vào Ðại học Sư phạm. Học xong, cũng vì lý lịch mà phải đi Sơn La gõ đầu trẻ. Sau 6 năm gắn bó với miền Tây vời vợi nghìn trùng, anh xin về công tác gần nhà để chăm sóc mẹ. Cũng được về đồng bằng nhưng đó là đồng bằng Thanh Nghệ. Tuổi trẻ chí cao, Nguyễn Kim Chung vượt qua mọi mắc míu, phấn đấu thành chiến sĩ thi đua xuất sắc, được huân chương, suýt anh hùng nếu không có sự hẹp hòi nghi kỵ thiếu căn cứ về cái lý lịch định mệnh kia. Mẹ già còn đó, anh tiếp tục xin về Hà Nội thì được đặc ân chuyển đến Hà Sơn Bình dưới chân núi Ba Vì. Tại đây, anh yêu và do sự tráo trở của lòng người, anh bị kỷ luật không được dạy học, phải đi chăn bò cho nhà trường. Trong đội ngũ chăn bò thời đó có anh hùng Hồ Giáo. Thương anh giáo lỡ vận, anh hùng Hồ Giáo đã truyền cho Kim Chung bí quyết nuôi bò. Bí quyết của người nuôi bò nổi tiếng cộng với sự trì chí của người thanh niên muốn làm lại cuộc đời giúp Kim Chung trở thành chiến sĩ thi đua chăn bò. Một thành công lớn của chàng chăn bò là “cua” được cô giáo Vũ Thị Minh mới ra trường. Một gia đình cán bộ có cỡ với nhiều định kiến không thể chấp nhận con mình lấy một chàng chăn bò lý lịch không cơ bản nên ông thân cô gái dùng tổ chức đẩy hai người cách nhau hơn trăm cây số nhằm chia rẽ họ. Không còn đường nào khác, Kim Chung buộc phải làm Chí Phèo đem huân chương cùng người yêu lên tận Phủ Thú tướng kêu cứu. Nhờ ý kiến của cấp cao, họ mới được gần nhau và thành chồng vợ. Sau giải phóng, theo dòng người Nam tiến, thày giáo Nguyễn Kim Chung đưa gia đình vào sống bên sông Ðồng Nai. Với tâm hồn nhạy cảm cùng những nếm trải cuộc đời và sự động viên của người học trò là nhà thơ Trương Nam Hương, nhà giáo Kim Chung cầm bút viết văn. Truyện ngắn của anh đăng trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Văn nghệ Ðồng Nai được bạn bè và người đọc chú ý.

 

    Phớt tím hoa mua là câu chuyện may mắn Kim Chung gom nhặt được trong những ngày sống ở Biên Hoà. Một người lính chống Pháp của Chiến khu Ð, bộ đội của tướng Huỳnh Văn Nghệ ra Bắc tập kết làm địa chất rồi trở về Nam chiến đấu mang đầy ắp kỷ niệm vùng than Ðông Bắc trong lòng.  Một lần gặp gỡ, người lính cũ kể chuyện những ngày tìm than. Vô tình hay sự an bài của số phận, Kim Chung cũng rất thông thuộc Quảng Ninh với những ngôi chùa, những cánh rừng mà anh từng đến trong nhiều mùa hè theo thày học vẽ. Từ sự đồng cảm ấy, người cán bộ địa chất kể cho Kim Chung nghe câu chuyện anh giữ trong lòng mấy chục năm qua... Nhưng Phớt tím hoa mua không phải là món quà lượm được một cách ngẫu nhiên rồi gửi tới bạn đọc mà trong đó nhào nặn chất bột của số phận nhà văn. Từ mấy dòng lý lịch trích ngang ở trên, ta thấy Kim trong sách chính là máu thịt, là đứa con tinh thần của Kim Chung trong đời thật.

 

   Minh Chung đưa cho tôi xem bản thảo tiểu thuyết Cửa sau thiên đườngKhông bờ đã có giấy phép mà không in được. Anh nói: "Mình không giúp được gì cho gia đình. Vợ phải nuôi mình, nuôi con mà lấy tiền vợ đem in sách thì bất nhẫn quá, không đành lòng!" Có thể anh đúng: cơm áo không đùa! Nhưng còn điều nữa nghĩ mà buồn: Không có sách không thành tác giả! Văn đàn thiếu vắng anh, bạn bè sẽ quên anh rồi tới lúc anh chìm trong khuất lấp. Tôi viết những dòng này với lòng quý mến của người đọc, của bạn văn và cũng muốn vực dậy một hồn văn nhân hậu, thông minh trong chữ nghĩa nhưng vụng dại và nhiều thua thiệt giữa đời.

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4169
Ngày đăng: 21.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mần văn chương trên mạng- hay nỗi niềm của tiếng và miếng - Lê Anh Thu
Dìu mẹ những bước nhảy. - Nguyễn Mỹ Nữ
Đà Lạt mùa vắng Dã quỳ - Nguyễn Thị Hậu
Mộc mạc lá sen - Võ Thị Ánh Hồng
Góc nào cho guitar thành phố ? - Phan Tử Nho
Lá ngoài khung cửa sổ - Nguyễn Mỹ Nữ
Vào giờ mật ngọt* - Dư Thị Hoàn
Vô tâm - Đào Phạm Thùy Trang
Lan man thiên địa: Về Huế 700 và Đồng Khánh 90 tuổi. - Trần Kiêm Ðoàn
Bóng tre trùm mát rượi - Bùi Kim Anh
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)