Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.456
 
Hoa xương rồng
Hội An

Tối thứ 7.Tôi chán nản dắt xe ra khỏi nhà. Đi đâu bây giờ nhỉ? Chồng tôi chắc đang sa đà ở một quán nào đó với đám bạn nhậu. Càng ngày anh ta càng tệ hại hơn. Làm như cuộc đời chẳng điều gì có ý nghĩa hơn các cuộc nhậu. Tôi biết ở trong đó anh ta có thể vênh vang khoe khoang những thành tích không có thực, những phẩm chất không có thực và hứa với người nọ người kia những lời hứa mà chỉ cần bước chân ra khỏi quán là cũng như chưa từng có thực nốt. Tại sao ngày xưa tôi lại chọn anh? Đến bây giờ tôi cũng chẳng giải thích được. Tôi: phóng viên có uy tín của một tờ báo lớn, lại xinh đẹp. Đi đến đâu tôi cũng thấy có bao ánh mắt ngưỡng mộ trìu mến đối với mình. Vậy mà tôi đã không đủ sức để giữ được người đàn ông mình chọn vẫn đáng yêu như ngày xưa. Bây giờ ngoài công việc ra anh ấy chỉ gắn bó với quán nhậu. Không ngày nào tôi chứng kiến anh ấy về nhà trong trạng thái tỉnh táo minh mẫn. Nhiều lúc muốn bàn một công việc gì đó của gia đình, tôi không thể chọn được một thời điểm thích hợp nào. Tôi có lỗi gì trong chuyện để anh như đã trở thành một con người khác này. Với tôi thì đã đành, còn với con tôi nữa. Đứa con trai độc nhất của chúng tôi sẽ học được điều gì ở người bố say nhiều hơn tỉnh này. Tôi cũng chẳng dám tin công  việc của anh ấy ở cơ quan hoàn toàn xuôi bè mát mái với một đầu óc thường chứa nhiều quá một lượng cồn cho phép. Trong nỗi buồn chán tối nay, tôi tìm đến chị Hiền, mong muốn thực hiện bài báo mà tôi đã đăng ký với toà soạn nhân số kỷ niệm 8/3 sắp tới. Chỉ có công việc mới khoả lấp bớt những nỗi buồn mà thôi. Tôi vẫn tin vào lời chỉ giáo của sách vở như vậy.

    Tôi gặp chị trong cuộc hội nghị những người phụ nữ vượt khó của thành phố cách đây vài tuần. Đó là một phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi có gương mặt dễ ưa nhưng đôi mắt man mác buồn. Kể cả khi chị cười thì đôi mắt cũng buồn như vậy. Người ta nói đôi mắt mà buồn thì cuộc đời cũng không thể vui. Tôi thì tôi không tin điều đó. Xưa nay bạn bè rủ đi coi bói thì tôi cũng đi cho vui chứ chưa bao giờ tin vào chuyện tướng mạo lại vận vào may rủi số phận của con người. Sở dĩ tôi chú ý hơn đến chị là vì trong cuộc họp hôm đó, hết thảy mọi người đều nói thành tích vượt khó của mình rất dài. Riêng chị là chỉ khóc mà không nói được. Mọi người tế nhị muốn chờ cho chị ngớt xúc động nên chỉ định người khác tiếp nối cho khỏi mất thời gian. Và thế là chị đã không đến lượt vì chương trình quá dài. Tính nghề nghiệp cựa quậy trong tôi. Tôi hỏi địa chỉ nhà chị và biết là thể nào cũng tìm đến một mình vào dịp có thể.

    Bây giờ thì tôi đang đứng trước cửa nhà chị. Một căn hộ trong một khu tập thể cũ kỹ. Đó là một dãy nhà lợp ngói fibrôximăng ngăn ra thành từng căn hộ có chiều ngang khá hẹp, chưa đầy 3m. Những căn hộ khác đều đã có những sửa sang thay đổi như có nhà xây thêm cái cổng cầu kỳ, có nhà ngăn khoảng sân để chứa dăm chậu cây cảnh, chí ít thì cũng sơn phết lại để giảm bớt cái cũ mòn. Riêng nhà chị có lẽ đang ở trong trạng thái nguyên thuỷ của nó. Khác chăng là có thêm vài cái chậu nhỏ trồng cây xương rồng. Thứ xương rồng dại nhiều gai và hoa màu hồng đậm, nhỏ như  cái cúc áo chứ không phải loại đã lai ghép để có lá to, hoa to và nhiều màu như bây giờ nhiều nhà vẫn trồng. Tôi nghĩ chắc chị trồng thứ này để đỡ công chăm sóc.

    Chị ra mở cửa cho tôi:

 - Cô tìm ai? –Có lẽ chị đã quên tôi rồi

 -Em là Thảo Vi, hôm trước đã gặp chị ở cuộc họp đấy mà.

 -À, cô nhà báo, xin lỗi! chị quên. Mời cô vào nhà.

   Trong nhà ,ti vi đang mở. Một người đàn ông với khuôn mặt không cân đối. D a xù xì với vài vết sẹo lồi lõm. Trán ngắn. Má phải co rúm lại làm con mắt bên ấy cũng dài dại theo. Người đàn ông thấy khách vào bèn cầm lấy cái nạng để bên cạnh rồi tập tễnh bước vào trong nhàvì đang mặc quần đùi.2 chân anh ta teo tóp. Chân phải cong vòng lại nên ngắn hẳn đi. Trông anh ta bước mới khó nhọc làm sao. Chị Hiền giới thiệu:

   -    Anh Toàn chồng mình đó.

-                   -     Anh bị tai nạn hồi nào hả chị?

-          Năm 90 cô à. Được 14 năm rồi.

   Chị pha nước mời tôi. Tôi quan sát xung quanh. Một cái tủ gỗ cũ kỹ đặt cái ti vi bên phải. Bên trái sử dụng làm bàn thờ trên có vài cái ảnh thờ ông bà. Phía trên cao là một cái ban thờ trong đó có một tượng Phật Bà màu trắng và một bát nhang đầy chứng tỏ chủ nhân rất mộ đạo. Trên tường là từng mảng màu xanh lốm đốm cũ . Có lẽ đã từ lâu căn nhà không được quét vôi lại. Bộ bàn ghế tôi đang ngồi cũng vào loại cũ kỹ, loang lổ, rẻ tiền.

    -Chị đang phụ trách mặt trận của phường phải không chị Hiền? –Tôi khéo léo làm một cuộc phỏng vấn mà cố gắng để không lộ ra chủ ý của mình.

    -Không, mình phụ trách nữ công. Công việc nhiều và vất vả lắm Thảo Vi à.

   Nghe chị gọi tên tôi một cách thân mật, tôi nghĩ là mình đã hoàn toàn thuận lợi. Có thể bài báo sẽ xong đúng kỳ hạn. Nhưng không, tôi đã nhầm. Cũng như hôm trước ở cuộc họp, chị chỉ ngồi trầm ngâm chảy nước mắt mà không nói được gì nhiều. Tôi hiểu là chị không muốn xới lại quá khứ. Có thể đó là một quá khứ có quá nhiều uẩn khúc.

   Tôi đã không hoàn thành lời hứa với toà soạn và buộc phải thay bằng một bài báo đánh giá chung chung phong trào chẳng có gì xuất sắc. Một bài báo vô thưởng vô phạt chỉ nhằm lấp chỗ trống mà thôi. Tuy nhiên chị đã ám ảnh tôi, khiến tôi còn đến nhiều lần nữavào những lúc buồn chán. Hay nói chính xác hơn là nhờ một mối quan hệ nữa của chị mà tôi vô tình được biết mới làm tôi dần dà hiểu trọn vẹn hơn về người phụ nữ đã hấp dẫn tôi bởi những bí ẩn ban đầu này.

                                                       * * *

      Con gái được 4 tuổi thì chị làm đơn xin đi lao động tại Đông Đức. Có thể việc cơ quan phổ biến chỉ tiêu và tiêu chuẩn về đợt đi này sẽ không làm chị quan tâm gì nếu như cách đó hơn 1 tháng không xảy ra một chuyện tày trời trong gia đình chị.

    Một bữa, đang làm việc chị chợt nhớ đã bỏ quên mớ số liệu đang làm dở tại nhà. Và bây giờ, trong báo cáo gấp lên trưởng phòng, chị cần mớ số liệu đó. Vậy là chị băng về nhà. Dựng xe đạp trước dãy nhà tập thể vắng hoe vào giờ đó, chị nhẹ nhàng mở cửa. Cửa không khoá. Vậy là hôm nay Toàn không đi làm à? Chỉ mới có mấy bước chân chị chợt sững lại. Trên chiếc giường đôi duy nhất trong nhà là 2 người đang lúng túng tìm cách che bớt cơ thể loã lồ của mình. Chiếc chăn vơ vội che không kín khuôn ngực căng mọng đang đỏ lên của cô gái. Dấu vết của một cuộc hoan lạc bạo liệt hơn bình thường và không xa lạ gì với chị. Một là Toàn, chồng chị và một là cô em họ xa của anh, mới vào với anh chị được vài tháng nay. Không thể nói hết được những cảm giác gì đã có trong chị lúc đó. Xấu hổ, đau đớn, nhục nhã ê chề, thất vọng cùng cực. Chị kịp lấy tay bịt chặt trên miệng mình không cho tiếng la vô thức, không kịp kềm giữ thoát vọng ra ngoài. Mấy ngón tay che miệng bấu chặt vào má chị bỏng rát. Một khoảng lặng dài như một thế kỷ…

    Sau phút hãi hùng đó, cô em họ quỳ lết xuống xin lỗi chị: Chị tha tội cho em. Chính anh muốn như vậy. Anh nói anh sẽ xin viêc cho em. Đây chỉ là lần đầu, em mong được chị cứu vớt. Đừng đuổi em về quê. Về quê ư ? Phải, có thể đó là điều lo sợ nhất của cô ấy. Nó mồ côi. Chị gái vừa lấy chồng nên không còn chỗ dựa. Vì thương tình chị đã nhờ một người đồng hương nhân tiện về phép đưa vào để xin việc. Vậy giải quyết sao đây? Chị nuốt nỗi đau vào lòng xin cho nó được vào lớp sư phạm mẫu giáo đang chiêu sinh và xin được ở ký túc xá với lời đe :Đừng bao giờ quay lại nhà tôi nữa. Với ông chồng tội lỗi của mình, chị chưa thể tìm ra một cách xử lý thích hợp. Sau những lúng túng ban đầu, Toàn tìm cách tỏ rõ sự hối hận của mình. Anh đưa đón, chăm sóc con, chăm sóc chị nhiều hơn. Cảm giác kinh tởm trong chị không mất đủ để chấp nhận những âu yếm vuốt ve vào mỗi tối như cũ nhưng cũng làm chị nhẹ bớt đi. Con gái chị mới 4 tuổi. Lại là lần đầu anh vấp lỗi. Nhìn vào đôi mắt tròn thơ ngây của con, chị chưa muốn có một quyết định cứng rắn nào, nhưng lòng chị hình như đã nguội lạnh. Chị muốn một sự thay đổi nào đó. Bởi vậy , đợt tuyển lao động đi Đông Đức như là một giải thoát với chị. Chị bàn với anh ở thế quyết định là anh ở nhà nuôi con để chị đi một chuyến. Vừa là để thay đổi kinh tế quá eo hẹp của gia đình. Vừa là một sự thử thách khi xa cách cho cả hai người để chọn lấy giải pháp thích hợp sau đó. Đó là vào năm 1987. Hợp đồng lao động lần này là 6 năm- là thời gian đủ cho một quyết định  chín chắn. Chị nghĩ như vậy.

    Sang đến xứ sở lạ, nhớ con đến mất ngủ. Công việc thì nhàm chán. Đó là một xí nghiệp may mặc rất lớn với dây chuyền hiện đại. Công việc của chị là chờ ở cái máy cắt, nhặt những sản phẩm đã được cắt sẵn xếp lên một cái xe, từ đó chở đến các bộ phận lắp ráp khác nhau trong xưởng. Có chị em cùng xưởng làm nên cũng đỡ buồn. Tuy nhiên vì ngôn ngữ bất đồng nên muốn đi mua sắm đối với bọn chị là một khó khăn. Lúc đó, vai trò của Tâm xuất hiện. Anh là phiên dịch kiêm đội trưởng phụ trách đội lao động của chị. Anh nói tiếng Đức khá sõi vì trước đây đã học đại học bên này. Tiếc là chuyên ngành anh học về nước chưa sử dụng được. Anh giúp đỡ tất cả mọi người một cách vô tư với thái độ thân mật, nhiệt tình. Mọi người nhờ anh tham vấn dùm khi đã nhận những tháng lương đầu tiên. Gần 2000 mark mỗi tháng là một thu nhập khá lớn đối với cùng thời điểm ở trong nước. Mọi người đi mua sắm đồ gửi về nhà. Chị cũng làm theo tuy lòng không mấy háo hức như họ. Rồi thời gian cứ thế trôi đi. Mọi người kêu nhớ nhà. Ai cũng mong cho thời gian trôi nhanh lên. Chị cũng nhớ con quay quắt. Tuy vậy chị vẫn tự hỏi không biết mình có mong cho tháng hết tháng, năm hết năm như mọi người không. Có những chiều chủ nhật, chị không đi siêu thị mua sắm mà nằm dài ủ rũ, thổn thức. Toàn vẫn viết thư đều đặn báo tin nhà và con gái cho chị. Con chị đi học ở lớp cả ngày, anh chỉ đón về vào buổi tối. Những lá thư ngắn của anh vẫn đầy tình cảm như chưa hề có chuyện gì xảy ra giữa 2 người. Chị đọc thư anh viết mỗi tuần, cũng nguôi ngoai bớt chuyện cũ.

                                                         * * *

   Qua tết dương lịch năm thứ hai, Tâm có chuyện buồn. Có thể anh chỉ kể cho vài người do nhu cầu được chia sẻ lúc buồn chán, nhưng cái cộng đồng người Việt nhỏ bé xa quê này đâu có chuyện gì giấu nhau được. Vậy là mọi người đều biết trong đó có chị. Tâm nhận điện của người anh báo tin vợ con anh gặp tai nạn. Anh phải xin nghỉ về nước gấp. Cả tháng sau anh mới sang với sắc mặt buồn bã hẳn đi. Thì ra trong thời gian anh vắng nhà, cô vợ xinh đẹp của anh đã cặp kè với lão trưởng phòng của cô ấy. Điều dại dột khó tha thứ là cô đã đem công sức tiền bạc do anh tích cóp được cho tình nhân vay mua chiếc xe máy vốn đang là của hiếm thời bấy giờ. Có xe rồi, đôi anh ả chở nhau đi chơi đều đều các buổi tối. Và trong một lần đi chơi xa có cả đứa con gái 5 tuổi của anh đi cùng, họ đã gặp tai nạn. Cả 3 người được chở đi cấp cứu khá trễ vì đoạn đường đó hơi vắng vẻ. Hậu quả đớn  đau do sự chậm trễ này là đứa con gái anh đã không qua được sau đó dăm ngày. Anh về đến nhà đã không kịp để ôm con vào lòng lần cuối. Chôn cất đứa con xấu số xong, anh phải dằn lòng rất nhiều mới có thể chăm sóc cô vợ tội lỗi cho đến lúc ra viện. Tuy nhiên, trước thực tế quá phũ phàng và cay đắng, anh đã dứt khoát cắt đứt với con người dại dột và bội bạc kia.

    Trở lại nước Đức, mang theo đớn đau và mối hận trong lòng, anh lầm lỳ sống như để cho qua ngày qua tháng. Có thể vì thế mà anh tìm thấy trong thái độ rụt rè, kín đáo của chị khác hẳn với những ồn ào nghịch ngợm xung quanh một sự đồng cảm, một sự dựa dẫm, an ủi ẩn náu nào đó chăng? Anh năng đến với chị hơn mặc dù chị vẫn ý tứ chừa lại một khoảng cách. Anh thường rủ chị đi siêu thị mua sắm, có lần còn đi xem xiếc chung. Chị nhớ tết dương lịch năm đó trời lạnh lắm, tuyết rơi đầy trời trắng xoá. Vậy mà mấy chị em cùng anh làm một chuyến du lịch nhỏ lên Beclin, ngồi nhâm nhi cà phê trên tầng đỉnh của tháp truyền hình cao 400m. Chị kể cho anh nghe chuyện buồn của mình. Kể để giải toả bớt chứ không mong anh đi xa hơn trong quan hệ giữa hai người. Và anh hiểu chị, tôn trọng sự chịu đựng trong giằng xé của chị. Lúc chia tay, anh nắm tay chị rất lâu, như muốn truyền hơi ấm cho chị giữa bao la đất trời lạnh lẽo

                                                     * * *

 

    Tháng 3 năm 90, chị nhận liên tiếp những bức thư của Toàn, chồng chị lúc này đã chuyển công tác sang viện kiểm sát. Thư anh ta phân tích tình hình Đông Au lúc bấy giờ, cảnh báo một cuộc nội chiến có thể xảy ra giữa 2 miền của nước Đức. Vốn tự cho là mình dốt nát về chính trị nên chị cũng lung lay trước lá thư anh khuyên chị về trước thời hạn. Chị lưỡng lự. Mới được một nửa thời gian. Về thì phải bồi thường hợp đồng hết khá nhiều tiền. Chị em ở đây cũng nao núng trước sự chuyển biến tình hình nhưng cuối cùng họ may mắn hơn vì không có quân sư quạt mo nào giống như chị. Tuy nhiên, sức mạnh làm chị xiêu lòng có lẽ vì bức thư ngọng nghịu của con gái học lớp 1. Chắc Toàn đọc chính tả cho nó viết.

   Bồi thường hết hơn chục ngàn mark và phải tự mua vé máy bay để về, chị đã có mặt với 2 bố con sau đó một tuần. Tối hôm trước khi bay chị đã ngồi lại vớiTâm khá lâu. Mấy ngày nay, anh đã lo lùng mua hàng, đóng thùng và làm thủ tục giúp chị. Anh nhìn ánh mắt buồn chan chứa của chị rất lâu, muốn nói một lời xa xôi nào đó diễn tả lòng mình mà không dám.

    Chịvề đến nhà thì mới cảm thấy hối hận. Sao chị lại nhẹ dạ mà tin lời chồng đến vậy. Thì ra chuyện chính trị chỉ là cái cớ trùng lặp thời điểm thôi. Thực ra là Toàn đang gặp gay go cần có chị chung sức lo hộ. Gần đây anh ta phụ trách thụ lý vụ án lừa đảo đưa người vượt biên. Thủ phạm là tay Sáu Lé đã lừa đảo một số người gom vàng, tiền nói là tổ chức mua tàu móc nối vượt biên. Nhưng thực chất  hắn đã gom tiền trót lọt mà chẳng làm gì cả. Chuyện lộ ra khi có người tố cáo. Lúc này anh trưởng phòng đi học ở Hà nội. Toàn đã không xin phép mà thụ lý sai. Số tiền, vàng Sáu Lé giao nộp Toàn đã tự ý giao trả cho những người bị hại. Tất nhiên anh ta không vô tư khi làm điều này. Người được trả lại tiền không thể không cho anh ta một phần trong đó. Thật là dốt nát! Vừa ấu trĩ vừa tham lam! Thừa hành pháp luật là một môi trường đầy cạm bẫy cho những kẻ thiếu bản lĩnh.

    Khi anh trưởng phòng về, số tiền tịch thu được ở bị can phải nộp vào kho bạc. Và Toàn cần chị cùng xoay xở với anh ta trong việc làm sai trái này. Khốn khổ cho chị! Hai vợ chồng phải bươn bả tới vài chục cái địa chỉ ở những nơi hang cùng ngõ hẻm cách nhà hàng chục cây số để xin lại số tiền phát sai nhưng kết quả cuối cùng là những cái lắc đầu. Những ông bố bà mẹ bơ thờ trong những túp lều dột nát: Thằng trời đánh đó lâu nay đâu có về nhà. Hoặc : việc ông ấy làm tui đâu có hay, giờ bán cả nhà tui cũng chẳng ra từng ấy vàng…  Chị chán nản bán hết tất cả thùng hàng cuối cùng nhận được để trả nợ dùm cho chồng, mong cơ quan tha lỗi để không bị mất việc. Nhưng chuyện không đơn giản như chị nghĩ. Sau khi toà xử xong vụ án đó thì Toàn cũng nhận được quyết định cho thôi việc. Vậy là trắng tay nhiều đường.

    Chỉ sau đó một tuần, Toàn buồn, đi lang thang và gặp tai nạn. Khi tin dữ đến, chị vào bệnh viện thì Toàn đã gần như một cái xác bấy bá. Vết thương ở khắp nơi: đầu, mặt, xương sườn và 2 chân dập nát. Họ cho chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây bác sĩ đã nói thật với chị: Nếu cứu được thì cũng tàn phế nặng nề ở mức độ dở sống dở chết. Vả lại, quá nhiều vết thương như vậy, nếu muốn cứu sẽ tốn rất nhiều thời gian, rất nhiều tiền. Chị gạt nước mắt: xin bác sĩ cứ cứu giùm anh ấy. Lúc đó chị đã nghĩ gì? Gần như không còn tình yêu. Không còn cả sự tôn trọng. Có thể chị nhớ lại ánh mắt thơ ngây của con, không muốn đứa con gái nhỏ sớm mồ côi chăng? Hay có thể đơn giản là thiên lương, bản năng hướng thiện đơn thuần của con người? Tình thế đặt trước chị một sự lựa chọn nghiệt ngã. Nhưng dù khó khăn, chị đã chọn…

    Điều rủi ro của chị trở thành may mắn lúc đó. Đó là bạn bè của chị ở Đức đã lục tục về. Chỉ sau khi chị về được 2 tháng thì bức tường Beclin sụp đổ. Chế độ chính trị thay đổi đã xáo trộn nhiều điều trong đó có hợp đồng lao động của công nhân nước ngoài. Bạn bè chị được bồi thường mỗi người mười ngàn mark và được cho vé máy bay trở về quê hương. Họ nghe được tin dữ của chị và đều đến thăm, giúp đỡ cụ thể bằng tiền mà lúc đó chị đã cạn kiệt còn họ thì trở nên giàu có. Trong số đó cóTâm.

     Khó có thể kể lại được bao nhiêu khổ ải đã trải qua với chị khi Toàn đã qua 5 cuộc mổ sau đó để có hình hài như bây giờ. Anh ta nằm liệt, ăn và bài tiết tại chỗ trong 5 năm trời. Trí nhớ và tiếng nói thì trở lại từ từ sau 3 năm. Đến đầu năm thứ 6, khi anh ta đã cầm nạng để có thể tập đi từ giường xuống đến nhà vệ sinh thì hàng xóm cho chị hay thêm một chuyện đau lòng. Trong thời gian ở Đức, Toàn đã thậm thụt qua lại ban đêm với một cô ả cách nhà một quãng ngắn. Chồng cô này đang theo một khoá học nghiệp vụ ở xa. Khi anh này về, biết chuyện mèo mỡ của vợ, lúc đầu khá căng thẳng nhưng chẳng biết nghĩ sao rồi cũng tha thứ. Chỉ tìm cách chuyển nhà sang khu tập thể khác xa hơn. Hèn gì mà khi chị về, căn nhà nọ đã có chủ khác thay thế. Quá căm tức và chán nản, cũng như không còn có thể tiếp tục như cũ, một lối thoát duy nhất hình thành trong chị. Chị báo cho gia đình Toàn đưa anh ta về quê để chị vào chùa. Chị muốn rời xa cõi người quá khổ ải, đầy xấu xa và phản trắc. Bên nhà Toàn biết hết chuyện cũng đồng ý cho người vào rước anh ta về.

    Mẹ con chị vào chùa được mấy tháng, tóc dài ra cạo lại mấy lần thì chị giật mình nhìn con ngơ ngác. Nó gầy rộc hẳn đi. Mắt thất thần buồn bã. Thì ra tưởng vào đây để tìm thanh thản, chị đã quên nghĩ đến đường dài của con. Nó phải bỏ dở lớp học để theo chị. An cơm chay mấy tháng, nó trở nên gầy gò, da sắt lại, tóc xác xơ. Chùa chiền có thể là nơi chạy trốn của người lớn nhưng không là chốn dung dưỡng của trẻ con. Chị ôm con vào lòng khóc lặng lẽ. Chiều nay sân chùa xao xác gió. Lá vàng rơi, hoa đại rơi tơi tả như những mảnh sự sống vàng úa, đứt lìa. Sư thầy cũng nói với chị: Con còn nặng nợ trần gian lắm, chưa vào chốn thanh tịnh được đâu.

    Hai mẹ con lại dắt nhau trở về căn nhà cũ đã mốc meo sau mấy tháng trời đóng cửa. Chị bắt mối làm nhang lại mà mấy năm trước đã vừa chăm Toàn vừa cặm cụi kiếm sống. Chị còn nhờ người lấy thêm đồ may gia công tại nhà. Và điều quan trọng hơn, chị đã xin được cho con đi học lại. Cuộc sống như đang hồi sinh trở lại  với mẹ con chị theo những sợi tóc mọc dài ra qua ngày tháng. Một ngày cuối năm, chị vừa vui mừng biết tin con đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố vừa nhận thêm trách nhiệm phụ trách nữ công của phường mặc dù biết công việc đó chiếm khá nhiều thời gian kiếm sống của chị. Dù bận bịu nhưng chị cảm thấy cuộc đời đỡ tẻ nhạt. Đã từng trải hơn nên khi hoạt đông trong lĩnh vực mà người ta gọi là nủa thế giới phức tạp này, chị thấy mình có ích cho nhiều người, nhiều gia đình, cho cuộc sống hơn. Toàn chẳng ở quê được lâu. Bố mẹ anh đã quá già cho việc chăm sóc một người tàn tật. Các anh chị em đã ai vào phận nấy. Mọi người đều thấy chẳng nơi đâu thích hợp cho anh hơn là căn nhà của chị. Một lần nữa chị lại đầu hàng số phận. Hay bởi bây giờ, khi đã thấm đẫm tinh thần của nhà phật, việc chấp nhận mọi hoàn cảnh đối với chị trở nên nhẹ nhàng hơn?

    Thời gian này chị vẫn gặp Tâm luôn. Công việc của chị vẫn thỉnh thoảng cần phải liên hệ với anh vì anh là cán bộ mặt trận của thành phố. Anh đã nhận nuôi một đứa cháu con bà chị gái và vẫn chưa tái giá. Anh ngán sợ sự bội bạc của đàn bà hay còn chờ đợi một điều gì khác? Đã có lần hai người được cùng nhau trong đoàn cán bộ phong trào đi du lịch ở Huế và Đà nẵng. Đến trước sông Hương thơ mộng, rồi sông Hàn thao thiết chảy xuôi, anh nói với chị và với mình: Chúng ta như 2 bờ sông, cứ song song hoài mà chẳng bao giờ chập lại. Chị nhìn tóc anh đã pha sương mà cười buồn: Có lẽ anh phải kiếm ai đó để đỡ cô quạnh tuổi già. Anh nói để yên lòng chị : Anh đã tự lo cho mình quen rồi. Em đừng bận tâm.

                                                              * * *

   Tôi đã gặp Tâm và được anh kể về chị, cả những điều mà chị muốn giữ lại cho riêng mình, những điều mà có lẽ ai cũng ngại ngần khi kể cho nhà báo. Bây giờ con gái chị đã học đại học năm thứ 2. Chị phải bươn bả nhiều hơn để kiếm đủ tiền nuôi con, nuôi chồng. Đêm, chị làm nhang hoặc may đến khi khu tập thể hoàn toàn im vắng. Ngày, ngoài việc cơ quan, chị làm hợp đồng cho công ty bảo hiểm. Người ta thương và giúp đỡ chị bằng cách mua bảo hiểm cho con cái. Chị có lương hợp đồng thêm vào thu nhập ít ỏi của cán bộ phong trào. Có vẻ như chị đã tìm được cân bằng sau muôn vàn chìm nổi. Tôi mừng cho chị và nghĩ đến nỗi buồn của mình giờ đã trở nên nhỏ nhoi. Có thể là tại cả tôi nữa. Chắc là tôi phải làm một cái gì đó. Trong tôi, tự nhiên xuất hiện hình ảnh mấy chậu xương rồng trước cửa nhà chị. Những cây xương rồng không cần chăm sóc tưới tắm mà vẫn nở hoa. Những nụ hoa màu hồng đậm, nhỏ như cái cúc áo, khiêm nhường lặng lẽ thông báo sự hiện diện của mình trước cuộc đời. Những nụ hoa gai góc, chịu đựng, cứng cỏi và bền bỉ một sức sống đến nao lòng…‘

Hội An
Số lần đọc: 2466
Ngày đăng: 25.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Liệt nữ - Phạm Lưu Vũ
Đợi một tình yêu đã mất - Nguyễn Văn Học
đứa đầu têu - Minh Chung
Chuyện lạ của anh tôi - Hiếu Tân
Ghi chú về những tấm gương - Trần Nhã Thụy
Viên đạn lạc - Lê Anh Hoài
Đôi chân mày lệch - Trần Lệ Thường
Độc thoại - Trần Xuân Toàn
Vẫn khó bề thanh thản - Hội An
Đóng và mở cửa - Giang Thị Kim Phụng
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)