Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.306
 
Có chăng một Nhà thơ Hồ Xuân Hương ?!
Đoàn Hữu Hậu

Trong làng thơ Nôm đã thể hiện bấy lâu những bài thơ tinh tế và sống động của một tác giả mà nhiều người vẫn gọi là : Bà Hồ Xuân Hương. Sự thật thì tiểu sử của tác giả vẫn chưa đủ căn cứ để thoả mãn chúng ta về sự hiện diện của người. Thơ nằm sờ sờ ra đấy mà tác giả là ai?

 

            Ta hãy nghe Dương Quảng Hàm giải bày trong Littérature Annamite: “ …Bà là con gái ông Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, huyện Huỳnh Lưu, xứ Nghệ An. Nhân ông Diễn dạy học ở Hải Dương. Lấy người thiếp ở đấy sinh ra bà…” Có đúng vậy không? Nhiều sách viết khác nhau, nhiều giai thoại khác nhau về bà.

 

            Thân thế của bà không có sách nào chép rõ. Người ta chỉ xét thơ  của bà mà biết được đại khái. Phần đông người ta tin rằng tiểu  sử bà như thế này: Bà ở về đời Lê mạc, Nguyễn Sơ. Cha mất sớm, mẹ cho đi học. Học giỏi, thường lấy các văn thơ thử tài các văn nhân thi sĩ thời bấy giờ. Có lẽ vì sự thách thức kén chọn ấy, nên duyên phận long đong. Sau bà lấy lẽ một ông Thủ khoa làm quan đến Tri Phủ Vĩnh Tường ( Vĩnh Yên). Nhưng được ít lâu thì ông Phủ mất ( Khóc ông Phủ Vĩnh Tường) Sau vì gia cảnh nên lấy người cai Tổng, tục danh là Cóc. Không bao lâu ông Tổng cũng chết ( Khóc ông Tổng Cốc). Từ bấy giờ hình như bà chán nản nỗi số phận hẩm hiu nên thường đi chơi các nơi thắng cảnh và ngâm vịnh thơ ca để khuây khỏa nổi buồn. Có lần hình như bà cũng muốn đi tu, nhưng một người tài tình như bà không thể giam mình chốn thâm sơn cùng cốc nên bà lại thôi. Trong Việt Nam văn học sử yếu có viết: “ Bà sinh vào khoảng Lê mạt cùng thời với Phạm Đình Hồ tức Chiêu Hổ ( 1768 – 1839)…”

 

            Chúng ta thấy về bà Hồ Xuân Hương vẫn còn mơ hồ. Không ai khẳng định rõ ràng, mà chỉ xét thơ văn mà viết đại khái, với những từ nghi vấn“ có lẽ” “hình như”…Điều nầy khiến chúng ta không thể quả quyết rằng Hồ Xuân Hương có một cuộc đời như thế.

 

            Trong Nam Thi Hợp Tuyển tác giả Nguyễn văn Ngọc viết rằng : “ Nàng sinh vào đầu nhà Nguyễn không chắc rõ quê quán ở đâu? Có kẻ truyền tụng rằng nàng gốc tích ở Nghệ An…” Đã không chắc rõ mà lại còn nghe theo lời truyền tụng thì làm sao tránh được những sai lạc?!

 

            Tiếp sau là những giai thoại: “…Nàng định kén chồng, nhân gặp khoa thi, nàng mở một ngôi hàng nước để tiếp các danh sĩ vào làm thơ, người nào “trúng tuyển” thì mới chịu kết hôn. Nhiều người làm thơ đều thất bại cả. Sau kỳ thi, người đỗ Thủ khoa, đi cùng người em trai xin được vịnh thơ nàng,. Nàng ra đề là Thạch Liên Thiên. Ong Thủ khoa ngậm bút hồi lâu nmới viết được bốn chữ “ Tiên thạch nguyên lai” rồi lại ngẫm nghĩ mãi không ra được chữ gì nữa. Nàng sai thị tỳ ra bảo: “ Không làm được thì về sao lại cứ ngồi ngậm bút mãi” Ong Thủ khoa nghe nói chết cứng cả người…Nghe đâu chính ông nầy sau làm Tri Phủ Vĩnh Tường, tên gì không rõ” (?!)

 

            Một người đàn bà,có can đảm mở ngôi hàng để kén chồng thì không phải là tay vừa. Về tài của bà thì không thấy nói tới, chẳng lẽ bà lại làm toàn những bài “thơ tục” hiện đang truyền tụng hay sao? Còn về sắc thì cụ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến tả trong Giai Nhân Dị Mặc như sau: “ Hồ Xuân Hương mặt hơi rỗ hoa, da hơi ngâm đen, không đẹp mà có duyên thầm… có thiên tài lại giàu tình cảm…” Không hiểu cụ căn cứ vào đâu để tả thực như thế? Có điều như thế nghĩa là không đẹp? Mà xấu thì câu chuyện cụ Nguyễn văn Ngọc đã kể trên cũng vô lý nốt.

 

            Xem đó, tiểu sử tác giả, những tài liệu lờ mờ trên không đủ để  minh xác sự hiện diện của một người đàn bà tên thật là Hồ Xuân Hương.

 

            Thế nhưng, trong khi tiểu sử chưa xác định, nhiều học giả chủ quan đã vội vàng bình luận với thiên kiến của mình. Chẳng hạn như ông Nguyễn văn Hanh người đầu tiên áp dụng phương pháp bệnh lý vào việc khảo cứu văn học, khi đọc qua thuyết Tâm phân học của Freud, ông viết: “ Người ta ai cũng có sẳn tình dục. Nếu để tự nhiên theo sự nảy nở của cơ thể thì không sau, nhược bằng vì một lý do nào đó mà phải kiềm chế,  thì có thể xảy ra bệnh lý gọi là “ẩn ức tình dục”, khiến con bệnh sinh ra những ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động đặc dục tình…” Rồi khi đọc những giòng tả Hồ Xuân Hương: “….Mặt hơi rỗ hoa,da ngăm đen, không đẹp mà có duyên thầm…”thì ông vội tin ngay là người con gái kia vốn đa tình nhưng vì kém sắc nên không được chuộng đến phải ẩn ức mà phát ra cái loại thơ kinh khủng “đặc dục tình kia” (?!) Đó là giải thìch về nguồn gốc, còn về công dụng thì học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm căn cứ vào vào lời thơ có vẻ “đàn bà” và dựa trên lập trường đấu tranh giai cấp, ông đã khoát cho thi sĩ một chiếc áo cách mệnh. Ong cho rằng thơ Hồ Xuân Hương là lợi khí của phụ nữ chống chế độ phong kiến, chống nam quyền. Đàn bà chống đàn ông thống trị và áp bức. Khẩu hiệu nghe thì hay lắm. Nhưng bà chống ở điểm nào? Chống ở chổ Nho giáo phong kiến bắt người ta phải cưới xin hẳn hoi rồi hãy có chửa. Thật là vô lý. Cái  vô lý đó bị nhân dân xỉ vả:

            “ Không chồng mà chửa mới ngoan

            Có chồng mà chửa thế gian sự thường”

Cái sự thường đó đã thể hiện qua bài thơ:

            Cả nể cho nên sự dỡ dang

            Nỗi niềm chàng có biết hay chăng?

            Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc?

            Phận liễu sao đà nảy nét ngang.

            Cái tội trăm năm chàng chịu cả.

            Mảnh tình một khối thiếp xin mang!

            Quản bao miệng thề lời chênh lệch

            Những kẻ không mà có, mới ngoan”

                                                (Chửa hoang)

Hồ xuân Hương cách mệnh, Hồ Xuân Hương cải tạo xã hội, Hồ Xuân Hương chống nam quyền bằng cách cổ động cái hành vi sinh lý lên trên đạo lý.  Không biết con đường cách mệnh ấy sẽ đưa nhân loại tới đâu?

            Tóm lại, một khi tài liệu chưa đầu đủ để minh xác cuộc đời của tác giả, thái độ cần thiết là nên sưu cứu để chứng minh hay phủ nhận chứ không thể căn cứ vào thơ văn để tô son điểm phấn hay lợi dụng.

                                       

*

            Phải nhìn nhận rằng “thơ Hồ Xuân Hương” hiển hiện như một hào quang trong bóng tối đọa đày của một nền văn học ngoại dịch. Không ai chối cãi về sự sự hiện diện của loại thơ đã được hầu hết các giới hoan nghênh và suy tụng. Thơ Hồ Xuân Hương nằm ngang ra đó. Nhưng ai là tác giả? Ai đã phóng “ám khí” vào văn học?

 

            Rất có thể đó là “Nho sĩ”. Nghĩa là đàn ông làm ra chứ không phải là của một bà tên gọi là Hồ Huân Hương, dù là bà đó ẩn ức tình dục, bị ám ảnh bởi cái giống, hay cách mệnh cũng thế.

 

CHỨNG CỨ: VỀ PHƯƠNG DIỆN TÂM LÝ, TA TÌM GẶP LÒNG TỰ TÔN VÁ TÍNH XỎ XIÊNG CỦA NHO SĨ ĐỐI VỚI PHỤ NỮ.

 

            Trong Việt Sử và khẩu truyền, các công nghiệp của nam giới  thường được các cụ tô điểm bằng những nét thật hùng tráng và anh dũng. Nhưng khi viết về phụ nữ thì có ý xem nhẹ hơn, thiên kiến vai trò phụ nữ. Đại Nam quốc sử diễn ca đã chép nguyên do cuộc khởi nghĩa của bà Trưng:

            “ Bà Trưng quê ở Phong Châu

            Giận người tàn bạo thù chồng chẳng quên

            Chị em nặng một lời nguyền

            Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…”

Trưng Vương vì thù chồng mà đứng lên…Chứ không phải vì yêu nước, thương non… Đến như bà Triệu Ẩu các cụ viết đau lòng hơn. Khi Tướng Ngô là Lục Dận mang quân dày xéo non sông, không có lấy một người đàn ông lo việc đối kháng, để cho nhi nữ phải ra tay. Vị nữ anh hùng đem thắng lợi cho nước nhà đã được các cụ ghi vào lịch sử với một chi tiết tiếu lâm: “ Bà vú dài ba thước” ! Thêm vào đó cái chết của bà không kém phần bi thảm, nhục nhã. Số là Lục Dận bị thua mãi cho điều tra cái danh Triệu Trinh Nương ( người con gái trong trắng họ Triệu) và thiết kế cho ba trăm tên quân loã thể ra trận. Thoạt trông thấy cảnh nhơ bẩn, bà bưng mặt chạy dài, và rút gươm tự vận. Vị nữ tướng bách chiến giai thành, lại thảm bại trong trường hợp dễ dàng và đơn giản như thế?! Không tin được. Rỏ ràng có sự xuyên tạc của người chép sử.

 

            Đấy là lịch sử về Nữ Tướng, còn trong văn chương?

            Ai đọc qua bài thơ Tự thán của Ngọc Hân Công chúa em vua Chiêu Thống, vợ vua Quang Trung, đều kính phục lòng thâm thiết của nữ thi sĩ. Trang quốc sắc ấy vâng mệnh Phụ hoàng là vua Cảnh Hưng kết duyên cùng với Bắc Bình Vưong Nguyễn Huệ khi ngài ra bắc diệt Trịnh phù Lê. Khi vua Quang Trung băng hà, Gia Long đoạt lấy cơ đồ Tây Sơn. Việc đầu tiên của Gia Long là trị tội bọn” Ngụy triều”, đào mã Quang Trung lấy sọ xiềng xích đem giam vào ngục tối, lại dùng thốc độc giết chết ba con nhỏ của Công chúa với Quang Trung. Lúc bấy giờ Công chúa cải trang làm thường dân trốn vào Quảng nam, để không gặp mặt kẻ giết chồng hại nước.

            “ Trằn trọc suốt đêm sâu ngày tối

            Biết cùng ai dập nỗi bi thương

            Trông mong luống những mơ màng

            Mơ hồ bằng mộng bàng hoàng như say

            Khi trận gió hoa bay thấp thoáng

            Ngỡ hương trời bãng lãng còn đâu

            Vội vàng sửa áolên chầu

            Thươngôi quạnh quẻ trược lầu nhện giăng

            Khi bóng trăng là inlấp lánh

            Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi

            Vội vàng dạo bước tới nơi

            Thương ôi, vắng vẽ giữa trời tuyết sa…”

Một mối tình tha thiết như vậy mà từ lâu, sử cũ vẫn chép là bà đã kết duyên với vua Gia Long sau khi y đã quật mộ chồng và giết hết con mình. Sự ám muội đó phải đợi tới năm 1949 mới được Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm  cải chính trong “Văn học Tây Sơn”. Đó là những chứng cứ rõ ràng trong lịch sử. Nó biểu hiện khuynh hướng trọng nam khinh nữ của các cụ thời ấy.

 

            Trong giới văn học ta có được bao nhiêu văn nhân khả dĩ dám so với bà Đoàn Thị Điểm? Ngay như tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn cũng không được phổ biến bằng bản dịch của nữ sĩ HồngHà. Tác phẩm dịch không cô động được cả  một vươn lên của văn nôm toàn thịnh mà cuộc đời dịch giả cũng biểu lộ một nếp sống tài đức kiêm toàn. Thế mà vị nữ sĩ đó lại được ghép đi đôi với Trạng Quỳnh, tên Nho sĩ vô hạnh,phản ảnh tinh thần phóng túng, vô đạo của các cụ. Ví dụ vài chi tiết: Một hôm bà Điểm tắm, Trạng Quỳnh đòi vào bà ra câu đối khi nàoTrạng đối được thì cho vào : “ da trắng vỗ bì bạch”. Trạng không đối được bỏ đi. Lần khác,vua tiếp sứ tàu. Vì muốn bịp sứ giả,Vua sai Trạng giả làm lái đò và bà Điểm làm cô hàng nước. Chuyện Sứ tàu địt rồi nói… lái đò đái xuống sông, rồi nói… giữa sứ tàu và Trạng Quỳnh chắc ai cũng biết. Khi vào quán, thấy đôi mắt cô hàng đong đưa, tình tứ, có ý lả lơi, Sứ tàu ghét ra câu đối: “An nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” bà Điểm liền đối ngay : “Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất” Sứ tàu sợ quá, cho rằng tên lái đò, cô hàng nước còn giỏi như thế, đến bọn nho sĩ còn giỏi tới đâu! Trước đây, đọc truyện trên, tôi phục về tài mẫn tiệp của bà Đoàn thị Điểm hết sức. Nhưng bây giờ nghỉ lại mới ngán cái lối xỏ ngọt đàn bà của các cụ. Mỗi khi đọc những câu:

            “ Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm

            Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

            Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng

            Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau”

Ta vẫn thấy lời thơ tình tứ thật, nhưng đâu đến nổi “ đong đưa, lả lơi” như khi tiếp Sứ Tàu!

 

            Xem đó ta thấy các cụ đã tự tô vẽ với những nét thật tươi và kể chuyện đàn bà với những lời thật ác. Từ đó mà suy, ta có thể nghĩ rằng trong khi các cụ cố thiên về lý trí ( tư vô tà) cố không nghĩ tới điều xằng bậy, thì tình cảm và bản năng đã khiến hiện ra loại thơ tục, và vì sợ mang tiếng tiểu nhân, các cụ gán luôn cho đàn bà với cái biệt hiệu là Hồ Xuân Hương. Vậy Hồ Xuân Hương là tên một loại thơ, thể thì rất luật mà hơi thì rất ca dao, chứ vị tất là tên của người đàn bà?!...

 

MỘT CHỨNG CỨ THỨ HAI NỮA LÀ CÁC NHO SĨ THƯỜNG TRỌNG HÁN MÀ KHINH NÔM MỘT CÁCH QUÁ ĐÁNG

            Trong khi khảo cứu văn học Việt Nam, một vị linh mục người ngoại quốc có phát biểu: “ Văn học Việt Nam mà bỏ hết phần Hán văn thì thật không còn gì nữa” Đứng trên địa vị một người ngoài, vị linh mục kia đã cho ta thấy một nhận xét tuy quá đáng nhưng không phải là hoàn toàn vô lý. Nếu ngày trước những học giả yêu tiếng Việt vào thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ - Hà Nội hay Quốc Tử Giám - Huế để tìm tài liệu thì hẳn đều nhận thấy những tác phẩm nôm rất lơ thơ và vô căn cứ. Ngày xưa , bao nhiêu tâm lực của các ccụ đều phóng cả vào việc từ chương khoa cử, nếu không thì cũng dồn toàn lực vào sáng tác bằng chữ Hán. Văn Nôm chỉ là một lối chơi trong lúc trà dư tửu hậu. Trong lịch sử chỉ có hai triều đại văn nôm được trọng dụng là đời Hồ Quý Ly và Quang Trung, nhưng tiếc cả hai triều đại trên đều quá ngắn ngủi, cho nên việc phổ biến cũng chỉ le lói rồi tắt phụt.

 

            Mang danh “ nôm na là cha mách qué” các cụ không bỏ được mặc cảm khinh rẽ chữ nôm. Đã không ưa thì dù có sự thúc giục của bản năng dân tộc, các cụ có làm ra thì cũng chối bỏ. Không mấy khi tên tác giả được ghi theo tác phẩm, cho nên có việc sách ghi “ Nôm khuyết danh” .Và xảy ra cái việc thường xuyên là “ tam sao thất bổn” đem râu ông nọ cắm càm bà kia. Mãi cho tới cuộc quật khởi năm 1789 của Quang Trung văn nôm mới khá được để ý và bộc phát chói lọi trong thời Nguyễn sơ cho tới ngày nay.

 

            Xét đó mà biết, vậy thì cái loại thơ “tục tĩu” của Hồ Xuân Hương, hay thì hay thật nhưng thử hỏi Nho sĩ có dám đặt tên mình vào đó chăng? Đã chối bỏ, đã lợi dụng đề tài và địa vị của đàn bà để sáng tác cho dễ, thì Nho sĩ còn ngại ngùng gì mà không đặt cho loại thơ ấy một tên hiệu có vẽ đàn bà là Hồ Xuân Hương?!.

 

CÁI CHỨNG CƠ THỨ BA ĐỂ TRẢ LẠI LOẠI THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG CHO NHO SĨ LÀ SỨC ĐÀN ÁP CỦA LUÂN LÝ NHO GIÁO

            Tâm hồn cá nhân được xây dựng trên 3 yếu tố căn bản : bản năng, tình cảm và lý trí. Đạo Nho lấy lý trí vụ luân lý ( Trai : tam cương, ngũ thường, Gái: tam tòng , tứ đức)  để chế ngự bản năng và hướng dẫn tình cảm cho hợp với đạo thánh hiền. Ai theo lý trí Nho giáo là quân tử, ai theo bản năng, tình cảm là tiểu nhân. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói trung thành của tình cảm dồi dào của dục vọng sôi nổi, xây dựng trên một đề tài nhất trí là sinh lý, cái phần mà Nho sĩ cho là tệ hơn cả trong dục vọng loài người. Đã thế bản năng và tình cảm là hai “thằng giặc” khó trị, thường hay xuất phát bất ngờ. Chiến thắng nghìn vạn quân địch dễ, tự thắng ta mới khó. Thế nên trong một phút xiềng xích lý trí Nho giáo lỏng lẽo, tình năng đã hiển hiện ra huy hoàng trong loại thơ kia. Sực tỉnh cơn mê thì sự đã rồi, Nho sĩ liền chối bỏ vì không muốn tiểu nhân, vì rằng:

            “Hiền nhân quân tử ai là chẳng

            Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo”

Sống theo tình cảm bản năng là sống theo tự nhiên, sống theo luân lý là sống theo khuôn khổ. Tất nhiên không chịu sự thái quá nào đó của tâm hồn. Thiết nghỉ ba chứng cứ trên cũng đủ cho ai tin tưởng về chủ nhân của loại thơ Hồ Xuân Hương. Nhưng ở đây một vấn đề khác được đặt ra là: Tác giả loại thơ nầy là một hay nhiều người?

 

            Đã là một loại thơ thì phải là của nhiều người. Nhưng có một điều lạ, là tính cách nhất trí về đề tài khiến ta lại có ảo tưởng là sản phẩm của một cá nhân, một Nho sĩ nào đó. Thơ Hồ Xuâ Hương có loại tự tình khóc than vì thiếu chăn gối; loại xã hội chế diễu là những kẻ ngứa nghề, những tay đạo đức giả không dám để sinh lý trên luân lý;loại hoạt cảnh tả thú vui vật chất,loại tĩnh vật và loại phong cảnh thì chuyên tả cái hình ảnh “kín đáo” của phụ nữ. Dù đề tài có khác từ một vật vô tri giác như “ cái quạt” cho tới phong cảnh như “ Đèo ba dội” ý tưởng trong thơ đều biến hoá, thoát hình để trở về với đề tài  vô trung sinh thữ mà thôi. Thế nhưng lý lẽ nầy không vững khi ta đọc bài Vịnh cánh hoa đào sau đây:

            “ Trời đẻ trời muông trời phải dạy

            Dẫu rằng bé bỏng khéo kiêng khem

            Trải bao đêm vắng cùng mưa móc

            Vẫn một màu son với chị em

            Cười trận gió đông hăng hái thổi

            Thương con bướm trắng phất phơ thèm

            Xin ai thương đến đừng ham mó

            Hể mó tay vào ố nhọ nhem”

Giọng thơ đặt Hồ Xuân Hương nầy chính là của Tản Đà. Đấy, sau bao nhiêu năm, một nhà nho thất thế còn làm được bài thơ trên, thử hỏi ngày trước trong không khí ngột ngạt của Nho giáo thì sao? Có người nói: “ Thơ Hồ Xuân Hương là sản phẩm thời Lê mạt, pản ảnh thời đại cực loạn trong lịch sử Việt Nam. Chính trị thối nát, đất nước bị xé ra dưới bàn tay của các lãnh chúa: Trịnh, Nguyễn, Mạc, Tây Sơn , Lê, Trương Phúc Loan, Kiêu binh…Cả một hệ thống  tổ chức xã hội cũ đão lộn, trí thức lẫn nho sĩ phân tán tinh thần, xu hướng đến cực độ. Chính hoàn cảnh trên đã đã đẻ ra loại thơ “ quỹ quái” đó”

 

            Vâng cũng đúng một phần. Nhưng chúng ta đừng quên rằng: “ Với thần trí và hồn tính vững vàng dân tộc Việt đã trào phúng thường xuyên, bất chấp thời loạn, hay thời bình ”         Hãy đọc vài vế trong bài “ Ngã Ba hạc phú” của Nho sĩ Nguyễn Bá Lân ( 1701 – 1785)

            “ Vui thay Ngã ba hạc vui thay! Ngã ba hạc

            Dưới họp một giòng trên chia ba ngác

            Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp; dòng biếc lẫn dồi dào

            Lênh láng dễ biết nông sâu; nước đen pha nước bạc

            …Ba góc bờ chia vành vạch, huyệt kim quy hẻm đá rộng hông hênh

Hai bờ cỏ mọc lâm râm, hang Anh vũ giữa giòng huyếch hoác

            Mọi thú mọi vui, mỗi chiều một khác

            Lơ thơ đầu ông Lã thả cần, trần trụi mặc Chữ Đồng ngâm nước

            Bè khách thương hạ bến, cắm neo quỳ gối lắc cày xuôi

Thuyền ngư phủ thuận giòng, giương nách khom lưng chèo tếch ngược

            Dùi điểm thùng thùng trống gọi, cửa tuần rộn rã khách chen vai; chày đâm văng vẳng chuông đưa, nền phật tự lao xao người rén bước…

Ai hữu tình ngắm lại mà coi; kể làm cực nhân gian chi khoái lạc.

*

            Duyệt qua những hoài nghi, những chứng cớ, những lý do trên, mục đích chúng tôi không gì hơn là kêu gọi các học giả uyên thâm xúc tiến việc minh định văn học cho hoàn bị và đặt ra những giả thuyết trên cũng để mong được xét lại, riêng cho Hồ Xuân Hương và chung cho cảVăn học sử Việt Nam./.

Đoàn Hữu Hậu
Số lần đọc: 12369
Ngày đăng: 27.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài thơ cuộc đời của nhà văn Trang Thế Hy đã tìm ra chính bản. - Phan Tấn Tài
“Màu tím hoa sim” bản nào là đúng nhất ? - Nguyễn Minh Hùng
Chuyện buồn [Hết] …Cười [Nổi] : Về bài Văn chương mạng của Inrasara trên báo Văn nghệ số 20, 19.05.2007. - Inrasara
Lại nói về Linh Phương là tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em - Vũ Trọng Quang
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-1 - Hà văn Thùy
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-2 - Hà văn Thùy
“Tình em” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn có 2 phiên bản - chuyện lạ hay ‘đạo văn’ ? - Nguyễn Tý
Thiên chức nhà giáo - Trần Kiêm Ðoàn
Viễn Phương , Nhà văn chỉ “Muốn nói lên sự thật” - Triệu Xuân
Tiếng hát con tàu và tuyên ngôn nghệ thuật của Chế lan Viên - Nguyễn Minh Hùng