Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.214.133
 
Ông Hai Thủ
Mai Bửu Minh

Ông Thủ lê từng bước chân nặng nề trên những bờ mẫu con con của cánh đồng lúa hè thu sắp trổ đòng đòng. Đôi chân đã đi đứng ngót tám chục năm ròng giờ dài thòn, tong teo, lộ rõ gân guốc ngoằn ngoèo đội làn da đen mốc, nhăn nheo như thân cây tràm mục chỉ còn có lõi. Mười đầu ngón chân có lúc bấm xuống không được suýt trượt xuống làm cái thân hình cao lêu khêu  xiêu xiêu chới với. Cánh tay phải dài thượt chỉ còn da bọc xương đang giữ cái xuổng leng bằng sắt trên vai phải. Phần lưỡi của xuổng leng bị cùn, mài dũa nhiều lần nên cụt ngủn và sáng choang. Phần cáng xuổng phía bên trong thô nhám hoen rỉ nhưng bên ngoài láng lẩy, bóng ngời.

 

Móc trên cán xuổng phiá sau lưng ông là cái rọng tre treo lủng lẳng, đung đưa, bên trong chỉ có vài con cua đồng đang leo bám  tìm đường ra. Tay trái ông  Thủ cầm cái móc cua làm bằng kẽm, một đầu khoang tròn để dễ cầm nắm, xoay trở, một đầu uốn cong hình dấu hỏi, mũi mài nhọn để móc dính vô cua. Thỉnh thoảng cánh tay trái cầm móc cua cứ phải giơ lên, quật xuống để giữ thăng bằng cho cơ thể ông mỗi khi bàn chân bị trượt. Phiá trước mặt ông Thủ khoảng năm sáu thước  có con chó Mực lẹ làng cất bước bằng bốn cái chân lấm bùn ướt nhẹp. Đầu con chó cắm cúi, mũi chõ vào từng cái hang, gốc cỏ sục sạo, hích hích, khịt khịt làm cái bụng thon thót lại cho cái ngực nhô ra thêm vạm vỡ. Thỉnh thoảng con Mực dừng lại, quay đầu, đưa mắt nhìn ông dò ý và chờ lệnh .

 

-Mực ơ…Mực…

 

Ông Thủ gọi con Mực lại để ngồi xuống cái thềm đìa có đám gáo vàng cụt đọt, chồi non um tùm, rễ lòi ra dưới nước mang màu cà phê sữa. Vừa thở dốc, lấy cái nón lá quạt quạt vô lòng, ông Thủ vừa lẩm bẩm : "Mẹ nó, có cái đìa lạn cũng không giữ được nước sạch để uống…"Nhưng chê để chịu chết khát ư ? Nước trên ruộng lúa Thần Nông, ngập trên gốc lúa cả tấc, trong leo lẻo nhưng ông không dám uống.Thà là ông uống nước đìa, lợn cợn bùn sình còn yên tâm hơn uống nước đã pha trộn biết bao loại hóa chất như phân lân, phân đạm, thuốc trừ sâu rầy, thuốc chuột, thuốc cua, thuốc diệt cỏ, thuốc dưỡng thân, dưỡng lá…Có nơi còn có mùi nước mắm, mùi dầu nhớt…Đã có người ngộ độc, sùi bọt mép không kịp bò về nhà. Ông Thủ nghiêng người chồm ra khoát tay xua màng váng phèn và những con cà nắc cao cẳng đang nhong nhong trên mặt nước để lấy nón lá múc nước uống. Mùi bùn sình, mùi rơm thúi, mùi cứt vịt, mùi lông bò, mùi…hằm bà lằng gì nữa cũng bị cơn khát cháy cổ xua tan để ông uống ừng ực. Kinh nghiệm uống loại nước này phải uống một hơi cho đã cơn khát, nếu dừng lại hay uống từng ngụm thì đố uống được ngụm thứ hai, bởi vì cái cảm giác ngầy ngậy xuất hiện ở ngay trong cổ họng ngỡ như bùn sình đã kịp lắng đọng bám vào tạo cảm giác khó chịu đến nôn mửa. Ông Thủ khọt khẹc khạc ra mấy bãi nước miếng lẫn đờm để cổ họng trở ra tương đối sạch sẽ, hút thuốc rê mới ngon.

 

Nắng chiều oi bức mà từ sáng tới giờ ông và con Mực chỉ kiếm được có mấy con cua, vài con bọ thì làm sao đủ cho " hai thầy trò " ăn hai ngày. Nhưng giờ này, ông cảm thấy mệt quá, nghe nhoi nhói ở ngực và đầu thì tăng tăng, người bần thần cần phải nghỉ ngơi một chút. Ông Thủ thọc tay vô cái túi nhỏ của cái quần dài đã được cắt ngang phiá trên đầu gối, bỏ đi đoạn phía dưới bị mục rách để lấy bịch thuốc rê. Bịch đựng thuốc là loại bịch chứa xà phòng bột giặt đồ, làm bằng loại cao su dầy, lâu rách, không thấm nước luôn làm ông ưng ý . Ông bóc ra một nhúm thuốc rê đen đen, ỉ ỉ như nhựa thuốc đã tươm ra trên từng sợi. Ông xé giấy vấn thuốc từ một cuộn giấy hút nho nhỏ cỡ ngón tay, đặt thuốc vô, vấn lại làm điếu thuốc có hình loa kèn một đầu lớn, một đầu nhỏ. Đưa điếu thuốc lên môi, lè lưỡi liếm ướt mép giấy, đút vô môi vừa mấp mấp vừa xoay tròn cho điếu thuốc chặt lại, kín hơi và lấy hộp quẹt đá lửa, ruột gòn tẩm dầu ra đốt. Hứ, thời bây giờ, thiên hạ xài quẹt ga, bật lên là phun lửa với nhiều mẫu mã đẹp mắt, có khi còn được dán hình phụ nữ khỏa thân, cầm tới y như là nghe nhột nhột cả bàn tay…Tân tiến quá, văn minh quá…đâu như hồi đó.

 

Ông đã quên mình sống ngót nghét gần chín chục năm rồi, một cuộc đời dai  dẳng, đằng đẳng chớ phải ngắn ngủi  chi đâu. Giật mình, nghĩ lại, ông ngỡ như mình lạc vô thế giới nào đó xa lạ, lẻ loi, cô độc. Giờ, ở xứ này còn có mấy người sống dai như ông, người đã chứng kiến biết bao cuộc đổi thay của mảnh đất, con người trên tám chục năm qua. Ông Thủ vừa bập bập điếu thuốc trên môi, vừa lim dim nhìn rặng cây đen đen ven bờ sông Hậu và đoạn cây có tán cao, rộng là chòm sao đình làng ngay đầu con Rạch Voi- Chòm sao đó có tuổi đời hơn cả tuổi của ông, nó cao ngất với biết bao lời đồn đại có ma, có quỷ ẩn trong hốc các gốc sao mà từ nhỏ ông đã từng đến bên nó, thấp hương, khấn vái, lấy dao vạt xin chút da về mài ra nước , quét lên nướu răng cho hết đau nhức- Ngày xưa, những gốc sao trong đình làng linh thiên lắm, con nít trong làng bệnh hoạn thường được cha mẹ mang nhang đèn, gà vịt đến vái van cầu xin thần linh-ma quỷ phò hộ ;  còn bây giờ, tụi nhỏ đi nhậu xỉn về, cứ đứng  ngay đó mà đái, sao thần linh, ma quỷ không linh thiêng về vật chúng chết đi . Giữa đêm trăng sao, người dân quê ông khi lạc lối giữa đồng  có thể nhìn thấy chòm sao đó để định hướng tìm về .

 

Con Rạch Voi làng ông chẳng biết có từ  đời nào, ngay cả Tía, Má của ông cũng không biết rõ. Nó như một con rắn khổng lồ ngủ quên, đầu gác lên bờ sông Hậu, thân và đuôi ngoằn ngoèo vắt lên cánh đồng. Ừ, chắc nó ngủ quên lâu lắm nên thân hằn sâu trên đất tạo thành sông, thành rạch dẫn nước bây giờ. Hồi đó, ông hỏi Tiá, Má mình -Sao không kêu là Rạch Rắn, Rạch Rồng mà lại gọi là Rạch Voi ? Tía, Má ông mới kể cho nghe truyền thuyết về tên gọi đó. Rạch Voi nằm phía bờ Tây Sông Hậu, đuôi rạch hướng về cánh đồng hoang bao la, bát ngát có những cánh rừng tràm, rừng đước, rừng mắm của miệt biển Kiên Giang. Hướng Tây con Rạch Voi sừng sững bởi những dảy núi hùng vĩ dọc biên giới Việt-Miên huyền bí. Vào những tháng hạn, thú rừng trên núi thích xuống  đồng bằng tìm thức ăn, trong đó có những đàn voi to lớn và đông đảo. Trên đồng hoang, mùa khô, nơi còn có nước thường là đầm lầy, dậy phèn chua lét, voi không ưa nên tìm đường đi đến con sông Hậu quanh năm nước ngọt, mát lịm. Đến với sông Hậu, Voi được tha hồ trầm mình tắm mát, uống nước và phun nước trêu tức những chú Cá Sấu xấu xí hung dữ. Đường voi đi phải tránh đầm lầy vì sợ lún nên lối đi cong queo, ngoằn ngoèo. Và, với những bàn chân bự sự, nặng chịch, voi cứ đi, đi mãi tạo nên lối mòn, lõm sâu cho nước mưa trên đồng chảy xuống sông; cho nước  sông tràn vào đồng khi lớn…Nước chảy  bào mòn, cuốn trôi bùn đất cho lối mòn ngày càng sâu hơn thành rạch, thành sông bây giờ. Mà, hình như chẳng ai chú ý đến cái tên Rạch Voi làm gì, cư dân cứ ngày một đông hơn cất nhà ở ven hai bờ con rạch Voi…Ngay cả cái tên của ông, cha mẹ đặt cho là Giàu, nhưng bạn chăn trâu thuở nhỏ đặt tên cho ông là Thủ, thiên hạ cứ gọi như vậy riết thành quen, ông cứ nhận  tên của mình là Thủ .

 

"Hai Thủ" là hai tay.  Kẻ ghét chỉ biết tay ông dài quá khổ, đứng nghiêm có thể gỡ ghẻ dưới đầu gối được. Người thương thì phục ông có đôi tay thần, sát thủ của bất cứ loài vật nào có trên trời, dưới nước, trên đồng ở vùng này. Thương-ghét đều nói đúng cả. Thậm chí, hồi còn trẻ tắm sông cùng lũ bạn, tụi nó nhao nhao la lên khi bờ bên kia con Rạch Voi, cô Linh con ông Lóc đang tắm bất chợt khóc thét. Cá nóc cắn cô ấy mà tụi nó dám quả quyết là ông đã lòn tay dưới nước thò qua bóp vú cô Linh…Mẹ chúng nó, hai bờ con Rạch Voi cách nhau cả chục thước chớ có gần sao…

 

Ờ…Hồi đó, ven hai bờ con Rạch Voi toàn là tre rừng, gáo, cà na, bần, bứa, lau, sậy và dây mây chằng chịt. Mà cũng nhờ vậy những năm lụt lội, cỏ dại, rong rêu, trấp…tấp vô đầy cả hai ba chục thước nên những con sóng lớn từ cánh đồng ngập nước láng linh chạy vô bị cản, không giật sập nhà bà con làng mình được. Mà hồi đó suốt con Rạch Voi chẳng có bao nhiêu căn nhà mái lá, vách đưng, cột tre, nống tràm…Chớ đâu như bây giờ nhà cửa san sát, tranh nhau từng tấc đất, có khi phải đâm chém thưa kiện.

 

Còn cánh đồng này, hồi đó chỉ toàn là cỏ dại, năn, lác, lau sậy v.v…người ta bỏ hoang đến tận hè nhà, chẳng chịu cấy trồng gì cả dù đất ở đây phù sa bồi đắp hằng năm rất chuộng cây lúa. Sạ hột lúa xuống, tháng tư mưa sa nẩy mầm, mọc lên thách thức cho con nước rượt nó. Nước dâng tới đâu, cây lúa lớn lên tới đó cất cao đầu ngạo nghễ đón gió.T háng mười nước giựt, lúa thả lá, tạo đòng đòng, trổ bông và chín hạt, nằm sắp lớp, sắp lớp theo chiều gió.

 

Vậy mà để hoang hóa cả cánh đồng cho đủ thứ cỏ dại mọc lên, đâm chồi, già héo, chết rũ, ủ thành trấp, mục thành bùn xốp xộp. Ờ…Tại hồi đó thiên hạ thấy giặc giã khắp nơi sao giống trong kinh, trong giảng quá nên ai cũng tin là đời sắp tới ngày tận thế thì lo mần ăn làm gì. Mọi người chỉ lo sao cho đủ ăn qua ngày và chuyên tâm làm lành, lánh dữ, tu tâm, dưỡng tánh, mong được lên thiên đàng..Còn ông, kẻ sát thủ của đủ loài vật ở vùng này bị người ta nguyền rủa sẽ bị chui vô bụng loài ác thú. Kệ, chừng nào tới sẽ hay, ông khoái vì những thứ ông bắt được thiên hạ mua sạch không chê. Để tội lỗi ông gánh hết, họ mua nhưng nhờ ông đập đầu, cắt cổ…Kệ, ông có tiền nuôi bầy em ăn học. Huống chi, trời cho ông đôi tay kỳ lạ cứ đưa lên trời là túm được chim cò; thò vô hang là nắm gọn lươn, rắn, chuột; tuột xuống nước là tóm lấy các loài cá. Vật dưỡng nhân mà…Ông chỉ tiếc là mình chưa có dịp vật cọp, bẻ họng cá sấu như tổ tiên khi xưa mở mang xứ này. Vạn vật hiện tại, ông có thể nghe tiếng thở, tiếng kêu, tiếng bò, tiếng chạy, hoặc xem cứt, xem dấu chân, xem miệng hang, xem cách ăn móng là biết ngay đó là con gì và biết cách bắt chúng dễ như lấy đồ trong túi.

 

Đúng là cánh đồng này như cái túi của ông nên con nào chưa ăn là ông thả lại để mai mốt nó lớn…Ông tin là suốt cuộc đời của ông, của con cháu sau này chẳng thể nào ăn hết chim trời, cá nước…Cho nên khi cả cánh đồng hoang hóa này biến thành ruộng rẫy, ông cũng chẳng cần mở lấy một miếng…Ôi, người ta lo gạo, mình lo…mồi. Ngay lúc người ta chia cho, ông cũng không thèm nhận một chút nào để rồi đến bây giờ…Bây giờ gia tài của ông cũng chỉ còn có đôi tay…Đôi tay ngày nay vẫn như ngày xưa, vậy mà…

 

Ngày xưa, hai bờ con rạch Voi là giồng cao phù sa bồi đắp nên khi nước rút luôn bày khô trước. Loài rùa ưa bò lên giồng tìm nơi còn ướt, đất mềm để đào ổ đẻ, giấu trứng. Ngày đó ông có con Mực cực kỳ tinh khôn, nó luôn chạy phía trước nghểnh cổ, vểnh tai, nghe ngóng tiếng rùa nện đất đắp ổ. Nó rón rén bước laị gần, đầu niểng niểng như sợ làm lạc tiếng động và khi thấy được rùa thì cánh mũi nó phập phồng, bụng thon thót, đầu quay lại nhìn ông chờ lệnh. Phía dưới đám sậy, chỗ đất mới bày còn ướt, mềm…một con rùa đang chống hai chân trước thẳng lên, cất cao đầu cho…cái đuôi cắm xuống đất. Nó xoay mình vài vòng thì cái đuôi cụt ngủn, nhọn hoắt và mềm mại ấy đã dùi được một lỗ rồi. Sau đó, nó đút một chân sau xuống lỗ để móc đất lên, móc liền liền trong lúc ba chân còn lại xoay vần thân , làm cái lỗ đang móc vừa tròn đều vừa sâu. Khi cái ổ mới đào đủ sâu, đủ rộng, rùa đẻ. Trứng rùa thon thon,trắng đục như hột mít. Sau khi đẻ xong, rùa vẫn đứng trên ổ, ba chân kia xoay tròn thân mình còn một chân trước bới đất đắp vô ổ rồi nện yếm xuống cho đất đắp ổ dẻ dặt. Phải có cái tai nhà nghề mới phân biệt tiếng rùa nện yếm đắp ổ giấu trứng giữa bao âm thanh của gió đùa lá, cây hỗn độn. Khi đó là một con rùa bự, ông suỵt khẽ một tiếng là con Mực nhào tới, nhảy qua, nhảy lại đón đường rút lui của rùa, miệng sủa "gâu gâu".

 

Chân trước của Mực tát như mèo cố làm rùa lật ngửa ra để ông bắt. Khi đó là một con rùa nhỏ, ông ra hiệu cho con Mực bỏ đi, nó sẽ sủa gâu gâu tiếc rẻ…Hồi đó, đi ven con rạch Voi một đoạn là ông có thể dùng mũi mác dùi lỗ trên mai rùa, xỏ dây mây thành chùm gánh về. Nước rút khô hơn, ông cứ đốt một mồi lửa phía trên gió, nơi có cỏ khô dễ cháy là ông cứ việc ung dung ngồi phía dưới gió, vấn thuốc hút chờ chuột, rắn, trăn, chồn, rùa…kéo nhau chạy tới. Ông chỉ việc quan sát, con nào lớn thì bắt, con nào nhỏ bỏ cho nó thoát xuống con Rạch Voi ẩn mình sinh sôi nảy nở. Tội nghiệp những chú rùa chậm chạp vừa chạy vừa giơ chân trước quẹt nước mắt vì khói cay ông bắt dễ nhất. Những con rùa mập ú, da ở cổ ở chân như căng ra và khi đưa nó vô nồi nước, đậy vung cho chặt, nổi lửa lên, nghe tiếng quậy rột rẹt là thèm nhặt rau râm, làm nước mắm. Khi nước sôi, rùa chết , vớt ra làm lông(lột da chân, cổ, đầu, đuôi)  khậy yếm rồi để vô nấu tiếp. Đừng hấp tấp vớt ra khi chưa kịp chín, bộ đồ lòng còn sống, đỏ máu, bỏ uổng lắm…

 

Cũng vì chuyện ăn rùa mà bà vợ đầu tiên của ông đã ra đi. Năm đó, bả theo ông đi đổ lờ, lợp. Ông thì lặn dưới nước đưa lờ, lợp lên, bà ở trên xuồng đón lấy đổ ra khoang đủ thứ tôm, cá, rùa tùy theo chỗ, tùy theo thứ mồi ông đặt. Ông đã dặn, những con còn nhỏ phải bỏ lại xuống nước cho nó lớn, mai mốt…Vậy mà, về nhà, khi nhấc cái nắp vung ra, ông thấy có mấy con rùa con bị luộc chín khiến lòng giận run. Không biết lỗi, bà ấy còn tru tréo, đay nghiến ,  chì chiết: "Sao ông không lên núi tu đi, đã sát sanh còn lựa con lớn con nhỏ…" Trời xui đất khiến, ông dằn cơn nóng giận không được nên con rùa trên tay bay vô đầu bà ấy. Cạnh mai rùa làm đầu bà ta tóe máu. Người ta nói, tại ăn rùa xui…

 

Nhớ những năm nước bêu, đồng ngập láng linh chỉ còn sót vài đám cỏ nghễ, lúc này ưa có những con trăn, rắn, rùa, cần đước…đeo bám vô cỏ không cho sóng đánh, trôi dạt…Ông chống chiếc xuồng con bằng cây tầm vông, một đầu lắp cái nạng chẻ hai để khỏi lún, một đầu có gắn chĩa ngạnh mũi nhọn hoắt để đi bắt rùa, thiên hạ cười ngất, không tin ông có thể bắt rùa  giữa đồng nước nổi . Ông cho mũi xuồng lướt nhẹ tấp vô đám cỏ nghễ, mắt ông chú ý quan sát những nơi ngọn cỏ xao động là đẩy mũi xuồng chỗ mình đứng tới ngay chỗ đó. Chút sau, trong đám cỏ nghễ sẽ có một vài chỗ động đậy và có tiếng thổi nước. Khó mà chỉ dẫn cho người khác đâu là tiếng thổi nước của rắn, hay trăn,r ùa…Nhưng với ông thì chuyện đó không khó, thậm chí ông còn phân biệt được tiếng thổi nước của rùa đực, rùa cái để mà bắt con nào trước. Tiếng thổi nước của trăn,  rắn tương tự nhau ở chỗ dài hơi như ta xì ruột xe tới lúc xẹp lép mới thôi. Am thanh phát ra như: " S…ụ…y…"ngưng một hồi mới lập lại y như vậy nữa. Tiếng của trăn ồ ề hơn, tiếng của rắn trong hơn như tiếng huýt gió. Tiếng thổi nước của cần đước và rùa cũng na ná giống nhau, nó vang lên đều đều như gõ nhịp, âm phát ra nghe: "Suỵt-suỵt-suỵt…suỵt" chừng một chục tiếng như vậy mới ngưng, chút sau lập lại y như vậy. Tiếng rùa đực thổi nước trong hơn, giống như khi ta thổi hơi mà ngắt nhịp bằng cách đưa lưỡi ra ém giữa hai hàm răng. Riêng tiếng thổi nước của cần đước thì nghe" Suật-suật-suật…" như ta thổi mà ngắt hơi bằng cách há to miệng ra cho hết. Khi biết rõ chỗ rùa vừa lặn xuống, ông chống nhẹ xuồng tới đó, chờ chút sau nó sẽ nổi lên cách chỗ đó không quá một thước rưỡi đủ để ông nhào xuống ôm gọn rồi leo lên xuồng.

Bị động như vậy, nhưng chung quanh nước láng linh , trống trơn chúng không bỏ đi đâu cả mà sẽ vào gốc cỏ để tiếp tục nổi lên cho ông bắt…Có những con cần đước chín, mười ký, ông biết ý không bao giờ vuột. Khi ông nhào xuống túm được nó, một tay ông lần ra trước ngay cổ cúc của nó mà nắm kéo ghì lên, một tay lần ra sau cậy đuôi của nó ấn xuống. Cần đước sẽ bơi bằng bốn chân quạt nước ào ào, lôi ông lên mặt nước mau hơn. Ngược lại nếu người không biết, cứ hai tay nắm hai bên cần đước sẽ cắm đầu bơi xuống, hai chân sau quào rách da cạnh sườn và lôi mình chìm lỉm, ngộp thở phải buông. Tương tự khi gặp những con trăn lớn, khi ông trở đầu chĩa đâm trúng gần đằng đầu của nó liền bật cho cây sào vít nó vụt lên khỏi mặt nước, trăn uốn mình quấn quanh cây sào, ông chỉ việc gỡ ra thôi. Nếu không, phần thân và đuôi trăn sẽ nhanh chóng cuốn lấy gốc cỏ, làm điểm tựa và lôi tuột cây sào khỏi tay mình như chơi.

 

Giờ đây, trên cánh đồng này hiếm hoi tìm thấy rùa, trăn…Ngay cả loài tôm, cá, chuột, chim , cò , ếch, nhái…cũng chẳng thấy, phải đợi nước lên, cá từ biển hồ, sông lớn …theo sông tràn lên đồng sinh đẻ. Chợ búa ngày nay chỉ toàn cá biển, cá hầm, cá bè…Nhưng mắc mỏ lắm. Hồi đó, nếu không rảnh đi bắt, ông chỉ cần lấy cái cần xé hư bỏ vô vài nhánh tre, buộc dây, quăng xuống sàn nước sau hè, nơi de ra con Rạch Voi. Tới bữa khi bắt cơm lên bếp xong, ông ra sàn nước rút dây, kéo cái cần xé lên đã có đủ cá để nấu canh chua, cá kho cho mười người ăn. Bữa nào siêng, ông lấy cần câu nhấp, đi dọc theo bờ con Rạch Voi, thả lưỡi câu có móc mồi nhái, mồi cá linh xuống những gốc gáo, gốc ô môi, gốc me nước ở dưới mép là có cá lóc xách về. Còn muốn ăn tôm, ông đốn tre đan cái lờ, xỏ miếng cơm dừa lơ lửng bên trong rồi đặt xuống chân cầu rửa chén, giặt đồ dưới bến sông; sáng ra, thòng chân vớt lờ lên khỏi mặt nước đã nghe tiếng tôm búng "lách chách". Gì khó , chớ chuyện kiếm thức ăn cho gia đình, ông chỉ cần chịu khó ra tay là có liền. Cắt một ống tre, dài hơn một thước làm trúm , bọc một nhúm trùng bằng miếng vải bỏ vô, đút xuống mấy dề lục bình là có lươn ăn. Muốn ăn cá lăn, tóm vài lưỡi câu vô sợi dây bố, một đầu buộc cục đá, một đầu buộc vô cột nhà sau.

 

Móc mồi trùng, quăng cục đá ra giữa lòng rạch, tối tối chút ra kéo dây lên là có cá bán lai rai ngày ngày. Ông nhớ những năm mần đìa trong Ô Long Vỹ. Khi nước rút, lúa, cỏ héo rũ, thúi nước, cá trắng bỏ đồng ra sông, cá đen ở lại rút vô những cái đìa sâu, nhiều chà, ăn móng nhìn như nồi cơm sôi. Thường những cái đìa xa, tát trễ, có mưa cá lóc lóc  lên đồng tìm chỗ cạn để, có khi khô nhớt, chết thúi ùm. Ông đã từng bện đăng dựng quanh đìa của mình để giữ cá. Mỗi lần tát đìa, tát gàu đôi, gàu ba mà ba bốn bữa mới cạn. Chỉ bắt cá lớn thôi mà phải có hai ba xe bò kéo về, chớ ai gánh cho nổi. Để cá xuống ghe lườn, chở ra Sài Gòn, Chợ Lớn bán cho các vựa chứ xứ này ai mà ăn hết.

 

Những ngày nước kém của các tháng mười, mười một…cá trắng bỏ đồng, ra sông, bơi xuồng, cá phóng vô xuồng, phóng dạt lên bờ khi ta buông mái dầm. Ở những mương cạn, người ta khơi sâu đầu vàm, đặt vó gạt, phải cần tới bốn người lực lưỡng đẩy cần gạt lùa cá lại miệng lưới và hứng cá bằng ghe chài. Có những lần gạt được ba bốn chục giạ cá linh. Gạt vô ghe xong, ai lo chèo cứ chèo, ai lo lượm rác cứ lượm để khi tới hãng nước mắm, cá còn sạch, còn tươi rói, họ không chê.

 

Trời ơi, nhớ lại ngày xưa mà ông Thủ nghẹn ngào, uất ức. Cánh đồng này vào những năm bảy mươi còn có từng đàn sêu cao lêu nghêu đi từng đôi, từng đàn trên ruộng. Những đàn vịt trời hàng trăm ngàn con bay mát cả góc trời như một đám mây, đáp xuống đâu, ở đó thiên hạ khóc rống lên tới đó. Vịt trời đáp xuống ăn hại lúa còn lê lết làm rạ dính bết dưới đất không đốt được, đất khó cày xới để làm rẫy làm  lúa…Có nơi người ta đốt rơm con cúi, dựng chòi canh, gõ thùng thiếc…

 

Thậm chí mần heo van vái đừng cho vịt tới đất mình…Còn ếch, nhái, cóc…sau cơn mưa ưa hội tụ ở khu đất nào đó làm công việc duy trì nòi giống, người ta chỉ việc lấy bao đi chụp, vác về tha hồ ăn. Vậy mà…Bây giờ những cánh đồng tràm đã thành than, thành khói, những con rạch, con sông giờ chỉ chuyên chở đủ thứ con người thải ra và đồng ruộng nực mùi thuốc độc có còn chỗ nào yên lành để cho vạn vật trú ngụ, sinh sôi.....

 

Ông đã bao lần gõ cửa quan báo cáo hiện tượng đánh bắt tàn nhẫn, đe dọa diệt chủng hàng loạt các loài vật mà có được ai quan tâm đâu.

 

Người ta còn cười cho rằng là đôi bàn tay sát thủ của ông đã trở nên vô dụng trước những cách đánh bắt quá ư hiện đại nên ông kêu ca. Họ đánh bắt bằng thuốc độc, bằng rà điện, thì mong gì còn sống sót con nào. Thiên hạ sát sinh hàng loạt, sát sinh không chừa cả những con còn bé tí không thể ăn được mà chẳng có sao. Vậy mà, hồi đó bà vợ thứ hai của ông đã bỏ đi vì cho là tại ông sát sinh nhiều quá nên trời bắt bà không đẻ chửa gì được.

 

Bởi vậy, hôm nay ông mới đi mót từng con cua, con bọ bé tí để ăn qua ngày. Ông cũng đã từng xách thùng nước đổ hang dế cơm. Bắt dế cơm, ngắt đít, rút ruột, nhét đậu phộng vô…chiên bột. Ông còn nghe ở đâu đó người ta còn ăn cả bọ xít, trùng hổ v.v…Nếu ông còn sống chừng năm mười năm nữa, chắc còn phải ăn cả…dòi chớ không chừng. Phải tính chuyện bảo vệ, phải lo cách chăn nuôi, gầy giống ra sao chớ kiểu này, có lúc…

 

Ông Thủ xuống đìa, mong mót thêm vài con cua còn sót lại trong những cái hang để ngày mai ông và con Mực khỏi phải đi nữa. Nhưng, có mấy con cua cái , ông phải thả trở lại khi thấy nó đang ôm một bụng cua con. Bỗng, ông Thủ thấy lạnh buốt sống lưng, lạnh dài bên ót và tê tê một bên đầu, ngực nghe nhoi nhói. Ông nghe đau buốt trên đầu và ngã ập xuống, mặt gục lên bờ, thân còn chìm dưới nước. Người ông tê dại, không còn cử động được nữa dù cố ngoi lên, rướn lên chỉ có thể ngước mặt tìm con Mực. Con Mực thứ mười ba của dòng họ nhà Mực sống bên ông đã kịp chạy tới. Nó le lưỡi liếm liếm lên mặt ông làm ông hoảng sợ "Mày…mày…đói…đói…tới mức muốn ăn…thịt tao…? " Không, giây phút sợ hãi thoáng qua và ông kịp mỉm cười khi thấy hai hàng nước mắt đang trào ra, lăn qua mồm con chó trung thành của mình. Màu đen trên mình con Mực lớn dần, tối sầm…

 

                                                      BT,Châu Phú-18/4/ 1992

                                                            MAI BỬU MINH

Mai Bửu Minh
Số lần đọc: 2995
Ngày đăng: 22.07.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngoại tình - Mai Bửu Minh
Sông Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em
Ba bé Ngoan về - Nguyễn Ngọc Tư
Biển người mênh mông - Nguyễn Ngọc Tư
Chợ nổi Cà Mau - chút tình sông nước - Nguyễn Ngọc Tư
Cửa sau - Nguyễn Ngọc Tư
Cuối màu nhan sắc - Nguyễn Ngọc Tư
Đất mũi mù xa - Nguyễn Ngọc Tư
Đi qua những cơn bão khô - Nguyễn Ngọc Tư
Đời như ý - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Hắn và tôi (truyện ngắn)
Hồng Sa Mạc (tuyển truyện)
Ngoại tình (truyện ngắn)
Ông Hai Thủ (truyện ngắn)
Đêm khó quên (truyện ngắn)
Nổi đau (truyện ngắn)