Tình cờ trong một chuyến công tác ghé thăm Bạc Liêu, vùng quê biển mặn mòi tình đất tình người, tôi được tham dự Ngày thơ Việt Nam, lần thứ V do Hội Văn học–Nghệ thuật kết hợp với Sở Văn hóa–Thông tin và Đài truyền hình Bạc Liêu tổ chức. Tôi thật sự được chứng kiến một lễ hội văn hóa đầy ý nghĩa dành riêng cho những người làm thơ và đông đảo bạn yêu thơ. Đặc biệt hơn là được nghe nhiều bài thơ hay của các tác giả địa phương. Bài “Dưới trăng” của tác giả Nguyễn Duy Hoàng là một trong những bài thơ mà dù chỉ nghe qua lần đầu, người đọc cũng bị hút chặt như đồng cảm cùng tác giả.
Ngay ớ đầu bài thơ, anh đã sử dụng thủ pháp so sánh. Trước anh cũng đã có nhiều tác giả sử dụng thủ pháp này: ở Hàn Mạc Tử là so sánh với trăng, ở Xuân Diệu là hoa,… còn ở Nguyễn Duy Hoàng là mây. Tôi không được chứng kiến giây phút thăng hoa ấy của tác giả, nhưng đoán biết người đẹp anh gặp lúc ấy chắc hẳn phải có mái tóc dài thật óng ả, bồng bềnh: “Mây và em… Sao giống nhau/ Cũng bồng bềnh, cũng làm anh nghiêng ngả”.
Anh hỏi cô gái hay chỉ hỏi bâng quơ: “Có bao giờ em ghen với thiên nhiên? Theo tôi câu này chưa thật đắt. Cô gái không cần gì phải ghen. Giá để thiên nhiên ghen với cô gái thì vẻ đẹp của giai nhân sẽ được tôn lên hơn. Ngày xưa, có phải chính Nguyễn Du đã để cho thiên nhiên ghen với vẻ đẹp của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều đó sao! Nếu có ghen thì ghen với sự vĩnh hằng của thiên nhiên mà thôi.
Đọc tiếp mấy câu sau mới rõ ý anh. Anh đang hỏi cô gái coi có bao giờ điên giống mình không. Bởi vì, chính anh mới thật sự là người đang ganh tỵ: “Anh – một gã điên/ Ghen với gió với trăng và cả nơi em đứng”. Tứ thơ này mới thật sự thuyết phục người đọc. Anh không điên một chút nào, bởi trong anh, bên cạnh một người làm báo, một nhà thơ, thì anh cũng chỉ là một thanh niên bình thường…
Không ghen sao được, khi thiên nhiên tưởng như vô tình là thế, hời hợt đến thế vẫn không thể thờ ơ cùng người đẹp: “Gió mơn trớn/ Còn trăng thì sáng quá!/ Chú cuội trên kia cũng len lén nhìn”. Chữ “len lén” dùng rất khéo, rất duyên, khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh một chàng trai tỉnh lẻ, lần đầu ra phố, bắt gặp, rồi “len lén” chiêm ngưỡng hình ảnh của giai nhân. Nếu là tôi, tôi sẽ không dùng “trăng sáng quá”, bởi “sáng” thì quá thường, “sáng” vẫn chỉ là trăng, chưa cân xứng với gió đã biết “mơn trớn”, chú cuội thì “len lén”. Giả sử: “Gió mơn trớn/ Còn trăng suồng sã quá” có vẻ như sẽ hợp lý hơn chăng? “Trăng vồ vập quá” cũng có thể dùng được.
Khi người đẹp dời gót ngọc thì cả không gian như chưng hửng. Sao nhìn dáng đi bồng bềnh mà “nhấp nháy”. Nhà thơ của chúng ta thì “ngơ ngác” như vừa đánh rơi mất vật quý… Cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ: “Em bước đi/ Huyền thoại bồng bềnh/ Sao nhấp nháy/ Còn anh thì ngơ ngác/ Không gian mờ xa/ Chú cuội ngồi gốc cây đa/ Còn anh ngồi giữa bao la… tiếc thầm!”. Giá mà dùng “ước thầm” theo tôi, sẽ chính xác hơn vì “tiếc” chỉ cho những gì đã có mà đánh mất, “ước” để kỳ vọng cho những gì chưa có!
Nhiều năm làm báo, Nguyễn Duy Hoàng đã có những góp nhặt, khám phá văn chương để hình thành nên phong cách riêng. Tôi rất thích câu anh chia sẻ “Làm báo và làm thơ cũng là nghề cầm viết, làm báo thì viết cho công chúng, làm thơ là viết cho trái tim”. Để bây giờ bạn yêu thơ mỗi khi đọc bài thơ này như còn cảm thấy trái tim run rẩy của anh.
Anh còn ví thơ anh như “cô gái quê, lần đầu tiên ra tỉnh”. Nếu đúng như anh nói thì gái quê có cái “duyên quê” rất riêng mà gái thị thành có khi không sánh nổi!
DƯỚI TRĂNG
Mây và em… Sao quá giống nhau
Cũng bồng bềnh, cũng làm anh nghiêng ngả
Gió đùa vai em
Gió luồn qua tóc
Có bao giờ em ghen với thiên nhiên?
Anh – một gã điên
Ghen với gió với trăng và cả nơi em đứng
Gió mơn trớn,
Còn trăng thì sáng quá!
Chú cuội trên kia cũng len lén nhìn.
Em bước đi
Huyền thoại bồng bềnh
Sao nhấp nháy
Còn anh thì ngơ ngác
Không gian mờ xa
Chú cuội ngồi gốc cây đa
Còn anh ngồi giữa bao la… tiếc thầm!
Nguyễn Duy Hoàng
Cần Thơ, 08 tháng 04 năm 2007