Còn năm phút nữa mới đến giờ ra chơi , một nữ sinh tóc thắt hai bím xin phép đi vệ sinh . Trong giờ học , các em hay xin đi ra ngoài vì nhiều lý do khác nhau . Sau này tìm hiểu tôi được biết có em do chuẩn bị bài chưa tốt sợ thầy gọi lên khảo bài , em khác cho rằng môn đó học không vô … Nói chung , nếu muốn ra ngoài là các em tìm mọi cách , chính vì lẽ đó trong giờ học, tôi hạn chế cho học sinh ra ngoài .
Sau tiếng chuông báo hết tiết học tôi đi xuống phòng giáo viên . Lúc bước ngang cầu thang tôi chợt thấy em nữ sinh hai bím tóc với gương mặt lấm lét , nhìn trước ngó sau, rồi em lấy trong túi ra một mảnh giấy nhét vội vào thùng thư góp ý. Qua cử chỉ của em tôi có cảm giác , em sợ không được an toàn nếu như có ai bắt gặp . Chưa biết nội dung gì trong thư , chỉ thoáng qua hành động vội vã , lúng túng , sợ hãi của em tôi có thể hiểu đây là việc hệ trọng đối với bản thân em . Em muốn nói mà không biết bày tỏ cùng ai , nên mượn thùng thư để gởi gắm nỗi lòng . Suốt giờ chơi tôi cứ nghĩ vẩn vơ : Hay là gia đình em có chuyện gì buồn ? Không phải , chuyện riêng ai lại đi kể lể ở trường học . Hay đứa bạn nào hút thuốc trong phòng vệ sinh mà em bắt gặp ? Nếu đem chuyện này thưa với thầy giám thị , lại sợ bạn kia trả thù . Tôi vẫn thường khuyên các em gìn giữ quãng đời đẹp nhất của tuổi học sinh -tuổi thơ vô tư , hồn nhiên là nét đẹp riêng có trong lứa tuổi các em , đánh mất thì khó có cơ hội lặp lại . Chịu khó đi sâu vào đời sống tâm lý của các em , ta mới cảm nhận hết những điều rắc rối . Một nhà thơ đã viết : "Làm học trò không sách vở cầm tay , đem tâm sự đi nói cùng cây cỏ" . Có ai hiểu các em ngoài cây cỏ ! Thùng thư góp ý ít nhất nó cũng giúp các em chống được một stress .
Không bỏ qua nhận xét trên , tôi khéo léo tiếp xúc với cô Nhân , giáo viên chủ nhiệm của em .Cô Nhân cho hay hòan cảnh gia đình em Hồng khá đặc biệt , cha mẹ ly dị , em ở với bố .Em đang độ tuổi phát triển giới tính , cần có mẹ để chia sẻ . Bao nhiêu tình thương của người cha dành trọn cho con gái , nhưng bố nào hiểu con gái bằng mẹ , nhiều lần bố em muốn mời cô giáo về kèm riêng cho Hồng .Tuy em ở với bố , nhưng vẫn không quên mẹ , tình cảm nơi em có một khỏang trống …
*
Hôm nay họp giáo viên chủ nhiệm , thầy hiệu trưởng chủ trì .Thầy nói :
-Thứ tư vừa rồi cô Bích đánh học sinh tốc váy .Mặc dù trước đó có đồng nghiệp tỏ ý ngăn cản nhưng cô vẫn đánh .
Nghĩ cũng tội , một con bé học sinh lớp sáu , chỉ cần doạ thôi nó đã sợ huống hồ phải dùng roi . Đôi lúc học sinh bị phạt , tôi cũng thấy quá đáng . Ai đời nữ sinh lớp chín mặc áo dài trắng mà còn phải quì trên bục . Thậm chí nghe đâu đó thầy cô còn phạt cả bằng tiền .Cũng không thể cấm thầy cô giáo phạt học sinh bởi lẽ có nhiều học sinh sau khi đã thành đạt bộc bạch : nếu không nhờ sự nghiêm khắc của thầy cô chắc em không được như ngày hôm nay. Tôi chưa quên lời dạy của vị thầy khả kính : " Các bạn trẻ nếu có đánh học sinh nên đánh bằng tay trái . Đánh không thuận tay sẽ khó có trường hợp phạt vì nổi nóng …!". Có lần tôi nghe đồng nghiệp kể vì quá nóng đã lỡ tay tát chảy máu mũi một em học sinh . Bạn tôi cảm thấy ân hận khi được gia đình cho biết , mỗi khi thời tiết thay đổi em hay bị chảy máu cam.
Gần cuối buổi họp ,bỗng như nhớ thêm chuyện gì thầy hiệu trưởng nhắc:
-Có thư phản ảnh một cô giáo dạy tiếng Anh khối bảy lôi kéo học trò mình về dạy thêm .
Mặc dù thầy không nêu đích danh ai, nhưng hầu hết giáo viên trong phòng đều nhìn nhau im lặng . Đến giờ chơi , mọi người trong phòng giáo viên xôn xao về lá thư nặc danh góp ý về việc cô Nhân đì những học sinh không học thêm. Giờ ra chơi là khoảng thời gian ngắn để thầy cô nghỉ ngơi , trò chuyển sang họat động chân tay cho bớt căng thẳng , giúp ích cho môn học tiết sau .Nếu ra chơi mà giáo viên không được nghỉ ngơi thì giống như đá bóng mà không được nghỉ giữa hiệp . Trong giờ chơi tôi vẫn muốn học sinh chơi thoải mái cho bớt căng thẳng . Kể cũng tội cho các em dù có muốn đá cầu , nhảy dây cũng không có đủ chỗ để vui chơi . Khoảng sân trường đã hẹp lại phải dành một phần giữ xe , phần khác cho căn-tin . Mỗi sáng thứ hai , nhìn các em đứng chào cờ san sát vào nhau đã thấy kín cả mặt sân thì thử hỏi còn chỗ nào cho gần hai ngàn học sinh cùng ùa ra một lúc trong giờ chơi . Nhiều phụ huynh không hiểu vì sao con mình đi học sớm , khi hỏi ra mới biết các em đến trường thật sớm chỉ để tìm được một chỗ đá cầu với bạn ! Không biết Ban thường trực hội phụ huynh có bao giờ thử đến trường vào giờ chơi để biết con em chúng ta đang vui chơi thế nào ? Không hiếm khi chứng kiến tai nạn trong giờ chơi , tôi cảm thấy ái ngại . Tôi chợt nghĩ hình như người ta chỉ mới thiết kế phòng học đạt chuẩn chứ chưa nghĩ đến sân chơi cho các em.
Dạy thêm , học thêm có phải là một nhu cầu thực sự ? Nhìn trên các mục quảng cáo , chúng ta thấy đầy dẫy những trung tâm văn hoá ngoài giơ , trung tâm luyện thi . Nhà nào mà chẳng có các tờ bướm quảng cáo dạy kèm . Hình như chuyện học thêm chỉ xảy ra ở nơi nào mà phụ huynh quan tâm và gia đình có thu nhập tương đối cao . Ở vùng nông thôn , mấy khi nghe phụ huynh than phiền về việc dạy thêm của thầy cô giáo . Hoạ hoằn lắm họ phàn nàn về một bộ phận giáo viên chưa chuyên tâm cho việc giảng dạy . Liệu phụ huynh có vui không khi con mình về nhà khoe thầy đi đám giỗ nhậu xỉn cũng không bỏ lớp .Ai mà không chạnh lòng cho chất lượng giáo dục khi thầy cô lên lớp cầm sách đọc cho học sinh chép , chưa kể chép kiến thức sai!.
Mà kể cũng lạ thầy đang giảng bài trong lớp , các em không thắc mắc về bài giảng mà lại đi hỏi chuyện học thêm ! Chỉ cần nghe có thế đã có thầy cô giáo cảm thấy thích , cứ tưởng mình dạy hay nên học sinh nó mới xin học thêm . Nếu như thầy biết học trò của mình dùng liều thuốc học thêm để trị triệu chứng lười làm bài hoặc hy vọng trăm sự nhờ thầy vào những kỳ thi , chắc thầy sẽ nghĩ khác. Mỗi tháng chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để các em kiếm sự an toàn các thầy có biết không ? Chưa kể tâm lý phụ huynh muốn mượn phương thuốc học thêm để rút bớt thời gian chơi điện tử của con em mình … Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết tôi phải dạy thêm cái gì , khi mà kiến thức bài giảng tôi đã truyền thụ hết , phần còn lại học sinh phải tự tiêu hoá bằng cách tự giải bài tập !
Có cô giáo dạy tiếng Anh lâu năm lên tiếng :
- Các bạn trẻ cứ chịu khó dự giờ học hỏi đồng nghiệp , trau dồi chuyên môn nghề nghiệp cho giỏi rồi tha hồ mà mở lớp dạy thêm .
Một cô khác lên tiếng :
- Học sinh của tôi rất muốn học thêm tiếng Anh . Tôi đang định giới thiệu cho Nhân .
Thầy Lâm chen vào :
-Ý kiến hay , tôi và cô sẽ trao đổi học trò cho nhau để tránh mang tiếng dạy thêm chính học sinh trong lớp .
Thầy Lý lên tiếng :
- Lớp văn hoá ngoài giờ tôi đang dạy toàn các gương mặt quen thuộc ở lớp chính khoá.
Giờ chơi hôm nay mắt Nhân đỏ , hình như Nhân vừa mới khóc .
- Mấy hôm nay con em bị mổ ruột thừa , em phải nuôi con trong bệnh viện .Nhân nói mà như nấc.
Do mất ngủ hai tối , quầng mắt Nhân thâm đen , ngước nhìn lên , Nhân chia sẻ với tôi :
- Từ trước đến giờ em có dạy thêm đâu . Mà sao học trò ác ý nó ghi một lá thư bậy bạ quá. Tình cảm thầy trò bây giờ sao nó khô quá anh ơi .Đôi lúc em cả nghĩ : Chắc người ta nghĩ ra ngày "Hiến chương các Nhà giáo" để an ủi chúng mình .
Nhân đã về dạy tại trường được hơn mười năm , là giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh . Tình cờ , Nhân được phân công dạy đúng lớp do tôi chủ nhiệm . Năm nào Ban giám hiệu nhà trường cũng đều giao lớp yếu nhất khối cho tôi phụ trách .Làm giáo viên chủ nhiệm nếu không đặt cái tâm lên hàng đầu e rằng mau chán lắm ! Nhưng "Cái tâm" hình như chỉ là một ý tưởng để phấn đấu chứ có ai mà biết nó ra làm sao ? Có lần tôi được nghe một học sinh gọi giờ chủ nhiệm là “giờ nghe ổng bả chửi”!
Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn lên kế hoạch phụ đạo các học sinh còn yếu các môn Văn , Tóan , Anh . Thời gian chính khóa trong trường không còn phòng trống nên chúng tôi đành chọn hai buổi thứ năm và chủ nhật .Ngày thứ năm học sinh chỉ học ba tiết , hai tiết còn lại tôi mời cô Châm dạy phụ đạo môn Văn , sáng chủ nhật tôi và Nhân dạy hai môn Tóan - Anh văn .
Khi hồi chuông báo giờ ra chơi vừa dứt , bước chân vào phòng giáo viên tôi vô cùng ngạc nhiên thấy các thầy cô giáo chụm đầu ngước nhìn bảng thông báo : "Chiều nay lúc 5 giờ nhà trường đi viếng đám tang cô Thùy Nhân , kính mời thầy cô cùng đi" .Dòng tin vỏn vẹn chỉ có vậy mà sao tôi vẫn chưa tin bởi lẽ cách đây ba hôm bạn bè còn đi hát karaoke mừng sinh nhật lần thứ ba mươi tám của Nhân . Tôi chưa quên được hình ảnh Nhân xòe tay ra và nói : em có đường sinh đạo dài và sâu , sách nói tuổi thọ cao !
Nhớ lại vào một buổi sáng chủ nhật sau khi dạy phụ đạo xong tiết Tóan , tôi đã thấy Nhân mỉm cười đứng ngòai cửa lớp trong bộ quần jeans áo pull .Vóc người tầm thước thon gọn , tóc dài , giẽ ngôi giữa , mái tóc trước trán thả buông một chút che gương mặt xương xương , tóat lên vẻ sang trọng và thanh tú . Nụ cười tươi nhưng ánh mắt vẫn không giấu được nỗi buồn .Vẻ đẹp của Nhân nó hiền thục , nó thần tiên đến độ học sinh gái phải trầm trồ . Với dáng người như vậy , ai mới gặp Nhân lần đầu thật khó tin Nhân đã là mẹ của đứa con gái năm tuổi . Cuộc sống gia đình Nhân cũng không được vui , đã ly dị hơn hai năm .Toà xử con theo mẹ , hàng tháng ngừơi cha phải chu cấp tiền .
Tuy vậy tôi vẫn thấy có một điều gì đó khó gần . Sự kiêu kỳ hình thức bao giờ cũng ẩn chứa phần tâm hồn rỗng tuếch .Tôi vẫn quen nghĩ thế , mặc dù bạn bè vẫn chế giễu rằng tôi sẽ gặt hành động nếu tiếp tục gieo thói quen .Có lúc tôi nghĩ tôi đang lừa mình .Tôi cố tìm trong cái đẹp một điều xấu để không bị cái đẹp làm mờ đi lý trí.Tôi cố tìm trong cái tốt một điều xấu để tự mình cảnh giác .
Cô Huyền làm không khí trong phòng giáo viên như nóng hẳn lên khi kể lại sự cố xảy ra :
-Sáng chủ nhật sau khi dạy phụ đạo Nhân ghé qua thăm một học sinh đang gặp khó khăn . Kế đó có người chạy đến báo tin Nhân bị tông xe.
Hôm ấy Nhân muốn đem cho thằng Thương một bộ quần áo . Nhân để ý thấy nó đi học có vỏn vẹn hai bộ quần áo đã ngả màu . Ao thì ố vàng thâm kim , quần kéo trễ xuống khỏi rốn mà ống còn trên mắt cá chân . Thương là con lớn , nhà nghèo , đông em .Trước đây, khi ba của Thương chưa bị tai nạn chấn thương cột sống do sập giàn giáo thì nghề thợ hồ cũng tạm đủ cho gia đình . Bây giờ cả nhà chỉ còn biết trông cậy vào gánh chè đậu lủng lẳng trên đôi vai gầy guộc của người mẹ .
Nhân vẫn thường kể tôi nghe , khi làm chủ nhiệm Nhân luôn tìm một đứa học sinh nghèo nhất có hòan cảnh đặc biệt để âm thầm giúp đỡ nó một năm học phí và hai bộ quần áo . Năm nay Nhân chọn trò Thương . Hầu hết học sinh đều mến cô , nhiều đứa đã học qua nhiều năm vẫn thường nhắc đến cô.
Khi Nhân quẹo vào con hẻm thì bất ngờ một xe mô tô từ trong hẻm phóng ra , cái dây túi xách của đứa con gái mặc đầm ngồi sau quàng vào tay lái xe , làm Nhân mất đà ngã vật xuống đường , cùng lúc ấy , chiếc xe lam chở rác trờ tới thắng không kịp , đầu Nhân va vào cái kiếng vỡ xe rác . Tay lái xe rác còn đang lo ý ới phân bua thì tên chạy xe mô tô phóng xe mất hút .Tin báo về trường , thầy Xuân đưa Nhân đi cấp cứu và Nhân tắt thở tại bệnh viện .
*
Chiều ngồi quán nước , nhìn khói thuốc bay , quan niệm sống trong tôi đang dần thay đổi "tìm cái tốt trong cái xấu" . Bà Tư bán thuốc lá là người chứng kiến tai nạn xảy ra cho Nhân kể lại : Mỗi buổi chiều , sau giờ tan học có người đàn ông chở em nữ sinh thắt hai bím tóc đến thắp hương cho cô giáo . Tôi tưởng như làn khói thuốc hòa quyện vào làn khói hương đã vẽ lên khuôn mặt hiền hậu của Nhân .
Sau giờ chơi sân trường vắng lặng vài con chim se sẻ sà xuống nhặt những mẫu bánh mì còn rơi vãi . Tiếng thầy cô giáo giảng bài vọng ra ngòai cửa lớp .Còn Thùy Nhân , cô mãi mãi với giờ ra chơi của riêng mình .